CẢM NHẬN NGUYÊN TÁC BÀI THƠ “BẠCH ĐẰNG HẢI KHẨU” CỦA NGUYỄN TRÃI – ThS. BÙI CHÍ THÀNH

 

CẢM NHẬN NGUYÊN TÁC BÀI THƠ “BẠCH ĐẰNG HẢI KHẨU”

CỦA NGUYỄN TRÃI

 

                                                                ThS. BÙI CHÍ THÀNH

                                                                                   ĐỨC THỌ – HÀ TĨNH – ĐT: 0915689219

 

     Nguyễn Trãi người cùng Lê Lợi làm nên sự nghiệp “Bình Ngô” là người anh hùng cứu nước, đồng thời là nhà văn lớn, nhà thơ lớn của nước ta. Lê Thánh tông soạn khúc Quỳnh uyển cửu ca trong có câu: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (Lòng ức trai rạng rỡ như ánh sáng sao Khuê). Dưới câu này có lời chú: “Quan thừa chỉ, tước Quan phục hầu Nguyễn Trãi, thi đậu từ thời nhà Hồ. Lúc đức Thánh Tổ  (Lê Thái Tổ) mới dựng nghiệp, theo đến phò tá ở Lỗi Giang, bên trong thì giúp việc trù hoạch mưu lược ở nơi màn quân, bên ngoài thì thảo văn từ chiếu dụ các thành; Văn chương của ông làm vẻ vang cho nước, rất được vua yêu quý tin dùng”.

     Nguyễn Mộng Tuân , một người bạn của Nguyễn Trãi đã ca ngợi Nguyễn Trãi như sau: “Gió thanh hây hẩy gác vàng, người như một ông tiên trong tòa ngọc. Cái tài làm hay, làm đẹp cho nước, từ xưa chưa có bao giờ…”

     Bài thơ “ Bạch Đằng hải khẩu một trong những bài thơ kiệt tác ca ngợi đất nước và nhân tài Việt Nam. Là một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, luật bằng, vần bằng,  lấy trong tập thơ chữ Hán “Ức Trai thi tập”. Bài thơ này, cụ Đào Duy Anh trong Nguyễn Trãi toàn tập, xếp vào loại sáng tác thời gian Nguyễn Trãi làm quan tại triều, sau cuộc kháng Minh thành công.

      Bài thơ nguyên tác như sau:

     

                     阮廌








Phiên âm:                 BẠCH ĐẰNG HẢI KHẨU

                            Nguyễn Trãi

Sóc phong xung hải khí lăng lăng,

Khinh khởi ngâm phạm quá Bạch Đằng.

Ngạc đoạn kinh khoa, sơn khúc khúc,

Qua trầm kích chiết ngạn tầng tầng.

Quan hà bách nhị do thiên thiết,

Hào kiệt công danh thử địa tằng.

Vãn sự hồi đầu ta dĩ hĩ!

Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng.

 

Dịch nghĩa:                CỬA BIỂN BẠCH ĐẰNG

Gió bấc thổi trên biển, khí biển lạnh rùng,

Nhẹ kéo buồn thơ qua cửa Bạch Đằng.

Như cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ, núi chia từng khúc một,

Như mũi qua chìm, cây kích gãy, bên bờ lớp lớp chồng.

Quan hà hiểm hai người chống trăm người do trời xếp đặt,

Hào kiệt lập công danh đất ấy từng là nơi đây.

Quay đầu xem việc cũ, ôi xong rồi!

Cúi xuống dòng mò bóng, ý khôn nói xiết.

                                    (Đào Duy Anh dịch)

     Lời chú của tác giả: “Cửa biển Bạch Đằng ở sông Thủy Đường là danh thắng núi sông vào bậc nhất, Sông Bach Đằng thuộc địa phận ba huyện Hoa Phong, Yên Hưng, Hoành Bồ (Tỉnh Quảng Ninh), bên tả sông nước ngút trời, núi non đứng sừng sững, phía đông cửa biển là đất Khâm Châu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) , cách vài dặm đến núi Phân Mao. Về thời Trần, quân Nguyên sang xâm lược, Hưng Đạo Vương cho cắm cọc ở đây, đánh bắt được tướng Nguyên là Toa Đô”.

     (Theo sử Việt Nam thì tướng Nguyên bị bắt ở đây là Ô Mã Nhi)

      Nơi đây Ngô Quyền đánh quân Nam Hán thế kỷ IX, Trần Hưng Đạo phá quân Nguyên thế kỷ XIII.

     Mở đầu bài thơ là hình ảnh “cánh buồm căng gió lướt nhẹ vượt Bạch Đằng Giang”. Một không gian mênh mông, bao la biển Trời, sông nước. Gió biển lùa thổi mạnh, con thuyền lướt “băng băng “trên mặt biển. Cảnh quan bao la ấy của biển trời đã khơi dậy một tứ thơ khoáng đạt dâng lên dào dạt trong tâm hồn phơi phới của thi nhân. Nguyễn Trãi đến thăm cửa biển Bạch Đằng với cánh buồm thơ lộng gió tâm hồn thi sĩ. Gió bấc thổi mạnh trên mặt biển. Hình ảnh “Nhẹ kéo buồm thơ” là một nét vẽ thần tình và tài hoa:

                           Sóc phong xuy hải khí lăng lăng,

                           Khinh khởi ngâm phàm qua Bạch Đằng.

     Trong những áng thơ, nói lên cảnh quan hùng vĩ khi lướt thuyền tới thăm các di tích lịch sứ Nguyễn Trãi hay dùng từ: “Ngâm phàm”: buồm thơ, hay “Ngâm thuyền”: Thuyền thơ để nói lên lời hay, ý đẹp!

Hải môn kim tịch hệ ngâm thuyền”

(Cửa bể đêm nay đậu lại chiếc thuyền thơ.)

(Nguyễn Trãi: Hải khẩu dạ bạc hữu cảm)

       Hay:            “Vọng Doanh đầu mộ hệ ngâm thuyền”

(Chiều tối đến Vọng Doanh, buộc con thuyền thơ lại.)

                          (Nguyễn trãi: Vọng Doanh)

     Ức Trai đến với dòng sông, cửa biển không chỉ để thưởng ngoạn vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên mà còn muốn tìm lại một thời đã qua, một thời oanh liệt về dòng sông lịch sử này.

     Hai câu thực là một bức tranh hùng tráng với những chiến công lẫy lừng của ông cha ta trên khúc sông , cửa biển Bạch Đằng này:

Ngạc đoạn kinh khoa, sơn khúc khúc,

Qua trầm, kích chiết ngạn tằng tằng.

Như cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ, núi chia từng khúc một,

Như mũi qua chìm, cây kích gãy, bên bờ lớp lớp chồng.

     Hai câu thực làm cho ta gợi nhớ tới chiến công vang dội làm cho quân Minh bạt vía kinh hồn trong “Bình Ngô đại cáo”: “Nhất cổ nhi kinh khoa, ngạc đoạn, tái cổ nhi điểu tán khuân kinh.” (Đánh một trận sạch không kình ngạc; Đánh hai trận tan tác chim muông.) Được tái hiện lại qua vần thơ và các hình ảnh ẩn dụ:  “Ngạc”, “kình”, “qua trầm, kích chiết” mang ý nghĩa tượng trưng trên cửa biển Bạch Đằng.

     Hai câu thực của bài thơ, ghi lại quan sát của Nhà thơ khi đi thuyền qua cửa Bạch Đằng: Núi non uẩn khúc, bờ sông từng lớp tầng tầng hiện lên trước mặt “Ngạc đoạn kình khoa”“Qua trầm kích chiết” là hai tỷ dụ tác giả dùng để hình dung “Sơn khúc khúc” và “Ngạn Tằng tằng” chứng tỏ tâm hồn tác giả tả khi đi qua Bạch Đằng đại thắng năm xưa. Núi trập trùng như bức trường thành chẳng khác nào đàn cá ngạc, cá kình – lũ giặc phương Bắc bị quân dân ta căm giận băm vằm và chặt thành từng khúc. Bờ bãi nhấp nhô “Ngạn tằng tằng” kéo dài vô tận như giáo gươm của lũ giặc ngoại xâm bị quân dân ta đánh chìm, bẻ gãy chất đống mà thành. Phép đối thần tình tạo nên vần thơ cân xứng hài hòa, cảnh vật cao thấp, xa gần đầy ấn tượng. Chất thơ dạt dào cảm hứng lịch sử đã đem đến cho người đọc những liên tưởng đầy tự hào về dòng sông và chiến công oai hùng của quân dân Đại Việt. Người đọc như cùng nhà thơ sống lại những năm tháng hào hùng thuở trước. Chính trên dòng sông Bạch Đằng này năm 938, Ngô Quyền đại thắng giặc Nam Hán, chém chết thái tử Hoàng Thao; Năm 1288, Trần Quốc Tuấn tiêu diệt 3 vạn quân Mông – Nguyên, bắt sống Ô Mã Nhi. Phải có một tấm lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, ức Trai mới viết nên những vần thơ tráng lệ như vậy…

     Tiếp theo phần luận phép đối vẫn được sử dụng sáng tạo, cảm hứng lịch sử của thi nhân bừng sáng, ý thơ càng trở nên thâm trầm sâu sắc. Bài học giữ nước về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, về hào kiệt được nhà thơ nói một cách thấm thía, ý nghĩa: Dựa vào thế hiểm trở của núi sông  mà cha ông ta đã tài tình, mưu lược lấy ít địch nhiều, đánh tan quân xâm lược phương Bắc ở cửa biển Bạch Đằng này:

                            Quan hà bách nhị do thiên thiết,

Hào kiệt công danh thử địa tằng.

Quan hà hiểm hai người chống trăm người do trời xếp đặt,

Hào kiệt lập công danh đất ấy là nơi đây.

     “Quan hà bách nhị” Đất Quan Trung nước Tần ngày xưa, bốn bên núi non vây bọc, thông với các nước khác chỉ qua mấy cửa ải (Hàm Cốc quan,Vũ quan…), địa thế rất hiểm trở. Sách “Sử ký”của Tư Mã Thiên có nói về địa thế ấy. Nước Tần chỉ cần hai vạn quân là đủ chống chọi với trăm vạn quân chư hầu. Hai chư “Bách nhị” là lấy từ đây, nghĩa là hai vạn địch trăm vạn, hai người chống được trăm người.

      Địa thế Bạch Đằng hiểm yếu, là tử địa đối với lũ giặc phương Bắc, cửa biển lòng sông hiểm yếu ấy là đất trời giúp cho quân dân ta để bảo vệ xã tắc “vững bền muôn thuở”. Đất nước ta, dân tộc ta, anh hùng hào kiệt thời nào cũng có. Như Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” đã viết:

“Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,

  Song hào kiệt đời nào cũng có.”

      Họ đã đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo, đem tài thao lược bài binh bố trận để lập nên những chiến công bất tử trên lòng sông Bạch Đằng. “Quan hà” với “Hào kiệt”, “Thiên” với “Địa”, được đặt trong thế đăng đối, Ức Trai muốn khắc sâu tư tưởng yêu nước chống xâm lăng. Cuộc chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc Đại Việt từng diễn ra trên cửa biển Bạch Đằng là chính nghĩa, lòng dân hợp với lẽ trời đã làm nên chiến công hiển hách, vang dội.

      Hai câu kết, giọng thơ sâu lắng với bao cảm xúc mênh mang. Niềm cảm hoài dào dạt. Tâm hồn thi nhân như chan hòa với sông núi, mây Trời, sông nước. Tâm trí người anh hùng “Bình Ngô” sống lại một thời quá khứ oanh liệt của tiền nhân, suy tư trước những “việc cũ”, tìm lại “bóng” những anh hùng thuở trước mà lòng bâng khuâng. Câu thơ cảm thán vang lên tiếng lòng bồi hồi, luyến tiếc, gợi lên bao nỗi nhớ thương, lưu luyến:

                                Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ,

                                 Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng.

Quay đầu xem việc cũ, ôi xong rồi!

Cúi xuống dòng mò bóng, ý khôn nói xiết.

     Đây là bài thơ viếng cảnh hoài cổ. Tác giả đi thuyền qua cửa bể Bạch Đằng, lòng cảm xúc mãnh liệt tưởng nhớ tới những chiến công lẫy lừng và những vị anh hùng đã làm nên những chiến công hiển hách ấy, ở khúc sông này trong lịch sử. Bài thơ tràn đầy lòng tự hào đối với lịch sử oai hùng của dân tộc ta.

      Đọc bài thơ “Bạch Đằng hải khẩu” của Nguyễn Trãi ta càng cảm nhận sâu sắc hơn thơ Nguyễn Trãi là tâm hồn của Nguyễn Trãi, trong sáng và đầy sức sống là thơ của một người yêu đời, yêu người, tâm hồn của Nguyễn Trãi sống một nhịp sống với non sông, đất nước vui tươi. Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc, là bài ca yêu nước của dân tộc ta trường tồn cùng non sông, gấm vóc, vang lên trong khúc khải hoàn ca “Bình Ngô đại cáo”.

  • Như nước Đại Việt ta từ trước,

   Vốn xưng nền văn hiến đã lâu…

  • Từ triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
  • Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.

      Bài thơ được cụ Đào Duy Anh và cụ Khương Hữu Dụng dịch thơ như sau:

 

      CỬA BẠCH ĐẰNG

 

Khí hậu hơi may thổi lạnh lùng,

Bạch Đằng qua cửa nhẹ buồn dong.

Chòm chòm núi đá kình rơi đoạn,

Lớp lớp bờ lau kiếm nát chồng.

Quan ải trăm hai, trời đặt hiểm,

Anh hùng hào kiệt đất nên công.

Việc xưa ngoái lại ôi rồi hết!

Ngao ngán mò xem bóng giữa dòng.

                         (Đào Duy Anh dịch)

 

    CỬA BIỂN BẠCH ĐẰNG

 

Biển lùa gió bấc thổi băng băng,

Nhẹ kéo buồm thơ vượt Bạch Đằng.

Ngạc chặt kinh băm non chởm chởm,

Giáo chìm gươm gãy bãi dăng dăng.

Quan hà hiểm trở trời kia dựng,

Hào kiệt công danh đất nọ từng.

Việc cũ quay đầu ôi, đã vậy!

Dòng trôi mò bóng cảm bao chừng.

                        (Khương Hữu Dụng dịch)

     Bài thơ còn được Nhà thơ Nguyễn Đình Hồ (Nam Định) dịch khá hay, xin giới thiệu để chúng ta tham khảo:

   CỬA BIỂN BẠCH ĐẰNG

 

Biển rung gió bấc thế bừng bừng,

Nhẹ cất buồn thơ lướt Bạch Đằng.

Kình ngạc băm vằm non mấy khúc,

Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng,

Quan hà hiểm yếu trời kia đặt,

Hào kiệt công danh đất ấy từng.

Việc trước quay đầu ôi dã vắng!

Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng.

              (Nguyễn Đình Hồ – Nam Định dịch)

 

                                              B.C.T

                                              

* Ghi chú: Tài liệu tham khảo:

Thơ văn Nguyễn Trãi – Nhà xuất bản giáo dục – 1980

– Tư liệu tham khảo Văn học Việt Nam – Tập II Nhà xuất bản Giáo dục – 1979