TỔNG QUAN VỀ VĂN HỌC, ĐẶC ĐIỂM, DIỆN MẠO THƠ ĐƯỜNG LUẬT THỜI NHÀ LÊ .Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy

 

  1. SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ TỪ TIỀN LÊ ĐẾN HẬU LÊ

Trong lịch sử, nước ta có hai thời nhà Lê. Đó là Tiền Lê và Hậu Lê. Thời Tiền Lê bắt đầu từ năm 980 khi Lê Hoàn lên làm vua thay nhà Đinh. Năm 1005 Lê Hoàn (tức vua Lê Đại Hành) mất, thọ 65 tuổi, con trai thứ ba là Lê Long Việt (Lê Trung Tông) 23 tuổi lên làm vua được 3 ngày thì bị em là Lê Long Đĩnh sai người vào cung giết và cướp ngôi. Lê Long Đĩnh tính tình bạo ngược, tửu sắc quá độ nên bị mắc bệnh chỉ nằm chứ không ngồi dậy được, kể cả lúc các quan vào chầu và tâu mọi việc nên dân gian thường gọi là vua Lê ngọa triều, mất năm 1009 hưởng dương 24 tuổi. Như vậy nhà Tiền Lê làm vua chỉ 3 đời cả thảy 29 năm. Tiếp đến là nhà Lý trị vì từ năm Canh Tuất (1010) đến năm Ất Dậu (1225) tổng cộng 216 năm với 9 đời vua. Nhà Trần từ năm Bính Tuất (1226) đến năm Kỷ Mão (1399) được 174 năm với 12 đời vua. Nhà Hồ từ năm Canh Thìn (1400) đến năm Đinh Hợi (1407) được 7 năm với 2 đời vua. Nhà Hậu Trần từ năm 1407 đến năm 1413. Từ năm 1414 nước ta rơi vào ách đô hộ của nhà Minh. Năm 1418 Lê Lợi khởi nghĩa chống quân nhà Minh ở Lam Sơn (Thanh Hóa). Năm 1427 Lê Lợi đánh đuổi quân Minh ra khỏi đất nước và sai Nguyễn Trãi viết bài “Bình Ngô đại cáo”. Năm 1428 Lê Lợi lên làm vua mở đầu thời Hậu Lê (Lê sơ) đến năm 1528 tổng cộng 100 năm với 10 đời vua. Thời cuối Hậu Lê (Lê Trung Hưng) từ năm 1528 đến năm 1788 có rất nhiều biến động. Cụ thể thời kỳ phân tranh (1533 – 1788) gồm có Nam triều là vua Lê, Bắc Triều là vua Mạc (1527-1592). Thời Trịnh – Nguyễn phân chia ra thành Đàng Trong là chúa Nguyễn, Đàng Ngoài là chúa Trịnh. Tiếp đó là ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ nổi dậy ở Tây Sơn (Bình Định) rồi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc phò Lê diệt Trịnh và đánh tan quân nhà Thanh (1789). Năm 1812 Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn rồi lên làm vua lấy niên hiệu Gia Long mở ra thời kỳ nhà Nguyễn (1802 – 1945) dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Như vậy tổng quan về văn học, đặc điểm, diện mạo thơ Đường luật thời nhà Lê gồm có các giai đoạn: Lê sơ, Lê – Mạc, Lê Trung Hưng.

  1. TỔNG QUAN VỀ VĂN HỌC THỜI NHÀ LÊ

Kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp từ các triều đại Lý – Trần, sang đến nhà Lê thì nền văn hóa nói chung và văn học nói riêng phát triển tương đối toàn diện. Đặc biệt văn học Nôm đã đạt đến đỉnh cao, trong đó thơ Đường là thịnh hành nhất. Nhiều tác giả văn học như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm là những ngôi sao sáng trong lĩnh vực văn đàn, thi đàn, trong đó có thơ Đường Luật.

Thời Lê, nền văn học của nước ta phản ánh tinh thần của một dân tộc đã cường thịnh với nhiều tác phẩm văn học có giá trị về nội dung và thể loại. Trong xu hướng phát triển chung của lịch sử, văn học chữ Nôm thời kỳ này đạt được những thành tựu nhất định. Những tác phẩm viết bằng chữ Nôm điển hình của thời kỳ này trước hết phải kể đến Quốc âm thi tập của Nguyễn Trải (1380 – 1442) với tập thơ Quốc âm gồm 254 bài thơ Nôm. Nguyễn Trãi được đánh giá là một trong những tác giả làm thơ Nôm hay nhất trong lịch sử văn học chữ Nôm. Tiếp đến là Hồng Đức quốc âm thi tập, trong đó Lê Thánh Tông (1442 – 1497) có 123 bài và sau này người ta sưu tập các bài thơ Nôm xướng họa của các tác giả khác trong Hội Tao đàn, tạo thành tập thơ quốc âm với 328 bài thơ Nôm. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) có Bạch Vân quốc ngữ thi với 178 bài thơ Nôm. Ba tập văn thơ trên của ba tác giả tiêu biểu được sáng tác bằng chữ Nôm, ghi lại tiếng nói, chữ viết của dân tộc đã chững tỏ sức sống mãnh liệt, một bước tiến mới của ngôn ngữ dân tộc trong sáng tác văn học và khẳng định vai trò của văn học chữ Nôm trong thời đại nhà Lê. Ngoài ra còn có các tác phẩm như Ngự đề Thiên hòa doanh bách vịnh khoảng 100 bài của Trịnh Căn (1633 – 1709), Càn nguyên ngự chế thi tập của Trịnh Doanh (? – 1767) với 231 bài thơ. Một số tác giả khác có sáng tác thơ Nôm như Nguyễn Cư Trinh (1716 – 1763), Mạc Thiên Tích (1706 – 1780) Nguyễn Tông Khuê (1693 – 1767), Hồ Xuân Hương 1772 – 1822)…

Tổng quan về văn học thời Lê, trong đó có văn học chữ Nôm phát triển mạnh mẽ. Nhiều điểm mới trong sáng tác văn học nghệ thuật được hình thành cả về giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật. Nhiều tác phẩm văn học Nôm có tư tưởng tiến bộ, thể hiện nhận thức và quan điểm ngoài khuôn khổ đạo lý chính thống của nhà nước phong kiến, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển văn học chữ Nôm các thời kỳ tiếp theo. Hai tác giả đầu và cuối thời nhà Lê là Nguyễn Trãi và Hồ Xuân Hương đã được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.

III. ĐẶC ĐIỂM, DIỆN MẠO THƠ ĐƯỜNG LUẬT THỜI LÊ

Thơ Đường Luật thời Lê đã có bước phát triển mới, số người tham gia sáng tác đã nhiều hơn, số bài của một tác giả đã tới hàng trăm để trở thành một tập thơ như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trịnh Căn, Trịnh Doanh, v.v…. khi vua Lê Thánh Tông mở hội Tao đàn thì phong trào sáng tác thơ Nôm, đặc biệt là thơ Đường luật càng phát triển mạnh mẽ hơn, không chỉ có các bậc vua chúa, các nhà khoa bảng, quan lại mà toàn dân đều tham gia. Đặc biệt các chúa Trịnh rất thích làm thơ Đường bằng tiếng mẹ đẻ. Mỗi khi có dịp đi tuần du hoặc thưởng lãm các danh lam thắng cảnh của đất nước, các vua chúa thường có cảm hứng làm thơ ghi lại rồi cho thợ tạc vào núi đá hoặc dựng bia kỷ niệm. Cụ thể là năm 1468 vua Lê Thánh Tông tuần du ở vịnh Hạ Long có làm bài thơ cho thợ tạc vào núi Rọi Đèn (Truyền Đăng), từ đó mới có tên là núi Bài Thơ. Chúa Trịnh Sâm thì làm 5 bài thơ ở chùa Hương (Mỹ Đức – Hà Nội ngày nay), chúa Trịnh Cương làm thơ vịnh Chùa Sò ở Quốc Oai. Tại chùa Đậu ở Thường Tín có 1 bài của chúa Trịnh Căn và 1 bài của chúa Trịnh Cương, v.v…

Nhìn chung thơ Đường Luật thời Lê nội dung phong phú, đa dạng. Các tác giả đều biết mượn thơ để bày tỏ chí hướng hoặc gửi gắm tình cảm của mình. Những nhà thơ am hiểu về nhân tình thế thái, từng trải trong chốn quan trường, nhìn thấy được tình cảnh của đất nước thì thơ của họ thường mang tính tự sự, tự thuật, tự thán. Về nội dung, chủ đề này, Nguyễn Trãi đã có bài TỰ THÁN ở trong Quốc âm thi tập:

Phú quý lòng hơn phú quý danh

Thân hòa tự tại, thú hòa thanh

Tiền sen tích để bao nhiêu thúng

Vàng cúc đem cho biết mấy bình

Ngoài cửa mận đào là khách đỗ

Trong nhà cam quýt ấy tôi mình

Ai hay ai chẳng hay thì chớ

Bui một ta khen ta hữu tình.

Hai câu mở nói rõ con người giàu lòng nhân ái thì sẽ thảnh thơi và thanh thoát, còn người chỉ nổi tiếng về tên tuổi thì chưa hẳn đã thanh cao, tao nhã. Cặp câu thực mang tính trào lộng bởi từ “Tiền sen” ý nói lá sen mới ra nổi trên mặt nước hình tròn giống đồng tiền, còn “Vàng cúc” chính là hoa cúc vàng. Cặp câu luận sử dụng nghệ thuật “ngôn tại ý ngoại” bởi cặp đối “mận đào” là người hiền tài còn “cam quýt” là người phục vụ trong nhà. Hai câu này ý nói ngoài cửa luôn luôn có khách văn chương được mọi người mến mộ, còn trong nhà thì người giúp việc luôn luôn quấn quýt bên nhau, tận tâm tận lực với gia đình mình. Hai  câu kết thể hiện tấm lòng của tác giả. Cụm từ “Bui một ta” nghĩa là chỉ một mình ta. Ý tác giả muốn nói là dù ai có biết hay không biết cũng được nhưng chỉ một mình ta tự cho ta là người sống rất có tình nghĩa với bạn bè và người giúp việc.

Vua Lê Thánh Tông khi đi thuyền trên sông Bạch Đằng đã có bài BẠCH ĐẰNG GIANG:

Lẻo lẻo duyềnh xanh nước tựa dầu

Trăm ngòi ngàn lạch chảy về chầu

Rửa không thảy thảy thằng Ngô dại

Gột mọi lâng lâng khách Việt hầu

Nọ đỉnh Thái Sơn rành rạnh đó

Nào hồn Ô Mã lạc loài đâu

Bốn phương lẳng lặng kình bằng thóc

Thong thả dầu ta bủa lưới câu.

Bạch Đằng là con sông lớn ở vùng đông bắc nước ta thuộc hệ thống sông Lục Đầu chảy ra biển ở cửa Nam Triệu. Sông Bạch Đằng từng chứng kiến nhiều lần quân ta đánh tan giặc xâm lược như Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán năm 938, Lê Đại Hành đánh tan quân Tống năm 981, Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên năm 1288. Tác giả viết “thằng Ngô dại” chính là giặc Minh bởi vì quân nhà Minh sang xâm lược nước ta từ thế kỷ XV bắt đầu từ nước Ngô. Tác giả so sánh “đỉnh Thái Sơn rành rạnh” còn “hồn Ô Mã lạc loài đâu” vì Ô Mã Nhi là tướng nhà Nguyên bị quân nhà Trần đánh bại trên sông Bạch Đằng không rõ hồn đang “lạc loài đâu”. Cuối cùng tác giả khẳng định giặc giã đã bị quét sạch, ta có thể thong thả bủa lưới câu cá trên sông. Thông qua bài Bạch Đằng giang, Lê Thánh Tông đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ôn lại những chiến tích của cha ông đối với đất nước nói chung và sông Bạch Đằng nói riêng.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì so sánh nhân tình thế thái qua bài thơ thứ 68 trong Bạch Vân quốc ngữ thi“CỦA NẶNG HƠN NGƯỜI”:

Đời này nhân nghĩa tựa vàng mười

Có của thì hơn hết mọi lời

Trước đến tay không nào thốt hỏi

Sau vào gánh nặng lại vui cười

Anh anh chú chú mừng hơ hải

Rượu rượu chè chè thết tả tơi

Người của lấy cân đa thử nhắc

Mới hay rằng của nặng hơn người.

Câu “phá đề” đầu tiên khẳng định “Đời này nhân nghĩa tựa vàng mười”. Thế nhưng đến câu “thừa đề” thì lý giải “Có của thì hơn hết mọi lời”. Đến cặp câu “thực” thì rõ ràng hơn, có nghĩa là trước đây đến với nhau bằng tay không thì chẳng thưa thốt hỏi han, còn sau này gánh của vào thì lại vui mừng, cười nói. Đến cặp câu “luận” tác giả dùng điệp ngữ và từ láy đối nhau để nhấn mạnh tính cách của những kẻ có tiền của. Cuối cùng đưa “người” và “của” lên cân và kết luận: “Mới hay rằng của nặng hơn người”. Rõ ràng những bài viết của Nguyễn Bỉnh Khiêm cách đây xấp xỉ 600 năm vẫn chưa hề xưa cũ.

Trong suốt chiều dài lịch sử thời Lê ta thấy nền văn hóa thời kỳ này phát triển rực rỡ hơn cả thời Lý – Trần. Diện mạo văn học nói chung và thơ Đường luật nói riêng cũng phong phú về nội dung, đa dạng về nghệ thuật. Thời kỳ này các nhà thơ Nôm theo thể Đường luật đã mạnh dạn phá bỏ cả những luật lệ khắt khe của thơ Đường cổ điển mà các nhà thơ lớn đại diện cho các thời kỳ Lê Sơ, Lê -Mạc, Lê Trung Hưng đã thực hiện. Có những câu họ chỉ dùng 6 chữ, thậm chí cả hai câu đều 6 chữ. Ví dụ: “Góc thành nam lều một căn/No nước uống thiếu cơm ăn” (Nguyễn Trãi). “Cung quế cao xanh đượm khói/Dòng ngân tịnh biếc in thu” (Lê Thánh Tông). “Lẩn thẩn ngày qua tháng qua/Một phen xuân tới một phen già” (Nguyễn Bỉnh Khiêm)…. Sự đổi mới trong thơ Đường luật thời Lê và ngôn từ, các tác giả thường dùng hai từ cấu tạo khác nhau để ghi cùng một khái niệm. Có khi vừa dùng từ cổ vừa dùng từ mới thông dụng, có khi dùng từ Hán Việt xen kẽ cùng với dùng từ thuần Việt. Về phương diện chữ viết thì hiện tượng hiện đại hóa văn thơ càng biểu hiện rõ nét hơn. Có khi sáng tác một từ nhưng đưa vào thơ Đường đã dùng hai mã hoàn toàn khác nhau. Có khi vừa dùng mã chữ cổ vừa dùng mã chữ mới, có khi vừa dùng mã chữ đơn vừa dùng mã chữ kép, có khi cả hai mã đều được thông dụng. Dù lịch sử, văn hóa xã hội có những biến động, biến cố thăng trầm nhưng thơ Đường luật thời Lê phát triển rực rỡ nhất, được trải rộng và dài suốt từ Bắc vào Nam chứ không phải bó hẹp trong lãnh thổ Đại Việt cũ như thời Lý, thời Trần. Sự phát triển, đổi mới về mọi phương diện, sự đa dạng, phong phú về nội dung và nghệ thuật chính là tổng quan, diện mạo thơ Đường Luật thời nhà Lê./.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy

Chi hội MTTĐ Quỳnh Viên – Thạch Hà – Hà Tĩnh

Điện thoại: 0901716875