Cảm nhân về mùa xuân trong thơ Bác Hồ

 

Cảm nhận về mùa xuân trong thơ Hồ Chí Minh

 

Mùa xuân là mùa của sự sống, mùa của màu sắc tươi non mỡ màng nảy nở. Mùa xuân còn là mùa của những ngày lễ hội, mùa đẹp nhất của thiên nhiên cũng như con người. Thế nên chủ đề mùa xuân trong thơ ca luôn dạt dào vô tân. Và có lẽ nhà thơ nào cũng từng nói về xuân trong thơ mình. Hồ Chí Minh sinh thời không bao giờ tự nhận mình là nhà thơ song sáng tác của Người cũng dạt dào nguồn cảm hứng xuân ấy.

Bài thơ nói về cảnh mùa xuân quen thuôc mà ai cũng biết đến đó là Nguyên Tiêu:

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”

 

Bác nói về trăng mùa xuân. Mùa đẹp ấy không chỉ đẹp vào ban ngày mà nó còn đẹp khi đêm về nữa. Ánh trăng xuân sáng soi lấp lánh chiếu xuống cả dòng nước in hình của mình lên đó. Như thế thì không những trăng xuân mà sông cũng xuân nữa. Một từ xuân mà được lặp lại hai lần trong một câu thơ nhằm nhấn mạnh vẻ đẹp tuyệt vời của mùa xuân ấy. Trong không gian ấy Người và các cán bộ Đảng vẫn bàn bạc việc quân. Trăng như thể hiện sự soi tỏ của mình cho các chiến sĩ và Bác nhìn rõ và thấu đáo công việc hơn. Trăng là biểu tượng cao đẹp, sáng láng của tự do. Con thuyền bát ngát trăng cũng bát ngát niềm vui cao đẹp tin tưởng vào bình minh sáng rỡ của dân tộc. Có thể nói bài thơ mang phong vị của thơ Đường cũng có trăng xuân, chiếc thuyền nhỏ, sông nước lững lờ trôi đấy nhưng mà khác ở một chỗ người thưởng thức trăng kia không có rượu hoa để uống, không làm thơ mà lại bàn việc quân.

Hay mùa xuân còn được thể hiện trong bài thơ tự khuyên mình của Người:

“Nếu không có cảnh đông tàn

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân

Nghĩ mình trong bước gian truân

Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng.”

 

Ngày xuân ở đây là ngày của bình minh nắng sáng. Ánh nắng kia nhẹ nhàng tinh khôi mang đến sự sống cho tất cả cây cối sự vật đã như chết lặng trong mùa đông giá lạnh tàn úa. Nói đến mùa xuân là người ta liên tưởng đến sự sống. Trong bài thơ này nhà thơ dùng ngày xuân để tượng trưng cho một ngày mai tự do tươi sáng của toàn dân tộc Việt Nam. Bác tự khuyên mình con người sinh sống khổ đau hay sướng vui cũng giống như sự tuần hoàn của bốn mùa. Có mùa đông thì mới có mùa xuân. Có đau khổ buồn bực thì mới có hạnh phúc vui vầy. Nhân dân ta có đau đớn trong nô lệ nhưng vẫn quyết chí đấu tranh thì cũng đến một ngày được tự do tươi sáng. Thế nên là một vị lãnh tụ càng phải tự khuyên chính bản thân mình để rèn luyện tinh thần ý chí của mình vượt qua khó khăn đến ngày tự do tươi sáng.

Nếu như mùa xuân ở hai bài thơ trên mùa xuân gắn liền với công việc đất nước thì đến bài thơ tiết xuân mậu thân chỉ còn thi nhân với xuân và trăng. Việc quân đã xong, và tất cả sự vật đều chìm vào yên tĩnh:

“Tháng tư hoa nở một vườn đầy,

Tía tía hồng hồng đua sắc tươi.

Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá,

Hoàng oanh vút tận trời.

Trên trời mây đến rồi đi,

Miền Nam thắng trận báo về tin vui”.

 

Tháng tư là mùa xuân ở độ viên mãn đẹp đẽ nhất. Hoa nở một vườn đầy, nào màu tía, màu hồng màu nào cũng tươi. Mặc dù chiến tranh đang diễn ra ác liệt nhưng Bác vẫn ung dung tận hưởng được một cách trọn vẹn đầy đủ nhất. Điều đó chứng tỏ người là một vị lãnh tụ yêu thiên nhiên, muốn tận hưởng thiên nhiên, biết tính toán để vừa có thể hoàn thành việc quân lại vừa có thể thưởng thức bức tranh xuân tươi đẹp. Đồng thời thể hiện mùa xuân nước ta vô cùng đẹp.

Không chỉ thế Bác còn làm những bài thơ mùa xuân để chúc mừng cho nhân dân ta chiến thắng:

“Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm,

Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.

Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,

Một năm là cả bốn mùa xuân”

 

Và đặc biệt mùa xuân còn được thể hiện qua những bài thơ chúc tết của Bác. Những bài thơ ấy mang đến một mùa xuân của năm mới lại mang đến một mùa xuân thắng lợi của đất nước:

“Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,

Nǎm cũ qua rồi, chúc nǎm mới:

Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!

Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!

Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!

Chúc Việt-minh ta càng tấn tới,

Chúc toàn quốc ta trong nǎm này

Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!

Nǎm này là nǎm Tết vẻ vang,

Cách mệnh thành công khắp thế giới.”

 

Lời thơ vừa là lời chúc tết lại vừa là lời khích lệ động viên nhân dân ta tiếp tục đấu tranh chống bọn đế quốc sừng sỏ. Đất nước sẽ được thắng lợi trong niềm hạnh phúc hân hoan của tất cả những con người Việt Nam. Năm chiến thắng chính là năm đất nước ta vẻ vang vui vầy ngày Tết.

Tóm lại thơ Bác không chỉ thấm đẫm chất tình, chất thép mà còn thấm đẫm chất thiên nhiên mùa xuân. Rõ ràng Hồ Chí Minh là một người yêu thiên nhiên quê hương đất nước. Chính vì thế mùa xuân – mùa đẹp nhất dạt dào trong thơ Bác là một lẽ rất đương nhiên.

                                                             Nguồn: Tạp chí văn học