Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh xin giới thiệu bài viết : TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN TRONG THƠ HỒ CHÍ MINH QUA THỂ LUẬT ĐƯỜNG
TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN TRONG THƠ HỒ CHÍ MINH
QUA THỂ LUẬT ĐƯỜNG
Đ. Th
Thiên nhiên từ xưa tới nay là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều tao nhân mặc khách. Các nhà thơ đời Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ,… các nhà thơ cổ điển Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Bà huyện Thanh Quan … đều có những áng thơ tuyệt tác viết về thiên nhiên hùng vĩ, hoa lệ. Thơ Hồ Chí Minh, đặc biệt là Nhật kí trong tù cũng đã dành cho thiên nhiên một vị trí danh dự. Mặt trời tỏa sáng trong thơ Bác, là biểu tượng cho khát vọng tự do của con người Bác và cả dân tộc.
Trải qua 14 tháng tù đày, trên những chặng đường khổ ải, xiềng xích và bị dẫn giải đi khắp 13 huyện của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, nếm đủ mùi cay đắng, Hồ Chí Minh với dũng khí không chịu lùi bước, không nao núng tinh thần, với tâm thế tinh thần ở ngoài lao, đã lấy thiên nhiên làm nơi nương tựa tâm hồn mình. Một ánh trăng đêm, một giọt sương mai, một khóm chuối dưới trăng lạnh, một tiếng chim rừng, một mùi thơm hương hoa lá… được Người đón nhận một cách say mê và tự do không gò bó. Từ khí phách ung dung tự tại và yêu đời ấy, trong thời gian bị tù đày Bác đã cho ra đời trong số trên một trăm ba mươi bài thơ của Nhật ký trong tù, để có trên dưới vài chục bài thơ tả cảnh. Ngay nhiều bài thơ Bác không chủ tâm tả cảnh, song ta vẫn bắt gặp rất nhiều hình ảnh thiên nhiên Người dùng để bày tỏ ý chí và khát vọng của lòng mình.
“ Trong ngục giờ đây còn tối mịt
Ánh hồng trước mặt đã bừng soi”
Hình ảnh trăng trong thơ Bác là một điểm sáng chói lọi, và cũng là một cảnh vật lung linh huyền ảo. Người nói đến trăng, trăng tròn, trăng sáng, trăng thu… Người ngắm trăng qua song sắt nhà tù. Không rượu, không hoa, mà trăng vẫn được nhân cách hoá đến lạ lùng ” Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” , thật là một mối tình với trăng thật tri âm , tri kỷ :
“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
(Ngắm trăng)
Trăng và nhà thơ giao hòa, giao cảm. Trong ngục tối, nhà thơ hướng tới vầng trăng sáng với tâm hồn thanh cao, với phong thái ung dung tự tại và tinh thần lạc quan yêu đời.
Tách mình ra khỏi tự nhiên, nguyên khởi là một nỗ lực và là bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển của loài người, kể từ khi con người biết chế tác ra công cụ lao động và sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp rất hữu hiệu.(tác phẩm En ghen). Thế nhưng, chủ động hoà đồng trở lại với tự nhiên như một phẩm chất mang tính nhân văn sâu sắc lại chỉ có ở một số người với tư cách là nhà sáng lập ra các học thuyết tư tưởng, hay các nghệ sỹ lớn mà tác phẩm của họ có ảnh hưởng sâu rộng đến tiến trình phát triển của nhân loại. Trong tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiên nhiên dường như có cả hai phẩm chất đó: Nhà tư tưởng và nhà nghệ sỹ.
Chịu giam cầm, nằm gai nếm mật nhưng ngày đêm vẫn đau đáu hướng về Tổ quốc, quê hương điều đó thể hiện rất rõ nét trong thơ Bác . Bài thơ “Chiều tối”
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng”
Thiên nhiên trong bài thơ trên là áng mây cô đơn lẻ loi đang lơ lửng, trôi nhẹ trên bầu trời là hình ảnh ẩn dụ về người lưu đày trên con đường khổ ải xa lắc? Ngôn ngữ thơ hàm súc, biểu cảm, vừa tả cảnh vừa tả tình, thoáng nhẹ mà đầy ấn tượng, dư ba.
Một nét vẽ trẻ trung, bình dị, đáng yêu: Hình ảnh cô thiếu nữ xóm núi xay ngô và lò than rực hồng tượng trưng cho một mái ấm đoàn tụ gia đình, nó đã làm vợi đi bao nỗi cô đơn, tĩnh mịch. Trong hoàn cảnh suốt một ngày bị đày ải, chân tay còn mang nặng xích xiềng, Người vẫn hướng về một cảnh sinh hoạt dân dã bình dị: thiếu nữ xay ngô, dõi nhìn bếp lửa, lò than rực hồng. Bác đã tìm thấy nơi để nương tựa tâm hồn mình. Hình như nỗi cô đơn, lẻ loi, lạnh lẽo bị xua tan.
Thiên nhiên trong thơ Hồ Chí Minh có lúc mang vẻ đẹp cổ điển như trong Chiều tối. Một cánh chim mỏi bay về rừng tìm cây trú ẩn. Một áng mây lẻ loi lơ lửng trôi giữa bầu trời. Nhà thơ phóng bút, phác họa một vài nét, lấy điểm để gợi diện, lấy động để tả tĩnh… từ cánh chim và áng mây mà làm hiện lên cái vắng lặng êm đềm, cái mênh mông của bầu trời lúc chiều tối nơi xóm núi xa lạ. Cảnh thiên nhiên đẹp mà thoáng buồn qua cảm nhận người đi đày .
Ngoại cảnh và tâm cảnh đồng điệu; cánh chim và áng mây kia trở thành mảnh tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng trên con đường đi đày nơi đất khách quê người.
Trong lúc bị xích cùm, giải đi sang nhà lao khác lúc “Gà gáy” một màn đêm chửa tan, nhà thơ ngước mắt nhìn lên bầu trời thu, hướng về ánh sáng mà đi tới, cảm thấy trăng sao cùng đồng hành trên con đường xa gió rét với mình
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn (Giải đi sớm)
Bài thơ “Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh” thể hiện một cái nhìn ấm áp, trìu mến của Bác đối với thiên nhiên và cuộc sống con người. Mặc dù đôi chân đang bị trói, bị treo lên như tội bị treo cổ (giảo hình), nhưng với tâm thế làm chủ hoàn cảnh, Người vẫn tự do thưởng thức cảnh đẹp. Một chiếc thuyền câu bơi nhẹ trên dòng sông, cảnh sắc đông vui của xóm làng quê đôi bờ sông đã ôm trọn tâm hồn thi nhân. Nếu không có một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống dào dạt nếu không có một tinh thần lạc quan Cách mạng, không thể có tâm hồn cao thượng, và vần thơ đẹp như vậy:
“Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh,
Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình;
Làng xóm ven sông đông đúc thế,
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh”
Thơ viết trong cảnh tù đày của Hồ Chí Minh làm hiện lên một thế giới sinh vật, cảnh hữu tình nên thơ. Trong cảnh nhà tù tối tăm lạnh lẽo, Người thao thức hướng về ánh sáng như hướng về tự do. Lúc thì trải lòng vời vợi mảnh trăng thu, lúc thì nhìn trăng sao qua cửa ngục và tinh tế nhận cảm được cái lạnh lùng của một khóm chuối:
”Khóm chuối trăng soi càng thấy lạnh,
Nhòm song Bắc đẩu đã nằm ngang”
(Đêm lạnh)
Bài thơ “Mới ra tù tập leo núi” , hai câu thơ đầu tả cảnh mây núi hùng vĩ ôm ấp quấn quýt nhau thật thi vị hữu tình. Cảnh sắc mây núi, lòng sông mang màu sắc cổ điển đầy ấn tượng: Bức tranh sơn thủy được sáng tạo nên trong niềm vui tự do. Nó còn mang ý nghĩa thẩm mĩ tượng trưng cho tấm lòng trong sáng, thủy chung của con người. Núi cao trập trùng là để đo tầm vóc và nghị lực của người đi đường. Với phương châm ” chiếm lĩnh được đỉnh cao mới giành được hạnh phúc, mới tận hưởng vẻ đẹp bát ngát của nước non trải dài muôn dặm”. Cảm hứng vũ trụ được diễn tả đầy thi vị . Khi được ra tù , Bác tập leo núi, thiên nhiên trong thơ Người cũng vừa cổ điển lại vừa hiện đại.
“Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ
Bồi hồi dạo bước Tây phong lĩnh
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa”
Thơ của Bác không những tài hoa mà còn thể hiện quy luật sự vận động của cuộc sống của lịch sử. Chính vì vậy ngoài sông núi, trăng sao, Bác còn dùng rất nhiều hình ảnh về mặt trời. Mặt trời luôn ửng đỏ trong thơ Bác xua tan những bóng tối âm u đem lại một bình minh ấm áp. Bác đã coi mặt trời là nguôn sinh khí trong bóng đêm tù đày . Và là tượng trưng cho ngày mai tươi sáng, tương lai của cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc. Một chân lý vận động của tự nhiên, một chân lý của người làm cách mạng thuộc về chính nghĩa:
“ Sự vật vần xoay đà định sẵn
Hết mưa là nắng hửng lên thôi
Đất trời một thoáng thu màn ướt
Sông núi muôn trùng trải gấm phơi
Trời ấm, hoa cười, chào gió nhẹ
Cây cao, chim hót, rộn cành tươi
Người cùng vạn vật đều phơi phới
Hết khổ là vui, vốn lẽ đời”
(Tình thiên – Trời hửng).
Giáo sự, Đặng Thái Mai có viết về bài thơ ” Trời hửng ” của Bác ” là bức thảm thêu bằng chữ bạc, chữ vàng trên nền thảm đỏ”. Đó là sự cảm nhận thiên nhiên bởi một trái tim lạc quan Cách mạng . Thời kỳ ở trong tù thơ Bác rực rỡ tràn ngập ánh sáng và sức sống với một ngòi bút khoáng đạt đã đạt tới độ hào hùng, mãnh liệt giữa đêm đen ngục tối đã nhận ra ánh sáng bình minh đang bừng dậy ở phía chân tròi.
Đó là bình minh của đất trời những cũng là bình minh của thời đại.
Trở về Tổ quốc sau bao nhiêu năm bôn ba, chan chứa tình yêu thiên nhiên Bác về lấy Pác Pó làm nơi ở, đặt tên cho Khuổi Mịn là con suối Lê Nin, và bức tường thành, núi trước mặt là núi Các Mác. Quả là chí khí , thiên nhiên hoà quyện với mục đích lý tưởng của Người :
“Non xa xa , nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là/
Đây suối Lê Nin kia nuí Mác
Hai tay gây dựng một sơn hà”
Chỉ với mấy câu thơ, đã lột tả chân thực hoạt động cách mạng của Người, tràn đầy lạc quan, giữa rừng núi hùng vĩ. Bác đã vẽ nên cho chúng ta bức tranh thiên nhiên phong cảnh núi rừng nơi đỉnh đầu Tổ quốc: non xanh, nước biếc; cảnh vật yên bình thanh cao. Và đặc biệt thiên nhiên trong thơ Bác đã giao hoà với nhịp sống của người chiến sĩ cách mạng. Cháo bẹ, rau măng là những sản vật từ thiên nhiên đã cùng Bác sống trong những ngày gian khổ nhất:
“Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông trên dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.”
Rồi theo thời gian Cách mạng lớn dần cho tới khi thiết lập được một nền dân chủ cộng hoà qua Cách Mạng tháng 8/1945. Bác vẫn với một tình yêu thiên nhiên da diết mộc mạc. Bác đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi.” (Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 161-162.).
. Lời tuyên bố trên của Bác đã trở thành khát vọng của cả dân tộc Việt Nam và đã từng bước được thực hiện. Còn phần sau của lời tuyên bố, là ước nguyện của riêng Người, một mong muốn hết sức bình dị, tự nhiên, đời thường, nhưng đã tạo nên một nét văn hoá Hồ Chí Minh, một nét đặc trưng tình yêu thiên nhiên của nhà thơ Hồ Chí Minh.
Năm 1945, Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chuyển lên chiến khu Việt Bắc, giữa chốn rừng xa lạ đầy gian khổ, thiếu thốn, để động viên tinh thần lạc quan của mọi người, Bác đã làm bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc:
“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay
Non xanh nước biếc tha hồ
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say
Kháng chiến thành công ta trở lại
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”
Và rồi cái tình yêu thiên nhiên ở một nhà cách mạng đã hoà quyện thành ý chí cách mạng và thể hiện trong ý thơ vừa cổ điển vừa hiện đại vừa thực tế Bác đã viết giữa cảnh rừng nơi đầu nguồn Cách Mạng, vưa là tình cảm, vừa là nỗi lòng chân thực, vừa thể hiện ý chí của Người
“Tiếng suối trong như tiếng hát ca
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Mùa Xuân năm 1946 là mùa Xuân đầu tiên của nền Dân chủ Cộng hòa còn vô cùng non trẻ và Tết này cũng thực sự là Tết độc lập, tự do. Bác đã đưa thiên nhiên vào vần thơ chúc tết
“Tết này mới thực Tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia
Độc lập đầy vơi ba chén rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Mọi nhà vui đón Xuân Dân chủ
Cả nước hoan nghênh Phúc Cộng hòa”
(Thơ chúc Tết năm 1946)
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cục diện trên chiến trường càng về sau càng trở nên cam go và quyết liệt hơn. Với cương vị là người đứng đầu nhà nước, Bác bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác vẫn không quên làm thơ như một món quà xuân vừa để chúc Tết đồng bào chiến sĩ cả nước, vừa để kêu gọi toàn dân tham gia kháng chiến. Cũng vì thế mà những vần thơ Xuân của Bác thời kỳ này luôn gắn liền với nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thuỷ, tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”
Baì thơ ” Nguyên Tiêu” Bác làm trong một đêm trăng trên dòng sông xuân, để bàn việc quân quả là không còn gì để nói cái chất thi vị, thanh cao và tuyệt mỹ của áng thơ mà trong đó thi sĩ vừa là nhà thơ vừa là nhà cách mạng , nhà tư lệnh chỉ huy chiến tranh với một tư thế của người cầm chắc trong tay ngày chiến thắng. Và bài thơ trên đã có 13 lần vang lên trong Ngày thơ Nguyên tiêu đất nước.
Dù còn phải mất 8 năm nữa, Cách mạng miền Nam mới giành được chiến thắng hoàn toàn, nhưng ngay từ 1967 Bác đã tin tưởng và thiên nhiên là vườn hoa xuân, vườn hoa chiến thắng nở rộ trong thơ Bác
“Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa”
(Thơ chúc Tết năm 1967)
Ngay trong chiến dịch xuân Mậu Thân,1968, Bác đã vui mừng thấy phong trào cách mạng miền Nam tiến lên như vũ bão và cảnh đẹp mùa xuân chiến thắng đã vào thơ Bác một cách tự nhiên
“Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua dánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta.
(Thơ chúc Tết năm 1968)
Tuy nhiên tình yêu thiên nhiên, của Nhà thơ Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện ở trong các tác phẩm thơ ca, như là những sáng tạo nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân, mà nó còn được thể hiện trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Vì thế chúng ta có thể thấy những nơi Bác chọn làm chỗ ở và làm việc đều là những địa danh vừa đảm bảo sự bí mật thiết yếu về mặt an ninh, quốc phòng, vừa gần gũi với thiên nhiên hùng vĩ. Những địa danh đó chính là suối Lê Nin, núi Các Mác ở Pắc Bó, Cao Bằng, lán Nà Lừa ở Tân Trào, Tuyên Quang, khu Đá Chông ở Ba Vì và ngôi nhà sàn xung quanh có vườn cây, ao cá ở giữa thủ đô Hà Nội.
Tình yêu thiên nhiên, ở Bác đã vượt lên trên việc ngắm cảnh hay ngâm vịnh, mà quan trọng hơn là tình yêu ấy đã được thể hiện thành công trong thơ ca , mà còn thể hiện trên những việc làm rất cụ thể, thiết thực trong việc bảo vệ, giữ gìn tài sản vô giá của quốc gia, dân tộc.
Như vậy có thể thấy cảnh vật thiên nhiên, tình yêu thiên nhiên luôn có mặt trong đời sống tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thơ ca của Người. Chính thiên nhiên đã khơi nguồn cho nhiều tác phẩm thơ ca nổi tiếng và góp phần nâng vị thế danh nhân văn hoá thế giới của Người lên một tầm cao mới.
Nhưng điều cần thiết phải nhấn mạnh ở đây là từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây những kiệt tác văn chương về thiên nhiên và đất nước thường là sản phẩm vô giá của những nhà văn, nhà thơ lỗi lạc và đồng thời cũng là những người có tư tưởng, tình cảm xuất chúng như Trương Kế, Thôi Hiệu, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Quách Tấn…
Còn đối với Bác những tư tưởng, tình cảm, tình yêu thiên nhiên không chỉ dừng lại ở những điều chỉ giáo trong các văn bản hay tác phẩm nghệ thuật, mà hơn thế, nó đã trở thành những hành động, một kỹ năng sống trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Những hành động ấy, ngoài ý nghĩa giáo dục, còn ẩn chứa bên trong Bác là một người yêu thiên nhiên và đất nước đến khôn cùng.
Thiên nhiên và đất nước trong đời sống tinh thần của Bác, trong thơ ca của Bác với một góc nhìn qua thơ luật Đường, không đơn giản chỉ là một thái độ ứng xử tích cực của con người đối với cuộc sống xung quanh, hơn thế nữa là sự quan tâm, bảo vệ, hoà đồng với thiên nhiên, con người và đất nước đã trở thành một phần máu thịt, gắn quện với nhân sinh quan và thế giới quan của một chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, thể hiện tầm, tâm, độ nhận thức cực kỳ sâu sắc của Bác đối với thế giới tự nhiên và vai trò chủ động, tích cực của con người trong tiến trình biến “Cái Tự nhiên tự nó” thành “Cái Tự nhiên cho ta”. Đấy vừa là một tình cảm cao quí, vừa là một bài học lịch sử vô giá mà trước lúc đi xa Người muốn để lại cho muôn đời con cháu.
Nhà Bác tại Phủ chủ tịch
NĐT