THƠ ĐƯỜNG LUẬT VƯƠNG TRIỀU TRẦN BỒI ĐẮP MỘT CÁCH VI DIỆU CHO NỀN MÓNG THƠ LUẬT ĐƯỜNG VIỆT NAM

 

THƠ ĐƯỜNG LUẬT VƯƠNG TRIỀU TRẦN BỒI ĐẮP MỘT CÁCH VI DIỆU CHO NỀN MÓNG THƠ  LUẬT ĐƯỜNG VIỆT NAM

                                                                           Bài viết của Đức Thọ

         Kỳ duyên giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh, đã chuyển giao vương triều nhà Lý sang thời Nhà Trần một cách êm ả và rất tuyệt vời. Chính vậy mọi thành quả, nhất là trong lĩnh vực Văn hóa cụ thể là  thơ văn trong 216 năm trị vì đều được thời nhà Trần kế thừa một cách nguyên vẹn.

 1/ Đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội thời nhà Trần

      Trền nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội đã có những bước phát triển xuyên suốt từ thời  Đinh, Lê, Lý, ổn định  vượt trội so với thờì Bắc thuộc, nay  được chuyển giao nguyên vẹn đó là nền tảng cho thơ văn thời nhà Trần phát triển.

      Trong quan hệ giữa thơ cổ Việt Nam với thơ cổ Trung Quốc, vốn có bề dày lịch sử đáng kính trọng. Từ thời xa xưa, tổ tiên ta, ngoài việc sáng tạo, thể nghiệm, hình thành những thể loại văn học dân tộc, đã không ngần ngại tiếp thu những tinh hoa của văn học Trung Quốc, Việt hóa nó một cách toàn diện trên tinh thần độc lập, tự chủ, nhằm làm giàu cho kho tàng văn học dân tộc ngày càng giàu có.

     Việc du nhập từ Trung Quốc thể thơ Đường luật, Việt hóa nó để thể hiện con người và cuộc sống Việt Nam  đã tạo ra một sự hấp dẫn lớn. Chúng ta cho đó là một hiện tượng giao lưu văn học. Trong thực tế sáng tác, từ thơ cổ thể đến thơ thất ngôn bát cú chữ Nôm, ngày càng xa dần thể thơ cội nguồn của nó là Đường luật. Nó hấp thụ tư tưởng dân tộc, ảnh hưởng sâu sắc văn hóa, văn học dân tộc, Việt hóa mạnh mẽ, phát triển không ngừng,trên nền tảng kinh tế chính trị , xã hội sẵn nền móng, tạo nên vị trí xứng đáng trong nền văn học Việt Nam.

     Trong giai đoạn nắm giữ quyền lực, nhà Trần vẫn đóng đô ở Thăng Long – kinh đô triều cũ, tiếp tục mở rộng và phát triển sự hưng thịnh có từ đời nhà Lý. Về chính sách chính trị, các hoàng đế nhà Trần cũng xây dựng bộ máy nhà nước hoàn thiện hơn so với nhà Lý, họ tạo nên một hệ thống đặc biệt, trong đó các Hoàng đế sớm nhường ngôi cho Thái tử mà lui về làm Thái thượng hoàng, tuy nhiên vẫn cùng vị Hoàng đế mới điều hành chính sự. Việc này được đánh giá là tích cực, khi ngôi Hoàng đế sớm có chủ, tránh được việc tranh giành ngôi vua như  các triều đạị trước đó. Các mặt kinh tếxã hộigiáo dục và nghệ thuật cũng hoàn chỉnh hơn và cho thấy Nho giáoĐạo giáo đã có ảnh hưởng rõ rệt tới triều đại, tạo ra cục diện Tam giáo đồng nguyên, sự cân bằng ảnh hưởng của Phật giáo – Nho giáo – Đạo giáo. Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông được coi là một danh nhân văn hóa nổi tiếng, người bảo trợ Phật giáo và Đạo giáo, thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nổi tiếng và truyền đến đời nay. Bên cạnh đó, những danh thần Đoàn Nhữ HàiMạc Đĩnh ChiNguyễn HiềnNguyễn Trung NgạnTrương Hán SiêuChu Văn AnTrần Quang Triều,… là những tên tuổi nổi danh về tri thức, thơ văn, góp phần to lớn tạo nên thời kỳ nhà Trần văn hóa,hưng thịnh

    Một trong những lý do văn học đời Trần có những thành tựu tốt đẹp là do việc học được khuyến khích không ngừng, qua suốt các đời vua. Năm Kiến Trung thứ tám (1232), vua Thái Tông đã cải tổ lại việc thi cử của đời Lý, mở kỳ thi Thái học sinh để tuyển mộ người hiền; Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ năm (1243) vua đặt Phạm Ứng Thần làm chức quan Thượng thư tri Quốc tử giám đề điệu, ra lệnh các con quan văn phải vào trường này học; Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ mười (1247) Thái Tông lập thêm tam khôi: Trạng nguyênBảng nhãnThám hoa để khuyến khích thí sinh; Năm Nguyên Phong thứ ba (1253) Thái Tông lập Quốc học viện để giảng dạy, truyền chiếu toàn quốc cho các học giả, khuyên nên vào Quốc học viện giảng đọc Tứ thư Ngũ kinh. Đời Nhân Tông năm Thiệu Bảo thứ ba (1281), vua lập thêm nhà học ở phủ Thiên Trường,(Nam Định) cử quan về giảng dạy. Đến đời Phế Đế, năm Xương Phù thứ bảy (1384) lập thư viện ở núi Lạn Kha , cử Trần Tông làm trưởng viện giảng dạy học trò, và vua Nghệ Tông thường đích thân thăm viếng. Đời Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 10 vua ban chiếu cấp ruộng học cho các châu phủ có lợi tức, đặt quan Đốc học dạy dỗ các học trò. Các việc trên đây cho thấy tuy trải qua nhiều tai biến binh đao, các vua nhà Trần không hề xao lãng trong việc khuyến khích sự học.

    Văn học đời Trần có những thành công tốt đẹp là do từ đời Thuận Tông trở về trước, việc học chú trọng về kinh thuật, đào tạo cho người học có bản lĩnh suy luận cơ bản, không chú trọng lối học từ chương. Do đó, nhà Trần có những học giả kiệt xuất như Chu Văn AnTrương Hán Siêu, và những nhà tư tưởng độc lập như Hồ Quý Ly. Có học giả bình luận rằng nhờ vậy văn học đời Trần “…có khí cốt, không ủy mị, non nớt như các đời khác”.

      Trước đời Trần, văn chương Quốc ngữ nước Việt chỉ có tục ngữ, ca dao, hoặc các loại văn chương bình dân truyền khẩu. Một đặc điểm nổi bật của văn học trước đó và nhất là đời Lý, số lượng thơ văn chủ yếu là kinh kệ và thơ thiền lực lượng sáng tác là các nhà sư chiếm đa số trên văn đàn. Có nhiều nhà sư sáng tác với những tên tuổi tiêu biểu như Từ Lộ, Mãn GiácViên ChiếuViên ThôngKhông LộQuảng Nghiêm… Định hướng sáng tác của các nhà sư tuy tập trung thuyết lý cho đạo Phật nhưng vẫn chứa đựng những yếu tố xã hội tích cực và có giá trị văn học. và sau đó là một thời kỳ chữ Nôm (Nam) đã bắt dầu phát triển

       Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tháng tám, mùa thu năm Thiệu Bảo thứ tư đời Nhân Tông (1282) có con ngạc ngư lớn xuất hiện ở sông Phú Lương,(sông Hồng) vua sai quan Hình bộ thượng thư Nguyễn Thuyên viết bài văn vất xuống sông đuổi cá. Con cá bỏ đi, vua xem việc nầy giống sự tích Hàn Dũ ở Trung Quốc, nên ban lệnh đổi tên họ ông thành Hàn Thuyên  Ông có biệt tài làm được thơ phú bằng chữ quốc ngữ, đặt ra Hàn luật. (Theo Dương Quảng Hàm thì Hàn luật chính là Đường luật ứng dụng vào Việt ngữ, và công Hàn Thuyên rất lớn, vì nhờ có ông áp dụng vào thơ phú chữ Nôm, nhiều người bắt chước theo ông, nên nền văn chương chữ Nôm được khởi đầu từ đây).  Tại Bách khoa toàn thư Việt Nam viết: Nguyễn Thuyên là người đầu tiên đưa tiếng Việt vào thơ văn, đặt ra thể thơ Hàn luật (kết hợp thơ Đường luật với các thể thơ dân tộc).

        Đánh giá chung với một sư phát triển đồng bộ về: Chính trị , Hành chính , Quan chế ,Quân sự,  Pháp luật ,Văn học , Nghệ thuật , Kinh tế , Nhất là về kinh tế,  thủ công nghiệp nhân dân, các nghề gốm, nghề rèn sắt, nghề đúc đồng,  nghề làm giấy và  nghề in, nghề mộc xây dựng, nghề khai khoáng …đều có những bước phát triển.  Nông nghiệp với chế độ Ruông đất, cộng với đắp đê điều và các công trình thủy lợị cũng đã đẩy nghành nông nghiệp (văn minh lúa nước đồng bằng sông Hồng) ghi lại những thành tựu rất đáng kể. Ngay cả Thương mại buôn bán, ngoại thương, ngoại giao phát triển đã kéo theo sự bùng nổ chế độ tiền tệ, mọi bước tiến đó cũng đã bao trùm  lên đời sống xã hội. Văn hóa Trần đã có cơ hội vươn lên tới ngưỡng  mà các nhà nghiên cứu gọi là “thịnh Trần”.

      2/ Thơ đời nhà Trần được ví như một kỳ quan :

        Cũng như phân tích ở trên Thơ đời Lý chủ yếu là thơ Thiền. Các tác giả, đồng thời cũng là những Thiền sư.

Nhưng cho tới đời nhà Trần riêng về thơ có thể thấy rõ hai phần khác nhau về âm hưởng, tương ứng với hai thời kỳ, tạm gọi là thời Thịnh Trần và Vãn Trần. 

Thời Thịnh Trần, có thể dừng lại ở triều vua Trần Anh Tông (1276-1320). Đời vua Trần Minh Tông tiếp đó (1300-1357), xem như một giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thời kỳ.

  • Thơ văn thời Thịnh Trần,

 Âm hưởng chủ đạo trong thơ văn thời kỳ này là sự thể hiện hào khí anh hùng bất khuất của dân tộc Đại Việt, với ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông cực kỳ hùng mạnh. Chính nghĩa, tài năng, và sự đoàn kết toàn dân, đã tạo ra một sức mạnh không kẻ thù nào đánh bại được, dù chúng là khổng lồ, là siêu đế quốc! Trương Hán Siêu, triều vua Trần, đã tổng kết cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, bằng mấy câu, có thể xem là chân lý:

                   Giặc tan, muôn thuở thanh bình,
                       Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao!
                                         (Bạch Đằng Giang phú)

       Cái đức cao ấy là gì vậy? Chẳng phải là chính nghĩa sáng ngời, là vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, là tướng sĩ một lòng phụ tử, là sức mạnh toàn dân, là tài năng lãnh đạo của quý tộc nhà Trần. Những tên tuổi sáng giá, lừng lẫy như các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, cùng với thiên tài quân sự của Trần Thủ Độ (Ở cuộc kháng chiến lần thứ nhất-1258), của Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Ở cuộc kháng chiến lần thứ Hai và thứ Ba -1285, 1288), của Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Phiêu kỵ Đại tướng quân Trần Khánh Dư… (Ở cuộc kháng chiến lần thứ 2 và 3). Những tướng lĩnh tài ba lỗi lạc, như Lê Tần, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Nguyễn Khoái, Trần Quốc Toản… và nhiều lắm những anh hùng dũng sĩ, vô danh và hữu danh, đã mãi mãi bất tử cùng non sông đất nước.thời kỳ nhà Trần.

Những vị vua anh minh ở thời Thịnh Trần, cùng các tướng lĩnh, từ Thống soái tối cao như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải… đến các tướng quân như Phạm Ngũ Lão, văn quan như Trương Hán Siêu… đều đồng thời là những tác giả của nhiều áng văn thơ.

    Văn thơ như Trần Hưng Đạo, chỉ với bài Hịch tướng sĩ thôi, cũng đã đủ tạo nên một tượng đài kỳ vĩ. Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, chỉ với những bài thơ còn lại, cũng đủ làm nên tên tuổi  tác gia lớn. Đặc biệt là vua Trần Nhân Tông, với những câu thơ hào sảng:

                    Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

                   Sơn hà thiên cổ điện kim âu 

Nghĩa (Đất nước hai phen chồn ngựa đá .Non sông nghìn thuở vững âu vàng),

              Rồi như:

                    Cối Kê cựu sự quân tu ký

                   Hoan Ái do tồn thập vạn binh 

 Nghĩa (Cối Kê chuyện cũ ngươi nên nhớ .Hoan Ái ta còn chục vạn quân);

         hoặc như:  Người lính già đầu bạc

                         Kể mãi chuyện Nguyên Phong 

 Nghĩa (Bạch đầu quân sĩ tại . Vãng vãng thuyết Nguyên Phong).

  Ấy là chưa kể những tác phẩm Trần Nhân Tông viết ở Yên Tử, khi ông đã là Phật hoàng, vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trần Nhân Tông là một trong những tác gia lớn nhất đời Trần, một vị vua anh hùng, một nhà văn hóa tầm cỡ nhân loại. Ở thời Thịnh Trần, hào khí Đông A là âm hưởng chủ đạo. Tuy nhiên, trong những khoảnh khắc của thời bình, các thi nhân, dù là vua hay là quan, cũng có những bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của quê hương nước Việt, thể hiện tình yêu đất nước đắm say, đồng thời, ca ngợi cuộc sống thái bình thịnh trị. Những bài thơ của Thánh Tông viết về Phủ An Bang, về Phủ Thiên Trường, về cảnh chiều tà bên ngoài kinh thành Thăng Long…, đều là những bài thơ đặc sắc.       Vua Trần Nhân Tông, ngoài những bài thơ thể hiện tinh thần hào sảng như đã nói, ông còn có những bài thơ rất trữ tình, viết về cảnh thiên nhiên ở nông thôn, nhất là vùng Thiên Trường, trong đó, đặc sắc nhất là bài Thiên Trường vãn vọng (Ngắm cảnh trời chiều ở Thiên Trường): 

       Thôn trước thôn sau mờ khói nhạt

        Nắng chiều dường có lại như không

       Tiếng tiêu thánh thót trâu về xóm

       Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

 Trần Quang Khải là Thái sư đầu triều, lại là Thượng tướng (Hàm cao nhất của võ quan thời bấy giờ) khi cầm quân, có bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư (Hộ giá về kinh) nổi tiếng, phơi phới niềm tự hào chiến thắng và tự hào dân tộc.

 Kế bên Trần Quang Khải còn có một số bài thơ trữ tình đặc sắc, viết ở giai đoạn khi ông đã ở tuổi trên dưới năm mươi, lúc ông đã linh cảm được mệnh trời. Như các bài Lưu Gia độ, Phúc Hưng viên, đặc biệt là bài Xuân cảm (gồm hai bài thất ngôn bát cú luật Đường), thực sự là những tuyệt bút. Nghệ thuật tinh vi, tầm tư tưởng lớn, cảm xúc chân thành, thật đáng kể là những áng thơ có thể truyền mãi muôn đời.

  Trương Hán Siêu, một trong những tác gia lớn thời Trần. Sau chiến thắng Nguyên Mông khoảng 50 năm, trở lại thăm sông Bạch Đằng lịch sử, ông đã sáng tác một bài phú, được đánh giá là một kiệt tác văn chương. Đó là bài Bạch Đằng giang phú. Cảm xúc trong bài phú luôn tươi rói, còn nguyên vẹn sự hào sảng và nhiệt tình yêu nước, tự hào dân tộc. Tác phẩm đã đạt đến tột đỉnh của sự thăng hoa nghệ sĩ, nếu xét riêng về thể loại Phú, thì là vô tiền khoáng hậu. Sau kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3, Trương Hán Siêu lại làm quan, trải qua bốn năm triều vua nữa. Thời thế dần đổi khác, con người cũng đổi khác dần đi, theo chiều hướng thoái trào. Trương Hán Siêu lại có những sáng tác thể hiện những suy tư trăn trở của mình, trước thế sự nhiều bề rối rắm, trước lẽ “hành tàng”.

  Phạm Ngũ Lão, chỉ còn lại có hai bài thơ, ở hai thời kỳ khác nhau, âm hưởng cũng hoàn toàn khác nhau. Nếu như bài Thuật hoài ở thời kỳ trai trẻ, tráng chí ngút trời,

           Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu

          Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

           Nam nhi vị liễu công danh trái

          Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu,

 Thì trước sự ra đi mãi mãi của Đại vương Trần Hưng Đạo, mấy chục năm sau, ông lại có bài thơ khóc thương người anh hùng dân tộc vĩ đại, rất thống thiết. Như vậy, có thể nhận thấy một điểm nổi bật, chung nhất, là ở thời Thịnh Trần, cảm hứng trữ tình công dân và cảm hứng trữ tình bản thể bao giờ cũng là hai mặt đối lập mà thống nhất như là một sự điều hòa Âm-Dương trong một tiểu vũ trụ vậy.   Với thơ thời Thịnh Trần, trong đó thơ luật Đường Nôm, chính là một sự hòa điệu đã đạt đến tiêu chí của sự cao siêu, hơn bất cứ triều đại nào khác trong lịch sử dân tộc trước đó.

  • Thơ văn thời Vãn Trần

     Nhìn toàn cảnh  vẫn là âm điệu trữ tình bản thể. Dưới triều vua Trần Minh Tông trị vì, dưới trướng nhà vua rất nhiều những tài danh lỗi lạc, như Trương Hán Siêu, Trần Quang Triều, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Mại, Phạm Ngộ… Nhưng khi Minh Tông qua đời, các con các cháu của ông nối tiếp nhau quản lý thiên hạ, thì đất nước dần dần bước vào giai đoạn suy thoái, và đặc biệt suy tàn từ đời vua Trần Dụ Tông. Các danh thần lương tướng không có chỗ thi thố hết tài năng, nhiều người bỏ quan về ẩn ở nơi thanh vắng, hoặc vui thú điền viên. Hoàng tộc thì thất vọng, chán nản. Làm đến chức Tư Đồ như Trần Quang Triều, Trần Nguyên Đán, cũng đều bỏ quan về ở ẩn. Đời sống nhân dân  chuyển sang thời kỳ đói khổ, điêu linh. Nên cũng kéo theo cả nền văn chương tạm gọi là thời kỳ “vãn Trần”

       Đại diện cho thơ văn thời vãn Trần như những sáng tác của Trần Quang Triều. của Quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán (1325-1390),

  • Hoàng thân quốc thích thì như thế, còn quan lại thì đương nhiên, một triều đại đang hồi nhiễu loạn suy thoái như thế, kẻ sĩ có tâm huyết với đời, với dân với nước, cũng không thể không đau lòng, thất vọng. Người phải kể đến đầu tiên là Chu Văn An (?-1370). Một nhà giáo tài đức nổi tiếng đương thời, từng là thầy của những đại quan như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, lại từng là thầy của vua, được Trần Minh Tông mời ra giữ chức Quốc Tử Giám tư nghiệp. Nhưng đến Trần Dụ Tông, triều chính suy vi, vua chả ra vua, tham quan nhiễu nhương không chịu được, ông dâng “Thất trảm sớ”, yêu cầu chém 7 tên lộng thần. Vua Dụ Tông không nghe, ông bỏ quan, về ở núi Phượng Hoàng, Chí Linh, đọc sách, cam phận sống thanh bạch. Thơ Chu Văn An rất đặc sắc về nghệ thuật, nhất là nghệ thuật tả cảnh, lại rất nhiều tâm trạng. Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) là một tác gia lớn ở đời Trần. Thơ ông viết về thành cổ Hoa Lư, về cửa biển Thần Phù, thể hiện nỗi niềm hoài cổ, cùng tình yêu đất nước, tha thiết và đẹp lộng lẫy. Riêng bài Thần Đầu Hải cảng dạ bạc, nghệ thuật thơ không thua gì bài thơ Thần Phù Hải khẩu của Nguyễn Trãi, cũng viết về địa danh này. Nguyễn Trung Ngạn còn có chùm thơ viết khi đi sứ, cũng rất hay. Có bài đặc sắc mà giản dị, như bài Quy hứng (Hứng trở về).:
  • Dâu già lá rụng, tằm vừa chín
  • Lúa sớm bông thơm cua béo ghê
  • Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
  • Giang Nam tuy sướng, chẳng bằng về! 

Hay bài thơ : Trường An thành hoài cổ :

                   Trường An[1] thành hoài cổ

Mộc lạc hoà điêu đế nghiệp di,

Lý gia thu đắc bản đồ quy.

Sơn vi cố quốc quy mô tiểu,

Trúc ám hoang thành thảo mộc phi.

Cổ tự tăng chung xâo lạc nhật,

Đoạn khê ngưu địch lộng tà huy.

Anh hùng cựu sự vô tầm xứ,

Độc ỷ giang đình khán thuý vi.

Dịch thơ : 

 Nhớ thành Trường An xưa

Cây cỏ tiêu điều, vua đổi thay,

Đất đai nhà Lý dựng nên đây.

Núi vây đất cũ quy mô nhỏ,

Tre phủ thành hoang không cỏ cây

Chùa cổ chuông ngân chiều xế bóng,

Khe sâu tiếng sáo vút tầng mây.

Anh hùng việc cũ tìm đâu được,

Tựa chốn đình ta ngắm cảnh này.

                                      Dịch 2008                 

                     Cố Nhà giáo Phạm Đình Nhân

.      Khi Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành , một quan bị những án oan sai, buồn bã trước thời cuộc, Ông cáo quan về sống tự do ngoài vòng cương tỏa, và thành lập Thi xã Bích Động, ở Đông Triều, do Trần Quang Triều làm Chủ soái. Đó chính là Hội tao đàn đầu tiên ở nước ta!. Trong số những tác giả, những ngôi sao sáng của thi đàn Bích Động, mỗi người mỗi vẻ, về nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật, nhóm thơ này không khác nhau là mấy, nhưng Nguyễn Sưởng và Nguyễn Ức nổi bật hơn cả.

      Hình ảnh Trần Quang Triều hiện lên trong thơ họ, như một nhân cách vĩ đại, một tài năng lớn, văn võ song toàn, chả kém gì Phó Duyệt đời Thương bên Tàu. Không phải ngẫu nhiên mà người đời tôn vinh Quang Triều đến thế. Khi còn làm quan ở triều đình, tiếng nói mạnh mẽ của Quang Triều, khiến bọn gian thần phải kinh hồn sợ hãi. Tư Đồ Quang Triều mất,  Người đời sau, lấy  thơ văn bổ khuyết vào, mới nâng được tầm vóc lớn lao của nhân vật lịch sử này?

  • Nguyễn Phi Khanh là một tác gia nổi tiếng đương thời. Bài thơ ông viết gửi quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán, đồng thời là nhạc phụ của ông, kể rõ nỗi cùng quẫn của dân đen trong cảnh đại hạn, đói khát, Nguyễn Phi Khanh viết: 
  • Ruộng nương nghìn dặm đỏ như cháy
  • Đồng quê than vãn không biết trông cậy vào đâu
  • Non sông của Hậu Thổ đang nứt nẻ
  • Mưa móc của Hoàng Thiên hãy còn xa vời
  • Lưỡi tham quan lại vơ vét hết kiệt
  • Mỡ màng của dân đã cạn hết quá nửa …

    Lê Cảnh Tuân, Đặng Dung, cũng là những nhân vật lịch sử thời Hậu Trần. Đặng Dung chỉ còn một bài thơ duy nhất, nhưng đó là một bài thơ bất hủ

 Thuật hoài

Thế sự du du nại lão hà?

Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.

Thời lai đồ điếu thành công dị,

Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.

Trí chủ hữu hoài phù địa trục,

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,

Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.

Bản dịch của Tản Đà

Việc đời man mác, tuổi già thôi!

Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi.

Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,

Tan tành sự thế luống cay ai!

Phò vua bụng những mong xoay đất,

Gột giáp sông kia khó vạch trời.

Đầu bạc giang san thù chửa trả,

Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.

    Bài thơ thể hiện rất chân thành nỗi xót xa uất hận của người anh hùng thất thế. Lê Cảnh Tuân cũng vậy. Mặc dù bị giặc Minh bắt đưa về Trung Quốc, chịu cảnh tù đày ở đất giặc, nhưng ý chí của ông thì vẫn sừng sững như núi cao. Thơ ông vừa hay, lại vừa có tư tưởng lớn, thể hiện nhân cách cao đẹp của kẻ sĩ, khi chẳng may rơi vài tay giặc, khi đất nước bị giặc Minh dày xéo. Lê Cảnh Tuân còn là một kẻ sĩ hành động, chiến đấu và hy sinh anh dũng. Đặng Dung và Lê Cảnh Tuân chẳng những là những thi nhân tài hoa mà còn là những tấm gương lẫm liệt, được người đời tôn vinh, hết lòng ca ngợi.

3/  Thơ đời Trần, đã đạt đến mức kinh điển.

    Rất nhiều những tác phẩm thơ thời kỳ này vừa có nghệ thuật tinh diệu, lại vừa có tư tưởng lớn, thể hiện được tầm vóc tâm hồn và ý chí của dân tộc. Khi thịnh thì hào sảng, khi suy thì thâm trầm chiêm nghiệm nghĩ suy. Thời Trần, Nho giáo đã chiếm địa vị trọng yếu, nhưng lại có sự hòa điệu của tam giáo đồng nguyên. Nho, Phật, Lão có khi được biểu hiện rất sinh động trong một bài thơ cụ thể, ví như bài thơ Yên Tử sơn am cư của Huyền Quang Lý Đạo Tái, khi ông Trạng nguyên này đã bỏ quan lên Yên Tử tu Thiền, rồi trở thành vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đó chính là chỗ thú vị, thật hiếm thấy ở thơ văn các triều đại khác và cả thơ Đường, thơ Tống bên Tàu. Có thi sĩ chẳng rõ hành trạng ra sao, chỉ biết ông từng làm quan Trung thư lệnh ở đời vua Trần Duệ Tông, đó là Đỗ Tử Vi. Tác phẩm của Đỗ Tử Vi còn lại 2 bài thơ. 

Quá Việt Tỉnh cương (Qua đồi Việt Tỉnh) là một bài thơ tứ tuyệt, rất hay.

 Đồi Việt Tỉnh tiết thu thê lương ảm đạm

 Dấu in chuyện cũ khiến lòng buồn bã

 Nhờ ai tìm được thứ ngải ba năm

 Đem chữa cho cái bướu của trời đất? 

        Bài thơ giàu ý tưởng hàm ẩn. Tìm ở đâu ra thứ ngải ba năm mà chữa được căn bệnh ung bướu của Càn Khôn? Thật là một ý thơ nghĩ mãi không hết. Thơ có thần thái như thế, trong di sản thơ ca đời Trần, tìm đâu mà chả thấy!

 Thơ thời Trần là di sản vô cùng quý giá, của cha ông ta còn lại. Có một thời, chúng ta chỉ mới tôn vinh, biểu dương những tác phẩm tiêu biểu cho hào khí dân tộc, tức hào khí Đông A đời Trần. Đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng một nền văn học được xem là hoàn thiện, không phải chỉ có những tráng ca. Những mất mát đau thương, những nỗi thống khổ của dân đen, những suy tư trăn trở về nhân tình thế thái, biểu hiện sâu sắc tính nhân văn, nhân bản, chưa được đánh giá đầy đủ và thấu đáo, chưa được biểu dương đúng với giá trị đích thực của nó. Thơ thời Trần của chúng ta, dẫu chưa thể hoành tráng bằng thơ Đường, thơ Tống bên Tàu, nhưng cũng chẳng thua kém bao nhiêu.

   Nó là tâm hồn Việt Nam, văn hóa Đại Việt, văn hiến Việt Nam, trải nghìn năm, mà vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, cho dòng thơ Đường luật Việt Nam, chẳng đáng tự hào hay sao?

 4/ Kết luận:

 Với nền móng kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục có sự vững chắc và luôn được phát triển với nhiều bước tiến bộ đã làm nền móng cho thơ Đường luật Việt Nam càng ngày càng  hoàn thiện hơn. Thời nhà Trần với nhiều áng thơ văn kiệt tác đã bồi đắp một cách vi diệu cho giai đoạn thơ văn kế tiếp.

   Chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước, khát vọng xây đựng đất nước hòa bình … là những chủ đề bộc lộ thật rõ nét trong dong chảy thơ văn , trong đó thơ luật Đường đã  nảy nở một cách xanh chồi vững gốc. Các nhà thơ văn lớn như: Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trương Hán Siêu. Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Ngũ Lão , Đặng Dung và nhất là Nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn như Trần Nhân Tông…

          Triều đại nhà Trần cũng là triều đại có thời gian trị vì khá lâu trong lịch sử phong kiến. Dưới sự lãnh đạo của các vị vua ưu tú, nhân dân Đại Việt đã quyết tâm chiến đấu và giành được thắng lợi liên tiếp trong công cuộc chống giặc ngoại xâm (năm 1258, năm 1285 và năm 1287). Cuộc kháng chiến trường kì tuy gian khổ nhưng vẻ vang đã tôi luyện ý thức dân tộc và truyền thống yêu nước của nhân dân ta. Truyền thống ấy đã phả vào hàng loạt các sáng tác thơ văn, làm nên vẻ đẹp rực rỡ cho văn học thời đại Đông A.

  Tiếp theo đó, từ thế kỷ VIV, XV, XVI, XVII .. liên tiếp có những nhà thơ Nôm ra đời , Như Nữ sĩ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà , Phan Bội Châu , Phan Chu Trinh, Vua Tự Đức, Vua Thành Thái …. và cho tới năm 1930- 1945 thơ Đường Việt Nam đã đóng góp một vai trò xuất sắc trong thơ ca Cách mạng , Nhà thơ Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc thế giới đã có tập thơ “Nhật ký trong tù “ thơ luật Đường quá xuất sắc, phải chăng nền móng rực rỡ vững chắc thơ luật Đường Việt Nam từ những thế kỷ trước , từ những triều đại như nhà Trần, đã bồi đắp một cách vi diệu cho nền thơ Đường luật Việt Nam , để ngàn năm sau, tới hôm nay, chúng ta có niềm tự hào về dòng thơ luật Đường, mà chúng ta gọi tên một cách yêu quý thơ Đường đất Việt.                                                                               Đ.T

[1] Trường An : thành Trường An ở phủ Trường An đời Lý, đời Trần đổi phủ thành châu, đời Nguyễn lại gọi là phủ, là phần đất thuộc tỉnh Ninh Bình. Sau khi nhà Lý đời đô về Thăng Long, thành Trường An dần dần thành hoang phế