TRÍCH DẪN LUẬN NGỮ TRONG HOÀNH PHI CỔ THỜ PHỤNG .Nguyễn Thế Trang
Nguyễn Thế Trang
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Hiện nay điều kiện kinh tế xã hội có nhiều khởi sắc, việc phục hồi hoành phi câu đối để phụng thờ, để chơi gần như là mốt, trang trí cho đẹp trong không gian thờ tự cũng như không gian phòng khách, những chữ thường được sử dụng dân gian dễ hiểu, thậm chí nhiều khi con cháu cũng không đọc được. Việc sử dụng trích dẫn lời hay, ý đẹp trong Tứ thư, trong Ngũ kinh để giáo dục hay phù hợp gia cảnh với từng gia đình hầu như là rất ít thấy. Tìm hiểu nghiên cứu ý nghĩa các bức hoành phi cổ luôn là niềm đam mê của những người muôn năm cũ. Cũng thật là may cuối tháng 12 năm 2018, tác giả có nhận được một bức ảnh hoành phi cổ chụp tại xã Ngọc Lĩnh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa của ông Đậu Văn Chinh công tác ở Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, do cuộc sống luôn bận rộn nên đã để quá lâu, nay xin giới thiệu về bức hoành phi và những điều mạo muội hiểu như sau:
(Ảnh Đậu Văn Chinh)
Nguyên văn chữ Hán Nôm:
保大庚辰年春
水樂山
水不源 / 仁者靜 / 智者動 / 山不高
Phiên âm, dịch nghĩa:
Bảo Đại Canh Thìn niên Xuân
(Mùa Xuân năm Canh Thìn – 1940, triều đại Nguyễn Vĩnh Thụy 16, niên hiệu Bảo Đại 15)
THỦY NHẠO SƠN
Thủy bất nguyên / Nhân giả tĩnh / Trí giả động / Sơn bất cao
Câu này của Khổng Tử viết trong Luận ngữ, nghĩa là: Người trí chơi với nước, người nhân chơi với núi. Người trí động, người nhân tĩnh. Người trí (thì) vui, người nhân (thì) thọ.
Chữ “nhạo” ở đây nghĩa là chơi với, hiểu là “thích”. Thích có nghĩa là hâm mộ được giống.
知(智)者樂水,仁者樂山 – Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn
知(智)者樂水,仁者樂山。知(智)者動,仁者靜。知(智)者樂,仁者壽 – Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn. Trí giả động, nhân giả tĩnh. Trí giả lạc, nhân giả thọ.
Dịch nghĩa: Người trí (ý là thông tuệ) thích nước, người nhân (ý là đức độ) thích núi. Người trí hiếu động, người nhân yên tĩnh. Người trí vui vẻ, người nhân sống lâu.
Người trí hiểu được mọi điều, không gì qua khỏi tầm mắt, biến hoá khôn lường như dòng nước vậy. Nước luôn chảy không bao giờ ngừng, nước cũng lấp đầy được hết thảy mọi chỗ trống, từ nhỏ như chén nước, lớn như đại dương. Người trí thông đạt, thấu tận mọi việc, luôn trù tính được mọi điều, không gì có thể làm họ kinh sợ. Vì vậy mới nói “người trí vui”, vui hiểu là nhàn, chữ nhàn giống như trong lời của Hưng Đạo vương “năm nay thế giặc nhàn”. Hưng Đạo vương cũng là một người trí vậy. Người nhân luôn kiên định với ý nghĩ và hành động của mình, không gì có thể làm họ lung lay. Không gì vững như núi, bao la và dung hoà như núi, nuôi dưỡng hết thảy giống loài. Núi là cái gốc của sự sống, nuôi dưỡng chim muông cỏ cây ngàn năm bất diệt. Người nhân có thể dời cõi tạm, nhưng lòng nhân thì luôn được ghi tạc đến muôn đời. Vì vậy mới nói “người nhân thọ”, thọ nghĩa là lòng nhân bao trùm muôn đời sau, giống như khi Nguyễn Du tự hỏi “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”. Nguyễn Du cũng là một người nhân vậy.
Có câu “Lòng như mặt nước phẳng lặng”, câu này hợp với người trí. Con người ta, từ bé đến lớn, việc thu nạp kiến thức, theo kiến giải cá nhân, thì phân ra làm ba thứ: học tập, thực hành, chiêm nghiệm. Còn bé, người trí lấy học tập làm vui, thu nạp kiến thức, tò mò hỏi nhiều, nên những đứa trẻ hay được gán cho cái từ “hiếu động” là vậy. Trẻ càng hiếu động, trẻ càng hỏi nhiều, trẻ càng biết nhiều hơn. Nhưng mới chỉ biết, chứ chưa hiểu. Để hiểu, cần hai thứ phía sau: thực hành và chiêm nghiệm. Thực hành giống như nước chảy vào khe, luồn lách, tìm tòi, thấy cụt thì dừng, kiếm ngách khác mà đi. Dần dần, học và hành trở thành thói quen, kiến thức dày thêm thì thành dòng sông ngày càng lớn. Thanh niên là lúc thực hành, rèn giũa nhiều nhất, bởi cái tâm tính muốn biến những thứ biết được thành hiện thực, muốn đem trí tuệ ra thi thố, muốn chứng tỏ bản thân là kẻ trí.
Nhưng cũng đến một lúc nào đó, việc học không hanh thông, sinh ra khó chịu bất lực. Đó là lúc, thay vì chạy tiếp, hiếu động tiếp, lại phải chiêm nghiệm là vậy. Chiêm nghiệm là khi trăm sông đổ biển lớn, mà biển phải thấp hơn sông, sâu hơn sông thì mới chứa được sông chứ. Nên lùi lại, thấp xuống, đặt mình dưới thiên hạ, mới bắt đầu biết cách mà khiến sở học của thiên hạ trở thành sở học của mình. Tâm bình ổn như mặt nước lặng, tính trầm xuống như lòng biển sâu, mới thấy mỗi người ta gặp, chính là đang dạy ta vậy.
Trí giả như nước, uyển chuyển, lúc cần dữ dội, có thể dữ dội, lúc cần bình lặng, có thể bình lặng. Dữ dội, để không vô tâm, bình lặng, để không thể bị quấy nhiễu. Hiểu người, hiểu mình, ấy mới là trí. Người trí vui vẻ, chính bởi một ngày nghiền ngẫm, thấy ngộ ra, thấy vui vẻ, hứng khởi, vì lại hiểu thêm một ít.
Lại có câu “Vững như bàn thạch”. Câu này hợp với người nhân. Con người ta, từ bé đến lớn, việc đối nhân xử thế, theo kiến giải cá nhân, thì phân ra làm ba thứ: yêu thương, đau khổ, chấp nhận. Còn bé, được nuôi dưỡng tâm hồn, hết thảy đối tốt với những người xung quanh, “nhân chi sơ tính bản thiện”, cho nên được gán cho cái từ “trong sáng” là vậy.
Trẻ càng nhiều yêu thương, thì mới chỉ biết được một mặt của nhân tình thế thái. Để hiểu, lại cần hai thứ phía sau: đau khổ và chấp nhận. Đau khổ giống như mưa giông bão bùng, càng ngày tâm càng vững hơn, sẹo nhiều thì da dày thêm. Thanh niên là lúc nhiều đau khổ, mưu sinh, tình yêu, bạn bè, gia đình, mỗi thứ một chút cũng đủ để nghiền nát những người không vững tâm. Vững được thì đôi khi lại chai sạn, khô khốc, giống như một hòn đá vậy. Những cũng đến một lúc nào đó, đá có cứng đến đâu, chất dần thành núi, thì lại mềm, khiến cây xanh đâm chồi nảy lộc, sát nhau thành rừng. Tươi mát, điềm tĩnh, đủ sức chống chọi mà cũng đủ sức đón nhận. Chấp nhận là khi thấu hiểu được nỗi đau, bình thản vượt qua, coi đến và đi như lẽ tự nhiên, mới khiến cho người ta cảm phục. Tâm vững như núi, vừa chắc chắn, vừa hiền hòa, vừa mạnh mẽ, mà không kém phần đẹp đẽ.
Nhân giả như núi, cứng rắn mà không khô khan, uy nghiêm mà không thiếu tình cảm, chẳng sợ mưa sợ nắng, cũng chẳng sợ thiên hạ thị phi. Thống khổ rồi vị tha, ấy mới là nhân. Người nhân sống lâu, bởi không lo lắng nhiều, nhân sinh quan rộng rãi thoải mái, an nhàn, biết cách để hưởng thụ, dù có khó khăn đến đâu.
Trong việc chiếm lĩnh vốn từ, vấn đề quan trọng là xác định đúng từ loại, nếu xác định không đúng đặc điểm từ loại sẽ dẫn đến việc phiên âm nhầm lẫn. Chẳng hạn chữ 樂 nếu là danh từ thì có âm đọc là nhạc như âm nhạc, nhạc khí, thanh nhạc, tấu nhạc … còn nếu là tính từ thì có phiên âm là lạc như hoan lạc, khoái lạc, lạc quan…còn nếu là động từ thì được phiên là nhạo như nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thủy. Chữ 興 nếu chỉ trạng thái thì có âm là hưng như phục hưng, hưng thịnh, hưng vong, hưng phấn… còn nếu là danh từ thì có âm là hứng như hứng thú, cao hứng, nhã hứng… Chữ 強 nếu dùng theo hàm nghĩa chỉ trạng thái tính chất thì có âm là cường như cường thịnh, cường bạo, cường tráng…còn nếu dùng với hàm nghĩa chỉ động tác thì có âm là cưỡng như cưỡng bức, miễn cưỡng… Chữ 處 nếu là danh từ thì có âm là xứ như xứ xứ, xứ sở, trụ xứ …còn nếu là động từ thì có âm là xử như xử phạt, xử lí, cư xử... Chữ 傳 nếu là động từ thì có âm là truyền như tương truyền, truyền thuyết, lưu truyền… còn nếu là danh từ có âm là truyện như truyện kí, tự truyện, liệt truyện… Chữ 長 nếu là tính từ thì có âm là trường như trường độ, trường niên, trường giang… còn nếu là động từ thì có âm là trưởng như sinh trưởng, trưởng thành…
Trí giả thông đạt đạo lý nên yêu thích cái lưu động không ngừng của nước. Nhân giả an nhiên thi hành đạo lý nên yêu thích cái vững vàng bất dịch của núi. Trí giả nhận thức linh động, nhân giả tâm hồn an tĩnh. Trí giả sống vui vẻ, nhân giả sống thọ.
Núi quanh năm một màu xanh thẳm, cỏ cây hấp thụ tinh hoa của nhật nguyệt, trời đất nên tươi tốt, núi nuôi dưỡng không biết bao nhiêu loài cầm thú, núi lại có thế đứng vững chắc bất di bất dịch nên núi tượng trưng sự đầy đặn sung thực và trường tồn như trời đất. Núi là biểu tượng của đạo nhân.
Nước lưu chuyển không ngừng, uyển chuyển róc rách như dòng suối nhỏ, hùng vĩ cuồn cuộn như trường giang đại hải, nước lại vô hình vô dạng, tùy lúc tùy nơi mà to mà nhỏ, mà vuông mà tròn. Nước là biểu tượng của trí tuệ.
Trí giả tựa như nước, nhờ sự linh động của trí tuệ mà đạt dần khoái lạc. Nhân giả tựa như núi: “Thể tính bất động, sinh vật vô cùng” nhân giả quên mình sống vì mọi người nên có được sự an nhiên của trời đất, nội tâm không bị ngoại vật làm cho thiên chuyển. Sống tựa như nước, như núi đó là bí quyết của khoái lạc và trường thọ.
“Con người chí khí viễn đại trường tồn như những cái vĩnh hằng, trong viễn cảnh đó tình yêu và trí tuệ tựa như luồng ánh sáng chiếu toả trên thân thể”.
樹草逢春枝葉茂.祖宗積德子孫荣
“Thụ thảo phùng xuân chi diệp mậu; Tổ tông tích đức tử tôn vinh” tạm dịch là “Cây cỏ chào xuân cành lá thắm; Tổ tiên tích đức cháu con vinh”.
Hay những câu có ý nghĩa giáo dục, mong ước cho con cháu luôn đoàn kết, tương thân tương trợ, kề vai sát cánh giúp đỡ lẫn nhau vượt mọi khó khăn để tạo dựng cuộc sống ngày càng phát triển và cùng đồng lòng tri ân tưởng nhớ cội nguồn tổ tiên
Hai chữ sơn thuỷ có ý nghĩa triết lý thâm trầm của chúng, không chỉ đơn thuần sơn 山 là núi non, thuỷ 水 là sông nước, sông nước trôi chảy, linh động biến dịch không ngừng, tìm về trùng dương mênh mông. Do đó, kẻ trí tuệ thấu đạt lý lẽ của sự vật, linh hoạt tiến triển mãi không ngưng trệ, cũng linh động như bản tính của nước. Kẻ nhân ái yên ổn với nghĩa lý mà dày dặn kiên cố vững bền, cũng tĩnh như bản tính của núi. Động và tĩnh nói về bản thể, mà vui vẻ trường thọ là nói về hiệu quả đạt được, người nhân ái và trí tuệ xưa nay hiếm. Trong cõi trần ai, ngay bản thân kẻ nhân và trí cũng không biết tìm đâu ra bạn tri âm tri kỷ. Không biết tìm đâu, nên mượn tranh sơn thuỷ để ký thác tâm tình, gởi gấm nỗi niềm.
Bức hoành phi đến nay đã gần trăm năm tuổi, là nguồn tư liệu chân thực, có giá trị cao trong việc tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống trong thờ tự tổ tiên, đồng thời bức hoành phi chính là di sản văn hóa vật thể, những trang sử vô cùng quý giá làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa Hán Nôm của nhân loại.
N.T.T
Tài liệu tham khảo
- Đào Duy Anh (1992). Hán Việt từ điển, Nxb. KHXH, Hà Nội.
- Nguyễn Trọng Bỉnh, Nguyễn Linh, Bùi Viết Nghị (1976), Bảng đối chiếu âm dương lịch 2000 năm và niên biểu lịch sử, Nxb. KHXH, Hà Nội.
- Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, II, Nxb. Giáo dục.
- Vũ Văn Kính (1999), Đại từ điển chữ Nôm, Nxb. Văn nghệ Tp. HCM.
- Đỗ Văn Ninh (2006), Từ điển quan chức Việt Nam, Nxb. Thanh niên.
- Ngô Tất Tố (2003), Kinh Dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội.
- Khổng Tử (2007), Kinh Thi, tập 2, Nxb. Văn học, Hà Nội.
Hà Nội, một ngày cuối Hạ năm 2021