THƠ “NGŨ ĐỘ THANH” Bài viết của Tiến sĩ Đinh Nho Hồng

 

THƠ “NGŨ ĐỘ THANH”

                                                                   Bài viết của Tiến sĩ Đinh  Nho Hồng

Thơ “Ngũ độ thanh” là gì và xuất phát từ đâu?

“Từ điển tiếng Việt” định nghĩa: “Thanh là nói tắt của thanh điệu”.

Trong tiếng Việt của chúng ta có 6 thanh (2 thanh bằng, 4 thanh trắc). Vì thế, trong một câu thơ thất ngôn, nhiều nhất gồm 6 thanh khác nhau. Trong một câu thơ luật Đường “ngũ độ thanh” có thể gồm 6 thanh hoặc 5 thanh khác nhau, ít nhất phải có 5 thanh. Có lẽ vì thế, người ta mới gọi là thơ “Ngũ độ thanh”.

Một trong những khác biệt của tiếng Việt so với tiếng Trung Quốc để tăng thêm nhạc điệu của bài thơ là trong tiếng Việt có 6 thanh, còn tiếng phổ thông Trung Quốc chỉ có 4 thanh (bình, thượng, khứ, nhập).

Mọi luật chơi đều do con người đặt ra. Đặc biệt, thơ “Ngũ độ thanh” chỉ có trong tiếng Việt, cho nên điều chắc chắn luật đó là do người Việt chúng ta đặt ra.

Trong tiếng Việt, có 2 thanh bằng là thanh không (không dấu) và thanh huyền (dấu huyền), 4 thanh trắc là sắc, hỏi, ngã, nặng. Khi chúng ta ngâm thơ, nhiều người nước ngoài nói là người Việt Nam “hát thơ”.

Thơ “Ngũ độ thanh” phát huy cao độ tính nhạc điệu của tiếng Việt. Nhưng nhiều khi, vì cố tuân theo luật chơi mà phải “hi sinh” một vài ý thơ. Khi đã tuân thủ luật ngũ độ thanh, đương nhiên không mắc những lỗi như khổ độc, nhưng vẫn có thể vướng vào một vài lỗi khác, như phong yêu, hạc tất, bình đầu, thượng vĩ, … Dù sao, sáng tác thơ “ngũ độ thanh” cũng là một thú chơi ưa thích, ưa sáng tạo của nhiều người đến với thơ luật Đường.

Hiện có các quan điểm khác nhau sau đây về luật thơ “Ngũ độ thanh”:

  1. Quan điểm thứ nhất (Xem ví dụ 5 dưới đây): Một số người chơi cho rằng, cứ có đủ 5 thanh khác nhau trong một câu thơ là được, những quy định khác có thể bỏ qua, ví dụ, có thể áp dụng “Nhất, tam, ngũ bất luận”, hay không nhất thiết hai từ thanh bằng liền kề phải khác dấu, hoặc trong một câu có hai từ thanh trắc cùng dấu cũng không sao, miễn có đủ 5 thanh là thành thơ “Ngũ độ thanh” rồi. Quan điểm này không được đa số người chơi chấp nhận.
  2. Quan điểm thứ 2, được đại đa số bạn thơ chấp nhận và một số người chơi gọi là quan điểm cơ bản, thậm chí có người gọi là quan điểm “chính thống” (Xem các ví dụ 2, 3, 4 dưới đây):

– Trong một bài thơ “Ngũ độ thanh”, luật bằng trắc phải tuyệt đối phân minh, không có bất luận. Không được áp dụng “Nhất tam ngũ bất luận” trong thơ “Ngũ độ thanh”.

– Trong mỗi câu thơ, những thanh bằng liền kề nhau không được trùng dấu (phải là một từ thanh không và một từ thanh huyền liền kề).

– Trong một câu, các thanh trắc không được lặp lại dấu.

Tóm lại, trong một câu thơ, ít nhất phải có 5 thanh khác nhau (ngũ độ thanh). Nếu câu có 3 từ thanh bằng (gồm 2 thanh điệu khác dấu), thì 4 từ thanh trắc phải là 4 dấu sắc, hỏi, ngã, nặng khác nhau (tổng cộng có 6 thanh độ); còn câu có 4 từ thanh bằng (gồm 2 thanh khác dấu), thì 3 từ thanh trắc cũng khác dấu nhau (có 5 thanh độ) và các từ thanh bằng liền kề không được trùng dấu.

  1. Còn có quan điểm thứ 3, khắt khe hơn (Xem ví dụ 1 và 6 dưới đây). Ngoài việc thực hiện đúng các tiêu chí của quan điểm 2, còn phải tuân theo các yêu cầu sau:

– 5 vần bằng của các câu trong bài phải liên tục đổi dấu (một câu có vần thanh huyền, một câu có vần thanh không và ngược lại), trừ bài độc vận (xem ví dụ 4 dưới đây);

– Phải dùng chính vận;

– Các đuôi thanh trắc cũng khác dấu nhau;

– Không được phạm vào các lỗi (bệnh) nặng, khó nghe, như bệnh hạc tất, phong yêu thanh huyền.

Tuân theo quan điểm thứ 3 này, nhạc điệu bài thơ còn được nâng cao hơn.

Ngày nay đa số người chơi chấp nhận quan điểm thứ hai nêu trên.

Sau đây xin giới thiệu một vài bài thơ làm ví dụ:

Ví dụ 1 dưới đây vừa là “Ngũ độ thanh” theo quan điểm 3, vừa là “Bát vĩ đồng âm”.

Ví dụ 1: PHÁC CẢNH NGÀY XUÂN

      (Ngũ độ thanh, bát vĩ đồng âm)

Xuân về thả bộ giữa hàng cây,

Ngưỡng cảnh đào phai, bích lượn đầy.

Thoải mái tìm quanh, nào bãi sậy,

Mơ màng ngó ngược, cả trời mây.

Bèo loang có lẽ do người đẩy,

Nước vẩn vì chưng sẵn bọn vầy.

Tụi trẻ nô đùa vung nón vẫy,

Ai kìa ngẫm ngợi đứng đờ ngây?

ĐNH

Ví dụ trên không những tuân thủ mọi tiêu chí của quan điểm “chính thống”, mà còn hoàn toàn chính vận “-ây”, các vần thanh bằng lại liên tục đổi dấu (cây, đầy, mây, vầy, ngây) và các đuôi thanh trắc cũng khác dấu nhau (sậy, đẩy, vẫy):

Ví dụ 2 dưới đây hoàn toàn tuân thủ các tiêu chí của quan điểm thứ hai, nhưng không theo quan điểm thứ 3, vần bằng không hoàn toàn đổi dấu (“già” và “nhòa” đều mang thanh huyền) và không dùng chính vận (không hoàn toàn theo vần “-a”, câu cuối dùng vần “-oa”)

 

Ví dụ 2: BẠN HƯU ĐẾN NHÀ

Hưu rồi, thoải mái, lại cùng ta,

Lặng lẽ chào nhau trước cửa nhà.

Ngắm mỗi khu vườn chơi chậu cảnh,

Xem vài cháu nhỏ học bài ca.

Tình sâu mãi nhớ thời trai trẻ,

Nghĩa nặng nào quên lúc tuổi già.

Vắng bạn lâu ngày trông vẫn khỏe,

Cầm tay cảm động ướt mi nhòa.

 ĐNH

Tương tự, các ví dụ 3 và 4 dưới đây cũng tuân thủ quan điểm 2:

 

Ví dụ 3: DÒNG SÔNG THU

Thu về nắng lụa trải dòng sông

Một cõi lòng ai cảnh sắc hồng 

Đẹp mãi thân rồng trên xứ sở

Tươi hoài phượng vĩ dưới tầng không

Câu hò mái đẩy trao tình đượm

Giọng hát đò đưa trả nghĩa nồng

Giữa thảm trời xanh vàng ánh nguyệt                 

Ghe, thuyền cập bến thỏa niềm trông.

Nguyễn Thị Thực (Hà Tĩnh)

 

Ví dụ 4: KHÔN HAY DẠI?

(Ngũ độ thanh, độc vận)

 

Lòng tham muốn mãi trở thành khôn,

Lắm của quyền to đã được khôn.

Nhét đẫy đầy bao thì chẳng dại,

Vơ phồng chặt túi hẳn là khôn.

Tiền công thoải mái chi nào dại,

Đất phật tùy cơ xẻo vẫn khôn.

Cũng phải khuyên người khôn phát dại,

Cần mau giác ngộ để mà khôn.

ĐNH

 

Để làm sáng tỏ thêm, xin lấy một cặp xướng họa sau đây làm ví dụ:

Ví dụ 5: Bài xướng: Của tác giả LNY (Theo quan điểm 1):

 

THỔN THỨC ĐÒ QUÊ

 

Đò quê thổn thức trĩu vai thơ

Quẩy vội tìm ai đến thẫn thờ

Ước hẹn mùa xuân trao nỗi nhớ

Mong chờ tiết hạ gửi niềm mơ

Trời xanh lộng gió tâm hồn mở

Mây trắng vờn bay bản nhạc chờ

Nâng sóng nghĩa em bồng món nợ

Cánh lòng trễ nải quyện vương tơ

LNY

Ví dụ 6: Bài họa: Của ĐNH

THỔN THỨC ĐÒ QUÊ

Một chiếc đò quê chở trĩu thơ

Thuyền đâu cặp bến hẳn mong chờ

Dù cho hạ hãy còn nhung nhớ

Vẫn biết xuân là để mộng mơ

Sóng vỗ bờ đê, lòng rộng mở

Rừng reo bản nhạc, ý tôn thờ

Tình ai bỏ đó đời vương nợ

Có phải tâm hồn đã quyện tơ?

Đinh Nho Hồng

 

 ĐNH