TRIỀU NGUYỄN VÀ VĂN HOÁ TRIỀU NGUYỄN (Vấn đề và cách nghĩ) Nhà giáo Nhân dân GS Nguyễn Đình Chú

 

TRIỀU NGUYỄN VÀ VĂN HOÁ TRIỀU NGUYỄN

                      (Vấn đề và cách nghĩ)

             N.G.N.D GIAÓ SƯ Nguyễn Đình Chú

 

  1. Dù không phải là một người chuyên về sử học nhưng theo dõi tình hình sử học của nước nhà trong hơn nửa thế kỷ qua, tôi vẫn thấy vấn đề triều Nguyễn là một vấn đề vào loại gay cấn nhất. Ở đây sự bất đồng chính kiến không chỉ của các nhà sử giả mà kể cả một số chính khách khi có chuyện phải đụng đến triều Nguyễn đã khá là rõ rệt, cũng có thể nói là quá gay gắt. Tuy nhiên, cũng có một sự thật là theo thời gian, với độ lùi của tâm lý nhận thức của nhiều người, xu hướng giảm nhẹ sự bất đồng, để xích lại gần nhau trong cách đánh giá triều Nguyễn cũng đã diễn ra đáng kể. Mặc dù để có một sự thống nhất cao độ trong nhận thức về triều Nguyễn tạo thuận lợi cho việc giảng dạy về triều Nguyễn trong nhà trường phổ thông cũng như đại học, cũng chưa phải đã hoàn toàn đơn giản. Đó đây, ngay cả trong giáo trình sử của khoa sử ĐHSP HN chúng ta, nếu tôi không lầm thì xem ra vẫn chưa đi ra khỏi quỹ đạo nhận thức về triều Nguyễn một thời theo hướng lên án gay gắt là bao nhiêu. Cho nên việc khoa sử trường ta tổ chức hội thảo về việc giảng dạy triều Nguyễn trong nhà trường với quy mô lớn như thế này là một việc làm rất đáng hoan nghênh trên nhiều phương diện. Bởi về mặt khoa học cơ bản, mặc dù không đựơc đặt ở vị trí trọng tâm của nội dung cuộc hội thảo (trọng tâm là việc giảng dạy triều Nguyễn ở nhà trường), nhưng chắc chắn cũng có những kết luận mới, chí ít cũng củng cố thêm những kết luận mới đã có đó đây. Còn về mặt sư phạm thì quả cuộc hội thảo hẳn là rất cần cho việc dạy sử về triều Nguyễn ở nhà trường phổ thông và đại học sắp tới đây. Chỉ mong sao các nhà quản lý giáo dục, kể cả các nhà quản lý văn hóa tư tưởng của đất nước sẽ dựa nhiều vào kết quả cuộc hội thảo đáng giá này để điều chỉnh lại việc giảng dạy triều Nguyễn trong hệ thống nhà trường Việt Nam sao cho đúng đắn hơn chứ không thể như trước đây đã có.
  2. Việc đổi mới nội dung giảng dạy triều Nguyễn trong nhà trường không thể không bắt đầu từ việc đánh giá lạ triều Nguyễn trên phương diện khoa học cơ bản. Xuất phát từ ý nghĩ tự tự thấy là vô cùng quan trọn đó, chúng tôi xin được phát biểu về triều Nguyễn và văn hoá triều Nguyễn với mục đích trực tiếp chưa phải là để có kết luận cuối cùng, mà đang là ở trạng thái nên vấn đề và tìm cách nghĩ sao cho thoả đáng trước các vấn đề được nêu hy vọng rằng đây là cách tối ưu để tìm ra kết luận tối ưu. Cũng xin nói thêm những vấn đề được nêu lên sau đây không chỉ là vấn đề thuộc về chính trị xã hội triều Nguyễn mà còn là vấn đề thuộc về văn hoá triều Nguyễn. Chúng tuy hai nhưng là một. Tuy một nhưng là hai. Do đó phải đặt cả hai ra để xem xét cùng một lúc.

          2.1 Trứơc hết phải thấy một sự thật là trước cách mạng tháng Tám 1945, nhìn chung, trong tình hình học thuật của nước nhà chưa có thái độ phê phán gay gắt triều Nguyễn. Và sau 1945 cho đến trước 1975, tại các đô thị thì bị chiếm đòng, nói chung cũng không lên án triều Nguyễn, thậm chí với ông vua này ông vua khác của triều Nguyễn vẫn được đề cao. Trong tình hình chung đó, phần viết về triều Nguyễn của học giả Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược dường như đã được dư luận phần đông coi là đáng chú ý hơn cả. Các sử gia ở miền Nam sau 1954 trước 1975 về quan điểm xem ra cũng không có gì đáng kể so với Việt Nam sử lược. Triều Nguyễn bị lên án gay gắt là thuộc phạm vi sử học Mác xít từ sau cách mạng tháng Tám 1945. Kể ra thì không phải đến thời đại sử học Mác xít, triều Nguyễn mới bị lên. Phan Châu Trinh chẳng đã lên án chế độ phong kiến nói chung trong đó có triều Nguyễn khi cụ nói: “Vua là quốc tặc” (vua là thằng giặc của nước). Phan Bội Châu, trong Việt nam vong quốc sử cũng chẳng đã nói: “Nguyễn triều của Việt Nam cũng như Mãn Triều của Trung Quốc đều là phường chó chết cả”. Cả trong hải ngoại huyệt thư, cụ cũng đã viết: “Cơm ngự thiện bữa ngàn quan/ Ngoài ra dân đói dân tàn mặc dân/ Hỏi đến kẻ phùng quân du mị/ Nói đến người kiều Mỹ cung phi/ Còn dân khốn khổ trăm bề/ Cầm như tái mắt chẳng nghe thấy nào/ … Khi giặc đến người trong phản trước/ Đem của dân vạch chướng hoà thân/ Dần lâu các tỉnh mất dân/ Mười phần thổ địa nhân dân còn gì …” Ngược thời gian lên cuối thế kỷ 19, cũng thấy thái độ lên án triều Nguyễn được thể hiện trong văn chương của cả sĩ phu yêu nước và dân gian không ít. Nhưng cũng phải thấy rằng đến thời đại Mác xít, triều Nguyễn mới bị lên án gay gắt nhất, có nhiều lý lẽ nhất, mặc dù cho đến nay thì lại chính giới sử Mác xít, chưa phải là tất cả, nhưng đã có một bộ phận đang làm việc điều chỉnh lại cách đánh giá triều Nguyễn với các mức độ khác nhau. Người có chừng mực, người quá khích, cực đoan. Riêng khoa sử ĐHSP HN chúng ta tôi chưa được biết hôm nay thì đã có sự điều chỉnh, ở mức nào chứ trước đây thì có vẻ thuộc tường phải gay gắt đấy.

          2.2 Vì lẽ gì, triều Nguyễn bị lên án? Và triều Nguyễn bị lên án như thế nào? Với văn thơ yêu nước chống pháp cuối thế kỷ 19, động cơ phê phán là quan điểm vì độc lập dân tộc. Triều Nguyễn không dám chống Pháp để bảo vệ độc lập dân tộc, lại còn thoả hiệp với thực dân Pháp cho nên bị phê phán. Nôi dung sự phê phán này hầu như không liên quan gì đến vấn đề chế độ chính trị phong kiến. Còn đến những lời phê phán của các chí sĩ cách mạng đầu thế kỷ XX thì ngoài quan điểm vì độc lập dân tộc, ít nhiều còn do sự thay đổi quan điểm về chế độ chính trị xã hội. Nghĩa là ở đây do ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản mà có thêm sự phê phán triều Nguyễn vốn là một vương triều phong kiến. Riêng với thời đại Mác xít, sự phê phán triều Nguyễn không chỉ từ quan điểm độc lập dân tộc mà còn là với tư tưởng dân chủ mới, với lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa vốn có cảm hứng triệt để phủ nhận các chế đọ xã hội đã có trước nó trong lịch sử nhân loại. Sự lên án của người Mác xít đối với triều Nguyễn sở dĩ triệt để hơn là còn do liên quan tới một vấn đề có tính chất quy luật trong lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử các nước trên thế giới là sự phủ nhận của chế độ vừa được thay thế đối với chế độ vừa bị thay thế từ hai nguyên nhân: Chế độ cũ đã thối nát đến mức bị thay thế, do bị phê phán cũng là đáng đời. Chế độ mới vừa được thiết lập lại rất cần tự khẳng định bằng nhiều cách, nhiều hướng trong đó có một cách, một hướng là phủ nhận, lên án chế độ cũ trực tiếp của mình. Điều này đã quá rõ với các sử gia. Xin miễn dẫn chứng. Vậy thì triều Nguyễn đã bị các sử gia Mác xít kết tội như thế nào?

          Triều Nguyễn đã bị kết án về mấy tội lớn như sau:

          – Thứ nhất là tiêu diệt, thành quả của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, triều đại Tây Sơn mà dưới con mắt của sử gia Mác xít là một cuộc khởi nghĩa, một vương triều đã có công lao rất to lớn đối với lịch sử: Chiến thắng thù trong giặc ngoài, thống nhất đất nước, mở ra triển vọng đưa đất nước chuyển từ hình thái xã hội phong kiến sang hình thái xã hội tư bản.

          – Thứ hai là tái lập lại chế độ phong kiến với một trạng thái phản động nhất lịch sử phong kiến Việt Nam. Đây là một ác kéo lùi, bẻ cong lịch sử đang trên đà tiến lên.

          – Thứ ba là tội cõng rắng cắn gà nhà, bán rẻ chủ quyền của đất nước cho thực dân Pháp, làm tay sai bù nhìn cho giặc ngoại xâm.

          2.3. Hôm nay, trong không khí đổi mới chung của đất nước, trong đó có đổi mới tư duy khoa học, liệu có thể mở lại phiên toà vụ án triều Nguyễn này không? Và nếu có thì sẽ nói lại được như thế nào? Việc đó xin trông nhờ vào các sử gia. Người viết bài này chỉ xin được nêu câu hỏi và mong đựơc sự trả lời như sau:

          – Câu hỏi thứ nhất: Tại sao chỉ tập trung lên án triều Nguyễn bằng cách tách hẳn triều Nguyễn với họ Nguyễn? Mà họ Nguyễn trước khi có triều Nguyễn là gì đối với bờ cõi non nước Việt Nam đã ba trăm năm nay và còn mãi mãi là gì? Các sử gia Hà Nội hôm nay đáp máy bay từ Nội Bài vào Tân Sơn Nhất để rồi toả đi giảng bài khắp các tỉnh Nam Bộ, hỏi ai là người lót ổ trước, tiền trạm chuẩn bị trước? Nếu gắn triều Nguyễn với họ Nguyễn tổ tiên của họ thì liệu có gì khác khi đánh giá triều Nguyễn dù ít dù nhiều.

          – Câu hỏi thứ hai: Nói triều Nguyễn tiêu diệt, ăn hớt thành quả Tây Sơn, nhưng Tây Sơn? Tây Sơn Quang Trung hay Tây Sơn Quang Toản? Mà Tây Sơn Quang Toản là thế nào so với Tây Sơn Quang Trung? Có đúng thời đại Quang Trung dù là vẻ vang cao độ đến thế nhưng cũng đã không tránh khỏi tình trạng sớm nở tối tàn không? Với triều đại Quang Toản, liệu còn có thể nói đến những triển vọng này nọ trong đó có triển vọng đưa đất nước chuyển từ hình thái phong kiến hình thái tư bản nữa không? Từ kết quả trả lại chính xác các câu nói vừa nêu trên tinh thần khách quan, thực sự cầu thị, cách nghĩ về tội của triều Nguyễn có gì khác trước?

          – Câu hỏi thứ ba: Nói phong kiến triều Nguyễn phản động là có căn cứ này nọ ví như: Đàn áp nông dân khởi nghĩa, bế quan toả cảng, trọng nông ức thương, phục hồi Nho giáo, xây dựng chế độ tập quyền cản trở trào lưu nhân đạo, dân chủ vừa nảy nở ở giai đoạn nưa sau thế kỷ 18 … Nhưng hôm nay, với từng cái tội cụ thể đó, liệu có thể nghĩ khác chút nào không? Ví dụ với vấn đề phục hồi Nho giáo thì đã có một sự thật là: Gần đây, không chỉ ở nước ngoài, ở Trung Quốc (quê hương của Nho giáo) mà cả ở nước ta, những người có tinh thần độc lập trong suy nghĩ, có sự hiểu biết rộng ra với tình hình đối với Nho giáo trong nhà trường … thì chúng ta sẽ nghĩ như thế nào trước tình trạng lên án, chửi bới Nho giáo trong thời kỳ trước đây và nghĩ như thế nào về cái gọi là tội phục hồi Nho giáo phản động của triều Nguyễn. Tính chất phản động của triều Nguyễn gắn liền với các ông vua của triều Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Tự Dực, Hiệp Hoà, Khải Định, Bảo Đại … Nhưng với phần lớn các ông vua triều Nguyễn từng bị lên án gay gắt thì gần đây trong nhiều sách báo đã có cách nói khác hoặc nhiều hoặc ít thì ta sẽ nghĩ sao khi nói đến triều Nguyễn. Chúng ta từng kết tội Gia Long cõng rắn cắn gà nhà vì đã cho con là Hoàng Tử Cảnh theo Bá Đa Lộc sang cầu viện Pháp, tạo điều kiện cho Pháp xâm lược về sau. Quả có như thế, nhưng sau đó Gia Long lại không truyền ngôi cho Hoàng Tử Cảnh là con trưởng mà cho Minh Mạng thì có ý gì trong đó không? Rồi ra, với chuyện dựa vào thế lực bên ngoài, nếu đặt nó trong tình hình chung trong lịch sử xưa nay, vốn không riêng gì trường hợp Gia Long cầu viện Pháp mà biết bao nhiêu trường hợp khác cần được hiểu thế nào là thoả đáng nhất. Một khi đã nghĩ hết độ sâu của sự sống vô cùng phức tạp? Còn với Minh Mạng từng bị lên án về tội độc đoán, đàn áp nông dân khởi nghĩa thì nay, thì trong những năm gần đây lại đã có khá nhiều bài viết theo hướng đề cao, đề cao công lao cung cổ nền tảng thống nhất quốc gia, mở mang địa bàn của tổ quốc, kể cả công lao mở mang kinh tế. Cách nghĩ mới về Minh Mạng như thế là đúng hay sai? Có liên quan gì đến việc đánh giá triều Nguyễn dù chỉ là trong phạm vi một triều vua? Riêng vua Tự Đức là ông vua bị lên án gay gắt nhất về tội để mất nước thì cũng gần đây sách báo nói về ông xem ra cũng đã có khác trước theo hướng giảm đắng tội lỗi. Đặc biệt, trong cuốn “Tư tưởng phương Đông – gợi những điểm nhìn tham chiêu” của học giả Cao Xuân Huy (giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I) lại đã viết: “Phải trải qua nửa thế kỷ xây dựng nhà Nguyễn mới hình thành được một ông vua có tầm vóc tư tưởng và văn hoá Tự Đức. Trong lịch sử chế độ phong kiến tự chủ độc lập xét về bản lĩnh văn hoá có thể so sánh Tự Đức với ông vua thứ tư triều hậu Lê: Lê Thánh Tông” (trang 198). Đặt Tự Đức lên địa vị cao như thế, đúng hay sai? Nếu đúng thì ta sẽ nghĩ gì khác về ông vua này như đã nghĩ một thời, dù ít hay dù nhiều?

          – Câu hỏi thứ tư thuộc vê cái tội để mất nước của triều Nguyễn: Về tội này thì quả là không ai có thể tha bổng cho Tự Đức, cho triều Nguyễn. Nhưng về cách luận tội thì có thể nghĩ thầm như thế này chăng? Chuyện Pháp xâm lược Việt Nam và Việt Nam bị mất nước lúc này là chuyện đụng độ giữa hai khu vực, phương Đông và phương Tây, giữa hai hình thái xã hội, một bên là tư bản chủ nghĩa đang trên đà phát triển, một bên là phong kiến nông nghiệp lạc hậu. Mà với tư bản chủ nghĩa thì như trong Tuyên ngôn cộng sản của Mác – Ăngghen đã nói: Một trăm năm phát triển tư bản chủ nghĩa đã tạo ra một khối lượng của cải vật chất bằng hàng ngàn năm phong kiến cộng lại. Vả chăng, ở giữa thế kỷ 19, có riêng gì Việt Nam mất nước, hầu hết các nước trong khu vực, chỉ trừ Nhật Bản và Thái Lan là không mất. Ngay Trung Hoa tuy không mất nước hoàn toàn nhưng có người cũng đã chẳng ví Trung Hoa cuối thế kỷ 19 chẳng khác gì một con voi già bị các chú sói con kéo đến, con gặm tai, con khoét bụng, con rỉa tay rỉa chân rất nhục nhã đó sao. Trong bối cảnh lịch sử chung như thế, liệu ai là người Việt Nam có thể chèo chóng đưa đất nước thoát khỏi hoạ xâm lăng? Các nhà cần vương chống Pháp xâm lược, oanh liệt, kiên cường rực sáng đen trời cao, nhưng thất bại hoàn thất bại. Với thực tế đó, hậu thế sẽ đề cao theo kiểu một chiều chỉ vào là căn cứ động mà không cần đến hiệu quả hay là căn cứ hai chiều, vừa động cơ vừa hiệu quả? Hai kiểu nghĩ đó hẳn là có liên quan tới mức định tội Tự Đức, định tội triều Nguyễn. Hôm nay chúng ta chọn hướng nào?

          2.4 Riêng về vấn đề văn hoá triều Nguyễn, sơ bộ cũng có thể nói những điều sau. Một khi triều Nguyễn đã bị lên án nặng nề thì văn hoá triều Nguyễn cũng phải chịu chung số phận đó. Mà việc phủ nhận văn hoá triều Nguyễn, trong các lý lẽ đó, hắn cũng có nhiều điều hôm nay cần được nghĩ lại, thậm chí có cả cách xử sự thì có nói ngay là không ổn. Ví dụ: Ai cũng biết Nguyễn Du sáng tác truyện Kiều vào khoảng 1814 – 1815 (cách phỏng đoán phổ biến) nhưng nói về hoàn cảnh ra đời của Truyện Kiều thì sách miền Nam vẫn coi đó là văn học triều Nguyên, còn sách miền Bắc thì coi như là của giai đoạn trước với lý lẽ nói ra hoặc không nói ra là: Triều Nguyễn phản động làm sao mà là cơ sở xã hội cho sự ra đời của truyện Kiều được. Trong phạm vi học thuật, nhất là với các sử gia, không ai là không sử dụng các công trình học thuật của quốc sử quán triều Nguyên, thậm chí đã coi nhưng Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam chính biên liệt tuyên Đại Nam thực lục … như là sách gối đầu giường, nhưng lại không dám đề cao chúng ví đây là văn hoá phẩm triều Nguyễn. Triều Nguyễn, trên phương diện văn hoá đã bị cáo buộc văn hoá đã bị các học giả Mác xít một thời cho nhiều điều xấu: Phục hồi tống Nho, chạy theo nền học văn giáo điều, sách vở, củng cố ý thức hệ phong kiến thống trị đã lỗi thời, thiên cận không dám đón nhận tư tưởng, văn minh phương Tây để duy tân như Nhật Bản … Trước là vậy, nhưng gần đây lại đã khác. Tập san nghiên cứu triều Nguyễn của Thừa Thiên Huế lại đã có nhận định mà đến nay chưa thấy ai phản bác rằng: Văn hoá triều Nguyễn là văn hoá rực rỡ nhất trong lịch sử văn hoá Việt Nam thời trung đại. Mà bình tĩnh để xem lại mà xem. Sử học thời Nguyên là thế nào với sử học trước đó? Vai trò văn hoá học thuật của quốc sử quán với hội tao đàn của Lê Thánh Tông trước đó? Về văn học, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Lý Văn Phức, Tùng Thiện Vương, … và biết bao nhiêu tác giả lớn khác mà hiện nay ta chưa đủ sức khám phá hết không phải sản phẩm thuộc triều Nguyễn đó sao? Hãy giở đọc lại cuốn Lược truyện của tác gia Việt Nam để thấy và để nghĩ một khi biết rằng ở Thết kỷ XIX (Nguyễn) đã có 268 tác giả trong tổng số 647 tác giả của suốt 9 thế kỷ. Riêng trong phạm vi gia đình vua chúa nhà Nguyễn, hỏi đã có vương triều, có giới đại qúi tộc nào trước đó có lắm người giỏi văn chương, học thuật nhiều đến thế chưa? Về giáo dục cũng cần xem thêm cái gọi là nạn sách vở phù phiếm của việc học tập, thì cử nhà Nguyễn bằng cách đọc lại một số đề thi văn sách thi bình do vua Tự Đức ra. Chúng ta sẽ nghĩ khi thấy, Tự Đức đề ra, Tự Đức đã hỏi, đã yêu cầu thí sinh biện giải về các vấn đề thuộc quốc gia đại đang rất nóng bỏng bây giờ vì như vấn đề giặc đang âm mưu xâm lược, ta đối phó thế nào? Giặc Pháp để xâm chiếm lãnh thổ đất nước, ta nên hoà hay chiến? Nhật Bản đang theo học phương Tây để duy tân, ta có nên bắt chước Nhật Bản không? Học theo phương Tây thì làm thế nào để bảo vệ duy trì bản sắc văn hoá dân tộc? Trẫm yêu cầu các ngươi phải thực lòng nói ra những ý nghĩ của mình. Nói dối là trẫm biết đấy … Đúng là có một thời, chúng ta, ở người này người khác, đã rơi vào tình trạng làm học thuật theo tâm lý: Đã ghét thì xúc mà đổ cho hết. Tôi chưa nói là mọi ý kiến nêu lên hôm nay với triều Nguyễn, với văn hoá triều Nguyễn, trong đó phần nào có cả ý kiến của tôi dù chưa nói thẳng thêm ra nhưng cũng đã lo là tiếng nói cuối cùng. Tôi chỉ muốn nói rằng trong cách biện giải, không nên đồng nhất hai khái niệm: Triều Nguyễn và thời đại triều Nguyễn, văn hoá của các vua chúa triều Nguyễn và văn hoá dưới thời của các vua triều Nguyễn. Bởi vương triều, các nhà vua của vương triều chưa phải là tất cả, còn có dân tộc, nhân dân trong thời đại có vương triều đó, có ông vua đó. Mà ngay với khái niệm ông vua, cũng cần có cách nghĩ khác sao cho khách quan hơn, thực sự cầu thị hơn. Nói chung là phải nghiên cứu với tính chất thực sự là nghiên cứu, thực sự đến nơi đến chốn thì mới có kết luận khoa học đích đáng được. Cần nhớ khoa học là chuyện tìm đi tìm lại đúng theo nghĩa từ RECKERCHE trong ngôn ngữ Pháp.                                              NĐC

                                                                   Yên Hoà, ngày 17 – 10 – 2002