ĐẾN VỚI BAI THƠ HỌC ĐÁNH CỜ Của Bác Hồ . Học giả người Mỹ

  ĐẾN VỚI BAI THƠ HỌC ĐÁNH CỜ Của  Bác Hồ

La-đi Bô-tơn (Lady Borton) là một trong những nhà nghiên cứu nước ngoài đã có mặt lâu năm ở Việt Nam. Bà đã viết nhiều tác phẩm về Việt Nam như ”Hồ Chí Minh- một chân dung” và cũng đã dịch sách ”Điểm hẹn lịch sử”- hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang Tiếng Anh. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày kết thúc chiến tranh ở Việt Nam và lần thứ 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà có một vài suy ngẫm về tư tưởng quân sự Hồ Chi Minh… qua bài thơ  “Học đánh cờ”
     30 năm trước đây, tôi đến Hà Nội với tư cách là trưởng đoàn các nhà sư phạm Mỹ thăm miền Bắc Việt Nam. Chuyến thăm này trùng với hai tuần lễ khi mỗi ngày chế độ Sài Gòn mất đi một tỉnh lỵ vào tay Quân giải phóng. 
    Tôi còn nhớ mình đã quan sát những người dân thường của Hà Nội dừng xe đạp trước tấm pa nô lớn, ngắm bản đồ Việt Nam vừa được tô đỏ thêm một tỉnh phía Nam. Miền Bắc vào năm bảy mươi lăm, giấy còn hiếm lắm, người dân không đủ báo để xem. Người ta vây vòng trong, vòng ngoài quanh bảng tin của mỗi khu phố có dán tờ Nhân Dân hay Quân đội nhân dân. Vì đó là lần đầu tới đất Hà thành, tôi chưa được trang bị bất cứ đơn vị nào của ký ức để đo đếm sự sôi nổi của những cuộc thảo luận được chứng kiến vào lúc đó. 
     Cảm nhận rõ rệt nhất của tôi những ngày ấy là mỗi người kể từ người đạp xe trên phố đến các vị lãnh đạo dân chính cấp cao mà tôi được yết kiến, đều có vẻ như ngỡ ngàng trước sự sụp đổ tan tành trong chớp mắt của chế độ Sài Gòn. Tôi còn nhớ mọi người có vẻ như đã chuẩn bị để trải qua một cơn binh lửa dài ngày hơn. Tôi còn nhớ mình đã thèm đến thế nào một tình bạn cũ để hỏi thẳng một câu, đã thèm được sống gần những thường dân Việt Nam luôn trăn trở với mỗi biến cố của dân tộc mình. 
    Riêng với tôi, số ra mồng Bảy tháng Năm 1975 của tờ Time, một tuần sau Hoa Kỳ, đã khái quát sự kiện này cực kỳ súc tích. Trang bìa dùng hai sắc đỏ và vàng- màu của quốc kỳ Việt Nam, vẽ một chân dung nhìn nghiêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chú thích người Chiến thắng, lồng vào tấm bản đồ Việt Nam giang sơn liền một dải. 
   Tuyên bố này của Time quả là vang dội bởi vì Hồ Chí Minh đã từ trần 5 năm trước đó. Nó cũng là nhận định của các thường dân Việt Nam tham gia ”chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” ngày ấy nay đã về hưu. Trong những lần gặp gỡ, những vị tướng dày dạn trận mạc này thường trích dẫn bài thơ “Học đánh cờ” từ tập Nhật ký trong tù của  Hồ Chí Minh. Tập thơ chữ Hán này được sáng tác khi Người bị Quốc dân Đảng- Trung Hoa cầm tù những năm bốn mươi của thế kỷ trước. 
    Chúng ta đều biết rằng, Hồ Chí Minh là nhà thơ không có chủ định, ông chỉ nhận mình là nhà báo, nhà cách mạng. Nhưng vì mục tiêu kiên định của cả cuộc đời Người là giải phóng dân tộc; vì không thể ”ngửa tay” đòi xin độc lập được; và vì có thể và cần phải sử dụng sức mạnh và khả năng của các công cụ ngôn ngữ và các loại hình văn học nghệ thuật để truyền bá tư tưởng cách mạng.

 

    Nhờ đó, chúng ta có thể tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có một bộ phận quan trọng tư tưởng quân sự, thông qua thơ của Người. 
Trong bài thơ này, Hồ Chí Minh mô tả chiến lược mà các nhà lãnh đạo quân sự Việt Nam đã theo đuổi trong cả hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ. 
Khổ thơ đầu bắt đầu bằng hai câu, phiên âm chữ Hán: 
Bế tọa vô liêu học dịch kỳ
Thiên binh vạn mã cộng khu trì
 

(Dịch nghĩa: Ngồi trong nhà lao buồn tênh học chơi cờ, Nghìn quân muôn ngựa tha hồ điều động
Bản dịch thơ tiếng Việt: 
Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi
Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài 

   Bản dịch thơ tiếng Anh của La-đi Bô-tơn, “Hồ Chí Minh, một chân dung”, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2003: 
Cramped and miserable, we play chess,
Horse, men circle in perpetual pursult; 

  Hồ Chí Minh đã dùng những ngày trong tù để ghi nhật ký bằng thơ, và ”im lặng trầm tư”. Tình cảnh tù đày cực kỳ bi đát nhưng Người dùng nó để chuẩn bị về tư tưởng cho một cuộc giành chính quyền ”trong chớp mắt”, cuộc cách mạng Tháng Tám. 
    Binh mã của Hồ Chí Minh là lực lượng của một nước có lãnh thổ nhỏ hẹp, hạn chế về các nguồn tài nguyên, chỉ có một vốn quý gần như duy nhất là con người với tình yêu tự do và truyền thống thượng võ. Để chống lại những thế lực ngoại xâm mạnh hơn gẩp nhiều lần, những cuộc chiến tranh tổng lực bằng sức mạnh toàn dân được phát động để:
“Lấy ít địch nhiều,
Lấy yếu chống mạnh” 

   Bằng cách thường xuyên áp dụng cách đánh có hiệu quả, một đội quân nhỏ hơn có thể tập trung các lực lượng chủ lực để liên tục giáng những đòn tấn công đánh lại một kẻ thù mạnh hơn, cơ động hơn. Điều này không giống với lý thuyết quân sự kinh điển của thế giới, cho rằng chiến thắng chỉ đạt đuợc bằng ưu thế quân số và trang bị. Những phương châm ”dựng nước, giữ nước” được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết không phải là chủ trương sức mạnh của vũ khí, thành quách như triều đại nhà Hồ, hoặc trông chờ ngoại viện mà là: 
”Lấy dân làm gốc, có dân là có tất cả”
”Lấy sức ta mà tự giải phóng cho ta”. 

Hai câu kết khổ đầu: 
Tấn công thoái thủ ưng thần tốc
Cao tài tật túc tiên đắc chi 

(Dịch nghĩa: Tiến đánh hay lui về thế thủ đều phải thần tốc, Phải luôn cơ động và dùng mưu lược để tính nước trước) 
Bản dịch thơ tiếng Việt: 
Tấn công thoái thủ nhanh như chớp
Chân lẹ tài cao ắt thắng người
 

Bản dịch thơ tiếng Anh 
They assault and retreat like lightning
Nimble feet, keen talent assure victory
 

       Hồ Chí Minh đã chỉ ra một điều tưởng như đơn giản: trong chiến tranh mọi điều động binh lực, dù công hay thủ, đều phải dứt khoát, quyết liệt, táo bạo, bất ngờ, không để đối phương kịp trở tay. Nhưng 30 năm sau, nó đã trở thành mệnh lệnh nổi tiếng của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đầu tháng Tư 1975 gửi các đơn vị đang đổ vào chiến trường trọng điểm “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa…”. Còn trước đó, vào chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, năm ngón tay của cụ Hồ đã dẫn đường cho một cuộc điều động binh lực tuyệt vời trên toàn chiến trường Đông Dương của Quân đội nhân dân, phá thế tập trung binh lực của kế hoạch Na-va. 
     Trong cờ tướng, trong đấu võ (thể thao đối kháng ), cũng như theo quan điểm làm chiến tranh thông thường, phải xây dựng được một tổ hợp đấu pháp cho từng giai đoạn chiến tranh, gồm ra quân, đánh giữa ván, đánh cờ tàn.

    (“Phải tính được trước đối phương ít nhất năm nước mới chắc thắng”. Một cụ già thường đánh cờ thế trên ghế đá vỉa hè gần đền Ngọc Sơn bảo tôi). 
Khổ thơ giữa trình bày quan điểm chỉ đạo chiến lược và thực hành chiến dịch. 
Hai câu đầu: 
Nhãn quang ưng đại, tâm ưng tế
Kiên quyết thời thời yếu tấn công
 

Bản dịch thơ tiếng Việt: 
Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ
Kiên quyết không ngừng thế tiến công
 

Bản dịch thơ tiếng Anh: 
Watch far afield, yet focus deliberations
Be Steadfast.Never abandon the assault; 

Tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh là đánh chắc thắng, phải chắc thắng rồi mới đánh. Do vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Xuân Giáp Ngọ đã trải 11 đêm mất ngủ để đi đến “quyết định khó khăn nhất” trong đời binh nghiệp của ông, xoay cho miệng ”cái bẫy” Điện Biên Phủ sập xuống đầu chính những kẻ gài bẫy… Muốn bảo đảm luôn đánh cho thắng, phải liên tục ra đòn để xoay chuyển tình thế, để buộc kẻ đánh phải bị động phân tán để càng đánh càng mạnh. Hai vế này đối nhau và niêm luật, nhưng vế quân sự là điều kiện cần và đủ của nhau, tương hỗ cho nhau. Phải nhận thức được cục diện mới tìm được cách đánh, tạo được thời cơ giành thế chủ động; phải chủ động tiến công mới biết địch, biết ta”. Điều này xuyên suốt toàn bài thơ Hai câu thơ kết của khổ thơ giữa là có lẽ tổng kết quan trọng nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đó là mối quan hệ thời -thế. Có lẽ, vì thế, Hồ Chí Minh, vốn đặc trưng bởi vẻ lúc ung dung tự tạo, lúc xuất thần đầy ngẫu hững, đã dùng phép đối (đối ý, đối từ loại, tức là danh từ đối danh từ, động từ đối động từ ; cụm từ đối nghĩa cụm từ) rất nghiêm ngặt để nhấn mạnh quan điểm này. 
Thác lộ song xa dã một dụng,
Phùng thời nhất tốt khả thành công. 

(Lạc nước hai xe (thiết giáp, cơ động, thiện chiến) thành vô dụng, Gặp thời một tốt cũng thành công) 
Bản dịch thơ tiếng Việt: 
Lạc nước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công 

Bản dịch thơ tiếng Anh: 
One baples step: Two chariots ravaged
The precise moment: a victorlous pawn. 

   Quân Mông Nguyên ”vó ngựa đến đâu cỏ không mọc được đến đấy” trong thế kỷ 13 xây dựng một hạm đội mạnh nhất châu Á để quyết chinh phục Đông Nam Á, trả mối thù Đại Việt đã đánh bại họ hai lần trước đó. Trần Hưng Đạo dùng lại kế của Ngô Quyền, giả thua nhử địch vào bãi cọc Bạch Đằng, nơi các chiến thuyền lớn bị mắc cạn… ” này có vẻ như được dùng lại ở Tây Nguyên năm cuối năm 1965, khi bộ đội của tướng Nguyễn Hữu An như một đơn vị kỵ binh bay của Mỹ ham truy kích chạy xa khỏi đội hình đại quân vào thung lũng ”tử thần” la Drang … 
Vì phong cách nghệ thuật của ”Nhật ký trong tù” là ”ý ở ngoài lời”, quân Tốt trong bài ”Học đánh cờ” là một nội hàm có tính khái quát cao. Có lẽ, nó là con Tốt của cờ Vua, đi hết chiều dài của bàn cờ (cuộc chiến) thì trở thành con Hậu mạnh nhất, có công hiệu ngang bằng một con Xe và hai con Tượng, chạy chéo cả ô đen lẫn ô trắng…  Nếu chỉ xét cờ Tướng, hãy lấy những quân Tốt sang sông, di động ngang được như con Xe của mốc Xuân Nhâm Tý 1972, đầu chiến dịch Quảng Trị, làm ví dụ. Con Tốt nhập cung ư? Đó chính là bộ đội đặc biệt tinh nhuệ của Tết Mậu Thân vang dội, đã đánh thẳng vào hậu cung của chính quyền Sài Gòn và ”boong ke” (tiếng Anh: bunker) của đại sứ Mỹ Bunker. Đặc công của Việt Nam lại là quân Tốt chiếu hậu, đánh thẳng từ trong tâm não của đối phương đánh ra.

     Cũng có thể đó là những chiến sĩ tình báo trong địch hậu, với chiến công thầm lặng mà giá trị ngang với cả sư đoàn. 
    Quân Tốt còn có thể hiểu là hoạt động của ba thứ quân trên ba loại hình chiến trường: rừng núi, đồng bằng và đô thị, lan tỏa từ suối nguồn Pác Bó tới rừng đước Năm Căn. (Từ những năm giữa thế kỷ trước, phương Tây đã biết đến những chiến binh ”trong rừng rậm nhiệt đới khủng khiếp Việt Nam”). 
Quân Tốt lại có thể có khuôn mặt phụ nữ, như của một cô gái biệt động Sài Gòn, hay một nữ thanh niên xung phong Trường Sơn, vào trận duyên dáng và quyết liệt như Bà Trưng, Bà Triệu năm xưa … 
”Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
Con Tốt có thể là những thiếu niên tìm cách tham gia kháng chiến ”tuỳ theo sức của mình”, mà lịch sử Việt Nam cho thấy muôn vàn gương mặt anh hùng. Như Trần Quốc Toàn, chỉ huy một đạo quân dưới cờ ”Phá cường địch, báo hoàng ân” khi vừa tròn mười sáu tuổi… 
Việc thiết lập những nền tảng khoa học cho chiến tranh nhân dân, bắt đầu từ chiến thuật du kích truyền thống ”dĩ đoản chế trường”, đã đưa ”con Tốt” đi từ thế hệ tầm vông, cạm bẫy lên thời đại công nghệ điện tử của ra- đa, tên lửa… 
      Các nhà dùng binh Việt Nam không chỉ đề cập vấn đề “thế” và ”lực” mà còn rất coi trọng yếu tố thời cơ, bao hàm mối quan hệ biện chứng (dialectic) giữa thời và thế. 
   Tạo thế đối nghịch với ”lạc nước” ở trên, Nguyễn Trãi từng viết ”Người cầm quân phải thông tường thời thế. Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn.

    Mất thời không thế thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy. Biến thiên ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay”. Chủ tịch Hồ Chí Minh giảng giải thêm về thế và lực như sau: 
“Quả cân chỉ có 1kg, vào thế lợi thì lực nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được hàng chục, hàng trăm cân. Đó là thế thắng lực. Ta đánh Mỹ, lấy ít thắng nhiều được là nhờ cái thế của ta rất lợi”. 
(Bài nói chuyện với Hội nghị cán bộ quân sự cao cấp, tháng Năm 1969) 
Tương tác của các yếu tố thời-thế theo bài bản của binh pháp Việt Nam tạo nên những phút thăng hoa của lịch sử dân tộc này, trong đó cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, Điện Biên Phủ 1954 và Toàn thắng Xuân 1975 là những cái mốc đã đi vào lịch sử thế giới trong thế kỷ XX. 
Khổ thơ kết, hai câu đầu: 
“Song phương thế lực bản bình quân, Thắng lợi chung tu thuộc nhất nhân” 
Bản dịch tiếng Việt: 
Vốn trước hai bên ngang thế lực, Mà sau thắng lợi một bên giành 
Bản dịch tiếng Anh: 
The two forces start balanced and equal, After victory, only one sovereign reigns; 
Ở đây có lẽ Hồ Chí Minh muốn chỉ ra quy luật của chiến tranh là mạnh được yếu thua. 
Và khác với trò chơi cờ hoặc những cuộc chiến trên các chiến trường rộng lớn, cuộc chiến tranh giải phóng khó có kết quả hòa (trường hợp hiệp định Giơ-ne-vơ, khi có những thế lực muốn vĩnh viễn chia cắt thân thể Việt Nam). 
Lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam là những cuộc chiến tranh chống kẻ thù mạnh hơn bội phần. Đó là phong kiến phương Bắc thời cổ – trung đại với cùng một phương thức sản xuất, nhưng giàu mạnh hơn gấp bội. Ở thế kỷ XX, các thế lực ngoại xâm ở một trình độ cao hơn nhiều lần về phương thức sản xuất, và thế ”lấy yếu chống mạnh” của Việt Nam trong “Cuộc chiến mười ngàn ngày” cũng khó khăn hơn vạn lần. Không những phải dùng chiến tranh dài ngày, chiến tranh tổng lực (quân sự, chính trị, ngoại giao, binh vận) của toàn dân, ban đầu là ”chiến đấu trong vòng vây”, mà còn phải đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, phải đánh chắc, tiến chắc, nhằm tạo thời cơ đánh những trận lớn, xoay chuyển cục diện chiến trường. 

 

          Khi cán cân lực lượng đã đạt được cân bằng (ở đây không xét về số lượng quân sĩ hay trang bị, mà về sức mạnh kháng chiến của chiến tranh toàn dân so với ý chí của thế lực xâm lược) và bắt đầu có lợi cho bên kháng chiến, thì giai đoạn hai – đánh những đòn quyết định chiến trường bắt đầu. Điều này đúng cho cả hai cuộc chiến tranh Đông Dương. 
Về phương châm giành thắng lợi từng bước trong chiến tranh, có thể dẫn câu nổi tiếng của Hồ Chí Minh: 
Vì độc lập, vì tự do Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. 
(Hồ Chí Minh – Thơ chúc Tết năm 1969) 
     Sau khi ”đánh cho Mỹ cút”, đánh dấu bằng Hiệp định Pa-ri, Bộ Chính trị của Đảng đã dự kiến: ”tình hình có thể diễn biến theo hai khả năng, hoặc giữ được hòa bình, hoặc có chiến tranh trở lại, không thể có ảo tưởng địch sẽ thi hành một cách nghiêm chỉnh vì chúng rất lo ngại trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn”. (Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập 2, NXB Chính trị quốc gia), và ”Thực tế ngày càng rõ, tình hình phát triển theo khả năng thử hai, vì Mỹ không ngừng tiếp tay ngụy lấn chiếm và bình định, điên cuồng đánh phá cách mạng, hòng xóa bỏ vùng giải phóng, đẩy lùi lực lượng cách mạng”. (Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi và bài học. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr.58) 
Hai câu thơ cuối của bài: 
Công thủ vận trù vô lậu trước Tài xưng anh dũng đại tướng quân 
Bản dịch tiếng Việt: 
Trên công phòng thủ không sơ hở Đại tướng anh hùng mới xứng danh 
Bản dịch tiếng Anh: 
Assault, defend, never relax your guard, Only a victorious general achieves fame. 
     Về giai đoạn ”đánh cho ngụy nhào”, tuy nhiều năm đã qua nhưng Trung tâm tổng kết Lịch sử quân đội Mỹ xem ra vẫn chưa vỡ ra được chuyện gì. Cuốn “Lịch sử quân sự Hoa Kỳ” dày 700 trang của Trung tâm này, biên niên mọi cuộc chiến tranh từ Cách mạng Hoa Kỳ cho tới chiến tranh Việt Nam, đã nhầm lẫn ghê gớm khi soạn phần kết của chương Chiến tranh Việt Nam. Sách này viết: ”Vào năm 1975, các nhà lãnh đạo Bắc Việt mới bắt đầu lập kế hoạch cho đợt Tổng tiến công. 
Điều này thật quá xa với những gì đã diễn ra. 
Tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu trong sách “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, rằng vào tháng Tư 1973, Quân ủy trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã thành lập một tổ Trung tâm, gồm bốn tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp để soạn thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. 
Tướng Lê Hữu Đức là một trong bốn thành viên của Tổ trung tâm. Ông đã viết một loạt bài đăng trên báo “Quân đội nhân dân” đầu tháng Ba 2005 kể lại sự kiện này. Ông cho hay, Tổ trung tâm đã bắt đầu bằng việc nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam kể từ thời cổ đại. Họ tập trung vào những trận đánh chống các thế lực đế quốc xâm lược, xảy ra chủ yếu ở thiên niên kỷ thứ hai, nghiên cứu kỹ những thành công và cả những thất bại. Binh pháp Việt Nam chỉ rõ, để đối phương “lạc nước”, phải đánh một trận mở màn tạo thế ”sấm vang, chớp giật, trúc chẻ, tro bay”. 
    Tổ Trung tâm xem xét kỹ các phương án của kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Đã có nhiều ý tưởng khác nhau. Thứ nhất là đánh thẳng vào Sài Gòn, nơi mạnh nhất của đối phương. Thứ hai, đánh Kon Tum, Plei-cu ở Tây Nguyên. Ý tưởng thứ ba là đánh từ phía Bắc vào Huế – Đà Nẵng, nơi Sài Gòn tập trung lực lượng đối diện với miền Bắc. 
      Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi đều khuyên nên đánh vào chỗ mềm, nơi địch yếu, không nên đánh vào chỗ cứng

 Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở những nhà cầm quân của Việt Nam: “phải tránh chỗ địch mạnh”. 
Sau nhiều cuộc thảo luận, đã đi đến chỗ chọn Tây Nguyên, cụ thể là Buôn Ma Thuật, vì đây là chỗ không ngờ, lại là nơi địch tương đối yếu, nhưng không thể để mất. 
Bộ Chính trị nhất trí kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất lưu tâm tới việc làm đường cho tăng, pháo để chuẩn bị chiến trường. Những đoạn cuối này của Đường Hồ Chí Minh có tầm quan trọng ngang với những con đường kéo pháo trước đây ở Điện Biên Phủ. 
Chính trường Mỹ cũng góp ”công” trong việc tạo ra thời cơ. Vụ bê bối Oa-tơ-ghết bó chân tay Tổng thống Ních-xơn. Đầu năm 1975, dưới áp lực của công chúng, nghị viện Mỹ hạn chế gắt gao viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam. 
Và như chúng ta đã biết, cuộc cờ đã kết ván trong mùa Xuân 1975. Từ trận mở màn Buôn Ma Thuật đến ngày toàn thắng chỉ vẻn vẹn có 55 ngày bằng thời gian của chiến dịch Điện Biên Phủ. 
Merle Pribenow, chuyên gia lâu năm về vấn đề Việt Nam của CIA cho rằng, chiến cuộc Xuân 1975 – chiến dịch Hồ Chí Minh là ”nước cờ chiếu hết thể hiện tài thao lược chưa từng có trong lịch sử” (a ”strategic endgame non-pareil”).
Bài thơ ”Học đánh cờ” là một câu trả lời súc tích cho câu hỏi ”Tại sao Việt Nam?” (Why Việt Nam). Binh pháp Việt Nam, theo bài giảng này của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, gồm bốn yếu tố: lực (force, power), thế (position, potential, situation), thời (timing, opportunity), mưu (strategy, stratagem, scheme). Lực xét về phương diện vật chất của Việt Nam chưa bao giờ đáng kể so với đối phương, nhưng nó được nhân lên gấp bội nhờ thế, theo lý thuyết quả cân của Hồ Chí Minh. Thế được xây dựng nhờ mưu, và cũng chính mưu lược đã tạo ra thời để phát huy thế mà giành chiến thắng. Đó là lý do Việt Nam đánh thắng quân Nguyên mạnh nhất thế giới trong thế kỷ XIII. Đó cũng là lý do Việt Nam ”đánh thắng hai đế quốc to” trong thế kỷ XX, trong đó đế quốc Hoa Kỳ có tiềm lực kinh tế và quân sự hùng mạnh nhất thế giới hiện đại. 
      Toàn tập “Nhật ký trong tù” là áng văn chương tuyệt tác dành cho người đọc của nhiều thứ tiếng. Riêng bài thơ “Học đánh cờ” còn phảng phất phong cách của Nguyễn Trãi, hay các tướng soái đời Lý, Trần… lấy thi ca mà bàn việc binh đao.

       Đó có lẽ là lý do thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những khuôn mặt bừng sáng của những độc giả thường là bậc trung niên bên cạnh những cột báo. 

                                                                                                 La-đi Bô-tơn