THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA CỤ TAM NGUYÊN YÊN ĐỔ – PGS.TS Lê Thị Bích Hồng
THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA CỤ TAM NGUYÊN YÊN ĐỔ
PGS.TS Lê Thị Bích Hồng
I.Mở đầu
Trong lịch sử văn học Việt Nam, Nguyễn Khuyến (1835-1909) là một trong những nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam nói chung và văn học trung đại nói riêng. Đặc biệt, trên chặng đường chuyển giao từ giai đoạn văn học trung đại sang văn học cận đại nửa cuối thế kỷ XIX, những năm đầu thế kỷ XX, Nguyễn Khuyến nổi lên như một hiện tượng đặc biệt. Là con người tài hoa, uyên bác, tâm đức, Nguyễn Khuyến đã được vua Tự Đức ban cờ biển và tặng hai chữ Tam nguyên và cái tên “Tam nguyên Yên Đổ” là danh vị tôn vinh gắn với ông và vùng quê Yên Đổ từ đó. Thơ văn Nguyễn Khuyến đã đi vào lịch sử, đời sống và mãi chiếm vị trí lâu bền trong lòng người dân Việt Nam bao thế hệ. Nhân cách, tài năng của Tam nguyên Yên Đổ cùng quê hương, gia đình đã góp phần dung dưỡng, hun đúc, tạo dựng, làm nên một danh nhân văn hóa cho đất nước, dân tộc.
II.Những yếu tố góp phần làm nên “Tam nguyên Yên Đổ” – danh nhân văn hóa
2.1.Yếu tố địa văn hóa
Nguyễn Khuyến sinh ra ở quê hương Bình Lục – vùng đất cổ của Hà Nam có tuổi đời hàng ngàn năm. Nơi vùng quê Núi Quế – Sông Ninh đang lưu giữ một trầm tích văn hóa phong phú đặc biệt. Yếu tố địa văn hóa từ điều kiện địa lý, hoàn cảnh tự nhiên, văn hóa bản địa vùng đồng chiêm trũng “cái rốn nước” của châu thổ Bắc Bộ là nơi thai nghén, dung dưỡng tài năng nhà thơ Nguyễn Khuyến. Thêm nữa khí hậu văn hóa – xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX đã ảnh hưởng sâu nặng, tác động sâu sắc, góp phần hình thành một danh nhân văn hóa “Tam nguyên Yên Đổ”.
Bình Lục nằm ở phía đông nam tỉnh Hà Nam, thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 67km. Dọc theo tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn từ thành phố Phủ Lý qua Thanh Liêm, xuôi về Nam Định là địa bàn huyện Bình Lục với 18 xã và 1 thị trấn. Vị trí địa lý của huyện Bình Lục: phía đông giáp huyện Mỹ Lộc; phía tây giáp huyện Thanh Liêm và cách thành phố Phủ Lý khoảng 10 km; phía Nam giáp huyện Vụ Bản và huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định); phía bắc giáp huyện Duy Tiên và huyện Lý Nhân[1].
Trên địa bàn huyện Bình Lục có đường quốc lộ 21 đi liền đường sắt Bắc Nam theo hướng Hà Nội – Nam Định (đoạn đường sắt Hà Nội – Ninh Bình chạy qua huyện Bình Lục). Cùng với đường giao thông của huyện, các xã đã tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn trong huyện và các địa bàn tiếp giáp.
Xã An Đổ nằm ở phía Nam huyện Bình Lục – nơi có ba con sông chảy qua: Sông Sắt (sông Đào nối sông Châu Giang và Ninh Giang); Luyện Giang (còn gọi sông Dừa); Ninh Giang (chi lưu sông Châu). An Đổ chia làm hai phe pháp (giáp 3 và giáp 7). Thôn Vị Hạ của Nguyễn Khuyến thuộc giáp 3…Nay thôn Vị Hạ thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục.
Huyện Bình Lục thời phong kiến thuộc phủ Lý Nhân trấn Sơn Nam. Sách “Đại Nam thực lục chính biên” chép “Đắp thành phủ Lý Nhân và thành hai huyện Duy Tiên và Thanh Liêm thuộc trấn Sơn Nam vào năm Minh Mệnh thứ 5-6 (1824-1825). Thành phủ Lý Nhân ở xã Cổ Thọ (sau đổi là Mỹ Thọ, huyện Bình Lục. Thành phủ Lý Nhân dài quanh 266 trượng, 2 thước, 4 tấc, mé ngoài cao 7 thước 2 tấc, trong cao 4 thước, mặt dày 4 thước, chân thành 1 trượng 7 thước”[2]…
Bình Lục có 7 trống đồng: trống Ngọc Lũ (3 chiếc), trống Vũ Bị, trống An Lão, trống An Nội, trống An Tập (đã bị thất lạc), trong đó trống đồng Ngọc Lũ đã trở nên quen thuộc, tự hào với mỗi người dân Việt Nam. Tất cả trống đồng đều thuộc loại Heger I nằm trong văn hóa Đông Sơn. Năm 1903, viên công sứ Phủ Lý đã môi giới, trống Ngọc Lũ I và trống đồng Ngọc Lũ II được nhà Bác Cổ Viễn Đông (Hà Nội) mua. Hiện trống đồng Ngọc Lũ I, trống đồng Ngọc Lũ II đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Các trống còn lại do Bảo tàng Hà Nam lưu giữ. Trống đồng Ngọc Lũ I phiên bản theo tỷ lệ 1/1 đã được Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao tặng Liên hiệp quốc ngày 25/10/1995) và đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia đặc biệt.
Bình Lục chứa trong đó một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc với 376 di tích, trong đó có hơn 30 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Có thể kể đến những di tích tiêu biểu, như: di tích cách mạng đình Triều Hội (xã Bồ Đề), đình chùa Cổ Viễn (xã Hưng Công), từ đường Nguyễn Khuyến (xã Trung Lương), Đình Vị Hạ, Đình Cả, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và động viên cán bộ, nhân dân đắp đập Cát Tường (xã An Mỹ)…
Bình Lục là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có nhiều đóng góp cho tiến trình phát triển lịch sử – văn hóa của tỉnh Hà Nam nói riêng, đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Những yếu tố địa văn hóa của Bình Lục đã góp phần làm nên miền đất chiêm trũng giàu trầm tích văn hóa, danh nhân, trong đó có danh nhân Nguyễn Nguyễn – “Tam nguyên Yên Đổ”.
2.2. Yếu tố quê hương gia đình – Bệ đỡ quan trọng làm nên tên tuổi “Tam nguyên Yên Đổ”
Nguyễn Khuyến (chữ Hán: 阮勸), tên thật là Nguyễn Thắng (阮勝), hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1835 (tức ngày 18 tháng Giêng năm Ất Mùi) tại quê ngoại làng Văn Khê (tức làng Ngòi), xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên (nay là xã yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định)[3]. Quê nội ông là làng Vị Hạ (tên Nôm là làng Và), xã Yên Đổ (nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Nguyễn Khuyến sinh ra trong gia đình nhà Nho có truyền thống hiếu học, khoa bảng đỗ đạt. Tổ tiên của ông là Quang lượng hầu (dưới triều Lê) quê quán tại Nghệ – Tĩnh, sau đưa gia quyến di cư về thôn Vị Hạ (xã Yên Đổ, huyện Bình Lục)[4]. Trong Từ đường Nguyễn Khuyến có đôi câu đối:
Hồng sơn chi ngoại uất giai khi
Vị Thủy chi kim thành đại giang
(Bên ngoài núi Hồng sơn khí tốt ngùn ngụt
Đến nay dòng sông Vị Thủy thành con sông lớn)
Cụ nội là Nguyễn Tông Mại đỗ Tiến sĩ năm 1736. Thân phụ Nguyễn Khuyến là cụ Nguyễn Khả (1796-1853), hay Nguyễn Tông Khởi (thường gọi là Mền Khởi), hoặc còn có tên là Nguyễn Liễn[5] là nhà Nho nghèo, ba khoa đỗ tú tài, làm nghề dạy học. Thân mẫu là cụ Trần Thị Thoan – hậu duệ đời thứ 7 Hoàng Giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) – một quan chức thời Lê. Năm Bính Tuất (1586) đời vua Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Đoan Thái, Trần Hữu Thành đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng Giáp) và làm quan đến chức Đề hình Giám sát ngự sử. Người được bổ nhiệm chức quan giám sát bộ Hình, ngục quan về việc thực thi pháp luật, xét xử phải là người giỏi và thanh liêm… Hiện di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ở đình thôn Đào Lạng (xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) thờ các vị tổ có công khai canh, lấn biển, lập làng, trong đó có Hoàng giáp Trần Hữu Thành. Với những đóng góp như vậy, Hoàng Giáp Trần Hữu Thành được dân suy tôn là “Đông Phương điền chủ Trần tướng công thần vị” [6]. Năm 18 tuổi, Nguyễn Khuyến lấy vợ là người cùng làng. Cha mất, nhà càng nghèo, ông vừa dạy học, vừa tự học và nuôi mẹ. Sau đó Nguyễn Khuyến được ông nghè Vũ Văn Lý (người làng Vĩnh Trụ, huyện Thanh Liêm) nuôi cho ăn học. Con trai cả là Nguyễn Hoan đỗ Phó bảng năm 1889, làm Tri phủ Lý Nhân, Đốc học Hải Dương…
Sinh ở quê ngoại, năm 8 tuổi (1842), Nguyễn Khuyến mới theo gia đình về sống ở quê nội. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Khuyến đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học.
Ham học lo dùi mài kinh sử, nhưng lúc đầu, con đường thi cử của ông khá lận đận. Bắt đầu đi thi Hương với cha từ năm 15 tuổi (Nhâm Tý 1850), nhưng thi hỏng. Đến năm 30 tuổi (năm Giáp Tý 1864), Nguyễn Thắng đỗ đầu thi Hương (Giải nguyên) cùng khóa với hai bạn thân là Dương Khuê (người làng Vân Đình, Hà Nội) và Bùi Văn Quế (người làng Châu Cầu – Hà Nam). Năm sau (1865), ông vào Huế dự thi Hội, nhưng bị trượt thi quyết chí ở lại kinh đô học Trường Quốc Tử Giám và đổi tên thành Nguyễn Khuyến từ đó. Việc đổi tên từ Nguyễn Thắng là muốn bản thân phải tu rèn, nỗ lực nhiều hơn nữa, vì chữ Thắng (勝) có chữ lực nhỏ, chữ Khuyến (勸) có chữ lực lớn hơn.
Miệt mài đèn sách, dùi mài kinh sử, năm 36 tuổi (năm 1871), Nguyễn Khuyến thi Hội lần hai năm Tân Mùi đỗ Hội Nguyên; và thi Đình, đỗ Đình Nguyên (Hoàng giáp). Chính vua Tự Đức đã lấy Nguyễn Khuyến đỗ đầu, ban cờ biển có viết hai chữ “Tam Nguyên” (ba lần đỗ đầu). Từ đó, Nguyễn Khuyến được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.
Con đường làm quan của Nguyễn Khuyến rộng mở từ đó. Năm 1873, ông được bổ làm Đốc học Thanh Hóa; thăng Án sát Thanh Hóa; năm 1877 thăng Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam. Những năm cuối đời vua Tự Đức, ông được cử làm Thương biện Bắc Kỳ trông coi về ngoại giao. Năm 1878, ông bị giáng chức và điều về Huế, giữ một chức quan nhỏ với nhiệm vụ Toản tu Quốc Sử Quán. Năm 1883, ông được cử làm Tổng đốc Sơn Tây, nhưng trên đường đi nhậm chức, chưa đến nơi, ông lấy cớ đau mắt, cáo quan xin về quê…
Những biến đổi trong triều chính đã tác động đến ông. Sau khi Tự Đức mất (7/1883) chỉ trong 3 năm đã có đến 4 đời vua: Vua Hiệp Hòa (4 tháng), vua Kiến Phúc (6 tháng), Vua Hàm Nghi vừa lên ngôi (ngày 1 tháng 8 năm Giáp Thân-1884) đã bỏ kinh thành ra đi để mưu việc kháng Pháp, Vua Đồng Khánh kế Vua Hàm Nghi…
Nhiều sự kiện đất nước tác động đến con người Nguyễn Khuyến. Ông đau xót thấy ngày 25/7/1883, Triều đình Huế ký hòa ước Hácmăng chịu đặt nước Việt Nam dưới quyền bảo hộ của thực dân Pháp. Sau vua Hàm Nghi, các ông vua của ta đều do Pháp can thiệp, lập ra và chịu sự điều hành đó. Chứng kiến cảnh thực dân Pháp lấn át, chiếm quyền hành nhà vua và trong triều, gian thần lộng hành, căm giận, phẫn uất, kiên quyết không chịu cộng tác, Nguyễn Khuyến lấy cớ bị bệnh xin từ quan. Ông khước từ chức quan Tổng đốc Sơn Tây trở về quê hương Yên Đổ vào mùa thu năm 1884 sau hơn 10 năm làm quan.
Nguyễn Khuyến qua đời ngày 5 tháng 2 năm 1909 (vào Rằm tháng Giêng) tại quê nhà Yên Đổ, thọ 75 tuổi. Phần mộ nhà thơ đặt trên núi Phương Nhi, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
2.3. Yếu tố nội lực bản thân giàu nhân cách văn hóa
Nguyễn Khuyến nổi tiếng là một người thông minh, hiếu học. Là con cháu mấy đời nhà Nho được hun đúc, nuôi dạy trong tư tưởng tôn quân. Như bất cứ kẻ sĩ thời bấy giờ muốn giúp đời chỉ có cách làm quan. Mà đã làm quan thì phải học. Vì thế, Nguyễn Khuyến coi trọng việc học hành, rèn nuôi chí lớn, mong đỗ đạt, hiển vinh, làm quan, cống hiến, phục vụ cho đất nước, nhân dân và báo đáp công đức tổ tiên “vinh quy bái tổ”. Làm quan trong hoàn cảnh nhân dân chìm trong màn đêm nô lệ, ông nổi tiếng là ông quan thanh liêm, chính trực.
Trưởng thành vào thời điểm thực dân Pháp đặt ách cai trị, xâm lược Việt Nam, Ở giai đoạn này, Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp. Thực dân Pháp tiến đánh Hà Nội vào năm 1882. Năm 1885, thực dân Pháp tấn công kinh thành Huế. Kinh thành nhà Nguyễn thất thủ, Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân đứng lên đấu tranh. Phong trào Cần Vương dấy lên và được nhân dân khắp nơi tích cực ủng hộ, hưởng ứng, nhưng cuối cùng Phong trào Cần Vương tan rã.
Nuôi dưỡng tâm thế tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ, nhưng nhìn cơ đồ nhà Nguyễn gần như sụp đổ, Nguyễn Khuyến mang nhiều tâm sự đau xót, thương cảm, thấy bất lực với bao khát vọng được bền bỉ nuôi dưỡng bỗng chốc tiêu tan. Dù trong hoàn cảnh nào, ông cũng luôn ý thức gìn giữ phẩm chất trong sạch và luôn thường trực nỗi đau, nỗi hận khi không có cách gì cứu vãn được và càng không thể thực hiện được trong thảm cảnh xót đau này.
Mang nỗi đau của người dân nô lệ, phẫn uất, trước cảnh nhiễu nhương, trớ trêu, xa xót nhìn thảm cảnh nước nhà mà bất lực, Nguyễn Khuyến đã xin cáo quan về quê ở ẩn. Việc chọn con đường ở ẩn với ông không phải là cách tìm giải pháp “an toàn” cho bản thân, tìm chốn dung thân an yên, hay thái độ mặc kệ, phó mặc cho sự đời dâu bể chảy trôi theo cách “sống chết mặc bay”. Điều làm Nguyễn Khuyến quan tâm hơn cả là giữ trọn phẩm chất, khí tiết của người công dân, chọn cách về sống nơi thôn dã, gần với cuộc sống của người dân lao động. Cuộc trở về Yên Đổ là cuộc hành hương “lánh đục về trong” với mong muốn gần dân, hiểu dân để giúp đời. Giúp đời, giúp dân cũng là một phẩm tính của người yêu nước.
Trước quyết định lớn này, lòng Nguyễn Khuyến có lúc trăn trở không yên, day dở, lấn chồng bao suy nghĩ: “Khứ quốc khởi vô bằng bối tại/ Quy gia vị tất tử tôn hiền?” (Bỏ chức há không bạn bè ở lại/ Về nhà vị tất con cháu đã khen thay?). Ông xin về hưu sớm khi các con bắt đầu con đường khoa cử, bước vào môi trường Nho sĩ như cha trước đây. Ông tin mình đã quyết định đúng. Nguyễn Khuyến cảm thông với những người cùng chung suy nghĩ “lánh đục về trong” và coi đó là sự dũng thoái. Bài thơ “Vũ hậu xuân túy cảm thành – Cảm hoài sau bữa chén xuân sau cơn mưa” đã thể hiện điều đó: “Khả hạnh chư quân năng dũng thoái/ Vị ưng nhất chức tẫn phi tài/ Bách niên tứ hà vi giả/ Ngô ấp khâu lăng diệc mỹ tai!” (Dịch nghĩa: Ðáng mừng các bạn mạnh dạn dám lui về/ Ðâu phải là đối với chức vụ mình không làm nổi/ Cuộc đời trăm năm xe ngựa có ra trò gì/ Mà ở quê chúng ta gò núi vẫn tươi đẹp lắm)…
Thấm nhuần tư tưởng tôn quân, nhưng điều quan trọng nhất ông luôn giữ vững bản lĩnh, khí tiết để phân biệt tinh thần trung quân chân chính. Ông thể hiện tinh thần yêu nước, kháng Pháp theo cách riêng của mình. Nguyễn Khuyến nói với con những điều tâm huyết trong “Di chúc” về một ông vua chân chính là phải vì dân, vì nước. Nguyễn Khuyến coi trọng sự học, tự hào “Cưỡi đầu thiên hạ đã ba phen”, coi trọng phẩm hàm, tước vị vua ban. Ông dặn con trong “Di chúc”:
Cờ biển của vua ban ngày trước
Khi đưa thầy con rước đầu tiên
Ông dặn con sau khi cha chết phải ghi được dòng chữ quan trọng này vào bia mộ – nhất định phải tạc chữ: Rằng: Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu
Là người cha yêu con trong hoàn cảnh đất nước nhiều biến động, Nguyễn Khuyến luôn chú ý việc “trị gia” chăm lo cho thế hệ tương lai. Ông có 10 bài thơ chữ Hán mang nội dung dạy con, dặn con, nhớ con, gửi riêng con, nói với con…viết sau khi cáo quan về Yên Đổ quê nhà. Tất cả sự trải nghiệm trên con đường hoan lộ thiêng liêng, không ít chông gai, ông đều muốn trao lại cho con làm kinh nghiệm ứng xử:
Sách vở ích chi cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già
Xuân về ngày loạn càng lơ láo
Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ
(Ngày xuân dặn các con)
Ông khuyên con học thực chất, đầy kiến thức mới giúp được đời và tránh thói học phù phiếm, hình thức:
“Học hải yếu nghi phòng phiếm dật”
(Bể học cần nhất là đừng phù phiếm)
Truyền kinh nghiệm sống cho con:
“Nho gia thận vật yếm cơ hàn”
(Nhà Nho nhất thiết chớ ngại đói rét)
Cha từ quan con lại ra làm quan. Ông mừng và không phản đối, nhưng vẫn không quên dặn dò con phải cảnh giác với danh tiếng:
“Danh cư quá mãn ưu tăng tiết”
(Danh tiếng nếu quá lừng lẫy e lấn át mất khí tiết)
Nguyễn Khuyến mang tâm trạng day dứt của một người ưu thời mẫn thế. Những việc làm, thái độ sống của Nguyễn Khuyến vừa tiêu biểu cho tâm hồn Việt sáng trong và hiện diện một nhân cách cao cả trong thời thời đại nước mất, dân tộc bị chà đạp và nhân dân đói rét, lầm than, khốn cùng.
Nguyễn Khuyến hiện lên trong “Hình ảnh một ông già xuề xòa giữa cộng đồng dân dã ở đây đã lùi lại phía sau, nhường chỗ cho một hình ảnh khác: một trí thức ý thức rõ rệt về bản lĩnh và nhân cách, về trách nhiệm kẻ sĩ trước những xáo động dữ dội của thời cuộc”. Nói như nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh, đây chính là một dạng nhân vật đặc sắc và không kém quan trọng trong thơ Nguyễn Khuyến, có quan hệ mật thiết với con người tác giả, nhưng không hoàn toàn đồng nhất với tác giả… Vẻ đẹp hướng nội làm cho nhân vật ấy sống động lên, như là một người anh em sinh đôi với Nguyễn Khuyến; và cũng chính con người nghệ thuật này đã thống nhất anh đồ nho, ông quan Tam Nguyên và ông già Yên Đổ ẩn cư trong Nguyễn Khuyến lại làm một” (Nhân vật trữ tình trong thơ trữ Hán)[7].
2.4.Tài năng văn chương
Nguyễn Khuyến là nhà thơ lớn của dân tộc. Con người và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Khuyến đã trở thành đề tài cho nhiều nghiên cứu, phê bình văn học quan tâm, tìm hiểu. Tuy vậy, thơ văn Nguyễn Khuyến công bố trên văn đàn khá muộn. Kể từ lần đầu tiên chùm bài “Thơ cu ̣Yên Đổ” xuất hiện trên Nam Phong tạp chí vào năm 1917 đến năm 1941, từ góc độ văn học sử, Dương Quảng Hàm nghiên cứu về Nguyễn Khuyến trong công trình “Việt Nam văn học sử yếu”. Việc sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu thơ văn chữ Hán của Nguyễn Khuyến chính thức được tiến hành bắt đầu từ năm 1957. Nhà nghiên cứu Lê Trí Viễn dành 20 trang trong “Lược thảo lịch sử văn họcViệt Nam” – cuốn sách văn học sử đầu tiên của ngành nghiên cứu văn học về mảng thơ Nôm của Nguyễn Khuyến. Năm 1959 xuất hiện chuyên khảo “Nguyễn Khuyến, nhà thơ Việt Nam kiệt xuất” (Văn Tân). Năm 1960, Lam Giang – Vũ Kỷ thực hiện công trình nghiên cứu thiên nhiên trong thơ Nguyễn Khuyến. “Cũng trong khoảng thời gian này, bộ Hợp tuyển thơ văn yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX ra mắt và Nguyễn Khuyến cũng có một “chỗ ngồi” không đến nỗi quá khiêm tốn trong bộ sách trên”[8]. Năm 1971, cuốn “Thơ văn Nguyễn Khuyến” của Xuân Diệu ra đời định danh Nguyễn Khuyến là nhà thơ của quê hương và dân tình Việt Nam thì việc nhìn nhận, nghiên cứu tác giả cuối cùng của văn học trung đại mới được chú ý và được đề cập nhiều hơn. “Việt Nam văn học giảng bình” của Phạm Văn Diêu (1978) cũng đi theo hướng nghiên cứu đó. Sau 10 năm (1982), Xuân Diệu xuất bản “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam”, trong đó có bài viết đánh giá về nhà thơ Nguyễn Khuyến. Năm 1984, tác giả Nguyễn Văn Huyền đã dày công sưu tầm, biên dịch, giới thiệu công trình “Nguyễn Khuyến tác phẩm”. Đây được coi là một tuyển tập đầy đủ nhất tác phẩm của Nguyễn Khuyến. Năm 1992, Viện Văn học đã thực hiện một công trình “Thi hào Nguyễn Khuyến – Đời và thơ”. Đây được coi là công việc trọng tâm, là một thể nghiệm vận dụng các thao tác mới một cách hệ thống vào việc nghiên cứu một tác giả, nhằm góp phần nhìn nhận lại sự nghiệp thi ca của một trong những thi hào bật nhất trong giai đoạn chuyển tiếp từ trung đại sang cận đại của văn học Việt Nam. Công trình nghiên cứu đã lập “một bảng phả hệ Nguyễn Khuyến, và đi sâu vào quan niệm xuất xứ và tấn bi kịch trong tâm trạng Yên Đổ là hai mặt có liên quan trực tiếp đến âm hưởng thơ ca Nguyễn Khuyến giai đoạn từ sau khi ông trở về…”[9]… Từ đó đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu chung và riêng về thơ văn Nguyễn Khuyến, có thể kể đến: Nguyễn Khuyến về tác gia và tác phẩm; Nguyễn Khuyến tác phẩm…Đặc biệt nhiều cuốn sách về về cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Khuyến trong Tủ sách Văn học nhà trường được xuất bản, như: Nguyễn Khuyến thơ, lời bình và giai thoại; Nguyễn Khuyến tác phẩm và lời bình; Nguyễn Khuyến nhà thơ của làng quê Việt Nam; Phê bình, bình luận văn học Nguyễn Khuyến…
Trong bước chuyển mình quan trọng của văn học Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX Nguyễn Khuyến là một trong số những tài năng hiếm hoi đã chứng tỏ được thiên bẩm nghệ sĩ và bản lĩnh sáng tạo, bất chấp quy luật đào thải phũ phàng của lịch sử. Ông là nhà thơ mà tác phẩm có sự phong phú về cung bậc và giọng điệu, và cũng là người mở đầu cho một trường thơ không còn bị chi phối quá chặt chẽ trong các quan niệm công thức, ước lệ của văn học cổ truyền[10].
Gia tài văn chương của ông có các tập thơ “Quế Sơn Tam nguyên thi tập”, “Yên Đổ Tiến sĩ thi tập”, “Bách Liêu thi văn tập”, “Cẩm Ngữ”…; 67 câu đối, 6 tác phẩm văn, 6 tác phẩm thơ dịch, văn tế, hát ả đào… Tập “Quế Sơn thi tập” có khoảng 200 bài thơ chữ Hán và 100 bài thơ chữ Nôm. Theo khảo sát của tác giả Biện Minh Điền, Nguyễn Khuyến có 374 bài thơ, trong đó có 107 bài thơ chữ Nôm, 267 bài thơ chữ Hán.
Qua tác phẩm thơ chữ Hán và chữ Nôm của Nguyễn Khuyến, điều dễ nhận thấy ông là một nghệ sĩ đa tài; đa dạng bút pháp thể hiện, kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa chất trào phúng và trữ tình “nhuộm đậm tư tưởng Lão Trang và triết lý Đông Phương”. Nguyễn Khuyến làm đủ các thể loại thơ Đường luật, hát nói, câu đối, văn tế, thích tự vịnh, tự trào… Thơ ông bình dị mà điêu luyện; mộc mạc mà thâm trầm; chân thực mà sâu sắc, hóm hỉnh.
Trong bài “Đọc thơ Nguyễn Khuyến”, thi sĩ Xuân Diệu viết: “Hai trục cảm xúc rất rõ trong thơ Nguyễn Khuyến là quê hương làng nước và đồng bào nhân dân, không phải nhà thơ nào cũng có hai trụ cột như thế”.
2.4.1.Nhà thơ của làng cảnh Việt Nam
Thiên nhiên chiếm một vị trí quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khuyến. Theo thống kê sơ bộ, thơ thiên nhiên, cảnh sắc trong thơ ông chiếm một tỷ lệ đáng kể (chiếm 1/3 trong gần 400 bài thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm) của ông.
Thiên nhiên vốn là một đề tài quen thuộc trong thơ ca trung đại. Không là ngoại lệ, nhưng Nguyễn Khuyến thiên nhiên trong thơ ông mang màu sắc riêng, độc đáo thể hiện được cái tình, cảm xúc, nỗi niềm của thi nhân. Chính vì thế, mảng thơ thiên nhiên của Nguyễn Khuyến đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu. Năm 1960, “Giảng luận về Nguyễn Khuyến” (Lam Giang – Vũ Kỷ) là công trình hướng đến nghiên cứu thiên nhiên trong thơ Nguyễn Khuyến. Tác giả nhận xét: “thơ Nguyễn Khuyến mang bốn đặc tính giản dị, dễ hiểu, có tính dân tộc thuần túy, hướng về thiên nhiên…”. Năm 1978, trong công trình “Việt Nam văn học giảng bình”, nhà nghiên cứu Phạm Văn Diêu đã tái hiện thiên nhiên trong khung cảnh trầm lặng tiêu điều. Trong công trình “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” (Tập 1, 1982), nhà thơ Xuân Diệu có bài viết “Đọc thơ Nguyễn Khuyến” đã nghiên cứu một cách sâu sắc thơ Nguyễn Khuyến với lời nhận xét tinh tế, đặc sắc: “Nguyễn Khuyến là nhà thơ của dân tình làng cảnh Việt Nam”. Gần với kiến giải trên, trong Thơ văn Nguyễn Khuyến -Trần Tế Xương, nhà nghiên cứu Lê Trí Viễn viết: “Gắn bó tha thiết với ngôi nhà tranh, với mảnh vườn con đó là tấm lòng của Nguyễn Khuyến gần với nông dân không phải bằng lí luận mà bằng tình cảm, bằng máu thịt của mình …”. Có thể nói “Những biến động trong nguyên tắc sáng tác và quan điểm thẩm mỹ đã giúp Nguyễn Khuyến tạo nên một mảng thơ “dân tình làng cảnh” có một không hai trong thơ tiếng Việt; Sự đa dạng trong bút pháp của nhà thơ biểu hiện khả năng chiếm lĩnh cùng một lúc rất nhiều từ loại, dưới nhiều phương thức tư duy nghệ thuật khác nhau, qua nghệ thuật ngôn từ điêu luyện và sở trường sáng tác liên văn bản Việt – Hán hoặc Hán – Việt vốn đã trở thành một đặc điểm riêng có ở thơ ông”[11].
Nhà thơ Xuân Diệu đã đánh giá Nguyễn Khuyến là “Nhà thơ dân tình, làng cảnh Việt Nam”. Đúng vậy, nhà thơ Xuân Diệu đã có nhận xét xác đáng. Ngoài hơn 10 năm làm quan (1873-1884) “xê dịch” khỏi môi trường nông thôn, còn lại phần lớn thời gian Nguyễn Khuyến sống trọn vẹn ở quê nhà – vùng chiêm chũng Bình Lục. Môi trường sống dung dưỡng, ảnh hưởng đến ông sâu sắc đến mức một cách tự nhiên thơ Nguyễn Khuyến không “thoát khỏi vòng cương tỏa” của môi trường sinh thái đó. Thế nên, sẽ không lạ khi nổi bật trong thơ Nguyễn Khuyến là bức tranh thiên nhiên nông thôn đậm màu sắc Bắc Bộ. Chùm thơ tiêu biểu “Thu vịnh” , “Thu điếu” và “Thu ẩm” đã minh chứng cho bút pháp tài hoa, uyên bác làm nên bức tranh quê hồn hậu, trong sáng.
Có mặt trong chùm thơ thu nổi tiếng, “Thu vịnh” là một trong những bài thơ đặc sắc của Nguyễn Khuyến. Cảnh mùa thu đẹp đến từng đường nét, chi tiết, sắc màu và ẩn chứa trong đó tâm trạng thi nhân ăm ắp nỗi niềm:
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
(Thu vịnh)
Bài thơ “Thu điếu” đặc sắc cảnh mùa thu quê hương nổi bật với ngôn ngữ tinh tế, hình tượng thơ giàu tính biểu cảm, hình ảnh thơ đặc trưng với: ao thu, bầu trời, xanh ngắt, sóng biếc, ngõ trúc, thuyền câu…Tác giả kết hợp hình ảnh với các từ láy: tẻo teo, quanh co, lơ lửng làm bức tranh thiên nhiên hiện lên trong sáng và con người chan chứa tình yêu tha thiết với thiên nhiên, cuộc sống, quê hương:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
(Thu điếu)
Ngòi bút Nguyễn Khuyến thăng hoa cảm xúc tinh diệu trong bài thơ “Thu ẩm” độc đáo với cách sáng tạo chùm từ láy gợi hình, gợi thanh: le te, lập lòe, phất phơ, lóng lánh; cùng hình ảnh chân thực, thanh bình, yên ả nơi chốn quê: nhà cỏ, ngõ tối, đóm, lưng giậu, làn ao, trăng, da trời, xanh ngắt, khói nhạt. Mùa thu hiện lên qua tâm hồn thi nhân tinh tế, đắm say, huyền ảo cảm giác tỉnh say:
Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy.
Độ năm ba chén đã say nhè.
(Thu ẩm)
Ngoài mùa thu, Nguyễn Khuyến còn có những bài thơ tả cảnh xuân, cảnh Tết: “Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng/ Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt’ (Cảnh Tết).
Yêu thiên nhiên, sống chan hòa với thiên nhiên nên Những bài tả cảnh núi (Vịnh núi An lão), cảnh chùa (Về chơi chùa Ðọi) đều trở thành những danh lam thắng cảnh của đất nước.
2.4.2.Nhà thơ yêu thương con người
Trở về gắn bó với “Vườn Bùi, chốn cũ”, ngoài tình yêu cảnh sắc thôn quê, Nguyễn Khuyến còn thể hiện tấm lòng chân thành, nống ấm yêu thương con người. Cuộc sống bình dị nơi thôn dã đã thấm vào từng câu chữ trong bài “Chợ Đồng” – chợ Và ở làng Vị Hạ quê hương nhà thơ:
Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng,
Năm nay chợ họp có đông không?
Dở trời, mưa bụi còn hơi rét.
Nếm rượu tường đền được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác,
Nợ nần năm hết hỏi lung tung.
Dăm ba ngày nữa tin xuân tới,
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.
Bài thơ “Làm ruộng” (hay Chốn quê) là tấm lòng yêu thương của nhà thơ với cư dân vùng chiêm trũng:
Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua,
Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa.
Phần thuế quan Tây, phần trả nợ,
Nửa công đứa ở, nửa thuê bò.
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,
Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.
Cần kiệm thế mà không khá nhỉ,
Bao giờ cho biết khỏi đường lo?
Năm 18 tuổi, Nguyễn Khuyến lấy vợ họ Nguyễn cùng làng. Người vợ tào khang đã đứng sau, làm hậu thuẫn cho mọi sự thành đạt của chồng. Có bốn người vợ, nhưng ông không phải là người “Mặn tình cát lũy nhạt tình tao khang” (Truyện Kiều). Nghĩa tình, biết ơn người phụ nữ đã đi bên cuộc đời mình”, Nguyễn Khuyến đã để lại ba bài thơ khóc vợ: “Điếu nội”, “Khóc vợ chôn nơi đất khách”, “Vãn thiếp Phạm Thị”. Đặc biệt, Nguyễn Khuyến có đôi câu đối khóc vợ yêu thương, biết ơn, chân thành, xúc động:
– Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân nam chân chiêu vì tớ đỡ đần trong mọi việc
– Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất va vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể truyện trăm năm.
Thơ ông tha thiết tình bạn hữu. Năm 1902, Dương Khuê (1839-1902) một vị đại quan của triều Nguyễn, cũng là bạn đồng khoa, tri âm, tri kỷ qua đời, Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ chữ Hán “Vãn đồng niên Vân Đình Tiến sĩ Dương thượng thư” (sau đó tác giả dịch ra Khóc Dương Khuê). Bài thơ làm theo thể song thất lục bát gồm 38 câu thể hiện niềm tiếc thương sâu sắc của nhà thơ khi người bạn tri kỉ của mình qua đời. Bài thơ khóc bạn chân thành nhất, cảm động nhất về một tình bạn đẹp thắm thiết, thủy chung:
Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau
… Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa
Giường kia treo những hững hờ
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương
Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan
Nguyễn Khuyến (1835) và Tú Xương (1870) là hai nhà thơ xuất sắc, hai tài năng kiệt xuất của nền văn học Việt Nam. Chênh nhau tuổi tác đến hai thế hệ, nhưng họ mến nhau vì nghĩa, quý nhau vì tài. Khi người bạn thơ Tú Xương ít hơn 35 tuổi vất vả, lận đận đường thi cử “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy” (Buồn thi hỏng-Trần Tế Xương), lại rời cõi tạm trước (1907), nhà thơ Nguyễn Khuyến viếng bạn bằng đôi câu thơ chan chứa cảm xúc:
Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn
Hai câu thơ này của ông đã được tạc bia ở khu mộ nhà thơ Trần Tế Xương ở công viên Vị Xuyên (TP Nam Định).
Ngày ở Huế chuẩn bị thi Hội, nghe tin thầy Trần Duy Vĩ (1791-1866) – Tri phủ Hoài Đức, người thôn Gia Hội (xã Vụ Bản), là thầy dạy của mình qua đời, Nguyễn Khuyến đã viết bài viếng “Tam nguyên Yên Đổ kính thầy:
Tiên sinh là người: Kính lễ thịnh đức
Thành thực với mình, soi sáng với đời
Một hiền sư tài giỏi, một hưu quan tiếng tăm
Về mở trường dạy học, hàng nghìn và hàng trăm
Lớn nhỏ đều đỗ đạt, sau trước rừng nho lâm
Tiên sinh nay qua đời, việc lớn ai truyền nối
Ngày qua năm tháng qua, sự nghiệp còn nóng hổi
Vẫn truyền nhớ người xưa, trông sao lòng khắc khoải
Những mùa xuân sớm mai, nhắc ta thương nhớ mãi.[12]
3.3. Nhà thơ trào phúng sâu sắc và thâm thúy
Từ góc độ văn học sử, người khởi phát nghiên cứu về Nguyễn Khuyến là
Dương Quảng Hàm qua công trình Việt Nam văn học sử yếu (năm 1941). Ông đã xếp Nguyễn Khuyến vào khuynh hướng trào phúng. Đúng vậy, Nguyễn Khuyến còn là một nhà thơ trào phúng sâu sắc và thâm thúy. Cách châm biếm, chỉ trích tất cả thói đời, con người xấu xa bằng một cách nhẹ nhàng kín đáo.
Chất thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến đa dạng. Ông dùng thơ văn chuyển tải những thói xấu xa, tàn độc của kẻ xâm lược và cả lũ tay sai bán nước. Ông huy động tất cả các thủ pháp nghệ thuật độc đáo như: chơi chữ, nói lái, dùng từ đa nghĩa, dùng âm của chữ Hán chuyển sang từ Việt… để vỗ thẳng vào mặt không kiêng dè.
Bồ chứa miệng dân chừng bật cạp,
Tiên là ý chú muốn vòi xu
Từ vàng sao chẳng luôn từ bạc
Không khéo mà roi nó phết cho
(Bồ tiên thi)
Với ngòi bút châm biếm thâm thuý và sâu cay, ông đã luồn thấm những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống đương thời. Thơ ông trực diện đả kích sự xâm lược của thực dân Pháp để lại những thảm cảnh đau xót trong các bài thơ “Hội Tây”, “Hoài cổ”…Đặc biệt bài “Văn tế Ngạc Nhi” (Francis Garnier) gắn với câu chuyện Francis Garnier bị quân Cờ Đen phục kích giết ở Cầu Giấy năm 1873. Triều đình nghị hoà với Pháp. Muốn tạo một hoàn cảnh thuận tiện cho việc giải hoà, lễ truy điệu viên sĩ quan Pháp tử trận được tổ chức. Được Tổng đốc Hà Nội là Trần Đình Túc mời Nguyễn Khuyến đã làm bài văn tế này. Bài văn tế được thể hiện bằng bút pháp hiện thực trào phúng đặc sắc chỉ được phổ biến bằng truyền miệng. Các bài thơ như “Ông phỗng đá”, “Lời vợ người hát chèo”, “Hỏi thăm quan tuần bị mất cướp”, “Bồ tiên thi”, “Tặng ông Ðốc học Hà Nam”… là những bài thơ vạch mặt chỉ tên những tên quan bất tài, hống hách bằng thái độ châm biếm tố cáo sâu sắc.
Với những loại vua bù nhìn bất tài, vô dụng, ông thể hiện thái độ bất hợp tác, coi thường “Vua chèo còn chẳng ra gì/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”, hay dấn chìm không thương tiếc “Sông Hương nước chảy lờ đờ/ Dưới sông có đĩ, trên bờ có vua”.
Bài thơ “Muốn lấy chồng” được Nguyễn Khuyến gửi gắm thông điệp sâu sắc, độc đáo, vừa mang tính hiện thực, vừa hàm ẩn ý nghĩa chính trị sâu xa. Tác giả làm bài thơ khi vua Hàm Nghi xuất bôn, các quan lại ngơ ngác như “gái không chồng”. Để tránh tai mắt của bọn xâm lược, tay sai, tác giả truyền miệng nhau một đầu đề thơ hạn vần “không chồng trông bông lông”:
Bực gì bằng gái trực phòng không?
Tơ tưởng vì chung một tấm chồng.
Trên gác rồng mây ngao ngán đợi,
Bên trời cá nước ngẩn ngơ trông.
Mua vui, lắm lúc cười cười gượng,
Giả dại, nhiều khi nói nói bông.
Mới biết có chồng như có cánh,
Giang sơn gánh vác nhẹ bằng lông
Chế độ khoa cử đi vào con đường suy đồi, mạt vận cuối mùa, nhưng dưới sự giật dây của thực dân Pháp, nhà Nguyễn vẫn cố duy trì ba kỳ thi Hương, Hội và Ðình, nên đã sinh ra những ông Nghè, ông Cống hữu danh vô thực làm tay sai phục vụ cho bộ máy bù nhìn qua bài “Vịnh tiến sĩ giấy”:
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông Nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời
Ghế tréo lộng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi
Quan lớn “sĩ diện vờ đạo đức với vỏ ngoài phong kiến nghiêm ngặt”[13] với “Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe” được ông hạ thổ “Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi”. Lũ quan nhỏ cũng ti tiện như thế “Vì phỏng vận nước cũng tai ách như vận nhà/ Thì những hạng “ông lớn” đều đáng gọi là “ông lợn cả!”.
Thơ của Nguyễn Khuyến bộc lộ bao thế sự cuộc đời nhiễu nhương trong cảm xúc của lương tâm, ý thức trách nhiệm trước thời cuộc nên thấm đậm đượm nước mắt. Nhìn sâu vào con người, ông viết bài thơ “Tự trào” cũng là để nói, dặn lòng mình:
Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang,
Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng.
Cờ đương dở cuộc không còn nước,
Bạc chửa thầu canh đã chạy làng.
Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm mồi chén mãi tít cung thang.
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhị
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng!
Mảng thơ tự trào trong thơ Nguyễn Khuyến độc đáo, mang sắc thái riêng. Ông đã tự trào mình khá chua cay “vạch đúng chân tướng con người bế tắc, thoái chí của mình[14]: “Cờ đang dở cuộc không còn nước/ Bạc chửa thâu canh đã chạy làng” (Tự trào).
Sống trong cảnh nghèo, ông vẫn có cách thể hiện sự đùa vui dí dỏm:
Đã bấy lâu nay bác tới nhà.
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta
(Bạn đến chơi nhà)
Trong bài thơ chữ Hán “Nhân tặng nhục” (Có người cho thịt), Nguyễn Khuyến cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết nỗi nhục của người dân mất nước:
Trong đám tế mộ ai nấy đều no nê,
Có người khi về, mang thịt tặng ta.
Tặng ta không phải vì sợ ta,
Mà là thương ta đói bụng.
Ta ngậm ngùi, nói được vài lời,
Cầm lấy miếng thịt, che mặt mà khóc.
Gặp lúc loạn ly như thế này,
Lại thêm sự đói kém bức bách.
Ý người rất ân cần,
Lòng ta không phải là không muốn.
Công Tây mặc áo cừu nhẹ,
Cũng còn phải xin từng hũ, từng chõ thóc.
Phạm Lãi rong thuyền chơi,
Cũng còn nuôi từng đàn trâu dê.
Bành Trạch khi từ quan về,
Cũng còn trồng ba luống cúc.
Lạc Thiên khi bị trích đi nơi xa,
Cũng phải làm ba gian nhà.
Than ôi! Ta đau ốm, nghèo túng,
Gặp lúc phong trần lại càng ươn hèn hơn ai!
Tuổi già không làm được việc gì,
Lấy gì mà chi dùng khi không có bổng lộc?
Không ăn thì người bị đói,
Ăn vào thì người bị nhục!
Không ăn thì người bị gầy,
Ăn vào thì ra con người tục!
Cảm lòng người, ta không được như Vương Tôn,
Biết ta, đời còn có Bão Thúc.
Ta nhận đây, tưởng cũng chẳng hại gì,
Lại không phải đi kêu nài cửa khác.
Chuyện trò chốc lát, hai bên cùng chợt quên đi,
Gió mát làm rung động cây trúc đứng một mình.[15]
Nói như nhà thơ Xuân Diệu “Một miếng thịt biếu cũng gây sóng trong lòng nhà thơ…Bao trùm toàn bài thơ là mối cảm động của ta thấy cụ Nguyễn Khuyến rất thành thật, cụ không tự vẽ mình như một người mẫu mực mà như một người cố gắng giữ phẩm chất của mình”[16].
Nhà nghiên cứu Vũ Thanh cho rằng “Ở cả hai mảng chân dung, cũng chỉ là một Nguyễn Khuyến. Nhưng nếu ở chân dung tự trào bằng chữ Hán tâm hồn tác giả cao quý quá, sâu xa quá thì ở chân dung tự trào bằng chữ Nôm tác giả như cố tình bôi xấu đi, đánh lạc hướng đi, che dấu đi “một tấm lòng son vẫn có thừa”… Hai bức chân dung tự họa ấy vừa là sự bổ sung mật thiết vừa đối lập nhau một cách gay gắt” (Tâm trạng Nguyễn Khuyến qua thơ tự trào).
Hoài cổ là tâm trạng thường thấy của thi nhân. Với Nguyễn Khuyến, tâm trạng hoài cổ chứa đựng trong đó tấm lòng sắt son, tha thiết với nền văn hóa dân tộc đậm đà, giàu bản sắc. Thương nhớ ngày xưa thời đất nước thanh bình là thái độ phủ định thực tại trước cảnh nước mất nhà tan, khi kẻ xâm lược tấn công ồ ạt, mạnh mẽ lối sống phương Tây, làm băng hoại những giá trị truyền thống đích thực. Bài thơ là tiếng lòng của thi nhân đau đớn, xa xót, phẫn uất trước nghịch cảnh của nước nhà:
Nghĩ chuyện đời xưa cũng nực cười,
Sự đời đến thế, thế thời thôi!
Rừng xanh núi đỏ hơn ngàn dặm,
Nước độc ma thiêng mấy vạn người.
Khoét rỗng ruột gan trời đất cả,
Phá tung phên giậu hạ di rồi.
Thôi thôi đến thế thời thôi nhỉ,
Mấy trắng về đâu nước chảy xuôi.
Thơ ông thấm đượm nhiều nỗi buồn thường trực: “Xuân về ngày loạn còn lơ láo/ Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ”; “Năm mới vừa đến, năm cũ qua/ Mọi người vui vẻ sao ta buồn/ Thương mình gân cốt đã mòn hao/ Nào hay ngày tháng cứ lao đi/ Không lịch biết đâu là Giáp Tý/ Thù còn đâu dám đọc Xuân Thu…” (Cảm nghĩ đầu xuân)…
Tách mình ra khỏi chốn quan trường, đôi khi Nguyễn Khuyến giả điếc, giả câm, giả mù…và giả say “Ba phần tóc bạc càng thêm tủi/ Một tấm lòng son vẫn có thừa/ Chớ trách bên song say khướt mãi/ Không say thì tỉnh với ai kia?”.
Nhà thơ mượn thơ để tỏ chí, tỏ khí chất cao quý, tỏ bản lĩnh giữ phẩm chất thanh sạch, sáng trong của mình “Nếu trơ như đá thì đâu khổ/ Còn chút lương tâm mới khó nguôi”, “Nghĩ đến bút nghiên tràn nước mắt/ Ngước nhìn sông núi xiết buồn đau!/ Anh về nhắn với người quen biết:/ Huyền Án tiên sinh đã bạc đầu”…
Trên hết, Nguyễn Khuyến luôn thể hiện sự quan tâm, lo lắng cho đất nước. Dẫu biết không làm được gì để thay đổi thế sự, nhưng ông bộc lộ lòng yêu nước, thương dân theo cách riêng của mình “Cố quốc sơn hà chân thảm đạm” (Hung niên); “Nhất độ giang sơn nhất bạc đầu” (Thu tứ)…Bài thơ “Cảm tác” đậm nỗi buồn thương khi nói về đất nước: “Ðời loạn người về như hạt độc/ Tuổi già hình bóng tựa mây côi”. Trong bài thơ “Ngày xuân dặn các con” là nỗi niềm đó “Sách vở ích gì cho buổi ấy/ Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già”. Qua bài “Cuốc kêu cảm hứng”, Nguyễn Khuyến đã bày tỏ lòng yêu nước khôn nguôi:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
Sự nghiệp thơ văn Nguyễn Khuyến đã khép lại thế kỷ XIX, khép lại cả một thời kỳ văn học Hán – Nôm, là tập đại thành những thành tựu thơ ca Hán – Nôm. Từ đây mở ra thời kỳ mới cho văn học nước nhà.[17]
IV.Tri ân
Cách tri ân, tưởng niệm các danh nhân được thể hiện bằng nhiều cách như: Đặt tên phố, làm tượng, công viên danh nhân, bảo tàng danh nhân…Tên Nguyễn Khuyến được đặt tên cho nhiều đường phố ở Hà Nội và các địa phương.
Từ đường Nguyễn Khuyến đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Đây là một phần trong khuôn viên khu nhà cũ nhà thơ Nguyễn Khuyến đã sống thuộc làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Cổng vào Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến rêu phong, cổ kính, ở trên có ba chữ nho “Môn Tử Môn” có nghĩa là cửa ra vào của học trò. Đây là một lời răn dạy nghiêm khắc về đạo làm trò. Trước khi vào nhà thầy cho dù là quan lớn hay thứ dân đều phải đúng lễ nghĩa, xuống ngựa, xuống xe đi bộ vào viếng thầy.
Đi qua cổng “Môn Tử Môn” là một không gia tĩnh mịch, yên bình. Hậu cung khu Từ đường hiện vẫn còn lưu bộ triều phục của quan ngự sử Nguyễn Khuyến. Có bức tượng tạc hình nhà thơ chống gậy trúc, khoan thai nhìn trời xanh. Không gian khoáng đạt “vườn cây, ao cá” tại Từ đường luôn tạo cảm giác gần gũi chốn thôn quê. Bên cạnh ao là nơi đặt bia đá khắc bài thơ “Thu Điếu” bằng ba thứ tiếng: chữ Nôm, chữ quốc ngữ và tiếng Anh.
Trong Từ đường Nguyễn Khuyến có nhiều câu đối.
Câu đối của vua Tự Đức:
Thịnh đức mậu công truyền chi bách thế
Thần trung tử hiếu duy thử nhất tâm
(Đức dày công lớn truyền muôn thuở
Con hiếu tôi trung trọn một lòng?
Câu đối của Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền:
Đế giản Tam nguyên hoa quốc sử
Thiên đài nhất lão trọng tôn bang
(Vua kén Tam nguyên vẻ vang sử sách
Trời dành một lão rạng rỡ non sông)
Tác giả Dương Đình Khoa (1917-1992) quê Quốc Oai (Hà Nội) – hội viên Hội VHNT tỉnh Hà Nam Ninh đã dựng tác phẩm tượng nhà thơ Nguyễn Khuyến. Tác phẩm tượng chất liệu tượng bằng thạch cao, mặc áo lương, khăn xếp, tay chống gậy trúc, đặt tại Từ đường. Phiên bản pho tượng được đặt tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (Hà Nội) và trụ sở Hội VHNT tỉnh Hà Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh Nguyễn Khuyến, ngày 15/02/1985, Viện Văn học phối hợp cùng Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nam Ninh và Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh (nay là Nam Hà) tổ chức Hội nghị khoa học về nhà thơ. Lần đầu tiên, với tư cách một thi hào, Nguyễn Khuyến đã được đề cập đến một cách tập trung và toàn diện.
Nhà thơ Nguyễn Khuyến hội đủ các tiêu chí nổi bật của danh nhân ở tài năng, đạo đức, trí tuệ, đỗ đạt…và đặc biệt tài năng thơ phú đã nhận được bao sự mến mộ, tri ân của nhân dân. Tác phẩm thơ của ông còn mãi trong tâm thế của dân tộc. Nói như nhà văn Nga Xantưkốp Sêđrin “Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”.
Tên tuổi và tác phẩm nghệ thuật của “Tam nguyên Yên Đổ” luôn bất tử cùng thời gian là vậy.