Bàn thêm về Bài thơ Hoàng hạc lâu – Bài viết Bùi Thành
PHÂN TÍCH VÀ DỊCH MỚI BÀI “HOÀNG HẠC LÂU”
CỦA NHÀ THƠ THÔI HIỆU
Bùi Chí Thành
Thôi Hiệu ( ( 704 – 754)
Ông người Biên Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đỗ tiến sĩ. “Toàn Đường thi tuyển” thơ ông hơn 40 bài, có thơ biên tái, có thơ khuê tình, nhưng bài được người đời truyền tụng nhất là bài “Hoàng Hạc lâu”. Tương truyền Lý Bạch đi chơi Võ Xương, lên xem lầu Hoàng Hạc, định làm thơ đề vào vách đá, nhưng khi đọc thấy ở đó có bài thơ của Thôi Hiệu, thì hết sức khâm phục, khen rằng:
“Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”
Nghĩa là: “Cảnh trước mắt đẹp quá, chưa tìm ra lời thì đã thấy thơ của ông Thôi Hiệu đây rồi!”. Bèn không làm nữa.
Bài thơ nguyên tác như sau:
Phiên âm
HOÀNG HẠC LÂU
Thôi Hiệu
Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Dịch nghĩa:
LẦU HOÀNG HẠC
Người xưa đã cưỡi chim hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn trơ lại lầu Hoàng Hạc.
Hạc vàng một đi, không bao giờ trở lại,
Mây trắng ngàn năm lơ lửng trôi.
Hàng cây ở đất Hán Dương chiếu rõ trên dòng sông tạnh,
Bãi Anh Vũ, cỏ thơm mơn mởn xanh tươi.
Chiều tối tự hỏi đâu là quê hương?
Khói và sóng trên sông khiến cho người u sầu.
Thôi Hiệu – Nhà thơ nổi tiếng với bài “Hoàng Hạc lâu” đã làm rung động bao tâm hồn, tình cảm độc giả. Bài thơ được trích giảng trong chương trình Ngữ văn PTTH, chương trình văn học nước ngoài và chương trình cơ sở Ngữ văn Hán Nôm ở các trường ĐHSP và CĐSP, đã có tác dụng tốt, để lại ấn tượng sâu sắc cho học sinh, sinh viên, nhất là giúp các em liên hệ, so sánh với thơ Việt Nam, học trong chương trình.
Bức tranh “Hoàng Hạc lâu” được Thôi Hiệu vẽ lên thật tuyệt mỹ, như đưa người đọc vào chốn “Bồng lai tiên cảnh”. Sự tích “Phí Văn Vi cưỡi hạc thành tiên” và hình ảnh “Bạch vân thiên tải không du du” – Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi; nơi đây chỉ còn lai mây trắng lững lờ trôi, đã quyện chặt vào lòng tác giả giữa chốn đất trời bao la, vô tận. Ở đây thơ và tâm hồn nhà thơ là một; cảnh sắc thiên nhiên trời, mây, sông, bãi, cây cối, nước non hoà vào nhau:
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.”
(Hàng cây ở đất Hán Dương chiếu rõ trên dòng sông tạnh,
Bãi Anh Vũ, cỏ thơm mơn mởn xanh tươi)
Đoạn đầu nhà thơ đưa ta vào chốn “Non tiên, nước bạc” thì đoạn sau lại đưa ta về với thực tại . Chiều buông, cảnh sắc lầu Hoàng Hạc thay đổi. Sông tạnh soi rõ những hàng cây xanh tốt bên bờ Hán Dương. Bãi cỏ Anh Vũ xanh mơn mởn đang tắm mình trong nắng chiều. Cảnh vật chẳng những thấm đượm triết lý cuộc đời mà còn thể hiện tình cảm gắn bó, thiết tha yêu quê hương của tác giả. Đến đây, tôi bỗng nhớ tới câu thơ của một nhà thơ khuyết danh xa quê, chỉ ước được thành non cao để ngắm cố hương:
“Thân ta ví phỏng thành non được.
Muôn vạn đầu non ngắm cố hương.”
Đó cũng là tâm trạng của Thôi Hiệu trước cảnh hoàng hôn, khiến nỗi lòng nhà thơ man mác, mang nỗi buồn da diết:
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
(Chiều tối tự hỏi đâu là quê hương,
Khói và sóng trên sông khiến cho người u sầu)
Bài thơ được dừng lại ở đây với tất cả nỗi lòng sâu kín cùng với nỗi u hoài của tác giả lan toả trên khói, sóng, gợi niềm nhớ nhung vô hạn cho bao lữ khách tha hương!
“Hoàng Hạc lâu” là một bài thơ thất ngôn, bát cú Đường luật xuất sắc nhất trong số thơ luật Đường, có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Học bài thơ này, học sinh, sinh viên có thể hiểu được phong cách tiêu biểu của thơ Đường là tình cảnh, ý cảnh “Ý tại, ngôn ngoại”, Vận, niêm, luật, đối, bố cục… Giúp học sinh, sinh viên có nhận thức thấu đáo về mặt thẩm mỹ và văn chương.
Bài thơ “Hoàng Hạc lâu” sống mãi với thời gian, với thi nhân Việt Nam. Các nhà thơ của ta xưa và nay ai cũng ưa thích và thuộc lòng bài thơ này. Đã có hàng chục bản dịch thơ “Hoàng Hạc lâu”, một trong những bản dịch thơ hay nhất bằng thể thơ lục bát là của Tản Đà:
LẦU HOÀNG HẠC
Hạc vàng ai cỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ,
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
(Tản Đà dịch)
Từ phân tích trên, ta cảm nhận sâu sắc hơn cái “Thần” của tác phẩm, và ngòi bút tài hoa của Thôi Hiệu!
Người dạy phải dạy thơ Đường không phải là dễ. Người học, học thơ Đường không phải là đơn giản. Để giúp người dạy, người học, bạn đọc có thêm một bản dịch mới, tiện việc đối chiếu, so sánh với nguyên tác. Tôi xin được giới thiệu bản dịch thơ của mình bằng thể loại thơ Đường, để chúng ta cùng tham khảo:
LẦU HOÀNG HẠC
Cưỡi hạc, người xưa giã biệt rồi,
Trơ lầu Hoàng Hạc đất này thôi.
Hạc vàng một đi* không trở lại,
Mây trắng ngàn đời lơ lửng trôi.
Cây đất Hán Dương lồng ánh nắng,
Cỏ châu Anh Vũ giỡn màu trời.
Chiều tà quê cũ là đâu tá?
Khói sóng trên sông khiến não người.
(Bùi Chí Thành dịch)
Chú thích:
(*) Theo luật thơ Đường, chữ “Đi” là thanh trắc (Theo luật trắc), nhưng tác giả phá cách thành thanh bằng để đảm bảo đối và sát nguyên tác của bài thơ.