Thơ Nguyễn Trãi – Sưu tâm , dịch TS ĐINH NHO HỒNG

 

GIỚI THIỆU THƠ NGUYỄN TRÃI

Dịch bài 贈孔顏孟三氏子孫教授太平 (Tặng Khổng, Nhan, Mạnh tam thị tử tôn giáo thụ Thái Bình). Tặng con cháu ba họ Khổng, Nhan, Mạnh dạy học ở Thái Bình

Nguyên tác:

贈孔顏孟三氏子孫教授太平

TẶNG KHỔNG, NHAN, MẠNH TAM THỊ TỬ TÔN GIÁO THỤ THÁI BÌNH

人生十慮九常乖,Nhân sinh thập lự cửu thường quai,
盛世誰知有棄才。Thịnh thế thuỳ tri hữu khí tài
坡老昔曾儋耳去,Pha lão tích tằng Đam Nhĩ khứ,
長庚亦向夜郎來。Trường Canh diệc hướng Dạ Lang lai.
文章自古多為累,Văn chương tự cổ đa vi luỵ,
詩酒從今且放懷。Thi tửu tòng kim thả phóng hoài.
會待金雞開赦日,Hội đãi kim kê khai xá nhật,
五雲深處睹蓬萊。Ngũ vân thâm xứ đổ Bồng Lai.

DỊCH NGHĨA:

Tặng con cháu ba họ Khổng, Nhan, Mạnh dạy học ở Thái Bình

Sinh ra ở đời, tính mười điều thường sai đến chín
Thời thịnh ai biết được việc bỏ quên người tài
Pha Lão xưa từng đi đày tại Đam Nhĩ
Trường Canh cũng đã phải đến vùng Dạ Lang
Từ xưa văn chương vốn gây nhiều hệ luỵ
Nay ta lại càng trở lại với thơ rượu
Đợi ngày mở hội đại xá Kim Kê
Tại xứ ngũ vân xa thẳm thấy cảnh Bồng Lai.

 

Dịch thơ:

SÓT KẺ TÀI

Ở đời mười tính, chín là sai

Buổi thịnh thường hay bỏ sót tài

Đam Nhĩ – Đông Pha từng bị bắt

Dạ Lang – Lý Bạch đã đi đày

Văn chương muôn thuở từng phiền toái

Thơ rượu sáng chiều lại đắm say

Đại xá Kim Kê chờ mở Hội

Bồng Lai xa thẳm mấy tầng mây.

  P/s : Khổng Tử, Nhan Uyên và Mạnh Tử là ba bậc thánh hiền của Nho giáo:
Khổng Tử (551 TCN – 479 TCN) là triết gia, chính trị gia thời Xuân Thu.

Nhan Uyên là học trò cưng của Khổng Tử, kém khổng tử 30 tuổi.

Mạnh Tử (372 TCN – 289 TCN) là ông tổ thứ hai của Nho giáo, chỉ đứng sau Khổng Tử.

Bài thơ bày tỏ tâm trạng Nguyễn Trãi khi bị các nhóm lợi ích có thế lực trong Triều đình đố kỵ, chèn ép. Bài thơ nhắc đến Tô Đông Pha (1037–1101, chính trị gia nổi tiếng thời Tống), Lý Bạch (701 – 762, thi nhân nổi tiếng đời Đường), cũng từng bị đọa đày. Tuy vậy, Nguyễn Trãi vẫn trung thành với nền Quân chủ, vẫn nuôi hy vọng có ngày “Đại xá Kim Kê”, mặc dầu biết đó là chuyện viển vông “Bồng lai xa thẳm”.

                                                                                             TS Đinh Nho Hồng