Lê Thánh Tông và chùm thơ “Vịnh Năm Canh” (Trần Quốc Chỉnh)

 

   Lê Thánh Tông và chùm thơ “Vịnh Năm Canh”

                (Trần Quốc Chỉnh)

 

Nói đến văn học, dù là giai đoạn lịch sử nào, tác giả tác phẩm nào, trước hết là nói đến cảm hứng. Nếu thời đại nhà Trần, Hào khí Đông A là cảm hứng bao trùm làm nên giá trị của một thời kỳ văn học, thì bước sang giai đoạn lịch sử thời Lê, cảm hứng nhân đạo, nhân văn là nội dung xuyên suốt thời kỳ văn học này. Chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn trong văn học trung đại vừa bắt nguồn từ truyền thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc, từ cội nguồn văn học dân gian, vừa chịu ảnh hưởng tư tưởng nhân văn tích cực vốn có của phật giáo, nho giáo, đạo giáo. Chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn trong văn học phong phú và đa dạng. Điều đáng nói ở đây là chính chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn đã làm cho các thể loại văn học thêm đa màu sắc, trong đó ta đặc biệt quan tâm đến sự xuất hiện của thể thơ Quốc Âm.

Thời đại nhà Lê là sự nở rộ của thể thơ Quốc Âm. Những sáng tác của Nguyễn Trãi ở Quốc Âm Thi Tập được xem là bước nhảy vọt, là bông hoa đầu mùa rực rỡ của thơ ca viết bằng chữ Nôm. Sau Nguyễn Trãi, vua lê Thánh Tông và hội Tao Đàn với những tác phẩm ngợi ca Vương triều, bộc lộ tinh thần dân tộc, nhân văn, phản ánh không khí thịnh vượng của đất nước,… là những đóng góp lớn lao cho văn chương quốc âm của dân tộc. Bước sang giai đoạn thế kỷ 16 trở đi, mặc dù nội bộ giai cấp phong kiến lục đục, chiến tranh chia cắt lãnh thổ, nhưng văn học vẫn phát triển rực rỡ. Địa vị văn học viết bằng chữ Nôm ngày càng được khẳng định. Tiếng Việt thơ ca đạt đến trình độ nhuần nhuyễn, đủ khả năng diễn tả sự tinh tế của tâm hồn và cuộc sống người Việt Nam.

Trong những thành tựu xuất sắc của thơ Nôm đường luật nói chung, chùm thơ “Vịnh Năm Canh” của Lê Thánh Tông nổi lên thật rực rỡ, khiến cho nhân loại nhiều thế kỷ này vẫn còn ngưỡng mộ.

Lê Thánh Tông (1442 – 1497) tên thật là Lê Tư Thành. Ông là vị vua tài giỏi đã xây dựng nên một Vương triều thịnh vượng nhất lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Về phương diện thi ca, ông là nhà thơ lớn của đất nước ta thế kỷ XV, đã cùng các danh thần – thi sĩ trong “Tao Đàn Bát Tú” do ông làm chủ soái, sáng tác nhiều tác phẩm bao gồm chữ Hán lẫn chữ Nôm có giá trị lớn, góp phần làm rạng rỡ nền văn học dân tộc.

“Vịnh Năm Canh” là chùm thơ liên hoàn gồm 5 bài, trong đó chỉ có bài “Vịnh Canh 1” là bài thất ngôn bát cú Đường luật, 4 bài còn lại là thất ngôn chen lục ngôn.

Thơ Vịnh thời gian có khá nhiều trong “Hồng Đức Quốc âm thi tập” và đã thành một hệ thống đề tài, thành hẳn một phần của tập thơ: “Thiên địa môn”, với các bài như “Vịnh Tết Nguyên Đán”, “Vịnh Bốn Mùa”, “Vịnh Mười Hai Tháng”, “Vịnh Năm Canh”…

“Vịnh Năm Canh”, mỗi bài vịnh một canh, từ canh một đầu hôm đến canh năm lúc trời sáng. Nếu đặt trong chùm thơ, mỗi bài là một phần của hệ thống bởi tính liên hoàn của cảm xúc và ý thơ. Song, nếu tách riêng, mỗi bài là một đơn vị nghệ thuật độc lập, bởi tính hoàn chỉnh của kết cấu và cảm xúc của tác giả.

(Bài viết này chủ yếu đề cập đến bài “Vịnh Canh Một”):

 Tấp tểnh trời vừa mọc đẩu tinh

 Ban khi trống một mới thu canh

 Đầu nhà khói toả lồng sương bạc

 Sườn núi chim gù ẩn lá xanh

 Tuần điếm kìa ai khua mỏ cá

 Dâng hương nọ kẻ nện chầy kình

 Nhà Nam, nhà Bắc đều no mặt

 Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình.

Bài thơ có tựa đề “Vịnh năm canh” nhưng chủ yếu lại cho người đọc thấy cảnh vật và con người qua sự chuyển biến của thời gian, không gian.

Cảnh vật và con người được thi sĩ nói tới trong bài thơ là cảnh vật và con người Việt Nam ta, đất nước ta. Các chi tiết nghệ thuật được sử dụng, dù là màu sắc hay âm thanh, không gian cao hay thấp, xa hay gần… đều được tác giả lựa chọn, gợi tả hết sức tinh tế. Cảm nhận chung của người đọc bài thơ là nhẹ nhàng, thanh thoát. Nét vẽ nào cũng mềm mại, uyển chuyển tả ít gợi nhiều – rất Đường thi, đầy ấn tượng.

Xuyên suốt bài thơ, bằng sự quan sát tinh tế, nhà thơ đã miêu tả sự chuyển biến của thời gian trong đêm, trên cái nền của âm thanh và hình ảnh, màu sắc. Mở đầu là một không gian của trời đất, không gian nghệ thuật của cảm xúc: Trên nền trời thăm thẳm và vời vợi, sao Bắc Đẩu vừa mới mọc, cùng lúc ấy, một tiếng thu không vang lên từ một chòi canh xa đưa vọng lại, và ánh sáng cũng bắt đầu:

“Tấp tểnh trời vừa mọc đẩu tinh

Ban khi trống một mới thu canh”

Hai chữ “tấp tểnh” giàu hình tượng với hình ảnh tiếng trống thu canh đã gợi lên một cuộc sống thu trang vô cùng yên ả. Ở thời khắc này, hoàng hôn dường như chưa tắt hẳn, bóng tối chưa bao trùm, cuộc sống vẫn như đang rộn rã. Thoáng hiện xa xa đầu nhà có khói tỏa mờ, quyện vào làn sương bạc, trắng, mỏng. Có tiếng chim gù ẩn lá xanh nơi sườn núi. Những chi tiết, hình ảnh ấy cho ta liên tưởng tới một nhịp sống êm đềm, hạnh phúc:

“Đầu nhà khói toả lồng sương bạc

Sườn núi chim gù ẩn lá xanh”

Âm thanh, hình ảnh, màu sắc cứ quyện hoà vào nhau, tạo nên một bức tranh thơ mộng. Hình ảnh “chim gù ẩn lá xanh” là hình ảnh thực mà sao có sức gợi kỳ lạ, cho ta liên tưởng tới bao tổ ấm gia đình yên vui, quây quần dưới mái nhà tranh nơi làng quê yên ả! Phải chăng, yếu tố nghệ thuật của câu thơ đã cho ta sự liên tưởng đó? Quả vậy. “Khói toả”, hình ảnh nói về cuộc sống con người, “sương bạc”, hình ảnh thiên nhiên. Khói toả lồng sương bạc là hình ảnh đẹp lung linh và huyền ảo. Cuộc sống con người và thiên nhiên như hoà quyện. Rồi “chim gù” – chim cũng có đời sống, tâm trạng riêng như con người. Biện pháp nghệ thuật tu từ ẩn dụ, nhân hoá được nhà thơ sử dụng đã tạo nên nhiều liên tưởng kỳ diệu ở người đọc chúng ta. Song le, đó không chỉ là yếu tố nghệ thuật mà những hình ảnh đẹp đẽ đó xuất phát từ tâm thế của tác giả, tình yêu cuộc sống, thiên nhiên, con người của nhà thơ đã phả vào cảnh vật, làm cho thiên nhiên cũng có cuộc sống, tình cảm như con người.

Và trong không gian yên ả, êm đềm ấy, một tiếng mõ cá từ ngoài điếm canh đưa lại, nhà thơ như chợt tỉnh:

“Tuần điếm kìa ai khua mỏ cá

Dâng hương nọ kẻ nện chầy kình”

“Kìa ai” là câu hỏi tu từ, vừa diễn tả tâm trạng như chợt tỉnh của thi nhân trong thời khắc đắm chìm vào thế giới huyền ảo, vừa diễn tả hình ảnh cuộc sống yên vui nơi làng quê của đất nước thanh bình, thịnh trị.

Trong sáu câu thơ, đã có bốn tín hiệu âm thanh: Một tiếng thu không nơi chòi canh, tiếng chim gù trong lá, tiếng mỏ ai khua ngoài điếm canh và tiếng nện chầy kình. Bốn tín hiệu âm thanh cùng vang lên một lúc rộn rã: Mỏ thì khua, chày thì nện. Thêm vào âm thanh rộn rã đó là “khúc thái bình” cùng ca lên “lừng lẫy” từ nhà Nam đến nhà Bắc… Cuộc sống được diễn tả bằng âm thanh. Nói cách khác, nhà thơ đã mượn âm thanh, lấy mõ cá, chầy kình để tả tĩnh, làm nổi bật cái không khí yên bình, vui tươi của làng quê thời Hồng Đức thịnh trị.

Hai câu kết là tâm trạng của tác giả:

“Nhà Nam, nhà Bắc đều no mặt

Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình.”

Câu thơ “kết” đúng theo nghĩa của nó: Vừa kết lại hình ảnh cuộc sống êm đềm, đẹp đẽ đã khắc hoạ ở trên, vừa bộc lộ niềm tự hào của tác giả: Khúc ca thanh bình có ở mỗi người và trong tất cả mọi người. Trước thời Hồng Đức, nhà thơ Ức Trai từng ao ước: “Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng, dân giàu đủ khắp đòi phương”. Đến thời Hồng Đức, ước mơ đó dường như đã thành hiện thực. Không chỉ là một nhà “no mặt” mà “nhà Nam”, “nhà Bắc” đều “no mặt”. Chữ “đều” và chữ “cùng” (trong hai câu thơ) đã khẳng định một đất nước, một xã hội ấm no và thịnh trị. Câu thơ được tác giả vận dụng một lúc nhiều biện pháp nghệ thuật, tu từ, điệp ngữ, đảo ngữ, đã góp phần diễn tả khúc ca thanh bình và niềm vui tràn ngập lòng người. Nếu cả bài thơ là bản nhạc ngợi ca cảnh thanh bình, thịnh trị, thì câu kết này chính là đỉnh điểm của cao trào cảm xúc. Có thể nói, hai câu thơ kết, đã thể hiện một cách sâu sắc niềm tự hào của nhà thơ về một cuộc sống yên vui, ca ngợi triều đại Hồng Đức khi cả đất nước được sống trong cảnh thanh bình, ấm no dưới triều Lê Thánh Tông – một ông vua hết lòng vì dân vì nước.

Chùm thơ “Vịnh Năm Canh” rất tiêu biểu của thơ Hội Tao Đàn thời Hồng Đức cả về nội dung và nghệ thuật. Chính vì vậy mà tạp chí Châu Âu trong số đặc biệt về Việt Nam năm 1961 đã dịch và đăng chùm thơ này. Hình ảnh, âm thanh, màu sắc và cảnh vật gần gũi, hoàn quyện, đậm đà tình người. Tiếng Nôm đã đi vào bài thơ một cách thuần thục, gợi dậy ở người đọc một cảm xúc êm đềm của mối tình thôn dã vơi đầy, đẹp đẽ.

Bình luận về bài thơ, có ý kiến nhận xét đại ý bài thơ Vịnh Năm Canh (Canh Một) đẹp như một bức tranh cổ điển về làng quê Việt Nam trên dưới 600 năm về trước. Ca khúc mà Tao Đàn Nguyên Súy ngân lên là tiếng nhạc ngàn năm của văn hiến Việt Nam, êm đềm, rực rỡ./.

Trần Quốc Chỉnh