VỊ GIÁO SƯ CHÂN TÌNH, UYÊN BÁC (Nhân đọc cuốn sách “NGUYỄN KHẮC PHI – NGƯỜI THẦY TÀI HOA, TẬN TỤY”)

Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, một chuyên gia, cố vấn thông tuệ về thơ Đường ở Việt Nam, là một nhà sư phạm, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn học, đã có nhiều đóng góp cho nền giáo dục và học thuật nước nhà. Nhiều vị Giáo sư, đồng nghiệp nhắc đến ông với lòng kính phục. Nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh biết ơn và tôn vinh thầy, luôn nhớ đến công ơn dạy dỗ, đào tạo của ông. Cuốn “Nguyễn Khắc Phi – Người thầy tài hoa, tận tụy” do các học trò của Thầy Phi là ThS. Nguyễn Duy Kha, TS. Nguyễn Thị Nương và TS. Nguyễn Thị Hồng Vân tuyển chọn, được xuất bản lần đầu vào năm 2014, nhân dịp GS. 80 tuổi và tái bản năm 2019, nhân GS. 85 tuổi. Tuyển tập được người đọc rất hoan nghênh, ngay từ lần xuất bản đầu tiên, đã là một trong 35 cuốn sách được trao giải thưởng “Sách đẹp Việt Nam” lần thứ 11, năm 2015.

Thày Phi phát biểu trong buổi Liên hoan thơ Đường

Trong cuốn tái bản, ngoài hai phần “Nguyễn Khắc Phi trong lòng bạn bè và học trò”; “Một cây bút đa năng” của lần xuất bản đầu, còn thêm Phụ lục gồm các bức ảnh và bản thống kê những công trình nghiên cứu tiêu biểu của Giáo sư – Cố vấn.  

Giáo sư Nguyễn Khắc Phi sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở Sơn Hòa (nay là xã An Hòa Thịnh), Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cha ông là Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm, từng dâng lên vua Thành Thái “Tứ tôn châm: Tôn Tộc đại quy; Tôn Lộc đại nguy; Tôn Tài đại thịnh; Tôn Nịnh đại suy” . Anh ông là bác sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu chính trị nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện, được mệnh danh là “Cụ Hồ con ở Pari”, như Giáo sư Nguyễn Đình Chú viết trong cuốn “Nguyễn Khắc Phi – Người thầy tài hoa, tận tụy”. Các anh, chị em khác của ông đều là những người nổi tiếng, học vấn cao, như Nguyễn Khắc Dương, Nguyễn Khắc Phê, Thiếu Anh, Nguyễn Thị Nhuần, Phương Thảo, Dư Khánh. Các con, cháu của GS. cũng là những người thông minh, có bản lĩnh, đặc biệt là người con cả Nguyễn Chí Linh (Linh Lioa), một doanh nhân thành đạt. Cho đến nay, không những “Tam đại” đều nổi tiếng, mà các thế hệ kế tiếp nối nghiệp ông cha, tiếp tục làm rạng danh cho gia tộc, bởi vì đại gia đình luôn tuân theo phương châm “Dĩ thân tác tắc” (Lấy mình làm mẫu) của Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm để giáo dục con cháu. Về gia đình Giáo sư  Nguyễn Khăc Phi, báo Quân đội Nhân dân cuối tuần đã giới thiệu rất kỹ trong bài “Những gia đình khoa bảng Việt Nam”.

Cuốn sách “Nguyễn Khắc Phi – Người thầy tài hoa, tận tụy” giới thiệu những bài viết của nhiều học giả, đều tỏ lòng khâm phục kiến thức phong phú, sâu rộng, uyên thâm, sức viết dẻo dai, đa năng của Giáo sư – Cố vấn, một nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà quản lí và tổ chức giáo dục. Tấm gương tự học của GS. cũng rất đáng khâm phục. Chỉ riêng việc tự học ngoại ngữ để sử dụng 4 thứ tiếng là rất đáng kính nể. Gần đây nhất GS. đã cho ra mắt cuốn “Ngôn ngữ thơ Trung Hoa”, dịch từ tiếng Pháp, một công trình nghiên cứu có giá trị khoa học cao của Francois Cheng, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Pháp.

Nhiều học trò của GS. vẫn còn xúc động khi nhớ lại những kỉ niệm sâu sắc về tác phong tỉ mỉ, cởi mở, bình dị, chân tình, quan tâm đến cả cuộc sống đời thường của bạn bè, của sinh viên. Có thể nói, tác phong đó và đức tính thẳng thắn, sẵn sàng chịu trách nhiệm luôn đồng hành cùng ông, có mang dấu ấn của quê hương, nơi sinh thành. Những cộng sự gần gũi của GS. nhận xét ông là “một trí thức đa tài, sắc sảo, có bản lĩnh…”. (TS. Nguyễn Quý Thao, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam). Có thể nói, những đức tính đó và tư duy uyên bác của GS. mang truyền thống của gia đình, dòng họ.

Đúng như đầu đề cuốn sách đã ghi, GS. là một người tận tụy. Ông hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn, một chuyên gia hàng đầu về văn hóa – văn học Trung Quốc nói chung và thơ Đường nói riêng, một người đi tiên phong trong lĩnh vực văn học so sánh. Về trình độ, phong cách và tâm huyết của GS. trong công tác biên tập, bất cứ ai tham gia làm việc này, dù là nghiệp dư hay chuyên nghiệp, cũng phải học tập. Với tác phong làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ, khi biên tập bất cứ cuốn sách, tài liệu  nào, GS. cũng soi tìm đến ngọn nguồn thật chính xác của từng câu, từng chữ. Đối với các biên tập viên, không bao giờ ông tha thứ cho bệnh qua loa, cẩu thả. Với vốn Hán văn uyên bác, GS. đã có nhiều đóng góp để duy trì và phát triển thơ luật Đường ở Việt Nam, đặc biệt là những ý kiến phát biểu sâu sát, bổ ích trong các buổi hội nghị, hội thảo liên quan đến thơ luật Đường, kể cả những nhận xét phản biện rất sắc sảo.

  1. Nguyễn Khắc Phi là một người tài hoa, rất nghiêm túc trong công việc và cũng rất nghệ sĩ trong đời thường. Ông sáng tác thơ Đường và họa thơ rất nhanh, kể cả tiếng Việt và tiếng Hán; khi cần, có thể biểu diễn kinh kịch bằng tiếng Trung Quốc. Khi hứng, GS. vừa chơi guitar, vừa hát các bài do tự mình sáng tác bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Nga. Ông từng sáng tác và điều khiển dàn hợp xướng lớn của nhà trường. GS. cũng là người đam mê thể thao, trong một buổi, có thể chơi hàng chục sec bóng bàn. Ông từng đoạt nhiều giải bóng bàn ở Nhà xuất bản Giáo dục và vô địch đôi nam của các cơ quan Bộ giáo dục. Chỉ qua mấy câu thơ liên quan đến bóng bàn sau đây, cũng thấy được tính hài hước, hóm hỉnh của GS.:

 “Hôm qua tranh giải công đoàn

Bỏ quên chiếc áo trên bàn pinh pông

Em được có cho anh không

Hay là em để cho chồng em ghen?!”

Tôi không được làm học trò của thầy Phi, nhưng vẫn luôn coi GS. như một người Anh kính mến. Tôi cũng không thể giới thiệu đầy đủ được cuốn sách dày 340 trang, khổ 16x24cm, chỉ xin cảm tác mấy câu thơ sau:

VỊ GIÁO SƯ CHÂN THÀNH, UYÊN BÁC

Giáo sư am hiểu luật thơ Đường

Thông tuệ, chân thành, một tấm gương

Cảm nhận, thấu tình nhân thế giới

Thấm nhuần, tạc dạ nghĩa quê hương

“Tộc”, “Tài”  tôn trọng, nền “Tam đại” (1)

“Lộc”, “Nịnh” coi khinh, lẽ “Ngũ thường” (2)

Tám bảy tuổi đời (3) tràn sức trẻ

Tim hồng sung mãn nghiệp văn chương.

(1) Noi theo “Tứ tôn châm” của Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm, các thế hệ con cháu đều thành đạt.

(2) Ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

 (3) GS. Nguyễn Khắc Phi sinh năm 1934, năm 2021 này 87 tuổi.

  1. Đinh Nho Hồng