TRẦN NHÂN TÔNG: Từ cung Thiên Trường ngắm cảnh đồng quê buổi chiều

 

PGS. TS. Đỗ Lai Thúy

 

Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên

Bán vô, bán hữu, tịch dương biên.

Mục đồng địch lý quy ngưu tận.

Bạch lộ song song phi hạ điền

(Thiên Trường vãn vọng)

(Thôn trước, thôn sau mờ tựa khói,

Bên bóng chiều (cảnh vật) nửa như có, nửa như không

Trong tiếng sáo, mục đồng đánh trâu về hết,

Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng.)

 

Trần Nhân Tông, tác giả bài thơ này, là một vị vua anh hùng, đã hai lần cầm đầu cuộc kháng chiến đánh quân Nguyên – Mông. Sau khi đất nước bình yên, ông nhường ngôi lên núi Yên Tử tu Thiền, lập ra phái Trúc Lâm Yên Tử và tự xưng là Trúc Lâm đệ nhất tổ. Thiên Trường vãn vọng có lẽ được viết vào lúc đánh thắng quân Nguyên. Đất nước bình yên, nhà vua về nghỉ ngơi tại hành cung Thiên Trường ở Nam Định, một vùng đồng bằng. Một buổi chiều nào đó, ông ra hiên ngắm cảnh đồng.

Có thể lúc viết Thiên Trường vãn vọng ông chưa xuất gia, nhưng đã là một nhà thiền học, học trò của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Nhưng ở bài này, người đọc không thấy ý thiền lộ rõ, ăn nổi như Thân như điện ảnh hữu hoàn vô (Vạn Hạnh), Hữu không như thủy nguyệt, Vật trước hữu không không (Từ Đạo Hạnh)… Bài thơ chỉ như một bức tranh thủy mặc, tả cảnh đời thường, đúng như tinh thần bản dịch thơ của Ngô Tất Tố.

Trước xóm, sau thôn, tựa khói lồng,

Bóng chiều dường có lại dường không.

Mục đồng sáo vẳng, trâu về hết,

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

Người ta có thể thấy ở đây một khung cảnh rất bình yên, được nhìn bằng con mắt của một người vừa đem lại hòa bình cho đất nước. Xóm trước thôn sau đều lồng trong khói. Khói (yên) đây có thể là làn sương chiều dâng lên từ mặt đất hay khói nấu cơm nồng ấm quẩn quanh mái rạ lùm tre? Bóng chiều tà làm cho mọi vật trở nên huyền ảo. Trẻ con, trâu bò và tiếng sáo là những biểu tượng của yên bình, còn cò trắng là biểu tượng của sự no đủ và từng đôi là hạnh phúc, là sự sinh sôi.

Tuy nhiên, đọc sâu bài thơ, ta còn thấy có một lớp nghĩa thứ hai, lớp nghĩa đưa nó trở lại làm một bài thơ thiền. Ta chú ý đến một vài từ ngữ thuộc về ngôn ngữ thiền, như tiền/hậu, vô/hữu, ngưu… Trước sau là phân biệt, sự biện biệt của thế giới hiện tượng. Sự phân biệt này như một làn khói nhạt chẳng mấy chốc mà tan loãng, biến mất. Hữu vô cũng như vậy, theo ánh chiều tà nó cũng chẳng còn: có là không, không là có. Chữ ngưu, nhất là quy ngưu (bắt trâu về) làm ta nhớ đến Thập mục ngưu đồ (bắt trâu về) của Thiền Tông. Mười bức tranh chăn trâu đã chỉ ra con đường tu luyện để giác ngộ. Con trâu ở đây là biểu tượng của tâm. Con đường giác ngộ ấy gồm có ba giai đoạn: sai tâm bắt tâm – tâm vô tâm – bình thường tâm.

Đầu tiên là tìm trâu, bắt được trâu, thuần phục nó và cưỡi trâu về nhà, tức đưa tâm về chỗ ban sơ. Lúc đầu, người ta tưởng tâm ở ngoài ta, nên người ta ngoại cầu, “sai tâm đi bắt tâm.” Đó là cái tâm phân biệt.

Sau giai đoạn ngoại cầu là giai đoạn tự tri tự giác. Tự tri không phải bằng tri niệm, mà dứt niệm bằng những phép tu tập, như tịnh quán chẳng hạn. Người ta thấy cả cái tâm ở trong ta cũng không thật. Đó là tâm vô tâm. Biết cái t âm là không tâm, ấy là hiểu suốt đạo Phật.

Tuy nhiên, Thiền cho rằng vô tâm chưa phải là đạo, mà còn phải qua một cửa ải nữa là trở về với trời đất, nhập vào cái trật tự tự nhiên vô thủy vô chung của trời đất, trở về với thế tục, trộn lẫn (ánh sáng) vào cát bụi (hòa quang đồng trần) của cuộc dời, trở thành một người bình thường, một người vô tâm vô sự, vô tích sự, một người không là gì hết, một “vô vị chân nhân.” Đó là bình thường tâm.

Nói về cái tâm bình thường này, một Thiền sư đã nói: Khi tôi chưa tu thiền thì núi là núi, sông là sông, khi tôi bắt đầu tu thiền, thì núi không còn là núi, sông không còn là sông, khi tôi đã giác ngộ thiền thì núi lại là núi, sông lại là sông. Đó là huệ nhãn của cái bình thường tâm.

Cấu trúc bài thơ Thiên Trường vãn vọng cũng đi theo sơ đồ này: Hai câu thơ đầu là thế giới hiện tượng: có sự biện biệt. Có cảnh ấy là do có tâm sai biệt. Câu thứ ba bằng hình tượng mục đồng dẫn trâu về trong tiếng sáo chỉ rõ đã định được tâm: tâm vô tâm. Câu cuối cùng tưởng như một câu nói vu vơ, nhưng đó là cảnh tượng dưới cái nhìn của tâm bình thường: Một hiện tượng tự nhiên của đời sống thường nhật.

So với những bài thơ như Đăng Bảo đài sơn, Xuân cảnh, Xuân vãn, Nguyệt, Sơn phòng mạn hứng, Cư trần lạc đạo…  thì Thiên Trường vãn vọng là một thi phẩm thể hiện được rõ nhất cái đặc sắc của tư tưởng thiền Trần Nhân Tông nói riêng và tư tưởng thiền đời Trần nói chung. Nếu Trần Thái Tông chú trọng đến con đường quay về bản thể bằng sự “giữ giới” (có thể do hối hận vì sự tàn sát nhà Lý của Trần Thủ Độ), nếu Tuệ Trung Thượng Sĩ “tùy tục” đến mức “phóng cuồng,” thì Trần Nhân Tông coi trọng tư tưởng nhập cuộc “Cư Trần lạc đạo.” Hơn nữa, các tư tưởng “vật ngã cầu vong,” “hòa quang đồng trần,””vô phân biệt,” “phá chấp” “tùy tục” của ông còn được thể hiện một cách sinh động, đa dạng, phong phú bawngfn hững hình ảnh gần gũi, quen thuộc, bỗng sáng lên những cạnh khía lạ lẫm, bất ngờ.

Bài thơ Thiên Trường vãn vọng không chỉ nêu rõ con đường giác ngộ của người tu thiền, mà còn chỉ rõ mục đích của thiền là trở lại bình thường tâm. Đây là thái độ tích cực, nhập thế của Thiền Lý – Trần. Đây cũng là lý do làm cho con người Lý Trần có tinh thần bất khuất, tự do, tự tại. Và, người ta không còn thấy sự khác nhau giữa nhà thơ và thiền sư trong con người Trần Nhân Tông, và giữa Trần Nhân Tông – vị vua anh hùng và Trần Nhân Tông – Trúc Lâm đệ nhất tổ.

                                                                         PHố giáo sư Đ.L.T