THUẬT HỨNG – Bài thơ của Nguyễn Trãi Tiên sinh

 

Thuật hứng bài thơ của Ức trai tiên sinh Nguyễn Trãi

 

– Của cải bạc vàng nhiều lắm, nhưng chỉ là vàng hoa cúc, bạc hoa mai mà thôi! Nhưng đó là một thứ vàng bạc còn quý hơn cả vàng bạc, dành để cho con cho cháu (Bạc mai vàng cúc để cho con)…Tiên sinh thật là thâm thúy lắm và thanh cao lắm!

 

THUẬT HỨNG (Bài 4)

Văn này ngẫm thấy mỗ thon von!

Thương hải hay khao, thiết thạch mòn.

Chí cũ ta liều nhiều sự hóc,

Người xưa sử chép thấy ai còn?

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc,

Nước chảy âu khôn xiết bóng non.

Song viết lại toan nào của tích,

Bạc mai vàng cúc để cho con!

Nguyễn Trãi

Câu đầu cũng có mấy chữ, được một số nhà nghiên cứu phiên âm và giải nghĩa khác nhau, ví như “mỗ thon von” chẳng hạn. Cụ Đào Duy Anh (ĐDA) phiên là “mấy chon von” và giải nghĩa là “cô quạnh, lẻ loi”. Cụ Trần Văn Giáp thì phiên là “mỗ thôn viên” và giải nghĩa như “thôn quê, bình dân” v.v… Chúng tôi theo cách phiên và giải nghĩa của TTNCQH, “Văn này ngẫm thấy mỗ thon von”…

“Văn này”, chữ Hán là “tư văn”. Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi có câu “Tư văn chưa bỏ…”, chỉ đạo Nho, đạo Thánh hiền, kẻ sĩ từng theo đuổi. Ngẫm ngợi thấy rằng đạo Thánh hiền hiện nay đang bước vào giai đoạn suy đồi, suy vi, hay suy tàn (thon von). Lại thêm buồn vì chuyện biển xanh biến thành nương dâu (Thương hải biến vi tang điền), Thương hải hay khao, khô cạn hết rồi. Đến như sắt như đá kia cũng phải mòn (thiết thạch mòn) kia mà, huống chi…

Sự vật biến đổi không ngừng, như một quy luật bất khả kháng, biết làm thế nào? Đó là tình ý của hai câu thơ mở đầu. Thế nhưng:

Chí cũ ta liều nhiều sự hóc,

Người xưa sử sách mấy ai còn?

Ngẫm lại cái chí cũ của ta, tức cuộc đời ta đã hiến dâng cho lý tưởng “đại dụng” của Nho gia, lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ, ta liệu thấy (ta liều) thật quá nhiều sự hiểm hóc. Chính sự đảo điên, lòng người điên đảo. Thế thái, nhân tình đổi trắng thay đen, chả biết đâu mà lường, mà lo cho được. Vì chưng mọi chốn đều thông hết / Bui một lòng người cực hiểm thay! Đường đời nhiều chông gai hiểm hóc, nhưng hiểm hóc hơn cả, vẫn là lòng dạ con người. Tác giả đã nhiều lần nói đến chuyện này, than thở mãi. Những người nổi tiếng trong sử sách, bây giờ nào thấy ai đâu? Các bạn ta, như ông Phạm Văn Xảo, ông Trần Nguyên Hãn đấy, bây giờ hồn vía ngậm oan ở chốn nào? Đấy là than thở về cái hữu hạn, cái hư huyễn của cõi người, kể cả danh vọng, vật chất và quyền lực.

Hai câu 5 và 6, luận về cái còn, cái mất, cái có thể và không thể:

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc,

Nước chảy âu khôn xiết bóng non?

Hãy xem kia, ánh trăng có thể xuyên qua (nguyệt xuyên) bụi trúc, nhưng dễ chi đã xuyên thấu qua được lòng cây trúc (dễ thâu qua lòng trúc)? Hãy xem này, nước chảy mãi thì đá cũng phải mòn, nhưng nước chảy làm sao mòn được bóng núi, hoặc làm sao có thể chuyển dời được bóng núi? (Nước chảy âu khôn xiết bóng non). Quả là những câu thơ hay đến mức đặc sắc, rất giàu nội hàm triết học, hàm chứa nhiều minh triết nhân văn, mà tràn đầy mĩ cảm của Ức Trai. Cảm thức như vậy, nhưng mà:

Song viết lại toan nào của tích,

Bạc mai vàng cúc để cho con.

Nói rằng ta chỉ lo toan cái việc tích góp của cải làm giàu ư? Có đấy! Nhưng lúc thong thả (song viết-theo cách hiểu của ĐDA ngồi mà ngẫm lại, tính lại xem, đong đếm lại xem cuộc đời của mình đã tích lũy, tích trữ được những gì nào? (Song viết lại toan nào của tích). Của cải bạc vàng nhiều lắm, nhưng chỉ là vàng hoa cúc, bạc hoa mai mà thôi! Nhưng đó là một thứ vàng bạc còn quý hơn cả vàng bạc, dành để cho con cho cháu (Bạc mai vàng cúc để cho con)…Tiên sinh thật là thâm thúy lắm và thanh cao lắm!

Bàn thêm: Thời nhiễu nhương thì quan tham tích vàng tích bạc, tích đô la bí mật gửi ra nước ngoài để dành cho con cho cháu. Nhưng rồi cũng đến lúc những của cải phi nghĩa sẽ tự đội nón ra đi. Lũ con cháu vô dụng sẽ biến chúng thành bùn! Chỉ còn vàng hoa cúc, bạc hoa mai là ở mãi với người mà thôi! Luật trời xưa nay vẫn đơn giản như thế đấy!

Theo Vanhien.vn