TỤÊ TRUNG THƯỢNG SĨ BẬC THẦY CÓ ẢNH HƯỞNG LỚN ĐẾN TRÚC LÂM ĐẠI SĨ TRẦN NHÂN TÔNG

 

 

TỤÊ TRUNG THƯỢNG SĨ

BẬC THẦY CÓ ẢNH HƯỞNG LỚN

ĐẾN TRÚC LÂM ĐẠI SĨ TRẦN NHÂN TÔNG

                                                         Nhà văn VŨ BÌNH LỤC

                                                          (HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 

1.

Tuệ Trung Thượng sĩ (1230-1291) tên thật là Trần Tung, (hoặc Trần Quốc Tung). Ông được vua Trần Thái Tông phong tước Hưng Ninh Vương năm 1251, đúng vào thời điểm thân phụ của Trần Tung về cõi vĩnh hằng. Hưng Ninh Vương Trần Tung là con trai đầu của An Sinh Vương Trần Liễu (1211-1251). Ngài là anh trai của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Vũ Thành Vương Trần Doãn, đồng thời cũng là anh ruột của Nguyên Thánh Hoàng Thái hậu Thiên Cảm, vợ vua Trần Thánh Tông.

          Trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) và thứ 3 (1288), Trần Tung đóng góp nhiều công lao to lớn cho đất nước. Có thời kỳ, Hưng Ninh Vương Trần Tung được triều đình giao trấn thủ Hồng lộ (tức vùng Hải Dương ngày nay) và sau đó, lại được phong Tiết Độ Sứ phủ Long Hưng, trấn thủ vùng đồng bằng ven biển, tức Thái Bình bây giờ.

          Tuy nhiên, “Đại Việt sử ký toàn thư” không nhắc gì nhiều đến nhân vật lịch sử Trần Tung. Kể cả cô em gái của ngài là Nguyên Thánh Hoàng Thái hậu Thiên Cảm (tên thật là Thiều) cũng chỉ thấy chép sơ sài. Bà Thiên Cảm chỉ được sủng ái tôn vinh nhiều hơn khi bà sinh được Thái tử Khâm, sau là anh hùng dân tộc, vua Phật Trần Nhân Tông…

Sao vậy? Có thể là vì sau đó, Trần Tung đã bỏ đi tu Thiền hay chăng? Hoặc giả là “Đại Việt sử ký toàn thư” được các sử gia Ngô Sĩ Liên và cộng sự của ông biên chép vào thế kỷ 15, khi mà Nho giáo đang rất thịnh hành, còn Phật giáo thì lại bị lép vế? Và còn những lý do nhạy cảm nào khác nữa?…

Hoặc giả, trên thực tế ở thời điểm sau vụ Thái úy Trần Liễu, cha Trần Tung bất bình nổi loạn ở sông Cái (sông Lô, hay là Nhị Hà, Nhĩ Hà hay sông Hồng), các con của An Sinh Vương Trần Liễu, kể cả Trần Tung, Trần Quốc Tuấn, Trần Doãn (Vũ Thành Vương) v.v… đều phải dựa vào công chúa Thụy Bà, con gái cụ Trần Thừa “bảo lãnh” và nuôi dạy… Điều này cho thấy mâu thuẫn giữa hai dòng trưởng (Trần Liễu) và dòng thứ (Trần Cảnh) vẫn âm ỉ cháy trong đời sống tình cảm của Vương triều Trần buổi đầu.

Chúng ta tìm thấy những tư liệu ghi chép về Trần Tung ở sách vở bên Tàu, do người nước Nguyên viết, hoặc là do người Việt lưu vong bên Tàu viết. Đặc biệt quan trọng hơn, đấy là những tư liệu trong các sách Phật giáo ở nước ta còn lại đến ngày nay. Đặc biệt hơn nữa, chính là những tác phẩm của Trần Tung may mắn vẫn còn đó trong kho tàng văn hóa nước nhà, tự thân nó đã vẽ lên một cách chân thực và sống động chân dung một con người kỳ lạ, cao diệu xa vời mà hết sức gần gũi đời thường…

          Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung tu Thiền, nhưng ông có cách tu riêng, tu tại gia, phóng khoáng. Ngài nhập thế tự do tự tại, không cầu thành Phật, không máy móc tuân theo những định chế khắt khe của nhà Phật. Tu Thiền, nhưng mà ngài có cả đôi ba bà vợ và khá đông con cháu cơ đấy. Và vẫn điềm nhiên nhẩn nha ăn thịt ăn cá bình thường như mọi người, chứ không hề kiêng khem gì sất.

Đây nhá! Một lần ngài được gia đình cô em gái mời cơm. Thấy ông anh giai đã đi tu Phật mà vẫn điềm nhiên ngồi ăn cá ăn thịt như thường, Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu mới hỏi rằng ông anh tu Phật mà vẫn ăn thịt ăn cá dầm dề như thế, làm sao mà thành Phật được?  Hưng Ninh Vương liền cười bảo: “Phật là Phật, anh là anh. Anh cũng không cần là Phật. Mà Phật cũng không cần là anh! Chẳng thấy các bậc đại đức xưa nói: “VĂN THÙ LÀ VĂN THÙ, GIẢI THOÁT LÀ GIẢI THOÁT” đấy ư ?”…

Đấy! Quan điểm tu Thiền của Tuệ Trung Thượng Sĩ là “hòa quang đồng trần”, nghĩa là “cùng với thế tục hòa sáng”! Tuệ Trung cho rằng như thế là “hòa lẫn với thói thường, chứ không làm ra cách trái hẳn với người đời”. Sao nữa? Thì cứ tùy cái tính tự nhiên trời sinh ra mình như thế nào thì cứ việc vui vẻ hành xử với chính mình như thế, với người đời như thế, chứ việc gì phải câu chấp vào cái danh này hay danh nọ mà làm chi cho mệt! Sách THƯỢNG SĨ HÀNH TRẠNG chép như vậy đấy. Trần Tung không ăn chay, không trì giới khổ hạnh đối với người tu Phật. Điều này trái ngược với truyền thống giáo điều thường thấy, khiến cho các tín đồ nhà Phật không làm sao hiểu được.

Nói ra thì bảo nói lấy được, chứ chả biết ngài tu Phật kiểu gì. Nhưng nếu chịu khó tư duy cho đến ngọn nguồn, mới hay, mới vỡ vạc ra cái tư tưởng Thiền học “đời mới” rất thú vị và sâu xa của Tuệ Trung Thượng Sĩ …

2.

          TỊNH BANG là một địa danh ở thời Trần, nay ở vào khoảng huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương và huyện Vĩnh Bảo của thành phố Hải Phòng. Đây chính là nơi Trần Tung lập ra DƯỠNG CHÂN TRANG để ngài an nhiên tu Thiền, để gia đình ngài sinh sống. Một vùng ven biển, rất xa triều đình trung ương. DƯỠNG CHÂN TRANG, nó cũng có vẻ từa tựa như trang trại DƯỠNG CHÂN BÌNH THÔN TỬ của danh tướng lãng tử Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư ở ngoài Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh bây giờ đấy. Từ đây, Trần Tung có thể mặc sức rong chơi phóng túng khắp nơi sông nước núi non, để thỏa cái chí tiêu dao phóng khoáng của mình, đồng thời, cũng là để nuôi dưỡng cái mạch nguồn cảm hứng thi ca mà sinh nở những giai phẩm đặc sắc dâng hiến cho đời. Bài thơ dài PHÓNG CUỒNG CA, hay là PHÓNG CUỒNG NGÂM của Trần Tung, chính là một tác phẩm văn chương vào loại đặc sắc, có thể lấy đó làm tiêu biểu cho chủ đề tiêu sái lãng tử của thi nhân có tâm hồn ưa thích giang hồ tự do phóng túng này vậy!

3

          Có một điều hơi lạ, ấy là một số nhân vật lịch sử ở đời nhà Trần xuất thân võ tướng, chẳng thấy có ai khoa bảng gì, cũng chưa rõ họ học hành chữ nghĩa như thế nào, song lại có những tác phẩm văn chương vào loại rất độc đáo. Ví như Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, một danh tướng lắm tài nhiều tật. Những tưởng cái ông tướng khét tiếng này chỉ có tài cầm quân đánh giặc, đặc biệt là những trận thủy chiến lừng danh trên sông trên biển. Nhưng chính ông, Phiệu kỵ đại tướng quân Trần Khánh Dư, lại là người đã viết lời đề tựa cho tác phẩm VẠN KIẾP TÔNG BÍ TRUYỀN THƯ rất nổi tiếng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tác phẩm lý luận quân sự bí truyền vô cùng quý báu này, đến thời giặc Minh sang xâm lược nước ta (1407), chúng đã cướp đem về Trung Quốc, cùng với tác phẩm hội họa vô giá TRÚC LÂM ĐẠI SĨ XUẤT SƠN ĐỒ. Sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ còn chép được bài đề tựa của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư như vậy đấy thôi! Và hình như đó cũng là tác phẩm duy nhất còn lại của Phiêu kỵ đại tướng quân Nhân Huệ Vương thì phải!

Lại ví như danh tướng Phạm Ngũ Lão, xuất thân nông dân, khởi thủy thì làm gia khách cho Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Nhưng do cái sự “thông minh vốn sẵn tính trời”, lại thêm cái đức chăm chỉ tự học mà Phạm tướng quân chẳng những được Hưng Đạo Vương yêu quý gả con gái cho, mà ông còn  sáng tác được những bài thơ vào loại đặc sắc. Tiếc rằng tác phẩm của Phạm Ngũ Lão chỉ còn lại có vài ba bài thơ mà thôi … Nhưng như thế cũng đã là đủ để sống mãi với đời, với non sông đất nước!

4.

Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung không biết được học hành chữ nghĩa ở thầy nào, trường nào, nhưng ông lại là một thi sĩ rất có tài, đồng thời lại là một Thiền Sư có kiến văn rất uyên bác về Phật học. Ông được người đương thời rất kính nể. Vua Trần Nhân Tông từng được thọ giáo với Thầy Tuệ Trung, coi Tuệ Trung là người thầy lớn và trực tiếp của mình. Tư tưởng Phật giáo của Trần Tung có ảnh hưởng rất lớn đến sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Hay nói cách khác, chính Trần Tung đã là người đặt nền móng vững chắc cho sự ra đời của Thiền phái TRÚC LÂM YÊN TỬ !

Sách THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC do Pháp Loa (Đồng Kiên Cương) biên soạn, đích thân Thượng Hoàng Trần Nhân Tông khảo đính, Trần Khắc Chung viết lời bạt, chính là đỉnh cao tinh túy tư tưởng Phật học của Trần Tung. Những áng thơ văn xuất sắc mang đậm hơi ấm nhân bản thế tục và rực rỡ ánh sáng Thiền học của Trần Tung cũng được tập hợp ở tác phẩm này. Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung từng thọ giáo ở Đại Thiền Sư Tiêu Dao. Vị Đại Thiền Sư Tiêu Dao còn được người đương thời tôn kính gọi là Phúc Đường Đại Sư Tiêu Dao…

Ở Hưng Ninh Vương Trần Tung, thấy rõ hai con người có vẻ đối lập nhau, nhưng thực ra đấy chỉ là một quá trình tự hoàn thiện tính cách theo lẽ tự nhiên mà thôi!

Thứ nhất, đấy là con người của thế tục, của đời thường, với “đủ mặt” Tham, Sân, Si cố hữu và mặn nhạt nông sâu ở cõi người. Nghĩa là một con người hoàn toàn thế gian trần tục. Một thực thể hoàn toàn phong phú và sinh động . Có đôi khi oán thán dỗi hờn. Cũng có tâm sự ủ ê yêu ghét rạch ròi. Có trách giận bất bình thầm kín. Có cả những suy tư trăn trở về thế thái nhân tình, về công danh bạc bẽo này nọ…

Con người thứ hai là con người của Thiền đạo. Sau khi đã vứt bỏ được mọi phiền toái vướng bận đeo đẳng mãi ở đời, đã đốn ngộ minh triết huyền ảo sâu xa của Thiền học, Tuệ Trung Thượng Sĩ tập trung vào nghiên cứu và trước tác nhiều tác phẩm trên tinh thần những yếu chỉ căn cốt của Thiền học.  Thượng Sĩ, tức là bậc tu hành đã đạt đến đạo hạnh Bồ Tát. Nhưng Thượng Sĩ cũng là người biết làm lợi cho mình và làm lợi cho cả mọi người. Và đương nhiên, vẫn còn một khoảng giao thoa mềm dẻo và sống động giữa hai con người của Đạo và Đời, của thế tục và cõi hư ảo vô biên…Đấy chính là con người của mộng mơ thi sĩ, vu khoát mà bản lĩnh.

Tổng quan, đấy cũng là hai chủ đề cơ bản của thơ ca Tuệ Trung Thượng Sĩ.

 HƯNG NINH VƯƠNG TRẦN TUNG,

CON NGƯỜI CỦA THẾ TỤC

1.

Khi đã hoàn thành nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm, Trần Tung lại quay về với đời thường, sống tự do phóng túng cùng thiên nhiên, ngoài vòng danh lợi, chả khác gì  những công dân bình thường khác. Ông cho rằng, cần phải DƯỠNG CHÂN, tức là CẦN PHẢI NUÔI DƯỠNG CÁI CHÂN TÍNH của mình.

Ông viết:

 

Hình hài suy yếu đâu phải là chuyện đáng bàn,

Cũng không phải chuyện chim hạc già xa lánh đàn gà.

Nghìn màu xanh, muôn vẻ thúy, ngập tràn làng nước,

Góc bể chân trời là nơi nuôi dưỡng chân tình của ta.

 Dịch thơ:

Kể chi suy yếu thân ta,

Hạc già đứng giữa đàn gà, phải đâu ?

Làng quê tươi thắm muôn màu,

Chân trời góc bể mặc dầu dưỡng chân !

                   (VŨ BÌNH LỤC-dịch)

Đây là bài thơ rút trong tác phẩm THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC do Thiền Sư Pháp Loa biên soạn, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông khảo đính, Trần Khắc Chung (Đỗ Khắc Chung) viết lời bạt. THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC là một công trình rất công phu, tập hợp, biên khảo, ghi chép một cách trung thực nhất những tác phẩm của Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung.

 DƯỠNG CHÂN, tức nuôi dưỡng cái chân tính của mình. Có lẽ, đây là thời điểm Trần Tung đã lui về DƯỠNG CHÂN TRANG ở Tịnh Bang chăng ?

Hai câu thơ mở đầu, tác giả trình bày lý do mà mình từ bỏ danh lợi, lặng lẽ lui về DƯỠNG CHÂN TRANG, sống cuộc đời tự do ở nơi góc bể chân trời. Tác giả khẳng định rằng thiên nhiên cây cỏ tươi xanh nơi chân trời góc bể có phần hoang sơ này, mới chính là nơi ngài có thể nuôi dưỡng được cái chân tình tự nhiên của chính mình, chứ đâu phải là ở vấn đề thân thể già yếu. Lại càng không phải là ngài tự xem mình như chim hạc già bất đắc dĩ phải sống chung với lũ gà què chỉ biết quanh quẩn bên cái cối xay ! Còn như hai câu sau là để tự an ủi lấy chính mình. Không biết đến ta, thì ta tự vui với ta, với thiên nhiên trong trẻo tươi xanh nơi chân trời góc bể này thôi ! Đã thấy gợn lên phảng phất đôi chút tâm sự tủi hờn thầm kín, pha lẫn một chút chua cay bản thể chân tình …

          Nhưng rồi cũng có đôi khi, tác giả lại mượn thiên nhiên, để gửi gắm tâm sự u ẩn có phần khó nói của mình:

Dịch nghĩa:

Rất yêu cây thông trồng đã mấy năm nay,

Chớ nên thở than ở vào địa thế hiu quạnh.

Tài rường cột chưa được dùng, người đời chớ lấy làm lạ,

Nơi đây cỏ nội hoa nhàn đầy cả trước mắt.

                   (CÂY THÔNG DƯỚI KHE)

Dịch thơ

Đừng than địa thế quạnh hiu,

Cây tùng xanh thắm, ta yêu ta trồng.

Lo chi rường cột chưa dùng,

Hoa nhàn cỏ nội đầy thung trước nhà…

                   (VŨ BÌNH LỤC-dịch)

Đây là bài thơ ẩn dụ toàn bài. Mượn hình ảnh cây thông, biểu tượng của cốt cách  người quân tử chính danh, để tác giả ký thác tâm sự sâu kín của mình. Cây tùng sống đơn độc trong khe núi, nhưng phẩm tiết ngạo nghễ thanh cao. Tự biết mình có tài, có thể làm rường cột cho ngôi nhà xã tắc, nhưng ai đó không xếp đặt mình đúng vào vị trí “lương đống”, để mình được cống hiến tất cả tài năng đích thực của mình cho xã tắc, thì đấy là một điều rất bất công, vô cùng đáng tiếc. Nhưng mà rồi cũng chả sao. Không biết đến ta, thì ta tự vui với ta, với thế giới hoa nhàn cỏ dại, cũng đã tự cảm thấy cam lòng rồi vậy ! Bài thơ còn phảng phất cái ý nhẹ nhàng trách khéo những người anh em ruột thịt đang nắm giữ cương vị ngôi chủ của vương triều.

Không thể nói là không có sự day dứt trở trăn, bất bình. Đó chính là tâm sự rất đời có thật ở Hưng Ninh Vương Trần Tung, một người rất có tài mà không được sử dụng vào đúng vị trí của tài năng. Điều này phản ánh thực trạng bất hòa giữa hai dòng trưởng (Trần Liễu) và dòng thứ (Trần Cảnh) không thể một sớm một chiều mà gỡ bỏ ngay cho được. Sự e ngại, nhìn ngó dè chừng lẫn nhau trong Hoàng tộc của Vương triều Trần, chỉ được giải quyết nhân một hôm Trần Quốc Tuấn tắm cho Trần Quang Khải ở trên một con thuyền lớn. Quốc Tuấn vừa dội gáo nước, vừa nói đại ý rằng: “Nay mới được tắm cho Thượng tướng !”. Quang Khải cảm động trả lời rằng, “Nay mới được Quốc Công Tiết chế tắm cho !”…Đấy ! khi đất nước có chiến tranh, mọi mâu thuẫn, mọi hiềm khích cá nhân mới được giải quyết rốt ráo, để tất cả mọi người chung vai đoàn kết lại gánh vác việc non sông đất nước, để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong nội bộ quý tộc Vương triều. Và đồng thời là sự cố kết thành một khối vững chắc của toàn dân tộc Đại Việt. Nếu không như thế thì lấy đâu ra sức mạnh để đánh bại giặc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ ?

Cũng có đôi khi được thảnh thơi thong thả, thi nhân Trần Tung lại tự SOI MÌNH (CHIẾU THÂN), tự kiểm chứng lại chính mình. Ở thời điểm “cực thịnh” của tâm trạng, Hưng Ninh Vương Trần Tung mới tỏ ra thật thâm thúy.

Tác giả viết:

SOI MÌNH

Cháy đầu bỏng trán thì được mặc áo bào vàng,

Còn mình năm bảy năm nay vẫn ở nơi xay dã.

Nếu là bậc siêu quần xuất chúng,

Thì cứ mỗi lần hạ xuống lại một lần lên cao.

Dịch thơ:

Cháy đầu bỏng trán áo bào vàng,

Cửa chùa ta vẫn phải lang thang.

Những bậc siêu quần và xuất chúng,

Mỗi lần hạ xuống, mỗi lần sang !

                   (VŨ BÌNH LỤC-dịch)

Theo “Hán Thư”, ở phần “Hoắc Quang truyện”, có thấy chép một câu chuyện khá thú vị. Một người khách đến thăm một vị chủ nhân. Người khách quan sát thấy cái ống khói của nhà vị chủ nhân sang giàu kia lại làm thẳng đứng. Khách thấy vậy, liền nhắc nhở chủ nhân phải làm cho cái ống khói nó cong lại, đồng thời phải dời ngay đống củi khô bên cạnh đi chỗ khác. Nếu không như thế, nhất định sẽ gặp hỏa hoạn. Nhưng vị chủ nhân kia vẫn không hề quan tâm, không muốn nghe lời nhắc nhở của vị khách.

          Bẵng đi một dạo, rồi bỗng có một hôm, ngôi nhà của vị chủ nhân kia bị thần lửa đến hỏi thăm. Hàng xóm lao nhao kéo nhau đến giúp chủ nhà dập lửa chữa cháy. Cuối cùng thì họ cũng dập tắt được ngọn lửa. Chủ nhà mừng lắm, liền giết trâu mổ bò thết đãi những người đã tham gia cứu hỏa, để tỏ lòng cảm ơn. Trong bữa tiệc vui mừng ấy, những người “cháy đầu bỏng trán”, tức những người trực tiếp xông pha vào việc cứu hỏa, thì được chủ nhà trân trọng mời lên mâm trên. Riêng người khách đã nhắc nhở vị chủ nhân nên làm lại cái ống khói và dời đống củi khô đi chỗ khác, thì ông chủ lại chẳng thấy đoái hoài gì đến.

          Mượn điển bên Tàu, tác giả chủ ý nói gì ? Người đọc có thể hình dung cái thâm ý của thi nhân. Tác giả có ý trách khéo Quốc Vương của mình, rằng ngài chỉ biết tới những người “cháy đầu bỏng trán” đấy thôi, chứ ngài không biết đến công lao rất quan trọng của người đã giúp ngài vạch ra kế sách để tránh hỏa hoạn. Suy rộng ra thì thấy rõ cái ý thâm sâu, rằng công lao của những người ở tầm cỡ chiến lược là cực kỳ lớn. Chính họ mới là người vạch đường chỉ lối. Nhưng cái giá trị ấy thì nó lại vô hình vô ảnh, có nhìn thấy nó đâu, có thấy “cháy đầu bỏng trán” gì đâu ? Thế nên mới có sự vô tình, có sự lãng quên, có sự thiên lệch trong ứng xử như thế đấy. Thật là một sự phê phán thâm thúy và cao diệu !

Điều này cũng cho chúng ta hiểu thêm về nội bộ Vương triều Trần vẫn chưa dứt được sự nghi kỵ lẫn nhau giữa hai dòng Trưởng và Thứ trong thực tế…Toàn bộ quyền lực ở trung ương đều tập trung trong tay dòng Thứ (Trần Cảnh). Trong khi đó, dòng Trưởng (Trần Liễu) chỉ là các Vương hầu được phong thái ấp riêng ở một vùng nào đó mà thôi ! Một khi triều đình có việc quan trọng hoặc khẩn cấp, thì các Vương Hầu mới được triệu tập về Thăng Long họp bàn kế sách.

Cũng nên nhớ rằng, Hưng Ninh Vương Trần Tung là một nhà ngoại giao rất tài giỏi. Ngài từng mấy lần đích thân sang phía trại giặc, vào tận hang ổ của bọn xâm lăng cú diều, vừa khôn khéo ngoại giao mềm dẻo, lại vừa thăm dò tư tưởng và binh lực của chúng. Rồi một đêm nào đó, đích thân ngài cầm quân xông vào tập kích trại giặc Nguyên Mông, đánh bại quân địch, khiến chúng kinh hồn bạt vía…Điều này thì chính sử nước ta không thấy ghi. Phải tìm hiểu sử sách bên Tàu, mới thấy họ ghi chép một cách rất cụ thể.

Con người giàu bản lĩnh kiên cường và tài năng xuất chúng ấy, một khi đã nhận thấy cái thực tại nhiễu nhương, biết bao nghĩ suy trăn trở đấy, cho nên ngài đã quyết chí vứt bỏ tất cả để LUI VỀ (Thoái cư):

Dịch nghĩa:

 LUI VỀ

Họa phúc chợt kéo đến,

(Ta) nhàn rỗi chọn nơi xa vắng gửi tấm thân này.

Miền biển ba xuân mịt mờ lũy yến,

Nơi thôn dã khói phủ, một trận mưa xuống bỗng cách biệt việc nông tang.

Đã thẹn nhiều cho tấm thân nhơ đục, gặp thời buổi nhơ đục,

May còn nhờ có chút lòng trong sạch, gặp được nước nhà trong sạch.

Đêm mơ thấy Phật Quan Âm vào chốn cỏ hoang,

Sông mùa thu vừa trong vừa cạn, hoa sương bay khắp nơi.

Dịch thơ:

Họa phúc rủ nhau đến kìa,

Gửi thân về chốn nhà quê khi nhàn.

Mịt mờ chân sóng mang mang,

Xóm thôn khói phủ, đồng làng cách xa.

Thân hèn đời đục, thẹn ta,

Lòng trong, may gặp nước nhà còn trong.

Đêm nằm mơ Phật Quan Âm,

Sông thu xanh biếc, sương thầm thĩ hoa.

                   (VŨ BÌNH LỤC-dịch)

   Tuy nhiên, một khi đã nhận thức được thực tại, ở ngay cái triều đình của gia tộc mình, nhất là sau chiến tranh, danh và lợi cũng đã thấy lấp ló ngóc đầu lên. Những kẻ tiểu nhân như dây leo chuột chạy cũng đã thấy xuất hiện ngay ở trong triều ngoài nội, cho nên, lòng Hưng Ninh Vương rất buồn bã. Nhưng dẫu sao, thấy rồi, biết rồi, hiểu rồi thì cũng phải tĩnh tâm tự tại, tự xa lánh nó, tự vui với chính mình, xem công danh nhẹ như lông hồng vậy.

Đây nhá, Trần Tung viết:

“Dây leo và loài chuột không dưng dần dần lấn tới,

Trở về gửi thân nơi núi rừng đến tuổi già.

Cửa liếp nhà tranh ăn ở thảnh thơi,

Không “thị” không “phi” lòng ung dung tự tại”.

 Dịch thơ

Không dưng chuột quấy dây leo,

Ta về với núi với đèo gửi thân.

Thảnh thơi liếp cỏ nhà tranh,

Thị phi quên hết, lòng thanh thản lòng.

                   (VŨ BÌNH LỤC-dịch)

Nhưng một khi đã quyết lòng buông bỏ tất cả để hướng tâm theo Phật pháp, Hưng Ninh Vương Trần Tung lại viết:

RA KHỎI BỤI TRẦN

“Từng bị vật dục sai khiến làm mệt cái thân,

Thoát khỏi bụi trần ồn ào mà rong chơi ngoài cõi thế.

Buông tay sang bên kia, vượt qua Phật Tổ,

Mỗi lần gột rửa là mỗi lần nghỉ ngơi”.

Dịch thơ:

Mệt nhoài vật dục hành ta,

Rong chơi cõi thế thoát ra bụi đời.

Buông tay qua Phật tổ rồi,

Mỗi lần gột rửa, nghỉ ngơi mỗi lần.

(RA KHỎI BỤI TRẦN-VŨ BÌNH LỤC dịch)

Đã quyết dứt bỏ tất cả để thoát ra khỏi cái đám bụi trần ai lẽo nhẽo rồi, thì còn tiếc nuối gì thêm nữa kia chứ. Nhưng nhà vua (Thượng hoàng Trần Thánh Tông), em rể, đồng thời là em con ông chú ruột của ngài Trần Tung, chắc cũng có ý muốn mời Trần Tung ra gánh vác việc nước giúp vương triều. Tuy nhiên, ngài Trần Tung một khi đã quyết chí rồi, đã PHÓNG NGƯU, tức đã THẢ TRÂU rồi thì không bao  giờ quay lại nữa. Ngài thể hiện cái ẩn ý này trong bài thơ bốn câu:

Dịch nghĩa:

 THẢ TRÂU

Tình cờ hướng về làng xóm của Quy Sơn mà tìm được mái nhà,

Cam phận người chăn trâu trong chốn hoang vu.

Ơn đức Quốc Vương rộng như bể,

Nhưng xin cứ được tùy phận với chút ít cỏ nước mùa xuân !

Dịch thơ:

Quy Sơn tìm được mái nhà,

Chăn trâu cam phận, miền xa giấu mình.

Ơn vua biển rộng mông mênh,

Chút xuân cỏ nước, phận mình tùy duyên.

                   (VŨ BÌNH lỤC dịch)

Thật là sâu sắc và chan chứa nỗi niềm. Quy Sơn chính là Thiền Sư Quy Sơn đời nhà Đường bên Tàu, tên thật là Triệu Linh Hựu. Ông này trụ trì ở núi Quy Sơn, tỉnh Hồ Nam, tới 7 năm trời. Nói rằng đã tìm thấy mái nhà của Quy Sơn, cũng có nghĩa là Trần Tung đã quyết lòng theo con đường tu tập của Thiền Sư Quy Sơn. Vậy thì đã biết tấm lòng của Quốc Vương yêu quý đến mình, nhưng xin cứ để tùy phận mà vui với chút ít cỏ nước mùa xuân này thôi. Khiêm nhường, cam phận nhún nhường, sau khi đã quyết lòng rời bỏ thế giới bụi bặm của cõi người ! Đấy chính là một chủ trương THOÁT ĐỜI vậy !

Dịch nghĩa:

Vươn mình một cái vượt ra khỏi lồng,

Muôn việc đều như trò chơi, vào mắt cũng thành không.

Tam giới mênh mông cõi lòng sáng tỏ,

Bóng trăng chìm xuống phương Tây, mặt trời mọc ở phương Đông.

Dịch thơ:

Vươn mình ra thoát khỏi lồng,

Việc đời trong mắt trong lòng đều không.

Sáng trong ba cõi mênh mông,

Phương Tây trăng lặn, phương Đông đỏ trời.

                   (VŨ BÌNH LỤC dịch)

Thoát đời, thoát ra khỏi cái đám bụi trần ai để làm gì nhỉ? Chẳng phải là để tự vui với cảnh giang hồ tự mình thích hay sao !

Đây nhé:

Sông hồ chí cũ còn đây,

Thời gian vun vút tháng ngày thoi đưa.

Non xanh nước biếc có thừa,

Sinh nhai tạm đủ, gió đùa trăng thanh.

Sáng, buồm cô lướt thông thênh,

Chiều, nâng tiếng sáo bồng bềnh khói mây.

Tạ Tam biệt tích nơi này,

Thuyền côi gối bãi ngủ say đến giờ !

                   (VŨ BÌNH LỤC dịch)

 TỤÊ TRUNG THƯỢNG SĨ

NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO SỰ RA ĐỜI

CỦA THIỀN PHÁI “TRÚC LÂM YÊN TỬ”

Pháp Loa (Đồng Kiên Cương), vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử , đương nhiên cũng là người chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Thiền học của Tuệ Trung Thượng sĩ. Chính ngài, Pháp Loa, chứ không phải ai khác, đã có một bài thơ tình cảm rất chân thành CA NGỢI TỤÊ TRUNG THƯỢNG SĨ (Tán tuệ Trung Thượng Sĩ).

ÔI !

Thép ròng rèn được,

Gang sống đúc nên.

Thước trời gang đất,

Trăng sáng gió trong.

Quát !

Dịch thơ

Ôi !

Ngài như gang sống đúc nên,

Thép ròng luyện lấy, rạng tên tuổi vàng.

Thước trời thước đất so ngang,

Trăng thanh gió mát chơi ngàn năm sau.

Ha Ha !

                   (VŨ BÌNH LỤC dịch)

Điều đáng ghi nhận hơn cả ở Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, chính là ở chỗ tư tưởng Phật học có hơi hướng “biện chứng” của ngài. Chúng ta có thể tin rằng, Thượng sĩ Tuệ Trung chính là người đầu tiên ở nước ta đưa ra khái niệm BẢN THỂ. Về sau, người ta mới tiếp nhận nó, biến nó thành một phương pháp luận cơ bản, tương tự như khái niệm BẢN THỂ LUẬN mà ngày nay các nhà lý luận hay dùng, chẳng hạn.

Nhập thế là gì nhỉ ? Theo Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhập thế chính là vì đời, vì nhân sinh, vì quê hương đất nước, chứ không phải chỉ là vì cái cá nhân nhỏ bé, cho dù, có thể đó là cái cá nhân kiêu hãnh đi chăng nữa. Và cũng có thể chỉ là cái cá nhân hèn yếu đáng thương của chính mình. Có thể nói, điều này đã góp phần làm nên một khái niệm có tính chung nhất, phổ quát nhất mà Trương Hán Siêu, một vị đại quan từng sống rất lâu ở triều Trần đã viết trong bài BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ bất hủ. Đó chính là cái ĐỨC CAO vậy !

“Giặc tan, muôn thủa thanh bình,

Bởi đâu đất hiểm, cốt mình ĐỨC CAO” !

Cũng có thể nói thêm rằng, tư tưởng nhập thế của Trần Tung, đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều tầng lớp xã hội đương thời. Vào đời nhà Lý, vốn đã có 3 dòng Thiền khác nhau cùng thịnh hành: Vô Ngôn Thông, Tì Ni Đa Lưu ChiThảo Đường. Cả 3 tông phái này đến đời Trần, khởi nguồn từ tư tưởng nhập thế mang sắc thái “đổi mới” của Trần Tung, đã được hợp lưu thành một tông phái duy nhất, đấy chính là sự ra đời của Thiền phái TRÚC LÂM YÊN TỬ, do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập và chính ngài là vị Tổ thứ nhất của Thiền phái này.

          Vua Trần Nhân Tông, học trò xuất sắc nhất của Tuệ Trung Thượng Sĩ, đã hết lời ca ngợi trí tuệ siêu phàm của Tuệ Trung Thượng Sĩ, rằng ngài là bậc “Pháp hải độc nhân / Thiền tâm tam giác” (Biển Pháp một người / Rừng Thiền ba phía). Phật Hoàng Nhân Tông còn đánh giá Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là “Ngọn đèn tổ của Phật Hoàng, lấy tâm truyền tâm”. Tuệ Trung Thượng Sĩ đã “làm phấn phát ngọn gió lành nhà Phật”. Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông viết:

“Nhìn lên càng thấy cao,

Khoan vào càng thấy cứng.

Bỗng nhiên ở phía sau,

Nhìn lại thấy phía trước.

Cái đó gọi là

Đạo Thiền của Thượng Sĩ”

                   (TÁN TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ)

Thượng Sĩ Tuệ Trung GỌI BẢO MỌI NGƯỜI rằng:

Tìm chi Thiếu Thất Tào Khê,

Thể tính vằng vặc chưa mê chưa lầm.

Trăng soi chẳng kể xa gần,

Gió trời thổi, đâu phải cần thấp cao ?

Nhị sen thơm đỏ tươi sao,

Ánh thu đen trắng tùy vào sắc duyên.

“Bản lai” diệu khúc ca lên,

Tìm chi ở khắp mọi miền thế gian !

          (THỊ CHÚNG -VŨ BÌNH LỤC dịch)

Vẫn là cái quan điểm BẢN LAI, hay là “Bản lai diện mục”, hay là “chân như” đấy thôi. Và đó cũng chính là Phật tính vậy ! Ngài bảo với mọi người rằng, chẳng phải tìm Phật ở đâu xa làm gì cho uổng công vô ích. Phật là ta, ở trong ta, ở khắp mọi nơi quanh ta, mà cũng chẳng cần phải tìm kiếm đâu xa !

Đôi khi, ngài bỗng CHỢT TỈNH (Đốn tỉnh) mà nói rằng:

“Không” với “có” cũng gần thôi,

“Sống”, “chết” ư? Cũng sóng nhồi mà ra.

Trăng nay, cũng trăng đêm qua,

Hoa năm cũ, cũng là hoa năm này.

Ba sinh trước ngọn gió lay,

Cối xay chín cõi, vần xoay kiến bò.

Cứu cánh ư? Khỏi nhỏ to,

Ma ha bát nhã, tát bà ha, đấy rồi !

                   (VŨ BÌNH LỤC dịch)

THỊ ĐỒ, tức là tên một bài thơ Tuệ Trung Thượng Sĩ GỢI BẢO HỌC TRÒ về những yếu chỉ căn cốt của Phật pháp, nhưng lại thông qua những hình ảnh, hình tượng và điển tích rất giàu tính gợi hình, gợi ý, gợi cảm.

Dịch thơ

Ý nghĩ nổi, mọi tâm lên,

Một tâm quên, thảy đều quên hết rồi !

Muốn hay nghĩa thực, ai ơi,

Hãy xem hổ đá nằm “xơi” dê vàng.

Non sông, chỉ tiếng ho khan,

Búng tay một cái cũng tan đất trời.

Gió mưa một thoáng đấy thôi,

Tàn canh gà gáy vén trời bình minh.

                   (VŨ BÌNH LỤC-dịch)

Thiền Sư gợi bảo học trò, rằng “Một tâm quên đi thì mọi ý nghĩ quên đi”. Một khi đã tự giải thoát được chính mình, đã giũ bỏ được những vấn vương phàm tục, tất sẽ đạt tới được chính giác. Một khi đã bước chân vào được thế giới “chân như”, sẽ thấy rằng “trời đất chỉ như búng ngón tay, non sông chỉ bằng một tiếng dặng hắng” mà thôi ! Cho nên, “tạm thời gió mưa rung chuyển” đấy, nhưng “gà gáy lúc canh năm”, thì trời đất rồi sẽ sáng tỏ vậy !

2.TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ (Trần Tung) trước tác khá nhiều. Ngài chính là một nhân cách lớn, một Thiền Sư học vấn vô cùng uyên bác. Tác phẩm của Hưng Ninh Vương Trần Tung được các thế hệ học trò tiếp nhận nồng nhiệt. Nó cũng đã  được tập hợp, được nghiên cứu, biên khảo chu đáo trong THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC.

Thơ của Hưng Ninh Vương Trần Tung được chép rải rác ở một số sách, chủ yếu là các sách của nhà Phật, hiện còn khoảng hơn ba chục bài, phần nhiều là thơ bốn câu. Chúng tôi đã giải mã gần như hầu hết những bài thơ này của Trần Tung trong bộ sách GIẢI MÃ KHO BÁU VĂN CHƯƠNG. Khá nhiều bài hay. Một số bài rất hay. Một số câu thuộc loại đặc sắc. Đấy là chưa kể những trước tác kinh điển của ông về Phật học.

Chúng tôi xin chép ra đây một trong những sáng tác đặc sắc của Trần Tung, đấy chính là bài PHÓNG CUỒNG NGÂM, hay là PHÓNG CUỒNG CA, mà đã có một thời các nhà nghiên cứu đã nhầm lẫn cho rằng, nó là tác phẩm của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng…

BÀI NGÂM PHÓNG CUỒNG

“Trời đất xa trông chừ, sao thấy mênh mang,

Ngoài vòng cương tỏa chừ, chống gậy chơi rong.

Lên cao cao chừ, núi có mây ẩn,

Xuống sâu sâu chừ, nước thẳm đại dương.

Đói thời ăn chừ, có cơm Hòa La,

Mệt thời ngủ chừ, ở làng Hư Không.

Khi hứng khởi chừ, thổi sáo không lỗ,

Lúc lặng thắp chừ, giải thoát hương.

Mệt nghỉ chút chừ, tìm nơi hoan hỉ,

Khát uống no chừ, dùng tiêu dao thang.

Thôn Vạn Niên chừ, ngâm thơ Khảo Bàn,

Dòng Cửu Khúc chừ, hát khúc Thương Lang.

Tìm thăm Tào Khê chừ, vái chào Lô Thị,

Yết kiến Thạch Đầu chừ, sánh ngang Lão Bàng.

Vui cái vui của ta chừ, cùng dòng túi vải,

Ngông cái ngông của ta chừ, khuyên giáo thập phương.

Chà chà ! Giàu sang chừ, như đám mây nổi,

Than ôi ngày tháng chừ, như ngựa qua song.

Làm gì chừ, thói đời viêm lương,

Sâu thời dấn áo chừ, cạn thời xắn gọn,

Dùng hay bỏ chừ, theo lẽ hành tàng.

Phóng thân tứ đại chừ, ta yên chốn ở,

Sống chết bức ép chừ, ta chẳng tổn thương”.

Bài PHÓNG CUỒNG NGÂM được Trần Tung thể hiện dưới hình thức Sở Từ, một kiểu từ khúc của nước Sở thời Chiến Quốc bên Tàu. Khuất Nguyên (còn có tên là Khuất Bình), nhà thơ yêu nước vĩ đại, đồng thời là quan Đại phu của nước Sở từng viết tác phẩm Ly Tao theo điệu Sở Từ. Đấy là một kiệt tác văn chương, còn truyền mãi đến ngày nay.

Trương Hán Siêu (?-1354), một vị đại quan ở triều Trần cũng đã dùng hình thức Sở Từ này để viết đoạn mở đầu bài BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ bất hủ. Ở đây, chữ “hề” cũng như chữ “chừ”, chức năng cũng tương tự như nhau. “Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương / Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt…” (Bài phú về sông Bạch Đằng).  Chữ “chừ”, hay chữ “hề” được dùng như một hư từ đấy thôi. Nó tựa như một tiếng đệm trong dân ca, một nhịp phách trong âm nhạc, góp phần tạo nên tiết tấu, tạo nên giai điệu nhịp nhàng, đưa đẩy thanh thoát của khúc ngâm dài…

          Bài PHÓNG CUỒNG CA, tức bài ca phóng cuồng. Hoặc là PHÓNG CUỒNG NGÂM, tức khúc ngâm phóng cuồng này, có lẽ được Trần Tung “phóng tác” khi ngài đã lui về DƯỠNG CHÂN TRANG ở Tịnh Bang, ấp phong của ngài, để an nhiên tu Thiền tại gia, sống cuộc đời phóng túng cùng với thiên nhiên sông nước mây trời nơi góc biển. Bên kia sông Hóa, chính là ấp được phong của cha ngài là Trần Liễu, khi Trần Liễu còn là phò mã của triều Hậu Lý. Đất A Sào (nay thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), là căn cứ hải quân chiến lược cực kỳ quan trọng của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nước Đại Việt ta thời ấy. Cũng từ căn cứ thủy quân  A Sào, Quốc Công Tiết Chế, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, em trai Trần Tung, đã chủ động tung đội quân chủ lực chiến lược của mình, vượt qua sông Hóa, lặng lẽ tiến lên Vạn Kiếp, để dàn trận phục kích, bất ngờ đánh chặn và tiêu diệt đội quân Nguyên Mông thiện chiến đang tháo chạy ra biển, trên sông Bạch Đằng lịch sử. Chúng ta cũng có thể tin rằng, A Sào là nơi mà Trần Quốc Tuấn đã được sinh ra. Mà chính Hưng Ninh Vương Trần Tung cũng đã có một thời là Tiết Độ Sứ ở vùng đất ven biển Thái Bình.

Mở đầu khúc ngâm phóng cuồng, đã thấy cái quang cảnh sông biển mây khói bát ngát mênh mang, đồng thời là hình ảnh “người phóng cuồng” như tạc như in vào khoảng trời nước mịt mờ, xa thẳm…

Trời đất xa trông chừ, sao thấy mênh mang,

Ngoài vòng cương tỏa chừ, chống gậy chơi rong.

Đấy là một sự khái quát hình ảnh một lão trượng đang chống gậy ung dung dạo bước ngắm cảnh trời mây non nước quê nhà, cảm thấy như mình đã trút bỏ được gánh nặng nhiêu khê của thế tục, đang sống tự do tự tại ngoài vòng cương tỏa của thói đời bụi bặm mà rong chơi ngoài cõi gió mây…Cũng đã thấy gợn lên mang mang một nỗi cảm hoài của người từng trải quá nhiều tháng năm bầm dập với việc đời dâu bể…

          Rồi ngước nhìn lên, thấy cao cao là núi, lại thấy có mây vờn ẩn hiện trong núi. Từ cửa biển sông Hóa, một bên là các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng của thành phố Hải Phòng ngày nay, xưa các cụ thường gọi là cửa Đại Bàng. Từ đây, nhìn ra Hòn Dáu xanh thẫm ở Đồ Sơn, gần lắm. Rồi thi nhân cúi nhìn xuống đáy đại dương, thấy nước thẳm sâu sâu…Người phóng cuồng dạo chơi dường như không cần những thứ ẩm thực cao sang, không cốt ở việc ăn uống. Nhưng nếu bỗng dưng mà có cơn đói hoa mắt sầm sập kéo đến, thì đã có “cơm Hòa La” đây rồi. Không phải cơm hạt cơm nắm cơm gói gì đâu, mà chỉ là thứ cơm được nấu bằng “hương Hòa La”, một thứ hương cực quý, cực hiếm, chỉ thấy được ghi trong bài “Hòa hương phượng tự” của Phạm Úy Tông đời cổ đại bên Tàu mà thôi. Đấy là một thứ cơm rất lạ, chả phải như thứ cơm để cho người trần mắt thịt ăn đâu.

          Chơi chán chơi mệt rồi thì nghỉ, thì ngủ. Mà ngủ ở một cái làng có cái tên cũng rất ngộ là LÀNG HƯ KHÔNG, tức một cái làng không có, cái làng hư huyễn. Đố ai tìm thấy nó trong các sách từ điển bách khoa của nhân loại. Thế mới là khác người đời chứ ! Thế mới thật là “phóng cuồng” chứ !

          Người phóng cuồng một khi có hứng đến, hoặc gọi hừng về, thì ung dung thổi sáo chơi. Nhưng đó cũng là một cây sáo chưa hề có trên cõi đời này. Sáo gì vậy ? Ấy là cái “sáo không lỗ”. Và những khi tĩnh lặng, tấm lòng thành bỗng nhiên muốn chiêm bái một đấng siêu nhân nào đó,  lão trượng kia lại nhẩn nha thắp một nén hương. Nhưng cũng không phải là một thứ hương thông thường, mà là “hương giải thoát”. Gọi cho nó có vẻ huyền bí sang trọng hơn một tý thì đấy là “giải thoát hương”. Một thứ hương vô hình vô ảnh, chỉ có ở nơi thoát tục mà thôi !

          Nhưng mà dạo chơi mãi rồi thì cũng mệt. Mệt thì phải tìm nơi tìm chốn mà nghỉ ngơi, nhưng nơi ấy phải là cái  “nơi hoan hỉ” kia ! Cái nơi có địa danh “hoan hỉ” ấy nó mông lung mờ ảo, hỏi tìm đâu cho thấy trên bất cứ thứ bản đồ hành chính nào ở cõi tục ? Khi khát thì uống thật no, thật đã. Nhưng người “phóng cuồng” chỉ uống rặt một thứ nước gọi là “Tiêu dao thang”, để giải khát, để giải thoát mà thôi. Thế là cái sự chơi, sự ăn, sự uống, sự nghỉ của trượng phu phóng cuồng, chẳng phải là khác người lắm hay sao ! Chẳng phải là độc nhất vô nhị hay sao ! Bây giờ thì ta:

“Vui cái vui của ta chừ, cùng dòng túi vải,

Ngông cái ngông của ta chừ, khuyên giáo thập phương” !

Thế thì ngài đã quyết lòng dứt bỏ tất cả để quy Phật rồi. Quy Phật rồi, lại còn muốn làm cả “bố đại hòa thượng”, tức là quẩy cái túi vải ở đầu cây gậy mà đi khuyến giáo khắp chân trời góc bể. Sách TRUYỀN ĐĂNG LỤC có ghi lại chi tiết này của hành giả đời xưa. Tác giả cũng muốn học theo cái ngông của người xưa, Rồi thì tự vui với cái vui của những người “cùng dòng túi vải”, vậy đấy ! Rồi vừa đi vừa ca rằng:

“Chà chà !giàu sang chừ, như đám mây nổi,

Than ôi ngày tháng chừ, như  ngựa qua song.

Làm gì chừ, hoạn đồ hiểm trở,

Biết sao chừ, thói đời viêm lương ?”

Đấy là tư tưởng, tạm gọi là những triết thuyết thường thấy trong văn chương của người xưa, về sự biến hóa của vạn vật, về thời gian như bóng ngựa vút qua song cửa sổ, qua đó mà luận về cái giới hạn của đời người trong cõi tạm.

Như thế là ngài vẫn còn đó ngổn ngang cái sự trở trăn tươi héo về nhân tình thế thái. Hoạn lộ thì chông gai hiểm hóc khó lường. Thói đời thì “viêm lương”, đen bạc, nóng lạnh thất thường.Đó là những nghiệm suy không mới. Chỉ là những đúc kết từ muôn đời, được nhắc lại, được nhấn mạnh, để tỏ cái ý chua chát mà thôi !

Kể cả như những sự “sâu thời dấn áo”, “cạn thời xắn gọn”, hay như sự “dùng hay bỏ” ư? Thì ta cũng đành phải theo cái “ lẽ hành tàng”… chung quy, cũng là những điều trông thấy, mà cũng có thể bản thân tác giả cũng đã từng nếm trải. Thế nên, bây giờ mới “phóng thân tứ đại”, chẳng có gì bó buộc được tấm thân tự do này ? Theo “Viện Giác Kinh” thì bốn cái lớn là “Đất”, “nước”, “lửa” và “gió” hợp lại thành cái thân hình con người. Đó là chữ của nhà Phật. Giải phóng cái thân người làm kẻ tự do, mà “chơi cho trọn đời”, chẳng phải “lo lường” chi nữa… Thế chẳng phải cũng là thỏa ước mong rồi đó hay sao ? Đã yên chốn ở rồi, thì “sống chết bức ép chừ, ta cũng chẳng tổn thương” đâu !

“Bài ca phóng cuồng” của Trần Tung thể hiện quan niệm hành tàng của người quân tử chính danh, đồng thời là ý chí quyết giũ bỏ những ràng buộc xác thân để tự giải thoát, để “phóng cuồng” cùng với gió mây bay sang một thế giới khác ở ngoài cõi tục. Tuy nhiên, đoạn cuối của bài ca, cho thấy rằng tác giả vẫn còn đó những day dứt khôn nguôi những suy tư trần thế, chưa gột rửa được bụi trần ai. Do đó, PHÓNG CUỒNG NGÂM cũng chỉ là một cách, một phương tiện nghệ thuật để thể hiện những ẩn ức sâu kín và tế nhị của tác giả đấy thôi !

Nói đến lịch sử Phật giáo Việt Nam, không thể không nói đến Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung. Ngài chính là “Ngọn đèn Tổ của Phật Hoàng”, người khai sáng cho dòng Thiền nhập thế đầy quyến rũ, góp phần làm nên vẻ đẹp cao diệu  trường tồn của Phật giáo đời Trần và văn hóa Phật giáo Việt Nam !

                                                               V.B.L   0973660579