TRAO ĐỔI VỀ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA HÀN THUYÊN TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM của PGS.TS Trần Văn Luyện

TRAO ĐỔI VỀ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

CỦA HÀN THUYÊN TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM

                                                                          PGS.TS Trần Văn Luyện

                                               Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam

                                         Chủ tịch Câu lạc bộ Thơ sĩ quan họ Trần Việt Nam

Tóm tắt: Hàn Thuyên là danh nhân văn hóa thời Trần. Ông có công lớn phát triển chữ Nôm và người đầu tiên viết thơ Đường luật bằng chữ Nôm. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông còn nhiều góc khuất.

Bài viết gồm 5 phần:

  1. Vài nét về tiểu sử của Hàn Thuyên.
  2. Bối cảnh lịch sử nhà Trần có ảnh hưởng đến Nhà văn hóa Hàn Thuyên.
  3. Sự nghiệp văn chương của Hàn Thuyên.
  4. Những ảnh hưởng của Hàn Thuyên đối với thi ca Việt Nam.
  5. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu về Hàn Thuyên và Kết luận.

 

  1. VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ CỦA HÀN THUYÊN

Hàn Thuyên (chữ Hán: 韓詮) sinh 15/2/1229 mất ngày 17/5 chưa rõ năm nào, tên thật là Nguyễn Thuyên (阮詮). Cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định rõ quê gốc của ông. Nhiều người cho rằng ông là người làng Lai Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, nay là xã Lai Hạ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh (vì hiện tại có đền thờ ông ở đây). Theo tài liệu lịch sử ghi lại. Nguyễn Thuyên gọi cụ Nguyễn Dương là ông nội. Cụ Nguyễn Dương làm quan thời nhà Lý được phong Thái Bảo – Quận công. Năm 1151, cụ Nguyễn Dương bị gian thần hãm hại. Sau sự kiện đó, con cháu cụ Nguyễn Dương, trong đó có Nguyễn Thuyên phải sống ẩn dật.

Đại Việt sử ký toàn thư, trang 221 viết: năm Đinh Mùi 1247, mùa xuân tháng 2 mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa, 48 người đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ). Hàn Thuyên đỗ Tiến sĩ khoa thi này vào năm 1247 và được bổ nhiệm làm quan. Trước đây 2 khoa thi Nhân Thìn 1232 và Kỷ Hợi 1239 chia làm giáp, ất, chưa có chọn tam khôi. Hàn Thuyên làm tới chức Thượng thư Bộ Hình dưới thời Trần Nhân Tông.

Nguồn tư liệu “Gia phả” hiện có bản A2351 lưu trữ ở Viện Hán Nôm (Thạch Can dịch) có ghi chép về gia thế Hàn Thuyên. Gia phả chép đời thứ nhất là cụ thủy tổ Nguyễn Bặc, khai quốc công thần nhà Đinh, làm quan chức Thái tể, Định quốc công. Ông có công đánh dẹp loạn Đỗ Thích và chống lại Lê Hoàn, bảo vệ vương triều nhà Đinh. Đời thứ hai là Nguyễn Đê, chức Đô hiệu điểm nhà Lê, người có công ủng hộ Tả thân vệ Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra nhà Lý. Cụ Nguyễn Đê sinh ba con trai và đều thành đạt: Con trưởng Nguyễn Quang Nghĩa làm quan chức Đô chỉ huy sứ, Á khanh, tước hầu. Sau có công cùng Lê Phụng Hiểu dẹp loạn tam vương, được vua Lý Thái Tông phong chức Thái úy, tước Hòa quốc công. Con thứ hai Nguyễn Viễn làm quan các triều Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, chức Tả tướng quốc, Tham tri chính sự. Con thứ ba Nguyễn Phúc làm quan triều Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông chức Thái bảo. Thái bảo Nguyễn Phúc sinh được một trai là Nguyễn Dương. 

Nguyễn Dương là đời thứ tư, thi đỗ Võ cử đời Lý Thần Tông, giữ chức quan coi hỏa đầu cung Tả Hưng Thánh, phong Thái bảo. Đời Lý Anh Tông vua còn nhỏ, Thái úy Đỗ Anh Vũ chuyên quyền, Nguyễn Dương cùng một số quan đại thần (trong đó có phò mã Dương Tự Minh) khởi binh bắt giam lại. Sự việc xảy ra vào tháng 9/1150. Nguyễn Dương đòi giết ngay, nhưng Thái úy Vũ Đái không chịu, muốn chờ lệnh Thái hậu. Ông biết việc sẽ hỏng liền mắng Vũ Đái rồi nhảy xuống giếng tự vẫn. Quả nhiên Thái hậu xuống chiếu thả ngay Đỗ Anh Vũ, sau đó các quan đại thần kia đều bị trả thù dã man. Thái bảo Nguyễn Dương sinh ba người con trai, con cả là Nguyễn Thuyên, hai con thứ gia phả không ghi chép. Bấy giờ họ Nguyễn còn nhiều người làm quan đại thần trong triều, nhưng đều bị Thái úy Đỗ Anh Vũ tìm cách hãm hại. Tả đô đốc Nguyễn Phụng phải xin nghỉ trí sĩ. Binh bộ Thượng thư Nguyễn Quốc bị lưu vào Thanh Hóa, vua cho triệu về thăng chức Đại tư đồ nhưng vẫn bị Thái úy Đỗ Anh Vũ đầu độc giết chết.

Nguyễn Thuyên là đời thứ năm tính từ Định quốc công Nguyễn Bặc. Sau sự biến Đỗ Anh Vũ, ông còn bé nên theo anh họ Nguyễn Nộn ở ẩn vùng Kinh Bắc. Nhà Lý suy vong, Nguyễn Nộn chiếm cứ Bắc Giang cùng Đoàn Thượng ở Hồng Châu chống lại Trần Thủ Độ nhà Trần. Sau Nguyễn Nộm quy phục nhà Trần, được phong chức Hoài Đạo vương. Nguyễn Thuyên thông minh, chuyên cần học tập, thi đỗ Tiến sĩ năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên ứng thứ 16 đời Trần Thái Tông (1247). Gia phả ghi rõ không khảo cứu được con cháu. Năm sinh, năm mất và phần mộ “Gia phả” cũng không ghi chép được. 

  1. BỐI CẢNH LỊCH SỬ NHÀ TRẦN ẢNH HƯỞNG ĐẾN NHÀ VĂN HÓA HÀN THUYÊN
  2. Nhà Trần lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần đánh thắng quân Mông – Nguyên xâm lược, dấu mốc chói lọi nhất trong lịch sử chống xâm lược của dân tộc Việt Nam

Quân Mông – Nguyên 3 lần bị đánh bại bởi quân dân Đại Việt thời nhà Trần vào các năm 1258, 1285, 1288. Đế chế Mông Cổ (Mông – Nguyên) là đến chế hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, đã chinh phục được những vùng đất rộng tới hơn 24 triệu km2, thống trị khoảng 100 triệu dân trải dài từ châu Á sang tận Đông Âu. Trong khi đó Đại Việt vẫn là một quốc gia nhỏ bé, kinh tế chưa phát triển. Tuy nhiên, bằng nghệ thuật quân sự tài tình, bằng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nên đã tạo nên sức mạnh Đại Việt chiến thắng quân xâm lược, từ đó tạo nên hào khí Đông A, xây dựng và phát triển toàn diện đất nước.

  1. Nhà Trần xây dựng chế độ quân chủ tập quyền thân dân, với nhiều tư tưởng tiến bộ nên tạo môi trường thuận lợi nở rộ các tài năng văn hóa đất Việt

Nhà Trần xây dựng pháp luật, chia 12 lộ để quản lý đất nước, ban hành nhiều chính sách kinh tế, thuế; đắp đê, khuyến khích nhân dân vỡ hoang làm giầu; xây dựng chính quyền quân chủ thân dân quản trị đất nước chặt chẽ, kết hợp đức trị và pháp trị; mở rộng ngoại giao… Đặc biệt tổ chức các kỳ thi chọn tiến sĩ để bổ nhiệm người hiền tài ra làm quan giúp nước. Nhiều danh nhân xuất sắc như Trạng nguyên Nguyễn Hiền; Nhà sử học bảng nhãn Lê Văn Hưu; nhà giáo, Tiến sĩ Chu Văn An; Tiến sĩ Hàn Thuyên… đã được bổ nhiệm làm quan giúp nước.

Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, trước họa xâm lăng, vua Trần tổ chức Hội nghị Diên Hồng năm 1284 tại kinh thành Thăng Long hỏi về chủ trương hòa hay đánh khi quân Mông – Nguyên chuẩn bị sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Đại Việt sử ký toàn thư (trang 238) viết: “Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm Điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói “đánh”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”. Hội nghị Diên Hồng được xem như hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các phụ lão có thể coi là những đại biểu của dân. Sau hội nghị, chính các phụ lão là những người truyền đạt lại chủ trương của chính quyền đến người dân. Ngày nay, tại Tòa nhà Quốc hội có Phòng họp trung tâm mang tên Phòng họp Diên Hồng để ghi nhớ sự kiện dân chủ đầu tiên trong lịch sử, cũng là nhắc nhở các đại biểu Quốc hội khi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước hãy xuất phát từ lợi ích của nhân dân, của đất nước.

  1. Nhà Trần có nhiều vua anh minh, tướng giỏi, người dân được ấm no

Đánh giá về nhà Trần, trong bài Lịch sử nước ta, Hồ Chí Minh Viết:

                             Thời Trần văn giỏi võ nhiều

                  Ngoài dân thịnh vượng, trong triều hiền minh.

Trần Thái tông, vị vua đầu tiên mở ra triều đại nhà Trần. Trần Thánh Tông lãnh đạo Đại Việt chống Mông – Nguyên lần thứ nhất thắng lợi, ban hành nhiều chính sách tiến bộ để xây dựng và phát triển đất nước.

Trần Nhân Tông – vị vua anh minh bậc nhất lịch sử phong kiến Việt Nam, nhà tư tưởng lớn, ông còn là nhà thơ. Trong tác phẩm “Thiên Trường vãn vọng” Trần Nhân Tông viết :

“…Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều dường có lại dường không

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng…”.

Sau khi lãnh đạo Đại Việt đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược lần 2 và lần 3, Trần Nhân Tông và triều đình đã trọng thể tổ chức lễ hiến tiệp (dâng tù binh lên tổ tiên, báo tin mừng thắng trận). Trong đám tù binh Mông cổ có Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và nhiều tướng lĩnh cao cấp khác, bị trói và giải đến theo đúng nghi lễ và phong tục. Trần Nhân Tông viết:   Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

                                      Sơn hà thiên cổ điện kim âu

Dịch thơ Đại Việt sử ký toàn thư, trang 245:

                         Xã tắc hai phen bon ngựa đá

                                  Non sông nghìn thuở vững âu vàng.

Nhà Trần cũng đã tạo nên nhiều vị tướng tài ba, xuất sắc như Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, Chiêu văn Đại vương Trần Nhật Duật; Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư; Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng; Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản; Điện súy Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão; Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa… Trần Hưng Đạo được Hội đồng quân sự Hoàng gia Anh bình chọn là 1 trong 10 vị tướng tài mọi thời đại.

Khi quân Mông – Nguyên chuẩn bị xâm lược Đại Việt lần 2, Trần Hưng Đạo cùng vua Trần Nhân Tông tổ chức Hội nghị Bình Than là một hội nghị quân sự để bàn phương hướng kháng chiến chống quân Mông – Nguyên được tổ chức vào tháng 10 âm lịch năm 1282 ở Bình Than, gần vũng Trần Xá. Trần Hưng Đạo điều động quân của các vương hầu duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, công bố Hịch tướng sĩ để động viên quân sĩ sẵn sàng chống giặc Mông – Nguyên. Ngày nay, kẻ thù vẫn còn âm mưu xâm chiếm biển đảo Việt Nam, lời Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn như vẫn còn vang mãi đến ngày nay và mai sau.

Khi Trần Hưng Đạo ốm nặng sắp mất, vua Trần Anh Tông hỏi về kế giữ nước, ông trả lời: “thời bình, khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước”.

Thượng tướng, Thái Sư Trần Quang Khải làm thơ tổng kết cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên.

Chương Dương cướp giáo giặc

Cửa Hàm tử bắt thù

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu.

(Dịch: Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, nhà xuất bản Văn học – Đông A, trang 170).

Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Thủ đô Hà Nội là hai công trình được xây dựng để dạy học và thờ kính Khổng Tử cùng những bậc hiền tài Nho học xưa. Văn miếu được xây dựng vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, còn Quốc Tử Giám được xây dựng năm 1076, dưới thời vua Lý Nhân Tông. Đây được coi là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Ở đây đào tạo các hoàng tử, tổ chức thi tuyển hiền tài để bổ nhiệm làm quan giúp nước. Văn Miếu Quốc Tử Giám được nhà Trần (1225 – 1400) tôn tạo và duy trì các khoa thi tuyển chọn tiến sĩ. Văn Miếu Quốc Tử Giám có kiến trúc độc đáo, 2 hàng bia tiến sĩ, mỗi hàng có 41 bia, bia đá đặt trên một con rùa tượng trưng cho sự bất tử. 82 tấm bia đá ghi danh tiến sĩ tượng trưng cho những người ưu tú của Việt Nam qua 82 khoa thi cử. Trên văn bia, Tiến sĩ Thân Nhân Trung viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mẽ, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn…”.

Nhà Trần cho mở rộng Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tổ chức các kỳ thi chọn hiền tài cho đất nước. Vua Trần Minh Tông (13001357) mời Chu Văn An ra làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông sau này. Do vậy, Văn Miếu – Quốc Tử Giám có tượng thờ thờ Đức Khổng Tử,  3 vị vua là Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông, ở đây còn có tượng thờ nhà giáo Chu Văn An – Danh nhân văn hóa thế giới. Ngoài ra, nhà Trần còn lập Miếu đường để dạy võ, tăng cường sức mạnh quân đội. Nhân dân Đại Việt thời này được chăm lo mọi mặt cả đời sống vật chất và tinh thần, thực sự ấm no, thịnh vượng.

Có thể nói Hàn Thuyên được sống và phát triển trong môi trường văn hóa đầu triều Trần, ảnh hưởng sâu sắc của yếu tố chính trị, lịch sử, văn hóa thời kỳ hưng thịnh nhất của nhà Trần thời bấy giờ cũng như trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

III. SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG CỦA HÀN THUYÊN

  1. Ông được xem là người phát triển, phổ biến chữ Nômcủa Việt Nam

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phương trong tác phẩm “Tự hào văn minh Việt”, trang 38 đã viết: “Kết quả các công trình nghiên cứu khoa học xã hội, đặc biệt của các ngành khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học, lịch sử kinh tế, địa chất học… của các học giả phương Tây, Trung Quốc và Việt Nam đã chứng minh người Việt cổ từ hơn 10.000 năm trước đây đã có có chữ viết kiểu Khoa đẩu (Khoa học Trung Quốc giọi là  Chữ Vuông) khắc trên đá ở Cao nguyên đá Sapa, Đồng Văn, trên đồ gốm, rìu đá và đồ đồng thời kỳ văn hóa Bắc Sơn, Gò Mun, Đông Sơn… Năm 1925, nhà khảo cổ học Colani đã phát hiện ở hang Lèn Đất, tỉnh Lạng Sơn rìu đá thời kỳ văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn niên đại 10.000 năm TrCN có khắc chữ Việt cổ”. Do bị đô hộ hàng nghìn năm của chế độ phong kiến Trung quốc đặc biệt thực thi chính sách xóa bỏ văn hóa Việt, đồng hóa văn hóa Hán nên Đại Việt thời đó chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc. Hệ tư tưởng lúc bấy giờ là tam giáo đồng nguyên: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo (Lão giáo). Trong đó Nho giáo và Đạo giáo xuất phát từ Trung Quốc. Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ, một nhánh từ Trung Quốc đến đã được Việt hóa. Tuy nhiên, các nhà văn hóa Việt vẫn đấu tranh để bảo vệ nền văn hóa Việt, đặc biệt những điểm mới của thiền phái Trúc Lâm do Huệ Trung Thượng Sĩ (Trần Tung) đặt nền móng và Trần Nhân Tông sáng lập đã tạo nên nét độc đáo của Phật giáo Việt Nam.

Để tạo ra bản sắc văn hóa riêng, nhiều nhà nghiên cứu đã sáng tạo ra chữ nôm để dần dần thoát khỏi chữ Hán. Đến thời Trần, được nhà vua đồng lòng, Hàn Thuyên ra sức phát triển chữ Nôm của Việt Nam.

Một trong những đóng góp lớn nhất của Hàn Thuyên với đất nước là phát triển chữ Nôm. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về người sáng tạo đầu tiên chữ nôm nhưng có thể khẳng định ông có công hệ thống, tăng cường phát triển chữ Nôm tạo nên bản sắc văn hóa Việt, là cơ sở để sáng tạo ra chữ quốc ngữ sau này. Hàn Thuyên có vai trò là người hệ thống và phát triển chữ Nôm thành ngôn ngữ hoàn thiện hơn và đưa vào thơ, phát triển thơ Đường luật viết bằng chữ Nôm. Sử viết rằng cuối thế kỷ thứ VIII, Phùng Hưng nổi lên đánh đuổi quan đô hộ của nhà Đường rồi cai trị trong ít lâu, sau ông được người trong nước tôn “Bố Cái Đại Vương”. Bố Cái là tiếng Nôm thì phải có chữ Nôm để ghi 2 tiếng ấy, điều này chứng tỏ chữ Nôm có trước Hàn Thuyên.

  1. 2. Ông là người đầu tiên dùng luật thơ Đường vào thơ Nôm, đặt nền móng phát triển thơ Đường luật Việt Nam

Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm viết trong Việt Nam văn học sử yếu:
“Ông là người đầu tiên biết làm thơ phú bằng quốc âm, nên có thể coi ông Tổ văn Nôm” nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là Hàn luật (Hàn: Hàn Thuyên) để ghi lại công trạng này. Tập thơ nổi tiếng của ông là “Phi Sa giản tập” viết bằng chữ Nôm. Nhiều người khen ngợi những bài thơ của ông viết về cảnh làng quê, thiên nhiên, đa phần là thơ cách luật. Thơ ông viết thanh thản mà tao nhã. Các bài viết của GS.Nguyễn Tài Cẩn, TS.Trịnh Ngọc Thuận (báo Thế Giới) và Ngô Văn Phú (báo Văn Nghệ Trẻ), Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Bá Thể (sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam) đều công nhận đây là tập thơ có giá trị của Nguyễn Thuyên. Ngô Văn Phú còn nói Nguyễn Thuyên đáng được thờ ở Văn Miếu, Viện Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng các nhà văn sau này nên dành một chỗ xứng đáng cho Nguyễn Thuyên (dịch Ngô Văn Phú, Văn Nghệ Trẻ). Tiêu biểu như bài :

Xuân

“Hoa nở, lộc hường, xuân lại xuân,

Cỏ cây mơn mởn đón đông quân.

Bướm ong bay rộn. Trời đang ấm.

Mừng mảnh trăng xuân sáng bội phần”.

Gió nồm

“Ra Tết hây hây gặp gió nồm

Cỏ loang mặt đất. Lúa xanh om

Người hòa tươi tốt. Cảnh hòa lạ

Biếc một ngàn xa. Biếc núi non…”.

Thơ Nôm viết theo Đường luật từ Hàn Thuyên về sau nhiều người hưởng ứng làm theo như Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, Hồ Quý Ly…

Nói về danh nhân Hàn Thuyên, người ta thường nói nhiều đến bài văn tế đuổi cá sấu kỳ lạ. Đại Việt sử ký toàn thư viết: Mùa thu năm Nhâm Ngọ 1282, khi quân Nguyên đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ 2. Bấy giờ vua đang ngự thuyền trên sông Hồng thấy có cá sấu đến. Vua sai Thuyên làm thơ ném xuống sông, con cá sấu tự nhiên đi mất. Vua xem việc này giống như Hàn Dũ (một văn hào nổi tiếng đời nhà Đường – Trung Quốc từng có bài văn tế đuổi cá sấu đi nơi khác). Do vậy, tháng 8 năm 1282 ông được vua Trần chuẩn y cho đổi họ thành Hàn Thuyên.               

Hiện, tại đền thờ của ông ở Lai Hạ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh vẫn treo bài thơ này.

Văn tế cá sấu

Dịch là:

“Ngặc ngư kia hỡi! mày có hay?
Biển Đông rộng rãi là nơi này
Phú Lương đây thuộc về thánh vực
Lạc lối đâu mà lại đến đây.
Há chẳng nhớ rằng nước Việt xưa
Dân quen chài lưới chẳng tay vừa
Đời Hùng vẽ mình vua từng dạy
Xuống nước giao long cũng phải chừa
Thánh thần nối dõi bản triều nay
Dấy từ Hải Ấp ngôi trời thay.
Võ công lừng lẫy bốn phương tịnh
Biển lặng sông trong mới có rày
Hùm thiêng xa dấu dân cày cấy
Nhân vật đều yên đâu ở đấy
Ta vâng đế mạng bảo cho mày
Hãy vào biển Đông mà vùng vẫy”.

Theo nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm thì cho rằng trong thơ Hàn luật có nhiều câu 6 chữ xen kẽ, ở những vị trí không cố định – điều không có trong thơ Đường. Nhịp thơ Đường thường ngắt theo kiểu 4-3, còn ở đây có cả cách ngắt nhịp 3- 4, 3-3, một lối ngắt nhịp phổ biến của thi ca dân gian Việt Nam. Có thể nói, chính Hàn Thuyên đã khởi đầu trong việc giúp tiếng nói đời thường của dân tộc trở thành ngôn ngữ văn học và đạt tới đỉnh cao là ngôn ngữ thơ ca.

 Văn tế cá sấu là một vì sao lấp lánh, nó rất thực mà rực rỡ đến huyền bí, linh thiêng. Đặt đúng thời điểm ra đời của nó sẽ hiểu đầy đủ hơn giá trị lớn lao của văn học với xã hội. Lúc bấy giờ sứ giả Mông – Nguyên liên tục gửi sớ đòi yêu sách để lấy cớ chuẩn bị xâm lược Đại Việt lần thứ 2. Hôm ấy, vua Trần Nhân Tông không đi thuyền lầu mà đáp thuyền chiến hạng nhẹ thị sát quân tập trận. Đàn cá sấu đuổi theo thuyền nhà vua. Viên Đô Úy hoảng hốt, song đức vua vẫn thản nhiên, Hình Bộ Thượng Thư là Hàn Thuyên bình tĩnh quan sát. Trần Nhân Tông nói: “Ta nghe xưa Hàn Dũ đời Đường thấy cá sấu, làm văn vứt xuống nước, cá liền chạy. Bây giờ ông thử làm xem cá sấu Ngã Ba Hạc có chạy không?”. Nguyễn Thuyên vâng lệnh soạn văn ngay, một lúc trình lên. Ông đọc to giữa dòng rồi cầm nắm hương to hoa lên, lửa cháy bùng, đốt bài văn tế, vứt hương và giấy cháy xuống nước. Đám cá sấu thấy tiếng người hô to, khói hương nghi ngút liền quẫy mạnh ngoan ngoãn xuôi về ngã ba sông không theo thuyền vua nữa.

Có ý kiến cho rằng cá sấu sống ở vùng đầm lầy, cửa sông, do lạc vào sông thấy đông người hô to, hương khói nên trườn đi. Việc thả bài thơ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi cá sấu suôi về ngã sông.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng Bài văn tế cá sấu viết bằng chữ Hán vì thời bấy giờ ngôn ngữ hành chính là chữ Hán nên Hình Bộ Thượng Thư – Nguyễn Thuyên phải đọc một bài văn tế âm Hán Việt, không thể đọc bằng âm Nôm. Trên văn bia còn đến ngày nay cũng viết bằng chữ Hán. Đại Việt sử ký toàn thư cũng viết: vua sai Nguyễn Thuyên làm thơ ném xuống sông, không nói làm thơ viết bằng chữ gì.

Một số ý kiến khác lại cho rằng: “Cá sấu nước mình phải dùng tiếng nước mình đuổi thì cá mới chạy. Vả lại, văn cá sấu của Hàn Dũ vốn bằng chữ Hán vì Dũ là người nhà Đường. Còn Nguyễn Thuyên chuyên nghiên cứu về chữ Nôm, dùng chữ Nôm là phải lắm!”.

Sự tâm linh, huyền bí gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc. Theo truyền thuyết, Thục An Dương Vương ngày ấy đã xây thành Cổ Loa nhiều lần nhưng đều sụp đổ. Theo Lĩnh Nam Trích Quái, sự việc chỉ kết thúc khi có thần Kim Quy xuất hiện và giúp vua diệt trừ yêu tinh.  Đàn Xã Tắc được coi là một trong những di tích quan trọng bậc nhất của Thăng Long xưa, được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm 1048). Hằng năm, đích thân nhà vua tổ chức và làm chủ tế ở Đàn này. Đây là những nghi lễ tế trời, đất và các bậc thần linh, cầu xin mùa màng tươi tốt, bình an, hạnh phúc cho muôn dân và sự thịnh trị của triều đình. Hoặc sự tích hồ Hoàn Kiếm. Theo truyền thuyết, trong một lần vua Lê Lợi dạo chơi trên thuyền, bỗng một con rùa vàng nổi lên mặt nước đòi nhà vua trả thanh gươm mà Long Vương cho mượn để đánh đuổi quân Minh xâm lược. Nhà vua liền trả gươm cho rùa thần và rùa lặn xuống nước biến mất. Từ đó hồ được lấy tên là hồ Hoàn Kiếm…

Trần Nhân Tông có thiên mệnh Phật, nên mọi việc thuận theo ý trời. Thời điểm vua sai Nguyễn Thuyên viết văn sớ đuổi cá sấu, ông đã thi đỗ tiến sĩ được 35 năm (1247 -1282), đã có nhiều thời gian nghiên cứu phát triển chữ Nôm và thơ Nôm. Với ý thức tự tôn dân tộc, tôi cho rằng ông viết bằng chữ Nôm là logic, hợp quy luật, vì việc đọc bài sớ cho nhiều người cùng nghe, đã tạo ra biến cố lan truyền cả nước để thời sau nhiều người còn nhầm tưởng ông là người sáng tạo ra chữ Nôm. Nhưng thực ra ông chỉ hệ thống và phát triển hoàn chỉnh chữ Nôm. Có thể văn bia đời sau mới chép lại bằng chữ Hán cũng là điều dễ hiểu vì chính sách hủy hoại các sản phẩm văn hóa của giặc xâm lược phương Bắc và sự đồng hóa văn hóa Việt của kẻ thù. Chu Lệ Đệ dân tộc Hán là vị hoàng đế thứ 3 của nhà Minh có chiếu ngày 21 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 5, cho bọn Trương Phụ: “Ta nhiều lần dụ các ngươi phàm tất cả các sách vở, ván khắc chữ của An Nam, kể cả mãnh giấy, con chữ của trẻ con làng quê dùng để mới học chữ và những tấm bia xứ ấy dựng lên, hễ thấy là hủy ngay, chớ bỏ sót. Các ngươi nay phải làm theo sắc chỉ trước đây, lệnh cho quân lính hễ gặp một mảnh văn tự của xứ ấy thì phải đốt ngay, không được giữ lại” (Vũ Ngọc Phương, Tự hào văn minh Việt, NXB Hội nhà văn, Hà Nội 2017, trang 36). Điều này giải thích vì sao các tác phẩm lịch sử, văn hóa… của nước ta đều bị hủy hoại hoặc đưa về Trung Quốc. Sự kiện “cá sấu” lại đến sông Lô (một nhánh lớn của sông Hồng). Thứ thiên tai ấy không chỉ là đồng minh của địch họa mà còn là sự khái quát về những kẻ thù nguy hiểm của nhân dân, cũng cần được diệt trừ khôn khéo nhưng kiên quyết. Vì vậy, đây là sự kiện có thật nhưng mang tính tâm linh, huyền bí gắn bó chặt chẽ với dòng chảy văn hóa Việt.

          Những đổi mới của Hàn Thuyên đã mở ra một phương hướng tìm tòi và sáng tạo tích cực trong quá trình phát triển nền văn học viết bằng chữ Nôm. Với những đóng góp mang tính đề cao bản sắc dân tộc ấy, Hàn Thuyên được xem là nhà văn hóa đáng ghi nhớ. Vua Tự Đức từng làm thơ ca ngợi Hàn Thuyên:

Quốc ngữ văn chương thùy nhiễm hàn

Bất vong đôn bán bị nham khan

Lư giang di ngạc hà thần tốc

Bác đắc quân vương tứ tính Hàn.
Dịch:

Quốc ngữ văn chương mới nhúng tay

Chẳng quên tiếng mẹ khá khen thay

Sông Lư đuổi sấu in Hàn Dũ

Nên được nhà vua đổi họ ngay.

(Theo Nguyễn Quyết Thắng – Nguyễn Bá Thể – Từ điển nhân vật lịch sử VN – NXB Văn hóa 1993, trang 654).

Đền thờ của danh nhân Hàn Thuyên tại quê hương của ông.

Hàn Thuyên là một danh nhân nổi tiếng của Việt Nam thời nhà Trần. Hiện nay, tên của ông được đặt cho nhiều đường ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bắc Ninh…, nhiều trường học, nhà xuất bản cũng mang tên ông.

 

Tác giả Đông Xuyên trong bài “Cuộc đời bí ẩn của danh nhân Hàn Thuyên”, Báo Lao động điện tử ngày 07/09/2014 viết: Trong hành trình tìm hiểu về vị danh nhân độc đáo này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Dính là trưởng họ Nguyễn ở Lai Hạ (thuộc dòng dõi cụ Nguyễn Thuyên). Theo ông Dính, cụ tổ của dòng họ chính là danh tướng Nguyễn Bặc, một khai quốc công thần đời Đinh Bộ Lĩnh. Trong những năm chiến tranh chống thực dân Pháp, họ của ông mất gia phả nên không rõ di chuyển về đây từ bao giờ. Kể về Nguyễn Thuyên, ông xác nhận là người của dòng họ mình và Lai Hạ vốn là nơi sinh ra ông. Về bài văn tế đuổi cá sấu của Nguyễn Thuyên, ông Dính cho biết, dòng họ ông vẫn lưu truyền lại nhiều tình tiết về cuộc đời Hàn Thuyên sau bài văn này. Ông Dính cho biết, sau khi Nguyễn Thuyên làm bài văn tế và có công đánh đuổi cá sấu trên dòng sông Phù Lương, về triều, vua Trần có hỏi ý ông muốn được ban thưởng gì? Nguyễn Thuyên mỉm cười và bảo: Đời ông sống thanh bạch đã quen, không màng gì đến vàng bạc châu báu. Nhưng dân làng ông, vốn làm nghề chài lưới cuộc sống còn nhiều khó khăn, vì thế ông đã xin nhà vua ban cho dân làng Lai Hạ được đặc ân đánh bắt cá. Vua nghe xong khen ông là người nhân nghĩa nên đã ân chuẩn cho dân làng được độc quyền đánh bắt cá ở một khúc sông lớn trên dòng sông Đuống và không phải đóng bất cứ một khoản phí nào. Vì thế người làng ông xưa có câu: “Đại giang là của Đông Giàng/ Tiểu giang là của riêng làng Lai Hạ”.

Tác giả Đông Xuyên trong bài “Cuộc đời bí ẩn của danh nhân Hàn Thuyên”, Báo Lao động điện tử ngày 07/09/2014 viết: Nhưng rồi chính những ngày cuối đời, Nguyễn Thuyên lại gặp phải muôn vàn sóng gió. Khi về hưu, ông về lại ngôi làng của mình như một người ở ẩn. Tuy nhiên, có một điều khó hiểu mà đến nay vẫn chưa được làm rõ. Đó là sau khi về hưu, ông xây nhà theo kiểu “nội công ngoại quốc”, trong nhà sắm nhiều đồ giống như ngai vàng, bát bộ… Việc này đến tai một số kẻ nịnh thần trong triều. Những tên quan này đã tâu lên vua cho rằng ông có ý định làm phản. Vua tức tốc phái quan khâm sai đến để điều tra thực hư. Viên quan này đến, Hàn Thuyên thật thà cho rằng ông lập nhà như vậy là để thờ Phật, còn việc thờ phụng những đồ giống như cung điện là muốn tỏ ý trung thành, một lòng vẫn hướng về nhà vua và đất nước. Ông không hề có ý làm phản vì trong nhà đâu có kho tàng vũ khí, ông cũng không hề chiêu binh mãi mã… Những lời nói của ông đã thuyết phục được sứ giả và ông thoát khỏi kiếp nạn tai ương. Tuy nhiên, ông vẫn nhận ra mối nguy hiểm rình rập mình. Rồi vào một đêm, ông cùng gia quyến bí mật ra đi và để lại 3 chữ: “Dân nại tri” (nghĩa là “Lời từ biệt” của ông với dân làng). Hiện 3 chữ nôm này vẫn được treo ở đền thờ của ông.

  1. NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA HÀN THUYÊN ĐỐI VỚI THI CA VIỆT NAM

Trong tác phẩm “Chữ Nôm một thành tựu của thời đại Lý – Trần” đã đánh giá: “Sự xuất hiện của chữ Nôm đáng được coi như một mốc trên con đường tiến lên của lịch sử và gia tài văn bản chữ Nôm đáng được coi là gia tài văn hóa quý của dân tộc” (tác giả Nguyễn Tài Cẩn – N.V. Stankêvich, Viện Văn học, Hà Nội, trang 516).

Nói về quá trình hình thành phát triển chữ Nôm, thơ Nôm, tôi xin dẫn ý kiến nhà ngôn ngữ học có uy tín Nguyễn Tài Cẩn để bạn đọc tham khảo:

Cuối thế kỷ X chữ Nôm dần hình thành, thế kỷ XI, XII nó tiếp tục phát triển tự hoàn chỉnh, cuối thế kỷ XIII cơ bản được hoàn chế thực sự. Nhưng những văn phẩm còn lại hiện nay rất hiếm: Bia chữ Nôm Tam Nông, Yên Lãng (Phú Thọ) bia Thanh Sơn (Ninh Bình), bài viết trên chuông chùa Pháp Vân, Đồ Sơn… Các sáng tác khác nếu phải đợi đến Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi vào giữa thế kỷ XV để có bằng chứng văn Nôm già dặn”. Cũng có rất nhiều câu chuyện lưu truyền việc dùng chữ Nôm để sáng tác như: thơ Nôm Nguyễn Sĩ Cố, Quốc Ngữ thi tập của Chu Văn An… nhưng nay văn bản đều không còn…

Về mặt văn tự, chữ Nôm khó đọc nên không được quảng bá trong đại chúng so với chữ Hán, nhưng trái lại văn học Nôm được giới bình dân thưởng ngoạn dễ bằng cách truyền khẩu. Có người đọc không được, nhưng có ai đọc thì họ hiểu và nhớ, nếu được nghe nhiều lần thì thuộc lòng như người miền Bắc có thể đọc thuộc lòng truyện Kiều (của Nguyễn Du) và người miền Nam đọc thuộc lòng truyện Lục Vân Tiên (của Nguyễn Đình Chiểu).

Một phần văn học Nôm cũng sử dụng kỹ thuật thi văn Trung Hoa, đa số là thơ Đường luật, văn biền ngẫu như văn tế hay phú thì số lượng ít hơn. Đặc biệt văn học Nôm có thể lục bát hay song thất lục bát hoặc ngược lại lục bát giáng thất. Thể lục bát dùng để viết truyện và thể song thất lục bát để sáng tác thành khúc ngâm, nó hoàn toàn là 1 thể thi ca của Việt Nam, vì quy luật của nó không có trong thi văn Trung Hoa.

Sự phát triển chữ Nôm, đặc biệt thơ Đường luật được Hàn Thuyên mở đường bằng ngôn ngữ Nôm đã tác động mạnh mẽ đến các thi sĩ sau này.

Kết quả nghiên cứu có thể khẳng định rằng chữ quốc ngữ ra đời có một quá trình dài từ năm 1618 cho đến 1625 với sự hợp tác của nhiều người chứ không chỉ một người. Đa số “tác giả” của chữ quốc ngữ đều là người Bồ Đào Nha, người Ý cùng với một số người Việt theo đạo Thiên Chúa góp sức. PGS.TS Hà Hoàng Kiệm trong bài “Lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ” viết: “Vào thời Nhà Hồ ở thế kỷ 14 và Nhà Tây Sơn ở thế kỷ 18, xuất hiện khuynh hướng dùng chữ Nôm trong văn thư hành chính. Đối với văn học Việt Nam, chữ Nôm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi là công cụ xây dựng nền văn học cổ truyền kéo dài nhiều thế kỷ”. Chữ Quốc ngữ được chính quyền thuộc địa bảo hộ qua các nghị định được người Pháp ban ra với mục đích xóa bỏ chữ Hán và chữ Nôm, nhằm xóa bỏ ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa lên xứ thuộc địa Pháp và để tiếng Việt đồng văn tự với tiếng Pháp, giúp phổ biến tiếng Pháp và dễ bề cai trị. 

Những nhà thơ tiêu biểu sáng tác thơ Nôm như Bà huyện Thanh Quan (1805 – 1848) là nữ thi sĩ tài danh của Việt Nam trong thời kỳ đầu thế kỷ XIX. Những bài thơ tiêu biểu như: Buổi chiều lữ thứ; Cảnh hương sơn; Chiều hôm nhớ nhà; Chùa Trấn Bắc; Qua Đèo Ngang… Đặc biệt nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) là một thi sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, mà hiện tại vẫn khiến nhiều học giả tranh cãi. Di tác của bà hoàn toàn là thơ và đa số đều được viết bằng chữ Nôm. Bà được nhà thơ Xuân Diệu mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Trong nền văn học Việt Nam, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương là một hiện tượng đặc biệt, không chỉ trong nội dung và nghệ thuật sáng tác mà ngay cả các văn bản sáng tác của nữ sĩ họ Hồ vẫn còn là những vấn đề đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu.

Nguyễn Đình Chiểu  sinh ngày 01 tháng 7 năm 1822 mất ngày 03 tháng 7 năm 1888. Tác phẩm thơ nôm tiêu biểu: Truyện thơ Lục Vân Tiên và Dương Từ – Hà Mậu.

Tiếp theo thời đại mới, không thể không nhắc đến thơ ca Hồ Chí Minh, đây là lĩnh vực nổi bật trong di sản văn học của Bác. Với khoảng 250 bài thơ, trong đó có hơn 100 bài thơ chữ Hán – một con số thật có ý nghĩa với một đời thơ, đủ khẳng định Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Hồ Chí Minh không chỉ là nhà chính trị kiệt xuất mà còn là một nhà thơ lớn, được tập hợp và in trong các tập thơ tiêu biểu: Nhật ký trong tùthơ Hồ Chí Minhthơ chữ Hán Hồ Chí Minh. Sau này các nhà thơ chủ yếu sáng tác bằng chữ quốc ngữ hiện nay.

Những ảnh hưởng của Hàn Thuyên đối với nền thi ca Việt Nam sau này trên các góc độ sau:

  1. Hàn Thuyên là tấm gương sáng phản ảnh sự khát vọng của các danh nhân, thi sĩ Việt Nam với lòng yêu nước sâu sắc luôn vươn tới độc lập về văn hóa Việt, thoát ly văn hóa Hán.
  2. Ông đã thúc đẩy sự tìm tòi sáng tạo sự thể hiện các hình thức thơ, không chịu bó buộc luật thơ Đường cũ. Đây chính là cội nguồn dẫn đến sự ra đời, phát triển thể thơ mới hiện đại thể kỷ XX và đầu thế kỷ XXI hiện nay.
  3. Thi ca không chỉ phản ảnh tình yêu thiên nhiên cây cỏ, đôi lứa… mà lớn hơn là tình yêu đất nước, “dùng ngòi làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” (Sóng Hồng). Ông thực sự là nhà văn hóa Việt Nam đáng trân trọng.
  4. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU VỀ HÀN THUYÊN VÀ KẾT LUẬN
  5. Từ khi Hàn Thuyên bỏ làng ra đi, không ai biết được tông tích của ông nữa. Tác giả Đông Xuyên nêu rõ: phải đến năm 2013 (sau gần 800 năm sau), có một người thanh niên ở Thái Bình đã đến tìm ông Dính (quản lý đền thờ Hàn Thuyên ở Bắc Ninh) cho biết, anh chính là con cháu của cụ Nguyễn Thuyên đến xin nhận lại họ hàng. Anh thanh niên cho biết, hiện mộ của danh nhân Nguyễn Thuyên được chôn ở Thái Bình và đề nghị được công nhận. Tuy nhiên, do sự việc chưa rõ ràng nên dòng họ ông Dính chưa dám quả quyết chuyện này. Đây là vấn đề phức tạp, khó khăn nên rất cần các nhà nghiên cứu với các chuyên ngành khác nhau làm rõ điều này để dòng họ ông được nhận lại gốc họ và để làm rõ phần đời còn lại của cụ Nguyễn Thuyên được người đời biết đến.
  6. Vợ con và gia đình Hàn Thuyên cũng chưa được làm rõ. Cần phối hợp với sứ quán Việt Nam ở Mông Cổ, Trung Quốc để sưu tầm tư liệu, tiếp tục nghiên cứu về Hàn Thuyên.
  7. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bài văn tế cá sấu viết bằng chữ Nôm. Tuy nhiên một số người khác lại cho là viết bằng chữ Hán. Theo nhóm tác giả sách Thơ Văn Lý Trần thì sách Việt cổ văn (VHv.2479) ghi lại bài Tế Lô – giang linh ngư văn của Nguyễn Thuyên bằng chữ Hán. Giáo sư Nguyễn Lân cho rằng bài văn Nôm công bố bấy lâu là của người đời sau làm ra “rồi gán cho người xưa”. Vì câu chuyện mà Việt Sử Cương Mục ghi chỉ nói vua sai làm bài văn ném xuống sông (nguyên văn chữ Hán: “Vi văn đầu chi giang trung” nghĩa là làm văn ném xuống sông) chứ không biết là văn Nôm hay Hán. Cụ Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam (NXB KHXH -1971), theo ông Lê Minh Quốc (Tạp chí Xưa Nay số 244-2005) cho là bài thơ do nhà Nho Nguyễn Can Mộng “bịa ra” công bố trên tờ báo Tứ dân văn uyển – 1937. Cần nói thêm là Nguyễn Can Mộng tác giả Nông Sơn thi tập, Nam học Hán tự, Văn chương Việt Nam, Gương liệt nữ… và nhiều tác phẩm khác, mất 1954, sách cụ Trần Văn Giáp in năm 1971. Xem như tồn nghi trên chặng đường phát triển văn học chữ Nôm, và cũng chỉ dám nói là tương truyền.

Kết luận: Với truyền thống tự tôn dân tộc, khát vọng độc lập trong đó có văn hóa, dân tộc ta luôn luôn cố gắng vươn lên để vượt khỏi ảnh hưởng tư tưởng, văn hóa, chính trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc, để khỏi bị đồng hóa và có vị thế trong cộng đồng nhân loại thì chữ Nôm là chứng tích. Tuy còn nhiều góc khuất trong cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Hàn Thuyên, nhưng những gì mà lịch sử để lại cũng có thể khẳng định ông có công phát triển chữ Nôm lên một tầm cao mới và là người đầu tiên đưa thơ Đường luật vào thơ Nôm. Ông là một nhà văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam. Để tri ân một nhà văn hóa, một nhà thơ lớn của dân tộc, tôi xin có bài thơ:                              

                                    Nhớ Hàn Thuyên

Thả thơ, cá sấu chạy đi ngay

Đổi họ – Vua ban, vinh dự thay

Đường luật thơ Nôm người mở lối

Thượng thư Hình bộ ông làm hay.

Gian thần đố kỵ người tài trí,

Dân chúng kính yêu bậc thẳng ngay.

Ẩn dật xa quê  lưu chí lớn

Danh thơm hậu thế nhớ công Thầy.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Thạch Can dịch tư liệu “Gia phả” bản A2351 lưu trữ ở Viện Hán Nôm.
  2. Nguyễn Tài Cẩn – N.V.Stankêvich, Chữ Nôm một thành tựu của thời đại Lý -Trần, Viện Văn học, Hà Nội 1984.
  3. Trần Văn Giáp, Lược truyện các tác gia Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội 1971).Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, NXB Văn học, Hà Nội.
  4. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB Văn học – Đông A, bản in năm 2020.
  5. TS Hà Hoàng Kiệm, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y, Lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ.
  6. Trần Văn Luyện, Talkshow 46 về Nhà Trần, Ban dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, Hà Nội 2021.
  7. Hồ Chí Minh, Lịch sử nước ta, NXB Việt minh truyên truyền bộ, tháng 2/1942.
  8. Vũ Ngọc Phương, Tự hào văn minh Việt, NXB Hội nhà văn, Hà Nội 2017.
  9. Lê Minh Quốc, Tạp chí Xưa Nay, số 244-2005. Tạp chí điện tử Người Kinh Bắc, Nhân vật lịch sử Hàn Thuyên.
  10. Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Bá Thể, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội 1993.
  11. Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, Đại việt sử ký toàn thư, NXB Văn học, 2017.
  12. Đông Xuyên, “Cuộc đời bí ẩn của danh nhân Hàn Thuyên”. Báo Lao động điện tử ngày 07/09/2014.