(HÀ NHÂN) HAY (THUỲ NHÂN) TRONG HAI CÂU THƠ CỦA NGUYỄN DU ĐỂ HIỂU ĐÚNG XUẤT XỨ VÀ Ý NGHĨA CỦA CÂU THƠ

BÙI CHÍ THÀNH

  1.                                                        Chủ nhiệm CLB thơ ĐL Đức Thọ

 

Đại Thi hào Dân tộc Nguyễn Du           huý là Du Tự là Tố Như  , hiệu là Thanh Hiên , biệt hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ , Nam Hải điếu đồ  Tiên sinh, sinh vào ngày tháng nào thì không rõ, chỉ biết Tiên Sinh, sinh vào năm Ất Dậu là năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765), vào đời Lê mạt. Mất vào ngày mồng 10 tháng 8 năm Canh Thìn là năm Minh Mệnh nguyên niên (1820), thọ được 56 tuổi. Tiên Sinh thuộc về một gia đình khoa bảng nổi danh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh về thời Lê mạt. Thân phụ là Nguyễn Nghiễm đậu Nhị giáp Tiến sĩ, làm đến chức Đại tư đồ, tước Xuân quận công, mẹ là bà Trần Thị Tần, vợ trắc thất, hàng thứ ba, quê ở Đông Ngạn, Bắc Ninh. Tiên sinh thác sinh ở đất Hồng Lĩnh, Lam Giang là nơi “Đia linh, nhân kiệt”, mẹ lại quê ở Bắc Ninh là đất phong nhã, hợp với dòng máu anh tuấn của cha, đã tạo nên một con người, thông minh, tài hoa, đa cảm, hào hùng. Con người ấy lại sinh ra đúng vào một lúc để chứng kiến bao cảnh bể dâu của đất nước.

Hướng tới kỷ niệm 200 năm ngày mất của Tiên Sinh. Rất nhiều bài viết về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời của Tiên Sinh và thường trích dẫn 2 câu thơ:

 

 

Phiên âm:      Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

lại có bản viết:

 

 

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ thuỳ nhân khấp tố Như.

 

Dịch nghĩa: Không biết hơn ba trăm năm sau,

Thiên hạ ai người khóc Tố Như?

 

Trong hai câu thơ trên chỉ khác nhau hai chữ “Hà nhân” và “Thuỳ nhân” nhưng đều dịch giống nhau “Ai người”. Nhưng lại có sự lý giải khác nhau về xuất xứ của hai câu thơ. Để hiểu đúng sự ra đời của hai câu thơ và cách dùng từ nào cho đúng với nguyên tác, khi trích dẫn và phân tích tâm sự của Tiên Sinh để ta có cái nhìn biện chứng “Thấu tình, đạt lý”về ông.

Sách Đại Nam liệt truyện chép rằng: “Khi ông phải bệnh nặng, không chịu uống thuốc. Lúc gần mất thì sai người sờ tay, chân xem còn nóng hay lạnh. Người nhà nói đã lạnh cả rồi. Ông nói được. Nói xong thì mất không có một lời dặn dò nào. Lại nói khi lâm chung ông chỉ đọc hai câu thơ”:

 

“Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp tố Như.”

 

Dựa vào hai câu thơ trên nhiều nhà bình luận nói lên nỗi lòng trắc ẩn của Nguyễn Du: “Nỗi lòng ấy chỉ có thể là, như lời ai điếu của ông Bùi Kỷ sau này: Dở dang thay cái tu mi, cực trăm nghìn nỗi trong khi tòng quyền”. hay ông Trần Trọng Kim trong bài tựa “Truyện Thuý Kiều”, xuất bản năm 1934 cũng nói như thế: “Ấy là cái tâm sự của Tiên Sinh gửi vào tập Truyện Kiều, để hậu thế  ai cũng có con mắt tinh đời thì soi xét đấy, mà thở dài thay cho một người tài tình, tiết nghĩa, sinh không gặp thời, phải đày đoạ ở chốn phong trần, để tấm lòng son sắt mai một đi mất. Bởi thế nên khi Tiên Sinh sắp mất, có khẩu chiếm hai câu rằng”:

 

“Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.”

 

        Sau nay, năm 1943, ông Đào Duy Anh thấy trong bài “Độc Tiểu Thanh ký” có hai câu thơ ấy mới cải chính lại. Bài thơ này Nguyễn Du làm trong khoảng thời gian làm quan ở Bắc Hà (1802 – 1804). Nguyên tác như sau:

   

 

Phiên âm:            ĐỘC TIỂU THANH KÝ

Tây hồ hoa uyển tận thành khư,

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kỳ oan ngã tự cư,

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ thuỳ nhân khấp Tố Như.

 

(Nguyễn Du)

 

Dịch nghĩa:     ĐỌC TẬP TIỂU THANH KÝ

 

Vườn hoa bên Tây hồ đã thành bãi hoàng rồi,

Chỉ viếng nàng qua tập sách đọc trước cửa sổ.

Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết.

Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt giở.

Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được,

Ta tự coi như người cùng một hội mắc nỗi oan kỳ lạ vì nết phong nhã.

Không biết hơn ba trăm năm sau,

Thiên hạ ai người khóc Tố Như?

 

Dịch thơ:             ĐỌC TẬP TIỂU THANH KÝ

 

Hồ tây cảnh đẹp hoá gò hoang,

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.

Son phấn có thần chôn vẫn hận,

Văn chương không mệnh đốt con vương.

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

 

(Vũ Tam Tập dịch)

 

“Tiểu thanh ký” là tập thơ của nàng Tiểu Thanh. Tiểu Thanh là một người con gái có tài, có sắc, sống vào đời Minh ở Trung Quốc. Nàng họ Phùng lấy lẽ một người cùng tên là Phùng, vì tránh tên chồng, nên gọi là Tiểu Thanh. Vợ cả ghen, bắt ở một ngôi nhà trên núi Cô Sơn, cạnh Tây hồ, chẳng bao lâu buồn mà chết. lúc bấy giờ mới mười tám tuổi. Nay ở cô Sơn (Chiết Giang) còn mộ. Tiểu Thanh có tập thơ nói lên tâm sự của lòng mình. Lúc nàng chết rồi vợ cả ghen với thơ nàng, lấy đốt đi. Còn sót lại một số bài, người ta nhặt nhạnh những mảnh giấy cháy giở, chép lại gọi là “Phần dư cảo” (Bản thảo cháy giở còn sót lại).

Từ khi nàng Tiểu Thanh mất cho đến lúc Nguyễn Du làm bài thơ trên khóc nàng là ba trăm năm. Nghĩ người mà ngẫm đến ta, ba trăm năm vẫn có người khóc Tiểu Thanh, vậy không biết hơn ba trăm năm sau, ai là người khóc Tố Như?

Qua dẫn liệu trên, ta khẳng định rằng: Hai câu thơ trên không phải lời khẩu chiếm của Nguyễn Du khi sắp mất. Mà hai câu thơ đó ở trong bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký” của Nguyễn Du làm trong thời kỳ làm quan ở Bắc Hà.

Trong sáng tác của Nguyễn Du, điều nổi bật là nhà thơ rất gần gũi với những người nghèo khổ, yếu đuối, bị áp bức, vùi dập trong xã hội cũ. Đặc biệt đối với phụ nữ nói chung, và đối với những người con gái tài, sắc nói riêng, phải đem nhan sắc, tài hoa làm trò chơi cho thiên hạ. Từ những ngày thơ âu, ông cũng đã chứng kiến những cảnh đó trong gia đình mình. Khi nói về họ, ông có một thái độ trìu mến, xót thương như trìu mến, xót thương những người ruột thịt. “Đau đớn thay phận đàn bà” trong “Truyện Kiều”, hay trong “Văn tế chiêu hồn”. Câu đó đã trở đi, trở lại như một điệp khúc. Nhờ có mối đồng tình xót thương đó, mà mặc dù chịu ảnh hưởng của ý thức hệ phong kiến nhưng Nguyễn Du không có con mắt nhìn sai lạc của các nhà Nho phong kiến trọng nam khinh nữ. Đối với phụ nữ ông không hề có một lời nào khinh bạc, trái lại, có dịp là ông biểu dương. Ông hết sức thán phục lòng trinh tiết của họ. Nếu không phải xuất phát từ lòng cảm thông sâu sắc thì không thể nào có một cái nhìn như thế.

Từ phân tích trên, từ hai câu thơ, trong tổng thể cả bài thơ để ta hiểu được tấm lòng nhân hậu của ông đối với phụ nữ, đó là một quan điểm mới. Chứ hai câu thơ đó không phải nói lên nỗi lòng trắc ẩn của ông khi bất đắc dĩ ra làm quan như một số tác giả đã phân tích.

Còn về ngữ nghĩa: Chữ “Hà” trong tiếng Hán: (Hà) Chữ dùng để hỏi: Làm sao? Thế nào?, Đâu? – Chữ “Thuỳ” trong tiếng Hán (Thuỳ) là Đại từ nghi vấn chỉ người: Ai?

Cho nên trong các văn bản ta nên thống nhất khi trích dẫn hai câu thơ trên dùng chữ  (Thuỳ) đúng với ngữ nghĩa và nguyên tác trong bài thơ “Độc tiểu Thanh ký” mà Nguyễn Du đã dùng.

Chúng ta tin tưởng rằng: Không những hơn ba trăm năm sau mà mãi mãi về sau, Đại Thi hào Dân tộc Nguyễn Du – Danh nhân văn hoá thế giới với tác phẩm tuyệt mỹ “Truyện Kiều”và thơ văn của ông sẽ sống mãi với thời gian, với dân tộc Việt Nam và nhân loại./.

 

B.C.T

      Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Du, Truyện Thuý – Kiều (Đoạn trường tân thanh) – 1934 Vĩnh Hưng Long Thư quán, xuất bản và giữ bản quyền.
  2. Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Văn học 1978
  3. Đào Duy Anh, Hán- Việt từ điển, Nxb Trường Thi, Sài Gòn 1957