BÀI THI KỆ TRƯỚC KHI TỊCH CỦA THIỀN SƯ HƯƠNG HẢI – Lê Anh Dũng

 

BÀI THI  KỆ TRƯỚC KHI TỊCH CỦA THIỀN SƯ HƯƠNG HẢI

                                                                                                       Lê Anh Dũng

Thiền sư, nhà thơ Hương Hải có gốc Tổ tiên ở Nghi Lộc, Nghệ An, sinh năm Mậu Thìn 1628, sống ở làng Bình An Thượng thuộc phủ Thăng Hoa, nay là huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. . Vốn thông minh, hiếu học ngay từ nhỏ nên năm 18 tuổi, ông đã đỗ Cử nhân, được bổ nhiệm Văn chức trong phủ chúa Nguyễn Phúc Lan.

Năm 1652, ông được bổ làm Tri phủ Triệu Phong ( Quảng Trị). Hâm mộ Phật pháp, ông tìm học đạo với Viên Cảnh, thiền sư Trung Hoa, sau đó  năm 1655, ông từ quan theo học thiền sư Đại Thâm Viên Khoan, rồi cùng một số đệ tử dong thuyền ra tu ở Cù Lao Chàm, Hội An.

Gặp chướng ngại bởi địa phương, sư về lại làng cũ cất am tu tập. Qua sự tha thiết thỉnh cầu của dân chúng ngoài đảo, sư  ra lại và trụ trì 8 năm ở đây. Đức hạnh loan truyền.sư còn được các chúa vời giúp cầu an, cầu siêu và giáo hóa dân chúng nhiều nơi.

Năm  Ất Mùi 1715, đời vua Lê Dụ Tông,  sáng ngày 15 tháng 5, Ngài tịch trong phong thái kiết già để lại bài thi kệ như sau:

Thời đương bát thập bát

Hốt nhiên đăng tọa thoát

Hữu lai diệc hữu khứ

Vô tư diệc vô hoạt

 

Pháp tính đẳng hư không

Sắc thân như bảo mạt

Đông Độ ly ta bà

Tây Phương liên ngạc pháp

 Dịch nghĩa:

Tuổi đương tám mươi tám

Tọa thoát tự nhiên bỗng

Có đến cũng có đi

Không chết cũng không sống

 

Pháp tính giống hư không

Sắc thân như bọt mọn

Đông Độ rời ta bà

Tây Phương đài sen đón

 

Dịch thơ ( Lê Anh Dũng)

 

Tám mươi tám tuổi đang đương

Bỗng nhiên ngồi thoát vô thường tự khi

Có đến, ắt cũng có đi

Không chết không sống có gì phải mong

 

Pháp tính có có không không

Xác thân như bọt như bông vô thường

Rời ta bà, Đông Độ vương

Đài sen ở cõi Tây phương đón chào

 

Thiền sư Hương Hải qua nhiều thăng trầm trong đời sống và tu tập, cuối đời việc tu tập, việc Phật mới viên thành, đắc quả. Trước sinh lão bệnh tử, nhất là tử, Ngài thấy nhẹ như không, tự đến một cách bất ngờ như không báo trước: Ngài xác định tuổi thượng thọ của mình là 88 tuổi “  Tám mươi tám tuổi đang đương”. Rồi cái chết bỗng đến nhẹ nhàng khi đang ngồi thiền, tự nhiên như nhiên “Bỗng nhiên ngồi thoát vô thường tự khi”.

Ngài không chờ cái chết, nhẹ như ngọn gió hơi thở, gió tắt, hơi thở dừng, là đi, là tịch. Ngài đã quán ngộ như một quy luật tự nhiên “ Có đến, ắt cũng có đi” vừa nhân quả vừa vô thường “ Không chết, không sống có gì phải mong”. Người tu hành thâm thúy, sâu sắc và trả nghiệm mới thấy được cái việc sống-chết như kinh Bát Nhã “ Bất sinh bất diệt, bất cấu, bất tịnh ( Thảy điều chẳng diệt chẳng sanh/ Chẳng nhơ chẳng sạch chẳng tăng giảm gì)

`Trong Phật giáo, cái thực chính là pháp, có thể tính gọi là hữu pháp. Ngay cả pháp tính, tức là  chân lý, thiện pháp, đối với thiền Đông Độ nó cũng là hư không “ Pháp tính có có không không” vì với người chân tu thì quán được “ Xác thân như bọt như bông vô thường.  Nó như một cõi tạm giữa chốn ta bà, giữa cõi vũ trụ bao la, trời đất vô cùng.

Người chân tu lên đến bậc thiền sư như Ngài Hương Hải thì khi đạt bậc thiền cao, thiền sâu và đạt quả sẽ biết được khi rời cõi tạm chốn ta bà tham sân si, hỉ nộ, ái ố thì sẽ về được cõi thiền Đông Đọ và chắc chắn rằng hoa sen chin phẩm sẽ chào đón mình ở Tây Phương cực lạc.

Lời nói, hoặc lời trối trăng của người trước khi mất là lời chân thật nhất,  tâm huyết nhất đúc kết gan ruột những gì muốn gửi gắm,nhắc nhở cho người thân thiết hoặc đời sau. Những sĩ phu, chí sĩ trung quân, ái quốc, thương dân, trước khi ra pháp trường, để lại thơ tuyệt mệnh ủy thác lời máu xương cho đồng môn, hậu bối, hoặc nghĩa sĩ thường là những lời đau đáu, thống thiết sinh tử nhằm tránh những hạn chế, sai trái, lỗi lầm di hại cho đời sau, để phục hồi, gây dựng phong trào, sống tiếp, sống tốt hơn cho người đã mất, đã hi sinh.  Huống chi thi kệ của một bậc chân tu của một thiền sư trước khi tịch là tinh túy, đúc rút về đường tu tập, hành đạo thực nghiệm, trải nghiệm của mình cho đồng môn, đồng tu và đệ tử cái lẽ tất nhiện của người rốt ráo tu tập là byuong xcar hết mọi tham sân si, có từ bi, trí tuệ, tinh tấn, khi qua đời chắc chắn sẽ được về cảnh giới Phật, là được siêu thoát vãng sanh về miền an lạc quốc.

Như vậy thiền sư Hương Hải đã rất thong dong, ung dung, tự tại,an nhiên như nhiên để đón đợi cái quy luật sinh lão, bệnh, tử. Và biết rằng chểt không phải là hết mà là sự tái sinh, hóa thân vào một cõi khác, không chút nào sợ sệt, không bợn chút lo âu của luân hồi sinh tử, sau khi chết mình sẽ về đâu, không phải đầu thai kiếp khác, hay làm ngọa quỷ, hay lên cõi người, cõi Thánh, cõi Thần, cõi Tiên, mà được giải thoát chắc chắn về cõi Phật, cõi Tây Phương cực lạc, Niết Bàn.

Bài thi kệ, thiền sư quán được tính vô thường, tính sắc sắc không không của Bát Nhã tâm kinh, coi cái chết cái sống, cái có cái không đều trở nên vô thường, nó tự nhiên như nhiên của người tuổi đại thượng thọ, của người chân tu, minh sư ắt sẽ nhận được như nó vốn có, vốn không.

Còn chúng ta, qua đây cũng nên quán được tinh thần: Thiên đường mở lỗi không ai ghé. Đại ngục then cài lắm khách thăm. Nôm na hiểu rằng, khi ra ôm chặt cái tham lam, sân hận, si mê thì chính là ôm cửa địa ngục, còn ta biết buông xả nó, lo tu tập từ bi, hỉ xả, tinh tấn, trí tuệ thì sẽ được giải thoát về cõi thiên đường ngay trên mặt đất, ngay trong đời sống hiện tại, hôm nay, chứ không phải tìm kiếm đâu xa.

                                                                                       L.A.D (29.5.2-23)

* Đại tá, nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử,

 Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương

                                                       Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam

Địa chỉ: 79 Hoàng Sĩ Khải, An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng Đt: 0983143079