Bạch Đằng hải khẩu , của Nguyễn Trãi

 

BẠCH ĐẰNG HẢI KHẨU

Sóc phong xung hải khí lăng lăng,
Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng.
Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc,
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.
Quan hà bách nhị do thiên thiết,
Hào kiệt công danh thử địa tằng.
Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ,
Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng.

Dịch nghĩa

CỬA BIỂN BẠCH ĐẰNG

Cửa biển lồng lộng, gió bấc thổi băng băng;
Buồm thơ nhẹ lướt qua sông Bạch Đằng.
Nhìn núi từng khúc, như cá mập, cá sấu bị chặt từng đoạn,
Nhìn bờ từng lốp, như giáo kích gươm đao bị gãy chìm.
Cảnh núi sông hiểm yếu, tạo ra cái thế “lấy ít địch nhiều”,
Ðây là nơi hào kiệt từng lập nên công danh oanh liệt.
Việc xưa nghĩ lại, ôi tất cả đã qua rồi!
Tới đây viếng cảnh, nỗi lòng sao biết nên chăng?

Dịch thơ

 CỬA BIỂN BẠCH ĐẰNG

 Biển rung, gió bấc thổi băng băng,

Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Ðằng.

Kình ngạc băm vằm non mấy khúc,

Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng.

Quan hà hiểm yếu trời kia đặt,

Hào kiệt công danh đất ấy từng.

Việc cũ quay đầu, ôi đã vắng,

Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng.

     Nguồn: Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi,  (NXB Văn hoá, 1962)

LỜI BÌNH

HÀO KIỆT CÔNG DANH ĐẤT ẤY TỪNG

Bài thơ “Bạch Đằng hải khẩu” Cửa biển Bạch Đằng –  là áng thơ tuyệt bút trong tập “Ức Trai thi tập” của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi (1380- 1442). Thi phẩm ngợi ca vẻ đẹp hiểm trở, hùng vĩ nơi cửa biển, bày tỏ niềm tự hào về non sông đất nước cùng các anh hùng hào kiệt và nỗi lòng bâng khuâng, hoài niệm da diết.

 Bạch Đằng là dòng sông lịch sử oanh liệt, oai hùng. Trong dòng chảy của thơ ca dân gian, khi hát giao duyên nam nữ, đáp lại câu đố sông nào sâu nhất, núi nào cao nhất, người xưa đã không đo độ sâu của sông núi bằng đơn vị đo lường thông thường mà đo bằng niềm tự hào dân tộc cao vòi vọi: “Sâu nhất là sông Bạch Đằng / Ba lần giặt đến ba lần giặc tan... Ba lần ấy là: năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán xâm lược, chém đầu tướng giặc  Hoàng Thao. Năm 981, Lê Hoàn đánh bại giặc Tống. Năm 1288, Trần Quốc Tuấn đại phá quân Nguyên Mông, bắt sống tướng giặc Ô Mã Nhi. Dòng Bạch Đằng giang đã khơi nguồn cảm hứng để Nguyễn Trãi viết nên áng thơ để lại cho muôn đời. Nguyên tác bài thơ là chữ Hán, viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ trang trọng, hàm súc. Bố cục bài thơ gồm bốn phần, mỗi phần hai câu đề – thực – luận  kết.

Ở những câu đề, Nguyễn Trãi giới thiệu chuyến đi thăm cửa biển Bạch Đằng cùng cánh buồm thơ lộng gió, tâm hồn thi sĩ thả cùng sông nước. Gió bấc thổi mạnh trên mặt biển. Hình ảnh “cánh buồm thơ nhẹ lướt” là nét vẽ tinh tế bằng ngôn ngữ: “Biển rung gió bấc thế bừng bừng/ Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đằng”. Ngắm biển trời bát ngát, tác giả tái hiện cảnh núi non, bờ bãi nơi cửa biển Bạch Đằng bằng những ẩn dụ hoành tráng  bao quát không gian cao thấp, gần xa, vừa đăng đối vừa gợi hình gợi cảm.

Phần thực tiếp đó, thi sĩ miêu tả cụ thể hình sông, dáng đảo như: “Kình ngạc băm vằm non mấy khúc,/ Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng”. Cửa biển nơi đây núi nhấp nhô từng khúc như cá sấu bị chặt, cá kình bị băm. “Kình ngạc” trong thơ  trung đại biểu trưng cho lũ giặc dữ phương Bắc bị quân ta tiêu diệt trên Bạch Đằng giang. Bờ bãi với những đảo lớn nhỏ nhấp nhô như lớp lớp giáo gươm quân xâm lược bị chìm gãy, chồng chất lên. Đây cũng là hình ảnh gợi tả về sự thảm bại của lũ giặc Nam Hán, giặc Tống, giặc Nguyên Mông thuở trước.  Hai câu thơ có hình tượng kì vĩ, gợi liên tưởng khoáng đạt, mang cảm hứng lịch sử hào hùng. Sông Bạch Đằng là mồ chôn quân xâm lược phương Bắc. Điều này còn được nói trong Đại Nam Quốc sử diễn ca:“Bạch Đằng một cõi chiến tràng/ Xương phơi trắng đất, máu màng đỏ sông”.

 Những câu tiếp theo, giọng điệu thơ trở nên trầm lắng, giàu suy tưởng khái quát. Nguyễn Trãi khẳng định vị trí “quan hà hiểm yếu” của vùng đất thiêng nơi đây. Sông Bạch Đằng có địa thế trọng yếu và hiểm trở  do thiên nhiên sắp đặt ra. Cảm hứng lịch sử trong đoạn thơ bừng sáng, ý thơ càng khái quát, khắc sâu bài học giữ nước bằng việc tận dụng  địa lợi, dựng xây mối quan hệ đoàn kết vua tôi, tướng sĩ nhân hòa, phát huy mưu trí, dũng lược của hào kiệt được nhà thơ nói lên rất thấm thía:  “Quan hà bách nhị do thiên thiết/ Hào kiệt công danh thử địa tằng”. Dịch thơ là: “Quan hà hiểm trở Trời kia dựng,/ Hào kiệt công danh đất ấy từng”.Nhờ mưu trí và sáng tạo, ông cha ta đã tận dụng và phát huy được ưu thế trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khiến nơi đây thành tử địa đối với lũ giặc. Cửa biển dòng sông hiểm yếu này quả là quà tặng thiên nhiên ban cho nhân dân ta để bảo vệ xã tắc “vững bền muôn thuở”. Đây cũng là nơi để các bậc anh hùng dụng binh chống giặc, lập nên bao chiến công lừng lẫy. Cuộc chiến đấu chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc Đại Việt từng diễn ra trên Bạch Đằng là chính nghĩa, hợp với đạo Trời và lòng dân nên chiến thắng vẻ vang. Điều này thật đúng như danh sĩ Trương Hán Siêu khẳng định:“Tiếng thơm đồn mãi – Bia miệng chẳng mòn” (Bạch Đằng giang phú). Phép đốì ngẫu trong phần luận này tạo nên sự đăng đối càng tôn thêm nét đẹp đặc trưng của thơ Đường luật. Giọng điệu thơ càng về cuối càng thiết tha.

Hai câu kết, giọng thơ sâu lắng với bao cảm xúc mênh mang. Với niềm cảm hoài dào dạt, tâm hồn thi nhân như chan hòa với núi non, mây trời, sông nước. Tâm trí người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi nhớ lại một thời quá khứ oanh liệt của tiền nhân, suy tư trước những “việc cũ”, tìm lại bóng dáng những anh hùng thuở trước mà lòng bâng khuâng  khôn xiết. Tâm trạng hoài niệm ở đây chan chứa niềm tự hào và nhớ tiếc. Thi nhân nghĩ về cái còn cái mất, cả hiện tại và quá khứ: “Việc trước quay đầu ôi đã vắng/ Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng”.Cũng nói về hồn thiêng sông núi, cũng nói về đất nước và con người Việt Nam, ca ngợi sức mạnh Việt Nam, Nguyễn Trãi  nói về một cửa biển và một dòng sông Bạch Đằng nhưng đã nâng cao vị thế, tầm vóc lớn lao hình sông thế núi của dân tộc khiến chúng ta thêm yêu sông núi Tổ quốc, thêm tự hào truyền thống anh hùng của ông cha và tin tưởng vào tiền đồ tươi sáng của đất nước. Đọc bài thơ, chúng ta cảm nhận sâu sắc thêm câu đối của Chánh sứ – thám hoa Giang Văn Minh (1573 – 1638 – Sơn Tây) sau này, đáp trả vế đối đầy ngạo mạn của vua nhà Minh*: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”.(Sông Bạch Đằng từ ngàn xưa máu vẫn còn đỏ).

   “Cửa biển Bạch Đằng” là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ tinh tế, phong cách thơ trang trọng hào hùng và tráng lệ của Nguyễn Trãi. Bông hoa đẹp chan chứa lòng yêu nước và tự hào dân tộc ấy sẽ thắm sắc ngát hương mãi trong vườn hoa thơ ca dân tộc Việt Nam.

   ———————————–

*Vua nhà Minh là Minh Tư Tông – Chu Do Kiểm (Sùng Trinh)  có ý thử tài sứ thần nước Việt nên ra một vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”  (nghĩa là: cột đồng mà gãy thì dân Giao Chỉ diệt vong). Giang Văn Minh đáp bằng vế đối trên.

                                       Nguyễn Thị Thiện (Hội Nhà văn Hà Nội)