LÊ QUÝ ĐÔN, BÁC HỌC & NGHỆ SĨ- Vũ Bình Lục

 

   LÊ QUÝ ĐÔN, BÁC HỌC & NGHỆ SĨ

 

                                                                        VŨ BÌNH LỤC

 

1

Học giả Phan Huy Chú đời nhà Nguyễn viết: “Việc trước thuật của Lê Công (Lê Quý Đôn) thì như sông dài bể rộng, đầy tràn, tít tắp, không nơi nào không đến; thế mà sự kỳ diệu của những lời ngâm vịnh của ông, lại cũng như chim (ríu rít) mà xuân, hoa (nở) đúng kỳ; âm điệu hay, phong cách thanh tao, đâu phải nhờ đẽo gọt cầu kỳ mà có thể có được”!

Lê quý Đôn là một danh sĩ hiếm lạ. Ông nổi tiếng thần đồng ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Thiên tài bẩm sinh, đặc biệt là ở khả năng tự học, tự trang bị kiến thức nhiều mặt, cùng với tư duy sáng tạo tuyệt vời, Lê Quý Đôn đã tự vươn lên, trở thành một nhà bác học lớn nhất ở thời kỳ phong kiến nước ta. Những nghiên cứu, trước thuật ở nhiều lĩnh vực khoa học của ông, cho đến nay, vẫn còn nguyên giá trị.

            Riêng về sáng tác thơ ca, mới sưu tầm được khoảng 550 bài, nhưng Quế Đường tiên sinh đã xứng đáng được tôn vinh là một tác gia lớn. Một thi sĩ tài hoa, hòa điệu với hình ảnh một nhà bác học vĩ đại đến mức tuyệt vời.

Khi đi sứ sang nhà Thanh, 3 năm cả đi lẫn về, Lê Quý Đôn đã gặp gỡ, giao tiếp, thù tạc với nhiều quan chức khoa bảng “Thượng quốc”. Phần nhiều họ đều làm việc quan, lại kiêm cả việc trước thuật, sáng tác văn chương. Điều này cũng không có gì lạ.

Lê Quý Đôn cũng có thời gian giao tiếp, xướng họa với sứ đoàn Triều Tiên, như Trạng nguyên Chánh sứ Hồng Khải Hy, Trạng nguyên Phó sứ Lý Huy Trung.

Mỗi người mỗi góc nhìn khác nhau, nhưng cũng có nhiều điểm chung dễ nhận thấy, đó chính là sự ngưỡng mộ tài trí thông tuệ đến mức khó tin của Lê Quý Đôn, một quan chức sứ đoàn ngoại giao Đại Việt trẻ tuổi (mới 32 tuổi), một học giả uyên bác, đồng thời là một thi nhân xuất sắc.

Trong thời gian đi sứ, Quế Đường tiên sinh sáng tác khoảng trên dưới 300 bài thơ. Chỉ riêng đoạn đường thủy ngược sông Tiêu-Tương, trong khoảng 15 ngày, Quế Đường tiên sinh viết 100 bài thơ vịnh cảnh quan, con người, lịch sử, địa dư, phong tục, tập quán, văn hóa vùng Tiêu Tương vốn đã rất nổi tiếng này. Tác giả đặt tên cho tập thơ này là TIÊU TƯƠNG BÁCH VỊNH.

Các thi gia người Trung Quốc nhiều đời, khi viết về Tiêu Tương, chủ yếu chỉ tập trung đề vịnh, ca ngợi TIÊU TƯƠNG BÁT CẢNH (Tám cảnh đẹp ở Tiêu Tương). Nhưng với Quế Đường tiên sinh thì khác. Tiên sinh đề vịnh cả hàng trăm cảnh đẹp ở Tiêu Tương, ở nhiều điểm nhìn, ở những góc khuất sâu kín. Mỗi bài, mỗi cảnh, đều thấy hiện lên những nét tiêu biểu, rất sinh động về con người, văn hóa, lịch sử, phong vật vô cùng phong phú ở vùng sông nước núi nontrù mật này.

Có người thấy Lê Quý Đôn “Anh hoa phát tiết ra ngoài”, tính tình cương trực, ngay thẳng, lại quá tự tin, nên có ý khéo léo, nhắc nhở. Ví như ông Tần Triều Vu (tên hiệu là Hỗ Trai) chẳng hạn.

Tần Triều Vu, quan chức cao cấp nhà Thanh,  bấy giờ hơn bốn mươi tuổi, nhiều hơn Lê Quý Đôn khoảng hơn 10 tuổi. Ông quan đa tài này đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn (1748), làm quan trong triều nhà Thanh ở Yên Kinh, giữ chức “Phụng trực Đại phu, Viên ngoại lang bộ Lễ”. Tần Triều Vu (Hỗ Trai) được trao chức “Khâm mệnh biện lý bạn tống sự vụ Giang Tả”, có nhiệm vụ tiễn đưa sứ đoàn An Nam về nước, đoạn từ Yên Kinh (Bắc Kinh) xuống đến Quế Lâm, thuộc Quảng Tây.

Cuộc tiễn đưa dài ngày, giúp Tần Triều Vu có dịp đọc kỹ tác phẩm QUẦN THƯ KHẢO BIỆN và THÁNH MÔ HIỀN PHẠM của Lê Quý Đôn. Do đó, ông quan Khâm sứ Hỗ Trai mới có dịp hiểu rõ hơn về tài năng kiệt xuất của vị quan Cống sứ trẻ tuổi nước An Nam. Sau rồi họ lại trở thành đôi bạn tri âm tri kỷ. Một tình bạn trí thức tiêu biểu của hai nước lân bang, cũng vào loại hiếm có trong đời.

Có thể nói ngay rằng, Lê Quý Đôn là nhà Nho Việt Nam hiếm hoi dám thẳng thắn đặt vấn đề “xét lại” cổ nhân, thông qua việc đọc rất nhiều tác phẩm (quần thư) của nước Tàu.

Đọc rất nhiều, tiếp theo là khảo cứu (khảo) và cuối cùng là biện luận, biện bác (biện), phê phán cái chưa đúng, khen cái hay, chê cái dở của “quần thư”. Quế Đường tiên sinh nêu một tấm gương tiêu biểu về tinh thần hoài nghi, tranh luận khoa học. Ông là người dám thẳng thắn lật lại những cái gọi là “án cũ”, gần như đã được mặc định. Tiên sinh chủ động đặt mục tiêu cho mình là “khảo” và “biện”. Mục tiêu là làm sáng rõ các giá trị.

Tần Triều Vu (Hỗ Trai) sau khi đọc sách QUẦN THƯ KHẢO BIỆN và sách THÁNH MÔ HIỀN PHẠM của Lê Quý Đôn, đã thành thật nói:

“Tôi phục cái tài học cổ của tiên sinh, nhưng cũng có điều muốn khuyên bác. Nếu xem xét việc xưa mà thích dụng với ngày nay, nén cái mạnh của mình mà tự hạ để học hỏi người dưới, thì những điều thu lượm được ở sử sẽ dùng mãi không cùng”.

Như vậy, có thể nhận ra cái tâm lý thông thường của nhà khoa bảng nước Đại Thanh. Những lời lẽ khảo biện hùng hồn, “ý khí quá hào dật” trong QUẦN THƯ KHẢO BIỆN đã khiến Tần Triều Vu có vẻ chạnh lòng tự ái hay chăng?

Tuy nhiên, Tần Triều Vu cũng buộc lòng phải thừa nhận, rằng Lê Quý Đôn đã dũng cảm bước chân vào một lĩnh vực quá nhiều gai góc, quá hóc búa, mà các nhà khoa bảng Trung Quốc đã bỏ trống từ lâu.

Ông viết: “Các nhà Nho từ Tần, Hán về sau có bàn luận, đánh giá (về sử học), nhưng từ đời Tống, Nguyên trở xuống thì chẳng thấy còn ai. Tệ hơn, có những người buộc sách lại không xem, chỉ bàn bạc không căn cứ, hoặc có người chỉ trau chuốt câu chữ, gọt giũa văn từ mà thôi. Sử học không được nghiên cứu đã từ lâu rồi”!

Lê Quý Đôn cho rằng: “Những việc chính sử ghi chép, dù hoàn hảo đến mấy cũng không thể hoàn toàn tin theo được”. “Kẻ đọc sách có thể chỉ căn cứ vào văn mà không xét đến sự thực được chăng”?

Với việc nghiên cứu sử học, Lê Quý Đôn viết: “…Xưa nay, người bàn đến thể truyện ký, thì suy tôn Sử Ký, Hán Thư; người bàn đến thể biên niên thì đề cao Thông Giám, Cương Mục. Thể tài, ý chỉ thì không ngoài Kinh truyện. Nhưng các Nho sinh, Học sĩ chỉ thích danh lý, coi sử học là việc thừa, chú thích sơ sài, lời bàn luận phần nhiều chưa gợi được ý cho người”!…

Nhờ tinh thần hoài nghi khoa học, ý chí tự tin, Lê Quý Đôn đã có nhiều kiến giải mới về những vấn đề tưởng như đã cũ, đã ổn định mặc nhiên rồi. Những lời “Khảo”, “biện” của Lê Quý Đôn rất giàu chất nhân văn, luận lý chặt chẽ mà hào dật, rất thuyết phục.

Chánh sứ đoàn Triều Tiên, Trạng nguyên Hồng Khải Hy, khi viết về sách QUẦN THƯ KHẢO BIỆN, có đoạn nhận xét rất công tâm:

“Bộ sách đã khảo cứu và bàn luận về sử sách các đời giống như CHÍ LÂM của Pha Ông (Tô Đông Pha), sách HƯỚNG NGÔN của Mông Tẩu (Trang Tử), trên dưới mấy ngàn năm (lịch sử), cái này được, cái kia mất, ai giỏi, ai kém, như thế này thì yên, như thế kia thì nguy, không chỗ nào là ông không xem xét suy tính đến. Có chỗ (ông) lật lại những án định cũ, có chỗ ông vạch ra những lời bàn sai lầm qua nhiều đời. Kiến thức tinh tế, lý giải diệu kỳ (của ông) đã nổi bật trên các hàng chữ. Đoạn bình luận về học thuyết của họ Chu (Chu Hy), họ Lục (Lục Cửu Uyên) mà ông đã nêu rõ ở cuối sách, càng cho thấy học thuật của ông thuần chính, lời văn của ông nhẹ nhàng, thuận lẽ như gió lướt trên mặt nước, không chút sâu cay gò bó gì cả. Thực chỉ nếm một miếng đã thấy vị ngon của cả nồi (thức ăn) rồi!”.

 Hồng Khải Hy còn khen rộng ra: “Cái học của người phương Nam là chắt lọc lấy những tinh hoa… có lẽ ông đã gần đạt đến bậc ấy rồi chăng?”…

Ông Trạng nguyên nước Triều Tiên còn khẳng định rõ thêm giá trị của cái nôi rất đáng quý của văn hóa đất phương Nam, do trời sắp đặt.

Rằng “Đại truyện trong KINH DỊCH nói: Muôn vật đều thấy ở quẻ Ly. Mà Ly là phương Nam. Trong Ngũ hành thì Ly thuộc “hỏa”. Trong “Tứ đức”, Ly thuộc Lễ. “Hỏa” sáng soi muôn vật, không nơi nào là không chiếu đến. “Lễ” phân tích mọi điều, mạch lạc, sáng sủa. Ông (Quý Đôn) là người có tâm trí sáng suốt, phân định rạch ròi, biết được những cái sâu xa từ đời xưa, chẳng trách ông tìm thấy cái lý đích thực, dùng lời không sai. Không cầu tinh mà tự nhiên tinh. Hơn thế nữa, về “Lễ”  ông không chỗ nào là không đầy đủ, về “Lý” không chỗ nào là ông không đi đến tận cùng”!

Vẫn chưa thấy là đủ, trong bài thơ họa thơ Lê Quý Đôn, thi sĩ Chánh sứ bộ Triều Tiên Hồng Khải Hy còn viết:

Cao cờ thì truyền phả, thuốc thì truyền phương,

Quyển sách nhỏ, khảo cứu chuyên cần ở trăm đời đế vương.

Ghi chép về phương Nam, văn từ đẹp đẽ, bác là bậc nhất”…

Ngài Phó sứ Trạng nguyên Lý Huy Trung thì viết:

Bác gửi cho tập sách quý, kính cẩn nâng đọc, cảm thấy như khúc nhạc thái hư, càng dạo càng hay, khiến người nghe không biết chán”!

            Ở đây, thấy rõ tấm lòng chân thực, tinh thần thẳng thắn, minh bạch, khác hẳn những lời có vẻ cao ngạo của quan chức “thiên triều”, tự cho mình là cái rốn văn minh của nhân loại, còn các nước ngoài Trung Hoa thì chỉ là “Man”, “Di” mọi rợ mà thôi!

 

2

Lê Quý Đôn sinh ngày 5 tháng 7 năm Bính Ngọ (1726)trong một gia đình quan lại lớn ở triều Lê-Trịnh. Tên chữ là Doãn Hậu, tên hiệu là Quế Đường tiên sinh.

Viễn tổ của Lê Quý Đôn vốn họ Lý, quê phủ Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc. Có lẽ vì lý do loạn lạc, cho nên tổ xa của Quý Đôn dời về đất Vị Dương, trấn Sơn Nam, nay là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Vị tổ đời thứ 5 họ Lý này chuyển đến làm con nuôi một gia đình họ Lê ở thôn Phú Hiếu, Diên Hà, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, sau đổi sang họ Lê, họ cha nuôi. Lê Quý Đôn mang họ Lê là như vậy.

            Hồi còn nhỏ, với cái tên Danh Phương,Quế Đường tiên sinh đã nổi tiếng thần đồng. Sáu tuổi đã biết làm thơ, đã thuộc Kinh Thi, Kinh Thư. Mười tuổi, đã có chí lớn “kinh bang tế thế”, muốn đem tài học của mình làm vẻ vang cho nước. Một số bài thơ còn thấyở các sách, viết khi 10, 11, 14 tuổi của cậu bé Lê Danh Phương (Lê Quý Đôn) đã cho thấy hình ảnh một thi sĩ chân tài, một danh Nho vào hàng kiệt xuất.

Cụ Lê Phú Thứ (1693-1783) còn có tên khác là Lê Trọng Thứ,thân phụ Lê Quý Đôn, thường mang theo cậu con trai đi theo để trực tiếp rèn cặp. Khi ở Thăng Long, khi du lãm danh tích nhiều nơi. Làm quan can gián, cụ Thứ thường hay nói thẳng, cho nên bị chúa Trịnh Giang ghét, cho nghỉ về quê. Cậu bé Lê Quý Đôn lại theo cha về quê, đóng cửa đọc sách.

Trịnh Doanh lên ngôi chúa, lại vời cụ Lê Trọng Thứ ra làm quan như cũ, thăng dần tới chức Thượng thư. Lê Quý Đôn lại theo cha lên Thăng Long, còn học hỏi thêm ở thầy khác, ở trường nổi tiếng khác. Thời điểm này, Lê Quý Đôn đã nổi danh là bậc túc Nho, nhiều người từ bốn phương xin theo học. Trong số học trò ấy, có Bùi Huy Bích (1744-1818). Tồn Am Bùi Huy Bích sau đỗ Hoàng giáp, làm quan đến chức Tham tụng(Tể tướng) ở đời chúa Trịnh Khải.

            Năm 1743, Lê Quý Đôn ra thi và đỗ Giải Nguyên kỳ thi Hương, tức đứng đầu các Cử Nhân khoa này. Năm 1752, Lê Quý Đôn thi đỗ Bảng nhãn. Ông đứng đầukhoa thi Hội này (Giáp khoa), là vì khoa này không lấy Trạng Nguyên. Khi đó, Lê Quý Đôn mới 27 tuổi.

Tiến sĩ trẻ nhất khoa này là ông Nguyễn Xuân Huyên, 25 tuổi. Người xếp sau Lê Quý Đôn là Đoàn Nguyễn Thục. Khoa này, tỉnh Thái Bình có 4 vị cùng có tên trên bảng vàng. Năm sau (1753), vị Bảng Nhãn tân khoa được triều đình bổ nhiệm làm Đề điệu (Chánh Chủ khảo) kỳ thi Hương ở Sơn Tây.

            Hoạn lộ của Quý Đôn nhìn chung là hanh thông. Ông được chúa Trịnh Doanh và cả Trịnh Sâm rất nể trọng, yêu vì.

Một vị quan trẻ, thông tuệ, có thể đảm nhiệm được rất nhiều công việc, khi tướng võ, lúc văn quan.Ở lĩnh vực nào Lê Quý Đôn cũng đều tỏ ra xuất sắc, có những ý kiến mới mẻ, giúp chúa Trịnh kịp thời thực hiện những cải cách về hành chính, về quy chế, điển lệ, thuế má, quân sự, kinh tế, khoa cử và nhiều lĩnh vực khác.

Chính ông đã đề nghị triều đình 3 năm tổ chức thi một khoa, hai năm một kỳ Ân khoa. Chính ông đã đề nghị giảm bớt hoặc bãi miễn thuế này thuế khác cho nông dân, diêm dân, thương nhân. Chính ông đã đề nghị triều đình loại bỏ những quan chức yếu kém, tham nhũng, khi ông được cử làm đại thần thanh tra các xứ ngoài biên. Chính ông đã đề nghị chính sách cải cách trong quân đội, làm trang trại sản xuất cho quân đội, góp phần quan trọng cho việc binh bị, quân lương tại chỗ. Và cũng chính Lê Quý Đôn đã đề nghị nhà Thanh bỏ cái cách gọi sứ thần nước chư hầu là “Di quan”, gọi dân các nước lân bang là “Man, Di”. Gần như tất cả những đề xuất của Lê Quý Đôn đều được chúa Trịnh chấp nhận, được nhà Thanh đồng ý…

            Năm 1759, Lê Quý Đôn được cử đi sứ sang nhà Thanh, với cương vị Phó Chánh sứ thứ nhất. Mùa xuân năm 1760, sứ đoàn lên đường. Khi đó, Lê Quý Đôn mới 32 tuổi. Ông Chánh sứ là Trần Huệ Hiên, 49 tuổi, đang giữ chức Thượng thư trong triều. Trường hợp đi sứ của Lê Quý Đôn là cực hiếm thấy.

Thường thì các quan được cử đi sứ phải là người tài đức song toàn, ít nhất cũng phải ở tuổi ngoài bốn mươi, “tứ thập nhi bất hoặc” trở lên. Hình như, công việc bang giao trong lần đi sứ sang nhà Thanh lần này, lại thấy chủ yếu do Lê Quý Đôn đảm trách mặt đối ngoại.

Sứ thần Đại Việt Lê Quý Đôn tỏ ra là một trí thức rất thông tuệ, được các quan chức nhà Thanh và các sứ thần Triều Tiên hết lòng ngưỡng mộ.

Khoảng 300 bài thơ viết khi đi sứ, thấy hiện lên tầm vóc một nhà thơ lớn, cùng với một nhà khảo biện, một nhà nghiên cứu lịch sử rất uyên bác, một nhà ngoại giao đầy bản lĩnh. Quế Đường tiên sinh cho rằng: “Những việc chính sử ghi chép, dù hoàn hảo đến mấy, cũng không thể hoàn toàn tin theo được”. Lại nữa: “Kẻ đọc sách có thể chỉ căn cứ vào văn mà không xét đến sự thực được chăng?”.

Thế nghĩa là, nhà nghiên cứu chân chính phải có tư duy phản biện, đào sâu suy nghĩ, để “khảo”, rồi “biện”, mới có thể tìm thấy bản chất của sự thật ẩn nấp đằng sau câu chữ. Đó chính là phẩm chất tư duy đặc sắc của một học giả thiên tài. Quế Đường tiên sinh hơn người và khác người ở chỗ đó!

Có thể nói ngay rằng, trong thơ Quế Đường tiên sinh, có cả tố chất của QUẦN THƯ KHẢO BIỆN, của THÁNH MÔ HIỀN PHẠM và của cả PHỦ BIÊN TẠP LỤC.

 

3

 Hình ảnh một nhà thơ cùng tầm vóc của một nhà bác học lớn nhất nước ta, ở thời kỳ phong kiến nửa cuối thế kỷ 18, sáng láng như một hiện tượng đặc biệt. Thơ với loại hình tư duy trừu tượng và biên khảo, với loại hình tư duy khoa học, lại tỏ ra rất uyển chuyểnhài hòa, bổ trợ cho nhau, làm nên một thiên tài trác việt. Sau Nguyễn Trãi, chỉ thấy sừng sững một Lê Quý Đôn bác học và thi sĩ toàn bích như vậy!

            Riêng về thơ chữ Hán qua các tập thơ của Quế Đường tiên sinh, bạn đọc có thể hình dung ra từng bước chân vạn nẻo của Lê Quý Đôn, với tư cách bề bộn của một viên quan cần mẫn, giàu lòng yêu nước thương dân, kể cả những người dân cần laobên kia biên giới.

Thơ viết khi còn trẻ tuổi. Thơ viết tiễn các quan bạn về hưu trí. Thơ viết tiễn bạn và bạn tiễn đi sứ. Thơ trên đường lên cửa ải Nam Quan, qua miền Kinh Bắc, lên Lạng Sơn chập trùng núi non sông suối. Những miền quê, phong cảnh lạ kỳ, những thắng tích chùa chiền đền miếu đẹp xinh ôm chứa rất nhiều bí ẩn của miền sơn cước nước ta, cùng với hình ảnh con người, cuộc sống dân dã của dân quê miền bán sơn địa, đều thấy hiện lên trong thơ Lê Quý Đôn như tranh vẽ.

Thơ viết quãng từ ải Nam Quan lên Yên Kinh (Bắc Kinh), đặc biệt là vùng đất Lưỡng Quảng đến Ngô Châu, Quế Lâm, vùng đất xưa của người Bách Việt đã bị người Hán cướp mất. Chính ở đây, trên đất Việt Tây và Việt Đông, qua thơ Lê Quý Đôn, thấy hiện rõ tấm lòng và bộn bề nỗi hoài niệm xót đau về vùng đất đẹp tươi của người Bách Việt chúng ta.

Thơ viết trên đường từ Yên Kinh trở về. Thơ viết sau khi về nước, chưa kịp về thăm quê, lại bị chúa Trịnh Doanh điều động đi làm Đề điệu (Chánh Chủ khảo) kỳ thi Hương ở Hải Dương (1762). Thơ viết khi làm quan Đốc đồng ở Kinh Bắc, Tham chính ở Hải Dương, Hiệp trấn ở Nghệ An. Thơ sáng tác khi hỗ giá chúa Trịnh Doanh, rồi Trịnh Sâm đi kinh lý về phương nam, về “đất thang mộc”…

Nhưng có điều rất khó hiểu, đó chính là thời kỳ Lê Quý Đôn làm quan Hiệp trấn Thuận Hóa. Lê Quý Đôn viết PHỦ BIÊN TẠP LỤC, ghi chép rất tỷ mỷ mọi mặt ở xã hội Đàng Trong, mà không thấy ông để lại bài thơ nào cả.

Đó là môt sự khó hiểu. Có thể, việc hành chính sự vụ ở miền đất mới quá nhiều bận rộn, khiến ông không có thời gian dành cho thơ hay chăng?

Quả là tiên sinh rất nhiều việc phải giải quyết trong một thời gian ngắn, gấp gáp.Nhưng không lẽ, một người yêu thơ như Quế Đường, “đặt bút thành văn”, “xuất khẩu thành chương”, lại không sáng tác một bài thơ nào trong nửa năm đi khắp vùng đất mới, có biết bao phong cảnh sơn thủy hữu tình, non nước đẹp tươivùng Thuận Hóa này hay sao?

Tôi ngờ rằng Quế Đường tiên sinh có sáng tác thơ ca về vùng đất Thuận Hóa, và còn có thể là viết nhiều nữa những bài thơ ghi lại cảm xúc về cảnh sắc núi sông kỳ thú, để lại dấu ấn tâm hồn một thi sĩ tài hoa. Nhưng có thể tác phẩm thơ của Lê Quý Đôn đã bị thất lạc, cùng với sách HOÀNG VIỆT VĂN TẬP của ông. Hiện một số tác phẩm của Lê Quý Đôn vẫn chưa tìm thấy. Trong số sách thất lạc ấy, có cả thi tập viết về vùng đất Thuận Hóa do ông quản lý hơn nửa năm trời hay chăng?

 

4

Cuộc đời làm quan của Lê Quý Đôn trải rất nhiều công việc. Khi trong triều, lúc ngoài trấn. Khi thì ĐÔ SÁT, ĐÔ NGỰ SỬ, lúc lại TẾ TỬU QUỐC TỬ GIÁM. Khi HÀNH THAM TỤNG, lúc THƯỢNG THƯ, nhưng có lúc ông chán nản, xin nghỉ chức quan về quê, đóng cửa đọc sách và viết sách, gần 3 năm. Sau, chúa Trịnh Sâm lại vời ông ra tiếp tục làm quan.

Dầu vậy, Lê Quý Đôn vẫn không được giao một chức vụ đặc biệt quan trọng nào đó, có thể giúp ông có đủ quyền lực để thực thi mơ ước “Kinh bang tế thế” của mình. Ông mất ở Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (quê mẹ), vào năm 1784, khi mới 58 tuổi.

Thương tiếc một tài năng lớn, triều đình cho nghỉ việc quan 3 ngày để tổ chức tang lễ Lê Quý Đôn, truy tặng tiên sinh hàm Thiếu Phó. Cũng chỉ vài năm sau (1786), Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc “Phù Lê diệt Trịnh”. Biết bao biến động xã hội rung chuyển đất nước. Lê Chiêu Thống rước quân Thanh vào cõi. Năm Ký Dậu (1789), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, đem quân ra Bắc tiêu diệt giặc Thanh, giải phóng Thăng Long.

            Ngoài những trước tác, biên khảo đủ mọi phương diện, Lê Quý Đôn còn để lại cho đời khoảng hơn 500 bài thơ chữ Hán. Những nghiên cứu sâu sắc ở nhiều lĩnh vực của Lê Quý Đôn, hiện vẫn còn được các chuyên ngành khác nhau nhắc tới, trích dẫn.

Đặc biệt, Lê Quý Đôn còn để lại một tuyển thơ Việt vô cùng quý báu. Đó chính là cuốn HOÀNG VIỆT THI TUYỂN. Sách này gồm 6 quyển, tuyển chọn 897 bài thơ của 73 tác giả từ đời nhà Lý đến  Lê Tương Dực (1509-1516), hoàn thành năm 1768.

Phật giáo Việt Nam vẫn biết ơn Lê Quý Đôn, bởi chính ông đã tìm kiếm ở khắp nơi, trong và ngoài nước, thơ Thiền của một số tác giả người Việt, rải rác trong các chùa chiền ở nước ta và Trung Quốc. Hơn nữa, Lê Quý Đôn chính là người có công sưu tầm, san định sách THIỀN UYỂN TẬP ANH, một tác phẩm biên khảo về những nhân vật anh tú trong rừng Thiền, vô cùng quan trọng đối với Phật giáo nước ta.

 

5

Có ý kiến nhận xét rằng, trong thơ Quế Đường tiên sinh ít thấy ông đề cập đến vấn đề riêng tư, ví như chủ đề tình yêu chẳng hạn. Thế nghĩa là Quế Đường tiên sinh là một nhà Nho chính trị khô khan. Tôi cho rằng đó là một nhận xét mơ hồ, chưa đúng.

Đọc thơ đi sứ của Lê Quý Đôn, nếu đọc kỹ từng bài, sẽ thấy ở Lê Quý Đôn một con người thi sĩ đa tình. Công việc không cho phép ông sống lãng tử như Lý Bạch và nhiều nhà thơ khác ở Tàu, ở ta. Tuy nhiên, nếu đọc thơ chữ Hán Lê Quý Đôn, chúng ta sẽ thấy ở trong lòng Quế Đường tiên sinh tình cảm thương nhớ người vợ yêu quý của ông, tha thiết, thường trực đến mức nào. Hầu như phần lớn các bài thơ viết trên đường đi sứ sang Tàu, ít hoặc nhiều, thi nhân vẫn không hề quên nỗi nhớ quê hương và gia đình, trong đó nổi bật vẫn là tấm lòng thương nhớ người vợ trẻ của ông. Thi nhân phải cố gắng giấu nó đi, nén nó xuống, giấu đi cái tình cảm sâu kín trong lòng, trong cái vỏ ngoài một viên sứ thần trẻ tuổi nghiêm ngắn.

Có thể nói thêm rằng, đó chính là mâu thuẫn, là bi kịch tình cảm của một thiên tài. Cảm hứng trữ tình công dân được phô diễn, trong khi cảm hứng trữ tình bản thể được giấu đi, mà vẫn như những cơn sóng ngầm dữ dội.

Đặc biệt là bài thơ viết về nàng Vọng Phu ở Lạng Sơn. Có thể lắng nghe được tiếng lòng tha thiết của Quế Đường tiên sinh với nàng Vọng Phu khuê các, như một biểu tượng thầm kín về người vợ trẻ của tiên sinh, đang trông ngóng, đang vò võ dõi theo từng bước đi của người chồng yêu quý, dần khuất vào mây trắng xa vời…

 

6

Một điểm rất cần phải chú ý khi nghiên cứu, tìm hiểu giá trị nội dung tư tưởng và giá trị thẩm mỹ trong thơ chữ Hán của Lê Quý Đôn, đó chính là tâm trạng hoài cố của tác giả.

            Đoạn đường từ biên giới nước Đại Việt lên Yên Kinh xa vạn dặm. Ngoài ghi chép bằng văn xuôi trong BẮC SỨ THÔNG LỤC, Lê Quý Đôn còn không quên ghi chép những điều trông thấy trên xứ người, chi tiết và cẩn trọng, bằng thể loại thơ. Khoảng thời gian lênh đênh trên đường thủy là chủ yếu, lại cũng có lúc bỏ thuyền đi đường bộ, đến đâu, Lê Quý Đôn cũng ghi chép và suy ngẫm.

            Nổi bật lên vẫn là đau đáu những hoài niệm đau xót về một nước Nam Việt anh hùng của dân Bách Việt, do Triệu Vũ Đế sáng lập. Tác giả thường gọi vùng đất Lưỡng Quảng hiện nay là Việt Đông (Quảng Đông) và Việt Tây (Quảng Tây), mặc dù nước Nam Việt oai hùng xưa đã bị nhà Tần, nhà Hán cướp mất.

Hình ảnh sông núi đẹp tươi của vùng Việt Điện phương Nam, bây giờ chỉ còn vang bóng. Đi trên đất nước xưa yêu dấu của mình, mà bây giờ không phải của mình nữa, thử hỏi kẻ sĩ đọc nhiều biết nhiều, không đau xót được sao?

            Đọc thơ đi sứ của Lê Quý Đôn và các sứ thần thi sĩ khác, chúng ta thấy hiện lên đây đó tình cảm thân thương của nhân dân vùng Lưỡng Quảng đối với các sứ đoàn nước ta. Họ đón tiếp sứ đoàn Đại Việt, như những người anh em ruột thịt, rất chân thành, nồng ấm. Sao vậy? Đơn giản chỉ là vì nguồn cội của phần lớn nhân dân ở đây chính là dân Bách Việt. Họ bị Hán hóa về mặt hành chính, nhưng tâm hồn tình cảm của họ thì không thể bị Hán hóa. Họ chính là công dân của một quốc gia oai dũng đã bị kẻ ngoại bang dùng sức mạnh quân sự để cưỡng đoạt, nô dịch mà thôi!

            Lê Quý đôn là một con người rất hiếm lạ. Ông đã đóng góp rất nhiều cho sự trục vớt, gột rửa, làm sáng tỏ những di sản vật thể và phi vật thể của lịch sử, văn hóa, khoa học nhân văn, khoa học tự nhiên, kể cả khoa học của tâm hồn Đại Việt. Ông là “Bách khoa thư”, một “Tập đại thành” tri thức nhiều mặt, một tượng đài văn hóa bất tử của Việt Nam và thế giới vậy!

 

Hà Nội, tháng 2 năm 2022

V.B.L