BÀI THƠ KHẮC TRÊN LƯ ĐỒNG Ở ĐỀN THỜ TRẠNG BÙNG . TT Phùng Khắc Đăng

 

     BÀI THƠ KHẮC TRÊN LƯ ĐỒNG Ở ĐỀN THỜ TRẠNG BÙNG

 

Trước đền thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan có một lư hương bằng đồng rất lớn, trông bề thế và được trang trí hoa văn rất hợp với trốn linh thiêng. Nhưng điều đặc biệt hơn là trên thân của lư đồng có khắc bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của cố thi sĩ Hoàng Trung Thông. Bài thơ có tên: “Phùng Trạng nguyên miếu cung đề” với nội dung là:

                        Lẫm liệt triều Lê nhất đại trần

                        Ngoại giao nội trị đa công huân

Chí kim miếu vũ y nhiên tại

Kế tục tiền nhân hữu hậu nhân.

 

Nghĩa là:

Lẫm liệt triều Lê bậc đại thần

Ngoại giao nội trị lắm công huân

Đến nay đền miếu còn như cũ

Kế tục tiền nhân có hậu nhân.

                                                            (Hoàng Trung Thông tự dịch)

Dân chọn bài thơ ông viết và tự dịch, khắc vào Đại lư đồng của làng. Đó là tấm lòng kính trọng của người Phùng Xá với nhà thơ quá cố. người làng Bùng-Phùng Xá đến nay vẫn truyền nhau bài thơ để lại của ông.

Theo ông Phùng Khắc Đồng ngoài 70 tuổi, nhà giáo và là người được nhà sử học Dương Trung Quốc gọi là người giữ sử cho quê kể lại. Hồi ấy vào khoảng tháng 7-1972 khi giặc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc,để tránh tổn thất nên một số cơ quan Trung ương và Chính phủ phải sơ tán ra xa Hà Nội. Hội nhà văn Việt Nam cũng có một số hội viên về sơ tán tại thôn Vĩnh Lộc thuộc Phùng Xá, trong đó có nhà thơ Hoàng Trung Thông.

” Một sáng hè yên tĩnh, nhà thơ tản bộ đến làng Bùng. Ông đã dành thời gian để tưởng niệm tiền nhân. Trong lúc cao hứng ông đã xin Cụ thủ từ tờ giấy và viết nhanh bài thơ chữ Hán, lối viết bằng chữ thảo theo kiểu thư pháp rất đẹp gián lên cột nhà thờ Cụ Trạng. bài thơ có tên .

   “Phùng Trạng Nguyên Miếu cung đề”

 Quân thị Lê triều đại công thần

                                    Ngoại giao nội trị đa công huân

                                    Ngã thị cách mạng nhất phần tử

                                    Kim thiên kiến diện khởi vô tâm.

 Bài thơ được dán trên cột nhà thờ đã làm xôn xao những người quan tâm đến thơ trong làng ngoài xã. Điều mà các bậc nho học của làng bàn luận sôi nổi lại là hai câu cuối của bài thơ. Người thì nói tại sao ông Thông lại dám so sánh với tiền nhân, người nặng lời thì cho rằng ông Thông ngạo mạn, còn theo giáo sư Bùi Duy Tân “bài thơ này không được nhiều người tán thưởng”. Song có nhiều người cho rằng Hoàng Trung Thông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, một nhà thơ tài hoa,đã có hàng chục tập thơ để lại cho đời lại là người tinh thông Hán học đọc nhiều hiểu rộng,chắc chắn ông không khiếm nhã như vậy. Có thể nhà thơ muốn thử xem đất Trạng  và con cháu của Trạng Bùng còn có người theo đuổi chữ nghĩa của Cụ hay không? Ông Đồng dừng lại một lúc lâu rồi nói, lúc bấy giờ làng có nhiều người làm thơ họa lại lắm. Thời gian đã đi xa -35 năm rồi còn gì! May mắn là khi viết cuốn tinh hoa Phùng Xá, tôi có ghi lại được hai bài họa. Một của ông Phùng Khắc Khiên và một của tôi. Bài họa của ông Phùng Khắc Khiên có nhan đề:

           “Ký thi sĩ Hoàng Trung Thông

Hương quốc văn chương bút hữu thần

Trạng Nguyên tài cán đa công huân

Anh hùng,thi sĩ kinh hoàng tử

Đào-Lý sinh tồn khởi kính tâm

Còn bài họa của tôi (Phùng Khắc Đồng)

Phùng công Nam quốc hiển danh thần

Kim ổ tùng thư ký tính huân

Cách mạng thi nhân hà khiếm nhã

Nhàn cư chiêm vãng khởi khi tâm.

Cả hai bài họa có ý gần nhau, tạm dịch nôm na là: Ông Trạng là người tài cao, có nhiều công lớn với đất nước song cũng là một nhà thơ đáng kính. Anh hùng thi sĩ cùng thời còn kính nể, sự so sánh của một nhà thơ cách mạng với tiền nhân như vậy thật không nên.

            Những bài thơ họa lần lược được gửi đến Hoàng Trung Thông và tháng 10-1972, dân làng Bùng lại nhận được thơ ông. Bài thơ vẫn giữ nguyên tên cũ “Phùng Trạng Nguyên miếu cung đề”  còn nội dung như phần đầu bài viết đã dẫn.”

            Thời gian đã trôi xa, nhưng các thế hệ người làng Bùng vẫn còn nhớ đến nguồn gốc ra đời của một bài thơ mà nay được làng tuyển chọn để khắc lên Đại lư đồng trước đền thờ đức Cụ. Ở nơi chín suối nếu biết được điều này chắc thi sĩ họ Hoàng sẽ vô cùng mãn nguyện, vì sự ra đi củng không phải là đã hết. Ông đã có một chút tinh hoa để lại cho đời và cho một vùng quê ngưỡng mộ đến ông – Quê Cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

                                                                                   Phùng Khắc Đăng.

                                                                                 CT Hội  họ Phùng VN