QUỶ MÔN QUAN – của Nguyễn Du – Bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Thiện

 

Nguyễn Du

QUỶ MÔN QUAN

          (Ải Quỷ Môn)

Liên phong cao sáp nhập thanh vân,
Nam bắc quan đầu tựu thử phân.
Như thử hữu danh sinh tử địa,
Khả liên vô số khứ lai nhân.
Tắc đồ tùng mãng tàng xà hổ,
Bố dã yên lam tụ quỷ thần.
Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt,
Kỳ công hà thủ Hán tướng quân.

 

Dịch nghĩa

Núi liên tiếp, cao vút tận mây xanh.
Nam bắc chia ranh giới ở chỗ này
Là nơi nổi tiếng nguy hiểm đến tính mạng.
Thương thay, bao nhiêu người vẫn phải đi về qua đây.
Bụi gai lấp đường, mãng xà, hổ tha hồ ẩn nấp.
Khí độc đầy đồng, quỷ thần mặc sức tụ họp.
Từ thuở xa xưa, gió lạnh đã thổi bao đống xương trắng.
Chiến công của tướng nhà Hán có gì đáng khen!

Nguồn: Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Văn học, 1965

 Dịch thơ

Núi trập trùng giăng đỉnh vút mây,
Ải chia Nam Bắc chính là đây.
Tử sanh tiếng đã vang đồng chợ,
Qua lại người không ngớt tháng ngày.
Thấp thoáng quỉ đầu nương bóng khói,
Rập rình cọp rắn núp rừng cây.
Bên đường gió lạnh luồng xương trắng,
Hán tướng công gì kể bấy nay?

                    Quách Tấn dịch (13/6/ 2005)

LỜI BÌNH

Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820 ) là ngôi sao sáng chói nhất trong bầu trời văn học Việt Nam thời trung đại, Danh nhân văn hoá nhân loại đầu tiên của nước ta được thế giới công nhận năm 1965. Ngoài những kiệt tác thơ Nôm như Truyện Kiều, Văn chiêu hồn…, ông còn có các tác phẩm viết bằng chữ Hán thể hiện giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc. Trong đó có bài “Quỷ Môn Quan” rút từ tập “Bắc hành tạp lục” , ghi chép của tác giả trong chuyến đi sứ nhà Thanh. 

Bài thơ là bức tranh sống động về phong cảnh vùng biên giới phía Bắc Tổ quốc hùng vĩ, hiểm trở, thể hiện lòng tự tôn dân tộc và những suy ngẫm sâu xa về lịch sử. Bài thơ chữ Hán rất hàm súc này hiện có nhiều bản dịch. Bài viết căn cứ theo văn bản dịch của Quách Tấn. Sáng tác này ra đời vào năm 1804, dưới thời nhà Nguyễn, bấy giờ Nguyễn Du được cử đi làm Chánh sứ. Trên đường sang Trung Quốc, đi qua ải Chi Lăng ông đã cảm tác mà làm bài thơ này. 

Quỷ Môn quan là địa danh ở phía nam xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đây đường đi hẹp, núi đá hiểm trở, sông sâu khí độc, có núi hình như đầu quỷ nên người trong vùng gọi như vậy. Đây là địa danh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam bởi những chiến tích vẻ vang của nước ta đồng nghĩa với sự thảm bại của đối phương. Đến với Quỷ Môn quan, thi sĩ xúc động trước một vùng phên dậu của Tổ quốc đã từng vùi chôn biết bao thây giặc ngoại bang dưới các triều Tống, Nguyên, Minh và Thanh. Ngắm cảnh quan thiên nhiên núi non hoang sơ, thi sĩ nhận thức sâu sắc vị trí hiểm yếu nơi địa đầu Tổ quốc và ý nghĩa lịch sử thiêng liêng của vùng đất oanh liệt này. Thi phẩm viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật trang nghiêm, mở ra một nguồn cảm xúc rất mới lạ trong thơ Nguyễn Du.

Hai câu phần đề  tái hiện cảnh núi tiếp núi trùng điệp, nối  nhau thành từng dãy, đỉnh cao ngất chạm tầng mây: “Núi trập trùng giăng đỉnh vút mây,/ Ải chia Nam Bắc chính là đây”. Nơi núi non hiểm yếu này là địa giới phân chia Nam – Bắc rõ ràng giữa hai quốc gia Việt – Trung. Từ gần nghìn năm trước, thi nhân Lý Thường Kiệt cũng đã khẳng định địa giới giữa hai nước: “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (Rành rảnh định phận ở sách trời).  Sự phân định ấy rõ ràng như một chân lý không ai có thể phủ nhận.

 Hai câu phần thực miêu tả cụ thể đặc điểm vùng đất này: “Tử sanh tiếng đã vang đồng chợ,/ Qua lại người không ngớt tháng ngày”. Địa danh hoang sơ này là nơi có  nhiều khách đi lại song nổi tiếng là nguy hiểm, đe dọa sự sống chết của con người. Tác giả dùng từ “tử địa”-  đất chết  – nói về quan ải này thật cô đọng, xác đáng, gợi người đọc nhớ tới thơ cổ có câu: “Quỷ Môn quan! Quỷ Môn quan! Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”. Các bậc tiền nhân đi sứ Trung Quốc có người đã viết: “Rạng ngày đến Quỷ Môn quan, Tiếng xưa thập khứ nhất hoàn là đây” . Mười người đi qua vùng tử địa này nhưng chỉ có một người trở về, điều đó quả là tàn khốc. Vốn là người “sẵn mối thương tâm”, Nguyễn Du không nén nổi niềm thương cảm xót xa trước thực trạng bao nhiêu người vô tội vẫn phải đi – về qua lại nơi quan ải đầy đe dọa này. 

Phần luận của bài: “Thấp thoáng quỉ đầu nương bóng khói,/ Rập rình cọp rắn núp rừng cây”. Nơi quan ải này tử khí bao trùm không gian, những bụi gai lấp đầy đường, rắn rết và thú dữ ẩn nấp trong đó thật khó ai có thể  lường trước, quỷ thần cũng mặc sức tụ họp nơi hoang vu này. Phần thơ nói rõ nhiều mối hiểm nguy tiềm ẩn, cứ rập rình lơ lửng chỉ chực chờ  lấy đi mạng sống của con người.

Phần hợp là hai câu thơ cuối bài nguyên tác là: “Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt,/ Kỳ  ông hà thủ Hán tướng quân”. Dịch thơ “Bên đường gió lạnh luồng xương trắng,/ Hán tướng công gì kể bấy nay?”. Bản dịch đã cố gắng song vẫn chưa lột tả hết ý, thơ trong nguyên tác có ý nghĩa tổng hợp cao hơn, khái quát lại toàn bài:  từ thuở xưa đến giờ, gió lạnh đã thổi đống xương trắng của biết bao nhiêu người đã nằm lại nơi này. Chiến công của viên tướng người Hán sang đất này có gì đáng khen đâu? Ẩn sâu lắng qua từng  câu chữ là tấm lòng cảm thương  của nhà thơ trước những phận người xấu số, phải bỏ nắm xương tàn nơi đất khách quê người, mặc cho  gió lạnh thổi qua vô tình vô cảm. Bởi họ chính là vật hy sinh cho những giấc mộng bá quyền của các vương triều phương Bắc. Chiến tích của những viên tướng người Hán chẳng qua cũng chỉ là “giãi thây trăm họ làm công một người”  mà nhiều khi còn thảm bại, vậy nên chẳng có gì đáng kể. 

Toàn bài “Quỷ Môn Quan”  đã tái hiện cảnh quan hùng vĩ, hiểm trở của một vùng quan ải phía Bắc của Tổ quốc, gợi lại tàn dư chết chóc còn bao quanh nơi đã diễn ra những trận chiến oanh liệt xưa. Giá trị nhân văn trong thi phẩm ẩn chứa lắng đọng qua những suy ngẫm sâu sắc về lịch sử, về con người bởi tác giả là người có“con mắt nhìn thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”(Chu Mạnh Trinh).  

 

Th..s NGUYỄN THỊ THIỆN

                                         Thạch Thất – Hà Nội