CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRÊN BÀN CỜ QUỐC TẾ

CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRÊN BÀN CỜ QUỐC TẾ

 

     Là một chuyên đề lịch sử hiện đại của giáo sư Vũ Dương Ninh đã được xuất bản. Đây là bài trả lời phỏng vấn trang báo mạng Thế giới & Việt Nam năm 2016, nay xét thấy bài vẫn nóng hổi tính thời cuộc.TMT trân trọng giới thiệu.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh nêu bật quá trình hội nhập quốc tế và mối liên hệ giữa Việt Nam với thế giới trong lịch sử.

     Nội dung cuốn sách phân tích các cuộc đàm phán ngoại giao ở Hà Nội, Geneva và Paris; các mối quan hệ tam giác Việt-Pháp -Hoa năm 1946, Việt-Trung-Xô năm 1950-1975 và vị thế của Việt Nam trong cục diện. 

     Cuốn sách cũng dành nhiều trang viết về đường lối hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là quan hệ Việt-Mỹ, Việt Nam – ASEAN. Phần cuối nêu lên một số kinh nghiệm đối ngoại, những chặng đường hội nhập quốc tế và sự hội nhập của Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử.

Điều gì đã khiến Giáo sư quyết định biên soạn cuốn sách này?

     Trong suốt 5 thập kỷ giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tôi nghiên cứu về lịch sử thế giới nói chung. Từ năm 1986, tôi đi sâu nghiên cứu về lịch sử quan hệ quốc tế rồi tập trung vào lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam và đã viết 3 cuốn sách (Thế giới, Việt Nam và những vấn đề hội nhập; Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam; và Cách mạng Việt Nam trên bàn cờ quốc tế – Lịch sử và vấn đề). 

     Riêng cuốn Cách mạng Việt Nam trên bàn cờ quốc tế đưa ra một số bài viết mang tính khảo cứu thể hiện quan điểm nghiên cứu của tôi về những vấn đề cốt yếu trong lịch sử đấu tranh giải phóng đất nước. 

Tại sao Giáo sư lại lựa chọn phân tích khía cạnh “lịch sử và vấn đề”? 

     Đặt vấn đề lịch sử ở đây vì tôi là nhà nghiên cứu lịch sử, nhìn hoạt động đối ngoại Việt Nam theo quan điểm lịch sử. Nhưng từ lịch sử ấy có thể rút ra vấn đề gì trong thời đại hiện nay? Thực tiễn hiện nay đặt ra nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tiến trình hội nhập quốc tế. Từ lịch sử 70 năm qua, ta rút được những gì cần chú ý. Ví như trong mọi trường hợp chúng ta phải giữ được đường lối độc lập tự chủ trong đối ngoại, phát triển kinh tế và bảo vệ lãnh thổ; hay từ những kinh nghiệm quan hệ với đồng minh và đối thủ, trong hội nhập ngày nay, chúng ta nên xử lý như thế nào với các đối tác và đối tượng để đi tới mục đích cuối cùng của mình là xây dựng và bảo vệ đất nước theo kịp sự phát triển của thế giới.

Trong quá trình biên soạn, Giáo sư có gặp khó khăn nào không?

     Khó khăn đầu tiên là việc sưu tầm tài liệu, đặc biệt là nguồn tài liệu nước ngoài. May mắn tôi có nhiều bạn bè đồng nghiệp tìm giúp, đồng thời tôi khai thác tài liệu trên mạng. Tìm được tài liệu rồi, nhưng xử lý tài liệu ra sao còn khó hơn. Quan điểm của tôi khi viết cuốn sách là tôn trọng khách quan lịch sử, nhưng cũng phải viết như thế nào để tránh gây phức tạp trong quan hệ đối ngoại. 

Chẳng hạn như vấn đề Khmer Đỏ, năm 1982, tôi đã đến Phnom Penh thăm nhà tù Toul Sleng mà Khmer Đỏ giam giữ và tàn sát tù nhân. Tôi đã gặp Chủ nhiệm khoa Lịch sử (Đại học Phnom Penh), người đã chứng kiến tội ác diệt chủng kinh khủng này và nghe ông kể chuyện về chính cuộc đời mình, về việc quân đội Việt Nam đã vào giải phóng Campuchia, hồi sinh đất nước này ra sao… Nhưng, do một số toan tính chính trị mà việc làm nhân đạo của Việt Nam bị lên án thành hành vi xâm lược và trong những năm 1970 và 1980, nhiều nước tìm cách bao vây cô lập chúng ta. Bài học rút ra là những hoạt động nhân đạo phải đi cùng với hoạt động ngoại giao, có sự giải thích vận động để tranh thủ được sự đồng tình của dư luận. 

Theo Giáo sư, những bài học đối ngoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là gì?

     Đó là phần 2 của cuốn sách. Trong phần này, cũng như cả cuốn sách, tôi khai thác mảng bối cảnh lịch sử khá phức tạp của các sự kiện quan trọng. Tôi đi sâu phân tích tam giác quan hệ Trung – Mỹ – Xô. Trong đó có nêu vấn đề Việt Nam là nước nhỏ, tiềm lực kinh tế yếu chống lại một nước kinh tế mạnh, quân sự mạnh. Tôi không chỉ nêu sự chênh lệch tương quan về khía cạnh quân sự và kinh tế mà ngay trong lĩnh vực quan hệ quốc tế cũng rất chênh lệch. Họ có bộ máy khổng lồ với những nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm, có phương tiện truyền thông rộng khắp, hơn hẳn ta. Vậy mà với tinh thần lấy yếu đánh mạnh, ta đã buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán, họ phải lùi từng bước để cuối cùng đi đến ký Hiệp định Paris.

     Điểm nữa là tôi phân tích Việt Nam đã xử lý mối quan hệ với đồng minh (Trung Quốc và Liên Xô) và với đối thủ (Mỹ) như thế nào, nhất là khi hai đồng minh mâu thuẫn với nhau và đều muốn lôi kéo đối thủ. Với nhãn quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Đảng, chúng ta đã thấy chỗ yếu của họ và thế mạnh của ta cho dù bất đồng, mâu thuẫn với nhau, cả Liên Xô và Trung Quốc đều ủng hộ ta đánh Mỹ.

     Trong nội dung đàm phán Paris, tôi đã nghiên cứu tài liệu của phía bên kia để hiểu được những bước đi của họ thế nào? Tôi đi sâu phân tích bối cảnh hết sức nguy hiểm khi hai đồng minh quay sang bắt tay với đối thủ… Nhưng Hiệp định Paris được ký kết cho thấy sự thành công của tính độc lập tự chủ, kiên định mục tiêu giải phóng dân tộc của ngoại giao Việt Nam. Cho nên thắng lợi 30/4/1975 trên các mặt chính trị, quân sự, đồng thời cũng là thắng lợi của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

 Tư tưởng phong cách ngoại giao HCM

     Ngành Ngoại giao Việt Nam rất vinh dự và tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên.

     Là lãnh tụ thiên tài, là nhà ngoại giao kiệt xuất đã sáng lập ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, Bác đã chỉ đạo công tác ngoại giao nước nhà vượt qua muôn vàn khó khăn, góp phần giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Từ chủ nghĩa yêu nước và truyền thống văn hóa Việt Nam, bằng kho tàng tri thức đồ sộ Đông-Tây, với bản lĩnh dạn dày và kinh nghiệm vô cùng phong phú qua hàng chục năm bôn ba hoạt động cách mạng, Bác đã để lại cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại một tư tưởng ngoại giao đặc sắc – Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh.

     Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bao hàm những nguyên lý, nội dung, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao. Người đề cao các quyền dân tộc cơ bản, bao gồm độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, hòa bình và chống chiến tranh xâm lược. Người nhấn mạnh ngoại giao “phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ” ; độc lập tự chủ, tự lực tự cường phải gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế, theo đó Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” . Người hết sức coi trọng tình hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới; mở rộng bang giao với các nước trong khu vực và trên thế giới; xử lý tốt quan hệ với các nước lớn để phục vụ lợi ích cách mạng.

Trong phương pháp, Người xác định ngoại giao phải là một mặt trận, một binh chủng hợp thành của cách mạng Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn “vừa đánh vừa đàm”, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn. Người luôn đặt Việt Nam trong dòng chảy của thế giới, coi trọng các trung tâm quyền lực, các trào lưu lớn. Người đặc biệt đề cao “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, lấy cái không thể thay đổi để ứng phó với muôn sự thay đổi, giữ vững tính nguyên tắc, kiên định, vững chắc của mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, uyển chuyển của sách lược cách mạng. Phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh còn thể hiện truyền thống yêu hòa bình của dân tộc ta, nỗ lực giải quyết bất đồng bằng các phương cách hoà bình.

     Trên nền tảng văn hóa dân tộc, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh thấm đẫm giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại, kết hợp nhuần nhuyễn văn hoá Đông-Tây. Về tư duy, Người căn dặn phải có quan điểm toàn diện, “nhìn cho rộng suy cho kỹ” để thấy rõ được xu thế chung và chiều hướng của tiến bộ xã hội. Trong ứng xử, Người kết hợp hài hòa giữa các giá trị dân tộc và quốc tế, làm cho mọi người cảm thấy gần gũi, thân tình. Trong giao tiếp, Người dùng cách thể hiện bình dị để gửi gắm hiệu quả những thông điệp ngoại giao.

Nét nổi bật trong nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là sự vận dụng nhuần nhuyễn “năm cái biết” (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến), là khả năng tạo dựng thời cơ và chớp thời cơ, là ngoại giao tâm công giúp thu phục lòng người bằng chính nghĩa, tình người, lẽ phải và đạo lý. Những thành tựu của đối ngoại Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc ta đã thể hiện rõ nét sự tài tình của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng các nghệ thuật ngoại giao để đưa cách mạng đến thành công.

     Thực tiễn đã chứng minh Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là di sản vô giá, là nền tảng sức mạnh và là chìa khóa để triển khai thắng lợi, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng qua các giai đoạn cách mạng. Chính nhờ sự vận dụng sáng tạo Tư tưởng ngoại giao của Người trong tình hình mới, đối ngoại Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần duy trì môi trường hoà bình, thu hút các nguồn lực cho phát triển, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nâng cao vị thế quốc tế của nước ta.

     Đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, có quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với 30 nước. Chúng ta hết sức coi trọng quan hệ với các nước láng giềng chung biên giới, các đối tác chiến lược, toàn diện; đã đưa quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, từng bước xử lý ổn thoả các vấn đề phát sinh, tồn tại. Đồng thời, chúng ta đã nỗ lực phát triển quan hệ ngày càng thiết thực với các nước láng giềng khu vực và bạn bè truyền thống.

     Tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Về kinh tế, Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế thông qua ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, qua đó tạo ra những động lực to lớn cho phát triển. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Dù dịch COVID-19 đang gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương vào loại cao trong khu vực. Hội nhập quốc tế về chính trị – an ninh – quốc phòng, xã hội – văn hoá và các lĩnh vực khác ngày càng sâu sắc.

     Với thế và lực mới, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách, đang phát huy hiệu quả vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực trong giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như: góp phần bảo đảm an ninh lương thực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế phòng chống dịch COVID-19, thúc đẩy hoà bình và hoà giải trên bán đảo Triều Tiên…

     Trong môi trường quốc tế ngày càng phức tạp, đối ngoại đã góp phần hiệu quả vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta đã nỗ lực xây dựng đường biên giới trên bộ hoà bình, hữu nghị và phát triển với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Trước những phức tạp ở Biển Đông, chúng ta đã đánh giá đúng tình hình, đấu tranh, xử lý kịp thời, tỉnh táo, sáng suốt, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển.

     Bên cạnh những kết quả trên, các trụ cột và lĩnh vực quan trọng khác của công tác đối ngoại đều đạt nhiều thành tựu. Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại quốc phòng – an ninh được triển khai hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng; ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin đối ngoại cũng được triển khai chủ động, tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu đối ngoại chung của đất nước.

     Bên thềm thập niên thứ ba của thế kỷ 21, thế giới đang chứng kiến những biến động to lớn, sâu sắc và khó lường. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đại dịch COVID-19 đã góp phần đẩy nhanh hơn những chuyển biến sâu sắc trong cục diện quốc tế, tác động trực tiếp tới môi trường an ninh và phát triển của nước ta. Chúng ta cần tiếp tục vận dụng sáng tạo Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh để đặt Việt Nam vào đúng “dòng chảy của thời đại”, tạo sức mạnh to lớn đưa cách mạng Việt Nam tới những thắng lợi mới.

     Theo đó, ngoại giao Việt Nam cần phát huy tốt vai trò là “một mặt trận” tiên phong nhằm củng cố vững chắc môi trường quốc tế thuận lợi và thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển và nâng cao vị thế đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ lúc nước chưa nguy. Các “binh chủng” của đối ngoại Việt Nam, gồm ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân cần đồng tâm hiệp lực để tận dụng được những cơ hội mới và xử lý hiệu quả những thách thức phức tạp đang đặt ra. Chúng ta cần vận dụng tốt nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cần kiên định mục tiêu bất biến là lợi ích tối thượng của quốc gia – dân tộc với nội hàm là hoà bình, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao sức mạnh và vị thế của quốc gia; đồng thời, linh hoạt, khéo léo trong sách lược, hành động để xử lý cái “vạn biến” của tình hình. Trước những phức tạp ở Biển Đông, chúng ta kiên trì sử dụng các biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp, đồng thời “kiên quyết bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”  như lời Bác căn dặn.

     Chúng ta cũng cần tiếp tục thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế sâu rộng để đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện tư tưởng của Bác về đoàn kết và hợp tác quốc tế, chúng ta tiếp tục coi trọng quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới; đưa vào chiều sâu quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

     Trong tình hình mới, cán bộ đối ngoại cần thường xuyên phấn đấu, tu dưỡng như lời Bác dặn: “chỉ có qua học tập, qua sự cố gắng của từng cá nhân và cả ngành thì công tác ngoại giao mới đáp ứng nhu cầu của đất nước” . Cán bộ đối ngoại cần vừa “hồng”, vừa “chuyên” để xây dựng nền ngoại giao Việt Nam hiện đại trong thời kỳ mới. Đặc biệt, cần thực hiện lời căn dặn của Bác: “phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ và nhà ngoại giao phải khôn khéo để lợi ích đó được đảm bảo” .

     Dưới ánh sáng của Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục viết lên những thành công mới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác hằng mong ước.

 

                                            Theo : thonminhtriet.com