ĐƯỜNG THI LÊ THIẾU DĨNH TRONG BỐI CẢNH VĂN HÓA ĐẠI VIỆT THẾ kỷ XV – PGS TS Hữu Sơn

 

   ĐƯỜNG THI LÊ THIẾU DĨNH

TRONG BỐI CẢNH VĂN HÓA ĐẠI VIỆT THẾ KỶ XV

 

                            PGS Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn    (Viện Văn học)

 

Lê Thiếu Dĩnh (thế kỷ XV), tự Tử Kỳ, hiệu Tiết Trai, tổ tiên người làng Lão Lạt, huyện Thuần Lộc, phủ Thanh Hoa (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa); sau định cư nhiều đời ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Cha là Lê Cảnh Tuân (?-1416?), từng đỗ  Thái học sinh khoa Tân Dậu (1381), sau mưu chống giặc Minh nên bị bắt sang Yên Kinh (Trung Quốc). Bản thân Lê Thiếu Dĩnh một thời cũng phải chạy trốn giặc Minh. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ngay dưới triều Lê Thái Tổ, từ tháng 11 năm Đinh Mùi (1427), ông đang là Hàn lâm đãi chế đã được bổ chức Thẩm hình viện sứ. Đương khi quân Minh vừa rút về nước, ông vâng mệnh vua đi sứ trần tình và cầu phong, đến Yên Kinh được vua Minh ban áo vóc hoa, tiền giấy. Khi trở về được thăng chức Thiêm tri Thẩm hình viện. Sau ông can tội tham tang, bị bãi chức về làm dân, suốt đời không được bổ dụng. Vào năm Kỷ Tị (1449), lại được cử làm Giáo thụ phủ Tam Đới, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc[1]. Có thuyết nói vì việc can gián liên quan đến vụ án Trần Nguyên Hãn trái ý vua, ông từng bị giáng chức xuống Hoàng ngoại lang Bộ Lễ[2]

Về sự nghiệp thơ văn, Lê Thiếu Dĩnh có sáng tác Tiết Trai tập nhưng đã thất truyền. Trần Văn Giáp xác định: “Tác phẩm của ông có Tiết Trai thi tập (Văn) và 13 bài thơ (văn) chép ở Toàn Việt thi lục[3] trong các sách Trích diễm thi tập (Hoàng Đức Lương) và (Lê Quý Đôn), chủ yếu thuộc hai thể thất tuyệt và ngũ tuyệt. Bùi Duy Tân nhận định khái quát thơ Lê Thiếu Dĩnh: “Thơ ông chuộng giản dị, cổ kính, lời ý sâu xa”[4].

Thơ Lê Thiếu Dĩnh in đậm dấu ấn tâm sự của một người gắn bó với thời cuộc, chịu sự chi phối của hoàn cảnh một thời loạn lạc. Ông thể hiện tâm trạng bi thương đau xót vì nỗi phải xa quê, tha phương không cửa không nhà trong bài thơ Từ gia (Từ biệt gia đình). Ông nuôi chí lớn nhưng vẫn khắc khoải những vui buồn và trạnh lòng nhớ về người cha, rộng hơn là nỗi nhớ cố hương:

                   Đồ Nam chí dục phản Trang côn,

                   Khởi ý phong trần động khách hồn.

                   Kiều mộc cố gia hà xứ tại?

                   Mai hoa ảnh lý nhật hoàng hôn.

     (Tị loạn hoài hương)

          (Nuôi chí cao xa như cá côn họ Trang vượt bể Nam,

          Cái ý phong trần đã động lòng khách.

          Đâu rồi kiều mộc nơi quê nhà?

          Hoa mai rủ bóng theo ánh chiều tà)[5]

(Tránh loạn nhớ quê hương)

Sau chiến tranh ông trở lại miền quê cũ. Người xưa cảnh cũ và thực tại hôm nay khiến lòng ông xao xuyến. Trên tất cả, ông ngậm ngùi vì nghiệp lớn chưa được như ý và ngỡ ngàng với chuyện mưu sinh:

                   Mỗ khâu mỗ thủy cựu hương lư,

                   Tiên trủng qui lai bái tảo sơ.

                   Tang tử niên thâm do ốc nhược,

                   Tùng thu thụ lão dĩ sâm như.

                   Xuân quang mạn nhĩ xâm xâm khứ,

                   Sự nghiệp phiên thành đốt đốt thư.

                   Mạn tiếu sinh nhai đô tảo tận,

                   Nhất đan tâm ngoại cánh vô dư.

(Trạch thôn cố viên)

          (Gò đất này dòng nước nọ là cảnh cũ xóm làng,

          Mồ mả tổ tiên mới về thăm viếng sửa sang xong.

          Cây dâu, cây thị lâu năm vẫn còn xanh tốt,

          Gốc tùng, gốc thu đã già vẫn còn rườm rà.

          Ngày xuân vẫn cứ thấm thoát trôi qua,

          Sự nghiệp chỉ còn biết viết mấy chữ “Chà chà việc lạ”.

          Bật cười vì mọi kế sinh nhai đều bị quét sạch,

          Ngoài tấm lòng son ra không còn chút gì khác)

         (Vườn cũ ở thôn Trạch)

Tương tự với những người đồng thời như Lý Tử Cấu, Nguyễn Húc, Nguyễn Thiên Túng, Nguyễn Thì Trung,… Lê Thiếu Dĩnh không đứng ở dòng chảy trung tâm của cuộc kháng chiến chống quân Minh nên ít nhiều có cảm giác cuộc chiến tranh đã làm ông hóa thành kẻ lỡ vận. Ông cảm thấy chí hướng không thành và tiếc nuối quãng thời gian đã qua đi:

                   Phí ngã ân cần độc cổ thư,

                   Trần trung lãng khởi thập niên dư.

                   Chỉ kim hựu tác kinh hoa khách,

                   Quá nhãn tam đông ngọa thảo lư.

(Đông dạ thán)

          (Luống phí công ta miệt mài đọc sách xưa,

          Trong trần ai, trôi nổi đã quá mười năm rồi.

          Đến nay mới lại làm khách đất kinh kỳ,

          Phút chốc đã ba đông nằm nơi lều cỏ)

(Than đêm đông)

Khác với nhiều thi nhân nhà nho thường có thơ bày tỏ chí hướng trung quân ái quốc, khuông phò vương triều và sự khẳng định con người chức năng phận vị thì Lê Thiếu Dĩnh lại thiên về ly tâm chính thống, bộc lộ rõ nét những vui buồn thế sự. Một mặt ông tự an ủi, tự bằng lòng với chính mình, tự coi mình như hoa lan trên núi, đứng cao và đứng trên thói tục:

                    Mỹ chất sinh lai dị chúng phương,

                   Hoang trăn ly xứ hựu hà thương.

                   Mạc hiềm u cốc vô nhân bội,

                   Chúng bất hương thì dã tự hương.

(Bào sơn lan)

          (Do chất tốt nên vốn khác với mọi thứ hoa thơm khác,

          Dù mọc nơi hoang dại vẫn chẳng ảnh hưởng gì.

          Chẳng hiềm ở nơi góc tối không giữ được mình,

          Mặc chúng không thơm, riêng mình vẫn ngát hương)

(Hoa lan núi Bào)

Khi khác, mượn câu chuyện gái già bị vua ruồng bỏ, Lê Thiếu Dĩnh xa gần muốn bộc lộ nỗi niềm riêng tư. Ở đây có cả hàm ý trách giận nhà vua “có mới nới cũ” và cả nguồn cảm hứng chua chát mỉa mai cảnh ngộ người “cố đấm ăn xôi” mãi vẫn lầm lẫn đợi chờ ơn vua:

                   Tân hoa hoàn hướng lạc hoa khai,

                   Đắc sủng nguyên tòng thất sủng lai.

                   Vị hứa quân ân trung đạo tuyệt,

                   Thả tương chỉ phấn cưỡng an bài.

(Cung từ)

          (Hoa mới được nở ra, vì hoa cũ bị rơi rụng,

          Người này được thương yêu, vì người kia bị ruồng bỏ.

          Không để ơn vua nửa chừng đứt đoạn,

          Nên hãy đem son phấn gượng điểm tô)[6]

(Lời người cung nhân)

Đi xa hơn, cũng có lúc Lê Thiếu Dĩnh buông một tiếng cười nhẹ nhàng ý vị. Đặt mình trong tâm trạng người thiếu phụ xa chồng, ông cực tả nỗi khát khao của người vợ trong đêm cô quạnh và những ước mong thầm kín. Nàng sống trong tâm trạng đầy nghịch lý, muốn quên đi thực tại ánh ngày và mong được tan hòa giữa bóng đêm, nối dài giấc mơ hạnh phúc hư ảo. Có thể coi đây là sự bộc lộ sắc nét tiếng nói trữ tình, một trong những tứ thơ lạ giữa điệp trùng giáo lý:

                   Đông hàn nhật khổ đoản,

                   Nhật đoản dạ nhược tràng.

                   Nguyện dạ bất nguyện nhật,

                   Dạ mộng chí quân bàng.

(Cổ ý)

          (Mùa đông rét nhưng hiềm ngày ngắn,

          Ngày ngắn nhưng đêm sao dài!

          Thích đêm chẳng thích ngày,

          Vì để đêm mằm mơ đến bên anh)[7]

(Ý xưa)

Theo một con đường khác, Lê Thiếu Dĩnh tìm đến cảnh chùa như tìm về chốn di dưỡng tâm tính và giải tỏa mọi ưu sầu thế sự. Lên thăm chùa nhưng chỉ thấy lắng đọng tiếng mõ trưa hư thực giữa núi rừng thanh vắng. Một tiếng mõ trưa khua động lòng người, thức tỉnh cả không gian mây trắng:

                   Hiểu khỏa cao sơn thử nhất đăng,

                   Thủ môn la tiết nhiếp tằng tằng.

                   Bạch vân già đoạn bất kiến tự,

                   Ngọ phạn sổ thanh tri hữu tăng.

(Sơn tự)

          Sớm nay một chuyến trèo lên núi cao,

          Từng tầng một tay bám dây leo leo lêm.

          Mây trắng thành đám che chẳng thấy chùa,

Trưa nghe vài tiếng chuông chùa mới biết có sư[8].

(Chùa trên núi)

Trong tâm thế người đến với cõi Phật nhưng nhà nho Lê Thiếu Dĩnh không cầu giáo lý, không tìm đường thoát tục. Ông gián cách với cõi đời và hòa nhập trong vẻ đẹp của mây trời, non nước. Nhà sư cũng đi vắng đâu rồi, chỉ còn nỗi bâng khuâng và niềm trắc ẩn, luyến tiếc, khát khao tìm đợi con người giữa thiên nhiên thanh sạch:

                   Sơn thâm thanh giản khiết,

                   Tự cổ bạch vân nhàn.

                   Khách chí vô tăng thoại,

                   Tùng phong tự khải quan.

(Lễ Đễ sơn tự)

          (Ngọn núi sâu, khe trong vắng vẻ,

          Ngôi chùa cổ, mây trắng lững lờ.

          Khách đến thăm cảnh, sư không trò chuyện,

          Làn gió tùng tự mở cửa chùa)[9]

(Chùa núi Lễ Đễ)

Có thể thấy tiếng thơ Lê Thiếu Dĩnh đã khác xa so với dòng thơ văn hướng về Phật giáo thời Lý – Trần. Trong xu thế Nho giáo hóa và bối cảnh đất nước bị giặc Minh xâm lược, ông đã kịp thời tham dự công cuộc khôi phục và xây dựng đế chế thời hậu chiến, tham gia triều chính, nội trị, ngoại giao. Trên phương diện nghệ thuật sáng tác thơ chữ Hán Đường luật, ông sở trường cả về thơ thất ngôn và tứ tuyệt. Điều đặc biệt là thơ chữ Hán của ông tập trung hướng về cuộc sống đời thường, thể hiện tâm sự riêng, không nặng về tụng ca vương triều, thánh đế và hầu như hiếm dùng điển tích, từ ngữ khoa trương.

Lê Thiếu Dĩnh sống và sáng tác chủ yếu vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XV. Ông không dự hàng khai quốc công thần nhưng đã có những đóng góp quan trọng thời kỳ hậu chiến. Tiếng thơ của ông phản ánh tâm sự của tầng lớp nho sĩ giữa thời Nho giáo đang lên, đất nước đang dần ổn định. Xu thế ly tâm trong thơ ông bộc lộ sâu sắc niềm tâm sự riêng trước tất cả những ngổn ngang của đời sống tinh thần và xã hội đang cần được củng cố, phát triển. Ghi nhận đóng góp của nhà văn hóa Lê Thiếu Dĩnh, một đường phố ở thành phố Thanh Hóa đã được mang tên ông.

 

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Tồn Am Bùi Huy Bích: “Lê Thiếu Dĩnh”, Hoàng Việt thi tuyển (Bản dịch). Nxb. Văn học, Hà Nội, 2007, tr.408-414.

[2] Nguyễn Huệ Chi: “Lê Thiếu Dĩnh”, Từ điển văn học (Bộ mới). Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2004.

[3] Lê Thiếu Dĩnh: Tổng tập văn học Việt Nam, Tập IV (Bùi Văn Nguyên chủ biên). Tái bản. Nxb. KHXH, Hà Nội, 2000.

[4] Trần Văn Giáp (Chủ biên): “Lê Thiếu Dĩnh (Thế kỷ XV”, Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tập I. Nxb. Sử học, Hà Nội, 1962

[5] Bùi Văn Nguyên (Chủ biên): “Lê Thiếu Dĩnh”, Tổng tập văn học Việt Nam, Tập IV. Tái bản. Nxb. KHXH, Hà Nội, 2000.

[6] Quốc sử quán triều Hậu Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II (Hoàng Văn Lâu dịch, chú thích; Hà Văn Tấn hiệu đính). Nxb. KHXH, Hà Nội, 1998.

[7] Bùi Duy Tân (Chủ biên): “Lê Thiếu Dĩnh (?-?”, Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (Thế kỷ X-XIX), Tập Một. Tái bản. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000.

                 Địa chỉ:   NGUYỄN HỮU SƠN

Viện Văn học, 20 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Tel: 0913031635. email:   lavson1059@gmail.com,

[1] Quốc sử quán triều Hậu Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II (Hoàng Văn Lâu dịch, chú thích; Hà Văn Tấn hiệu đính). Nxb. KHXH, Hà Nội, 1998, tr.281, 292, 294, 376.

[2] Nguyễn Huệ Chi: “Lê Thiếu Dĩnh”, Từ điển văn học (Bộ mới). Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2004, tr.835.

[3] Trần Văn Giáp (Chủ biên): “Lê Thiếu Dĩnh (Thế kỷ XV”, Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tập I. Nxb. Sử học, Hà Nội, 1962, tr.241.

[4] Bùi Duy Tân (Chủ biên): “Lê Thiếu Dĩnh (?-?”, Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (Thế kỷ X-XIX), Tập Một. Tái bản. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr.456.

 

[5] Lê Thiếu Dĩnh: “Tị loạn hoài hương”, Tổng tập văn học Việt Nam, Tập IV (Bùi Văn Nguyên chủ biên). Tái bản. Nxb. KHXH, Hà Nội, 2000, tr.273-274. Các trích dẫn thơ không ghi xuất xứ đều theo sách này.

[6] Lê Thiếu Dĩnh: “Cung từ”, Hoàng Việt thi tuyển (Tồn Am Bùi Huy Bích – Bản dịch). Nxb. Văn học, Hà Nội, 2007, tr.410-411.

 

[7] Lê Thiếu Dĩnh: “Cổ ý”, Hoàng Việt thi tuyển (Tồn Am Bùi Huy Bích – Bản dịch). Sđd, tr.413-414.

[8] Lê Thiếu Dĩnh: “Cổ ý”, Hoàng Việt thi tuyển (Tồn Am Bùi Huy Bích – Bản dịch). Sđd, tr.411-412.

[9] Lê Thiếu Dĩnh: “Cổ ý”, Hoàng Việt thi tuyển (Tồn Am Bùi Huy Bích – Bản dịch). Sđd, tr.408-409.