SẮC XUÂN... Ý XUÂN QUA MỘT SỐ MẨU THI THOẠI TRUNG QUỐC
SẮC XUÂN... Ý XUÂN
QUA MỘT SỐ MẨU THI THOẠI TRUNG QUỐC
(Sưu tầm, dịch, bình luận)
Giáo sư Tiến
sĩ Nguyễn Khắc Phí
ĐỘNG NHÂN XUÂN SẮC
BẤT TU ĐA
(Sắc xuân làm
rung động lòng người bất tất phải nhiều)
Một hôm, Vương An
Thạch (1021 - 1086) thấy một lùm cây thạch lựu trong vườn hoa phủ tể tướng :
cành lá um tùm nhưng trong cả lùm cây chỉ nở được một bông hoa đỏ thắm. Vương
An Thạch dừng bước, định thần chăm chú nhìn một lúc, trên mặt dần nở nụ cười
rồi cất lời ngâm sảng khoái :
Nùng lục tùng
trung hồng nhất điểm,
Động nhân xuân sắc bất tu đa !
(Một điểm hồng
trong lùm cây xanh thẫm,
Sắc xuân làm rung động lòng người bất tất phải nhiều)
Ít lâu sau, có
một đại thần muốn tuyển chọn hoạ sư. Ông triệu tập rất nhiều hoạ sĩ đến, yêu
cầu mỗi người căn cứ vào hai câu thơ nói trên của Vương An Thạch để vẽ một bức
hoạ. Trong căn nhà vẽ rộng lớn, từng hoạ sĩ trải giấy vẽ ra, tập trung tinh
thần cấu tứ rồi nắn nót tô tô, vẽ vẽ. Một chốc, đã xuất hiện nhiều bức vẽ đủ
màu sắc. Bức thì vẽ cảnh trăm chim đua hót, bức thì vẽ cảnh lá thắm hoa hồng,
đầy nhà như ngập sắc xuân. Vị đại thần đến gần từng bức ngắm nghía nhưng rồi
lại lắc đầu bỏ đi. Khi đến trước bức phác hoạ cảnh liễu rủ mành phơ phất, bất
giác ông ta đứng lại. Quan sát kỹ thì thấy dưới ánh dương liễu xanh rờn, xa xa
ẩn hiện một toà lầu cao, trên lầu có một thiếu nữ xinh đẹp đang đứng tựa lan
can nhìn về phía xa, môi nàng nổi bật lên như một điểm đỏ hồng. "Đây chính
là tuyệt tác rồi !", vị đại thần buột miệng khen, "bức hoạ đã thể
hiện rõ nét nhất hàm nghĩa thâm thuý của hai câu thơ của Vương Hình Công
!".
(Theo Cổ đại thi từ cố sự,
Thượng Hải từ thư xuất bản xã,
Thượng Hải, 1993, tr. 178-179)
Lời bình
Có thể xem đây là
một ví dụ điển hình nói lên mối quan hệ giữa thơ và hoạ trong lịch sử văn hoá
nghệ thuật Trung Hoa.
XUÂN GIANG THUỶ
NOÃN ÁP TIÊN TRI
(Sông xuân nước ấm, vịt biết đầu tiên)
Quan kiểm thảo ở
Tiên Sơn là Mao Kỳ Linh vốn chẳng thích gì
Tô Đông Pha (1037 - 1101). Lúc ở Kinh đô, có lần Uông Quý Dụng đọc lên bài
tuyệt cú sau đây của Tô Đông Pha :
Trúc ngoại đào
hoa tam lưỡng chi,
Xuân giang thuỷ noãn áp tiên tri.
Uỳ cao mãn địa lô nha đoản,
Chính thị hà đồn dục thướng thời (thì).
(Ngoài giậu trúc,
vài ba nhánh hoa đào,
Sông xuân nước ấm, vịt biết đầu tiên.
Cỏ khô phủ khắp mặt đất, mầm lau mới nhú,
Ấy chính là lúc đàn cá lợn muốn nhô lên mặt nước).
rồi hỏi Mao Kỳ Linh : "Thơ như thế
mà vẫn có thể bảo là không hay ư ?". Mao bực bội bảo : "Ngỗng cũng
biết trước tiên, sao lại chỉ nói vịt ?". Mọi người nghe đều ôm bụng
cười vang.
(Theo Đái Kinh
Đường thi thoại
của Vương Sĩ Trinh (1634 - 1711)
đời Thanh)
Lời bình
Đây là bài thơ
của Tô Đông Pha, nhà thơ lớn nhất đời Tống, đề lên bức hoạ Cảnh chiều xuân
trên sông của nhà sư Huệ Sùng. Bức hoạ vẽ một đàn vịt bồng bềnh trên mặt
nước. Khi đã định kiến thì có thể bất chấp sự thật, chẳng những đánh giá sự
việc không đúng mà nhiều khi còn làm trò cười cho thiên hạ !
THẦY MỘT CHỮ (nhất tự sư) của hai bài thơ
tả Tảo mai
1. Hoà thượng Tề
Kỷ (864 - 937) đời Đường rất thích làm thơ. Một ngày đông, xúc cảnh sinh tình,
hoà thượng viết một bài thơ nhan đề là Tảo mai (Mai nở sớm) :
Vạn mộc đống dục
chiết,
Cô căn noãn độc hồi.
Tiền thôn thâm tuyết lý,
Tạc dạ sổ chi khai.
Phong đệ u hương xuất,
Cầm khuy tố diễm lai.
Minh niên như ứng luật,
Tiên phát Vọng Xuân đài.
(Hàng vạn cây
lạnh cóng gần như sắp gãy gục,
Chỉ riêng ở một gốc, hơi ấm đã quay về.
Thôn trước chìm trong tuyết âm u,
Đêm qua một vài cành hoa nở.
Gió truyền đi hương thơm kín đáo,
Chim đã nhìn trộm thấy vẻ đẹp trắng trong trở lại,
Sang năm cứ theo luật tạo hoá,
Mà nở trước ở Vọng Xuân đài).
Đọc đi ngâm lại,
hoà thượng vô cùng vui thích. Muốn cho bài thơ hay hơn, hoà thượng đã mang đến
gặp bạn thơ là Trịnh Cốc (851 - 910) để xin chỉ giáo.
Trịnh Cốc rất cao
hứng khi thấy bạn đến thăm. Tề Kỷ nói rõ ý định và đưa bài thơ tâm đắc ra.
Trịnh Cốc đọc, ngâm chầm chậm, nghiền ngẫm ý vị rồi cuối cùng bảo : "Bài
thơ khá hay song nếu sửa được một chữ thì sẽ trở thành giai tác hiếm
thấy". Tề Kỷ vội hỏi : "Sửa chữ nào ?". "Tạc dạ sổ chi
khai, sao chẳng sửa chữ sổ (một vài) thành chữ nhất (một). Vì đề
thơ là Tảo mai nên cả bài thơ phải làm nổi bật ý của chữ tảo".
Chưa hiểu hết ý của Trịnh Cốc, Tề Kỷ đang trầm ngâm suy nghĩ thì Trịnh Cốc giải
thích tiếp : "Tiền thôn thâm tuyết lý, Tạc dạ sổ chi khai thì tuồng
như hoa nở đầy cành rồi, sao có thể gọi là tảo (sớm) được ? Sửa thành Tạc dạ
nhất chi khai thì nói rõ được tình trạng muôn hoa còn chưa nở mà chỉ mới
độc có một cành nở thôi, thế mới xứng gọi là tảo mai chứ !". Tề Kỷ
bỗng hiểu ra, vội chắp tay nói : "Cao kiến ! Cao kiến !".
Người đời sau gọi
Trịnh Cốc là "Thầy một chữ" của Tề Kỷ và bài thơ Tảo mai cũng
nhân đó mà được lưu truyền rộng rãi.
(Theo Cổ đại thi từ cố sự,
Sđd, tr.142 - 143)
Lời bình
Ở Trung Quốc, mai
nở vào cuối đông hoặc đầu xuân, tức nở trước những loài hoa khác, do đó thường
được xem là sứ giả báo tin xuân. Mai gắn với mùa xuân tới mức khi nói
"một nhành xuân" (nhất chi xuân) thì có nghĩa là "một
nhành mai" (nhất chi mai) ; cũng như cúc gắn với mùa thu tới mức
khi nói "một nhành thu" thì có nghĩa là "một nhành cúc".
Thời tiết khắc nghiệt mà mai vẫn nở, thường lại nở nơi hiểm trở cheo leo sườn
núi, sắc mai trắng muốt (tất nhiên trừ hồng mai), hương thơm lại kín đáo
nhẹ nhàng nên mai còn tượng trưng cho nhiều phẩm chất cao quý khác như trinh
tiết, kiên trinh, bất khuất,... Mai đã quý, Tảo mai lại càng quý vì đóng
vai trò tiên phong báo hiệu mùa xuân, báo hiệu tương lai, báo hiệu mọi
sự sinh sôi phát triển của muôn loài.
Với việc góp ý một
chữ mà nâng cao hẳn chất lượng một bài thơ, Trịnh Cốc là nhà thơ đầu tiên
của Trung Quốc được phong danh hiệu Nhất tự sư ! Vọng Lâu đài là toà lâu
đài được xây dựng đầu đời Đường, trên núi Long Thủ ở phía đông thủ đô Trường
An, nơi một số quan lại và trạng nguyên có thể gặp thiên tử. Tề Kỷ là hoà
thượng song qua câu kết của bài thơ, ta vẫn thấy ở ông còn ấp ủ tinh thần nhập
thế, thậm chí cả hoài bão tiến thân không nhỏ !
2. Trương Kiết
Hiên có câu thơ :
Bán cao lưu thuỷ
dạ lai vũ,
Nhất thụ tảo mai hà xứ xuân ?
(Nước chảy sâu
nửa con sào : trận mưa đêm qua,
Một cây mai nở sớm, xuân ở nơi nào ?)
Nguyên Hảo Vấn (1190 - 1257) xem xong, bảo : "Rằng
hay thì thật là hay song có chỗ chưa ổn. Đã nói một cây sao lại còn có
thể hỏi nơi nào ? Chẳng bằng sửa nhất thụ thành kỷ điểm
(mai nở sớm ở một vài nơi), đọc xong, người đọc sẽ cảm thấy dường như ý xuân
đang di động, tuôn chảy.
(Theo Hàn Sảnh thi thoại
của Cố Tự Lập, 1669 - 1722, đời Thanh)
Lời bình
Cho hay, tuỳ văn
cảnh, một chữ có thể mang nhiều hàm nghĩa khác nhau. Nếu ở trên, Trịnh Cốc
khuyên Tề Kỷ sửa chữ sổ (nghĩa cũng gần chữ kỷ thành chữ nhất
thì ở đây, ngược lại, Nguyên Hảo Vấn lại khuyên Trương Kiết Hiên sửa chữ nhất
thành chữ kỷ)
HỒNG HẠNH CHI ĐẦU
XUÂN Ý NÁO
(Ý xuân náo động đầu cành hoa hồng hạnh)
Một buổi chiều,
thượng thư Tống Tử Kinh (998 - 1065) đọc bài từ viết theo điệu Thiên
tiên tử của Trương Tiên (990 - 1078), thích thú không nỡ rời tay,
đặc biệt là câu Vân phá nguyệt lai hoa lộng ảnh (Mây tan trăng ló hoa
đùa dỡn bóng). Ông khen không ngớt lời và nghĩ rằng chẳng trách mọi người đều
tôn xưng Trương Tiên là Lang trung "Vân phá nguyệt lai hoa lộng ảnh".
Gần như cùng lúc,
cũng vào một buổi chiều, Lang trung Trương Tiên thích thú đọc bài từ
viết theo điệu Ngọc lâu xuân của Tống Tử Kinh.
Ông luôn miệng khen ngợi, đặc biệt là câu Hồng hạnh chi đầu xuân ý náo.
Khi đọc câu đó, ông đã phải vỗ mạnh xuống bàn và nói : "Tuyệt ! Tuyệt
!", ông cũng nghĩ tại sao lại không thể tôn xưng Tống Tử Kinh là thượng
thư "Hồng hạnh chi đầu xuân ý náo" ?
Một hôm, Tống Tử
Kinh đến thăm Trương Tiên. Vào cửa, ông nhờ người báo : "Có thượng thư
muốn được vào bái kiến Lang trung Vân phá nguyệt lai hoa lộng ảnh
!" - "Khách có phải là thượng thư Hồng hạnh chi đầu xuân ý náo
không ?", Trương Tiên đứng sau bức bình phong hỏi lớn. Câu hỏi thật khéo
phù hợp !
Nghe hỏi thế,
Tống Tử Kinh vô cùng sung sướng đáp : "Thưa vâng, thưa vâng !".
Trương Tiên thân ra đón rồi bảo dọn tiệc khoản đãi. Trong buổi tiệc, hai người
đàm luận thơ văn, rất ý hợp tâm đầu. Trương Tiên khen : "Câu thơ Hồng hạnh chi đầu xuân ý náo của Thượng thư
thật là thiên cổ tuyệt xướng ! Chỉ có một chữ náo đã lột tả được hết
thần thái của cảnh tượng hoa hồng hạnh giành lạ giật đẹp, trăm hoa đua tươi,
chim chóc ríu rít. Không rõ lúc bấy giờ ngài đã nghĩ ra được câu thơ đó như thế
nào ?". Hớp một ngụm rượu, thượng thư trả lời thích thú : "Người sống
ở đời, gian khổ lập nghiệp, thời gian vui sướng chẳng được mấy lúc. Ngày hôm
ấy, gặp dịp cùng bạn bè du ngoạn, chúng tôi vừa chèo thuyền, vừa giỡn sóng, đi
đến vùng phía đông thành (Khai Phong) có hoa hồng hạnh đầy cành, có liễu dương
rủ mành như khói phủ, chúng tôi thả cửa nói cười huyên náo, uống rượu ngâm thơ
giữa cảnh hoa thơm, chim hót, ong bay, bướm lượn. Và thế là tôi đã ngâm lên bài
từ viết theo điệu Ngọc lâu xuân :
Đông thành tiệm
giác phong quang hảo,
Hộc sô ba văn nghênh khách trạo.
Lục dương yên ngoại hiểu hàn khinh,
Hồng hạnh chi đầu xuân ý náo.
Phù sinh trường hận hoan ngu thiểu,
Khẳng ái thiên kim khinh nhất tiếu.
Vị quân trì tửu khuyến tà dương,
Thả hướng hoa gian lưu vãn chiếu.(Dần cảm thấy quang cảnh phía đông thành thật là đẹp :
Sóng nước lăn tăn đón mái chèo của khách,
Sáng sớm còn hơi lành lạnh ngoài làn dương liễu rủ mành
như khói phủ,
Ý xuân náo động đầu cành hoa hồng hạnh.
Kiếp phù sinh cứ giận mãi ít lúc được hoan hỷ mừng vui,
Lẽ nào lại tiếc nghìn vàng xem nhẹ một tiếng cười
(mà không dám mua ?)
Xin vì anh dâng rượu khuyên ánh tà dương,
Hãy lưu lại những tia nắng cuối cùng cho
vùng hoa thắm !)
Tôi quả đã rút
hết ruột gan vì chữ náo đấy !". Trương Tiên hả hê cười lớn :
"Chính chữ đó đã lột tả được một cách chuẩn xác nhất tâm cảnh của con
người và ý cảnh của mùa xuân !".
(Theo Cổ đại thi từ cố sự,
Sđd, tr. 171 - 172)
Lời bình
Nhiều bạn đọc
Việt Nam rất thích hai câu thơ tả cảnh xuân đầy sức sống của nhà thơ Diệp Thích
(1150 - 1223) đời Tống :
Xuân sắc mãn viên
quan bất trú,
Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai.
(Xuân sắc đầy
vườn giam chẳng nổi,
Một nhành hồng hạnh vọt qua tường).
Song ở Trung Quốc, khi nói đến việc dùng hoa hồng hạnh để
tả cảnh xuân thì câu Hồng hạnh chi đầu xuân ý náo của Tống Tử Kinh đã
được xếp đầu bảng. Người ta đề cao tới mức đã gắn câu thơ ấy với chức vụ Nhà
nước của nhà thơ ! (Về sau, người ta gọi tắt là Thượng thư Hồng hạnh).
Nửa phần sau của
bài từ ít nhiều có phảng phất tình điệu bi quan, hưởng lạc, song hầu hết
các nhà nghiên cứu đều nhất trí cho rằng âm hưởng chủ đạo của tác phẩm vẫn là
lạc quan, lành mạnh, thấm đượm một tinh thần yêu đời, yêu thiên nhiên và cuộc
sống tha thiết.
NKP