VÀI CẢM NGHĨ VỀ TRIỀU TRẦN VỚI THƠ ĐƯỜNG LUẬT. Bài viết của nhà giáo Trần Thùy

 

NHỮNG NÉT MỚI TRONG SỰ PHÁTTRIỂN XÃ    HỘI VÀ VĂN HÓA DƯỚI TRIỀU TRẦN.

I/ SƠ LƯỢC VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRIỀU TRẦN.

Triều Trần (1225 – 1400) là một triều đại quân chủ phong kiến, được lưu danh với những chiến công hiển hách trong lịch sử Việt Nam. Triều đại này khởi đầu khi Trần Cảnh lên ngôi vào năm 1225 sau khi được vợ là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi. Những năm đầu tiên, Trần Cảnh còn nhỏ tuổi, toàn bộ quyền hành của nhà Trần đều do một tôn thất vai chú của Trần Cảnh là Trần Thủ Độ nắm quyền điều hành triều chính.

Trong giai đoạn nắm giữ quyền lực, nhà Trần vẫn đóng đô ở Thăng Long – kinh đô triều cũ, tiếp tục mở rộng và phát triển sự hưng thịnh có từ đời nhà Lý. Về sách lược trị vì, các hoàng đế nhà Trần cũng xây dựng bộ máy nhà nước hoàn thiện hơn so với nhà Lý, họ tạo nên một hệ thống đặc biệt, trong đó các Hoàng đế sẽ sớm nhường ngôi cho Thái tử mà lui về làm Thái thượng hoàng, tuy nhiên vẫn cùng vị Hoàng đế mới điều hành chính sự. Việc này được đánh giá là tích cực, khi ngôi Hoàng đế sớm có chủ, tránh được việc tranh giành ngôi vua như triều đại nhà Lý trước đó; và bản thân vị Hoàng đế sẽ tiếp xúc và làm quen việc cai trị cho đến khi trưởng thành. Các mặt kinh tếxã hộigiáo dục và nghệ thuật cũng hoàn chỉnh hơn và cho thấy Nho giáoĐạo giáo đã có ảnh hưởng rõ rệt tới triều đại, tạo ra cục diện Tam giáo đồng nguyên, sự cân bằng ảnh hưởng của Phật giáo – Nho giáo – Đạo giáo. Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông được coi là một danh nhân văn hóa nổi tiếng, người bảo trợ Phật giáo và Đạo giáo, thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nổi tiếng và truyền đến đời nay. Bên cạnh đó, những danh thần Đoàn Nhữ HàiMạc Đĩnh ChiNguyễn HiềnNguyễn Trung NgạnTrương Hán SiêuChu Văn AnTrần Quang Triều,… là những cái tên nổi danh về tri thức, thơ văn, góp phần to lớn tạo nên thời kỳ nhà Trần hưng thịnh văn hóa.

Nước Việt dưới đời Trần xuất hiện nhiều thiên tài quân sự, tạo nên những chiến công sáng chói trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, nhân tài đời Trần không chỉ giới hạn trong lãnh vực quân sự, mà còn có rất nhiều nhân vật, nhà văn, nhà thơ kiệt xuất trong lãnh vực văn học. Nếu thi ca và văn chương là nền tảng của tư tưởng Việt, tư tưởng đó được hệ thống hóa thành nhân sinh quan và triết lý Việt, thì đóng góp của triều Trần rất quan trọng trong việc phát huy một nền văn hóa thuần túy Việt Nam. Các triều đại nhà Trần đã để lại một nền văn học có phần vượt trội, hơn hẳn đời nhà Lý  Không những thế, dưới các triều đại này việc phổ biến chữ Nôm cho ta thấy người Việt đã bắt đầu phát huy một nền văn hóa đầy tự tin và ý thức độc lập, vượt lên khỏi ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Quốc

Sự chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần một cách khôn ngoan đã bảo tồn những thành tựu chính trị kinh tế văn hóa xã hội mà nhà Lý đã đạt được, trên cơ sở đó phát triển mạnh mẽ triều đại nhà Trần.

Những chiến công lẫy lừng trong công cuộc bảo vệ đất nước đã tạo đà cho thơ ca phát triển rực rỡ, nhất là thơ Đường luật.

II/ NHỮNG BÀI THƠ TIÊU BIỂU

1/ Bài thơ TỤNG GIÁ HOÀN KINH SƯ

          Tác giả:

Thượng Tướng Thái Sư Trần Quang Khải (1241 – 1294) là con thứ ba của vua Trần Thái Tông. Ngài không chỉ là một danh tướng kiệt xuất mà còn là một nhà thơ đã in dấu ấn trong nền văn chương nước nhà.

 

            




Phiên âm

          TỤNG GIÁ HOÀN KINH SƯ

Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu nỗ lực,
Vạn cổ thử gian san.

 

Dịch nghĩa

PHÒ GIÁ VỀ KINH

Cướp giáo giặc ở bến Chương Dương,
Bắt quân Hồ ở cửa Hàm Tử.
Buổi thái bình nên gắng hết sức,
Thì muôn đời mãi có giang sơn này.

Nguồn:  Thơ Văn Lý – Trần tập II,  NXB

 xã hội – 1988

Dịch thơ

BẢO VỆ VUA VỀ THĂNG LONG

Chương Dương giật giáo giặc Hồ

Hàm Tử bắt giặc như vồ vịt ngan

Thái bình gắng sức luyện rèn

Giang san xã tắc vững bền dài lâu.

                                     Trần Thùy dịch   

 Bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư”  ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt –giữa không khí hào hùng, ngây ngất men say của vinh quang chiến thắng mà tác giả của nó lại là người vừa lập công lớn trong chiến trận, nay lại phò giá về kinh. Tức cảnh sinh tình trong hào quang chiến thắng, tâm hồn vị tướng – nhà thơ, dạt dào cảm hứng thi ca kết tinh thành những vần thơ thật đẹp

          Đoạt sóc Chương Dương Độ

Cầm Hồ Hàm Tử Quan

          Dường như niềm xúc động quá mãnh liệt nên tác giả chỉ điểm hai chiến công hiển hách Chương Dương Độ và Hàm Tử Quan. Trận huyết chiến Chương Dương độ mà ta đã đánh cho quân thù kinh hồn bạt vía, cướp giáo giặc như lấy đồ trong túi; Hàm Tử Quan ta bắt tướng giặc như bắt con vịt con gà. Hai câu thơ mộc mạc với những động từ mạnh mẽ (đoạt), (cầm) gợi lên cho ta tiếng gươm khua, giáo đập, ngựa hí, tiếng thét tiến công, tiếng gào bỏ mạng, lửa cháy ngút trời, tiếng hò reo dậy đất… Sự rắn rỏi của từ ngữ đã làm sống dậy không khí trận mạc hào hùng.

Riêng chỗ này tôi mạn phép nói rằng “Cầm Hồ Hàm Tử Quan” chính là ta đã bắt sống tướng Toa Đô, tác giả không chỉ rõ tên tuổi mà chỉ nói bắt (cầm) giặc phương bắc ( Hồ ) cũng là lý do tế nhị, vì Ngài là vị tướng lỗi lạc, là nhà ngoại giao đại tài, không vạch mặt chỉ tên, để rồi 137 năm sau (1428) đại thi hào Nguyễn Trãi viết “Cáo Bình Ngô” ông tự hào nhắc lại :

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã

Việc xưa xem xét

Chứng cớ còn ghi.

                      (Ngô Tất Tố dịch )

Và tài tình thay, mạch cảm xúc đang thăng hoa trong chiến thắng lại chùng xuống như thấm vào lòng người một điều cần nhớ, vì trách nhiệm của vị tướng kiệt xuất không quên nhiệm vụ của mình là răn dạy quân sỹ với một tình cảm thiết tha vì sự tồn vong của xã tắc.

Thái bình tu nỗ lực,

Vạn cổ thử giang san.

Bao khó khăn vất vả, hy sinh, quân dân nhà Trần mới giành được chiến thắng cho nên Thượng tướng Thái Sư Trần Quang Khải hiểu rất rõ giá trị của thắng lợi vẻ vang này. Khi nền thái bình đã thành hiện thực Ngài nghĩ ngay đến việc bảo vệ nền thái bình ấy bằng cách “Thái bình tu nỗ lực”. Ông dạy thái bình ta phải gắng sức tu dưỡng rèn luyện trí, lực để:

Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.

Đăng sơn (Hồ Chí Minh)

Toàn thể quân dân tích cực tham gia sản xuất của cải vật chất thịnh vượng, dân giầu nước mạnh, có thế thì giang sơn gấm vóc của ta mới được thái bình bền lâu chứ đừng mải vui với hào quang chiến thắng mà quên nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước.

Với thể loại “Ngũ ngôn tứ tuyệt”, với hai mươi âm tiết mài giũa sắc bén, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã đúc kết một chiến thắng oanh liệt và mở ra một một ước vọng hòa bình vững bền của con dân Đại Việt. Hai luồng cảm xúc ấy quyện vào nhau nâng tầm bài thơ lưu dấu muôn đời trong trang sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

2/ Bài thơ BẠCH ĐẰNG GIANG

          Trần Minh Tông

Trần Minh Tông (1300 –  1357) tên thật là Trần Mạnh, là vị hoàng đế thứ năm của  triều Trần nước Đại Việt. Ông giữ ngôi từ ngày 3 tháng 4 năm 1314 đến ngày 15 tháng 3 năm 1329, sau đó làm Thái thượng hoàng đến khi qua đời. Thời kỳ của ông và cha ông được mệnh danh là thời kỳ hưng thịnh của vương triều nhà Trần, được sử gia xưng tụng là Anh Minh Thịnh Thế.

Tác phẩm:

  








Phiên âm

Bạch Đằng giang

Vãn vân kiếm kích bích toàn ngoan,
Hải thẩn thôn triều quyển tuyết lan.
Xuyết địa hoa điền xuân vũ tễ,
Hám thiên tùng lại vãn sương hàn.
Sơn hà kim cổ song khai nhãn,
Hồ Việt doanh thâu nhất ỷ lan.
Giang thuỷ đình hàm tà nhật ảnh,
Thác nghi chiến huyết vị tằng can.

 

Dịch nghĩa

Núi biếc cao vút, tua tủa như gươm giáo kéo lấy tầng mây,
Hải thẩn nuốt thuỷ triều cuộn làn sóng bạc.
Hoa vàng điểm tô mặt đất lúc mưa xuân vừa tạnh,
Tiếng sáo thông rung chuyển trời khi sương chiều lạnh lẽo.
Non sông này xưa nay đã hai lần mở mắt,
Cuộc hơn thua giữa Hồ và Việt thoáng qua như một lúc dựa vào  gốc cây lan.
Nước sông chan chứa rọi bóng mặt trời buổi chiều đỏ ối,
Còn ngỡ là máu chiến trường thuở trước chưa từng khô.

Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988

 

Dịch thơ

Núi như gươm giáo chạm tầng mây

Triều cuộn sóng thần biển nuốt ngay

Mưa sáng tạnh hoa xuân sắc thắm

Sương chiều buông tiếng sáo thông đầy

Non sông này đã hai lần thấy

Hồ – Việt hơn thua một thoáng say

Sông nước soi chiều tà đỏ ối

Ngỡ còn là máu trận vừa đây.

                                     ( Trần Thùy dịch)

Vào một buổi chiều mùa xuân khi mưa vừa tạnh, vua Trần Minh Tông ra thăm Bạch Đằng Giang, Ngài thấy bầu trời cao xanh, mây vờn từng đám trên đỉnh núi mà núi thì cao vút tua tủa như gươm giáo níu lấy tầng mây. Nước Bạch Đằng Giang cuồn cuộn chảy ra biển, tung bọt trắng xỏa, nhưng biển thì yên ắng như biển đã nuốt trọn Bạch Đằng Giang. Tức cảnh sinh tình Ngài viết:

          Vãn vân kiếm kích bích toàn ngoan

Hải thẩn thôn triều quyển tuyết lan

Với hai câu thơ thất ngôn mười bốn âm tiết, vua Trần Minh Tông đã khái quát toàn bộ một vùng sông, núi, biển khơi, phỉa đông bắc của nước Đại Việt thật tài tình, một vùng đất hiểm, một phên dậu kiên cố sẵn sàng bảo vệ biên giới thiêng liêng của Đại Việt.

Trước mắt chúng ta hiện lên cảnh mưa xuân vừa tạnh, hoa vàng điểm tô trên mặt đất lung linh, huyền ảo, rực rỡ của mùa xuân, tiếng thông reo vi vút như tiếng sáo làm rung chuyển cả bầu trởi giăng sương chiều lạnh lẽo

Xuyến địa hoa điền xuân vũ tế

Hám thiên tùng lại vãn sương hàn

Đây là cặp thực được Vương chau chuốt kỹ càng bằng những từ ngữ chuẩn về âm luật, đối ngẫu rõ ràng.

Ngắm núi nhìn sông nhà vua nhận ra nơi đây

Sơn hà kim cổ song khai nhãn

Hồ Việt doanh thâu nhất ỷ lan

Sông núi xưa nay hai lần được chứng kiến cảnh hai nước Hồ – Việt tranh giành hơn thua trong hai lần xâm lược của quân viễn chinh Nguyên Mông với quân dân Đại – Việt. Rõ ràng là “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” giặc Nguyên Mông thất bại thảm hại, quân dân nhà Trần thắng lợi huy hoàng đem lại thái bình cho non sông xã tắc, nhưng thắng thua đó nó cũng chỉ thoảng qua như con người mỏi mệt ngồi tựa vào gốc cây lan, một lúc lại khỏe ngay chỉ có sự tổn thất về con người là nỗi đau mãi mãi.

Giang thủy đình hàm tà nhật ảnh

Thác nghi chiến huyết vị tằng can

Nhìn sông nước đỏ ối dưới nắng xế chiều, tác giả bài thơ liên tưởng tới máu trận của hai bên còn loang trên dòng sông thủa trước vẫn chưa khô.

Với hai câu kết của bài thơ ta thấy rõ tính nhân văn trong tâm hồn vị vua đời thứ năm của nhà Trần, và cha con Ngài xứng đáng được sử gia xưng tụng là Anh Minh Thịnh Thế.

Với năm mươi sáu âm tiết được mài giũa tinh vi, vua Trần Minh Tông đã khắc họa được cái hiểm trở, cái đẹp tươi, cái kỳ vỹ của núi sông vùng đông bắc của Tổ Quốc. Ngài đã khêu gợi tính nhân văn trong việc bang giao với các nước láng giềng sao cho các bên cùng có lợi trên mối tình đoàn kết chung sống hòa bình.

III/ KẾT LUẬN

Sự phát triển của nhà Trần về tổ chức chính trị xã hội văn hóa có một sự tiến bộ rõ rệt hơn hẳn so với triều Lý trước đó cụ thể:

a/ Sự chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần có sự tính toán khôn ngoan khi Thái sư Trần Thủ Độ đã nhìn thấy vận của nhà Lý đã đến lúc suy tàn nên ông đã dàn cảnh để tránh sự đổ máu không cần thiết, minh chứng cho sự nhân văn của tầng lớp quý tộc nhà Trần “Không màng danh lợi cho cá nhân”

b/ Hệ thống lãnh đạo của nhà Trần được tổ chức khác biệt: khi vua chọn cho mình người nối dõi rồi lên làm Thái thượng hoàng để vua Con tập điều hành chính sự, như vậy tránh được sự tranh giành ngôi báu gây rối triều chính.

c/ Thơ Đường đã phát triển tới đỉnh cao, đã lập được Thi xã bích động” là “tổ chức văn học nghệ thuật đầu tiên” có tiêu chí hoạt động cụ thể mặc dù thời gian hoạt động chưa dài (tháng 5/1324 đến tháng 9/ 1325) thể hiện tư tưởng tổ chức văn học nghệ thuật của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của Việt Nam

          d/ Nhà Trần đã phổ biến chữ Nôm cho ta thấy người Việt đã biết phát huy nền văn hóa đầy tự tin với ý thức độc lập tự chủ của mình vượt lên khỏi sự lệ thuộc vào văn hóa Trung Quốc lúc bấy giờ.

                   Hà Nội ngày 01 tháng 7 năm 2021