TRẠNG KHIẾU bài viết của Bùi Chí Thành theo nguồn Văn học Việt

 

 

TRẠNG KHIẾU

                                                  Bùi Chí Thành

       Khoảng đầu đời vua Hiển Tông nhà Lê (1740 – 1786) ở đất Đồng Cống, làng Hữu Thanh, phủ Thái Bình (Nay là tỉnh Thái Bình), có một người mõ già làng xóm vẫn gọi tên là lão Đốp. Vợ chồng lão Đốp hiếm hoi sinh được một đứa con trai khôi ngô, tuấn tú, khoẻ mạnh đặt tên là Bé Con. Nhà nghèo hèn, lớn lên Bé Con không được học hành, khi mười lăm tuổi thường ngày vác mõ đi rao thay cha già, trong làng có đình đám nào thì phục dịch, hầu hạ.

       Tại làng Hữu thanh lúc Bấy giờ có cụ Thượng Lê về hưu trí, giữ chức Tiên chỉ, có một người con gái 16 tuổi, tên là Hồng Ngọc. Cô chẳng những có vẻ đẹp nghiêng nước, nghiêng thành mà còn có tài cầm, kỳ, thi, hoạ. Nên nhiều gia đình Đại thần cho mai mối tới hỏi cho con, có nhiều đám cụ thượng muốn gả, song tiểu thơ chưa bằng lòng lấy ai.

       Trung tuần tháng tám, âm lịch năm ấy, vợ chồng cụ Thượng Lê và tiểu thư Hồng Ngọc đi trẩy hội Kiếp Bạc (Đền thờ Đức Thánh Trần, giỗ ngày 20 tháng Tám). Thằng Bé Con nhà mõ được gọi đến theo hầu để mang hành lý và lễ vật. Lúc trở về qua sông Thái Bình, thuyền ra giữa sông, bỗng bị một cơn gió lớn làm thuyền bị lật. Vợ chồng cụ thượng nhờ bám được vào mạn thuyền, nên người lái đò đẩy được vào bờ thoát chết. Còn tiểu thư Hồng Ngọc bị nước cuốn đi, nhưng may mắn thằng Bé có sức khoẻ, giỏi bơi lội, phóng theo cứu được, ôm lội vào bờ, thoát khỏi tay hung dữ của Phong thần, Hà bá – Phải chăng đây là Thiên duyên giữa Hồng Ngọc và Bé Con!

       Từ đó trong nhà có việc gì, cụ Thượng cũng cho người gọi Bé đến để sai khiến, xem nó như đầy tớ thân tín ở trong nhà. Tiểu thư Hồng Ngọc cũng từ đó để bụng thương vụng nó. Nên mỗi lần Bé đến thường gọi vào phòng cầm sa quét dọn. bề ngoài là thế nhưng trong bụng đã thầm yêu, trộm nhớ! lửa gần rơm lâu ngày cũng bén! Hôm nào cụ Thượng không cho gọi thằng Bé đến là hôm ấy tiểu thư có vẻ buồn rầu, nhung nhớ, như người mắc bệnh tương tư! Muốn gỡ mối tơ lòng có hôm tiểu thư lại vẽ ra một chuyện để gọi Bé đến, rồi tối lại lén đem vào phòng cấm ái ân!

       Thời gian trôi, thân hình Hồng Ngọc đổi khác cả từ nhan sắc, dáng điệu đến ăn uống. Bà lớn cụ Thượng nghi ngờ, dỗ dành, gạn hỏi mới hay là con gái có thai, mà lại có thai với thằng Bé Con nhà mõ, mới trời ơi là trời! Như thế còn gì là tiết hạnh, còn gì là giá trị một thiên kim tiểu thư, một cô gái duy nhất cấm cung của một quan Đại thần hồi hưu!

       Biết được nông nỗi và sự tình của con! Vợ chồng cụ Thượng như chết hẳn người đi. Cụ nổi giận lôi đình, sai nọc tiểu thư ra đánh cho một trận, bắt phải cuốn gói ra khỏi nhà lập tức. – Tao thà không có con, chứ không thể có con như mày làm điếm nhục gia phong!

       Chưa hả giận cụ lại sai binh nọc đánh cho bố thằng bé một trận vì cái tội lớn không biết dạy dỗ con. Thằng Bé cũng bị một trận đòn chí tử. Trừng phạt xong cụ hạ lệnh, trục xuất nó khỏi làng Hữu Thanh và quay bảo con gái: – Muốn lấy nó thì cuốn gói theo nó luôn, còn ở lại tao thả bè chuối trôi sông cho khuất mắt.

       Hôm ấy, Hồng Ngọc cùng Bé phải đi ngay. Bà mẹ tuy giận dữ, nhưng tình mẫu tử, lén dúi cho con một số vàng bạc để phòng thân, rồi gạt lệ chia tay.

       Tiểu thư Hồng Ngọc cùng Bé lên đường, hai người đưa nhau vào Thanh Hoá chung sống, xa cách quê hương tránh mọi tiếng tăm này nọ. Từ đó, hai người thành vợ, thành chồng, không phải cưới xin gì cả, nhưng sống với nhau rất hạnh phúc! Một bên là con nhà khuê các thượng thặng, một bên là con kẻ cùng đinh nghèo hèn!

       Đến phủ Đông Sơn, Thanh hoá hai vợ chồng thằng Bé mở một quán nhỏ bán nước ở ngay bên ngoài phủ lỵ sinh nhai. Không nản chí, Hồng Ngọc tìm thầy dạy học cho chồng. Được biết, cụ Thượng Phùng là bạn của cha, mở trường dạy học ở đây. Hồng Ngọc đã tìm đến xin cho chồng theo học trường cụ Thượng Phùng. Tìm được trường của cụ thượng Phùng rồi, Ngọc xưng tên tuổi họ hàng và nói thác ra Bé là em trai vì học dốt nát và biếng lười nên cụ Thượng Lê đuổi đi. Vì thương xót em, nên đưa vào Thanh ở tạm và buôn bán để nuôi cho ăn học. Nghe nói, con của bạn đồng liêu cụ Thượng Phùng sẵn sàng cho học, ra công dạy bảo. Thằng Bé học rất thông minh, tối về lại được vợ dày kèm thêm, nên chỉ sau vài năm đèn sách đã thành một thư sinh văn hay, chữ tốt đứng đầu trường cụ Thượng Phùng. Học được ba năm, một hôm cụ Thượng Phùng gọi Hồng Ngọc đến bảo rằng:

      – Cậu em đã học thành tài và sang năm có khoa thi Hương, vậy cô đưa về quê thưa với cụ Lớn nhà để cụ Lớn thương tình cho cậu trở lại và làm giấy khai cho cậu đi thi, kẻo không kịp đó, mà tôi tin chắc cậu em thế nào cũng đỗ cao đó!

       Hồng Ngọc nghe cụ Thượng Phùng nói cả mừng, bây giờ mới xin cụ tha tội, khai thật rằng: Bé chính là chồng mình và kể lại mọi sự tình với cụ và xin cụ giúp cho nhập tịch ở Đông Sơn để dự thi trường Thanh, và thi có đậu mới dám về quê thì lúc ấy may ra cha mẹ mới nhận.

       Cụ Thượng Phùng vừa mến tài học của học trò, vừa nghĩ quá đỗi thương tình cho tình cảnh vợ chồng của họ. Nên đã viết một bức thư cho người ra tận Thái Bình đến làng Hữu Thanh trao tận tay cụ Thượng Lê. Cụ Thượng Phùng cho cụ Thượng Lê hay hết mọi sự và khuyên cụ bỏ qua mọi chuyện ngày trước, quá bộ vào chơi với bạn cho rõ sự thật để định liệu tương lai cho con cái.

       Vợ chồng cụ Thượng Lê lâu ngày cũng bớt giận, và cũng rất nhớ con, nhất là cụ Thượng bà! Nên được thư, vợ chồng cũng rất cảm động, rồi cùng vào Thanh để gặp rể, con và cháu ngoại (Lúc ấy vợ chồng Bé đã có một con trai đầu lòng).

       Đến Đông Sơn, vợ chồng cu Thượng Lê đến thẳng nhà cụ Thượng Phùng. Cụ Thượng Phùng sai người đi gọi vợ chồng Hồng Ngọc đem con đến, hai bên gặp nhau vừa mừng, vừa tủi. Cụ Phùng đưa sách vở và các bài làm của Bé ra cho cụ Lê xem. Cụ Thượng Lê xem đi, xem lại, bài nào cũng tấm tắc khen hay, nhưng trong bụng cụ ngờ có bàn tay của cụ Phùng giúp sức, nên cho gọi con rể vào thử tài. Cụ lấy đầu đề là cái mõ, bảo Bé làm một bài thơ vịnh cái mõ. Bé vâng lời cầm bút viết ngay:

          VỊNH CÁI MÕ

Vì thiên hạ điếc đã lâu ngày,
Trời mới sinh ra cái mõ này.
Phép nước vang lừng ra cửa miệng,
Lệnh làng thét lẹt nắm trong tay.
Việc quan thúc bách ba dùi đốp,
Lộc thánh ban ra mấy hộc đầy.
Lộc cốc tre già măng lại mọc,
Ðầu đình cao vót đụng tầng mây.

       Thằng Bé làm xong, đem trình lên hai cụ, hai cụ xem xong đều thán phục, khen là tuyệt tác, chẳng kém gì bài thơ “Thằng Mõ” của vua Lê Thánh Tông:

 

Mõ này có tiếng lại dài hơi,

Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi.

Mộc đạc vang lừng trong tám cõi,

Kim thanh chuyển động khắp đôi nơi.

Trẻ già chốn chốn đều nghe hiệu,

Làng nước ai ai cũng cứ lời.

Thứ bậc dưới trên quyền cất đặt,

Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi.

      Cụ Phùng nói:

 – Cứ như khẩu khí trong bài thơ này thì cậu rể của cụ Lớn đây phải thi đỗ Trạng nguyên mới đúng!

      Cụ Lê than:

 – Thật tôi không ngờ nó con nhà mõ mà học lại giỏi đến thế này!

      Cụ Phùng an ủi cụ Lê:

  – Cái đó chẳng có gì lạ cả. Những bậc anh tài xuất chúng xưa nay như chúng ta đã mấy ai sinh ra chốn lầu cao, gác tía. Y Doãn đi cày, Quản Trọng đi buôn, Hàn Tín đi câu… Gặp thời vận, có chí đều làm nên sự nghiệp!

      Nói đoạn, cả hai ông bà đều an ủi Hồng Ngọc, khen con có chí, có mắt tinh đời; và nhờ cụ Phùng giúp cho con rể được thi trường Thanh. Cụ Phùng bằng lòng xin cụ Lê đặt tên họ lại cho con rể. Cụ Lê nhận con rể là con nhà mõ, làng Hữu Thanh. Nên đặt họ cho nó là Khiếu (Nghĩa là kêu) và tên là Hữu Thanh (Nghĩa là có tiếng). từ đó thằng Bé được mang tên, họ là: Khiếu Hữu Thanh. Cụ Lê tin “Quý tế” của cụ cũng làm nên sự nghiệp, tiếng vang xa…Quả đến kỳ thi, cậu Khiếu Hữu Thanh đỗ thủ khoa trường Thanh mới vinh dự làm sao! Tức chí bấm chí, cậu xin ở lại tiếp tục học tập, dùi mài đèn sách đợi kỳ thi Hội.

       Tới kỳ thi Hội, Khiếu Hữu Thanh thi đỗ Hội Nguyên, rồi vào thi Đình đỗ Đình Nguyên, được nhà vua ban sắc Trạng nguyên và ban cờ, biển, vọng, lọng, xe ngựa để vinh quy, bái Tổ! Khi vào dự yến vua thấy Khiếu Hữu Thanh khôi ngô, tuấn tú muốn gả công chúa Quỳnh Hoa cho, nhưng Hữu Thanh từ tạ vì đã có vợ là Lê Thị Hồng Ngọc. Vua khen là có nghĩa, không ép và cho phép Hữu Thanh được vinh quy Đông Sơn làm lễ bái môn (Lễ lạy cảm ơn thầy) cụ Thượng Phùng, đồng thời để đón Hồng Ngọc cùng vinh quy về làng. Vợ chồng quan Trạng đi đến đâu cũng được nhân dân đón tiếp trọng thị và cảm phục!

       Cụ Thượng Hà, bạn của cụ Thượng Lê và cụ Thượng Phùng cũng muốn gả con gái tên là Bích Châu cho Hữu Thanh chàng cũng từ chối luôn.

       Hồng Ngọc nghe nói liền khuyên chồng nên nhận lời để có bạn chung lo công việc, rồi tự đi đón Bích Châu về làm vợ thứ cho chồng.

      Sau đó, Trạng Khiếu làm quan thăng đến chức Tể tướng, và nhờ có công theo vua đi đánh giặc Bồn Man nên được phong tước Hữu Thanh Hầu. Hữu Thanh từ đó tiếng vang xa…Trạng Khiếu làm quan liêm chính, ngoài bốn mươi năm sự nghiệp hiển hách. Ðến lúc cáo lão về làng, dân làng lập từ, nay là đền quan trạng Khiếu tại quê cũ Đồng Thanh. Con cháu họ Khiếu về sau ngày càng đông đúc, kể có mấy trăm người, nhiều kẻ thi đỗ cao, đời nào cũng có kẻ hiển đạt. Người sau nói về dòng dõi Trạng nguyên con lão mõ có thơ truyền rằng:

                                                  “Cô Hồng giăng đặt dây tơ đỏ,

Họ Khiếu vang trời tiếng mõ kêu!”

————————

Bài viết theo nguồn văn học Việt

 Bùi Chí Thành

CLB Minh triết thơ Đường Đức Thọ, Hà Tĩnh

ĐT: 0915689219