THƠ ĐƯỜNG LUẬT THỜI LÊ SƠ – NHỊP CẦU KIỀU NỐI TRUNG ĐẠI TỚI HIỆN ĐẠI – Đức Thọ
I/ Bối cảnh lịch sử: Nhà Lê sơ (chữ Hán: 黎初朝, Hán Việt: Lê sơ triều), đôi khi gọi là nhà Hậu Lê là giai đoạn đầu của triều đại quân chủ nhà Lê sơ. Đây là thời kỳ mà chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền trong lịch sử Việt Nam lần đầu tiên đạt đến đỉnh cao của sự phát triển cũng như suy thoái của nó. Nhà Lê sơ được thành lập sau khi Lê Lợi phát động Khởi nghĩa Lam Sơn đánh bại nhà Minh. Ông đổi tên Giao Chỉ , vốn tồn tại trong thời gian nhà Minh đô hộ, trở về Đại Việt (大越), quốc hiệu có từ đời Lý Thánh Tông.
Thời đại Lê sơ có 10 vị hoàng đế thuộc 6 thế hệ, đây là thời kỳ các hoàng đế nhà Lê nắm trọn được quyền hành, cũng là thời kỳ vĩ đại, hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. Đời Lê Thái Tổ (Lê Lợi) và đặc biệt là đời Lê Thái Tông, xã hội được đi vào ổn định, phát triển thịnh vượng một cách mau chóng sau thời kỳ chiến tranh trước đó.
Thời Tiền Lê là giai đoạn sơ khởi của nền văn học viết Việt Nam (để phân biệt với văn học dân gian, văn học truyền khẩu đã ra đời rất lâu trước đó), với tư cách là một nền văn học chính thống của một quốc gia đã giành được độc lập tự chủ (để phân biệt với văn học của một bộ phận quan lại cai trị trên đất Việt thời Bắc thuộc trước đó). Thời kỳ này đã xuất hiện các tác phẩm nổi tiếng có đề tên tác giả người Việt. Dưới triều vua Lê Đại Hành, ngoài chiến tích phá Tống – bình Chiêm lẫy lừng, còn có thành tựu lớn về văn chương. Hai áng thơ chính luận, hai kiệt tác không tiền khoáng hậu Nam quốc sơn hà và Quốc tộ đều là tác phẩm mở đầu cho dòng văn học trung đại, đều là sự khai sáng của tinh thần yêu nước và tinh thần nhân đạo, những truyền thống lớn của văn hóa, văn học dân tộc. “Nam quốc sơn hà” có giá trị như một bản tuyên ngôn độc lập, còn “Quốc tộ” có giá trị như một bản tuyên ngôn hòa bình. Hai kiệt tác văn chương xuất hiện ở giai đoạn đầu tiên của nền văn học dân tộc Việt Nam, nhưng mới chỉ là những đốm lửa, sau đó được ông cha chúng ta qua thời Nhà Lý,Trần thổi bùng lên thành một trào lưu rực rỡ. Bước sang thơì kỳ nhà Lê sơ đất nươc ta lại phải trải qua 10 năm nội thuộc nhà Minh phương Bắc,10 năm Lê Lợi khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh, Đây là một thời kỳ hết sức tổn hại tới những công trình thành văn của nước Đại Việt, trong đó có những công trình về sử học và nhất là thơ văn của nhiều tác gia trước đó .
Nhà Lê sơ được thành lập từ kết quả thắng lợi của Khởi nghĩa Lam Sơn kéo dài 10 năm chống lại sự đô hộ của nhà Minh do Lê Lợi lãnh đạo
Nhà Hậu Lê (Lê sơ) chính thức thành lập năm 1428, đó là ngày 15 tháng 3. Lê Lợi tự xưng làm Thuận Thiên Thừa Vận Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương, lấy hiệu là Lam Sơn Động chủ, sử gọi là Lê Thái Tổ. Ông đóng đô ở Đông Quan (Thăng Long), đổi kinh thành Thăng Long trở thành Đông Kinh.
Thời kỳ này các thể loại văn học gồm thơ, phú, chiếu, biểu, văn bia, truyện ký, cáo, chính luận, nhất là thơ Đường luật chữ Hán , và thơ Đường luật chữ nôm. Lực lượng sáng tác thời Lê sơ khá hùng hậu và thành tựu sáng tác cũng rất lớn, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử văn học thời phong kiến của Việt Nam.
II/ Những Tác gia xuất sắc và những Tác phẩm nổi trội :
Văn học thời Lê sơ khá phong phú, phản ánh đa dạng đời sống chính trị, xã hội, tinh thần. Sự chuyển đổi trong hệ thống văn bia đã tôn sùng nho học, thúc đẩy việc học và thi cử. Thi Hương, thi Hội, thi Đình và các cấp đỗ đạt như : Các danh hiệu Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa được đổi thành Tiến sĩ cập đệ, Chánh bảng thành Tiến sĩ xuất thân, Phụ bảng thành đồng Tiến sĩ xuất thân. Sự đổi thay ấy theo mãi về sau trong lịch sử khoa bảng của đất nước. đã tạo tiền đề thúc đẩy cho sự học của những bậc sĩ phu giúp cho nền thơ văn thời Lê sơ phát triển tới mức huy hoàng.
Thời kỳ đầu Nguyễn Trãi được xem là tác gia xuất sắc hàng đầu. Những tác phẩm được truyền tụng nhiều nhất của ông gồm có: Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập: Ức Trai thi tập: tập thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, hiện còn lại 99 bài. Quốc âm thi tập: Tập thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi, hiện còn 254 bài. Đây là tập thơ Nôm cổ nhất và cũng là mốc đánh dấu bước phát triển của chữ Nôm thế kỷ 15.
Nguyễn Trãi là con người của thời đại phong kiến, thời đại Nho giáo, nên nội dung yêu nước của Nguyễn Trãi cũng vẫn mang màu sắc thời đại – một thời đại mà tư tưởng yêu nước gắn liền với tư tưởng trung hiếu trong quan niệm tình nhà nghĩa nước. Nhưng tình nhà nghĩa nước của Nguyễn Trãi lại rộng lớn và sâu sắc hơn rất nhiều so với thời đại ông, trở thành lí tưởng của chính ông và mọi thời đại:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
(Bình Ngô đại cáo)
Nhân nghĩa duy trì quốc thế an
(Hạ quy Lam Sơn )
Nội dung tiến bộ nhất của tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi là tư tưởng thân dân: vì dân và chiến đấu cho dân. Tư tưởng ấy trải dài trong suốt cuộc đời nhà thơ.
Lúc nhỏ đi học, đi thi không phải cho ông mà vì nước, vì dân:
Một thân lẩn quất đường khoa mục
Hai chữ mơ màng việc quốc gia
(Quốc âm thi tập )
Khi làm quan, ông thực hiện phương châm sống:
Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược
Có nhân, có trí, có anh hùng
(Bảo kính cảnh giới )
Nguyễn Trãi làm quan ở triều đình không phải vì danh lợi mà vì một điều luôn ôm ấp trong lòng:
Lòng một tấc son còn nhớ chúa
Tóc hai phần bạc bởi thương dân
(Trần tình )
Nguyễn Trãi tưởng như làm quan để cống hiến cho nước, cho dân, nhưng càng ở với triều Lê, ông càng thấy cuộc đời lắm chua xót:
Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc
Cho hay đường lạc cực quanh co.
(Ngôn chí )
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết
Bởi một lòng người cực hiểm thay
(Mạn thuật)
Mất niềm tin ở triều Lê, Nguyễn Trãi cáo quan về ở ẩn, lấy thiên nhiên làm bầu bạn để giữ cho tâm hồn được thanh sạch, cao đạo:
Chân mềm ngại bước dặm mây xanh
Quê cũ tìm về chốn củ thanh
(Bảo kính cảnh giới )
Tại Côn Sơn, ông lấy thiên nhiên làm nhà, để tâm hồn mình rộng mở mà đón nhận thiên nhiên:
Núi láng giềng, chim bầu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam
(Thuật hứng -)
Sống giữa thiên nhiên thoáng đãng và nên thơ, tưởng như Nguyễn Trãi có thể quên đi tất cả, nhưng nỗi niềm dân nước vẫn canh cánh, trào dâng trong ông:
Bởi một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông
(Thuật hứng )
Do đó, ông lại hăng hái đăng trình ra làm quan để thực hiện lý tưởng dân nước:
Những ưu thánh chúa âu đời trị
Há để thân nhàn tiếc tuổi tàn.
(Tự thán )
Trong suốt cuộc đời nhà thơ, tấm lòng yêu nước luôn toả sáng, làm nên nhân cách cao đẹp và vĩ đại. Nhân cách cao đẹp và vĩ đại của Nguyễn Trãi còn được thể hiện ngay ở lối sống giản dị, gần gũi với nhân dân:
Lụp xụp lều tranh bé cửa hiên
Nhà quan tưởng chốn ẩn người hiền
(Tức sự)
Ở việc đối xử khoan dung nhân thứ:
Lòng làm lành đổi lòng làm dữ
Tính ở nhu hơn tính ở cương
(Bảo kính cảnh giới)
Nguyễn Trãi vốn ham học, ham làm, nên ông thường khuyên mọi người:
Nên thợ nên thầy vì có học
No ăn, no mặc bởi hay làm
(Quốc âm thi tập)
Tay ai làm thì nuôi miệng
Làm biếng ngồi ăn lở núi non
(Bảo kính cảnh giới)
Điểm đáng trọng nhất ở nhân cách Nguyễn Trãi là thái độ sống rất mực cương trực và khẳng khái của ông. Đối với Nguyễn Trãi, quyền uy không thể khuất phục. Suốt cuộc đời ông chỉ biết sống ngẩng cao đầu chứ không hề biết sống cúi đầu:
Ung dung cứ nói điều ta thích
Uốn gối theo đời không thể vâng
(Mạn hứng)
Ông nguyện làm người quân tử chống lại thói xu nịnh, xúc xiểm lúc bấy giờ:
Vườn quỳnh dù có chim hót
Cõi trần có trúc đứng ngăn
(Quốc âm thi tập )
Chưa cần khảo cứu các tài liệu về Nguyễn Trãi, chỉ cần đọc thơ văn của ông. Thế cũng đủ để ta cảm nhận được chân dung của một con người. Và chân dung Nguyễn Trãi đã khắc tạc vào cuộc đời qua chính những sáng tác bất hủ của ông.
*Nguyễn Mộng Tuân cũng là nhà văn nổi tiếng đương thời. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là Hạ thừa chỉ Ức Trai tân cư (Mừng nhà mới của quan thừa chỉ Ức Trai)
Lý Tử Tấn có tập thơ Chuyết Am, trong đó nổi tiếng nhất là Đề Ức Trai bích (đề thơ trên vách nhà Ức Trai). Ngoài ra, ông còn có hai bài phú nổi tiếng là Chí Linh sơn phú (Phú núi Chí Linh) và Xương Giang phú (Đại ý: Ca ngợi chiến thắng Xương Giang ngày 3 tháng 11 năm 1427 của nghĩa quân Lam Sơn).
Sang nửa sau thời Lê sơ, dưới triều Lê Thánh Tông, văn học Đại Việt có bước phát triển mới. Chính vua Lê Thánh Tông là đại diện tiêu biểu nhất của giai đoạn này.
*Lê Thánh Tông với các tập thơ chữ Hán: Anh hoa hiếu trị (xướng hoạ với con các đại thần khi về thăm Lam Kinh), Chinh Tây kỷ hành (viết trên đường đánh Chiêm Thành năm 1471), Minh lương cẩm tú (xướng hoạ với các văn thần), Quỳnh uyển cửu ca (xướng hoạ với các văn nhân trong hội Tao Đàn), Xuân Vân thi tập (năm 1496), Châu cơ thắng thưởng, Văn minh cổ suý, Cổ kim cung từ thi tập .Lam Sơn Lương thủy phú (bài phú miêu tả vẻ đẹp của núi Lam và sông Lương và công trạng của khởi nghĩa Lam Sơn) Thơ chữ Nôm: Hồng Đức quốc âm thi tập, và một số bài trong Lê triều danh nhân thi tập. Một nét nổi trội Nhà thơ – hoàng đế Lê Thánh Tông lại chính là chủ xướng, chủ soái Tao đàn – gồm 28 vị tượng trưng cho 28 vị tinh tú trên trời ( Nhị thập bát tú).
Lê Thánh Tông viết nhiều thơ chữ Hán, viết từ thuở thiếu thời đến lúc về già. Viết trong dịp viếng lăng mộ tổ ở Lam Sơn, viết khi đi: thăm thú danh lam thắng tích, viết trong những cuộc tuần du, viễn chinh, khi cao hứng xướng họa với từ thần, khi có nhu cầu bộc lộ, giãi bày tâm sự v.v. Với khối lượng thơ văn chữ Hán , Lê Thánh Tông là tác giả viết nhiều nhất trong số những tác giả văn học nửa sau Thế kỷ15.
Sự xuất hiện của Hội Tao đàn đánh dấu bước phát triển mới của phong trào văn học cung đình. Tác phẩm của Hội chỉ có một tập thơ chữ Hán “Quỳnh uyển cửu ca” và hai bài Tựa, một của Lê Thánh Tông, một của Đào Cử, không có tập thơ nào khác nữa. Hội Tao đàn coi là một Hội nhà văn chính thống đầu tiên của lịch sử văn học, khác với các Tao đàn có tính chất địa phương như Thi xã Bích Động ở Đông Triều thời Trần hay Thi xã Chiêu anh các ở Hà Tiên Thế kỷ 17…
Thơ văn chữ Nôm của Lê Thánh Tông còn lại cũng rất đáng nể Tác phẩm được viết với mục đích giáo huấn, Thơ Nôm Lê Thánh Tông gồm nhiều bài trong “Hồng Đức quốc âm thi tập” và trong một số sách khác. Hồng Đức quốc âm thi tập là tuyển tập thơ Nôm của các tác giả thời Hồng Đức (1470 – 1494) và một số tập thơ Nôm khác có thơ Nôm Lê Thánh Tông, nửa sau Thế kỷ15, Lê Thánh Tông không chỉ là tác giả viết nhiều nhất thơ văn chữ Hán mà còn là tác giả viết nhiều nhất thơ văn chữ Nôm. Ở một thời chữ Hán và văn chương bác học phát triển thịnh đạt như thế, chữ Nôm và văn học Nôm còn đang ở vị thế khởi đầu , việc nhà vua cổ vũ, khuyến khích phong trào sáng tác thơ Nôm, nắm vững luật thơ Nôm (Đại Việt sử ký toàn thư), viết nhiều thơ văn Nôm…, đã biểu hiện thái độ tin yêu và quý trọng ngôn ngữ văn học dân tộc. Cùng với Trần Nhân Tông, : Hồ Quý Ly… trước đó, Trịnh Căn, Trịnh Doanh, Quang Trung, Tự Đức, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du sau này.. . Là những tác gia lớn của văn học nửa sau Thế kỷ 15, Lê Thánh Tông có những đóng góp tích cực và đầy hiệu quả đối với sự phát triển của văn học dân tộc. Trước Lê Thánh Tông, văn học có đặc trưng cơ bản mang tính lịch sử, cảm hứng, âm hưởng chủ đạo là khẳng định dân tộc. Khẳng định dân tộc thực chất là khẳng định độc lập, chủ quyền, lãnh thổ dân tộc, là khẳng định văn hiến Đại Việt, chống lại âm mưu và hành động xâm lược, đồng hóa của các đế chế phương Bắc. Tác giả, tác phẩm lớn thời này đều viết về những cuộc chiến tranh chống xâm lược, thống trị, Mẫu người lý tưởng của văn học là người anh hùng vệ quốc. Từ Lê Thánh Tông trở đi, đặc trưng cơ bản, cảm hứng, âm hưởng chủ đạo của sáng tác văn học là khẳng định. chính quyền phong kiến dân tộc tự chủ, nhất thống theo mô hình Nho giáo. Thực chất của sự khẳng định này là xây dựng một Nhà nước phong kiến hùng mạnh có khả năng tổ chức sự nghiệp bảo vệ biên cương, mở mang bờ cõi, đẹp trừ bạo loạn cát cứ, là đề cao trách nhiệm của triều đình, vua quan, nho sĩ quan liêu đối với nước, với dân, là phát huy nền văn hóa dân tộc, mà hạt nhân là ý thức tự lập, tự cường, khát vọng hòa bình, hạnh phúc, là ngợi ca lịch sử hào hùng, non sông gấm vóc…. Đồng thời cũng tôn sùng Nho giáo, trọng thị đạo đức phong kiến, ca công tụng đức chế độ, vua quan, duy trì trật tự lễ giáo trong sự kết hợp giữa hệ tư tưởng Nho giáo với tinh thần dân tộc, nhằm kiến tạo nên một chế độ phong kiến tập quyền tự chủ, thống nhất, mạnh mẽ. Nội dung như thế nên mẫu người lý tưởng của sáng tác văn học là gương kinh bang tế thế, kinh bang hoa quốc. Tác giả hầu hết là nho sĩ quan liêu, tiêu biểu nhất chính là ông vua nhà nho Lê Thánh Tông. Tác phẩm của ông thể hiện tập trung nhất, hay nhất, phong phú, đa dạng nhất đặc trưng cơ bản mang tính lịch sử ấy của bước phát triển mới trên lĩnh vực sáng tác văn chương. Cũng do vị thế Nho giáo, nho sĩ làm văn mà văn học nho gia trở thành quan phương, chính thống. Lê Thánh Tông trong “Tựa Quỳnh uyển cửu ca” khi lập Hội Tao đàn đã phát biểu theo cách của ông về quan niệm Văn chở đạo, trong bài thơ Văn nhân thì lại lý tưởng hóa thi nhân ở cái đức hóa dân, đem lại xuân phong hòa khí cho đời. Và từ việc vận dụng quan niệm văn học nho gia vào sáng tác văn học dân tộc, Lê Thánh Tông đã phát triển thơ đề vịnh thiên nhiên thành những bài ca vừa huy hoàng, tráng lệ, đầy ấp hình tượng đất nước, vượng khí non sông, địa lính nhân kiệt, Nam quốc, Nam thiên uy nghi, đính đạc, cổ kính, vĩnh hằng… vừa hiện thực, bình dị cuộc sống muôn dân trong thời thái bình, thịnh trị no ấm, yên vui với công cao đức cả của vua sáng tôi hiền một thời : “Nhà nam nhà bắc đều no mặt/ Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình”. Lê Thánh Tông cũng rất xuất sắc khi lần đầu tiên dùng chữ Nôm viết thơ vịnh Nam sử, để cao anh hùng vệ quốc, danh nhân văn hóa, và cả khi cổ vũ sáng tác thơ đề vịnh Bắc sử, vốn chỉ ngẫu hứng với một ít bài trong văn học Lý – Trần, thành thi tập hàng trăm bài như Cổ tâm bách vịnh của chính nhà thơ. Lê Thánh Tông đặc biệt chững chạc, điêu luyện và sáng tạo trong lĩnh vực văn thơ Nôm. Thơ Nôm của ông trong mối liên hệ với Hồng Đức quốc âm thi tập cũng có những cống hiến đích thực, độc đáo. Lê Thánh Tông là tác giả đầu tiên dùng thơ Nôm viết về địa danh lịch sử, nhân vật lịch sử nước nhà, điều mà thơ Nôm Nguyễn Trãi trước đó không có. Thơ Nôm viết về đề tài này thường lưu chuyển hình tượng non sông đất nước, bức tranh Nam quốc, Nam thiên đầy ắp cảm hứng lịch sử về cương vực, cảnh quan, danh lam, thắng tích. Lê Thánh Tông còn là tác giả của nhiều bài thơ vịnh về những sự vật tầm thường, những con người nhỏ bé, như : vịnh về quả dưa, củ khoai, rau cải ; cái rế, cái nón, cái đó, cái cối xay, cây đánh đu, táo bếp, con cóc, con rận, con kiến, con muỗi, người ăn mày, người bù nhìn v.v… Đây là loại thơ có những bài được coi là thơ khẩu khí, nhưng tính chất và ý nghĩa thẩm mỹ của nó thì lại là một loại thơ đề vịnh bác học theo khuynh hướng bình dị, dân dã, thường lấy việc nhỏ nói điều to, lấy sự vật, con người tầm thường nói đạo lý, sự vật, con người cao quý… Việc làm đó xuất phát từ một quan niệm thẩm mỹ chứ không phải nhằm thanh minh cho quãng đời tuổi thơ. Cuối cùng, thơ Nôm Lê Thánh Tông cũng như trường thơ Nôm Hồng Đức còn có nhiều sáng tạo về hình tượng nghệ thuật về non sông, đất nước, vẻ anh hùng, liệt nữ, thậm chí hình tượng nghệ thuật về người nghĩa phụ bình dân, người lính thú biên phòng. Đặc biệt, Lê Thánh Tông, kế tục Nguyễn Trãi, đẩy mạnh khuynh hướng dân tộc, dân chủ hóa trong lĩnh vực ngôn từ văn học. Không chỉ là tiếp tục Việt hóa những từ ngữ, điển cố Hán học mà còn là Việt hóa thơ Đường bằng ngôn ngữ toàn dân và khẩu ngữ hàng ngày, nhất là sử dụng rất sáng tạo nhiều loại từ lấp láy, trùng âm… và lớp từ có giọng điệu hài hước, trào lộng. Lê Thánh Tông là tác giả thứ hai, sau Nguyễn Trãi ở thế kỷ 15, có nhiều tìm tòi, sáng tạo trong sáng tác thơ Nôm. Cùng với thành tựu thơ văn chữ Hán, Lê Thánh Tông xứng đáng là tác giả kiệt xuất của văn học trung đại Việt Nam.
* Ngô Chi Lan là nữ nhà thơ, mang bản sắc riêng, không khuôn sáo, gò ép, đẹp cả ý và lời, thường kết hợp nhuần nhuyễn giữa vẻ đẹp cảnh vật với những chi tiết chân thực của đời sống và có cái nhìn nhân ái trước cuộc đời và con người. Có thể coi bà là nhà thơ nữ đầu tiên có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của thơ ca Việt Nam.
Hiện thơ bà chỉ còn lại trên dưới mười bài in rải rác trong các sách Truyền kỳ mạn lục, Lĩnh Nam chích quái, Kiến văn tiểu lục và Trích diễm thi tập. Tạm liệt kê ra như sau:
– Chùm thơ vịnh bốn mùa: gồm 4 bài thơ thất ngôn bát cú bằng chữ Hán
– Chùm thơ vịnh bốn mùa: gồm 4 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Nôm (dịch Nôm 4 đoạn đầu của 4 bài thơ chữ Hán trên, tuy nhiên không biết do tác giả tự dịch hay do người đời sau).
– Vịnh núi Vệ Linh (tức núi Sóc) viết bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn tứ tuyệt.
-Thái liên khúc: gồm 2 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán.
-Thơ vịnh truyện Tô Vũ: viết bằng chữ Nôm,
-Thơ điếu Lê Thánh Tông: viết bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn bát cú, được chép trong Truyền kỳ mạn lục. Đây là một bài thơ sáng tác theo kiểu từ khúc, đã được khắc in trong Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương và Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn.
Nguyên văn:
采蓮曲
相看綠鬢年
無事采溪蓮
小姑嬌不語
帶笑學撐船
蓮花遠近香
采采總山娘
莫遣風吹鬢
冰肌原自涼
Phiên âm:
Thái liên khúc
1. Tương khan lục mấn niên,
Vô sự thái khê liên.
Tiểu cô, kiều bất ngữ,
Ðái tiếu học sanh thuyền.
2. Liên hoa viễn cận hương,
Thái thái tổng sơn nương.
Mạc khiển phong xuy mấn,
Băng cơ nguyên tự hương.
Dịch nghĩa:
Khúc hát hái sen
1. Xem cô em có mái tóc xanh,
Nhân thong thả ra khe hái sen.
Cô rất duyên dáng và lặng lẽ,
Miệng chúm chím tập chèo thuyền.
2. Hương sen thoang thoảng tỏa chung quanh,
Cô em ở chốn quê hái nơi này sang nơi khác
Chẳng cần gió thổi lồng mái tóc cô,
Vì riêng làn da trắng thôi đã tự mát mẻ.
Dịch thơ:
1. Kia kìa cô gái tóc xanh
Trong khi nhàn rỗi ra ghềnh hái sen.
Dịu dàng kín đáo thuyền quyên,
Miệng hoa chúm chím ngồi thuyền tập bơi.
2. Xa gần thoang thoảng mùi sen
Hái hoa nhan nhản cô em quê mùa.
Tóc mây đừng để gió đưa,
Nước da băng tuyết vẫn thừa hương bay.
*Thái Thuận là một nhà thơ trữ tình, có tiếng thời Hồng Đức, tác phẩm
được các học trò sưu tầm thành Lã Đường thi tập.
*Nguyễn Bảo để lại tập thơ Châu Khê tập, cũng do học trò sưu tầm sau khi ông mất.
* Vũ Quỳnh và Kiều Phú: hai nhà văn có công lớn trong việc sắp xếp hiệu chỉnh lại tác phẩm Lĩnh Nam chích quái ra đời từ thời nhà Trần.
*Đặng Minh Khiêm để lại tập thơ vịnh sử Việt giám định sử thi – tập thơ vịnh sử lớn đầu tiên trong văn học Việt Nam.
Ngoài các tác gia trên, còn những người có công lao sưu tầm, biên soạn các bộ thi tuyển như Phan Phu Tiên và Chu Xa kế tục nhau làm bộ thi tuyển sớm nhất ở Việt Nam gọi là Việt âm thi tập (thơ các tác giả Trần – Hồ và đầu Lê sơ gồm hơn 700 bài. Sau đó có Dương Đức
Nhan soạn bộ Cổ kim chư gia tinh tuyển và Hoàng Đức Lương làm bộ Trích diễm thi tập…
III/ Kết luận : Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVII, các triều đại phong kiến Việt Nam không ngừng xây dựng và củng cố nền độc lập dân tộc. Trong quá trình ấy, việc hoạch định cương giới lãnh thổ là vấn đề đặc biệt quan trọng mang tính thường xuyên và liên tục, nhất là ở vùng đất phía Nam của Tổ quốc. đây không chỉ là sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ mà còn có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của quốc gia và dân tộc. trong lĩnh vực văn hóa.
Sự phát triển văn thơ thời kỳ Lê sơ (trung đại) với nhiều Tác gia xuất sắc như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông … cùng với hàng vài chục tác gia khác đã tạo nên một nhịp cầu kiều hoành tráng nối văn thơ trung đại tới thời hiện đại . Mặc dù sau đó là cả một thời đất nước giằng xé trong đau thương, nhưng những ngôi sao trên nền văn thơ đất Việt vẫn tỏa sáng , như Nguyễn Bỉnh Khiêm , Phùng Khắc Khoan, Hà Nhâm Đại,Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Tự Đức, Cao Bá Quát, Tú Xương, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh… nối liền mạch thơ Đường luật cho tới ngày nay trở thành di sản quý báu trong kho tàng văn học .Thơ luật Đường thời hiện đại, là một mốc lịch sử chói lọi chống lại sự Hán hóa, không những vậy mà còn có khả năng vi diệu Việt hóa một nét của nền văn minh thế giới. Đó là Việt hóa thành công thơ Đường luật (thơ thời nhà Đường năm 618 – 907 ở Trung Quốc) mà giờ đây trong thời hiện đại dân gian – những người yêu thích thể loại này, thường gọi là thơ Đường đất Việt.
N.Đ.T