THƠ ĐƯỜNG LUẬT VIỆT NAM THỜI NHÀ NGUYỄN – DẤU ẤN & GÓC NHÌN LỊCH SỬ – Phạm Văn Ngữ

 

               THƠ ĐƯỜNG LUẬT VIỆT NAM THỜI NHÀ NGUYỄN

                                 DẤU ẤN & GÓC NHÌN LỊCH SỬ                        

                                                                                      Phạm Văn Ngữ

   Mở đầu

     Theo các nhà nghiên cứu văn học sử Việt Nam, văn học thời nhà Nguyễn thuộc hậu kì văn học sử trung đại Việt Nam. Văn học Việt nam thời nhà Nguyễn là chặng đường phát triển rực rỡ nhất từ trước đến nay trong nền lịch sử văn hóa – văn học Việt Nam. Đây là thời kỳ đơm hoa kết trái với một dung lượng đồ sộ và đa sắc màu, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, đã để lại cho nền văn học Việt Nam nhiều sản phẩm đỉnh cao, chủ yếu là di sản thơ ca, văn chương và các thành tựu khảo cứu, phê bình, lý luận văn học, v.v…Đặc biệt hơn hết là Thơ Đường luật Việt Nam thời nhà Nguyễn. Có thể nói, đây là thời kỳ cực thịnh để nền văn học Việt Nam tỏa sáng rực rỡ nhất và đã tích lũy một dung lượng đồ sộ nhất từ trước đến nay, mà trong quá trình hình thành, phát triển và chấn hưng nền Nho học của Việt Nam, ông cha ta đã trải qua bao lần gạn lọc những tích cực, lẫn tiêu cực của các học phái trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa, văn học của đất nước.

       Từ sau thế kỷ XIX (1884), Nho học dần đã trở thành “tử ngữ”, ít ai dùng đến, kể cả trong giao tiếp, phần lớn bởi nó cũng quá khó về ngữ nghĩa, cấu trúc từ loại và ngữ pháp. Tuy nhiên, biết thêm một ngôn ngữ là hiểu thêm sâu rộng về văn hóa, học thuật Phương Đông và Trung Quốc. Ngô Tất Tố (1893-1954) kết luận: “Muốn để lại một mớ tài liệu cho công cuộc khảo cứu về các nguồn gốc về thi ca, tự nhiên phải kể thơ Đường trước nhất”* ( Ngô Tất Tố. Đường Thi, NXB Tân Dân, năm 1940).                           

1.Tổng quan về lịch sử văn hóa thời nhà Nguyễn

1.1. Đôi dòng về lịch sử thời nhà Nguyễn

     Tháng 3/1799 Nguyễn Ánh đánh chiếm Quy Nhơn đổi tên là Bình Định (từ đó Quy Nhơn chỉ còn là tên một thành nhỏ). Đến tháng 6//1801 thủ phủ Phú Xuân và hầu hết các vùng từ Nghệ An vô phía Nam điều được thu phục trở lại. Tháng 7/1802, giang sơn đã quy về một mối từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Triều đại nhà Nguyễn (1802-1945) là vương triều cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Đất nước thời nhà Nguyễn có nhiều điểm khác biệt chủ yếu như sau:

    * Về lãnh thổ: Lần đầu tiên, giang sơn Việt Nam (Đại Nam) chúng ta liền một dải rộng lớn, đường bờ biển trên bán đảo Đông Dương, kéo dài từ địa đầu Móng Cái đến Mũi Cà Mau và hầu hết đảo hòn trên biển Đông hơn (550.000km2, thời Minh Mạng).                                                             * * Về kinh đô: triều Nguyễn xác lập kinh đô mới là Phú Xuân (TP Huế) từ năm 1802 (Gia Long năm thứ 1).

   * Các đời vua thời nhà Nguyễn chỉ đặt niên hiệu cho mỗi đời vua, nên sử sách cũng như dân gian quen gọi các vua nhà Nguyễn theo niên hiệu; ví dụ như: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị…không gọi theo miếu hiệu.

   * Về Quốc hiệu: Tên nước Việt Nam được xác lập từ  tháng 6/1804; đến thời Minh Mạng có đổi tên nước là Đại Nam. Điều đáng nói hơn cả là, trải qua hơn 200 năm (1802-2024), với tất cả ý chí, quyết tâm, sức mạnh, trí tuệ và cả xương máu nhiều thế hệ cộng đồng dân tộc, đã chứng tỏ cho thế giới biết rằng: Việt Nam là một dân tộc kiên cường, anh dũng, bất khuất nhưng yêu chuộng hòa bình và luôn là bạn bè khắp năm châu.

   * Điều đáng chú ý hơn hết, từ thực tiễn tình hình đất nước thời nhà Nguyễn đã sản sinh rất nhiều nhà cải cách, canh tân và chấn hưng đất nước kiệt xuất. Họ còn là những nhà lãnh đạo kinh bang tế thế, nhà ngoại giao, nhà thơ lớn của thời đại như: Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Thoại Ngọc Hầu, Phan Thanh Giản, Ngụy Khắc Đản, Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ. Bùi Viện, Nguyễn Lộ Trạch, v.v…thống nhất việc học tập và thi cử của sĩ tử trong cả nước,

1.2. Nho giáo thời nhà Nguyễn dưới góc nhìn văn hóa lịch sử

       Sau khi thống nhất giang sơn (1802) nhà Nguyễn đã bắt tay vào việc thống nhất chương trình giáo dục và chế độ thi cử theo Nho giáo, nhằm nâng cao chất lượng một chế độ học tập, thi cử chung cả nước. Nhà Nguyễn đã rất kiên quyết đối với những tệ nạn của trường thi. Mô hình này được bắt đầu từ khoa thi năm 1807 thời Gia Long, và không ngừng nâng cao hoạt động của hai cơ quan chủ yếu là Quốc Tử Giám Quốc Sử Quán. Thông qua việc tái thiết và tăng cường hoạt động văn hóa, nhà Nguyễn đã vực dậy nền Nho học, khoát lên một bộ mặt mới về tinh thần Nho giáo trong vai trò độc tôn trên vũ đài chính trị thời kỳ đầu của nhà Nguyễn (1802-1884). Tuy nhiên, đối với quá trình chấn hưng Nho giáo dưới thời nhà Nguyễn, chúng tôi xin dừng lại ở mức độ khái quát về Nho học trong đời sống văn hóa – xã hội Việt Nam.

       Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, nền giáo dục và thi cử của Nho học đã cáo chung (1918). Trong khi đó, Nam Kỳ đã sử dụng mẫu tự La Tinh làm Tiếng Việt (Quốc ngữ) từ sau năm 1864. Nhưng, Nho giáo đã có một lịch sử tồn tại ở nước ta từ thế kỷ thứ II TCN, và trong suốt lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc (gồm thời kỳ Bắc thuộc).

      Trên cơ sở dữ liệu đã cho thấy, văn hóa – lịch sử Việt Nam từ đầu thề kỷ XVI đến thế kỷ XX (1945), chưa có thời kỳ nào phong phú và đa dạng như thời các Chúa Nguyễn, đặc biệt là thời kỳ triều nhà Nguyễn. Ngoài các bộ chính sử, địa chí, văn thơ, truyện ký…Và, còn rất nhiều tư liệu gốc có giá trị thông tin rất quí như Châu bản, mộc bản, địa bạ, văn bia, sắc phong, gia phả, hương ước, những câu đối khắc trên đá, gỗ, chuông, khánh hay trong kiến trúc tôn giáo và những văn  thơ, ký kiểu, lạc khoản khắc trên hang núi, vách đá khắp nơi trong nước và đảo xa, v.v…nhiều tư liệu khác do người nước ngoài tra cứu, ghi chép lưu giữ, đã và đang được sưu tầm, khai thác có hiệu quả để nghiên cứu thấu đáo hơn về văn hóa – lịch sử thời đại vương triều Nguyễn. Văn học truyền khẩu, văn học dân gian đã hòa quyện vào các lễ hội dân gian, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa bản địa của từng tộc người, gần đây sưu tầm đạt được nhiều kết quả khả quan.

1.3. Di sản văn hóa thời các Chúa Nguyễn và triều Nguyễn

      Trong thời gian gần 400 năm, giữa thế kỷ XVI (1558) đến đầu giữa thế kỷ XX (1945) các chúa Nguyễn và triều nhà Nguyễn, đã để lại cho chúng ta một di sản Giang sơn rộng lớn, hầu hết bề mặt của bán đảo Đông Dương từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau (3252km), lãnh thổ bao gồm cả đất liền, biển và biển đảo trên biển Đông và vịnh Thái Lan. Tất cả những Di sản văn hóa đồ sộ đó bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể mang tên Việt Nam, đã đồng hành cùng cộng đồng dân tộc Việt Nam, tạo nên bản sắc và bản lĩnh dân tộc, tạo nên sức sống bền vững đất nước.

      Kinh đô Huế là nơi hội tụ, kết tinh các giá trị văn hóa dân tộc trong thời kỳ lịch sử Phú Xuân trở thành trung tâm chính trị – văn hóa quốc gia, cùng tất cả đất đai đã được xác lập lãnh thổ quốc gia Việt Nam. Thời các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã khắc đậm dấu son lịch sử, Những di sản văn hóa đã tạo dựng và trao truyền trong thời kỳ lịch sử đó là sự tiếp nối và phát tinh hoa lịch sử văn hóa quốc gia dân tộc, mãi trường tồn cùng non sông đất nước. Di sản Văn hóa là tinh thần chủ đạo là nguồn lực nội sinh trong cuộc chấn hưng và phát triển bền đất nước. Nhất là trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập văn hóa quốc tế. 

      Đến nay, Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới ngày 11-12-1993; ngày 7-11-2003 Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhiều di sản khác cũng được công nhận. Đặc biệt trong giai đoạn này, Nguyễn Du (1766-1820), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Hồ Chí Minh (1890-1969) đã được UNESCO công nhận Danh nhân văn hóa thế giới. Cảng thị Hội An và Khu di tích phố cổ Hội An cũng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới ngày 4-12-1999.

  1. Dấu ấn và góc nhìn lịch sử Thơ Đường luật thời nhà Nguyễn

     Đất nước Việt Nam nói chung và Nam Trung Bộ nói riêng, dãy Trường Sơn đã chồm ra tận biển khơi, thành những núi đồi và bán đảo xinh đẹp ôm chặt những đầm phá, vũng vịnh đan xen nhiều bãi cát vàng, gành rạn và đảo hòn tạo nên vẻ đẹp tự nhiên kỳ vĩ hòa quyện không gian văn hóa – lịch sử phát triển dân tộc. Tất cả đã tạo thành một vùng văn hóa đậm chất thi ca, hội họa, kiến trúc và nghệ thuật, mà xứ Huế – Quảng Nam – Quy Nhơn là những thành phố của Thơ ca và Kiến trúc. Hơn nữa, miền Trung, Phú Yên còn là nơi giao hòa, dung hợp văn hóa Việt – Chăm và các dân tộc bản địa; vùng đất mà các tôn giáo đã phát triển sự khởi đầu tự thời mở cõi xứ Đàng Trong của Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Đạo giáo và phong tục tín ngưỡng. Dân gian có câu: “Tu Phật về Phú Yên, tu Tiên đi Bảy Núi”. Cũng tại miền Trung – Phú Yên này, một Thanh Chiêm, Nước Mặn, Tiên Châu nơi mà Francisco de PinaAlexandre de Rhodes không ít lần đi về để khởi viết và hoàn thiện bản thảo tập “Tự diển Việt – Bồ – La”“ Phép giảng tám ngày”(được in năm 1651) trong “Hành trình và Truyền giáo”*. Bản in đầu tiên đang lưu giữ tại Nhà thờ đá Mằng Lăng (1889) tại An Thạch – Tuy An – Phú Yên.

      Có lẽ diện mạo và dấu ấn lịch sử Đường thi Việt Nam đã như dòng sông đang chảy và hòa quyện ôn nhu cùng tháng năm đất nước. Đôi khi cuồn cuộn như một “Nam quốc sơn hà” để “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”  bồi đắp và gìn giữ nền hòa bình, độc lập giang sơn gấm vóc.

2.1. Diện mạo và dấu ấn Thơ Đường luật thời nhà Nguyễn

     Di sản Hán Nôm là hiện thân văn hóa dân tộc Việt Nam. Đây là một bộ phận “Tri thức khoa học” quan trọng, quyết định truyền thống, đồng thời bảo đảm ngọn nguồn đất nước. Có thể coi đây là xuất phát điểm chủ đạo, bởi Việt Nam và Trung Hoa từng có một thời kỳ lịch sử chung cùng nền tảng tư tưởng Nho giáo dài lâu. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm nhập đã được viên dung, cải biến cho phù hợp văn hóa dân tộc Việt Nam. Ngẫm về Lịch sửDiện mạo Văn hóa dân tộc, chúng ta càng thấu triệt sâu sắc một điều: “Truyền thống của đất và người Việt Nam ta Không bao giờ cam chịu ngồi ngó”.  Nên Non sông gấm vóc luôn bền vững sắc son.

      Thể thơ Đường luật Việt Nam là một loại thơ được điển chế nghiêm cẩn, là sự đăng đối giữa cái nội sinh và ngoại sinh trong cái riêng, chung biện chứng giữa con người và tự nhiên, nhưng luôn đồng nhất trong đa dạng về biểu hiện văn hóa và nhân hóa, mà Việt Nam là một cộng đồng dân tộc thống nhất trong đa dạng văn hóa.

      Nho giáo và thơ Đường luật đã song hành tồn tại hàng nghìn năm trên đất nước chúng ta, nhưng có người lại cho rằng tính cách nghiêm cẩn về niêm luật làm chết hồn thơ. Thời nhà Đường đặt ra luật thơ nhằm tạo ý và cấu tứ cho thi nhân dễ điều chế thang âm, sự liên hoàn mạch lạc và nguồn cảm hứng để cho từng câu thơ hay cả bài thơ nhịp nhàng toàn bích. Tuy nhiên, phương tiện đó cũng không hoàn toàn có giá trị tuyệt đối, hay bất khả thi. Các thi nhân có thể nới rộng qui tắc, luật lệ nhằm tạo sinh khí và trường độ của nội dung. Thơ văn thời nhà Đường, Tống, Thanh của Trung Hoa cũng từng có nhiều điều chế đạt lý nên có nhiều giai phẩm độc đáo.      

      Văn hóa Việt Nam luôn là chất liệu thẩm nhận giao thoa, tiếp biến có chọn lọc, dung hợp sáng tạo và phát triển. Ngôn ngữ và bản sắc văn hóa, văn hóa truyền thống luôn là chuẩn mực quan yếu để biện biệt cộng đồng tộc người và văn hóa. Đây là nhân tố tất yếu của tinh thần văn hóa Việt Nam.

      Tuy nhiên, sau biến cố năm 1862 ba tỉnh miền Đông, tiếp đến ba tỉnh miền Tây (1867) bị áp đặt làm thuộc địa của Pháp. Đến năm 1879, Thống đốc Nam Kỳ dân sự đầu tiên Le Myre De Vilers đã ký Nghị định ngày 23/7/1879 để nhấn mạnh sự quan trọng của việc dùng chữ Quốc ngữ trong nội bộ công chức người Pháp. Ngày 28/10/1879, Le Myre De Vilers ra thông tư chỉ dẫn “Về việc bãi bỏ chữ Nho và dùng những mẫu tự La Tinh trong thư từ chính thức”. Năm 1881, Thống đốc Nam Kỳ Le Myre De Vilers ký Quyết định nhắc việc dùng chữ Quốc ngữ trong hệ thống hành chính (Gia Định báo, ngày 21/2/1881 và ngày 24/2/1881). Cũng từ đó, xu thế La Tinh hóa chữ Việt ngày càng được đẩy mạnh và dần được sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của cộng đồng xã hội, chính sự tiếp nhận nhạy bén này của tổ tiên chúng ta đã không ngừng góp phần bổ sung và nâng cao năng lực biểu đạt của Tiếng Việt. Gia Định Báo ra đời năm 1865, được phát hành rộng rãi (một năm sau khi Trường thi Hương Gia Định chấm dứt hoạt động) và đã tồn tại phát triển mạnh mẽ. Năm 1879, Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký quyết định thành lập nền Học chánh Pháp – Việt ba cấp: Sơ đẳng, Tiểu học và Cao đẳng tiểu học. Như vậy, từ năm 1879, nền học chính bằng Tiếng Việt viết theo mẫu tự La Tinh, đã gần như chiếm ưu thế và loại dần hoàn toàn chữ Nho trong hệ thống giáo dục quốc dân. đó cũng là một trong những biểu hiện dung hợp của giao thoa và tiếp biến, thẩm nhận văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam chúng ta.     

2.2. Thơ Đường luật thời nhà Nguyễn góc nhìn lịch sử – văn hóa

2.2.1. Thơ Đường Luật thời nhà Nguyễn giai đoạn 1802-1884

      Gia Định tam gia là ba danh sĩ, nhà thơ, văn tiêu biểu đã đem tài năng phục vụ đất nước lập được nhiều công danh vào cuối thế kỷ XVIII đến đầu giữa thế kỷ XIX, họ thuộc nhóm thi văn tao đàn Hội Sơn, và cũng đã in thành sách Gia Định tam gia thi tập còn truyền đến hôm nay. Chỉ Sơn Trịnh Hoài Đức là chủ soái của Gia Định tam gia, và Nhữ Sơn Ngô Nhân Tĩnh đứng đầu Bình Dương thi xã. Cả ba đều nổi tiếng là những nhà thơ xuất sắc, có tập “ Gia Định tam gia thi” một thời gian sau thì “Bạch Mai thi xã” ra đời vẫn là Gò Cây Mai, nhưng tác phẩm chủ yếu là thơ Nôm, một số tác gia tiêu biểu là Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân, Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa…và, Nguyễn Đình Chiểu với Bình Mai thi xã cũng có mối quan hệ khá đặc biệt. Đây là một trong những trào lưu văn hóa, văn học mới của đất và người Gia Định hình thành một nền trào lưu văn học yêu nước và chống Pháp. Công cuộc chấn hưng Nho giáo thời nhà Nguyễn, Bình Dương thi xã và Bạch Mai thi xã đã đem lại một ý nghĩa vô cùng to lớn trong quá trình phát huy tinh thần văn hóa dân tộc, và cũng đã sớm hòa nhập hết sức tự nhiên với nhân cách luận trong tinh thần Nho giáo khắp cả nước trong bối cảnh lịch sử đương thời.

2.2.2. Thơ Đường Luật thời nhà Nguyễn giai đoạn 1884-1930

      Thơ Đương luật và nền văn học giai đoạn 1884-1930, chủ yếu là dòng văn chương kháng Pháp, nêu cao truyền thống đoàn kết và ý chí đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc

      Cuộc bút chiến Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường,  là giai đoạn vẫn tồn tại hai thành phần chữ Hán và chữ Nôm. Về văn chương, đây là cuộc bút chiến bằng Thơ Đường luật  hay nhất, cuộc xướng họa (24 bài thơ Đường) hiếm thấy trên văn đàn Việt Nam, họ đã tỏ rõ thái độ và tâm tư chân thực biến cố lịch sử thời đó theo đúng nghĩa của nó, nhưng thái độ biên bạch của Tôn Thọ Tường chỉ nhằm che đậy sai trái, vô trách nhiệm của kẻ sĩ đối với quốc gia dân tộc như:

                                   “…Son phấn thà cam dày gió bụi,

                                        Đá vàng cho để thẹn với non sông”

Hay:                          “…Ai về nhắn với Châu Công Cẩn

                                       Thà mất lòng anh đặng bụng chồng”

                                                                           Tôn Thọ Tường

Phan Văn Trị đã nêu rõ chính khí của kẻ sĩ qua bài hòa của mình như:

                                     “Hai vai tơ tóc ngang trời đất

                                       Một gánh cương thường nặng núi sông”

                                       Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết,

                                      Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng”

                                                                            Phan Văn Trị

 

      Cuộc bút chiến của Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường là một sự kiện “Vô tiền khoán hậu” đã để lại cho hậu thế những bài thơ Đường luật rất hay, cảm xúc sâu sắc và đầy ý nghĩa nhân văn thời nhà Nguyễn, trên dòng văn học yêu nước cận đại thế kỷ XIX.

      Phan Bội Châu (1867-1940) đậu Giải nguyên năm 1900; năm 1904 cùng lập Duy Tân hội để chống Pháp; năm 1905 thực hiện phong trào Đông Du; năm1912 thành lập Việt Nam Quang Phục Hội; năm 1925 bị thực dân Pháp bắt và xử tù chung thân. Những tác phẩm thơ văn chính: “Việt Nam vong quốc sử”, “Hải Ngoại Huyết Thư”, Ngục trung thư”, “Trùng Quang tâm sử”, “Phan Sào Nam văn tập”, “Phan Bội Châu niên biểu”,…Sự nghiệp và Văn chương của Ông là vũ khí sắc bén để chuyển tải, khơi dậy ý chí đấu tranh, quật cường của dân tộc, làm rung động biết bao con tim người Việt Nam yêu nước.

Xin trích bài thơ không đề của ông: (* do người lớp sau đặt đề tựa)

                           Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông* 

                                  Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,

                                  Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù.

                                  Đã khách không nhà trong bốn bể,

                                  Lại người có tội giữa năm châu

                                  Dang tay ôm chặt bồ kinh tế,

                                  Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

                                  Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,

                                  Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

      Phan Châu Trinh (1872-1926) đỗ Phó bảng, nhưng ông học thêm tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ (chỉ một số ít nhà Nho có tinh thần tiến bộ và cầu thị như vậy). Trong Tây Hồ thi tập có 10 bài Thi xưa liên hoàn và 10 bài Lại y vận liên hoàn, ông đã phê phán gay gắt thái độ chủ bại, đầu hàng giặc của Tôn Thọ Tường. Ông đã mắng:

                               Múa miệng còn giồi câu đạo nghĩa

                               Cúi đầu thêm thẹn tiếng trâm anh  

                                                                             (A,b,3)

Đồng thời kiên quyết dứt khoát về cuộc xâm lăng của thực dân Pháp:              

                               Giời (Dời) non tác biển chưa rằng khó,

                               Mấy tỉnh con con giể (dễ) mấy mươi

                                                                               (A,b,8)  

Ông đã ra sức kêu gọi đoàn kết, đồng tâm đấu tranh chống giặc Pháp:

                                Xúm lại kình Tây ra sức chống  

                                                                                 (A,b,9)

       Phan Châu Trinh là một nhà Nho tiến bộ chủ trương tiến lên chế độ dân chủ, “Duy tân”, đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu, bế tắc chế độ phong kiến, mới mong giành độc lập. Sự nghiệp đấu tranh cải cách Duy tân và toàn bộ thơ văn của Phan Châu Trinh là một gia trị vô cùng lớn lao, kỳ vĩ của một nhà chí sĩ yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX.   

2.2.3. Thơ Đường luật Việt Nam thời tiền chiến

     Thơ Đường luật Việt Nam thời tiền chiến (1930-1954) cũng đạt được nhiều thành tựu rực rỡ và đã ảnh hưởng sâu rộng xuyên suốt đến hôm nay. Thơ Đường đã phản ánh nhiều mặt về thiên nhiên, nhân văn và con người của mọi thời đại. Qua bài thơ: “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi” trong tập thơ Nhật ký trong tù của Lãnh tụ – Nhà thơ Hồ Chí Minh là minh chứng đầy đủ cho luận điểm này. Bác Hồ đã tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo rất Đường thi, bằng chất liệu cổ điển đầy hàm súc, nhưng cũng rất cụ thể, trong sáng, giản dị với tình yêu non sông, đất nước và con người bằng vẻ đẹp tự nhiên và hiện đại. GS. Lê Đình Kỵ đã nhận xét: Thơ Bác là một sự kết tinh, một sự hài hòa giữa lãnh tụ và nhân dân, giữa thời đại và dân tộc, giữa chính trị và tình đời, tình người, giữa cao siêu và bình dị, giữa đa dạng và thống nhất”. Thơ Bác đã xuyên thấu không gian và thời gian bằng viên ngọc thơ ca quý giá, để vì con người và phục vụ con người. Trong xuyên suốt dòng chảy văn hóa – văn học Việt Nam, Thơ Đường luật đã bồi đắp nhiều thành tựu thơ ca và nhiều lĩnh vực khác.

  1. Những tác gia – hợp tuyển văn học thời nhà Nguyễn (1802-2024).

      Sự phục hưng của Nho giáo đã diễn ra trên một quy mô rộng và với tốc độ khá nhanh sau khi thống nhất đất nước, trong thời kỳ đầu là một thực tiễn cụ thể. Các thể loại tác phẩm văn chương, lịch sử, địa dư chí… thời nhà Nguyễn để lại nhiều hơn cả từ trước đến nay, đáp ứng rất nhanh tinh thần và truyền thống yêu nước của dân tộc ta mang đậm dấu ấn thời đại. Với tinh thần trọng thị quốc sử của nhà Nguyễn đã ảnh hưởng trực tiếp đến nho gia. Về văn hóa, nhà Nguyễn đã xây dựng nến Quốc học Nho gia, và đã có nhiều đóng góp to lớn xứng đáng trong thời kỳ Trung đại Việt Nam. Đặc biệt lịch sử nước nhà thế kỷ XIX đã sản sinh được nhiều nhà bác học uyên bác như: Phan Huy Chú (1782-1840), Trương Vĩnh Ký (1837-1898) được công nhận là một trong 18 nhà bác học thế giới thế kỷ XIX, được ghi tên Danh nhân thế giới trong Tự điển Larousse.

3.1. Giai đoạn (1802-1884) Các tác phẩm của Nho gia thời nhà Nguyễn để lại rất nhiều, đủ các thể loại văn chương nghệ thuật, thật khó mà giới thiệu cho hết được trong giai đoạn này. Các Nho gia tiêu biểu trong thời kỳ này như: Ngô Tùng Châu, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Nguyễn Văn Thành, Phan Huy Ích, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Thế Lịch, Phan Huy Chú, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, v.v… đã có nhiều tác phẩm bao hàm nhiều thể loại với nhiều xu hướng khác nhau về văn hóa – văn học nghệ thuật Việt Nam thời nhà Nguyễn.

3.2. Giai đoạn (1885-1930) Văn học giai đoạn này có biến cố chính trị đất nước nên đã chi phối, thay đổi diện mạo trở thành công cuộc đấu tranh của nhân dân chống thực dân Pháp. Đây là giai đoạn vẫn tồn tại hai thành phần chữ Hán và chữ Nôm.

rất hay, đầy cảm xúc và đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong thời kỳ văn học yêu nước cận đại thế kỷ XIX trên dòng văn học Việt Nam.

     Tuy nhiên, giai đoạn này Tiếng Việt (chữ Quốc ngữ cũng được khích lệ bằng nhiều hình thức: Báo chí, phiên âm, dịch thuật, v.v…đã hoạt động rộng rãi, sự ra đời cuốn Đại Nam quốc âm tự vị – Huỳnh Tịnh Của, xuất bản năm 1895-1896. Dòng văn học yêu nước chống Pháp và hiện thực đã phát triển mạnh mẽ với nhiều tác gia như: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Phan Văn Trị, Hoàng Kế Viêm, Dương Khuê, Nguyễn Thuật, Học Lạc, Ngô Thì Chí, Nguyễn Quang Bích, Sương Nguyệt Anh, Phan Bội Châu, Trần Tế Xương, Phan Chu Trinh, v.v…Đây là giai đoạn cuối cùng dòng văn học ý thức hệ phong kiến, giai đoạn bi tráng, hào hùng mang đậm tính chiến đấu chống xâm lăng của dân tộc.

3.3. Giai đoạn (1930-191975) Tao nhân mặc khách thời tiền chiến, những người thuộc thế hệ Nho gia như: Ngô Đức Kế, Tản Đà, Ngô tất Tố, v.v… Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Phan Khôi, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Ngọc…những người thuộc thế hệ tiền bối, cho đến Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yên Lan , Bích Khê, Quách Tấn, Trương Tửu, Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ, Nguyễn Bính,v.v…cùng rất nhiều tác phẩm thơ, văn chương nghệ thuật và sách báo thời Tiền chiến. Thường thì những nhu cầu của giới văn nghệ sĩ tiền chiến cũng rất khiêm tốn. Họ chỉ ham đọc và viết, không phải viết để sống mà chỉ sống để viết, viết những gì họ nghĩ, những điều xúc cảm và họ biết, không vì đòi hỏi tầm thường nào cả, mà chủ yếu  chỉ vì muốn thỏa mãn nguyện vọng muốn viết và tỏ bày tâm tư của họ mà thôi. Đây là sự kế thừa khí phách, thái độ hiên ngang, bất khuất của kẻ sĩ thời tiền chiến.

Tiểu kết:

      Đây là thời kỳ văn hóa – văn học nghệ thuật thu gặt được rất nhiều thành tựu nhất, tuy chế độ phong kiến Việt Nam đã suy yếu; nhưng triều đình nhà Nguyễn cũng đã cố gắng hoạch định, củng cố, hoàn thành sự nghiệp thống nhất toàn vẹn non sông và bắt tay xây dựng đất nước. Các Nhân sĩ, Nho gia đã chung vai gánh vác những trọng trách quan trọng và đã có nhiều đóng góp tích cực đối với đất nước, với nhân dân và triều đình nhà Nguyễn. Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi những hạn chế thời đại và những yếu tố ngoại lai va đập thời thuộc Pháp.

      Ngày nay, Việt Nam đã cùng thế giới tiến vào thế kỷ XXI với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa quốc tế, với tinh thần yêu thơ và thích văn chương vốn có của người Việt Nam, cùng nhiều thể loại văn học nghệ thuật khác.

      Thơ Đường luật hời nhà Nguyễn và suốt hậu kỳ văn học Việt Nam nói chung đã tạo nên một diện mạo, sắc thái Việt Nam hết sức đặc biệt rất đa dạng và  phong phú, đã đưa chúng ta tiệm cận gần hơn nhận thức và yêu thích việc tầm nguyên hay khảo cứu về Nho giáo trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật.

                 Bởi, Yêu thơ tức là yêu thiên nhiên và yêu con người..!

  1. Thay lời kết

             Thời nhà Nguyễn có thể coi là lực lượng văn nghệ sĩ đông đảo và phong phú nhất, đã để lại một di sản văn hóa – văn học nghệ thuật đồ sộ. Đặc biệt là Thơ Đường luật và văn chương thời nhà Nguyễn đã khơi rộng hướng chảy của dòng sông văn hóa lịch sử Việt Nam, là sự tiếp nối xuyên suốt hơn ngàn năm lịch sử văn hóa, tự thời dựng nước, giữ nước đến hôm nay…Và, cả ngàn sau nữa:

                                      Cổ lai vô vật bất thành thổ

                                      Tử hậu duy thi khả thắng kim

                              (Xưa nay không vật gì là không thành đất

                               Duy thơ thiệt thì mãi mãi trường tồn).

       Xin lấy bài thơ của Danh sĩ Cao Bá Quát thay lời kết cho bài viết:

                            Lập xuân hậu nhất nhật tân tinh

                                      Khứ nhật xuân lai phá cựu hàn

                                      Kim triều hồng tứ đấu thiên ban.

                                      Hà đương thế sự như hoa sự

                                      Phong vũ giang sơn tận cái quan

Dịch thơ:

                         Nắng mới sau hôm lập xuân một ngày

                                      Hôm trước xuân về đuổi rét đông

                                      Sáng nay nghìn tía với muôn hồng.

                                     Việc đời ước cũng như hoa đó

                           Mưa gió qua rồi rạng núi sông                                                             

                                    Khương Hữu Dụng – Dịch