“HÈ VỀ” – MỘT BÀI THƠ LẤP LÁNH CHẤT ĐƯỜNG THI

 

“HÈ VỀ” – MỘT BÀI THƠ LẤP LÁNH CHẤT ĐƯỜNG THI

 

Thơ viết về mùa hè không nhiều. Người làm thơ xưa nay – kể cả những nhà thơ lớn, không mấy ai viết về mùa hè. Người ta thường viết về mùa xuân, nhất là mùa thu. Bởi mùa xuân, hay mùa thu là mùa đẹp, dễ gây nên cảm hứng cho thi sĩ. Chẳng thế mà cụ Tam Nguyên Yên Đỗ – Nguyễn Khuyến có cả một chùm ba bài thơ thu nức danh mọi thời đại đó sao? …

Không so sánh với các thi sĩ lớn, song, tôi không thể không nói đến một số bài thơ của anh Nguyễn Viết Dưỡng – một sĩ quan ngành công an nghỉ hưu. Và sự thật, tôi “giật mình” khi đọc đến một bài thơ anh viết về mùa hè trong cảm xúc đắm say, lâng lâng và có chút gì như tình tứ:

          HÈ VỀ

“Lấp ló trăng thanh đón đợi hè

Ve sầu vắt vẻo rã cành me

Đồng chiêm lúa biếc xòe bông mẩy

Ao trũng sen hồng nở cánh khoe.

Tu Hú gọi bầy trong bụi rậm

Cuốc kêu tìm bạn dưới lùm tre,

Lập lòe phượng đỏ chan hòa nắng

Nghiêng nón bóng người lúng liếng che.”

                                  Nguyễn Viết Dưỡng

  1. Cảm nhận đầu tiên của tôi về “Hè về” là một bài Đường thi đúng nghĩa. Chất  Đường lấp lánh từ tứ thơ đến hình ảnh, từ cấu trúc đến ngôn từ… Bài thơ là cảm xúc, là tâm tình của tác giả trước những tín hiệu của mùa hè, gợi cho ta nhớ tới những thi phẩm trong “Bảo Kính cảnh giới” của Ức Trai, trong bài “Hạ cảnh” của Trần Thánh Tông (1240 – 1290[1]), hay trong câu thơ tuyệt bút của thi hào Nguyễn Du:

“Dưới trăng Quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.”

2.1. Bài thơ của anh Nguyễn Viết Dưỡng có nhan đề “Hè về” – rất cổ điển mà ta dễ dàng bắt gặp trong thơ ca trung đại. Và cả bài thơ là những tín hiệu của mùa hè trong cảm nhận của tác giả. Cũng như “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu, “Thu sang” của Hữu Thỉnh, “Hè về” là phút giây giao mùa khi xuân qua, hè tới, qua cái nhìn, cái “lắng nghe” bằng nhiều giác quan: Thị giác, thính giác… và cả tâm hồn nữa. Thi liệu của bài thơ cho ta nhận rõ điều đó.

Không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật và cách thức miêu tả của tác giả cũng đậm chất Đường: “Hè về” không cảm nhận sắc hè ở một thời gian địa điểm cụ thể nào mà khi là lúc trăng lên “lấp ló đợi hè”, khi lại là buổi sáng mai nơi cánh đồng chiêm trũng “lúa biếc xòe bông”; có lúc lại là đêm khuya trong tiếng “Cuốc kêu tìm bạn”, lúc lại là chiều tà trong âm thanh tiếng ve “vắt vẻo cành me”… Những điểm nhìn nghệ thuật ấy vừa thể hiện được chiều sâu tâm hồn của tác giả trong cảm hứng hạ về, vừa thể hiện được tâm thế của người làm thơ, khiến cho bức tranh hè sinh động, đa màu sắc, hình ảnh, âm thanh…

2.2. Cảnh ngày hè trong bài thơ trước hết là cảnh tươi sáng và rộn rã. Nếu tuân theo nguyên lý “Trung thi hữu họa”, người đọc hoàn toàn có thể cảm thụ bài thơ như một bức tranh – một bức tranh được vẽ bằng ngôn từ, hình ảnh, bằng nét bút thanh sơ, nghiêng về gam màu nóng theo lối phân loại của hội họa – một gam màu đặc trưng của mùa hè.

Những nét vẽ mỏng, thanh ở liên đầu bài thơ đã gợi ra trước mắt người đọc bóng dáng bức tranh. Tín hiệu mùa hè xuất hiện trong hình dáng “lấp ló đón đợi hè” của trăng, trong cử chỉ “vắt vẻo” nơi cành me của ve sầu. Những nét vẽ ấy mở ra trước mắt người đọc một bức tranh hè có gì huyền diệu, nửa như thực, nửa như mơ, lung linh, huyền ảo.

Hai câu thực và luận, màu sắc tu từ vẫn đậm nét trong các hình ảnh “lúa biếc xòe bông”, “sen hồng nở cánh”. Cùng với đó là màu sắc rực rỡ của thảo mộc (lúa biếc, sen hồng), và âm thanh của tiếng chim gọi đàn. Đến đây, bức tranh mùa hè đã thực sự rõ nét.

Cách tả của tác giả cũng rất Đường: Trật tự không gian trải dài từ cao xuống thấp. Điểm nhìn của nhà thơ cũng di chuyển: Từ tầng không đến mặt đất, nơi cành lá, nơi cánh đồng. Ở tầng nào của trời đất và vũ trụ, sức sống bên trong cũng như đang tuôn chảy, tạo vật thiên nhiên không ở thế tĩnh mà luôn chuyển động. Trăng thì “lấp ló”, ve thì “vắt vẻo”, lúa thì “xòe”, sen lại “nở”. Màu biếc của lúa, màu hồng của sen, đi liền với các động từ “xòe”, “nở”… đã tạo nên một bức tranh với nhiều gam màu. Tất cả làm nên sức sống của tạo vật, của trời đất phút kì hoàn thịnh. Và trong không gian ấy, trong những âm thanh của tiếng hè mà tác giả cảm nhận, có tiếng Tu Hú gọi bầy, tiếng Cuốc kêu tìm bạn, những thi liệu ấy làm cho ta cảm nhận tín hiệu mùa hè đậm chất cổ thi. Song le, những yếu tố đậm màu sắc Đường thi ấy lại phảng phất trong đó chút tâm trạng có gì như hoài cổ của tác giả, gọi về trong tâm thức người đọc chút lưu luyến bâng khuâng (kể cũng đúng, bởi thơ là tiếng lòng, “thơ là dòng sông chảy giữa đôi bờ của trí tuệ và tình cảm, soi vào đấy ta thấy được bóng dáng của thi nhân”)… Và có lẽ, đây cũng là nét riêng biệt của bài thơ này.

2.3. Hai câu kết của bài thơ thật mới mẻ.

Ở trên tôi đã nói, trong tiếng Tu Hú gọi bầy trong bụi rậm, tiếng Cuốc kêu tìm bạn dưới lùm tre, có gì xao xuyến lòng người thì, đến câu thơ thứ bảy, hình ảnh “phượng đỏ chan hòa nắng” đã xua tan đi chút man mác của câu thơ, đưa tâm trạng của tác giả trở về với cái rạo rực, đắm say. Và đến đây, bức tranh hè dường như đã hoàn chỉnh. Nếu xem toàn bài thơ là một bức tranh, thì có thể nói, với câu thơ này, tác giả – người họa sĩ – đã phóng một nét bút, vạch một thanh đậm, khỏe, chan hòa ánh sáng, tạo thành một điểm tựa vững chắc cho toàn bài thơ.

Đến câu kết cuối cùng, con người mới xuất hiện:

“Nghiêng nón bóng người lúng liếng che”

          Hình ảnh bóng người trong bài thơ hẳn là một cô gái. Hai chữ “lúng liếng” được sử dụng thật hay, vừa là cử chỉ, vừa là tâm trạng, rất lãng mạn. Sự phối kết giữa hai gam màu, hai nét vẽ “phượng đỏ chan hòa nắng” và “bóng người lúng liếng che” khiến cho bức tranh tràn đầy sức sống. Chất trữ tình lãng mạn đã làm mát cho toàn bức tranh hè. Có thể nói, chất hội họa kết hợp với trí tưởng tượng phong phú và cảm hứng trữ tình đã làm nên sức quyến rũ của câu thơ và của cả bài thơ, đem đến cho người đọc một cảm giác lâng lâng khó tả.

  1. Nếu nói rằng thơ là họa, thơ là nhạc, thì “Hè về” là bài thơ mang đầy đủ những yếu tố đó.

           Thơ Đường là thơ gợi. Gợi là đặc trưng thi pháp của Đường thi. Thủ pháp đồng nhất tình và cảnh là đặc điểm của bút pháp thơ Đường. “Hè về” của Nguyễn Viết Dưỡng mang những vẻ đẹp đó.

Tất cả những yếu tố trên đã làm nên chất thơ của bài thơ. Tuy chưa toàn bích, song, đủ sức lôi cuốn người đọc.

                                                                          Trần Quốc Chỉnh

                                                                            ĐT: 0983 468795