VÀI SUY NGẪM VỀ NHỮNG ÁNG THƠ HAY CỦA HOÀNG ĐẾ MINH MẠNG Nhà giáo Trần Quang Tuyến

 

VÀI SUY NGẪM VỀ

                      NHỮNG ÁNG THƠ HAY CỦA HOÀNG ĐẾ MINH MẠNG

                                                                                   Nhà giáo Trần Quang Tuyến

            

         Triều đại nhà Nguyễn – Một triều đại bản lề giữa hai chế độ Phong kiến đế quốc và chế độ dân chủ cộng hòa. Một trièu đại có tới 13 đời vua tồn tại suốt 143 năm (1802 – 1945). Người tại vị lâu nhất là vua Tự Đức (36 năm).Người ngắn nhất là Hiệp Hòa (3 ngày). Vua Hàm Nghi và vua Duy Tân do chống Pháp nên bị Pháp bắt đi đày sang châu Phi. Vua Duy Tân sau đó gia nhập quân đội Pháp là một phi công. Một lần lái máy bay bị mất tích trên đại dương. Có tin cho rằng ông định lái máy bay về Việt Nam tiếp tục ý chí cứu nước của mình !.

     Với truyền thống độc lập dân tộc,các vị vua của Việt nam ta dù xuất thân từ tầng lớp nào,hầu hết đều có lòng yêu nước thương dân. Các vị vua triều Nguyễn không là ngoại lệ. Do vậy văn thơ của các vị vua quan đều mang đậm tinh thần ấy.Đó là hồn cốt của nội dung các bài thơ văn của các tác giả vua quan triều Nguyễn.Qua các bài thơ ta hiểu được thế giới tinh thần của các vị Hoàng đế triều Nguyễn tiêu biểu – Yếu tố quan trọng nhất định hình nhân cách và mọi hoạt động của người đứng đầu đất nước.Và cũng  giúp ta hiểu được thực trạng xã hội thời đó.

     Trong vòng 21 năm trị vì vua Minh Mạng đã  làm hơn 3500 bài thơ . Một số lượng cực lớn. Một kỷ lục sáng tác thi ca trong lịch sừ nền văn chương Việt nam. Về nghệ thuật nhà vua không mấy chú tâm. Nhưng có một mạch nguồn truyền thống ngôn chí và tải đạo. Tôi xin có một vài thiển ý của mình về thơ Hán nôm của Vua MINH MẠNG.

     Vua Minh Mạng là một tác gia lớn, sáng tác rất nhiều thể loại (biểu ,dụ ,luận,văn tế…thơ…). Nhưng thơ ngài chỉ xếp sau công việc triều chính ; thơ ngài không phải để tranh hay ; thơ là từ tâm mà có, và từ chí mà phát ra.Thơ còn phát minh ra đạo mẫu. Ngài là bậc đại thánh chế tác khác tầm thường.Mở lối trị vì văm minh cho đời sau. Vua bảo , Vua tôi rỗi rãi làm thơ, không những mua vui mà còn ngụ ý khuyên răn lẫn nhau nữa.Chứ đâu phải lấy thơ làm khí cụ chính trị . Hãy xem bài thơ xuân Tân Mão của vua:

     TÂN MÃO NGUYÊN ĐÁN

     Li đoan tập chí hỉ huyên hòa

     Nguyên đán hữu tường cát sự đa

     Vũ trụ dung di phồn tứ vật

     Vũ dương thời nhược trướng gia hòa

     Kiên kỳ phân tĩnh ninh hồng hải

     Dụ khẩn ba điềm thuận đại hà

     Vạn tính đồng hân thùy phúc hỗ

     Cửu châu công nhạc quản huyền ca.

 

Dịch nghĩa:  NGÀY TẾT NĂM TÂN MÃO

     Đầu năm gom phúc vui mừng vì tiết trời ấm áp

     Tết Nguyên đán có nhiều điềm lành nhiều việc tốt

     Vũ trụ ấm áp vạn vật phát triển

     Bốn mùa mưa nắng thuận hòa cây lúa tốt tươi

     Khẩn cầu cho khí xấu lặng xuống để sóng to biển cả lặng yên

     Nguyện mong sóng lặng sông lớn thuận dòng

     Trăm họ cùng hân hưởng phúc bền

     Chín châu cùng ca hát vang tiếng đàn tiếng sáo.

                                  (Ngự chế thi nhị tập quyển 1)

Hay bài: TÂN MÃO LẬP XUÂNTHIẾP TỬ

     Niên sơ niên đế thủy chung xuân

     Tam bách hữu linh dư bách tuần

     Nhẫm nhiễm quang âm tương lạp tận

     Trữ khan minh tuế vật hoa tân

     Thử vãng hãn lai hựu ngộ xuân

     Bỉ quy niên cựu thái niên tân

     Thiều quang cửu thập tòng đầu số

     Vạn lục thiên hồng thứ đệ trần

     Lạp nguyệt tiên hân dĩ lập xuân.

     Thâm tư hà dĩ ủy lê dân

     Đào hồng liễu lục phi ngô hảo

     Hà thuận niên phong thị ngã trân

 

Dịch nghĩa : VIẾT THIỆP LẬP XUÂN NĂM TÂN MÃO

     Đầu năm cuối năm đầu xuân cuối xuân

     Trãi qua hơn ba trăm linh tám tuần

     Thời gia năm tháng sắp hết tháng chạp

     Đứng trông năm mới sự vật nở hoa mới

     Nóng qua lạnh tới lại gặp mùa xuân

     Bỉ cực thái lai năm mới về

     Thiều quang chín chục theo đứng đầu

     Muôn sắc xanh ngàn sắc đỏ lần lượt phô ra

     Tháng chạp vui mừng vì trời đã lập xuân

     Trong lòng đau đáu suy ngẫm lấy gì để an ủi dân

     Đào buông sắc đỏ liễu rủ sắc xanh,chẳng phải là điều Trẫm ưa thích

     Sông ngòi thuận dòng được mùa là điều Trẫm cho là quí.

                                             (Ngự chế thí tập quyển 10)

         Vua trải lòng, tâm ta đau đáu lấy gì để an ủi dân. Đào buông sắc đỏ – liễu rủ màu xanh,làm vua phấn khích. Sông ngoài thuận dòng, mùa màng bội thu vua coi là quí .Thơ vua xuất phát từ TÂM là thế !

      Qua lời thơ nhà vua thành tâm cầu đảo trời ban phúc lành cho muôn dân bá tánh. Tâm nguyện của vua cầu được mưa nắng thuận hòa. Mùa màng tươi tốt; tết đến xuân về có nhiều điềm lành việc tốt, mọi nhà an vui hưởng phúc.

      Nói về mạch nguồn truyền thống ngôn chí ,tải đạo. Điều này thể hiện rõ nét qua bài Tự bạch của vua Minh Mạng : “ Thơ ta làm phần nhiều là tự răn mình về đạo kính trời yêu dân; so sánh lúc tạnh lúc mưa để xem thời tiết…(hoạch định chế sách cho nhà nông nhà binh và các bộ ngành khác). Không nói những lời hoa hòe chải chuốt để người ta thích nghe”. Vì thế tác giả không đặt nặng việc phân tích nghệ thuật mà suy ngẫm nhiều về đạo lý; về trách nhiệm của người đứng đầu đất nước đối với xã tắc và đời sống lê dân. Về khía cạnh này Vua Minh Mạng thhực sự tiêu biểu. Do vậy những tư duy của nhà vua đã qua hai thế kỷ mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị .Như bài thơ :

               TỰ HUẤN

     Quân đạo quí nạp ngôn

     Phải phân biệt tà chính

     Chính ngôn tất miễn tòng

     Tà ngôn vật khả thính

     Gian quí vị thân gia

     Trung thành mưu quốc chính

     Hào ly thiên lý sai

     Nhật dạ trừng tâm kính.

Dịch thơ:

           TỰ RĂN MÌNH

     Đạo vua phải lắng nghe

     Luôn phân biệt tà chính

     Tin dùng lẽ thẳng ngay

     Chớ nghe lời xu nịnh

     Kẻ gian lo nhà  mình

     Người trung chăm triều chính

     Sai một ly đi một dặm

     Ngày đêm lòng như kính

                    Người dịch:Nguyễn Huy Khuyến

     Lời lẽ bài thơ như là một bản “Tuyên ngôn” về nguyên tắc ứng xử trong triều chính quốc gia; về cách dùng người. Hai chữ “Quân đạo” ( đạo của vua ) đã nói điều đó. Để minh chứng cho “ Quân đạo” năm 1820 vua ra chiếu cầu lời nói thẳng như sau :

     “ Trẫm nghe đường ngôn luận mở rộng thì nước mới trị. Vua muốn nghe lỗi của mình ,tất phải đợi ở tôi ngay.Vậy cho các quan văn võ ở kinh từ tứ phẩm trở lên, các quan hành dinh ở ngoài đều lo cố gắng đua nhau đối đáp rõ rệt. Hoặc lỗi chính ở trẫm ; Về kính đức nối sáng có thiếu, về ân nhân yêu giữ chưa tròn… Lại  phàm nghe thấy chính sự có thiếu sót; dân tình có khổ sở, đều cho dùng phong bao mà tâu thực lên, để vua tôi sửa chữa lẫn nhau”. Không những khuyên mà bằng hành động cụ thể – Năm 1830 hai đại thần Phan Thanh Giản và Trương Đăng Quế dâng lên vua bản tụng với lời hoa mỹ ngợi ca vua. Vua phê thẳng vào bài văn :” Trẫm có thích nghe nịnh ngoài mặt đâu” và ném trả ; truyền chỉ quở mắng”.

     Vua Minh Mạng cũng đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp ,đời sống nông dân. Vua cho ra cuốn sách chủ đề về nông thôn và nông dân có ba phần:

     -Ngự đề về nhà nông.

     -Ngạn ngữ nhà nông.

     -Lễ tiến nông.

 Năm 1832 vua viết bài thơ:

           VỊ NÔNG NGÂM

     Đêm đến mưa vui trận trận qua

     Hạt tuôn từng đợt gió mưa sa

     Hắt hiu gió rét mùa xanh lá

     Lõm bõm đồng sâu áo bạc tà

     Mặc ấm ghi ơn người  dệt vải

     Ăn no nhớ nghĩa kẻ đồng xa

     Bao đời trọng nỗi gian nan ấy

     Chẳng lúc nào ngơi tiếng ngợi ca

        ..Đó là tấm lòng thương yêu đồng cảm của vua nghĩ đến sự vất vả của người dân ngoài đồng nội lúc mưa sa gió rét :

     Hắt hiu gió rét mùa xanh lá

     Lõm bõm đồng sâu áo bạc tà

Vua khuyên chúng ta có được miếng cơm để no lòng phải nhớ đến công lao kẻ đồng xa ; có manh vải che thân khi gió rét phải nhớ tới người dệt vải:

     Măc ấm ghi ơn người dệt vải

     Ăn no nhớ nghĩa kẻ đồng xa

     Bài thơ mang ý nghĩa sâu sắc,còn nhắc nhở chúng ta, nông nghiệp và nông dân là căn bản sự tồn vong của đất nước cho muôn đời sau.Ngay cả bây giờ cho dù khoa học công nghệ trên thế giớ đang phát triển như vũ bão . Nước Việt nam ta nông nghiệp vẫn chiếm vị trí quan trọng.Không thể coi thường. Trộm nghĩ,lấy hết ruộng đồng làm đường giao thông, công trình phúc lợi … với góc nhìn “phát triển” xã hội –  Có ai thấy sự tươi đẹp phù sinh tiềm ẩn không !.Lúc có biến cố thì sao. Công nghiệp đình đốn,không có việc làm,không có thu nhập, liệu có chỗ lui về bươi đất nhặt cỏ để sống … Có lẽ đó là cái tâm của vua qua lời thơ nói về nông nghiệp nhắn gửi hậu thế !

     Về đào tạo nhân tài cũng rất được coi trọng .Vua đã thể hiện bằng hành động và qua lời thơ. Tại kỳ thi hội khoa Mậu Tuất 1838 Vua ngự giá xem gặp lúc mưa rét, vua ban rượu; cho sĩ tử ăn cơm, lò sưởi, đệm cỏ và đọc mấy câu thơ vừa viết:

     Trời tuyết cho than buổi sáng nay

     Anh hoa nhả hết rạng khoa này

     Mới hay tùng bách càng ưa rét

     Cố gắng cùng nhau báo ơn dày.

     Nội dung bài thơ là động viên khích lệ sĩ tử về tinh thần để tìm nhân tài  cho đất nước. Âý thế mà bồi bút hậu thế lại nhìn nhận không đúng về  việc này. Rằng thời vua Minh mạng không quan tâm trọng dụng người tài (thi cử không lấy trạng nguyên) Bài thơ trên là minh chứng bác bỏ nhận định trên.

    Điều kiện không cho phép – không thể nói hết.Nhưng có thể khẳng định rằng thơ của Vua Minh Mạng mang khẩu khí đế vương. Biểu hiện tài năng trong trị vì,cần chánh trong  công việc. linh hoạt trong sáng tác thơ. Những viêc đó không phải để trước ngôn lập chí, mà để kính trời yêu đân. Noi theo tổ pháp , trọng nông nghiệp; khuyến khích nho học tìm người hiền; hiếu kính tứ thân.

      Suối nguồn thơ văn của vua thật dạt dào trong tâm hồn. Thi tứ cứ tuôn chảy trong suy nghĩ và hành động của vua. Lại có thể nói : Thơ của vua Minh Mạng muốn khẳng định rằng, thơ của ngài chỉ để phục vụ việc nước .Ngoài ra còn hàm ý nhắn với thiên hạ rằng : Nước Đại Nam thống nhất – một nước có ngàn năm văn hiến – có văn thơ lưu truyền trong thư tịch ; có bia đá khắc ghi thơ đặt nơi cung điện hay vách núi; và nơi công cộng để mọi người biết và thưởng ngoạn.

     Âm hưởng thơ của vua Minh Mạng còn vang vọng mãi muôn đời sau !

 

                                                              Thanh hóa ngày 7/6/2024                                                                                                                           T .Q. T