Ý TƯỞNG THIỀN THỂ HIỆN QUA VẺ ĐẸP CÁI ĐẠM TRONG THƠ TRẦN NHÂN TÔNG
Ý TƯỞNG THIỀN THỂ HIỆN QUA VẺ ĐẸP CÁI ĐẠM
TRONG THƠ TRẦN NHÂN TÔNG
PGS Trần Thị Băng Thanh
Thơ Trần Nhân Tông chỉ còn lại khoảng hơn ba chục bài, trong đó nếu tạm gác lại những bài về thế tục, sáng tác khi Người ở cương vị một thi nhân – Hoàng đế đang nắm trong tay vận mệnh cả giang sơn xã tắc, cả sự an nguy của dân tộc, số bài được làm với cái tâm, cái tứ, cái nhìn, cái cảm của thi nhân – thiền gia cũng chỉ chừng hai chục bài. Những bài ấy có lẽ được sáng tác trong thời gian nhà vua đã hoàn thành trách nhiệm mà vua cha giao phó, lãnh đạo dân tộc hai lần đánh bại kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất toàn cầu đương thời, và nếu chưa hoàn toàn “trút bỏ được chiếc dép rách” mà ngồi nơi “nệm cỏ giường thiền” thì cũng đã giác ngộ, “hiểu rõ lẽ sắc không”. Trần Nhân Tông được coi là nhà thơ Thiền tiêu biểu thời Trần, chắc chắn những bài thơ ấy phải thể hiện ít hoặc nhiều, cảm quan, tư tưởng Thiền của Phật Hoàng. Nhưng Thiền vốn “vô ngôn”, đem những lời thế tục để giảng giải thế tất khó có thể chuyển tải được những ý tưởng thâm thúy cao siêu, vi diệu của Thiền, như vậy hà tất phải nói gì ! Tuy nhiên chủ thuyết của Phật hoàng lại là “Hoà quang đồng trần”, “Cư trần lạc đạo”, và nếu như vậy thơ ca của người cũng không hẳn là điều chúng nhân không thể cảm nhận và thụ hưởng. Tôi tin rằng, người đọc dù thế tục hay Thiền giả chắc chắn đều cảm nhận được vẻ đẹp rất tinh tế, vừa cao siêu vừa gần gũi đến “quyến rũ” của thơ Người. Và như vậy, sự chia sẻ những cảm nhận có thể cũng là một cách để nhân lên niềm vui đạo “tuỳ duyên” khi con người đang ở giữa cõi trần muôn vàn nhiêu khê này chăng? Với ý nghĩ như vậy, tôi xin phép được chia sẻ đôi điều cảm nhận của mình về thơ Phật Hoàng.
Đọc thơ Trần Nhân Tông, tôi cảm nhận được một trong những vẻ đẹp của thơ Người là “cái đạm”. Thơ của Người là thi – hoạ, mỗi bài thơ như một bức tranh sơn thuỷ chấm phá, không có những cảnh náo nhiệt, những màu đậm, gắt mà được vẽ bằng những gam màu nhạt, nhưng trong sáng. Có cái đạm một buổi chiều phủ Thiên Trường, có cái đạm một chiều thu ở Vũ Lâm, một chiều thu ở Châu Lạng, một buổi cuối xuân ở sơn phòng, ở nhà Thủy tạ chùa Phổ Minh, một buổi chớm xuân trên núi Bảo Đài, ngay cả một đêm xuân, một ngày xuân trong cung… Thơ của Trần Nhân Tông có nhiều khói sương mây gió, có ánh nắng tà, có trăng, hoa, chim muông, núi sông, thuyền câu, chùa chiền, cây cỏ, thôn làng và có những “hình bóng” con người … Đấy là những khung cảnh có thật, hiện hữu, nhưng dường như trong cách nhìn của thi nhân, trong cái “sát na” ngắm nhìn đó, tất cả đều đã được chưng cất, thăng hoa để trở nên vĩnh hằng – cái sát na vĩnh hằng. Có thể kiểm nghiệm điều đó đối với từng cảnh thơ. Ví như buổi chiều thu ở Vũ Lâm (Vũ Lâm thu vãn 武林秋晚) còn một vệt nắng tà khiến có thể thấy lòng suối in bóng cây cầu sơn vẽ, cảnh rõ và thật, nhưng rồi tiếng chuông chùa xa vẳng trong những đám mây nặng hơi nước, cũng thật, nhưng vẫn khiến cho cảnh vật trở nên mơ hồ.
畫橋倒影蘸溪橫
一末斜陽水外明
寂寂千山紅葉落
濕雲如夢遠鍾聲
Họa kiều đảo ảnh trám khê hoành,
Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh.
Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc,
Thấp vân như mộng viễn chung thanh.
Trần Thị Băng Thanh dịch (Thơ văn Lý – Trần, Nxb. Khoa học xã hội, 1989):
Lòng khe in ngược bóng cầu hoa,
Hắt sáng bờ khe, vệt nắng tà.
Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ,
Mây giăng như mộng, tiếng chuông xa.
Cái cảnh chiều thu Vũ Lâm vừa thực vừa mơ hồ đó sẽ là vĩnh cửu – một sát na vĩnh cửu, trong tâm tưởng mà thi nhân gửi lại.
Cái đạm của buổi chiều thu Châu Lạng (Lạng châu vãn cảnh 諒州晚景) lại có lá đỏ, có chim âu trắng, có tiếng chuông chùa, có thuyền câu, nhưng bên cạnh đó vẫn là một cảnh chùa lạnh lẽo mờ trong khói sương:
古寺淒涼秋靄外
漁船蕭瑟暮鍾初
水明山靜白鷗過
風定雲閑紅樹疏
Cổ tự thê lương thu ái ngoại,
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.
Thủy minh sơn tĩnh bạch âu quá,
Phong định, vân nhàn, hồng thụ sơ.
Trần Lê Văn dịch (sách đã dẫn):
Chùa xưa lạnh lẽo khói thu mờ,
Chiều quạnh thuyền câu, chuông vẳng đưa.
Núi lặng, nước quang, âu trắng lượn,
Tạnh mây, im gió, đỏ cây thưa. Chiều Châu Lạng nhiều xao động hơn chiều thu Vũ Lâm, đẹp và cũng rất đạm.
Còn có thể tìm những vẻ đẹp của cái đạm trong nhiều bài thơ khác, nhưng dưới đây xin dừng lại lâu hơn về những chiêm nghiệm của cá nhân tôi ở một số bài.
Thứ nhất là bài Ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường (Thiên Trường vãn vọng 天長晚望).
村後村前淡似烟
半無半有夕陽邊
牧童笛裡歸牛盡
白鷺雙雙飛下田
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng nghịch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.
Bản dịch của Ngô Tất Tố (Thơ văn Lý – Trần), Sđd):
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều dường có lại dường không.
Mục đồng sáo vẳng, trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
Bài thơ đó có quá nhiều lời giải (gần như ai đến với thơ Trần Nhân Tông đều để ý trước tiên đến bài Thiên Trường vãn vọng), đến mức có thể viết thành một mục “Lịch sử vấn đề”. Nếu tóm tắt lại có thể tạm nêu thành hai loại kiến giải. Sư Minh Đức Triều Tầm Ảnh(1) dường như cùng một cách lý giải với Nguyễn Kim Sơn và Trần Thị Mỹ Hoà, coi đó là bài thơ thể hiện ý tưởng thiền một cách “kín đáo ẩn tàng, không lộ liễu” (Minh Đức) và “ngộ được thiền ý trong đó không phải là đơn giản” (Nguyễn Kim Sơn và Mỹ Hòa)(2); Lê Trí Viễn, Nguyễn Khắc Phi thì cho rằng bài thơ có cảm quan thiền, “nhuốm tư tưởng thiền” nhưng chủ yếu là “chứa đựng tư tưởng lớn lao kỳ vĩ và có ý nghĩa hiện thực sâu rộng”. Có thể xem trên đây là hai xu hướng chính của cách hiểu bài Thiên Trường vãn vọng, người viết bài này chỉ muốn nêu một ý, đó là sở dĩ bài thơ đạt được đến vẻ đẹp lôi cuốn đến vậy chính là ở nét bút “đạm” của Nhân Tông. Bài thơ đúng ra không có màu xanh của đồng lúa, không có màu nắng rực rỡ, cũng không có màu lam của khói chiều, mà tất cả mọi màu sắc đều ở gam màu nhạt – “đạm”, có chăng chỉ có cánh cò trắng là hiển lộ, nhưng vì nó là màu trắng nên cũng là gam màu “đạm”. Bài thơ như một bức tranh mà nói như Nguyễn Khắc Phi “dựng lên được một không gian nghệ thuật mang tính lập thể”(3), có xa – thôn làng trong đường viền mờ như khói (trước thôn, sau thôn) dưới ánh chiều tà – và gần – cánh đồng, trẻ trâu đang giong trâu về thong thả trong tiếng sáo; có cao là từng không với những cánh cò trắng bay và thấp là cánh đồng từng đôi cò đang hạ cánh.
Tứ thiền, cảm quan thiền ở đây là quan niệm về “có – không”; cái “có – không” cảm nhận được từ thị giác, nhưng “có – không” cũng còn được cảm nhận qua ánh nắng chiều, cái khoảng thời gian đang ở biên độ mong manh giữa sáng và tối. Nhưng Thiên Trường là quê hương nhà Trần, ở đấy có Hành cung Thiên Trường mang tên cung Trùng Quang và một số cung điện khác. Cho nên “Cảnh chiều ở Thiên Trường” là một cảnh quan có thật, đến cả cái vẻ thiền nhất là màu đạm nhòa khói sương của thôn làng cũng rất thật. Bởi lẽ thời điểm bấy giờ đã là chiều tà. Khói chiều, tôi nghĩ đây chính là khói chứ không phải sương, bay lên từ những mái tranh rồi lan tỏa khiến nó trở nên một mảng nhạt mờ viền quanh thôn xóm cũng là cảnh thật; thế rồi trẻ trâu, tiếng sáo, cánh cò và cả nắng chiều mơ hồ cũng đều là cảnh có thật, rất thật. Một làng quê có khói chiều, có trẻ em chăn trâu, buổi chiều giong trâu về trong tiếng sáo, có những cánh cò trằng sóng đôi đậu xuống cánh đồng tìm ăn(4) là hình tượng gợi lên sự no ấm thanh bình, là khoảnh khắc và cũng là vĩnh cửu. Bởi lẽ hình ảnh khói lam chiều, tiếng sáo trẻ trâu, cánh cò vẫn còn là những hình tượng đẹp trong thơ mới, trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đầu thế kỷ XX. Và tiếng sáo trẻ trâu buổi hoàng hôn cũng từng gợi trong Chủ tịch Hồ Chí Minh một tứ thơ vui trong những ngày tù đầy gian khổ trên đất Trung Hoa: Mục đồng xuy địch dẫn ngưu quy (Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay – Hoàng hôn, Nhật ký trong tù). Cảnh chiều ở Thiên Trường quả đúng là một cảnh làng quê thanh bình, an lạc lý tưởng không riêng chỉ của một thời xa xưa. Nhưng mặt khác trong con mắt thơ và Thiền của Trần Nhân Tông cảnh thực đã được thăng hoa, mang ý nghĩa của quan niệm thiền “ở đời vui đạo”. Và cũng bởi lẽ Thiên Trường, Lạng Châu đều là những nơi đã từng bị gót giày xâm lược của quân Nguyên tràn qua, tàn phá; đứng vững và trở lại được cảnh thanh bình hiện hữu mà tác giả được thấy quả là “nhờ phúc tổ tông”, cho nên niềm vui được nhân lên, sự trân trọng cái hạnh phúc hiện hữu được nhân lên, nhưng không hẳn trong niềm vui, hạnh phúc không còn thấp thoáng những dấu vết khổ đau, âu lo, đem lại những cảm xúc, suy tư trái chiều… Đúng như ý kiến của Nguyễn Khắc Phi: “Thiên Trường vãn vọng là một tuyệt tác, một trong những bài thơ tứ tuyệt Đường luật cô đọng nhất, một trong những bài thơ trữ tình hay nhất của văn học trung đại Việt Nam”.
Bài thứ hai làĐăng Bảo Đài sơn登寶臺山. Nguyên văn bài thơ như sau:
地僻臺逾古
時來春未深
雲山相遠近
花徑半晴陰
萬事水流水
百年心語心
倚欄橫玉笛
明月滿胸襟
Địa tịch đài du cổ,
Thời lai xuân vị thâm.
Vân sơn tương viễn cận,
Hoa kính bán tình âm.
Vạn sự thủy lưu thủy,
Bách niên tâm ngữ tâm.
Ỷ lan hoành ngọc địch,
Minh nguyệt mãn hung khâm.
Trần Thị Băng Thanh dịch:
Đất vắng đền đài thêm cổ xưa,
Xuân sang, vừa đó, mới theo mùa.
Gần xa, thấp thoáng mây lồng núi,
Nắng rợp, mơ hồ một ngõ hoa.
Nước chẩy nước trôi đời vạn sự,
Tâm nghe lòng nhủ một mình ta.
Nâng ngang sáo ngọc bên thềm vắng,
Đầy ngực trăng trong tỏa ánh ngà.
Bảo Đài là một ngọn núi thuộc dãy Yên Tử(5), Đông Triều, nhà thơ đến vào lúc chớm xuân. Cảnh rất thực. Yên Tử thời Trần chắc chắn còn là miền đất hẻo lánh, núi rừng xa xôi; không rõ tòa đài này có từ bao giờ, có phải cũng là một hành cung đời Trần, vì “đất quạnh” nên trông có vẻ cổ kính hơn và vì thời tiết lúc đó mới đầu xuân (?), nhiều mây, nắng mưa bất chợt, cho nên núi và mây trở nên mờ ảo như xa lại như gần, còn ngõ hoa thì chỗ râm chỗ nắng. Bốn câu đầu bài thơ là cảnh núi Bảo Đài được vẽ toàn bằng màu nhạt, không một chi tiết nào tô đậm, không một nét màu tươi và chính vì thế mà tứ thơ trở nên sâu sắc, gợi những liên tưởng miên man xa vời. Bốn câu sau nhà thơ dành cho tâm tình. Một triết lý rất thiền và cũng rất thế tục: vạn sự ở đời cứ trôi chảy, như nước đẩy nước xuôi, ngoài ý muốn con người, chỉ có cái tâm, cái tâm nhà thơ là muôn thuở tự vấn, tự nhủ, đơn côi (hay là “cái Một” sáng láng?) là vĩnh hằng. Đó cũng là điều nhà thơ chấp nhận hay gửi gắm, hai câu cuối bài thơ biểu đạt trạng thái tâm cảnh ấy. Có những tâm sự gì nhà thơ gửi trong tiếng sáo ngọc khi Người tựa lan can, có chăng chỉ ánh trăng trong chan hòa tỏa đầy ngực là hiểu ! (Có phải như thế chăng?). Đăng Bảo Đài sơn cũng là một bài thơ thể hiện sự quan sát và cách biểu đạt tinh tế của nhà thơ. Bài thơ không có một từ chỉ màu sắc nhưng màu sắc của cảnh quan vẫn như hiển hiện, trái lại những động từ chỉ hành động lưu, ngữ, hoành lại có thể chẳng tạo nên một hành động nào, thủy lưu thủy cũng như tâm ngữ tâm, có tác động đến một đối tượng nào đâu, chỉ là mình với mình mà thôi. Ngay cả động tác “nâng ngang sáo ngọc” cũng chưa chắc đã tạo ra một âm thanh nào, bởi vì chưa chắc người cầm sáo đã đi đến hành động cuối cùng của động tác: thổi sáo! (Mà sáo không lỗ, đàn không dây lại là một “công án” thiền, thể hiện quan niệm “vô ngôn”!). Bài thơ là sự hòa quyện và chuyển hóa tinh tế, nhuần nhuyễn giữa tĩnh và động, để đến tới sự “vô ngôn” của thiền, lại cũng đạt đến vẻ đẹp độc đáo của cái “đạm” trong bút pháp thơ.
Bài thứ ba là Tảo mai早梅.Có biết bao nhà thơ phương Đông đã vịnh hoa mai nhưng Nhân Tông vẫn đến với hoa mai bằng những rung cảm riêng vừa thâm trầm tinh tế, vừa sắc sảo nồng nàn.
I
五出圓梅金撚鬚
珊瑚沈影海鱗浮
箇三冬白枝前面
些一辨香春上頭
甘露流芳癡蝶醒
夜光如水渴禽愁
姮娥若識花佳處
桂冷蟾寒只麼休
II
五日驚寒懶出門
東風先已到孤根
影橫水面冰初泮
花壓枝頭暖未分
翠羽歌沈山店月
畫龍吹濕玉關雲
一枝迷入故人夢
覺後不堪持贈君
Bài I. Ngũ xuất viên ba kim niễn tu,
San hô trầm ảnh hải lân phù.
Cá tam đông bạch chi tiền diện,
Tá nhất biện hương xuân thượng đầu.
Cam lộ lưu phương si điệp tỉnh,
Dạ quang như thủy khát cầm sầu.
Hằng Nga nhược thức hoa giai xứ,
Quế lãnh thiềm hàn chỉ má hưu.
Bài II. Ngũ nhật kinh hàn lãn xuất môn,
Đông phong tiên dĩ đáo cô côn (căn).
Ảnh hoành thủy diện băng sơ bạn,
Hoa áp chi đầu noãn vị phân.
Thúy vũ ca trầm sơn điếm nguyệt,
Họa long xuy thấp Ngọc quan vân.
Nhất chi mê nhập cố nhân mộng,
Giác hậu bất kham trig tặng quân.
Bài thơ dịch như sau:
Bài I
Nở ra năm cánh hoa tròn, nhị điểm vàng,
Như bóng san hô chìm, như vảy cá biển nổi.
Tháng cuối đông cành {khẳng khiu} trống không,
Một đóa thơm đầu cành báo tìn báo xuân về.
Móc ngọt chảy thơm, chú bướm si ngây tỉnh giấc,
Ánh trăng đêm loang loáng như nước khiến con chim khát buồn rầu.
Hằng Nga ví như biết vẻ đẹp của hoa mai,
Thì có ưa gì cây quế với cung thiềm lẽo.
____________
(6) Câu thơ thứ ba cũng có thể hiểu là đến thãng cuối đông thì cành phía trước đã trắng hoa, nhưng sẽ hợp lý hơn khi hiểu bạch chi là cành trống không, vì tác giả đang nói về “hoa mai sớm”, hoa báo tin xuân.
Bài II
Chỉ mấy ngày ngại rét lười ra cửa,
Mà gió xuân ấm đã đến bên gốc cây cô quạnh.
Bóng ngả trên mặt nước, băng bắt đầu tan,
Hoa trĩu nặng đầu cành, hơi ấm chưa định rõ.
Giọng ca Thúy vũ lắng chìm mảnh trăng xóm núi
Tiếng sáo Họa long làm ẩm ướt đám mây quan ải,
Một cành hoa lạc vào giấc mộng cố nhân,
Tỉnh giấc, {bâng khuâng}, không thể đem tặng anh được.
Trong truyền thống thơ phương Đông người ta thường khai thác ở cây mai vẻ cứng rắn, bất chấp gió sương, ở tính cần kiệm giản dị, song ở đây Trần Nhân Tông lại cảm hứng trước một cành mai sớm, nghĩa là hoa mai báo tin xuân. Người chỉ cực tả vẻ đẹp bản nhiên của những cánh hoa mỏng mảnh, một vẻ đẹp tinh khiết mà linh động, hấp dẫn: cánh trắng điểm nhị vàng, óng ánh như bóng san hô chìm, như vảy cá nổi; chỉ một nhánh thơm mà ấm áp xôn xao cả vườn xuân… Hoa khoe sắc, tỏa hương làm dịu ngọt cả sương móc, thu hút cảm giác vạn vật, thách thức cả cây quế cung thiềm. Thế nhưng những đóa hoa mai của Nhân Tông gần gũi mà xa vời biết bao! Hương thơm của hoa làm chó bướm si ngây phải giật mình tỉnh giấc mê, bởi không thể sở hữu; sắc hoa hòa ánh trăng loang loáng như nước làm cho con chim đang khát cháy cổ thêm buồn rầu, bởi “thấy” nước mà không thể uống; cành mai tươi đẹp rơi vào giấc mộng cố nhân khiến cho người tỉnh giấc càng bâng khuâng tiếc nuối vì hoa chỉ là hoa trong mộng! Trần Nhân Tông thật đã viết những vần thơ độc đáo và tinh tế về hoa mai.
Các nhà am hiểu Thiền học có thể khen Tảo mai là bài thơ Thiền đặc sắc. Bởi lẽ ở đây “cái sắc” và “cái không” quyện vào nhau bao nhiêu thì cái ham muốn và cái được nhận, cái thực và cái mộng lại cách xa nhau bấy nhiêu. Dường như bài thơ là một lời chỉ dẫn cho đệ tử “cái vô thường” của vạn vật để từ đó biết hạn chế những dục vọng trong cuộc đời! Thế nhưng nếu bằng những cảm xúc hoàn toàn thế tục, người đọc cũng không thể không nhận ra giá trị thẩm mỹ của những vần thơ này và cũng như tác giả vừa xúc động vừa bâng khuâng trước vẻ đẹp của những cành mai sớm ấy.
Nhà thơ, nhà lý luận văn học đời Thanh Viên Mai (1716-1798) của Trung Quốc sống sau Trần Nhân Tông gần năm trăm năm cũng có hai câu thơ về hoa mai, cấu tứ tương tự như thơ Trần Nhân Tông:
只憐香雪梅千樹
不得隨身帶上船
Chỉ liên hương tuyết mai thiên thụ,
Bất đắc tuỳ thân đới thượng thuyền.
(Tiếc thay thơm tuyết mai nghìn gốc,
Chẳng thể mang theo cùng xuống thuyền).(7)
Nhưng câu thơ của Trần Nhân Tông hay hơn, gây được cảm xúc mạnh hơn, bởi ở Trần Nhân Tông cái tình sâu hơn do xuyên suốt cả quá khứ và hiện tại, do tính huyễn ảo giữa mộng và thực, tạo nên tính bất khả thi cao hơn, và có thể còn vì đậm ý vị thiền.
Vẻ đẹp của cái đạm trong thơ Trần Nhân Tông còn có thể thấy ở cái cảm quan không gian, thời gian mở, một không gian dường như luôn bát ngát, “vô biên” và thời gian cũng miên trường đưa con người giao hòa vào vũ trụ. Châu Lạng, Vũ Lâm, núi Bảo Đài, Phủ Thiên Trường, không gian, thời gian mở, bát ngát miên man… là một thực tế đương nhiên, nhưng ngay cả những “tiểu cảnh” rất “phong bế”, trong cách nhìn của Trần Nhân Tông cũng không bao giờ bị tù túng, gò bó. Dù một ngôi Thủy tạ nho nhỏ trong khuôn viên chùa Phổ Minh mà cổng chùa đã đóng, nhưng hương thơm của hàng nghìn nén nhang cũng trải đầy không gian, nước chảy trôi mang đến hơi mát và tiếng ve khơi động tứ thu triền miên. Trong ngôi Thủy tạ rất “hữu hạn” con người vẫn giao hòa cùng thiên nhiên, cảm giác được mọi vẻ động / tĩnh của thiên nhiên rộng lớn: Nhiên tận thiên đầu mãn tọa hương / Thủy lưu sơ khởi bất đa lương. Lão dung ảnh lý tăng quan bế / Đệ nhất thiền thanh thu tứ trường. ( Đốt hết nghìn nén hương, khắp nhà thủy tạ thơm ngào ngạt, dòng nước mới dâng không lạnh lắm. Trong bóng cây đa già, cổng chùa đóng im ỉm / Một tiếng ve đầu tiên {khơi động} tứ thu miên man). Thu hẹp hơn nữa là khoảnh khắc tỉnh giấc giữa đêm khuya trên chỉ một chiếc giường nhưng tâm hồn thi nhân quả là vẫn bồng bềnh trong không gian rộng lớn: Bán song đăng ảnh mãn sàng thư / Lộ trích thu đình dạ khí hư. Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ / Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ. (Bản dịch của Đào Phương Bình: Đèn song chếch bóng sách đầy giường, Đêm vắng sân thu ướt đẫm sương. Thức dậy tiếng chày đâu chẳng biết, Trên cành hoa quế nguyệt lồng gương). Có cảm giác không phải thi nhân quan sát cảnh vật thiên nhiên bằng giác quan mà chính cảm nhận bằng sự giao cảm tâm – cảnh… Nhưng có lẽ tinh thần Thiền của Phật Hoàng Nhân Tông được thể hiện rõ hơn cả trong những bài thơ loại này là ở bài thơ bày tỏ “Cảm hứng tản mạn ở “phòng” trên núi” (Sơn phòng mạn hứng山房漫興):
誰縛更將求解脫
不凡何必覓神仙
猿閑馬倦人應老
依舊雲庄一榻禪
是非念逐朝花落
名利心隨夜雨寒
花盡雨晴山寂寂
一聲啼鳥又春殘
Thùy phược cánh tương cầu giải thoát,
Bất phàm, hà tất mịch thần tiên.
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,
Y cựu vân trang nhất tháp thiền.
Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.
Bản dịch của Đỗ văn Hỷ (Thơ văn Lý Trần,Sđd):
Bài I. Ai trói phải tìm phương giải thoát,
Khác phàm, đâu phải kiếm thần tiên.
Vượn nhàn, ngựa mỏi ta già lão,
Như trước, am mây chốn tọa thiền.
Bài II. Phải trái rụng theo hoa buổi sớm,
Lợi danh lạnh với trận mưa đêm.
Hoa tàn, mưa tạnh, non im lắng,
Xuân cỗi còn dư một tiếng chim.
Có lẽ bài “Mạn hứng ở sơn phòng” là một bài giảng về giác ngộ. Ở đây có những ý Phật Hoàng đã dạy trong Cư trần lạc đạo phú, đó là sự giác ngộ phải do mình tu tập – không ai trói buộc nên cũng không ai giải thoát được cho cá nhân mình; tự mình không phàm tục thì chẳng phải cầu tìm tiên – bụt – Bụt ở cong nhà, chẳng phải tìm xa. Nhân khuây bản nên ta tìm bụt. Đến cốc hay chỉn bụt là ta. Nhưng con người ta cứ phải đến lúc già, khi cái tâm “nhảy nhót” như con vượn đã nghỉ, cái ý rong ruổi như ngựa lồng đã mệt, (viên tâm ý mã là một thuật ngữ quen thuộc chỉ tâm và ý trong Thiền) mới tìm đến chiếc chõng thiền nơi am mây. Cái chõng thiền am mây vẫn “như xưa”, “bản lai diện mục” không bao giờ thay đổi, chỉ có con người chưa biết chốn về! Đoạn hai của bài thơ nói về trạng thái đã giác ngộ, thiền khách đã không còn tham sân si, đã trở về được trạng thái hư tâm, như hoa đã tàn – cái đẹp trần thế đã không còn, mưa đã tạnh – những khổ não gió mưa cũng đã hết, tâm cảnh hoàn toàn tĩnh lặng, hư vô. Nhưng cái hư vô ở đây lại không phải là sự trống rỗng chết chóc mà cái còn lại là ánh sáng, niềm vui giác ngộ, như “một tiếng chim” vẫn vang lên thánh thót, trong sáng… Ý tưởng thiền trong Sơn phòng mạn hứng của Trần Nhân Tông cũng được diến tả bằng bút pháp rất đạm. Có thể nói cái đạm cũng là một đặc sắc trong Thiền Trần Nhân Tông và là nét trội của vẻ đẹp trong thơ Người.
Viên Mai khi bàn về thơ có nói: “Thơ nên đạm không nên nồng nhưng phải là cái đạm sau khi đã nồng”. Viên Mai không giải thích rõ thế nào là đạm và nồng, còn nhà triết học Pháp Francois Jullien (8) thì đưa cái đạm trở về với nguồn gốc triết học là Đạo. Ông cũng coi cái đạm (sách dịch là nhạt) là lý tưởng sáng tạo thơ ca. Ông dẫn ra bài thơ Lộc sài鹿柴của Vương Duy mà các nhà bình luận Trung Hoa đều coi là tiêu biểu cho vẻ đẹp của cái nhạt (đạm):
空山不見人
但聞人語響
返景入深林
復照青苔上
Không sơn bất kiến nhân,
Đãn văn nhân ngữ hưởng.
Phản ảnh nhập thâm lâm,
Phục chiếu thanh đài thượng.
(Núi vắng chẳng thấy ai,
Chỉ nghe vọng tiếng người.
Nắng chiều xuyên rừng thẳm,
Còn dọi đài rêu tươi)
Ông dẫn lời một nhà bình luận Trung Hoa về bài thơ này: “thơ tôn vinh tầm cỡ ý nghĩa, còn tầm cỡ ý nghĩa tôn vinh cái gì xa chứ không gần, tôn vinh cái nhạt chứ không phải cái đậm (cái nổi): cái gì đậm và gần thì dễ nhận ra trong khi cái gì nhạt và xa thì ta khó mà ý thức được”. Theo F. Jullien “Cái nhạt trong thơ sở dĩ có được là do nghĩa của thơ không xuất hiện (theo cách này hay cách khác), nó thể hiện qua hiện tượng và tình huống mà không bao giờ áp đặt cho ta. Không có gì lôi kéo sự chú ý cũng như hiện ra để ám lấy ta, tất cả những gì bắt đầu hình thành liền rút lui và biến hoá.” Như vậy có thể hiểu rằng người đọc thơ có thể nắm bắt được vẻ đẹp cái đạm của thơ chỉ bằng cách cảm nhận trực giác và có thể rất tự do.
Nhiều bài thơ của Nhân Tông đã đạt đến cái vị “đạm” ấy, trong đó Thiên Trường vãn vọng, Đăng Bảo Đài sơnlà những bài tiêu biểu, còn Tảo mai không chỉ được miêu tả bằng riêng bút pháp đạm mà có sự kết hợp nhuần nhuyễn, bổ sung cho nhau giữa cái đạm và cái nồng (nghĩa là sự hiển lộ hay đúng hơn là mức độ nồng nàn) để tạo nên vẻ đẹp độc đáo của bài thơ. Phải chăng nên coi Tảo mai đã đạt được vẻ đẹp của cái đạm sau khi đã nồng? Có điều đối với Trần Nhân Tông, dường như mỗi bài thơ đều đã đạt được một vẻ đẹp “quyến rũ” riêng, ngay cả những bài thơ “nồng” như Xuân nhật yết Chiêu Lăng, Xuân hiểu … chắc gì đã thua kém những bài thơ “đạm”. Như vậy dường như để tiếp cận được vẻ đẹp đến mức trở thành triết mỹ của thơ Trần Nhân Tông, người ta không nên và không thể chỉ chú mục vào một điểm, vào cái lý lẽ hiển nhiên mà phải để cho tâm tưởng phiêu diêu cùng sương khói đến cõi của cái đạm hoặc cái nồng trên nền cái đạm với một chút mơ hồ “bán vô bán hữu”? Thơ của Trần Nhân Tông có những bài là thơ kệ thuyết giảng về thiền, có những bài mang cảm quan thiền mà các nhà nghiên cứu đang còn tranh cãi xem có nên gọi là thơ thiền hay không, nhưng dù với bất cứ tên gọi nào đối với thơ của Người cũng có thể nói như Nguyễn Huy Oánh “Nhân bả thi tâm ngộ Phật tâm” (人把詩心悟佛心)(9), nghĩa là Người ta phải đem tấm lòng thơ mà hiểu tâm Phật, hiểu thiền, hoặc ngược lại từ sự liễu ngộ về thiền mà cảm thụ được thơ.
Trần Nhân Tông quả là một nhà thơ có phong cách riêng, một nhà thơ lớn và tài hoa vào bậc nhất đời Trần[1].
Hà Nội 2011 – 2021
Trần Thị Băng Thanh
(1) Xin xem bài Tìm lại chút hương non xanh mây tía tham luận Hội thảo khoa họcNhân kỷ niệm 700 năm ngày viên tịch của Sơ Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông.
(2) Chuyển dẫn theo Nguyễn Khắc Phi trong bài Thiên Trường vãn vọng, một kiệt tác của Trần Nhân Tông, bài tham luận Hội thảo năm 2008.
(3) Xem chú thích 2.
(4) Có ý kiến cho rằng phải dịch câu Bạch lộ song song phi hạ điền là: “Từng đôi cò trắng bay trên cánh đồng (về tổ)”, bởi cò không ăn đêm, chiều tối chúng bay về tổ. Thoạt nghe có vẻ hữu lý, bởi vạc mới là loài chim ăn đêm, nhưng thực ra thời gian của bài thơ chưa phải là tối – đêm, hơn thế bản thân người viết bài này thuở bé khi “chạy tản cư” về thôn quê đã chứng kiến cảnh những con cò tìm ăn trên cánh đồng vào những buổi chiều, kể cả khi trời đã muộn.
(5). Núi mang tên Bảo Đài có ở nhiều nơi trong nước ta, chảng hạn ở Châu Ái (còn gọi là Long Đại), ở Bảo Lộc, ở xã Động Mạc thuộc huyện Vọng Doanh, huyện này đã bỏ, nay thuộc vùng Ý Yên, Nam Định và ở huyện Đông Triều. Theo Nguyễn Văn Anh trong sách Am Ngọa Vân, NXB Văn hóa – Thông tin in năm 2013 thì núi Bảo Đài thuộc dãy Yên Tử, xưa là An Sinh, đất thang mộc của Trần Liễu, đời Lê – Nguyễn thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương, nay thuộc hai xã An Sinh và Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
(7). Những ý kiến về Viên Mai trích trong bài đều theo Tuỳ Viên thi thoại, Nguyễn Đức Vân dịch, Nguyễn Phúc giới thiệu, tuyển chọn; Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999; các trang 25, 59.
(9) Nguyễn Huy Oánh (1713 -1789), câu này trích trong bài Cách ngạn Thiền lâm隔 岸 禪 林 (Ngôi chùa bên kia sông), hoạ thơ Ngô Thì Sĩ (1726-1780),
[1] Bài này tôi viết tham gia một Hội thảo khoa học về Trần Nhân Tông của bên Phật giáo từ mấy năm trước. Bài viết đúc kết những cảm nghĩ tản mạn trong nhiều năm tham gia làm bộ Thơ văn Lý Trần. Nay Trung tâm mở chuyên san về thơ đường Đời Trần, tôi cũng định viết một bài mới, nhưng thấy có một điều đặc sắc nhất về thơ Trần Nhân Tông thì đã viết ngay từ những lúc cảm nhận còn tươi mới mà bây giờ thấy chưa thêm được ý gì nên xin gửi đăng lại để chia sẻ cùng quý vị, và nếu có điều gì chưa chuẩn xác xin được chỉ giáo.