Thu điếu. Một ý thơ mới cần bàn

 

(Ghi lại lời cảm nhận của ông Nguyễn Thanh Tùng hậu duệ 5 đời của Tam nguyên Yên Đổ, trông coi từ đường Nguyễn Khuyến).

Đinh Cầm , Hà Nam

Ngày về dâng hương tại từ đường thi hào Nguyễn Khuyến, nhân ngày thơ Việt nam lần thứ 16, tôi đã hỏi ông Nguyễn Thanh Tùng :

– Xin ông cho biết cảm nhận của ông về bài thơ “Thu điếu” của thi hào Nguyễn Khuyến?

Ông Tùng :

– Xin trả lời ngay với nhà thơ là về mặt chữ thì “Thu diếu” (秋 钓) đúng là câu cá mùa thu, nhưng cụ chơi chữ, ngầm ý của cụ là chữ điếu(吊 ), nghĩa là viếng, than khóc, mùa thu đau buồn trước cảnh nước mất nhà tan。Những  từ nói về câu cá mùa thu là “ao thu”, “nước”, “thuyền câu”, “tựa gối ôm cần”, “cá đâu đớp động dưới chân bèo”, đó là cái bình phong để che khuất cái ý ngầm  của cụ: Nói là câu cá nhưng thực tế không hề đi câu cá.

Câu đầu ::

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”

Cái ao mùa thu ám chỉ đất nước Việt Nam, người ta thường nói mùa thu ở miền Bắc là mát mẻ, ở đây là “lạnh lẽo”, đó là cảm giác của  cụ và của người dân mất nước, chỉ có tái tê, buồn khổ, vì thế từ “lạnh lẽo” lại là hợp lẽ.Còn “nước trong veo”, “nước” vừa có nghĩa là nước ao, vừa hàm ý đất nước còn “trong veo”, nước đã trong  lại “lạnh lẽo” nữa thì làm gì có cá, mà đã không có cá thì không phải đi câu, còn nói về đất nước thì sự nổi dậy chống xâm lược Pháp còn lẻ tẻ, chưa đều khắp  nên mới gọi là “trong veo”.

Câu 2:

“Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

        Theo ông Tùng thì câu này ám chỉ thân phận của cụ Nguyễn Khuyến khi đã từ quan về quê thì cũng chỉ như chiếc thuyền câu bé nhỏ, chẳng làm gì được.

Hai câu thực :

   “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

  Lá vàng trước gió (sẽ)khẽ đưa vèo”.

Phải chăng cái ao là đất nước mà làn sóng đấu tranh chưa nổi lên mạnh mẽ mà chỉ “hơi gợn tí”, sự vùng lên còn yếu ớt, quân thù đang còn mạnh, phong trào còn bọt bèo như lá vàng mùa thu.

Câu luận:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

   Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”



Ông Tùng chỉ nhấn mạnh từ “ngõ trúc”. Cây trúc biểu tượng cho các bậc hiền nhân quân tử, những người yêu nước chưa xuất hiện nhiều nên mới “vắng teo” như vậy. Cụ nhìn xuống ao thì “nước  trong veo”, nhìn lên trời thì chỉ thấy mấy làn mây “lơ lửng” như cảnh béo dạt mây trôi.

Câu 7:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được”.

Ta để ý đến từ “ôm”, chiếc cần câu đã được “ôm”, có nghĩa ngọn cần câu đã hướng lên trời, rõ ràng ở đây không phải cụ đi câu cá, nếu là câu cá thì phải là “buông cần”, có người định sửa từ “ôm cần” thành “buông cần”, đã đành nếu là đi câu thật thì từ“buông” rất đắt giá, ta nhớ từ dùng của cụ là “ôm cần” (ôm ấp cái hoài bão lớn lao không nói ra lời), ta hiểu ý tại ngôn ngoại là ở chỗ này đây.

Câu cuối :

“Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

Theo ông Tùng, “cá” ở đây ám chỉ người dân Việt Nam nổi dậy chống Pháp đã gợn lên ở chỗ này, chỗ kia, nhưng chưa rõ ở đâu cả (cá đâu). Từ dùng của cụ là “chân bèo”, có người sửa thành “ao bèo” là không đúng.”bèo” của cụ là cảnh đời dân Việt đang là bèo dạt mây trôi.”Chân bèo” là cái còn mờ mịt lắm.Cần câu đã được ôm, dựng đứng lên thì làm gì có chuyện câu cá nào ở đây.

Tóm lại, ông Thanh Tùng khẳng định bài “Thu điếu” của cụ cố tổ Nguyễn Khuyến cách ông 5 đời là lời than não nuột của cụ trước cảnh nước mất nhà tan, còn mùa thu chỉ là cái cớ để cụ viết bài thơ này.

Toàn bộ tác phẩm của cụ có rất nhiều bài thể hiện ý chí chống Pháp nhưng sâu sắc, kín đáo, bọn thống trị thực dân biết mà không làm gì được.Cái ý chí ấy thể hiện rõ nhất là hành động từ quan, về quê sống cùng dân quê hương Hà Nam kham khổ trong cảnh “nước trong veo”.