MỘT NÉT ĐẸP TRONG THƠ ĐƯỜNG THỜI NHÀ TRẦN , Thạc sĩ Công Thành

 

VỀ MỘT VẺ ĐẸP TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT THỜI TRẦN

                                              Thạc sĩ Nguyễn Công Thành (Nam Định)

       Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Nhà Trần là vương triều phong kiến phát triển vững chắc ở cả hai hương diện “Võ công và Văn trị”. Nền tảng vững chắc đó đã góp phần quan trọng xây dựng và bảo vệ Quốc gia độc lập tự chủ hùng cường mang Hào khí Đông A bất hủ. Tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, luật pháp, giáo dục thi cử, văn hóa nghệ thuật, thời Nhà Trần đều để lại những dấu ấn quan trọng, trong đó đặc biệt hiển hách và rạng rỡ là quân sự và văn hóa. Văn học thời Trần là kết tinh đẹp đẽ của nền văn hóa Trần, cùng với văn học thời Lý đã tạo nên sự mở đầu vững chắc cho nền “văn học thành văn” chính thống của Quốc gia Đại Việt trong tiến trình hình thành và phát triển của văn học Việt Nam. Bài viết này tìm hiểu thêm về vẻ đẹp đầy ấn tượng: “Cảm hứng lãng mạng đậm chất nhân văn trong thơ Đường luật thời Trần.”

          Như chúng ta đã biết lịch sử triều đại Nhà Trần khởi đầu khi Trần Cảnh lên ngôi vua Trần Thái Tông năm 1225 và kết thúc khi Hồ Quí Ly soán ngôi vào năm 1400. Trong không đầy hai thế kỷ ấy Nhà Trần đã phải ba lần (vào các năm 1258, 1285, 1287) đương đầu với đội quân xâm lược hùng mạnh nhất bấy giờ thuộc đế chế Mông – Nguyên. Đồng thời, “thù trong giặc ngoài”, những cuộc nội loạn, sự gây hấn các nước xung quanh, những mâu thuẫn trong nội bộ vương tộc Trần. Vậy mà, kỳ diệu thay trong thơ văn thời Trần những bài thơ hay nhất trực tiếp viết về binh đao chiến trận, những sáng tác của các đấng minh quân, các bậc danh tướng kỳ tài trực tiếp làm nên thắng trận, cũng lại là những bài thơ thấm đậm chất trữ tình, cảm hứng lãng mạn, tinh thần nhân văn.

Trước hết, những bài thơ viết về chiến trận với chiến công oanh liệt, nhưng  không chỉ dừng lại trong niềm vui thường tình của người thắng trận. Cảm hứng lãng mạn hào sảng là cơ sở để phát lộ cảm hứng nhân văn:

“Ðoạt sóc Chương Dương độ

Cầm Hồ Hàm Tử quan

Thái bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san”

(“Tụng giá hoàn kinh sư” – Trần Quang Khải)

Tứ thơ được hình thành ngay trong những ngày cả nước hân hoan chiến thắng, triều đình vang khúc khải hoàn, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải phò giá hai vua (Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông) về kinh đô Thăng Long. Bài thơ như “lời tâu trình” với hai bậc minh quân khái quát về sức mạnh chiến thắng phi thường của quân dân ta, khiến lũ giặc xâm lăng kinh hồn bạt vía. Hai câu ngũ ngôn mở đầu ngắn gọn đã diễn tả được cả khí thế và tầm vóc của chiến thắng. Ta đoạt vũ khí của giặc mau lẹ như ở chỗ không người, bắt sống giặc như bắt những con vật không còn nanh vuốt. Nhưng bài thơ không kết lại trong cảm hứng hào hùng thắng trận, mà chuyển hướng đột ngột sang một viễn cảnh khác: “Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san”. Đây mới là tâm phúc bậc đại danh thần – danh tướng Trần Quang Khải muốn bày tỏ. Chiến tranh đã kết thúc, ta đủ sức dẹp giặc để đem lại thái bình cho đất nước, giờ là lúc an hưởng thái bình, vậy kế sách lâu dài cho đất nước là sao đây. “Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu”. Sớm nói ra điều này, “lời phò giá” trở nên ngay thẳng mang tinh thần nhân văn sâu sắc lạ thường. bởi đây chính là tư tưởng tình cảm cao đẹp của đấng tôi trung. Hòa bình không phải để hưởng thụ mà là lúc phải luyện tập nhiều hơn, dốc sức nhiều hơn  xây dựng đất nước cường thịnh để hòa bình được vững bền. Nhìn vào lịch sử các quốc gia dân tộc ta nhận mới thấy hết tầm nhìn sâu rộng, kế sách sâu rễ bền gốc của vua tôi Nhà Trần. Quả nhiên, như một tiên đoán, đến năm 1287 quân Nguyên tiến hành xâm lược nước ta lần thứ ba, thì một lần nữa tướng sĩ Nhà Trần đã cho chúng thêm đại bại một lần nữa.

Cùng cảm hứng hào hùng thấm đậm chất nhân văn ấy, còn bộc lộ trong bài tứ tuyệt “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão: 

Hoành sóc giang san cáp kỷ thu

Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu

Đúng là vẻ đẹp của Hào khí Đông A. Bài thơ là tác phẩm duy nhất còn lưu lại của Điện soái Thượng tướng Phạm Ngũ Lão, một danh tướng được biết đến là người văn võ toàn tài. Thuật hoài là tỏ nỗi lòng và nỗi lòng được tỏ bày ở đây là tư thế tầm vóc, bản lĩnh, khát vọng, là tâm hồn tình cảm của một tráng sĩ, một dũng tướng tài ba, đồng thời còn là biểu trưng tư thế bản lĩnh của cả một thời đại: Cầm ngang ngọn giáo giữ non sông đã trải mấy thu. Ba quân hùng dũng, khí thế nuốt cả sao Ngưu. Chất lãng mạn kiêu hùng của dũng tướng đứng giữa đất trời, vóc dáng kỳ vĩ khổng lồ tầm cỡ của vũ trụ, thấu trải qua năm tháng, đang cùng với mãnh quân khí thế ngút trời sẵn sàng bảo vệ giang sơn. Tưởng không còn gì bằng, nhưng hai câu sau vị hùng tướng – thi sĩ này đã chuyển sang cảm hứng triết luận: Thân nam nhi chưa trả nợ công danh, luống những hổ thẹn khi nghe người ta kể chuyện Vũ hầu (Gia Cát Lượng). Sao lại là “nợ công danh”, sao phải “luống thẹn”… Đặt trong hoàn cảnh lịch sử thời Trần và hoàn cảnh tâm trạng của Phạm Ngũ Lão chúng ta mới thấu hiểu tâm can ông. Đây chính là biểu hiện cao đẹp của lòng tự trọng, tự tôn vừa kiêu hùng cao ngạo vừa khiêm tốn bình dị như một tâm niệm tha thiết của đấng – nam – nhi, luôn có khát vọng lập công báo quốc, mới xứng đáng để lưu danh. Phải chăng còn một lẽ nữa, vốn là môn khách của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, lại được Trần Hưng Đạo trọng dụng, giao phẩm hàm cao, trở thành con rể, Phạm Ngũ Lão luôn ý thức đạo “tôi trung” đền đáp, tri ân cùng chủ tướng và các minh vương Nhà Trần.

Bài phú luật Đường “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu đậm chất anh hùng ca về cuộc chiến đấu oai hùng trên Sông Bách Đằng lịch sử. Thi sĩ – Thái phó Tham tri Chính sự Hàn lâm Học sĩ Trương Hán Siêu đã thổi hồn vào lịch sử dân tộc những hình tượng nghệ thuật độc đáo: “Trục lô thiên lý/ Tinh kỳ ỷ nỉ./ Tỳ hưu lục quân/ Binh nhẫn phong khỉ…/ Nhật nguyệt hôn hề vô quang/ Thiên địa lẫm hề tương huỷ/… Chí kim giang lưu/  Chung bất tuyết sỉ./” (Thuyền bè muôn đội, tinh kỳ phấp phới/ Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói…/ Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ/ Bầu trời đất chừ sắp đổi”…/ Đến nay nước song tuy chảy hoài/ Mà nhục quân thù không rửa nổi !”

Đồng thời tác giả lý giải nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến ngoạn mục thắng lợi vẻ vang: “Nhị thánh hề tịnh minh/ Tựu thử giang hề tẩy giáp binh./ Hồ trần bất cảm động hề/ thiên cổ thăng bình./ Tín tri: bất tại quan hà chi hiểm hề/ Duy tại ý đức chi mạc kinh/”. (Anh minh hai vị thánh quân/ Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh/ Giặc tan muôn thuở thanh bình/ Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao).

          Cách luận giải của người chiến thắng trọng đạo lý, lẽ phải và khao khát hòa bình. Trận chiến Bạch Đằng thật sự là kết tinh của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật binh pháp mưu lược, nghệ thuật công tâm.

 

Cảm hứng lãng mạn đậm chất nhân văn trong thơ Đường luật thời Trần được thể hiện đặc biệt rõ nét trong mảng đề tài viết về thiên nhiên. Như trên đã nói, để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và triều đại, vua tôi Nhà Trần luôn phải đối phó với giặc ngoài thù trong. Nhưng hầu hết những bài thơ, chủ yếu thơ luật Đường đề tài thiên nhiên chiếm ưu thế và trở thành nét đẹp độc đáo của thơ ca giai đoạn này. Chỉ thống kê sơ bộ cho thấy hình ảnh trăng, hoa, sông, núi có mặt trong gần một trăm bài; hình ảnh mùa xuân hiện diện trong cảm xúc của ba mươi lăm bài. Các tác giả chủ yếu là các bậc quân vương, danh sĩ, dũng tướng. Phải thật sự gắn bó với cuộc đời, phải yêu cuộc đời bằng tất cả tâm hồn tình cảm sâu nặng, đương nhiên phải có khiếu năng thi ca đủ lớn, các thi nhân mới có được sự lắng lọc tinh tế để sáng tạo nên những bức tranh nghệ thuật ngôn từ đẹp và sinh động trong sáng tác của mình. Vậy nên hình tượng thiên nhiên trong thơ luật Đường còn là thước đo phẩm chất nghệ thuật của thơ. Chỉ xin nêu ra một trường hợp tiêu biểu, thơ Trần Nhân Tông. Hiện tượng ba tư cách thống nhất trong một nhân cách Quân vương – Phật hoàng – Thi sĩ Trần Nhân Tông dường như rất ít xuất hiện trong lịch sử thi ca, bởi nếu chỉ hai phương diện thì không hiếm, nhưng ở đây cả ba phương diện đều đạt tới đỉnh: Đấng minh quân tài ba Trần Nhân Tông, Đức Phật Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông và Nhà thơ lớn Trần Nhân Tông. Trọn một đời vì giang sơn xã tắc và cuộc sống muôn dân, từ tư tưởng đến hành động, từ tâm hồn tình cảm đến bản lĩnh và nhân cách Thượng hoàng Trần Nhân Tông thực sự là bậc hiền tài của “nguyên khí quốc gia” Đại Việt. Chùm thơ Xuân của Ông với bốn bài tứ tuyệt (Xuân hiểu, Xuân cảnh, Xuân vãn, Xuân nhật yết Chiêu lăng) như một bức tứ bình trang nhã hữu tình, ẩn tàng cảm hứng lãng mạn đậm chất nhân văn toát lên từ hình tượng nghệ thuật. Đơn cử bài “Xuân hiểu”:

“Thụy khởi khải song phi

Bất tri xuân dĩ quy.

Nhất song bạch hồ điệp

Phách phách sấn hoa phi.”

(Ngủ dậy ngỏ song mây/ Xuân về vẫn chửa hay/ Song song đôi bướm trắng/ Phấp phới sấn hoa bay.)

Bài thơ này có thể được Trần Nhân Tông viết sau khi đất nước thanh bình, trong dịp ông về lại hành cung Thiên Trường. Không có én liệng mùa xuân, không có mai đào khoe sắc xuân như thông lệ trong thơ cổ phương Đông; chỉ có đôi bướm trắng đang sấn tới nhành hoa. Bài thơ vẫn sử dụng thủ pháp gợi tả cô đọng hàm súc quen thuộc trong thi pháp thơ cổ điển, nhưng hình ảnh đặc tả đôi bướm trắng phấp phới bay hướng tới đóa hoa xuân có sức ám ảnh lạ lùng. Thi nhân như bừng tỉnh sau một đêm xuân nồng ấm an nhiên, ngỡ ngàng đón xuân mới trước cảnh vật xinh tươi sống động tình tứ. Hình tượng thơ gợi lên được vẻ đẹp thanh bình, trong lành thuần khiết, một buổi sớm mùa xuân gần gũi, thân thiết. Sự trầm tĩnh của không gian buổi sớm mùa xuân trong bài thơ như chứa đựng được cả sức xuân đang cựa mở, lan tỏa trong tạo vật và trong lòng người. Bài thơ đã tạo ra sự tĩnh lặng hàm súc. Từ một điển hình nghệ thuật, thi nhân đã gieo vào lòng người đọc tình yêu thiên nhiên tạo vật, khát vọng sống trong lành, và kỳ diệu thay bài thơ đã đánh thức trong độc giả khát khao đón chờ để cùng được sống với giây phút linh diệu khi mùa xuân tới.

Không chỉ Trần Nhân Tông, các Thi sĩ quân vương: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Nghệ Tông, các thi sĩ danh thần danh tướng: Trần Tung, Trần quang Khải, Bùi Tông Quán, Trần Khắc Chung, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Mại, Phạm Ngộ… đều có những tác phẩm thơ Đường luật viết về thiên nhiên cô đọng hàm súc, giàu chất trữ tình, văn chương điêu luyện, thể hiện tâm hồn nhân văn trước thiên nhiên cảnh vật. 

Chất lãng mạn đậm chất nhân văn trong thơ thời Trần còn được thể hiện trong các bài thơ mang cảm hứng thế sự. Do đặc điểm các thi nhân thời Nhà Trần  hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đều tiếp nhận tư tưởng Phật giáo, cho nên đồng thời với mảng thơ thể hiện lòng yêu nước ý chí tự cường bảo vệ quốc gia phong kiến Đại Việt là mảng thơ Thiền. Các thi nhân đã bộc lộ cảm quan thế sự, từ đó chúng ta nhận ra chiều sâu triết lý nhân sinh về lẽ hưng thịnh suy vi ở đời.

Đó là tâm sự của thi nhân lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi “Qua Bành Trạch thăm nơi ở cũ của Đào Tiềm”:

“Tự tính bản nhàn khoáng

Sơ bất tỷ lục tục.

Đẩu mễ khẳng chiết yêu,

Giải ấn ninh từ lộc.

Phù sơ ngũ chu liễu,

Lãnh đạm nhất ly cúc.

Liêu liêu thiên tải hậu,

Thanh danh ngô khả phục.”

(Bản tính vốn nhàn tản phóng khoáng, từ đầu đã không gần được kẻ a dua. Há vì đấu gạo mà phải khom lưng, cởi dây ấn, đành từ quan mà về. Lưa thưa năm khóm liễu, lạnh nhạt một giậu cúc. Mịt mờ nghìn năm sau, thanh danh còn khiến ta khâm phục). Đó cũng là nỗi niềm của Lý Đạo Tái Huyền Quang Tôn giả gửi gắm trong chum thơ “Cúc Hoa”, trong đó có tứ thứ 6:

“Xuân lai hoàng bạch các phương phi,

Ái diễm liên hương diệc tự thì.

Biến giới phồn hoa toàn truỵ địa,

Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly”.

(Xuân đến hoa vàng hoa trắng đều ngát thơm, Đúng thì, vẻ đẹp đáng yêu, hương thơm đáng chuộng đều giống nhau. Nhưng khi các loài hoa tươi tốt khắp nơi đều đã tàn rụng, thì nhan sắc phai nhạt sau cùng là bông hoa ở giậu phía đông).

Với nhà thơ Thiền sư Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung, thông qua bài tứ tuyệt “Thị học” đã gợi cách mọi người học đạo:

“Học giả phân phân bất nại hà,

Đồ tương linh đích khổ tương ma,

Báo quân hưu ỷ tha môn hộ,

Nhất điểm xuân quang, xứ xứ hoa”.

(Người học rối chẳng biết làm sao đây, luống công cầm hai hòn gạch mà xát một cách khổ sở. Xin bảo với bạn hãy thôi ỷ vào cửa nhà người khác, Một chấm ánh xuân làm hoa nở nơi nơi). 

Sự mới lạ đáng khâm phục là vị Thiền sư nổi tiếng học rộng tài cao này đã thẳng thắn phê phán sự học mù quáng chỉ tin theo những giáo lý có sẵn. Khi đã nương dựa cửa người thì còn đâu là mình. Từ đó thao thiết nhận ra chừng nào bỏ được thói quen ỷ lại vào các thứ “khuôn vàng thước ngọc”, biến mình thành con rối thì lúc đó tâm trí mình sẽ tự nhiên bừng sáng, một thế giới vốn lâu nay mờ mịt bỗng chốc nở hoa dưới ánh sáng xuân. Thơ của Thiền sư chân tu Trần Tung đã thể sự sắc sảo trong tư duy, độ bén nhậy của cảm xúc mang niềm tin sâu xa vào khả năng khả năng nhận thức của con người trước chân lý. Với thi ca đó chính là trạng thái xuất thần của cảm hứng sáng tạo.

Thơ Đường luật thời Nhà Trần phát huy rạng rỡ tinh hoa văn học thời Nhà Lý, đồng thời khẳng định hiện diện một nền văn chương “bác học” sánh ngang văn chương nhà Tống lúc bấy giờ. Chúng ta cần thống nhất quan điểm ngôn ngữ Hán lúc ấy phổ cập trong đào tạo nhân sĩ trí thức, như ngôn ngữ Anh bây giờ. Vậy nên thời kỳ mở đầu và cực thịnh Nhà Trần, việc sáng tác thơ theo các thể luật Đường là lẽ đương nhiên. Điều quan trọng chính các bậc trí thức tinh hoa triều Trần đã mở ra dòng văn học viết với tất cả sự “sang trọng” của thơ văn trong đó có mảng thơ Đường luật. Đến khi sáng tạo ra chữ Nôm thì sự chuyển hướng sáng tác thơ Đường luật chữ Nôm đã minh chứng cho ý thức độc lập tự chủ nền văn hóa của dân tộc ta. Sau này nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã nâng Đường luật chữ Nôm lên đỉnh cao, diễn tả được tất cả tình huống cảm xúc và đã trở thành “Bà chúa thơ Nôm.” Sang giai đoạn văn học cận hiện đại nhà thơ Tú Xương tiếp tục sáng tạo để thơ đường Luật có đủ “năng lượng” tham gia vào quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc.

Tìm hiểu vẻ đẹp trong thơ Đường luật thời Trần, chúng ta càng hiểu thêm sự kết tinh của cảm xúc thẩm mỹ trong hình thức nghệ thuật thơ là một trong những điều kiện trước tiên để tạo nên một thông điệp nghệ thuật thơ. Trước cùng một phạm vi hiện thực cuộc sống, mỗi tác giả lại có cảm xúc riêng. Thậm chí cùng một biểu hiện tình cảm, mỗi nhà thơ lại có cách biểu đạt riêng. Cách biểu đạt ấy là sự ký thác tình cảm bằng ngôn ngữ nghệ thuật sáng tạo thơ. Đây là ranh giới của cảm xúc bình thường với cảm xúc thẩm mỹ. Nói sự thăng hoa trong sáng tác thơ là giây phút hưng phấn nghệ thuật đã nâng cảm xúc thông thường thành cảm xúc thẩm mỹ- sáng tạo, tìm đến phương thức phù hợp nhất để hoàn chỉnh  tứ thơ và ra đời một thi phẩm.

Tuy nhiên, đã là thơ hay là thơ phải tạo được sự tri âm nào đó đối với bạn đọc, nghĩa là thơ phải thỏa mãn ở những mức độ khác nhau sự đa dạng của thưởng thức cảm thụ thơ. Người sáng tác văn học khác với người viết sử học ở chỗ cùng miêu tả hiện thực, cùng tìm mọi cách để phản ánh đúng bản chất của hiện thực khách quan, nếu nhà sử học phản ảnh lịch sử theo một trình tự và qui luật khách quan nghiệt ngã của đời sống bằng những chi tiết và sự kiện có thật; thì nhà thơ không chỉ miêu tả hiện thực mà còn thông qua cảm nhận riêng làm lay động người đọc bằng những tình cảm mãnh liệt, những ước mơ lãng mạn, những triết lý sâu xa, những lý giải sáng tạo về cuộc sống con người. Các thi nhân cổ điển thường sáng tác theo quan niệm“Thi dĩ ngôn chí”. Theo đó, làm thơ không chỉ để mô phỏng hình ảnh cuộc sống mà chủ yếu là để nói cái tâm, cái chí của mình. Ngày nay, các nhà thơ Việt Nam hiện đại vẫn“tự thuật”,“cảm tác”…, nhưng bằng sự sáng tạo những cách biểu đạt mới.

Tham luận này như một bài thu hoạch, những cảm nhận về đóng góp  của thơ Đường luật trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của triều đại Nhà Trần.

                                                         Tháng 11. 2021

                                                                NCT

——————