VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN THỜI THỊNH TRỊ – MỘT DÒNG THƠ MINH TRIẾT NHÂN SINH Bài viết của TS Tôn thất Minh Tâm

 

  VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN THỜI THỊNH TRỊ

– MỘT DÒNG THƠ MINH TRIẾT NHÂN SINH –

                        TS Tôn Thất Minh Tâm-

        Triều Nguyễn là vương triều phong kiến tập quyền thời kỳ trung cận đại ở Việt Nam, trải dài 143 năm (1802-1945) khởi nguồn từ thời các chúa Nguyễn (1558-1777). Cách nay đã 80 năm nhưng vương triều Nguyễn vẫn để lại những dấu son in đậm trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là di sản văn hóa vật thể “Cố đô Huế” được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới năm 1993 và một nguồn di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ với bộ chính sử vương triều “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”, bộ “Châu bản triều Nguyễn”, bộ luật “Quốc triều hình luật”, “Nhã nhạc cung đình Huế” cùng hàng ngàn thi phẩm của các vị vua chúa, vương tôn, hoàng tử, công chúa…

           Trong kho tàng văn học ấy nổi bật là bài thơ “Xa thư vạn lý đồ” hào hùng trên điện Thái Hòa, là “bài minh” nghiêm kính tri ân Triệu tổ bên núi Thiên Tôn và bài thơ “Ải Lĩnh xuân vân” mộng mơ ghi dấu quốc hiệu “Việt Nam” đầu tiên, hay tập thơ của công chúa- nữ sĩ Mai Am với bài “Ngẫu ti” trữ tình… Tất cả đều góp phần tạo nên một dòng văn thơ minh triết nhân sinh: có giá trị hàn lâm nghệ thuật, vừa trí tuệ, uyên bác, thanh cao, theo hướng “chân-thiện-mĩ”, vừa phản ánh sinh động cuộc sống thường ngày ở chốn hoàng cung và trong nhân gian, được kế truyền tinh hoa văn hóa dân tộc từ ngàn năm trước.

           Với tư cách là hậu duệ đương đại của dòng họ Tôn thất Nguyễn Phúc yêu thơ, tôi nêu ra vài cảm nhận về ý nghĩa minh triết nhân sinh qua một số thi phẩm  Đường luật tiêu biểu của các vị vua chúa và vương tôn triều Nguyễn thời thịnh trị (1802-1883) đã làm phong phú, đa dạng và đặc sắc nền văn học Việt Nam, cần khai thác và lan tỏa.

 

            1- Sự nghiệp văn thơ nhà Nguyễn khởi nguồn từ lịch sử mở cõi phương Nam của các chúa Nguyễn, bắt đầu từ vị thủy tổ sáng lập ra dòng Tôn thất Nguyễn Phúc là Tả vệ điện tiền Tướng quân Nguyễn Kim[1] (1468-1545)- “đệ nhất khai quốc công thần triều Lê Trung hưng” và là “thượng tổ phát tích vương hệ nhà Nguyễn”.

            Tướng quân Nguyễn Kim (阮淦)sinh năm 1468 là con trai trưởng của Trừng quốc công húy Nguyễn Văn Lưu với mẹ họ Mai trong một gia đình thuộc đại chi 4 đời 14 Thủy tổ phả (dòng Hoằng quốc công Nguyễn Công Duẩn-Thái phó Nguyễn Như Trác-Trừng quốc công Nguyễn Văn Lưu ở Gia Miêu Ngoại trang, huyện Tống Sơn, xứ Thanh Hoa (nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa).

  Từ thời trai trẻ, Tướng quân Nguyễn Kim đã tài giỏi, văn võ kiêm toàn, có công phù Lê chống Mạc, được vua Lê Chiêu Tông (1516-1525) ban chức Tả vệ điện tiền Tướng quân tước An tĩnh hầu trông coi tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1527 khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê, Tướng quân Nguyễn Kim đã dẫn quân dân, họ hàng và thân tín lánh sang Ai Lao, tích trữ quân lương, thu nạp hào kiệt, tìm lại hậu duệ nhà Lê là hoàng tử Lê Duy Ninh (con út của vua Lê Chiêu Tông) tôn phò làm vua Lê Trang Tông, lập triều Lê Trung Hưng năm 1533. Vua Lê trọng thưởng Tướng quân Nguyễn Kim, phong chức Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công Chưởng nội ngoại sự.

Năm 1543, vương triều mới Lê Trung Hưng cùng với Thái sư Nguyễn Kim đã gây dựng binh hùng tướng mạnh, tiến về giải phóng Nghệ An và Thanh hóa. Chiến công hiển hách của Thái sư Nguyễn Kim được vua Lê Trang Tông thăng chức Thái tể đô tướng tiết chế tướng sĩ chư dinh thủy bộ.

 Năm 1545, trên đường tiến quân ra bắc, Thái sư Nguyễn Kim bị mưu sát đột ngột băng hà ngày 20-5 năm Ất tỵ, thọ 78 tuổi. Vua Lê Trang Tông tiếc thương truy ban tước “Chiêu Huân Tĩnh Công”, thụy là “Trung hiếu” lệnh cho mai táng trên núi Thiên Tôn. Núi Thiên Tôn xưa gọi là núi Triệu Tường, cách huyện Tống Sơn- Thanh Hóa 25 dặm về phía tây bắc. Năm Minh Mạng thứ hai phong tên hiệu này, liệt vào danh sơn chép trong điện thờ đàn Nam Giao.

 Năm 1806 vua Gia Long sau khi thống nhất sơn hà đã mở hội tr ân và tôn vinh Thái sư Nguyễn Kim`là “Khai quốc công thần triều Lê Trung Hưng” và truy tôn đế hiệu “Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim” (肇祖靖皇帝)- hệ nhất tiền biên đời 1 Nguyễn Phúc tộc- khởi nguồn ra vương triều Nguyễn sau này (gọi là “Triệu tổ Nguyễn Kim 肇祖阮淦”).

Thuở sinh thời, Triệu tổ Nguyễn Kim sinh được 2 người con trai là Lãng Quận công Nguyễn Uông (阮汪 -151?-1548) con trưởng- nối dõi hệ nhất tiền biên, đời 2 Nguyễn Phúc tộc- và Đoan Quận công Nguyễn Hoàng (阮潢-1525-1613) con thứ- hệ 2 tiền biên, đời 2 Nguyễn Phúc tộc-với mẹ là Hoàng hậu Nguyễn Thị Mai.         

Sau khi Triệu tổ Nguyễn Kim băng hà năm 1545 thì Lãng Quận công Nguyễn Uông cũng bị mưu sát năm 1548, buộc Đoan Quận công Nguyễn Hoàng phải tìm đường vô Nam. Năm 1558 Ngài vâng mệnh triều đình Lê sơ, chỉ huy hàng nghìn quân dân nghĩa dũng Thanh-Nghệ tiến vào Thuận Hóa, đóng dinh tại Ái Tử- Đăng Xương (nay là Triệu Phong, Quảng Trị), xây dựng cơ ngơi, ổn định đời sống, thu phục hào kiệt, phát triển kinh tế, được quần thần tôn kính là “Chúa Tiên Nguyễn Hoàng”.

Năm 1559, vua Lê Anh Tông đóng đô ở ngoài bắc tin tưởng giao luôn cho Chúa Tiên trấn thủ Thuận Hóa và Quảng Nam để chỉ đạo phát triển vùng đất mới, xây đồn đắp lũy và tiếp tục mở cõi về phía Nam

Đến năm 1600, Chúa Tiên cùng quần thần và quân dân địa phương đã xây dựng được một chính quyền Đàng Trong có nền tảng chính trị, quân sự, kinh tế hùng mạnh, văn hóa-xã hội phát triển, đủ năng lực để tiếp tục mở cõi phương Nam. 

Năm 1613 Chúa Tiên trở bệnh ốm nặng, bèn dặn người con trai thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên rằng: “Đất Thuận Quảng phía Bắc là Hoành Sơn hiểm trở, phía nam là Hải Vân vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển nhiều tôm cá, thật là đất dụng võ của người hùng. Nếu con biết dạy dân luyện lính chống lại họ Trịnh thì sẽ đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Hãy cố giữ vững đất đai chờ cơ hội, chớ bỏ qua lời ta dặn“. [Trích trang 106 “Nguyễn Phước tộc thế phả”- NXB Thuận Hóa-1995]. Nói xong ngài băng, hưởng thọ 89 tuổi.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cùng các vị chúa Nguyễn nối ngôi tiếp sau này đều tài giỏi, trí dũng song toàn, kế thừa và phát huy thành quả mở cõi của Chúa Tiên, xây dựng nên một vương quốc Đàng Trong rộng lớn, phồn vinh, thịnh vượng, có quân đội thiện chiến, thủy quân hùng mạnh, làm chủ Hoàng SaTrường Sa và quản lý thu thuế tàu bè nước ngoài quá cảnh biển Đông.

Mười vị chúa Nguyễn mở cõi phương Nam hơn 200 năm (1558-1777) gồm có:

             1-Chúa Tiên Nguyễn Hoàng 阮潢 (1525-1558-1613)

2-Chúa nhì “ Nguyễn Phúc Nguyên“ 阮福源 (1613-1635)

3-Chúa ba “Nguyễn Phúc Lan” 阮福澜 (1635-1648).

4-Chúa tư “Nguyễn Phúc Tần” 阮福瀕 (1648-1686).

5-Chúa năm “Nguyễn Phúc Thái“ 阮福溙 (1687-1691).

6-Chúa sáu “Nguyễn Phúc Chu” 阮福淍 (1691-1725).

7-Chúa bẩy “Nguyễn Phúc Thụ”  阮福澍(1725-1738).

8-Chúa tám “Nguyễn Phúc Khoát” 阮福濶 (1738-1765).

9-Chúa chín “Nguyễn Phúc Thuần“ 阮福淳 (1765-1776).

           10-Chúa mười “Nguyễn Phúc Dương“ 阮福暘 (1776-1777) [1]

  [[1] Chúa Nguyễn Phúc Dương- vị chúa Nguyễn thứ mười- ít được nhắc tới, là con trai của Đông cung Nguyễn Phúc Hạo, cháu nội của chúa tám Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Ngài được chọn làm Thế tử ngay từ nhỏ, nhưng cuộc đời và sự nghiệp đầy éo le trắc trở…Đáng lẽ được chúa tám Nguyễn Phúc Khoát chuyển ngôi như thông lệ, nhưng vì thân phụ là Đông cung Nguyễn Phúc Hạo mất sớm (năm 1760, được truy ban tước hiệu Tuyên Vương) lúc ngài mới 3 tuổi, chưa được chọn nối ngôi, mà chọn chúa chín Nguyễn Phúc Thuần (12 tuổi).

Năm 1775, Thế tử Nguyễn Phúc Dương tháp tùng chúa chín Nguyễn Phúc Thuần và Công tôn Nguyễn Phúc Ánh vào trấn thủ Quảng Nam, đúng lúc quân Tây Sơn đánh vào Nam, buộc ba vị phải lui về Gia Định.

Tháng 12-1776, chúa chín Nguyễn Phúc Thuần được tôn lên Thái Thượng Vương, nhường ngôi chúa mười cho Thế tử Nguyễn Phúc Dương lúc 19 tuổi (xưng hiệu Tân Chính Vương).

Tháng 4-1777, quân Tây Sơn đánh chiếm thành Gia Định, truy sát hại Tân Vương Nguyễn Phúc Dương (ngày 18-9-1777) và Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần (ngày 18-10-1777), riêng Công tôn Nguyễn Phúc Ánh lánh tạm ra đảo Thổ Chu .

Chúa Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương đã hy sinh (ngày 18-9-1777 tức 17/8 âl Đinh dậu) vì sự nghiệp của các chúa Nguyễn, nhưng thời gian trị vì quá ngắn và còn uẩn khúc cuộc đời nên lịch sử ít nhắc tới.

Đến năm 1806 vua Gia Long sau bốn năm trị vì triều Nguyễn đã mở hội tri ân và truy tôn “đế hiệu Hoàng đế” cho chín vị chúa Nguyễn, đồng thời truy ban “tước hiệu Mục Vương” cho “chúa mười Nguyễn Phúc Dương”, năm 1809 vua cho cải táng Mục Vương về Long Hồ (Nam bộ) hợp thờ với thân phụ-Tuyên Vương Nguyễn Phúc Hạo- tại miếu “Tuyên – Mục nhị Vương” thờ chung hai vị .

Gần đây Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đã khôi phục lại lễ dâng hương hiệp kỵ Tuyên Vương Nguyễn Phúc Hạo và Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương tại Huế để tri ân và tôn vinh các bậc tiền nhân tôn kính Đàng Trong.

            Tại Hà Nội cũng có ngôi từ đường “Tuyên – Mục nhị Vương” do chi họ Nguyễn Văn- tổ 5, thôn Phong Triều, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội chủ từ. Phả sử nơi đây có ghi: “Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương và công chúa Thọ Hương có chung một người con trai là Nguyễn Phúc Quang. Năm 1777, khi Tân Chính vương  bị sát hại ở thành Gia Định thì người con trai của ngài được nội tộc và quân sĩ bí mật đưa ra ngoài Bắc ẩn cư tại ấp Cự Đà (nay là tổ 5, thôn Phong Triều, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên – Hà Nội), gia quyến và người dân địa phương đã lập miếu thờ Tân Chính vương do chi họ Nguyễn Văn tại đây quản lý”. Về sau nhân dân trong vùng xây nên từ đường “Tuyên – Mục nhị Vương” hợp thờ 2 vị tại đây. 

Luật sư Nguyễn Văn Thắng- đại diện ban quản lý từ đường này cho biết: “Bà con đang trùng tu từ đường theo nguyên bản thời Nguyễn (năm 1802), hiện còn lưu giữ án thư, bát hương, ngai cổ, ở gian giữa treo đôi câu đối :”Chính thống Phụ nguyên tổ tích Hương Bình khai đỉnh nghiệp” và “Đại thừa miêu duệ, khánh lưu Phong ấp vọng danh Môn”, ban chính đặt khám thờ có 2 bài vị của Tuyên vương Nguyễn Phúc Hạo và Mục vương Nguyễn Phúc Dương (gọi là “Tuyên Mục nhị vương”), phần hậu cung treo bức hoành phi “Phụ Nguyên Bảo Tông”阜元寶宗 (giải nghĩa: chữ Phụ (阜)+Nguyên (元)  chính là chữ “Nguyễn” (阮), chữ Bảo (寶)+Tông (宗) ám chỉ gốc tích dòng dõi chúa Nguyễn… Đọc cả câu “Phụ Nguyên Bảo Tông” (阜元寶宗) có nghĩa là “Miếu thờ Nguyễn Phúc tộc, hợp thờ “Tuyên Mục nhị vương” (2 vị: Tuyên vương Nguyễn Phúc Hạo và Mục vương Nguyễn Phúc Dương). Nhiều năm qua, bà con Chi họ Nguyễn Văn tổ 15 ở Nam Triều, Phú Xuyên-Hà Nội đã chăm lo thờ phụng, dâng hương giỗ kỵ các ngài đúng ngày 17-8 âm lịch hàng năm. Các chi họ tiền biên Nguyễn Phúc tộc cả nước cũng thường xuyên về dâng hương các vị tại đây.].

Lịch sử hai trăm năm chinh phục đất phương Nam (1558-1777) của mười vị chúa Nguyễn đã hoàn thành sứ mệnh mở cõi Đại Việt. Từ năm 1558 chúa Tiên đã trấn thủ Thuận Hóa, Quảng Nam, năm 1629 chúa Nguyễn Phúc Nguyên lập dinh Phú Yên, năm 1697 chúa Nguyễn Phúc Tần lập dinh Bình Thuận, chủ quản Hoàng Sa và Trường Sa, năm 1698 chúa Nguyễn Phúc Chu đặt phủ Gia Định, Đồng Nai, Sài Gòn…, mở  hàng ngàn dặm đất, quản lý hơn bốn vạn hộ dân, thiết lập hệ thống quản trị thôn ấp xã phường, chiêu mộ lưu dân từ Bắc vào khai hoang Tây nam và cực nam Nam bộ, định tô đánh thuế, sáng tạo ra nền văn học nghệ thuật bản sắc phương Nam rực rỡ… Thành tựu mở cõi phương Nam đã đặt nền móng vững chắc tiến tới thiết lập Vương triều Nguyễn (1802-1945) trị vì quốc gia mang quốc hiệu “Việt Nam” định hình trên bản đồ  chữ “S” như ngày nay.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng thật xứng đáng là bậc “Vĩ nhân” của dân tộc và là “Anh hùng mở cõi” đầu tiên của mười vị chúa Nguyễn phương Nam.

Năm 1806, sau bốn năm lên ngôi, vua Gia Long mở hội tri ân và truy tôn đế hiệu: “Thái Tổ Gia dụ Hoàng đế” (太祖嘉裕皇帝) cho chúa Tiên Nguyễn Hoàng (gọi là “Thái Tổ Nguyễn Hoàng”- hệ 2 tiền biên đời 2 Nguyễn Phúc tộc). Vua cũng cho xây dựng “Nguyên miếu” ở Gia Miêu, Tống Sơn-Thanh Hóa để thờ phụng ba vị (Triệu Tổ Nguyễn Kim, Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lưu, Thái Tổ Nguyễn Hoàng) và xây dựng quần thể “Triệu miếu-Thái miếu-Thế miếu” trong Hoàng thành Huế để tôn thờ các bậc tiền nhân tôn kính.       

Tiến sĩ Phan Thanh Hải (Giám đốc Sở Văn hóa Du lịch Thừa Thiên Huế) nhận định: “Các khu di tích này đã được Nhà nước đầu tư trùng tu nhiều lần, khang trang và nghiêm cẩn, chứng tỏ sự đánh giá cao những công trạng và đóng góp của ngài Nguyễn Kim cũng như thể hiện cái nhìn mới về vương triều Nguyễn. Đó là những di sản cần được bảo tồn và phát huy”.

Lịch sử Việt Nam cũng đánh giá: “Các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã đi vào lịch sử, nhưng di sản văn hóa mà thời kỳ lịch sử đó tạo dựng nên, kết tinh những giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước” !  [Trích trang 23 “Kỷ yếu chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn 10-2008”].

 

2- Những áng thơ trác tuyệt của chúa Nguyễn Phúc Chu:

Trải hơn hai trăm năm mở cõi phương nam, mười vị chúa Nguyễn đã bảo toàn và phát huy bản sắc văn hóa Đại Việt thời kỳ Nho học vốn có từ mấy trăm năm trước, hòa đồng tiếp biến với các nền văn hóa bản địa mới phương Nam, tiêu biểu nhất là chúa sáu Nguyễn Phúc Chu [2] với những áng thơ Đường trác tuyệt.

[ [2] Chúa Nguyễn Phúc Chu 阮福淍 (1675-1693-1725 là vị chúa Nguyễn thứ sáu (thuộc hệ 7 tiền biên đời thứ 7 Nguyễn Phúc tộc), là con trai trưởng của chúa năm Nguyễn Phúc Thái (1650-1689-1691, hệ 6 tiền biên đời thứ 6 Nguyễn Phúc tộc)- sinh ra trong một gia đình vương quyền được nuôi dưỡng chu toàn nên Ngài có kiến thức uyên thâm, tài lược văn võ. Chúa Nguyễn Phúc Chu lên ngôi chúa lúc 17 tuổi, khi đất nước yên bình, cuộc sống hạnh phúc, kinh tế phát triển, bờ cõi đã mở mang đến Phan Rang, Phan Rí, Đồng Nai, Biên Hòa… Chúa Nguyễn Phúc Chu có phẩm chất cương trực, thẳng thắn, chiêu hiền đãi sĩ, giàu tình nhân ái, thường chia phát tiền gạo ban phúc cho dân nghèo, được quần thần tôn kính là “Chúa Minh” và “Quốc Chúa”.

 Chúa Nguyễn Phúc Chu rất mộ Phật nên cho xây dựng nhiều chùa chiền miếu mạo, mở hội chùa Thiên Mụ, chùa Mỹ Am, ăn chay niệm phật với pháp danh “Hưng Long”.  Ngày Phật đản năm 1710 Ngài cho đúc chuông Thiên Mụ và khắc bài minh, tiếng chuông vang xa một vùng không gian tĩnh mịch, tôn nghiêm vẻ uy linh của kinh thành Huế. Năm 1714, Ngài cho trùng tu chùa Thiên Mụ theo kiến trúc tôn giáo cổ trên đồi Hà Khê tả ngạn sông Hương thơ mộng ở phía tây kinh thành Huế do chúa Tiên tạo lập từ năm 1601.]

Vốn là một vị chúa hay thơ, có một ngày đang thưởng ngoạn ngôi chùa Thiên Mụ, ngắm cảnh sắc tuyệt vời: xa xa có núi Kim Phụng, nhìn gần có dòng Hương Giang…, Chúa cảm xúc say đắm, vừa tri ân công sức của phật tử và thiền sư giảng kinh, vừa tự hào kiêu hãnh về vương quốc hùng cường cùng trời đất mà cảm tác bài thơ “Thiên Mụ hiểu chung” (Chuông sớm Thiên mụ) rất hay :

Bài thơ Dịch thơ
“Thiên Mụ hiểu chung”

Ký bạch đông phương thủy tích trùng,

Thự quynh tiệm dữ bách hoa nùng,

Tà khan vân ảnh giang can nguyệt

Bất thính triều thanh sơn tự chung,

 

Độc ngã nhàn tình y phiếu miểu,

Kỷ nhân trần mộng đắc thung dung,

Du du dư vận chư thiên lý,

        Phạn ngữ dao ưng đáp hiểu chung.

“Chuông sớm Thiên Mụ”

Biêng biếc phương trời buổi rạng đông,

Trăm hoa ửng nắng sắc hương nồng,

Vẳng nghe sóng dậy chuông chùa điểm,

Ghé mắt mây phô nguyệt bến lồng.

 

Riêng tớ tình suông về thăm thẳm,

Mấy ai cảnh mộng tới thong dong,

Mang dư vận từng không tỏa ,

  Tiếng phạn hồi chuông sớm quyện lòng.

 

           Bài thơ “Thiên Mụ hiểu chung” thể cách “Đường luật” thất ngôn bát cú, giai điệu mượt mà, tiết tấu chậm rải, tả cảnh chùa Thiên Mụ chan hòa ánh sáng, sắc màu rực rỡ, không gian rộng mở, hình ảnh và âm thanh sống động từ ngoại cảnh đến tâm hồn bên trong, tràn ngập một niềm vui hạnh phúc và tự hào đất nước thanh bình thịnh vượng… Chúa đã mượn lời thơ tả thực tạo cảm xúc dâng trào phơi phới một tình yêu đất nước và con người quê hương, đậm đà tính minh triết nhân sinh về niềm tự hào kiêu hãnh và khát vọng vương triều hùng mạnh cùng đất trời thiên nhiên.

Đặc biệt, chúa Nguyễn Phúc Chu rất thích chơi đồ sứ phương Đông có đề thơ và vẽ hình minh họa theo kiểu nghệ thuật “nhất thi, nhất họa”. Nhiều hiện vật bát tô sứ hiệu (清 玩) “Thanh ngoạn“ có đè thơ và vẽ cảnh đẹp vùng Thuận – Quảng như: “Thuận Hóa vãn thị”(順化晚市) vịnh cảnh chợ chiều Thuận Hóa, “Thiên Mụ hiểu chung” (天 姥 曉 鐘) vịnh cảnh chùa Thiên Mụ ; “Hà Trung yên vũ” (河 中 烟 雨) vịnh cảnh đẹp đầm Hà Trung, “Ải Lĩnh xuân vân” (隘 嶺 春 雲) vịnh cảnh mưa xuân trên đỉnh Hải Vân; “Tam Thai thính triều” (三 台 聽 潮) vịnh cảnh Non Nước và chùa Tam Thai Bài thơ chữ Hán “Hà Trung yên vũ“ (Mưa mờ Hà Trung) trên chiếc bát tô sứ vẽ cảnh đầm nước Hà Trung- Phú Vang thơ mộng do Chi Nguyên dịch thơ như sau:

 

Bài thơ Dịch thơ
“Hà Trung  yên vũ”

Hải khí sơn phong táp táp kinh

Tiệm khan yên thấp tán thiên thanh

Ngư đăng kỷ điểm tri giang ngạn

Lữ khách lạc tiêu thính vũ thanh

Thiền tụng bất văn u khánh vận

Hương tư nan xích cổ nhân tình

Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh

Dục thiến đan thanh tả vị thành.

“Mưa mờ Hà Trung”

Ngàn khơi gió rít sóng gào.
Mưa tan mây tạnh, trời cao hiện dần.
Đèn chài thấp thoáng xa gần.
Thâu đêm lữ khách bần thần nghe mưa.
Tụng kinh chuông khánh chẳng thừa.
Tình quê da diết, người xưa đâu rồi.
Tiêu Tương tựa cảnh bồi hồi.
Đan thanh cảnh sắc, tả rồi chẳng nên !        

     

Bài thơ “Hà Trung yên vũ“ (河 中 烟 雨) vịnh cảnh đẹp chùa Hà Trung vùng Thuận – Quảng có vẽ cảnh Đặc biệt bài thơ xuất hiện hai chữ “Việt Nam” ở câu thứ 7: “Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh” (“Việt Nam cũng có Tiêu Tương cảnh”) với hàm ý ước vọng chúa Nguyễn sẽ làm chủ một quốc gia mới mang quốc hiệu “Việt Nam” mang ý nghĩa minh triết nhân sinh về khát vọng chủ quyền đất nước của các chúa Nguyễn mở cõi phương Nam. (ảnh 1)

         Có một chiếc bát tô sứ vẽ cảnh núi Hải Vân, trên đỉnh núi có một cửa ải gọi tên “Ải Lĩnh” đề chữ “Hải vân quan” (海 雲 關) và đề thơ “Ải Lĩnh xuân vân” (Mây xuân núi Ải) do Đinh Bá Truyền dịch thơ:

  Bài thơ Dịch thơ
隘嶺春雲

越南衝要此山巔

絕嶺还如蜀道偏

但見雲橫三峻嶺

不知人在幾重天

冷沾鬚髮非同雪

濕濺衣裳豈是泉

惟願海風吹作雨

正宜千里潤桑田

      道人書

 

“Ải Lĩnh xuân vân”

Việt Nam xung yếu thử sơn điên.

Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên.

Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh.

Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên.

 

Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết.

Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền.

Duy nguyện hải phong xuy tác vũ.

Chính nghi thiên lý nhuận tang điền

   Đạo nhân thư

Mây Xuân núi Ải

Việt Nam xung yếu núi này

Khác chi đất Thục non xây bóng cùng

Ba từng mây phủ trùng trùng

Chẳng hay người ở cung trời nào?

 

Tóc mi không tuyết lạnh sao

Áo xiêm ướt đẫm như vào suối mê

Ước chi gió biển mưa về

Ruộng dâu xanh ngát bốn bề bày ra

 

        

                                           

           Bài thơ “Ải Lĩnh xuân vân” cũng có hai chữ “Việt Nam” trong câu đầu: “Việt Nam xung yếu thử sơn điên” có do tác giả ký chữ “Đạo Nhân Thư” mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền quốc gia mới mang quốc hiệu “Việt Nam”, đậm tính minh triết nhân sinh về khát vọng nồng cháy của chúa Nguyễn mở cõi phương Nam (ảnh 1).

 

                                                 

 

           Ảnh 1: chiếc bát tô sứ đề thơ chữ Hán“Mây xuân trên Ải Lĩnh” của chúa Nguyễn Phúc Chu

                        và chiếc bát tô sứ vẽ cảnh đầm nước Hà Trung thời chúa Nguyễn Phúc Chu

         

            3- Bốn vị vua triều Nguyễn thời thịnh trị yêu thơ (1802-1883):

        Vương triều Nguyễn thời thịnh trị là sự kế tục sự nghiệp của các chúa Nguyễn mở cõi phương Nam[3].

           [[3] Sau 3 năm phiêu dạt ở đảo Thổ Chu cực nam Nam bộ (1777-1780), Công tôn Nguyễn Phúc Ánh đã chiêu mộ binh lực, tập hợp quân sĩ, phản công chiếm lại Long Xuyên và Sài gòn-Gia định, được quần thần tôn lên ngôi chúa, xưng hiệu “Nguyễn Vương Phúc Ánh” (阮 王 福 暎).

Năm 1787 lực lượng chúa Nguyễn tiếp tục phản công ra Bình Thuận, Bình Định, Thuận Hóa, Phú Xuân rồi chiếm lại toàn bộ lãnh thổ đất đai vốn có từ trước của chính quyền Đàng Trong.

Tháng 5 năm 1802, Nguyễn Vương Phúc Ánh làm chủ kinh thành Huế, lập đàn Nam Giao, tế cáo đất trời, tuyên bố lập ra Vương triều Nguyễn, lên ngôi hoàng đế- niên hiệu “Gia Long” ( 隆).

Vua Gia Long (嘉 隆) húy Nguyễn Phúc Ánh (阮 福 暎 , 1762-1802-1820) thuộc hệ nhất chính biên đời 11 Nguyễn Phúc tộc, là hoàng tử thứ ba của Hưng tổ Hiếu khang Hoàng đế Nguyễn Phúc Luân (阮 福 日侖)và Hoàng hậu Nguyễn Thị Hoàn- cháu nội của chúa chín Nguyễn Phúc Khoát.

Vua Gia Long trị vì quốc gia mới mang quốc hiệu “Việt Nam” để ra chủ trương: xây dựng đất nước thống nhất, độc lập tự chủ, hùng cường thịnh vượng, thu phục nhân tâm hướng theo chính quyền mới, ổn định xã hội và hoàng gia, phát triển kinh tế vững mạnh, kéo dài thịnh trị (1802-1883)…

Năm 1820, hoàng tử thứ tư của vua Gia Long là Nguyễn Phúc Đảm (阮 福 膽) nối ngôi vua thứ hai triều Nguyễn, niên hiệu là Minh Mạng 明命 (1791-1820-1840)- hệ nhì chính biên đời 12 Nguyễn Phúc tộc .

Năm 1841 hoàng tử trưởng của vua Minh Mạng là Nguyễn Phúc Miên Tông (阮 福 綿 宗) nối ngôi vua thứ ba triều Nguyễn, niên hiệu là Thiệu Trị (紹 治) (1807-1841-1847)- hệ ba chính biên đời 13 Nguyễn Phúc tộc.

Năm 1847 hoàng tử thứ hai của vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (阮 福 洪 任) nối ngôi vua thứ tư triều Nguyễn, niên hiệu là Tự Đức (嗣 德) (1829-1847-1883)]- hệ tư chính biên đời 14 Nguyễn Phúc tộc.].

Bốn vị vua triều Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức nối ngôi  82 năm vương triều thịnh trị: từ khi vua Gia Long lập ra triều Nguyễn (1802) đến ngày thực dân Pháp chính thức đô hộ Đại Nam (1883) là thời kỳ đất nước thống nhất, độc lập tự chủ, bộ máy quản trị chính quy hiệu lực, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, đời sống nhân dân ấm no hạnh phúc. Cả bốn vị vua đầu triều đều rất yêu thơ, dùng thơ Đường để luận bàn chính sự, thể hiện ý chí tình cảm với quần thần và muôn dân, tạo nên một dòng thơ minh triết nhân sinh quý giá còn lưu giữ đến ngày hôm nay:

3-1- Bài thơ tứ tuyệt trên điện Thái Hòakinh đô Huế:

Năm 1804, sau hai năm đóng đô tại kinh thành Huế, vua Gia Long (嘉 隆) đã cho xây dựng điện Thái Hòa- Đại Nội- Hoàng thành Huế làm nơi thiết triều, cử hành đại lễ, nghi thức ngoại giao, đón mừng lễ tết và thượng thọ và ban chiếu dụ, sắc chỉ …

Ngày 28-3-1804 vua Gia Long ban chiếu đặt quốc hiệu mới “Việt Nam” tại kinh đô Huế. Chiếu rằng: “Đế vương dựng nước trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống, sau nghĩ tới mưu văn công võ, ở ngôi chính chịu mệnh mới, nay định ngày 17-2 năm Giáp Tý kính cáo Thái miếu: cải chính quốc hiệu là Việt Nam để dựng nền lớn truyền lâu xa…”.

           Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt khắc trên điện Thái hòa là “ngự chế thi” của vua đầu triều Nguyễn tuyên ngôn sự ra đời một quốc gia mới độc lập, thống nhất và hùng cường mang quốc hiệu “Việt Nam” :

Bài thơ Phiên âm Dịch thơ

    

Văn hiến thiên niên quốc

Xa thư vạn lý đồ

Hồng Bàng khai tịch hậu

   Nam phục nhất Đường Ngu.

Nước ngàn năm văn hiến

Vạn dặm một sơn hà

Từ Hồng Bàng mở nước

     Thịnh trị nước Nam ta.

 

Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt là biến thể của thơ Đường, có lời thơ khúc triết, bố cục chặt chẽ, tiết tấu nhanh mạnh, hùng tráng, khái quát lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt qua các triều đại kiên cường, khắc sâu và nhấn mạnh niềm tự hào kiêu hãnh của vương triều Nguyễn về một quốc gia “Việt Nam” thống nhất, giang sơn liền một dải từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, có một nền văn hiến lâu đời từ thưở Hồng Bàng, có vua sáng tôi hiền, có độc lập chủ quyền, phồn vinh và thịnh vượng.

Bài thơ có câu: “Xa thư vạn lý đồ” dịch nghĩa gốc là: “xa đồng quỹ, thư đồng văn” (车同轨,書同文), thường gọi tắt là “xa thư”- nghĩa là phép quản trị quốc gia thống nhất, đồng bộ từ trên xuống dưới, điều hành hiệu lực và hiệu quả – hàm ý thể hiện ước vọng của vua Nguyễn xây dựng và phát triển quốc gia Việt Nam thống nhất, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Câu thứ tư: “Nam phục nhất Đường Ngu” ( ), dịch nghĩa là: “nước Nam có triều đình vững mạnh như triều đại Đường Ngu thời Nho giáo thịnh hành”, hàm ý: ước vọng Việt Nam sẽ hùng cường và thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc lân bang. Bài thơ mang ý nghĩa minh triết nhân sinh sâu sắc, thể hiện bản lĩnh dân tộc Việt Nam, có giá trị đặc biệt như một bản tuyên ngôn độc lập của vương triều Nguyễn.       

3-2- Các thi phẩm minh triết của vua Minh Mạng (明命)

Vua Minh Mạng (明命) húy Nguyễn Phúc Đảm (阮福膽,1791-1820-1840) là vị vua thứ hai triều Nguyễn, là hoàng tử thứ tư trong số 13 hoàng tử của vua Gia Long. Trong dòng thơ minh triết nhân sinh của vương triều Nguyễn thì vua Minh Mạng nổi bật là danh sĩ tiêu biểu nhất, đã sáng tác hơn 4000 bài thơ nhiều chủ đề: chính sự, chỉ dụ, lời răn dạy, tự sự, tả cảnh…

“Bài minh” trên lăng Trường Nguyên[4] do vua Minh Mạng kính dâng tri ân Triệu tổ Nguyễn Kim trên núi Thiên Tôn là tiêu biểu nhất.

  [4] Lăng Trường Nguyên bên núi Thiên Tôn là nơi thờ Triệu tổ Nguyễn Kim (1468-1545) do vua Gia Long cho xây dựng năm 1806 đặt tên là “lăng Trường nguyên” làm nơi bái yết tôn kính vị “đệ nhất khai quốc công thần triều Lê Trung Hưng”, thượng tổ khởi đầu vương hệ nhà Nguyễn-“Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế húy Nguyễn Kim”- ngư đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam nói chung và nhà Nguyễn nói riêng .

 Lăng Trường Nguyên bên núi Thiên Tôn do vua Gia Long cho xây dựng năm 1806 làm nơi bái yết tôn thờ Triệu tổ tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim (1468-1545)- Ngài đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam là “đệ nhất khai quốc công thần triều Lê Trung Hưng” và là “thượng tổ khởi đầu vương triều nhà Nguyễn tiếp sau.] (ảnh 2)

 

                

             (Ảnh 2: Đoàn Nguyễn Phúc tộc Hà Nội viếng lăng Trường Nguyên bên núi Thiên Tôn 1998)

 

Năm 1822, vua Minh Mạng  cho xây thêm bia đá đặt bên trong lăng Trường Nguyên có khắc dòng chữ Hán: “長 原 陵 在 清 葩 之 肇 祥 山 我,肇 祖 靖 皇 帝 寶 衣 之 藏 也 我” (phiên âm: “Trường Nguyên lăng tại Thanh Ba chi Triệu Tường sơn ngã. Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế bảo y chi tàng dã ngã”, dịch nghĩa: “Lăng Trường Nguyên ở núi Triệu Tường, thuộc tỉnh Thanh Ba, là mộ phần của Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế nhà ta”). Vua cũng cho khắc “bài minh” tôn vinh Triệu tổ, bản dịch như sau:                    

              “ Đất chứa khí thiêng sinh Triệu Tổ,

Gây dựng cương thường tỏ rõ thánh võ.

Nghĩa động quỷ thần, công dầy vũ trụ,

Cưỡi rồng mà đi, lăng ở Bái Trang.

 

Núi non bao bọc, tùng thu xanh um,

Ơn đức anh linh lành tốt nối đời.

Mệnh trời đã đến sinh cháu thần,

Võ công định yên, truy lại nguồn gốc.

 

Tôn đế lập miếu tên gọi Trường Nguyên,

Tân Tỵ Bắc tuần xa giá đến nơi.

Ngưỡng chiêm sông núi nghĩ đến cội nguồn,

Khắc lên bia đá, để lại muôn đời.”

“Bài minh” bên lăng Trường nguyên là “ngự chế thi” thể thất ngôn tứ tuyệt, lời thơ hào hùng, trang trọng, tri ân công lao trời biển của Triệu tổ Nguyễn Kim- phát tích ra hoàng tộc nhà Nguyễn. Bài thơ tràn đầy niềm tự hào kiêu hãnh về đất nước và dân tộc Việt Nam hùng cường và phồn vinh. Trong bài có câu: “Gây dựng cương thường tỏ rõ thánh võ” ca ngợi bậc thánh tài giỏi võ công kiện toàn là “Tướng quân Nguyễn Kim”- “đệ nhất khai quốc công thần triều Lê Trung hưng”. Câu thứ 7: “Mệnh trời đã đến sinh cháu thần” ý nói về vua Gia Long, nhờ thiên mệnh đã tiếp nối sự nghiệp mở cõi của các chúa Nguyễn mà lập nên vương triều Nguyễn thống nhất giang sơn Việt Nam, âu cũng là công lao trời biển của “Triệu tổ” ban cho hào khí linh thiêng và sứ mệnh cao cả truyền cho đức vua Gia long mở đầu Vương triều Nguyễn. “Bài minh” là một tuyệt tác ngự thi minh triết nhân sinh về niềm tự hào, lòng trung hiếu, tình nghĩa tri ân và tôn kính tổ tiên thượng thượng đẳng thần.

Vua Minh Mạng trị vì đất nước trong giai đoạn phồn vinh thịnh vượng nhất (1820-1840), lòng dân phấn khởi, niềm tin mãnh liệt vào triều đình thịnh trị, nên nhân dịp xuân Tân mão 1831, Vua truyền thông điệp chúc mừng năm mới, đón Tết nơi cung đình, vang động núi sông, ấm áp nghĩa đồng bào… Bản dịch của Trung tâm Lưu trữ IV như sau :

Bài thơ Dịch nghĩa
“Lí đoan tập chỉ hỉ huyên hòa
Nguyên đán hữu tường cát sự đa
Vũ trụ dung di phồn thứ vật
Vũ dương thời nhược trường gia hòa
Kiền kì phân tĩnh ninh hồng hải

 

Dụ khẩn ba điềm thuận đại hà
Vạn tính đồng hân thuỳ phúc hỗ
Cửu châu cộng nhạc quản huyền ca”

“Đầu năm gom phúc vui mừng tiết trời ấm áp
Tết nguyên đán có nhiều điềm lành, việc tốt
Vũ trụ ấm áp vạn vật phát triển
Bốn mùa mưa nắng thuận hòa cây lúa tốt tươi
Khẩn cầu khí xấu lặng xuống để sóng yên biển lặng
Nguyện mong sóng lặng sông lớn thuận dòng
Trăm họ cùng hân hưởng phúc bền
Chín châu ca hát vang tiếng đàn tiếng sáo”

 

 Bài thơ chúc mừng năm mới Tân mão 1831 tràn ngập không khí đón xuân giữa chốn cung đình và khắp nhân gian, lời thơ sáng bừng hào khí vương triều thịnh vượng, muôn dân no ấm, hạnh phúc. Trong bài có câu: “Dụ khẩn ba điềm thuận đại hà, vạn tính đồng hân thuỳ phúc hỗ, cửu châu cộng nhạc quản huyền ca” (nguyện mong sóng lặng sông lớn thuận dòng, trăm họ cùng hân hưởng phúc bền, chín châu ca hát vang tiếng đàn tiếng sáo) thể hiện niềm vui phấn khởi của vương triều và muôn dân giao hòa cùng trời đất thiên nhiên, nguyện cầu cho cuộc sống bình yên, hạnh phúc, cùng tin tưởng hướng về triều đình thịnh trị chung sống cùng giang sơn gấm vóc huy hoàng.

Bước sang năm 1832 vua Minh Mạng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt với bài thơ “Vị nông ngâm” do Nguyễn Phước Hải Trung trích dịch: 

“ … Đêm đón mưa vui trận trận qua

Hạt tuôn từng đợt gió ngân nga

Hắt hiu giá rét mùa xanh lá

Lõm bõm đồng sâu áo bạc tà

 

Mặc ấm ghi ơn người dệt vải

Ăn no nhớ nghĩa kẻ đồng xa

Bao đời trọng nỗi gian nan ấy

Chẳng lúc nào ngơi tiếng ngợi ca.”

Bài thơ “Vị nông ngâm” phản ánh nỗi vất vả gian truân của người nông dân trên đồng ruộng, có ý nhắc nhở đến vai trò thiết yếu quan trọng của nông nghiệp và nông dân, đó là nguồn lực vững chắc của cuộc sống, bảo đảm an ninh cho đất nước, mang ý nghĩa minh triết nhân sinh sâu sắc về cuộc sống cần lao nông thôn.

Năm 1823 vua Minh Mạng cho soạn tập thơ “Ngự chế mạng danh thi”[3] (御 製命名詩) gồm 2 bài thơ: “Đế hệ thi” (帝系詩) và Phiên hệ thi (藩系詩) dùng để định danh đặt tên trong hoàng tộc nhà Nguyễn].

[3] Tương truyền: chúa Tiên Nguyễn Hoàng có 10 người con, khi phu nhân- Thái tổ Gia dụ Hoàng hâụ – mang thai người con thứ sáu (năm 1563) dự định đặt tên là Nguyễn Nguyên (阮源), thì đêm về mơ thấy một vị thần nhân dâng bức “hồng điệp” có đề chữ “Phúc’ (福)” nên mọi người khuyên đặt tên con là “Nguyễn Phúc” (阮福).  Phu nhân nói rằng :”Nếu đặt tên con là “Nguyễn Phúc” (阮福) thì chỉ một mình con hưởng phúc, chi bằng dùng chữ “Phúc” làm họ đệm cho nhiều người cùng hưởng phúc, ta đặt tên con “Nguyễn Phúc Nguyên“ 阮福源. Nhánh họ Nguyễn nhà ta đổi thành “Nguyễn Phúc” từ đây…”

Hoàng tộc nhà Nguyễn từ đời các chúa Nguyễn (1558-1777) đến đời vua Gia Long (1802-1820) trải dài hơn 200 năm, đã sinh sôi con cháu hậu duệ rất đông đảo cần phải quản trị thống kê nội bộ hoàng tộc chặt chẽ, chính xác vị trí thế thứ các đời… để góp phần ổn định chính trị xã hội và phát triển kinh tế.

Năm 1823 vua Minh Mạng (1820-1840) thực hiện ý nguyện của vua cha Gia Long “tề gia- trị quốc- bình thiên hạ” phải quản trị nội tộc, ổn định hoàng gia nghiêm minh và chặt chẽ từ bên trong…

            Ngự trên ngôi cao, vua Minh Mạng ước vọng vương triều Nguyễn sẽ trải dài 20 đời vua nên ban ý chỉ rằng: “Nhà nước ta họ Nguyễn, khởi tự Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa. Buổi đầu đã là họ lớn, đời đời làm quan vài trăm năm, tích lũy nhân đức, nên có ngày nay… Trời cho mệnh tốt sinh ra Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế húy Nguyễn Kim gây dựng cơ đồ lớn, kế sinh Thái tổ Gia dụ Hoàng đế húy Nguyễn Hoàng dựng nên bờ cõi phương Nam. Bèn lấy chữ “Phúc” nối theo chữ họ tộc “Nguyễn”, gọi là quốc tính: “Nguyễn Phúc” (阮福). Từ trăm năm gần đây, tôn thất nhà Nguyễn sinh thêm nhiều, đặt tên trùng điệp, vua cha Gia Long ở ngôi ý muốn đặt tên cho con cháu truyền mãi lâu dài. Trẫm nghĩ nối theo ý tốt tiền nhân nên soạn ra 20 chữ có bộ thủ “nhật” (日) dùng để đặt tên cho người nối ngôi tiếp các đời sau có thể lấy một chữ làm tên theo nghĩa “nhật” (日) tượng trưng ngôi vua và chữ tên khai sinh làm tên tự. Những con cháu của trẫm nối ngôi thì chia thành “dòng đế” (Đế hệ 帝系) và con cháu của anh em trẫm chia thành “dòng phiên” (Phiên hệ 藩系). Khi mới sinh đặt tên, thì tên của hoàng tử lấy từng chữ trong bài thơ “Đế hệ thi” (帝系詩) kèm với 1 bộ thủ Hán thuộc về đời thứ đó… Cái đạo giữ luân lý họ hàng từ đấy mà hưng”.

Vua Minh Mạng cho soạn tập thơ “Ngự chế mạng danh thi”[4] (御 製命名詩) gồm hai phần “Đế hệ thi” (帝系詩) và “Phiên hệ thi” (藩系詩) để định danh và hệ thống hóa danh xưng toàn bộ các thành viên trong hoàng tộc Nguyễn.

[[4]“Ngự chế mạng danh thi”[5] (御 製命名詩) quy định sắp xếp hậu duệ các đời chúa Nguyễn thuộc về “Tiền biên hệ” (前编系), con cháu của vua Gia Long thuộc về “Chính biên hệ” (正编 系), riêng “Chính biên hệ” (正编 系) lại phân định rõ 2 dòng: con cháu của vua Minh Mạng mà làm vua xếp vào “Chính biên đế hệ” (正编 帝 系) và con cháu của các anh em vua Minh Mạng không làm vua gọi là “Chính biên phiên hệ” (正编 藩系).

Cả 3 chi hệ : “Tiền biên hệ” (前编系), “Chính biên đế hệ” (正编 帝 系) và “Chính biên phiên hệ” (正编 藩系) đều mang họ tộc (quốc tính) là: “Tông Thất Nguyễn Phúc (宗 室 阮福), dịch nghĩa là “dòng dõi hoàng tộc Nguyễn Phúc” (đọc chệch là “Tôn Thất Nguyễn Phước” (尊室 阮福) vì húy kỵ ngự danh vua Thiệu Trị húy Nguyễn Phúc Miên Tông (阮 福 綿 宗, 1807-1841-1847)…

          Từ đây hình thành một dòng họ lớn là “Nguyễn Phúc tộc” (阮福族), gồm các hậu duệ khởi nguồn từ đời 1: Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế húy Nguyễn Kim- theo như ý chỉ của vua Gia Long năm 1806 truy tôn “đế hiệu”:“Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim”- là vị tổ hệ nhất tiền biên đời 1 Nguyễn Phúc tộc- khởi đầu 9 hệ tiền biên Nguyễn Phúc tộc. Vua Gia Long là khởi đầu hệ nhất chính biên Nguyễn Phúc tộc. Mỗi một vị chúa và vua Nguyễn sinh ra một đời con cháu nối ngôi thì sáng lập ra một hệ mới (tiền biên hoặc chính biên) cho con cháu của mình.

Năm 1823 vua Minh Mạng cho lập ra “Tông nhân Phủ” (宗人府) (đọc chệch là “Tôn Nhơn Phủ” (尊人府) vì phép húy kỵ, nay quen gọi là “Tôn nhân Phủ”) là cơ quan của triều đình chuyên trông coi công việc nội vụ, quản trị dòng họ nội tộc, thống kê bà con họ hàng, khen thưởng kỷ luật, bổ nhiệm phong tước thăng chức, nghi lễ hiếu hỷ và thờ phụng húy kỵ… Trong vòng 9 năm (1823-1832), Tôn Nhơn Phủ (尊人府) đã hệ thống hóa toàn bộ danh xưng các thành viên trong Hoàng tộc theo phương pháp quản trị khoa học, uyên thâm và minh triết, nhờ đó vua Minh Mạng đã tài tình quản trị triều chính nghiêm minh, điều hành nhà nước ổn định, mở mang bờ cõi vững chắc, phát triển kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, quân sự một cách toàn diện…

         “Tôn nhân Phủ” đề ra phép định danh trong hoàng tộc Nguyễn như sau :

+ Những người thuộc hệ chúa gọi là “Tiền biên hệ” (前编系), người đi theo Chúa Tiên vào Nam mở cõi thì mang họ tộc quốc tính là “Tông Thất Nguyễn Phúc” (尊室 阮福) bắt đầu từ hệ nhất tiền biên  đời 1 (dòng Triệu tổ Nguyễn Kim- Lãng xuyên Quận vương Nguyễn Uông- Đề lãnh Hoằng Lộc Hầu  Nguyễn Uyên), người ở lại ngoài Bắc trông coi quê gốc tổ tiên thì mang họ tộc là “Công Tính Nguyễn Hựu” (公 姓 阮佑), bắt đầu từ đại chi 4- đời 14 – Thủy tổ phả (dòng Hoằng Quốc Công Nguyễn Công Duẩn- Phó Quốc Công Nguyễn Như Trác- Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lưu- Triệu Tổ Nguyễn Kim).

+ Những người thuộc hệ vua gọi là “Chính biên hệ” (正编 系), người là con cháu của vua Minh Mạng nối ngôi vua thì thuộc về “Chính biên đế hệ” (正编 帝 系), người là con cháu của các anh em của vua Minh Mạng gọi là “Chính biên phiên hệ” (正编藩系).

Cách thức định danh trong Hoàng tộc quy định 2 cấu trúc đặt tên như sau:

              + Định danh đơn (dành cho hệ chúa Nguyễn) đặt tên gồm 2 phần: 1-Họ tộc quốc tính “Tông Thất Nguyễn Phúc” (尊室 阮福) + 2- Họ đệm gia đình tự đặt +Tên húy gia đình tự đăt.

              + Định danh kép (dành cho hệ vua Nguyễn) đặt tên gồm 3 phần: 1- Họ tộc quốc tính: “Tôn Thất Nguyễn Phúc”, 2- Họ đệm chọn một chữ trong “Đế hệ thi” (帝系詩) hoặc “Phiên hệ thi” (藩系詩) , 3- Tên húy: gia đình  tự đặt, kèm một bộ thủ Hán tương ứng với mỗi đời gia đình đó.]

+“Đế hệ thi” (帝系詩) là bài thơ 20 chữ Hán thể ngũ ngôn tứ tuyệt dùng để đặt họ đệm cho thành viên thuộc hệ vua Nguyễn do vua Minh mạng soạn sẵn 20 đời con cháu của mình sẽ nối ngôi vua như sau:

Bài thơ Dịch nghĩa
綿

Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh,

Bảo Quý Định Long Trường,

Hiền năng Kham Kế Thuật

Thế Thụy Quốc Gia Xương

 

20 chữ Hán này đều mang ý nghĩa cao quý giải nghĩa như sau:

  1. MIÊN 綿: Trường cửu phước duyên trên hết.
  2. HỒNG 洪: Oai hùng đúc kết thế gia.
  3. ƯNG 膺: Nên danh xây dựng sơn hà.
  4. BỬU 寶: Bối báu lợi tha quần chúng.
  5. VĨNH 永: Bền chí hùng anh ca tụng.
  6. BẢO 保: Ôm lòng khí dũng bình sanh
  7. QUÝ 貴: Cao sang vinh hạnh công thành.
  8. ĐỊNH 定: Tiên quyết thi hành oanh liệt
  9. LONG 隆: Vương tướng rồng tiên nối nghiệp.
  10. TRƯỜNG 長: Vĩnh cửu nối tiếp giống nòi.
  11. HIỀN 賢: Tài đức phúc ấm sáng soi.
  12. NĂNG 能: Gương nơi khuôn phép bờ cõi.
  13. KHAM 堪: Đảm đương mọi cơ cấu giỏi
  14. KẾ 繼: Hoạch sách mây khói cân phân.
  15. THUẬT 述: Biên chép lời đúng ý dân.
  16. THẾ 世 Mãi thọ cận thân gia tộc.
  17. THOẠI 瑞: Ngọc quý tha hồ phước lộc.
  18. QUỐC 國: Dân phục nằm gốc giang san.
  19. GIA 嘉: Muôn nhà Nguyễn vẫn huy hoàng
  20. XƯƠNG昌: Phồn thịnh bình an thiên hạ.

Chuyển thể ý nghĩa của 20 chữ Hán thành thơ song thất lục bát dễ nhớ như sau:

“Huân nghiệp lớn Tổ Tiên gây dựng,

Gắng giữ gìn cho xứng ân sâu.

Phồn vinh thịnh đạt dài lâu,

Anh tài hiền đức cùng nhau bảo toàn.

Đời đời nối nghiệp tiền nhân[5],

     Nước nhà hưng thịnh muôn phần phát huy.”

            [[5]Vương triều Nguyễn tồn tại 143 năm (1802-1945) với 13 vị vua, riêng vua Gia Long đời 11 và vua Minh Mạng đời 12 có định danh đơn: “Tôn Thất Nguyễn Phúc” + Họ đệm gia đình tự đặt + Tên húy gia đình tự đặt”. Chỉ từ sau khi vua Minh Mạng ban “Đế hệ thị” (năm 1823) thì 11 vị vua tiếp sau (từ vua Thiệu Trị đời 13 đến vua Bảo Đại đời 17) mới có định danh kép: “Tôn Thất Nguyễn Phúc + Họ đệm chọn 1 chữ “Đế hệ thi” + Tên húy” gia đình tự đặt. Thứ tự 13 vua Nguyễn nối ngôi như sau:

  1. Vua Gia Long 嘉隆 húy Nguyễn Phúc Ánh 阮福暎 (1802-1819) đời 11 (tính từ đời 1-Triệu tổ)
  2. Vua Minh Mạng 明命 húy Nguyễn Phúc Đảm 阮福膽 (1820-1841) đời 12 (tính từ đời 1-Triệu tổ)
  3. Vua Thiệu Trị 紹 治 húy Nguyễn Phúc Miên Tông 阮 福 綿 宗 (1841-1847) đời 13- “Đế hệ thi”.
  4. Vua Tự Đức 嗣德 húy Nguyễn Phúc Hồng Nhậm 阮福 洪 任 (1848-1883), đời 14- “Đế hệ thi”.
  5. Vua Dục Đức 育德 húy Nguyễn Phúc Ưng Chân 阮福膺禛 (1883) đời 15 con của em vua Tự Đức.
  6. Vua Hiệp Hòa 協和 húy Nguyễn Phúc Hồng Dật 阮福 洪佚 (1883) đời 14 con của vua Thiệu Trị.
  7. Vua Kiến Phúc 建福 húy Nguyễn Phúc Ưng Đăng 阮福膺登 (1883-1884) đời 15 con của em vua Tự Đức
  8. Vua Hàm Nghi 咸宜 húy Nguyễn Phúc Ưng Lịch 阮福膺苈 (1884-1885) đời 15 con của em vua Tự Đức
  9. Vua Đồng Khánh 同慶 húy Nguyễn Phúc Ưng Kỷ 阮福膺豉 (1885-1889) đời 15 con của em vua Tự Đức
  10. Vua Thành Thái 成泰 húy Nguyễn Phúc Bửu Lân 阮福寶嶙 (1889-1907) đời 16 con vua Dục Đức
  11. Vua Duy Tân 維新 húy Nguyễn Phúc Vĩnh San 阮福永珊 (1907 – 1916) đời 17 – “Đế hệ thi”
  12. Vua Khải Định 啓定 húy Nguyễn Phúc Bửu Đảo 阮福寶嶹 (1916-1925) đời 16 con vua Đồng Khánh
  13. Vua Bảo Đại 保大 húy Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy 阮福永瑞 (1926-1945) đời 17- “Đế hệ thi”.

            Theo thứ tự các vua Nguyễn nối ngôi nhận thấy rằng “Đế hệ thi” đã sử dụng 5 chữ “Miên-Hồng-Ưng-Bửu-Vĩnh” đặt họ đệm 5 đời (13,14,15,16,17) của 11 vị vua nối ngôi sau vua Minh Mạng.

Phép định danh kép (dành cho người thuộc hệ vua Nguyễn) còn phải thêm một quy tắc nữa để xác định chính xác vị trí, thế thứ các đời hậu duệ trong Hoàng tộc Nguyễn như sau: Khi tự đặt tên húy cho con cháu mới sinh ra thì phải kèm thêm 1 bộ thủ Hán tương ứng với đời đó, quy định như sau: Đời mang họ đệm chữ “Miên” (綿) phải kèm thêm bộ miên “宀” , chữ Hồng (洪) phải kèm thêm bộ nhân “亻”, chữ Ưng (膺) phải kèm thêm bộ thị “示”, chữ Bửu (寶) phải kèm thêm bộ sơn “山”, chữ Vĩnh (永) phải kèm thêm bộ ngọc “玉”, chữ Bảo (保) phải kèm thêm bộ phụ “阜”, chữ Quý (貴) phải kèm thêm bộ nhân “亻”, chữ Định (定) phải kèm thêm bộ ngôn “言”, chữ Long (隆) phải kèm thêm bộ thủy “水”, chữ Trường (長) phải kèm thêm bộ hỏa “火”, chữ Hiền (賢) phải kèm thêm bộ bối “辈”, chữ Năng (能) phải kèm thêm bộ lực “力”, chữ Kham (堪) phải kèm thêm bộ thủy “水”, chữ Kế (繼) phải kèm thêm bộ ngôn “言”, chữ Thuật (述) phải kèm thêm bộ tâm “心 “, chữ Thế (世) phải kèm thêm bộ ngọc “玉”, chữ Thụy (瑞)  phải kèm thêm bộ thạch “石”, chữ Quốc (國) phải kèm thêm bộ đại “大”, chữ Gia (嘉) phải kèm thêm bộ hỏa “火”, chữ Xương (昌) phải kèm thêm bộ tâm đứng (忄). 

Như vậy, khi đặt tên cho các con cháu của vua Minh Mạng nối ngôi vua tiếp sau thì định danh kép- đặt họ đệm là một chữ “Đế hệ thi” và tên húy gia đình tự đặt kèm thêm một bộ thủ Hán tương ứng với đời đó (bắt đầu từ con vua Minh Mạng là hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (阮 福 綿 宗) nối ngôi làm vua Thiệu Trị (紹 治) (1841-1847) có họ đệm là “Miên” (綿) thì tên húy “Tông” (宗) đã kèm thêm bộ “Miên 宀”, con của vua Thiệu Trị là vua Tự Đức (嗣德) húy Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (阮 福 洪 任) có họ đệm “Hồng” (洪) thì tên húy “Nhậm” (任) đã kèm bộ “Nhân亻”, con của vua Tự Đức là vua Dục Đức (育德) húy Nguyễn Phúc Ưng Chân (阮 福 膺 禛) có họ đệm là ”Ưng” (膺) thì tên húy “Chân” (禛) đã kèm bộ “Thị 示”, con của vua Dục Đức là vua Thành Thái (成泰) húy Nguyễn Phúc Bửu Lân (阮福寶嶙) có họ đệm là “Bửu” (寶) thì tên húy “Lân” (嶙) đã kèm bộ “Sơn 山”… Cứ theo thứ tự 20 chữ “Đế hệ thi” thì cách đặt tên cho các đời vua tiếp sau sẽ tuần tự chính xác và rõ ràng: Như vậy khi có con cháu hoàng tộc đăng quang ngôi vua thì Tôn Nhân phủ (尊人府) tra theo “Đế hệ thi” để định danh kép đặt tên gồm 3 phần: “ Họ tộc quốc tính “Tôn Thất Nguyễn Phúc” (尊室 阮福) + Họ đệm (chọn một chữ “Đế hệ thi” (帝系詩) đã sắp xếp 20 đời con cháu của vua Minh Mạng (bắt đầu từ hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông làm vua Thiệu Trị (1841-1847)+Tên húy gia đình tự đặt kèm 1 bộ thủ Hán tương ứng với đời đó. Mẫu thức định danh kép như sau:

          Họ tộc (quốc tính) Họ đệm Tên húy
Tôn Thất Nguyễn Phúc 尊室 阮 福

(Tôn Nữ Nguyễn Phúc 尊女 阮 福)

Chọn 1 chữ “Đế hệ thi” (帝系詩)

hoặc ”Phiên hệ thi (藩系詩)

Tên húy do gia đình tự đặt    (kèm 1 bộ thủ Hán đời đó)

 

Năm 1823, “Đế hệ thi” được in khắc thành quyển sách bằng vàng ròng dày 13 trang, kích thước: dài: 23.2cm, rộng: 13.7cm, dày: 1.6cm; nặng 4kg gọi là “Kim sách đế hệ thi”[6] để lưu truyền cho nhiều đời sau .  Đây là một loại thư tịch cổ đặc biệt bằng vàng ròng, dùng để ghi lại các sự việc diễn ra trong cung đình, ghi chép niên hiệu, định danh trong Hoàng gia, khắc ghi công trạng, phẩm hạnh, tước hiệu, sắc phong , lời chúc tụng, điều răn dạy, sắc mệnh, chiếu dụ vua ban chính sự, lễ nghi triều đình…chứa đựng nhiều thông tin giá trị về lịch sử, tư tưởng đạo đức, điển chế, điển lễ của triều đình nhà Nguyễn … rất có ý nghĩa giá trị lịch sử về chính trị Việt Nam. “Kim sách đế hệ thi“ đã được công nhận là “Bảo vật quốc gia” theo Quyết định số: 1821/QĐ-TTg ngày 24/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ.  (ảnh 3).

 

                                    

Ảnh 3: Cuốn “Kim sách đế hệ thi” “Bảo vật quốc gia”

 

         + Phiên hệ thi (藩系詩) : là tập thơ gồm 10 bài thơ thể ngũ ngôn tứ tuyệt [6] dùng để đặt họ đệm cho con cháu của 10 người anh em của vua Minh Mạng.

             [[6] Năm 1823 vua Minh Mạng ban ra ý tưởng là: Vua cha Gia Long có 13 hoàng tử, 2 người anh đã mất sớm, Ngài là hoàng tử thứ tư, còn lại 1 người anh và 9 người em, nên cho soạn tập thơ “Phiên hệ thigồm 10 bài thơ dành cho 10 người anh em của Ngài như sau:     

         Bài thứ nhất: ban cho anh trai – Hoàng thái tử Anh Duệ:

Mỹ Duệ Anh Cường Tráng,

Liên Huy Phát Bội Hương.

Linh Nghi Hàm Tốn Thuận,

Vỹ Vọng Biểu Khôn Quang.

Bài thứ hai: ban cho em trai thứ nhất- Hoàng tử Kiến An Quận công- :

Lương Kiến Ninh Hòa Thuật,

Du Hành Suất Nghĩa Phương.

Dưỡng Di Tương Thực Hảo,

Cao Túc Thể Vy Tường.

Bài thứ ba : ban cho em trai thứ hai -Hoàng tử Định Viễn Quận vương:

Tịnh Hoài Chiêm Viễn Ái,

Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha.

Nghiễm Cách Do Trung Đạt,

Liên Trung Tập Cát Đa.

Bài thứ tư: ban cho em trai thứ ba-Hoàng tử Diên Khánh vương:

Diên Hội Phong Hạnh Hiệp,

Trọng Phùng Tuấn Lãng Nghi.

Hậu Lưu Thành Tứ Diệu,

Diễm Khánh Thích Phương Huy.

Bài thứ năm : ban cho em trai thứ tư -Hoàng tử Điện Bàn công:

Tín Điện Tự Duy Chánh,

Thành Tồn Lợi Thỏa Trinh.

Túc Cung Thừa Hữu Nghị,

Vinh Hiển Tập Khanh Danh.

Bài thứ sáu: ban cho em trai thứ năm-Hoàng tử Thiệu Hóa Quận vương:

Thiên Thiệu Kỷ Tuần Lý,

Văn Tri Tại Mẫn Du.

Ngưng Lân Tài Chế Lạc,

Địch Đạo Doãn Phu Hưu.

Bài thứ bảy: ban cho em trai thứ sáu -Hoàng tử Quảng Uy công :

Phụng Phù Trung Khải Quảng,

Kim Ngọc Trác Tiêu Kỳ.

Điển Học Kỳ Gia Chí,

Đôn Di Khắc Tự Trì.        

Bài thứ tám: ban cho em trai thứ bẩy -Hoàng tử Thường Tín Quận vương :

Thường Cát Tuân Gia Huấn,

Lẫm Trang Túy Thạnh Cung.

Thận Tu Di Tấn Đức,

Thọ Ích Mậu Tân Công.

Bài thứ chín : ban cho em trai thứ tám -Hoàng tử An Khánh vương:                                                                                      

Khâm Tùng Xưng Ý Phạm,

Nhã Chánh Thủy Hoằng Quy.

Khải Đế Đằng Cần Dự,

Quyến Ninh Công Tập Hy.

Bài thứ mười: ban cho em trai thứ chín- Hoàng tử Từ Sơn công:

Từ Thể Dương Quỳnh Cẩm,

Phu Văn Ái Diệu Dương. 

Bách Chi Quân Phụ Dực,

Vạn Diệp Hiệu Khuôn Tương.

Cũng trong năm 1823 tập thơ “Phiên hệ thi” được Triều đình in khắc thành sách bằng bạc trắng gọi là “Ngân sách phiên hệ thi” để lưu truyền cho nhiều đời sau. ]

Phép định danh đặt tên bằng thơ “Đế hệ thi” và “Phiên hệ thi” vua Minh Mạng rất uyên thâm và khoa học đã hệ thống hóa danh xưng đặt tên cho toàn bộ thành viên Hoàng tộc nhà Nguyễn một cách chặt chẽ, rõ ràng và chính xác, dễ dàng tìm ra nguồn gốc huyết thống thuộc hệ nào ? chi nào ? đời nào ? trong Hoàng tộc Nguyễn.

Bài thơ “Đế hệ thi” và “Phiên hệ thi” thể hiện ý chí và ước vọng của vua Minh Mạng mong cho vương triều Nguyễn trường tồn 20 đời vua, góp phần quản trị, định danh, ngôi thứ rõ ràng trong Hoàng tộc nhà Nguyễn[7].

 [[7] Tuy nhiên, đến đời vua Thành Thái (1889-1907) bỏ thi cử theo chữ Nho, thì phép định danh theo “Đế hệ thi” và “Phiên hệ thi” đã biến đổi rút gọn ngắn hơn: Những người thuộc hệ chúa có định danh đơn thì đặt tên nam giới là “Tôn Thất + Tên húy” , nữ giới là :“Tôn  Nữ” + “Tên húy”. Những người thuộc hệ vua có định danh kép thì phần họ tộc nam giới là “Nguyễn Phúc” + Họ đệm chọn 1 chữ “Đế hệ thi” (帝系詩) hoặc Phiên hệ thi (藩系詩) + Tên húy”, nữ giới chỉ ghi là “Nguyễn Thị” + Họ đệm chọn 1 chữ “Đế hệ thi” (帝系詩) hoặc Phiên hệ thi (藩系詩) + Tên húy”.

Khi xướng danh đơn: Tôn Thất Nguyên, Tôn Thất Minh, Nguyễn Phúc Thành, Nguyễn Phúc Thắng…là biết người thuộc hệ Chúa Nguyễn.

Khi xướng danh kép: Tôn Thất Viễn Hòa, Tôn Thất Ưng Cương , Nguyễn Phúc Bửu Thanh, Nguyễn Phúc Vĩnh Hoàng, Nguyễn Phước Quý Hải… là biết người thuộc hệ Vua, chi nào? đời nào? trong Hoàng tộc Nguyễn .

 Ngày nay không còn vua chúa nữa thì cách đặt tên cũng biến dạng rất nhiều do đăng ký hộ tịch hiện hành, không còn nhận ra “định danh đơn – định danh kép” nữa…Phần họ tộc bị cắt ngắn là: “Tôn Thất” hoặc “Nguyễn Phúc” hoặc “Nguyễn Văn” hoặc “Nguyễn”, phần “họ đệm” và “tên húy” do gia đình tự đặt tùy ý. Phụ nữ thuộc hệ vua có phần họ tộc dài quá: “Công Tằng Tôn Nữ Nguyễn Phúc”, “Công Huyền Tôn Nữ Nguyễn Phúc” cũng cắt bớt là: “Tôn Nữ” hoặc “Nguyễn Thị”, phần họ đệm và tên húy do gia đình tự đặt tùy ý. Hiện nay có vài gia đình thuộc hệ vua cũng tự ý cắt bỏ luôn cả phần họ tộc quốc tính “Tôn Thất Nguyễn Phúc”, chỉ giữ lại họ đệm “Đế hệ thi” (帝系詩) hoặc Phiên hệ thi (藩系詩) như: “Miên Cường”, “Hồng Thanh”,“Ưng Vân”, “Bửu Quang”, “Vĩnh Hà”, “Quý Hải”, ”Quỳnh Mai”… tạo nên nhiều họ tộc mới lạ, gây nhầm lẫn khó tìm ra nguồn gốc huyết thống.

Mặc dù vậy, phép định danh đăt tên bằng thơ “Đế hệ thi” trong Hoàng tộc nhà Nguyễn do vua Minh Mạng ban ra vẫn giữ nguyên ý nghĩa trong các gia đình Nguyễn Phúc tộc ngày nay, góp phần xác định rõ ngôi thứ, thân sơ, đời trước với đời sau, giúp bà con cùng huyết thống tìm ra nhau thuộc hệ nào ? chi nào ? đời nào? dễ dàng, nhanh chóng và chính xác.]

Ngự chế mạng danh thi (御 製命名詩) gồm:“Đế hệ thi” (帝系詩) và Phiên hệ thi (藩系詩)  dùng để định danh đặt tên trong hoàng tộc nhà Nguyễn là di sản có giá trị minh triết nhân sinh bậc nhất trong số các thi phẩm của vua Minh Mạng còn nguyên giá trị  trong dòng Nguyễn Phúc tộc đến ngày hôm nay.

3-3- Ngự thi ( ) của vua Thiệu Trị ( ) :

Vua Thiệu Trị (紹治) húy Nguyễn Phúc Miên Tông (阮 福 綿 宗 1807-1841-1847) là vị vua thứ ba triều Nguyễn- là hoàng tử trưởng của vua Minh Mạng nên được mang ngự danh kép: có họ đệm là “Miên” (綿) trong “Đế hệ thi” và tên húy là “Tông 宗” (đã kèm bộ thủ ‘Miên 宀”- hệ 3 chính biên đời 13 Nguyễn Phúc tộc). Ngài vốn hiền hòa giản dị, học rộng biết nhiều, thông minh, đức độ, tài năng, uyên thâm Nho học, tận tụy việc nước và tuân thủ nguyên tắc chính quy từ thời vua cha Minh Mạng… Vua Thiệu Trị lên ngôi khi đất nước thanh bình, ổn định, Ngài trọng hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ, tôn vinh nhân tài, ghét kẻ xu nịnh. Ngài vốn có trí tuệ, học rộng biết nhiều, hay thơ, lại sống trong cảnh phồn vinh hạnh phúc nên các bài thơ đều có ý tải đạo thánh hiền, tả tình, tả cảnh… Ngài đã sáng tác hơn 3000 bài thơ hay, lồng ý khuyên răn đối nhân xử thế, dùng thơ luận bàn việc nước và chỉ dụ quần thần quan lại với nhiều ý nghĩa minh triết nhân sinh sâu sắc.  

Nhiều bài thơ tả cảnh giá trị như “Thiên Mụ chung thanh” (Tiếng chuông Thiên Mụ), “Vũ trung sơn thủy” (Cảnh trong mưa), “Hương Giang hiểu phẩm” (Sớm dạo Hương Giang)… tả thực kinh thành Huế rất đẹp, thể hiện lòng yêu nước và yêu đời tha thiết của đức vua.         

Bài thơ “Hương Giang hiểu phẩm” (Sớm dạo Hương Giang) tả cảnh sông Hương thơ mộng:

Bài thơ Dịch nghĩa
“Hương Giang hiểu phẩm”

Ba bình Hương Thủy lung yên sắc,

Chu trục thần phong động lỗ thanh,

Thiên tửu vị can nhu ngạn thượng,

Sơn hoa do luyến kết vân anh.

“Sớm dạo Hương Giang”

Hương Giang sóng lặng lồng sắc khói,

Gió sớm thuyền xuôi động mái chèo,

Sương đọng chưa khô bờ sông lặng,

Hoa núi còn vương áng mây trôi.

 

Bài thơ “Hương Giang hiểu phẩm” đặc tả đôi bờ Hương Giang nhộn nhịp mái chèo:“ba bình hương thủy lung yên sắc, chu trục thần phong động lỗ thanh” (Hương Giang sóng lặng lồng sắc khói, gió sớm thuyền xuôi động mái chèo) tạo nên biểu tượng đặc trưng của dòng sông âm vang tiếng động khua nước của mái chèo sinh động và lấp lánh những giọt sương đọng lại trên bờ cỏ ven sông. Toàn cảnh cuộc dạo sớm mai chan hòa áng mây trôi sặc sỡ như hoa bay ngang trên đỉnh đầu tuyệt đẹp. Ý tải bài thơ một tâm hồn trong sáng, sảng khoải như buổi ban mai rực rỡ nắng vàng, tạo cảm xúc hưng phấn thăng hoa trong tâm hồn đang hòa cùng non sông đất nước thanh bình.

Các cảnh quan, di tích, đền đài, miếu mạo mà vua Thiệu Trị viếng thăm đều lưu lại những vần thơ tuyệt tác văn hóa tâm linh, đó là thông điệp thi ca và là di sản văn hóa minh triết nhân sinh về ước vọng, khát khao hòa bình và phồn vinh cho giang sơn đất nước của vương triều… Trích bài thơ “Thiên Mụ chung thanh” (Tiếng chuông Thiên Mụ) thể hiện tinh thần Nho giáo và mộ Phật, nghe như những lời thiền vị “cư Nho mộ Thích” sau đây:

 

Bài thơ Dịch nghĩa
“Thiên Mụ chung thanh”

… Bách hát hồng thanh tiêu bách kết

Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên

Tiếng chuông Thiên Mụ

Trăm tám tiếng chuông tan nghiệp chướng

Ba nghìn thế giới tỉnh tam duyên

 

             Trong bài thơ “Thiên mụ chung thanh” có hai câu “Bách hát hồng thanh tiêu bách kết, tam thiên thế giới tỉnh tam duyên” (Trăm tám tiếng chuông tan nghiệp chướng, Ba nghìn thế giới tỉnh tam duyên) có giọng điệu pháp giáo tâm linh, vì mục đích của tu hành Phật pháp là thoát khỏi khổ đau của kiếp luân hồi, dần dần tu tập đến đỉnh cao vô thượng, tránh khỏi nghiệp chướng cản trở chúng sinh, vượt lên giải thoát.

Năm 1842, Vua Thiệu Trị từ kinh đô Huế tuần thú ra Bắc đã bái yết Lăng Trường Nguyên ở Hà Trung Thanh Hóa và dâng “Ngự thi” chữ Hán nghiêm kính tri ân và tôn vinh đức Triệu tổ Nguyễn Kim, khắc vào bia đá bên núi Thiên Tôn[[2] :

 

Bài thơ Phiên âm Dịch thơ

 

家大

Cảnh ngưỡng di cao vĩnh đối thiên,

 

Tùng thu vượng khí nhật tăng nghiên

Linh chung dục khánh bang gia đại,

Cảm mộ cơ cần đức hóa tiên.

Khải hựu càn càn xương quyết hậu,

Sùng hồng thánh thánh cảnh quang tiền.

Công sách ngang trời luôn kính ngưỡng,

Thu tùng vượng khí mãi tăng lên.

Phúc lành quy tụ non sông lớn,

Đức hậu cơ cần nhớ trước tiên.

Che chở con cháu càng thịnh vượng,

Kính sùng tiên tổ mãi bền lâu.

 

 Bài thơ “Ngự thi bên núi Thiên Tôn” của vua Thiệu Trị hào hùng và trang trọng, kính ngưỡng tri ân công đức trời biển của Triệu tổ Nguyễn Kim và thể hiện lòng tự hào về đất nước dân tộc-Việt Nam. Trong bài có câu thứ nhất: “Cảnh ngưỡng di cao vĩnh đối thiên” ca ngợi công lao trời biển của Triệu tổ sánh ngang với trời cao biển rộng. Câu thứ 2:”Tùng thu vượng khí nhật tăng nghiên” thể hiện tình cảm tri ân sâu sắc với tổ tiên mang nặng trong lòng mãi mãi không nguôi…

Bài thơ là thông điệp minh triết nhân sinh có nội dung tư tưởng rõ ràng và đúng đắn, thể hiện tình cảm tôn kính, tri ân vị thủy tổ khai quốc vương triều Nguyễn, thể hiện tinh thần hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn- ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc Việt theo truyền thống từ ngàn đời qua. Bài thơ trác tuyệt hay đến nỗi được lưu truyền trong dân gian bấy lâu nay với tôn xưng: “Ngự thi bên núi Thiên Tôn” đức vua triều Nguyễn.

Có một lần vua Thiệu Trị tuần thú đi qua Hoành Sơn trên đỉnh Đèo Ngang hùng vĩ, tức cảnh sinh tình, Ngài sáng tác ngay bài thơ “Quá Hoành Sơn quan“ (Qua cửa Hoành Sơn) do Nguyễn Tú dịch thơ:

 

Bài thơ Dịch thơ
      Quá Hoành Sơn quan

          Nhất đái miên hoành hạn tiệt san

          Uyển duyên khởi phục hải tân gian

          Vệ nam cũng bắc phân nghiêm tấn

          Lịch cổ lai kim tác hiểm quan

 

Tối lũy bất tu bình vãng sự

Trùng loan tín khả nhậm cao phan

           Tiếp thiên nham thụ thanh nhi thủy

Bán lĩnh phi vân khứ phục hoàn

 

Đi qua cửa Hoành Sơn

Núi ngăn như dải lụa mềm

Nhấp nhô uốn lượn bên thềm biển Lam

Nghiêm trang chầu Bắc giữ Nam

Xưa nhiều triều đại đặt làm ải quan

 

        Lũy hoang chuyện cũ thôi bàn

  Điệp trùng đáng để leo thang ngắm đèo

 Cây xanh lèn vút cheo leo

     Sườn non mây cuốn vờn theo gió về.

 

 Bài thơ “Quá Hoành Sơn quan“ (Qua cửa Hoành Sơn) tả cảnh thực dãy núi Hành Sơn vắt ngang địa hình đất nước như dải lụa mềm tô điểm tô họa tiết núi rừng như hoa trên đó…, lời thơ như có gió ngàn tràn ngập non sông hùng vĩ, lồng ý tri ân và tự hào thành quả mở cõi phương Nam của các bậc tiền nhân và tác giả càng thêm trách nhiệm của đấng quân vương cùng muôn dân xây đắp non sông bền vững cao đẹp hơn.

3-4- Ngự thi của vua Tự Đức :

Vua Tự Đức húy Nguyễn Phúc Hồng Nhậm 阮 福 洪 任 (1829-1848-1883) là vị vua thứ tư triều Nguyễn- hoàng tử thứ hai của vua Thiệu Trị ( )- được  mang ngự danh kép có họ đệm chữ “Hồng” (洪) trong “Đế hệ thi” và tên húy “Nhậm” (任) đã kèm bộ thủ ‘Nhân” “亻”- hệ 4 chính biên đời 14 Nguyễn Phúc tộc-. Từ nhỏ Ngài đã có tố chất thông minh, được mẫu thân là hoàng hậu Từ Dụ dạy bảo nghiêm khắc và phụ thân là vua Thiệu Trị hướng dẫn quen dần nghi lễ triều đình, nên tháng 10-1847 được nối ngôi vua- niên hiệu Tự Đức . Vua ham học, trí tuệ uyên bác, có tài văn thơ và đã sáng tác hơn  4.600 bài thơ. 

         Có một lần vua Tự Đức ghé qua khu lăng mộ “Khiêm cung” đã đặt sẵn cho mình từ năm 1867 Ngài ngẫu hứng mấy câu gửi ý vào thơ, trích bài “Khiêm cung” như sau:

“…Sẵn thế núi non đà tạo lập,

Thêm hình diện các lại hào hùng,

Khắp đường rậm rạp cành xuân mát,

Vào cửa mình quên nắng hạ nồng.”

Lời thơ như tức cảnh sinh tình, tả khu lăng mộ dành cho mình mà thốt lên như có sẵn trong tâm can ngẫu hứng tự ngẫm : “sẵn thế núi non đà tạo lập, thêm hình diện các lại hào hùng”. Lời thơ tự sự chính mình ngẫm nghĩ cuộc đời vô thường chợt đến chợt nói lên cảm xúc về cuộc sống đời thường phải vô tư, ung dung, tự tại sẽ trở về nơi phải về đi : “khắp đường rậm rạp cành xuân mát, vào cửa mình quên nắng hạ nồng” càng thêm quý trọng cuộc sống hiện tại và càng yêu quê hương đất nước, phải phụng sự cống hiến nhiều hơn cho nước cho dân . Bài thơ tả cảnh tả tình tự nhiên, mộc mạc, mang giá trị ”chân thiện mỹ” minh triết nhân sinh.

 Bài thơ “Mạn ca” (Khúc hát tản mạn) mang đến với lẽ đời giản dị mà mạch lạc do Nguyễn Phước Hải Trung[12] dịch thơ thấy rõ nét văn hóa “tam giáo đồng nguyên”:

“Sông dài biển rộng dặm xa xôi,

Sánh với con mương cũng nước thôi.

Sóng gió yên bình thì biển lặng,

Gió lên mương rãnh tựa ngàn khơi.

 

Từng khắc thời gian cùng cõi sống,

Ai nào thanh thản suốt trong đời.

Trừ phi thần tiên thì chẳng biết,

Quý, tiện, hiền, ngu ai cũng người”

 

Tác giả bố cục cặp câu đối ngẫu “sông dài biển rộng”- “mương nước con con” thể hiện sự tương phản vốn có trong tự nhiên, hàm ý so sánh về tư tưởng giữa danh vọng cao sang và bình dân giản dị trong cuộc sống đời thường, mang ý nghĩa minh triết nhân sinh sâu sắc, nhắc nhở người đời phải sống tử tế và ứng xử với nhau bình đẳng, thương yêu, chia sẻ, biết sống khiêm nhường; dù ở cương vị nào cũng phải nhường nhịn tử tế với mọi người xung quanh… Trong bài thơ có câu 8: “quý, tiện, hiền, ngu ai cũng người”- suy lý giản đơn của cõi nhân sinh nhắc nhở người đời nên biết sống chan hòa tử tế với nhau… Suy rộng ra là sự hài hòa giữa “chân- thiện- mỹ” trong cuộc đời, cũng là tính “nhân” của “tam giáo đồng nguyên“ trong chiều dài lịch sử văn hóa của dân tộc.                                                                                                    Vua Tự Đức trị vì 36 năm (1848 – 1883) trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, tổ quốc lâm nguy, gặp nhiều thử thách chông gai… Năm 1858, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Việt Nam phải đương đầu với họa ngoại xâm từ chủ nghĩa đế quốc thực dân phương tây chiếm ưu thế về tiềm lực khoa học- kỹ thuật- quân sự, với tầu đồng súng thép hiện đại và hỏa lực vũ khí khủng khiếp. Khi liên quân PhápTây Ban Nha kéo pháo hạm nổ súng tấn công Đà Nẵng, quân giặc tràn vào đốt phá quê hương…Vua trăn trở viết lời tự phê thành thơ nghiêm nghị :

 

Câu thơ Phiên âm Dịch nghĩa
聲容盛而武備衰,

議論多而成功少

Thanh dung thịnh nhi võ bị suy

Nghị luận đa nhi thành công thiểu

 

Bề ngoài hào nhoáng nhưng suy yếu,

Bàn luận chi nhiều chẳng thành công

 

Triều đình lúc này đang bấn loạn vì nảy sinh hai phe “chủ chiến” và “chủ hòa”, rồi thế lực quân sự ngày càng suy yếu dần khi quân Pháp tấn công vũ bão bằng tầu đồng súng thép, đạn nổ hai lần kinh hoàng, thì vua Tự Đức càng thêm day dứt đau khổ, thổ lộ trong thơ “Đêm đông trên sông Hương” như sau :

“Dạo cảnh đêm đông gió rét vừa,

Sông Hương làn sóng gợn lưa thưa

Thuyền êm, gió thoảng, sao vừa sáng

Ai thấu tâm can của vị vua?

 

Xã tắc lòng ta đau khổ mãi

Ví chăng tìm được kẻ tài ba

Tay chèo lái giỏi con thuyền vững

Thanh thản qua sông ắt dễ mà.”

       (Nguyễn Văn Trình dịch )

Câu thơ thứ tư: “Ai thấu tâm can của vị vua ?” thổ lộ tâm trạng xót xa tự trách mình vô tích sự lúc xảy chiến tranh ngoại xâm. Câu thứ sáu: “Xã tắc lòng ta đau khổ mãi” vua tự răn mình phải chịu trách nhiệm nặng nề trước quân dân xã tắc đang chiến đấu chống quân xâm lược nhưng vẫn suy yếu dần vì không chịu nổi sức mạnh khủng khiếp của vũ khí hiện đại , pháo lớn hủy diệt như sấm sét, đành phải lùi bước …

 Trong bài “Khiêm cung ký” vua lại thốt ra những lời tự trách nghiêm khắc: “rất đỗi mông muội”, “rất đỗi run sợ”, “mình ta thì chẳng làm được gì”, “càng về sau ta càng bị phỉ báng”…, tỏ rõ sự đau buồn tủi nhục vì đã để cho đất nước bị giặc Pháp giày xéo xâm lăng. Nhiều đêm vua dằn vặt không ngủ, trở mình trong đêm lạnh sông Hương, khiến nỗi niềm càng dâng cao trích câu thơ “Khiêm cung ký” :  

“…Chỉ biết nhìn nhau trào nước mắt,

Thôi đành đắc tội với tổ tông”.

    Bài thơ “Ngẫm sự đời” Ngài đặt bút tự ngẫm cũng rất bi thương:

“Sự đời ngẫm nghĩ nghĩ mà ghê,

Sống gửi rồi ra thác lại về,

Khôn dại cùng chung ba tấc đất,

Giàu sang chưa chín một nồi kê.

Tranh giành trước mắt mây tan tác,

Đày đọa sau thân núi nặng nề,

Muốn đến hỏi tiên tiên chẳng bảo,

Gượng làm chút nữa để mà nghe”

Các bài thơ của vua Tự Đức trong giai đoạn chiến chinh này đều thể hiện tâm trạng xót xa, buồn bã, lo sầu, suy tư vì chưa làm tròn trách nhiệm của đấng tối cao với dân, với nước…, lời thơ lột tả cõi lòng mang đậm ý nghĩa minh triết nhân sinh: tự trách thân làm vua mà không giữ được nước…

Đang lúc tình hình đất nước nguy ngập thì vua Tự Đức lâm trọng bệnh, băng hà ngày 16-6 năm Quý mùi 1883 thọ 55 tuổi, kết 36 năm trị vì đât nước (1847-1883). 

Đây cũng là giai đoạn chấm dứt thời thịnh trị của vương triều Nguyễn sau khi vua Tự Đức băng hà và đất nước chính thức bị thực dân Pháp đô hộ hoàn toàn năm 1884.

 

          4- Thi phẩm của hai vị hoàng tử và “tam khanh” công chúa triều Nguyễn:

            Nhờ có những vị vua tài năng, yêu nước, thương dân nên trong hoàng tộc triều Nguyễn đã sản sinh ra những hậu duệ nối tiếp truyền thống hiếu học và yêu nước từ các bậc tiền bối uyên bác, hình thành nên một dòng thi ca hoàng tộc với hàng ngàn thi phẩm của hai hoàng tử Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương và nhóm tam khanh công chúa Mai Am (Thúc Khanh), Huệ Phố (Quý Khanh), Nguyệt Đình (Trọng Khanh)… Trong dòng thơ của các vương tôn hoàng tộc uyên bác, thanh cao và đặc sắc thì danh sĩ hoàng tử Tùng Thiện Vương là tiêu biểu hơn cả.

4-1- Một số bài thơ của thi sĩ-hoàng tử Tùng Thiện Vương:

Hoàng tử Tùng Thiện Vương ( ) húy Nguyễn Phúc Miên Thẩm (阮 福 綿 審, 1819-1870) là hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng, mẹ là Thục tần Nguyễn Khắc Thị Bảo.  Hoàng tử vốn hay thơ từ lúc 9 tuổi và từng thân thiết với thánh thơ Cao Bá Quát cùng thời.  Thơ chữ Hán của hoàng tử được thánh Quát nhận xét trong lời tựa “Thương Sơn thi tập”[12] như sau: `“…Ta theo Quốc Công (Tùng Thiện Vương) chơi đã lâu. Thơ của Quốc Công đâu phải đợi đến ngày nay mới nói đến? Và cũng đâu phải đợi đến Quát này mới có thể nói được? Sáng ngày mai, đứng ở ngoài cầu Đốc Sơ trông về phía Nam… đó chẳng phải là núi “Thương Sơn” ư? Mua rượu uống rồi, cởi áo ở nơi bắc trường đình, bồi hồi ngâm vịnh các bài thơ “Hà Thượng” của Quốc Công, lòng khách càng cảm thấy xa xăm man mác…”

Hoàng tử Tùng Thiện Vương là danh sĩ có tài, có uy tín về đạo đức, tri thức và giàu lòng nhân ái, cảm thương dân nghèo, căm ghét thực dân Pháp xâm lược sâu sắc. Với nhân sinh quan và trình độ tri thức cao, Tùng Thiện Vương làm thơ chữ Hán được vua Tự Đức và nhiều danh sĩ Trung Quốc ca ngợi. Vua Tự Đức đánh giá: “Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”, nghĩa là: “Thơ của Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương hay hơn cả thơ thời Thịnh Đường”. Học trò của danh sĩ cũng xuất hiện nhiều nhân vật nổi tiếng tài ba giàu lòng yêu nước như Nguyễn Trọng Hợp, Phạm Phú Thứ…, thảy đều noi theo gương ngài.

Năm 1842 khi xa giá vua Thiệu Trị ngự Bắc tuần, hoàng tử Tùng Thiện vương rung động trước cảnh đẹp của thành Long Biên Hà Nội, đã sáng tác bài thơ “Bắc hành” độc đáo:

Bài thơ Dịch thơ
Bắc hành

Long Biên thành ngoại thảo như yên

Long Biên đài thượng nguyệt đương thiên

Phương thảo xuân quy diệc suy yết

Nguyệt minh nhất phiến tự hà niên

 

Đi Bắc

Long Biên thành rộng đài cao

Cỏ tươi trăng tỏ biết bao giữa trời

Cỏ kia tươi chỉ một thời

Trăng kia tỏ đó tự thời nào đây

Bài thơ thơ “Bắc hành” tả thực ánh trăng với cỏ cây thiên nhiên thường gặp hàng ngày thế mà khi chiêm ngắm lại hòa vào lòng người đầy cảm xúc nên thơ.

Bài thơ “Nam khê” (Khe suối Nam)

Bài thơ Dịch nghĩa
NAM KHÊ

Loạn sơn thâm xứ nhất khê hoành,
Thập nhị niên tiền trú mã tình
Lưu thủy tự tri nhân sự dị,
Sàn viên bất tác tích lai thinh

 

Khe Suối Nam

Ngổn ngang ngàn núi dòng khe cũ,
Dừng ngựa mười năm tình ấp ủ.
Nước chảy như tình người đổi thay,
Róc ra róc rách không như cũ !

Đỗ Chiêu Đức

 

Lời thơ tả thực cảnh sông núi vốn có trong thiên nhiên “loạn sơn thâm xứ nhất khê hoành” như dòng khe vắt ngang trong suối lại liên tưởng đến tình người còn hoài niệm tự bây lâu Mười hai năm trước “thập nhị niên tiền trú mã tình”
, như tự tình bày tỏ nỗi lòng mình vương vấn bóng hình xưa đã trôi biến đâu xa “lưu thủy tự tri nhân sự dị” (Nước chảy như tình người đổi thay không còn như cũ)…

 Thơ Tùng Thiện Vương hàm súc, tươi tắn: thiên về tình yêu đất nước quê hương và tình thương dân của bậc vương tôn dành cho người dân nghèo khó. Thơ của ông có văn pháp giản dị, ý tứ thâm sâu, chữ nghĩa chọn lọc, mang tính hiện thực cao (gần với thơ Đỗ Phủ thời nhà Đường), chứa đựng tinh thần yêu nước, thương dân, hết lòng vì bè bạn như: “Phù lưu tiền hành”, “Mại trúc dao”, “Kim hộ thán”, “Bộ hổ từ”… Các thi phẩm để đời của hoàng tử Tùng Thiện vương là: “Liễu” (Cây liễu), “Dạ bạc nguyệt biều”,“Tuyệt bút” (“Thơ tuyệt mệnh” )….

Bài thơ “Liễu” (Cây liễu):

Bài thơ Dịch thơ
 Liễu

Khứ tuế, xuân tàn, hoàng điểu quy,
Thu dung tiều tụy, nguyệt minh tri,
Đông phong tạc dạ xuy hà xứ,
Cánh nhạ tân sầu thướng hiểu mi.

 

Cây liễu

Năm ngoái xuân tàn, oanh biệt bay
Dung nhan tiều tụy, chỉ trăng hay
Đêm qua gió rộn, xuân đâu thế
Sầu mới dâng lên, ngút nét mày.

Bài thơ : “Dạ bạc nguyệt biều”

Bài thơ Dịch nghĩa
                   Dạ bạc nguyệt biều

Trúc âm lương xứ, dạ đình thuyền

Thủy nguyệt, giang phong, vị nhẫn miên

Cách dạ chung lâu Thiên Mụ tự

Thanh thanh xao phá viễn đinh yên.

Đêm Nguyệt Biều

Tối đỗ thuyền dưới bóng tre mát

Gió sông mát, trăng sông mát không nỡ ngủ
Đêm nghe vọng tiếng chuông chùa Thiên Mụ

Tiếng, từng tiếng làm tan khói sông.

          Bài thơ “Tuyệt bút” :

Bài thơ Dịch thơ
“Tuyệt bút”

Bán niên học đạo thái hồ đồ
Thoát tỉ như kim nãi thức đô

Tiên Sảng đình ba, Thiên Mụ nguyệt

Thủy hương lâm ảnh hữu nhân vô?

“Thơ tuyệt mệnh”

Càng học đạo lại càng mê
Nhận chân khi cái chết kề, mới hay!

Trăng chùa, hương nước, bóng cây

Còn in bóng của ta ngày theo chơi?

 

Thơ của Tùng Thiện Vương đan xen hòa quyện giữa bút pháp tự sự và trữ tình nhuần nhã, tinh tế, sử dụng ngôn ngữ, sáng tạo hình tượng,  khiến cho thơ ông không đơn điệu, sáo mòn, rất gần gũi, sâu sắc và chân thành… xứng đáng có một vị trí vẻ vang trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam, để lại trong lòng người đọc những ấn tượng đẹp về một nhà thơ hoàng tộc tài ba, tiến bộ, giàu lòng nhân ái, rất đáng được mến mộ…Thi sĩ Tùng Thiện vương xứng đáng là bậc danh sĩ vương triều.

Minh triết nhân sinh tàng tại thơ ông: cái đạo ở đời là vô biên mà đời người thì vô thường, chỉ khi cận kề cái chết ta mới thoáng nhận thức được. Vương triều Nguyễn muốn tồn tại 20 đời vua như ước vọng của vua Minh Mạng trong “Đế hệ thi” thì “an dân” là cái đạo của “nhân nghĩa”, như tấm lòng yêu nước thương dân lồng trong ánh trăng chùa, trong hương của giọt nước, trong sắc của lá rừng hoang sơ…

 Đúng như nhà thơ-tiến sĩ Nguyễn Sĩ Đại (Báo Nhân dân)[12] đã khái quát: “Thơ Tùng Thiện Vương hàm súc, ngụ ý sâu xa mà tươi tắn, trong ngâm vịnh có nặng tình với đất nước và những người cùng khổ.”

4-2- Một số bài thơ của thi sĩ-hoàng tử Tuy Lý Vương:

Hoàng tử Tuy Lý Vương ( ) húy Nguyễn Phúc Miên Trinh ( 綿 , 1820-1897) là hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng, mẹ là bà Tiệp dư Lê Thị Ái. Hoàng tử từ nhỏ đã thông minh sáng dạ, có năng khiếu văn học. Ông là người tài đức vẹn toàn, từng được giữ các chức Đổng sự Tôn học đường, Hữu Tôn nhân, Phụ chính thân thần, Phụ nghị cận thần triều Nguyễn. Tài năng thì nổi tiếng hàng danh sĩ hay thơ nhất thời đó. Về đức thì nhân cách chuẩn mực, đạo đức thanh cao, không màng phú quý danh lợi và hết lòng phò vua giúp nước, được vương triều và hoàng gia yêu kính. Hoàng tử Tuy Lý Vương còn được mệnh danh là “Ông hoàng thơ” và đánh giá: “văn như Siêu Quát vô Tiền Hán, thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường (nghĩa là: văn chương như của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì văn chương thời Tiền Hán cũng không còn ý nghĩa, thơ đạt đến như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương thì làm mất hẳn thơ hay thời Thịnh Đường).

Hoàng tử Tuy Lý Vương từ năm mười hai tuổi bắt đầu làm thơ, mười ba tuổi đã có tiếng là thơ hay và lớn lên đã làm tập văn thơ “Vi Dã hợp tập” gồm mười hai quyển (nhiều thể loại : 142 bài văn, 695 bài thơ) đóng góp quan trọng vào kho tàng văn  thơ thời Nguyễn như: “Nam cầm khúc”, “Nữ Phạm diễn nghĩa từ”, “bài bia Tiên mẫu Lê Tiệp dư thần đạo biểu”…

Sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (1858 – 1920) đánh giá[12]: “Thơ Miên Trinh phần nhiều là các bài thơ chơi và thơ thù phụng, lời thơ khá điêu luyện”. Các bài thơ về mùa xuân như: “Xuân thành khúc”,“Chu trung mạn hứng” gửi gắm tâm sự riêng tư của hoàng tử rất trữ tình và lãng mạn:

Bài thơ Dịch thơ
          “Xuân thành khúc”

Liễu ám hoa minh xứ xứ lâu

Phiên phiên vũ yến hiểu phong nhu.

Thiến sam nhân ỷ châu lan khúc,

            Mang sát Vương tôn tử mạch đầu

 

Bên lầu liễu thắm với hoa tươi

Én múa quanh quanh gió sớm lơi.

Áo đỏ bên hiên ai tựa đứng?

           Vương tôn đường tía dạ bời bời

    

 

Bài thơ                         Dịch thơ
       “Chu trung mạn hứng”

Tàn xuân thảo bích duyên đê hợp

Cách ngạn vân đê độ thủy trì.

Sơn tự chung xao quy điểu tận,

Cô yên khởi xứ nhận tiều xuy.

 

 

Xuân tàn cỏ biếc ven đê phủ

Mây tỏa bên bờ nước lặng trôi.

     Chùa núi chuông đưa, chim vắng bóng,

           Tiều đâu khói bếp bốc bên đồi.

Hoàng tử Tuy Lý Vương sống trong giai đoạn đất nước bị thực dân Pháp xâm lược từ năm 1858 khi giặc Pháp tràn vào đốt phá quê hương, ông xót xa đau lòng và cảm thông nỗi khổ của quân dân chiến đấu ngoài mặt trận và chia sẻ nỗi vất vả của người lao động trên ruộng đồng qua những vần thơ “Nghĩ Điền gia” (Nói về nhà nông), “Tàm phụ từ “(Lời người đàn bà nuôi tằm)… Trích  như sau :

 

Bài thơ                           Dịch nghĩa
                             Thu vọng

Hồi thủ Nam châu kết trận vân

Vị Ương tiền điện vũ thư văn.

Ba Xuyên thành bắc nhân yên đoạn,

           Nông Nại giang đầu chiến lũy phân

               Ngắm thu

Miền Nam quay ngó thấy mây đùn

Cung khuyết tin thư đến dặm dồn.

Bắc đất Ba Xuyên người vắng bóng,

            Đầu sông Nông Nại lũy ken đồn

 

Bài thơ Dịch thơ
                    Tuế mộ

Bắc vọng lư diêm không trữ trục

Nam lai bích lũy thượng can qua.

Cổn y nhục thực chung vô bổ,

Quý nhĩ xan anh đái nữ la.

 

                  Cuối năm

Xóm làng cõi Bắc trơ khung cửi

Đồn lũy miền Nam rộn lửa binh.

Áo gấm thịt quay nào bổ ích,

Thẹn phường tu luyện phép trường

Hai bài thơ “Thu vọng”, “Tuế mộ” nói về tinh thần dũng cảm của quân dân chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược mang đậm tính minh triết nhân sinh về lòng yêu nước thương nòi sâu sắc trong thời buổi chiến chinh khốc liệt. Đây cũng là giai đoạn đất nước bị thực dân Pháp xâm chiếm từng phần rồi đô hộ hoàn toàn vào năm 1884.

4-3- Một số bài thơ của thi sĩ – công chúa Mai Am (Thúc Khanh):

Trong số 64 công chúa của vua Minh Mạng có 3 nữ sĩ: Nguyệt Đình[15] (Trọng Khanh), Mai Am (Thúc Khanh) và Huệ Phố (Quý Khanh) được gọi là “Nguyễn triều tam khanh” (三卿) là ba thi sĩ nổi tiếng triều Nguyễn ở kinh đô Huế đương thời.

Cả ba chị em công chúa Nguyệt Đình, Mai Am, Huệ Phố lúc nhỏ ở cùng với mẹ ở Đoan Chính viện (端 政 院) trong Tử Cấm Thành Huế. Đến năm 1849 dời về Sở Tiêu Viên trong khu dinh thự của danh sĩ Tùng Thiện Vương bên bờ sông Lợi Nông (nay là đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế) nơi mà danh sĩ Tùng Thiện Vương thường xuyên tụ họp bạn thơ nên ba công chúa sớm được tiếp xúc với nhiều danh sĩ đất kinh kỳ, cùng nhau ngâm vịnh, đàm đạo về văn thơ. Lớn lên đi học tại Tôn Học đường (尊學堂) cũng do danh sĩ Tùng Thiện Vương phụ trách nên cả ba công chúa được dạy dỗ chu đáo và sớm bộc lộ tài năng về thơ phú và trở thành ba nữ sĩ nổi tiếng văn chương đất kinh thành. Trong đó, nữ sĩ Mai Am tài năng và nổi tiếng nhất.

Công chúa Mai Am húy Nguyễn Phúc Trinh Thận (1826 – 1904) là hoàng nữ thứ 25 của vua Minh Mạng biểu tự Thúc Khanh (叔卿)- nữ thi sĩ nổi tiếng triều Nguyễn chỉ làm thơ chữ Hán, thể Đường luật giống như thơ của Bạch Cư Dị và Nguyên Vi Chi. Tác phẩm chính là tập thơ “Diệu Liên thi tập” gồm 370 bài, chia làm 3 quyển, 1 bổ di, 1 phụ lục được sắp xếp theo thứ tự thời gian 44 năm (1847-1890) như là một “cuốn nhật ký” bằng thơ, từng được nhiều danh sĩ Tùng Thiện Vương, Huệ Phố, Bà Huyện Thanh QuanBùi Dị, Nguyễn Hàm Ninh, Phan Thanh GiảnHoàng Diệu, Trương Đăng Quế…và 6 người Trung Quốc ca ngợi, hiện vẫn lưu giữ toàn bộ.

Nữ sĩ công chúa Mai Am tài năng và nổi tiếng nhưng cuộc đời lại lắm truân chuyên. Năm 1850, bà rời Tiêu Viên xuất giá theo chồng- là quan Hiệu úy trẻ tuổi Thân Trọng Di, cháu nội của quan đại thần Thân Văn Quyền- một dòng họ nổi tiếng làng Nguyệt Biều (Huế). Phu quân  rất nâng niu trân trọng bà, nhưng ông vốn không ham khoa bảng và văn chương nên cuộc sống lứa đôi không hòa thuận, sau 13 năm chung sống ông bà mới sinh được một con trai mới 5 tuổi đã ốm nặng và lìa xa…(sau đó ông bà không sinh thêm con nữa).

Với nỗi đau gia cảnh buồn thương, bà đã làm 15 bài thơ khóc con (“Khốc nhi thi – thập ngũ thủ”) để tự sự nỗi đau cuộc đời quá lớn không gì bù đắp được :

 

Bài thơ Dịch thơ
Khốc nhi

   Hoạch sa vãng vãng hiệu nhân thư

Thốc quản tùy thân nhật bất hư

Khổ ức lâm chung vân hiếu học

Chư thiên hà xứ mịch đồng sơ

Khóc con

Vạch cát học theo người lớn viết

Bút cùn tay chẳng buổi nào lơi

Lâm chung còn nói con thèm học

Con trẻ, tìm đâu giữa các trời?

            Bài thơ “Khốc nhi” thổ lộ nỗi buồn tê tái, niềm thương tiếc đứa con thơ bé bỏng vốn rất thông minh sáng dạ: “Hoạch sa vãng vãng hiệu nhân thư, thốc quản tùy thân nhật bất hư “ (Vạch cát học theo người lớn viết, Bút cùn tay chẳng buổi nào lơi) nhưng lại sớm lìa xa để lại cho ông bà nỗi buồn đau khốn cùng: “Khổ ức lâm chung vân hiếu học, chư thiên hà xứ mịch đồng sơ (con trẻ tìm đâu giữa các trời)…

              Đặc sắc nhất là bài “Ngẫu ti” (Tơ ngó sen) năm 1855 bày tỏ nỗi lòng bất hạnh về tình duyên và gia cảnh buồn thương của công chúa Mai Am như sau:

Bài thơ Phiên âm Dịch nghĩa
Mạc tương nhất ngẫu chiết thành song

           Vô số u ti vị để mang

    Thanh tự giao tiêu sơ đoạn chức

      Tế ư tàm kiểm sạ hồi trường

 

      Sinh sinh liên tự tâm đầu kết

Lũ lũ tình duyên biệt xứ trường

Ly tự túng năng kham tác tuyến

Thỉnh quân hoàn vị tú uyên ương

“Ai ơi chớ bẻ ngó sen hương

Vô số tơ mành cứ vấn vươn

Mềm mại khác chi the mới dệt

Mảnh mai như thể kén vừa giương

 

Dăng dăng mối kết trong tâm khảm

 

Cuộn cuộn tình lan cách dặm trường

 

Ví thử xe tơ thành sợi chỉ

 

Xin người thêu lấy cặp uyên ương.”

         Bài thơ “Ngẫu ti” của Mai Am viết lúc 29 tuổi – một công chúa xinh đẹp, một thi nhân giàu lòng nhân ái, nhưng cuộc đời lại trải qua éo le trắc trở, bà phải mượn thơ để tự sự về tình cảm gia đình riêng tư ít hạnh phúc, mong muốn gắn bó tình nghĩa vợ chồng qua lời thơ trữ tình, lãng mạn, khát khao hạnh phúc gia đình ấm êm. Câu từ chắt lọc, nhẹ nhàng uyển chuyển, mang hình tượng trong sáng tươi đẹp, giai điệu mượt mà trôi chảy với nhiều điệp từ láy lại để nhấn mạnh ý tứ riêng mình: “sinh sinh liên tự tâm đầu kết, lũ lũ tình duyên biệt xứ trường” (Dăng dăng mối kết trong tâm khảm, cuộn cuộn tình lan cách dặm trường) đậm đà tính minh triết nhân sinh về khát khao hạnh phúc gia đình của công chúa chốn cung đình.             

            Mai Am chỉ làm thơ bằng chữ Hán thể Đường luật coi như một cuốn nhật ký bằng thơ, trích đoạn bài “Tống Lưu Ái Lan thất Nguyễn thị quy Hà Nội” (Tiễn vợ Lưu Ái Lan, bà họ Nguyễn về Hà Nội) là trang nhật ký ghi chép trên đường đi tiễn người thân ra Hà Nội:

Bài thơ Dịch nghĩa:
“… Lạc hoa phi nhứ tam xuân mộ,
Hiểu nguyệt tàn dương nhất lộ trung.
Thượng hữu quan hà ngư nhạn tín,
Bất ưng Nam Bắc mã ngư phong.”

… Long Biên kiến thuyết giai sơn thủy,
Cực mục sầu nan nghiên tịch đồng.

Hoa rụng tơ bay tiết cuối xuân,
Dọc đường đi trăng sớm chiều tà.
Núi sông cách trở mong tin nhạn,
Phong khí Bắc Nam thật khác nhau.
… Nghe nói Long Biên phong cảnh đẹp,
Mỏi mắt ngóng trông, khó bút cùng.

Năm 1857 trên đường đưa tiễn người thân họ Nguyễn ra Hà Nội, bà đã ghi chép tốc ký đầy đủ và chi tiết mọi diễn biến bằng lời thơ mộc mạc chân thật khởi phát tự chính lòng mình: “Lạc hoa phi nhứ tam xuân mộ, hiểu nguyệt tàn dương nhất lộ trung” (Hoa rụng tơ bay tiết cuối xuân, dọc đường đi trăng sớm chiều tà…)

            Năm 1885, phu quân Thân Trọng Di- chồng bà đã 60 tuổi- vẫn xa giá theo vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Trị kháng chiến chống Pháp. Ông đã hy sinh giữa rừng sâu giá lạnh, để lại nỗi đau khốn cùng với 15 bài thơ khóc chồng của bà khắc trên mộ ông ở quê nhà Nguyệt Biều- Huế. Bà đã dùng thơ để dãi bày tự sự, thể hiện cái “chí”, cái “tình” xót thương chồng- phò mã Thân Trọng Di- đã hy sinh khi ứng nghĩa Cần Vương kháng chiến cứu nước. Các bài này thể hiện tình yêu quê hương đất nước và nhân dân tha thiết, đặc biệt bài “Độc điếu nghĩa dân tử trận văn” do Lê Thước dịch:

 

Bài thơ       Dịch nghĩa

 

“Độc điếu nghĩa dân trận tử văn”

Điếu văn tam phục trọng đê hồi,
Nghị phách từ phong tận khả ai.
Xích tử cần vương năng địch khái,
Thư sinh dụng võ tích phi tài.

 

Yên mê chiến luỹ Tây nhung mãn,
Nguyệt lãnh sa trường bạch cốt đôi.
Quốc ngữ nhất thiên truyền bất hủ,
Tuyệt thăng Quảng Hán yểm khô hài.

 

“Bài điếu nghĩa sĩ tử trận”

Bồi hồi đọc mãi bản văn ai,
Phách cứng văn hùng cảm động thay,
Dân chúng cần vương vì ghét địch,
Nhà nho lâm trận tiếc không tài.

Giặc đầy chiến luỹ tầng mây phủ,
Xương chất sa trường bóng nguyệt soi,
Quốc ngữ một thiên truyền mãi mãi,
Còn hơn xây mộ cất khô hài

(Bản dịch của )

        Bài thơ “Độc điếu nghĩa dân tử trận văn” Mai Am viết sau khi đọc bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu, thật cảm xúc bi thương, vừa tưởng nhớ, vừa tri ân quân dân nghĩa sĩ đã ngã xuống vì quân xâm lược tàn ác. Trong bài có câu: “Yên mê chiến luỹ Tây nhung mãn, nguyệt lãnh sa trường bạch cốt đôi” (“Giặc đầy chiến luỹ tầng mây phủ, xương chất sa trường bóng nguyệt soi”) đã bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình bằng lời thơ với nghĩa khí ngùn ngụt, sôi sục tạo xúc động , mãnh liệt với tình cảm yêu nước thương nòi, như khi chồng bà – phò mã Thân Trọng Di- đã hy sinh khi ứng nghĩa Cần Vương kháng chiến chống quân xâm lược.
         “Độc điếu nghĩa dân tử trận văn” là bài thơ minh triết nhân sinh về tinh thần yêu nước và đồng cảm tri ân với quân dân nghĩa sĩ đã xả thân chiến đấu chống ngoại xâm cuối thế kỷ XIX.

Sống vào thời kỳ đất nước bị xâm lăng, thơ của Mai Am gắn liền nỗi nước với tình nhà, mỗi sự kiện, mỗi biến cố xảy ra trong cuộc đời bà đều gắn liền với vận mệnh đất nước, với sự sống còn của hoàng tộc. Khi thực dân Pháp tấn công Cửa Thuận An và cửa biển Đà Nẵng, mấy tỉnh Nam Bộ bị rơi vào tay giặc, khi quân Pháp tràn vào Kinh thành Huế, đốt phá quê hương… bà đều dõi theo chia sẻ nỗi đau của đồng bào và căm thù quân cướp nước.

Khi giặc Pháp bị quân dân ta đánh trả kiên cường buộc phải rút khỏi Đà Nẵng bà rất tự hào phấn khởi ghi lại cảm xúc trong bài thơ “Tức sự chỉ Quảng Nam lỗ thoái“ (“Tin tức giặc rút khỏi Quảng Nam”):

Bài thơ Dịch nghĩa
“Tức sự chỉ Quảng Nam lỗ thoái “
Phong cương liên báo tuyệt Hồ trần,
Nhật chiếu hồng kỳ tử mạch xuân.
Trác tức côn di bôn sóc mịch,
Phong yên diện phục tịnh Nam tân.
“Tin tức giặc rút khỏi Quảng Nam”

Tin về đã sạch bóng thù,
Mặt trời chiếu đỏ màu cờ sắc xuân.
Giặc thua tháo chạy bặt tăm,
Khói tan lửa tắt lặng dần bờ Nam.

          Nữ sĩ công chúa Mai Am là người phụ nữ Việt Nam khát vọng hòa bình, ước mong cuộc sống bình yên với gia đình, nhân dân và quê hương đất nước. Bà đã thể hiện lòng yêu nước cao cả đặt lên trên tình riêng gia đình, gác lại cuộc sống bản thân để hướng ra trận tuyến với tình quê hương nghĩa đồng bào qua những vần thơ hào hùng căm thù giặc Pháp, khát khao độc lập tự do và hòa bình cho đất nước.

           Thơ Mai Am thể hiện của một phụ nữ khuê các giàu tình cảm, dễ xúc động trong giai đoạn đất nước bị giặc Pháp xâm lược. Lời thơ hào khí, mạnh mẽ, mang ý nghĩa minh triết nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, thời cuộc và chính sự, được diễn tả điêu luyện, tài tình và tinh tế, tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc cho người đọc phải suy nghĩ và nhận thức sâu sắc về tác giả.         

 Thơ Mai Am bằng tiếng Hán thể Đường luật lấy cảm xúc thanh nhã làm chủ thi cách, dễ toát lên cái ý thanh khiết, bay bổng và riêng có khác người, mang đậm tính minh triết nhân sinh về khát vọng tự do và ý chí của người phụ nữ hoàng gia.

Hàn lâm Học sĩ Nguyễn Hàm Ninh [14] rất yêu kính nữ sĩ Mai Am đã đánh giá bài thơ “Ngẫu ti” là tác phẩm “đáng bậc thầy” đối với ông. Năm 1867, chính Hàn lâm Học sĩ Nguyễn Hàm Ninh cũng ca tụng tập thơ “Diệu Liên thi tập”: “Đọc thơ của Mai Am, thấy dáng điệu tươi như mùa xuân, phép tắc thì hoa lệ, nghiễm nhiên đứng ngang hàng với các thi sĩ nổi dan Đường, Tống...”. 

[[14] Nguyễn Hàm Ninh 阮咸寧 (1808-1868) tự Thuận Chi 順之, hiệu Tĩnh Trai 靜齋, Nhâm Sơn 壬山; quê gốc Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; đỗ tú tài năm 1829;  đỗ thủ khoa thi Hương năm 1831, làm quan triều vua Minh Mạng – Thiệu Trị – Tự Đức tới chức Quốc học độc thư  năm 1836 và Hàn lâm viện Trước tác năm 1847.]

Công chúa Mai Am thật xứng đáng là “nữ sĩ sắc sảo tài hoa nhất của xứ Huế cuối thế kỷ XIX” với những vần thơ minh triết nhân sinh bất hủ đến ngày hôm nay.

 

4-4- Một số bài thơ của thi sĩ – công chúa Huệ Phố (Quý Khanh):

  Tập thơ chép tay “Huệ Phố thi tập” của bà gồm bốn quyển với 216 bài thơ chữ Hán viết từ năm 1845 đến năm 1882 hiện vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.  Các bài thơ hầu hết là tả tình, tả cảnh, câu từ giản dị, hồn nhiên, chân thật, và mở rộng chủ đề theo cuộc sống phong phú đa dạng thường ngày ở hoàng thành như “Mạt ly từ” (lời hoa nhài), “Thái liên khúc” (Thơ hái sen), “Chu trung nhàn vọng” (Ngồi thuyền ngắm cảnh)…

Công chúa Huệ Phố húy Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa (1830-1904) tự Quý Khanh, là hoàng nữ thứ 34 của vua Minh Mạng với mẹ Thục tần Nguyễn Thị Bửu. Bà là nữ sĩ em út trong nhóm “Nguyễn triều tam khanh“ (阮朝三卿) nổi tiếng giới thi nhân Huế đương thời. Lúc nhỏ, bà sống với mẹ trong cung Tiêu Viên- hoàng thành Huế, vốn có tố chất thông minh, tính nết dịu dàng, thuộc làu kinh sử…lại được danh sĩ Tùng Thiện Vương trực tiếp dạy bảo nên sớm uyên bác thi ca nhạc họa.

          Bài thơ “Xuân nhật tạp vịnh” (Thơ vịnh ngày xuân) tả cảnh mùa xuân thơ mộng rất yêu đời :      

Bài thơ Dịch thơ
   “Xuân nhật tạp vịnh”

      Vũ quá vân âm phú đậu bành (bằng)

     Hiểu song trang bãi ngọc cầm hoành

           Hoàng li tự giải lân xuân sắc

  Cố bạng hoa gian bất tích thanh.

 

    Thơ vịnh ngày xuân

        Giàn đậu sau mưa mây khói lan

     Song mai trang điểm dạo cung đàn.

       Oanh vàng cũng biết yêu xuân sắc,

   Bên khóm hoa tươi cứ hót tràn.

 Bài thơ “Xuân nhật tạp vịnh” tái hiện hình ảnh trong sáng tươi đẹp xen lẫn âm thanh tiếng động tự nhiên “oanh vàng cũng biết yêu xuân sắc, bên khóm hoa tươi cứ hót tràn” lay động tâm hồn với tiếng chim ca ríu rít vườn xuân… Nữ sĩ Huệ Phố phải là cô gái đa tình đa cảm mới rung động trước cảnh sắc thơ mộng như thế và dễ dàng thốt ra lời thơ minh triết nhân sinh yêu đời và yêu thiên nhiên của nàng công chúa khuê phòng… Tác giả đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảnh, họa và tình với lời thơ gọn gàng, lưu loát, văn phong trôi chảy, giai điệu mượt mà, giống như giọng nói của người thiếu nữ lúc thường ngày sẵn có khí văn thanh nhã, thông minh, minh triết cuộc đời…

Khi tự ngẫm về thân phận con người trong cuộc sống vô thường, nữ sĩ viết bài thơ “Thiêu hương” mang ý nghĩa minh triết nhân sinh do Lương An dịch thơ như sau:

      

Bài thơ Dịch thơ

 

Thiêu hương

Trận trận tây phong dạ tịch liêu,
Hảo tương trầm thuỷ ngự hàn thiêu.
Nhàn sầu cánh tự hương lô triện,
Nhất phiến nhân uân hiểu vị tiêu

 

Châm nhang

Từng trận gió tây đêm vắng yên
Trầm hương chống lạnh vội nhen lên
Mối sầu khi rỗi như làn khói
Một mảng u buồn sáng vẫn nguyên

             Bài thơ “Thiêu hương” thể ngũ ngôn tứ tuyệt dùng điệp từ láy lặp trong câu 1 “Trận trận tây phong dạ tịch liêu” (Từng trận gió tây, đêm vắng yên) nhấn mạnh cơn cuồng phong vội ập đến, câu 2: “hảo tương trầm thuỷ ngự hàn thiêu” (phải thắp trầm hương cho đỡ lạnh) suy tưởng về các biến cố cuộc đời luôn diễn ra các tình huống éo le trắc trở buộc người ta phải ứng phó thích nghi. Câu 3 và 4: “Nhàn sầu cánh tự hương lô triện, nhất phiến nhân uân hiểu vị tiêu” dùng phép đối ngẫu song song như suy diễn về một trận đấu tay đôi giữa con người với cuộc đời, mà kết cục cuộc đời luôn thắng ta một cách nghiệt ngã, mang hàm ý sâu xa về sự thích ứng thân phận con người với những biến động khó lường trong cuộc đời  .

Chuyển trạng thái tâm lý khi hai người chị Nguyệt Đường và Mai Am xuất giá theo chồng và người mẹ vừa mới qua đời (năm 1851) công chúa Huệ Phố thổ lộ nỗi buồn hiu quạnh với loạt bài “Tuế mộ ký Uyển Sồ” (Cuối năm gửi Uyển Sồ), “Thu dạ hoài Mai Am” (Đêm thu nhớ Mai Am), “Khốc Nhược Hương nhị thủ” (Hai bài khóc Nhược Hương)… chứa chan nỗi buồn sâu lắng và nỗi nhớ nhung da diết.

Năm 1853 đến lượt công chúa Huệ Phố sắp đi lấy chồng, chuẩn bị tâm thế làm dâu nhà người sẽ bận bịu sớm khuya không nhàn rỗi như thời con gái nữa, bà tự ngẫm:

“Trồng trúc dời mai vui gượng gạo
Biết không nói được lệ khôn khô
   Đau lòng trông mảnh trăng sân dọi
      Chẳng thấy tròn như những buổi xưa.”

Công chúa Huệ Phố kết hôn với thi sĩ Đặng Huy Cát có cùng sở thích thi ca nên cuộc sống gia đình hòa thuận và tâm đầu ý hợp. Ông bà sinh được 4 con trai và 6 con gái, đặc biệt là người con trai trưởng Đặng Hữu Phổ (1854-1885) làm quan Thị độc Nội các đã trở thành người hùng trong phong trào Cần Vương chống Pháp[7] ở Quảng Điền, Thừa Thiên Huế.

[[7] Rạng sáng ngày 5/7/1885, quan Nhiếp chính đại thần Tôn Thất Thuyết chỉ huy quân triều đình nổ súng tấn công quân Pháp ở Huế, thì cha con ông Đặng Huy Cát và Đặng Hữu Phổ hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, chỉ huy nghĩa quân Đoàn Kiệt ở hậu cứ Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị) tiến đánh quân Pháp, chiếm huyện nha Quảng Điền nhưng bất thành, cả hai cha con đều bị bắt. Ngày 29-8-1885, Đặng Hữu Phổ bị xử tử ngay tại bến đò Quai Vạc (thôn Bác Vọng Đông – Quảng Phú) để lại bài thơ tuyệt mệnh “Lâm hình thời tác” đầy khí phách hiên ngang.].

 Từ nỗi buồn riêng tư, nữ sĩ Huệ Phố đã chia sẻ và cảm thông với nỗi gian lao vất vả của quân dân Đại Việt đang chiến đấu chống Pháp xâm lược qua những vần thơ thấm đẫm nước mắt, thể hiện tấm lòng yêu nước thương dân của một danh sĩ vương triều thời biến loạn. Trích hai bài thơ của nữ sỹ thể hiện nỗi niềm ấy :

 

Bài thơ Dịch thơ
      Bệnh trung cảm tác

    Hoa chiếu trì đường nguyệt chiếu môn

Xuân lai dục khứ dị tiêu hồn.

     Tương phùng tha nhật vô tu thuyết

Khan thủ la sam cựu lệ ngân.

 

Cảm xúc khi bị ốm

Cửa ngõ trăng soi, ao ánh hoa.

Xuân về sắp hết chạnh lòng ta.

Gặp nhau ngày nọ xin đừng nhắc,

        Nhìn vết châu hoen vạt áo là.

 

Bài thơ Dịch thơ
Khốc thứ nam Kính Chỉ

Thừa hoan trấp tải độc vô vi

       Thái tức quang âm sự chuyển phi.

Tự hữu từ thân thủ trung tuyến

    Tri tùng hà xứ thụ nhi y.

 

         Khóc thứ nam Kính Chỉ

     Hai chục năm qua hiếu một lòng

 Hỡi ôi! Thoáng chốc đã thành không.

       Nay còn sợi chỉ trên tay mẹ,         

    Đâu chốn trao con chiếc áo bông.

Nữ sĩ Huệ Phố làm thơ Đường minh triết nhân sinh về tính cách người phụ nữ cung đình và cụộc đời thăng trầm của họ trong lúc binh đao khói lửa. Chính danh sĩ Tùng Thiện Vương đã đánh giá: “Tập thơ Huệ Phố là tác phẩm của em gái cùng mẹ với tôi, Thái trưởng công chúa Tĩnh Hòa. Em ở trong cung khuê, thường đem học thức của mình dạy lại cho người khác. Lễ nhạc mùa thu, thơ văn mùa xuân, cây bút không rời tay, sách luôn đem theo bên mình. Chẳng bao lâu, nổi tiếng về Nho học, được tôn gọi là nữ sư… Công lao bỏ ra nhiều, thành đạt cũng lắm, văn chương cũng càng hay, hoàn toàn xứng đáng bậc thầy” [11].

                                                               ***

            Các thi phẩm của ba nữ sĩ “tam khanh”: Nguyệt Đình[8] (Trọng Khanh), Mai Am (Thúc Khanh) và Huệ Phố (Quý Khanh) đã tạo nên dòng thơ minh triết nhân sinh về lứa tuổi con gái nơi cung đình gắn liền với vận mệnh non sông đất nước, góp phần cho thơ ca xứ Huế giữa thế kỷ XIX một nét thanh lệ đáng yêu, nhẹ nhàng sâu lắng, trữ tình đầy day dứt và đam mê…

[[8] Công chúa Nguyệt Đình húy Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh 阮 福 永 禎(1824 – 1892)- hoàng nữ thứ 18 của vua Minh Mạng, biểu tự Trọng Khanh (仲 卿), hiệu Nguyệt Đình (月亭)- là chị cả trong nhóm “tam khanh“ nổi tiếng văn đàn thời Nguyễn và trong lịch sử văn học Việt Nam. Công chúa Nguyệt Đình từ nhỏ đã thông minh nhanh nhẹn, tính tình thuần hậu, giỏi cầm- kỳ- thi- họa- nữ công gia chánh. Năm 1849, bà đã sớm thông làu kinh truyện, sáng tác toàn thơ chữ Hán và tham gia hội thơ “Mặc Vân thi xã” do Tùng Thiện Vương phụ trách để cùng thưởng thức xướng họa thi ca. Nhưng thật tiếc cuối đời bà lại gặp nhiều gian truân vất vả…

Năm 1858 quân Pháp tấn công Đà Nẵng thì phò mã Phạm Đăng Thuật- chồng bà- đang thực thị trọng trách của triều đình tại Gia Định và đã hy sinh khi giặc Pháp chiếm được thành năm 1861. Trong suốt 10 năm sau đó, bà chỉ lo hương khói thờ chồng, sống cô đơn và làm thơ chép tay “Nguyệt Đình thi thảo” (月亭詩草). Đang lúc chiến chinh loạn lạc nên tập thơ chưa kịp in khắc đã bị thất lạc hoàn toàn, thật đáng tiếc !   

Chính danh sĩ Tuy Lý Vương Miên Trinh cũng đánh giá cao tập thơ “Nguyệt Đình thi thảo” (月亭詩草): “Xưa, phần nước Vệ ở Biến phong trong kinh Thi, bài Tái Trì là thơ của phu nhân Hứa Mục công, bài Hà Quảng là thơ của phu nhân Tống Hoàn công, thảy thảy phát ra từ tình cảm mà dừng lại ở lễ nghĩa, cho nên quốc sử khen ngợi và học giả tôn sùng… Nay việc làm của em, nhất nhất đều ngay chính. Như thế dù không có thơ cũng đã đủ để lưu truyền rồi, huống chi còn có thơ nữa, thì những người thu thập về sau mà ta biết thế nào cũng có, ắt chẳng đáng chép đi in lại vài lần sao?”].

                                                                          ***

 Vương triều Nguyễn thời thịnh trị (1802-1883) nổi lên các vị vua yêu nước, anh minh và hay thơ cùng với các vương tôn hoàng tử, công chúa nổi tiếng thi ca đương thời. Với học vấn uyên thâm và trí tuệ cao siêu, các danh sĩ nữ sĩ ấy đã tạo nên một dòng thơ vương triều uyên bác, thanh cao và giá trị hàn lâm nghệ thuật đặc sắc minh triết nhân sinh… Nguồn di sản văn thơ qúy giá này hiện đang được lưu giữ trong kho tàng văn học Việt Nam rất đáng trân trọng cần được khai thác và lan tỏa trong thời đại truyền thông số 4.0 (AI) phát triển vũ bão hiện nay.

 Đúng như cố giáo sư sử học Phan Huy Lê đã khẳng định: “Các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã đi vào lịch sử, nhưng di sản văn hóa mà thời kỳ đó tạo dựng nên, kết tinh những giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc thì mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước và giữ vai trò động lực tinh thần chấn hưng văn hóa dân tộc, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hôm nay” !  [Trích trang 23 “Kỷ yếu: chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn 10-2008” ].                                              TTMT