Đôi dòng cảm nhận về bài thơ: KỶ NIỆM MỘT DÒNG SÔNG

KỶ NIỆM MỘT DÒNG SÔNG

 

 

KỶ NIỆM

MỘT DÒNG SÔNG

 Bên cầu quán nhỏ dáng xiêu xiêu,

Xóm bãi ven đê nhạt nắng chiều.

Cồn cát mom sông tình lãng đãng,

Nương dâu, vạt mía cảnh đìu hiu.

Chiều buông mõ điểm xa xa lắc,

Đêm xuống tiêu ngân vọng vọng đều.

Sóng gợn lao xao làn nước biếc,

Thức về kỷ niệm một thời yêu.

***

Một thời yêu ấy đã bao năm

Vẫn gói trong tôi nỗi nhớ thầm…

Nhớ nụ cười tươi cô lái trẻ,

Nhớ lời hẹn ước bạn đồng tâm.

Nhớ chòm mây trắng hòa trong nước,

Nhớ dải ngân hà tắm đáy sông.

Nhớ nhớ thương thương lòng vấn vít

Cho dù năm tháng đã xa xăm.

***

Xa xăm cho mãi đến xa xưa

Kỷ niệm còn in trận Bến Chùa

Mặt nước âm vang làn đạn réo

Đường đê vọng dậy tiếng quân hô

Máu thù đổ xuống tanh sông nước

Xác giặc phơi ra uế bãi bờ

Lấy máu quân thù mà rửa hận

Oai danh lừng lẫy đến ngàn thu.

                         Hữu Độ – Gia Tuế

  Bài thơ  “Kỷ niệm một dòng sông” ba khổ liên hoàn là một cầu nối dòng cảm  xúc của hai bạn thơ vong niên  Hữu Độ và Gia Tuế . Cụ Gia Tuế năm nay trên tuổi 80, còn tác giả Hữu Độ kém thua Thi lão Gia Tuế 12 tuổi . Nhưng không  biết mối cơ duyên nào để hai tác giả cùng gặp một tứ thơ kỷ niệm về một dòng sông. Thực chất là một câu chuyện tình, một sự hy sinh oanh liệt, cao cả của một nữ du kích thời chống Pháp, trên bến sông làng Chùa thuộc tình Hà Tây cũ, nay thuộc huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội.

                Bài thơ tuy của hai tác giả nhưng lại xuyên suốt một mạch thơ, với  ba chương . Mỗi chương một khổ để cùng phác họa một cách sâu sắc về  mối tình duyên đôi lứa, tưởng đã trôi về dĩ vãng của mất mát đau thương trong thời kỳ chống Pháp.

Chương 1 ( Khổ thơ thứ nhất )

Với một số câu từ “ Cồn cát mom sông tình lãng đãng,/Nương dâu, vạt mía cảnh đìu hiu./ Chiều buông mõ điểm xa xa lắc,/ Đêm xuống tiêu ngân vọng vọng đều.

        Để rồi tác giả Hữu Độ gieo câu kết ‘ Sóng gợn lao xao làn nước biếc/ Thức về kỷ niệm một thời yêu.”.

        Từ xúc cảm của bản thân , từ một kỷ niệm thời xa cũ, hay từ một mối tình man mác tuổi thanh niên mà tác giả Hữu Độ đã có một khổ thơ tám câu như hoài niệm, như nuối tiếc, nhưng lại làm thức dậy mối tình sâu kín của Thi lão Gia Tuế.

         Thời trai trẻ trên bến sông quê , Thi lão Gia Tuế  là một nhân chứng sống về trận đánh bến sông làng Chùa.( làng của nhà thơ Nguyễn Gia Thiều). Sử sách quân sự Hà Tây  xưa có ghi : “Ta tiêu diệt 1 đại đội lính Lê dương trong trận phục kích này”. Nhưng bên cạnh sự chiến thắng vẻ vang ấy cũng có những nỗi đau. Nỗi đau da diết là một nữ du kích lái đò đã hy sinh trong trận đánh, và đã mang đi cả một mối tình  thơ mộng tuyệt vời, một thời đã vờn trong mây nước, cùng tìm giải Ngân Hà dưới đáy sông.

 Và hơn nửa thế kỷ đã trôi qua mà vẫn để lại cho người sống tới hôm nay, phải suy tư, đã lao tâm khổ tứ chắt lọc ra những vần thơ “Một thời yêu ấy đã bao năm/ Vẫn gói trong tôi nỗi nhớ thầm…/Nhớ nụ cười tươi cô lái trẻ / Nhớ lời hẹn ước bạn đồng tâm”.

      Không những vậy còn hơn thế nữa, sau việc tạm gọi chương hai chuyện tình . “ Nhớ lời hẹn ước”. Tác giả Gia Tuế  đã bắc cầu thơ chuyển  sang chương Ba “ Rửa hận”

Xa xăm cho mãi đến xa xưa   / Kỷ niệm còn in trận Bến Chùa

Mặt nước âm vang làn đạn réo /Đường đê vọng dậy tiếng quân hô

Máu thù đổ xuống tanh sông nước / Xác giặc phơi ra uế bãi bờ

Lấy máu quân thù mà rửa hận /  Oai danh lừng lẫy đến ngàn thu.

 Cảm xúc từ sự mất mát trong tình yêu, tác giả đã biến đau thương thành hành động, để cùng đồng đội xông lên tiêu diệt quân thù. Trận đánh kết thúc, cái oai danh lừng lẫy của trận chiến, của những người đã hy sinh , trong đó có người nữ du kích lái đò còn thơm vọng mãi tới ngàn thu.

     Với những sự rung cảm thực sự, mà tác giả Hữu Độ cũng  như thi lão Gia Tuế đã vẽ lên một bức tranh bi hùng, đã viết lại câu chuyện tình cùng sự hy sinh vô giá ở một bến sông quê .      Bằng sự  tinh tế , quan sát cảnh sắc ven sông vào khoảng thời gian từ lúc chiều tà cho đến lúc đêm xuống. Những từ lãng đãng, đìu hiu, xa xa lắc, vọng vọng đều,… đã làm cho người ta không thể không “Thức về kỷ niệm một thời yêu”. trong khổ đầu của liên khúc.

       Và bằng bút pháp của mình cụ Gia Tuế đã khéo hòa trộn ngôn ngữ, dùng nghệ thuật bắc cầu để liên kết các khổ thơ với nhau. Các cụm từ “một thời yêu”, “xa xăm”, “xa xưa” đã được cụ Tuế  dùng như một nốt nhấn ở câu đầu và cuối các khổ thơ, đã gây hiệu quả bất ngờ khiến lòng người nghe tràn dâng cảm  xúc .

          Xin cảm ơn tác giả Hữu  Độ và thi lão Gia Tuế đã để lại cho lớp trẻ một bài thơ, một câu chuyện tình, một sự  hy sinh oanh liệt của người nữ du kích lái đò trên bến sông xưa, qua  Bài thơ  “Kỷ niệm một dòng sông”.

                                                                                                      Tư Đức