THƠ ĐƯỜNG TRIÈU NGUYỄN . Bài viết của Trương Nữ Hương Thuỷ
THƠ ĐƯỜNG TRIÈU NGUYỄN
Trương Nữ Hương Thuỷ
ĐT :0908883057
Hơn 140 năm dưới Triều Nguyễn, ngoài thú tiêu dao thanh nhã thì Thơ Đường luật còn in chiếu tâm tư, khát vọng của con người, ghi dấu đời sống văn hóa, đời sống tâm linh, góp phần không nhỏ từng trang lịch sử của Dân tộc
Ngược dòng thời gian trở về năm Nhâm Tuất 1802 theo nhiều tài liệu ghi chép, sau khi đánh bại lực lượng Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh sửa lại Hoàng thành, lập đàn tế cáo trời đất ông lên ngôi đặt niên hiệu Gia Long năm thứ nhất.
Năm Bính Dần 1806 vua Gia Long chính thức làm lễ xưng đế tại điện Thái Hòa, đổi quốc hiệu là Việt Nam, chấm dứt cuộc “nội chiến” gần 300 năm, mở ra triều đại các vua Nguyễn.
Sau vua Gia Long, triều Nguyễn tiếp tục trải qua 12 đời vua tính từ vua Minh Mạng tới vua Bảo Đại. Đằng đẵng non 1,5 thế kỷ ấy, nhiều tác phẩm thơ văn, tiêu biểu là thể thơ Đường luật lần lượt ra đời.
Theo sử liệu thời vua Minh Mạng đất nước vô cùng hưng thịnh, hơn hai mươi năm trị vì ông được xem là vị vua năng động, hiểu biết quyết đoán, coi trọng học vấn với nhiều thành tích trong cải cách từ chính trị đến ngoại giao. Cũng là người tinh thông nho học nên ông đã hình thành thói quen tao nhã đề thơ khi thăm thú những vùng đất đẹp, “Ngự Bình Sơn” vua viết năm 1839 đầy tình ý:
Thương thương đại sắc niên niên tại/ Ngất lập Nam thiên cử đỉnh kình.
Tạm dịch: Quanh năm bao phủ màu xanh thẳm/Tạo dựng trời Nam vững tựa thành
Tiếp nối tinh thần văn chương, vị vua yêu thích thi ca Thiệu Trị để đời với 165 bài thơ được chạm khắc tại điện Long An, nay là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Đặc biệt hai bài “Vũ trung sơn thủy” (Non nước trong mưa) và bài “Phước Viên văn hội lương dạ mạn ngâm” (Ngâm vịnh trong đêm thơ ở vườn Phước Viên) được viết theo dạng hồi văn, là một kiểu chơi chữ đầy trí tuệ, công phu mà chỉ người thực tài cùng vốn liếng chữ nghĩa phong phú mới có thể làm được.
Không kém cạnh tiền nhân, đến thời vua Tự Đức, cũng được xem là một vị vua hay chữ với giai thoại tuyển phi lạ thường kể rằng, qua tấu của quan Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa, vua đọc biết thiếu nữ Nguyễn Thị Bích con quan Nguyễn Nhược Sơn tròn 18 tuổi có tài thi phú nên cho triệu vào cung thử tài, để rồi mến mộ tài năng văn chương mà gác bỏ thông lệ, tuyển bà vào cung cho giữ chức Thượng Nghị viên sư năm 1848. Trải qua các tước vị, 20 năm kể từ ngày nhập cung bà được sắc phong làm Tiệp dư, giữ vai trò dạy học trong cung đình và được đấng quân vương muôn phần yêu quý.
Ngoài ba vị vua yểu mạng là vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc thì vua Thành Thái, Hàm Nghi, Duy Tân cũng có những vần thơ còn lưu lại đến hôm nay và dù được sắp đặt lên ngôi khi tuổi đời còn là những cậu bé thì lòng yêu nước vẫn nồng nàn qua “Phong Trào Cần Vương” với vua Hàm Nghi, đội “Ngự Binh Tóc Dài” của vua Thành Thái, “Tổ chức Quang Phục Hội” cùng vua Duy Tân và dẫu bị lưu đày, sống những tháng ngày đau đáu niềm thương nhớ cố hương, nỗi trăn trở cùng vận nước như hòai vọng ngân qua câu cú:
Ôi việc trên dời ngẫm cũng hay
Sơn hà xã tắc nắm trong tay
Hai hàng mũ áo mong mong trước
Bốn phía cày bừa nhớ nhớ nay
Tôn tổ vun trồng đà có tớ
Đất trời ngang dọc ngẫm từ đây
Xoay vần con tạo xem chăng tá
Quét sạch tanh hôi có mặt này
(Vua Hàm Nghi)
Bên cạnh nỗi thương xót dành cho những bậc đế vương yêu nước thương nòi phải nhắc đến 2 vị vua thứ 9 và 12 là Đồng Khánh cùng Khải Định. Giữa những lời khen ít chê nhiều nổi bật lên bài thơ chỉ trích vua về việc người dân phải gánh thêm 30% thuế điền sau khi vua Khải Định làm lễ mừng tuổi 40 của mình quá xa hoa tốn kém, đẩy ngân sách vào khánh kiệt. Bài thơ nặng lời lẽ châm biếm, xem thường vị vua theo lối sống phù phiếm làm hổ danh tiên tổ được viết bởi Tiến sĩ Ngô Đức Kế, một trong những chí sĩ giàu lòng yêu nước đầu thế kỷ 20:
Hỏi Gia Long
Ai về địa phủ hỏi Gia Long,
Khải Định thằng này phải cháu ông?
Một lễ tứ tuần vui lũ trẻ
Trăm gia ba chục khổ nhà nông
Mới rồi ngoài Bắc tai liền đến
Năm ngoái qua Tây ỉa vãi vùng
Bảo hộ trau dồi nên tượng gỗ
Vua thời còn đó, nước thời không.
Cũng không thể không kể tên vị quan “ngông” Nguyễn Công Trứ khi nói đến chủ đề thơ Đường dưới triều Nguyễn. Ông trải qua ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, là vị quan thanh liêm tài trí hơn người, ngoài được biết đến là nhà quân sự tài ba, nhà kinh tế giỏi giang ông còn là một nhà thơ lỗi lạc, nổi bật với “Bài ca ngất ngưởng” đã được đưa vào chương trình giảng dạy.
Có thể thấy thời nhà Nguyễn là thời kỳ văn chương bứt phá vượt bậc, đa dạng bút pháp phát triển không chỉ trong giới vua quan, hoàng thân quốc thích mà lan tỏa rộng khắp nhân dân với nhiều danh sĩ đạt thành tựu văn chương lừng lẫy như Cao Bá Quát, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương….
Châu bản Triều Nguyễn đã chép “Hoàng đế Tự Đức làm thơ cầu mưa, phái quan Bộ lễ và Nội các đem đi các miếu đọc. Đêm về quả nhiên được trận mưa to. Những người mang thơ ngự chế tuyên đọc được thưởng mỗi người một đồng tiền vàng”
Qua con chữ được viết theo niêm luật, thơ Đường dưới triều Nguyễn đã phản ánh đời sống xã hội đa màu sắc, in đậm dấu ấn văn hóa lịch sử chính trị, điển hình là cuộc bút chiến giữa hai nhà nho Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường, vốn là đôi bạn thơ xướng họa tâm đắc trong Bạch Mai thi xã, nhưng thời thế xoay vần khiến mỗi người theo đuổi một lý tưởng riêng mà trở thành đối nghịch để rồi khi Tôn Thọ Tường bày tỏ quan điểm, góc nhìn, tâm tư của bản thân qua mười bài “Tự Thuật” đều được Phan Văn Trị đáp lại bằng lời văn đầy khí phách hào hùng như:
- May rủi rủi may đâu đã chắc
Miệng lằn lưỡi mối hãy tai ngơ (Tôn Thọ Tường)
Chưa trả thù nhà đền nợ nước
Dám đâu mặt lấp lại tai ngơ (Phan Văn Trị)
- Hai bên vai gánh năm giềng nặng
Trăm tạ chuông treo một sợi mành
Trâu ngựa dẫu kêu chi cũng chịu
Thân còn chẳng kể, kể chi danh.(Tôn Thọ Tường)
- Khe sâu vụng tính dùng thuyền nhỏ
Chuông nặng to gan buộc chỉ mành
Thân có ắt danh tua phải có
Khuyên người hãy trọng cái thân danh.(Phan Văn Trị)
Ngoài các bản chữ Hán thì dưới triều Nguyễn thơ Đường chữ Nôm cũng được truyền tụng trong dân gian đầy thú vị:
TRÁCH CHIÊU HỔ (I)
Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay(Hồ Xuân Hương)
Chiêu Hổ họa lại:
Này ông tỉnh, này ông say
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bẵng không ai mó
Sao có hùm con bế chốc tay…
TRÁCH CHIÊU HỔ (II)
Sao nói rằng năm lại có ba?
Trách người quân tử hẹn sai ra
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
Nhớ hái cho xin nắm lá đa (Hồ Xuân Hương)
Chiêu Hổ họa lại:
Rằng gián là năm, quý có ba
Bởi người thục nữ tính không ra
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa.
Như vậy có thể thấy sức ảnh hưởng của văn chương mà điển hình là thơ Đường luật lúc bấy giờ vô cùng rộng lớn, thơ được áp dụng mọi lúc mọi nơi từ việc cầu mưa thuận gió hòa, khích lệ tinh thần binh sĩ, đả kích kẻ ươn hèn, khen tặng người chí khí. Cũng chính vì vậy mà khó tránh khỏi sự rập khuôn máy móc thái quá dẫn đến khó bắt kịp sự phát triển thực tế, thiếu căn cứ khoa học, hạn chế khám phá, hiếm ai đủ bản lĩnh vượt qua rào cản an toàn mà tìm tòi sáng tạo.
Đến đây chợt nghĩ những ghi chép, giai thoại sẵn có ấy chính là nguồn tư liệu quý giá vô tận cho các nhà văn, nhà viết kịch tài ba khai thác, tạo nên những tác phẩm phong phú, giúp hậu sinh thêm quý trọng chữ nghĩa, yêu mến môn lịch sử vốn được xem là tẻ nhạt nhàm chán đến độ có câu truyền khẩu “dân ta mà thuộc sử Tàu hơn ta” đầy suy ngẫm.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thơ Đường luật đã đóng vai trò to lớn trong việc lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử. Hun đức tinh thần yêu nước, tránh bị đồng hóa văn hóa thông qua những bảì thơ Nôm được ra đời ngày một nhiều không thua kém gì số lượng những bài được viết bằng chữ Hán, ngôn ngữ duy nhất được sử dụng ở nước ta kể từ giai đoạn Bắc thuộc 111 TCN – 905 CN.
Tỏa sáng như hạt ngọc được mài giũa qua bao thăng trầm suy thịnh của thế thời. Từ chữ Hán sang chữ Nôm và chữ Quốc ngữ hôm nay, sức sống mạnh mẽ của thơ Đường chưa khi nào tàn lụi, mặc cho triều đại này đến triều đại khác suy vi.
Tp Hồ Chi Minh ngày; 01/ 10/2024
T.N.H.T
*Tài liệu tham khảo trên Internet và trong “Bốn trăm năm vua chúa Triều Nguyễn.