TRĂNG XUÂN CỦA NGUYỄN VIẾT DƯỠNG .Baì Bình Trần Quốc Chỉnh
TRĂNG XUÂN CỦA NGUYỄN VIẾT DƯỠNG
Trần Quốc Chỉnh
Đã hơn một lần tôi viết về thơ Nguyễn Viết Dưỡng. Như một niềm đam mê khi đọc thơ anh, dẫu đã “Quá tam ba bận” song tôi vẫn muốn nói đôi điều về bài thơ tứ tuyệt TRĂNG XUÂN của thi sỹ in trong tập “Thành Sen bến đợi” – Hội nhà văn xuất bản mà khi viết lời giới thiệu tập thơ này, tôi đã trích dẫn:
Ngắm nụ cười xuân của chị hằng
Là lòng bủa lưới đón mây giăng
Ngư Ông ước hóa thành thi sỹ
Buông một chùm thơ vây lấy trăng.
(“Trăng Xuân” – Nguyễn Viết Dưỡng)
Trước hết phải nói ngay rằng: “Trăng Xuân” là một bài thơ hay, một bài tứ tuyệt mà ta có thể tìm thấy ở đấy những nét đặc trưng của thơ cách luật cổ thi: Thi đề, bút nháp, cảm hứng… diễn ra trên nhiều cấp độ từ ngôn ngữ, hình ảnh, kết cấu, chiều sâu cảm xúc… mà lại rất mới mẻ, hiện đại.
“TRĂNG” một thi đề quen thuộc trong thơ ca kim – cổ phương đông, song bài “Trăng xuân” không phải là bài trữ tình phong cảnh, tả trăng, vịnh trăng ta thường gặp. Tiêu đề cũng cho ta nhận ra không gian, thời gian cảm hứng và điểm nhìn nghệ thuật của chủ thể trữ tình: Trăng xuân – thời điểm trăng đẹp nhất, trẻ trung, tinh khôi nhất…
Thi sỹ xưa có rượu mới có trăng. Với Ức trai – Nguyễn Trãi: “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén”; Nguyễn Du thì: “Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”. Rượu thêm men cho ý thơ thêm nồng; Hoa nở để cho lời thơ thêm lai láng. Trong “Trăng xuân” không thấy rượu, thấy hoa mà TRĂNG đã hiện hình – mà lại là trăng xuân thơ mộng nhất. Giữa thi sỹ Nguyễn Viết Dưỡng và trăng không cần một yếu tố môi giới nào. Hai người thi sỹ và trăng tự nhiên mà ngắm nhau.
“Ngắm nụ cười xuân của chị Hằng”
Hai cử chỉ của hai con người: Thi sỹ Nguyễn Viết Dưỡng thì “ngắm” còn chị Hằng thì nở một nụ cười xuân. Thật đắm say mà tinh tế, tinh khôi biết nhường nào. Nụ cười xuân của chị Hằng hay chị Hằng nở một nụ cười xuân để rồi thi sỹ đắm say mà “Ngắm”? Thật khó mà phân biệt. Chỉ có hai đôi mắt nhìn nhau và tấm lòng hướng tới!…
Và nếu ở câu “Khai” ngắm là hành động, là cử chỉ đến câu “Thừa” lại là một cảm xúc, tâm trạng đến xao xuyến bồi hồi:
“Là lòng bủa lưới đón mây giăng”
Hệ từ “là” đặt đầu câu thơ, về phương diện nghệ thuật tạo nên một câu thơ vắt dòng diễn tả một trạng thái tinh thần, như một sự thú nhận về một sự thật khi ngắm “Nụ cười xuân” của trăng.
Ngắm nụ cười mà lòng “Bủa lưới”… phải chăng cái kỳ diệu của nụ cười kia đã buộc chặt trái tim thi sỹ? Có cách nói nào hay hơn về sự cuốn hút, đắm say của nụ cười xuân của chị Hằng đối với nhà thơ hơn hai chữ “Bủa lưới”, “đón mây giăng”? Câu thơ không có âm thanh, chỉ có ngôn ngữ chỉ thái độ và tâm trạng. Tình tứ và lãng mạn biết bao nhiêu trong hình ảnh “Bủa lưới” “đón mây” nhờ phương thức tu từ ẩn dụ này?
Hai câu cuối của bài thơ:
“Ngư Ông ước hóa thành thi sỹ
Buông một chùm thơ vây lấy trăng”
Sao lại là “Ngư Ông” mà không phải là nhà thơ, là nhân vật trữ tình? Phải chăng vẻ đẹp quyến rũ của “Nụ cười xuân của chị Hằng” khiến cho Ngư Ông – con người lặng yên nơi miền sông nước kia cũng xao xuyến? Trong thi ca, có những điều phi lô gích. Bởi thơ không tư duy theo một quy luật thông thường. Thơ tư duy theo quy luật riêng của thơ: Quy luật của cảm xúc, của hình tượng trữ tình. Vì vậy nhiều khi cái phi lô gích khiến cho thơ mới thực sự là thơ. Ở đây người ước thành thi sỹ là Ngư Ông. Bởi một phần như nói ở trên trăng đẹp quá, nụ cười xuân của chị Hằng đáng yêu quá, Ngư Ông đắm say, nhưng Ngư Ông không thể nói thành lời, càng không thể đối diện với trăng, nên mới ước hóa thành thi sỹ – Chỉ có thi sỹ mới đủ “Tư cách” đối diện với trăng và đủ “ngôn ngữ”, trí tuệ để “Ngắm” chị Hằng?
Câu thơ không nói vẻ đẹp của trăng, sức quyến rũ của trăng, chỉ nói Ngư Ông ước hóa thành thi sỹ… để buông một chùm thơ, để vây lấy trăng… Thế mới hiểu trăng xuân đẹp đến nhường nào, hấp dẫn đến nhường nào! Bút pháp lấy xa để vẽ gần, lấy ảo để nói thật… rất đặc trưng của Đường thi thực sự được tác giả vận dụng một cách thành công, khiến cho hình tượng thơ thêm lung linh huyền ảo, hấp dẫn.
Thi sỹ xưa ngắm trăng, thấy trăng đẹp, nhưng buồn. Đỗ Phủ, Lý Bạch nhà thơ đời Đường rất yêu trăng, đã có lúc lấy trăng làm bạn, mời trăng múa hát. Nhưng lại có lúc mượn trăng để nói cái phiêu diêu, cô quạnh của lòng mình, cho nên, trăng gợi buồn, gợi nhớ. Nhà thơ mới Việt Nam (1930-1945) yêu trăng mà vẫn thấy “Trăng lạnh, trăng xa, trăng rộng quá” nên thấy mình trống trải bơ vơ… Không so sánh với các thi nhân xưa, song ta có quyền nhận xét: Trăng trong TRĂNG XUÂN của Nguyễn Viết Dưỡng đẹp, gần gũi, giữa thi nhân và trăng nào có khoảng cách. Hơn thế nữa, bài thơ có 28 chữ đã có 4 cặp động từ liên tiếp được dùng ở các câu “Thừa”, “Chuyển”, “Hợp” là các cặp từ “Bủa lưới”, “đón mây”, “Hóa thành” “Vây lấy” vừa thể hiện được một tình yêu đắm say, vừa thể hiện một khát vọng mãnh liệt của một cái tôi khi đắm mình gần gũi trước vẻ đẹp của thiên nhiên và một ước muốn chiếm lĩnh, tận hưởng vẻ đẹp của chị Hằng.
Nhà thơ Xuân Diệu trong bài thơ vội vàng, với một tâm hồn đầy lãng mạn, thi sỹ ước muốn đoạt quyền của tạo hóa để buộc thời gian dừng lại (Tôi muốn tắt nắng đi….tôi muốn buộc gió lại…) để hương sắc đẹp mãi muôn đời, để mùa xuân mãi là bữa tiệc vĩnh viễn giữa trần gian. Tuy nhiên khát vọng đó của Xuân Diệu chỉ là ảo vọng vì con người dù tài giỏi đến đâu cũng khó lòng đoạt được quyền của tạo hóa. Thi sỹ Nguyễn Viết Dưỡng trong “TRĂNG XUÂN” hiện thực hơn rất nhiều, cái tôi trong bài thơ anh đắm say mà không vồ vập. Ước muốn trong thơ anh nhẹ nhàng mà thanh tịnh, gần gũi và đáng yêu, rất thi sỹ, gần gũi: Ước “Hóa thành thi sỹ” để “buông một chùm thơ vây lấy trăng”.
Đại văn hào Pháp V.Huygô từng viết: “Có một cảnh tượng lớn hơn biển, ấy là trời; Có một cảnh tượng lớn hơn trời ấy là thế giới bên trong của tâm hồn con người”. Đọc bài thơ TRĂNG XUÂN mới đầu cứ ngỡ bài thơ vịnh trăng, hoặc lặp lại thi đề “Vọng nguyệt” rất quen thuộc trong thơ ca cổ điển phương đông, nhưng cuối cùng ta bắt gặp ở bài thơ là vẻ đẹp của một tâm hồn đầy lãng mạn mà tinh tế trước thiên nhiên tạo vật.
Thơ viết về trăng đầy ắp trong thi ca nhân loại, song bài TRĂNG XUÂN của Nguyễn Viết Dưỡng vẫn có một sức hấp dẫn kỳ diệu, gợi cho ta nhiều cảm xúc. Qua “Trăng xuân” mà ta thấy lấp lánh một tâm hồn nghệ sỹ, đẹp đẽ, tinh tế, nhạy cảm trước thiên nhiên, tạo hóa.
T.Q.C
Hà Tĩnh, ngày 20/11/2024