TÀI VIỆT HÓA THƠ ĐƯỜNG CỦA TÚ XƯƠNG, Bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thiện
Cụ Tú Xương
TÀI VIỆT HÓA THƠ ĐƯỜNG CỦA TÚ XƯƠNG
Tú Xương (1870 – 1907) là một nhà văn hóa sáng tác nhiều thể loại: thơ, phú, câu đối, hát nói nhưng từ lâu vẫn được ghi nhận là nhà thơ kỳ tài, Ông có nhiều công lao đóng góp vào sự phát triển của nền thơ ca dân tộc. Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của ông, xin được trao đổi: một phương diện thành công nổi bật của Tú Xương là sự tiếp thu, cách tân sáng tạo và tài Việt hóa thơ Đường rất tài tình.
Thơ Đường ra đời ở thời hoàng kim của chế độ phong kiến, phát triển mạnh mẽ cả về số và chất lượng. Đó là “vườn hoa rộng lớn và ngạt ngào hương sắc” với gần năm vạn bài thơ của ba nghìn tác giả…Bởi sự hàm súc, tính mẫu mực và những qui định chặt chẽ về niêm luật, thơ Đường được coi là là đỉnh cao rực rỡ nhất của nền thơ ca Trung Quốc nói riêng, nhân loại nói chung. Thể thơ khuôn vàng thước ngọc này nổi tiếng trên toàn thế giới và ảnh hưởng rất lớn ở Việt Nam. Thơ Nôm Đường luật thời trung đại của nước ta ra đời và phát triển trên tinh thần tiếp thu những ưu việt của thành tựu thơ Đường. Thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến… Đặc biệt thơ Tú Xương đã có sự kế thừa, cách tân và Việt hóa thơ Đường ở nhiều phương diện.
Ngôi nhà của cụ Tú Xương ở Thành Nam Định
Việt hóa thơ Đường là quá trình tiếp thu những vẻ đẹp, những điều hay của thơ Đường luật Trung Quốc, có sự chuyển hóa, đổi mới sáng tạo để thơ ấy phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ và tâm hồn người Việt Nam. Điều ấy thể hiện trong cả nội dung và nghệ thuật thơ. Các nhà thơ đời thời trung đại ở Trung Quốc sáng tác với mục đích thưởng thức, ngâm vịnh thù tạc khá phổ biến. Đối tượng hướng tới là các nho sỹ, quan lại, tầng lớp trí thức phong kiến là chủ yếu. Tú Xương trái lại, ông sáng tác thơ nhằm mục đích bộc bạch, thổ lộ nỗi niềm với nhiều bức xúc trong tâm can trước hiện thực. Thơ ông nói lên nỗi phẫn uất của một bậc “tài cao, phận thấp” (Tản Đà) cùng bao nhiêu điều chướng tai, gai mắt trong xã hội dở Tây, dở ta đương thời. Người đọc nhà thơ hướng tới ở đây là lớp nho sỹ nghèo và bình dân. Trong bài “Thời và thơ Tú Xương”, nhà văn hóa lớn Nguyễn Tuân cho rằng: “Thơ Tú Xương từ cõi tâm của ông tỏa ra hai nhánh: trào phúng và trữ tình”. Trong đó, trào phúng là thân cành, trữ tình là gốc rễ. Đọc thơ Tú Xương, người ta không thể không nghĩ tới ngòi bút châm biếm “quyết liệt, dữ dội như những làn roi vun vút quất thẳng vào mặt kẻ thù của ông” là bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Ở bài “Ông Cò”, Tú Xương đã tái hiện bức chân dung biếm họa sống động, lột tả được tư cách thấp kém của một “cảnh sát” đương thời: “Hà Nam, danh giá nhất ông cò / Trông thấy ai ai chẳng dám ho… Ngớ ngẩn đi xia, may vớ được / Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to”. Cái “danh giá nhất” hàng tỉnh của viên “cảnh sát khu vực” ở hai câu đề đã bị bóc mẽ qua phần thơ luận và kết của bài thật thú vị. Tiếng cười bất ngờ do vậy, được bật ra hết sức sảng khoái. Người đọc thấy rõ thái độ khinh ghét tột cùng của tác giả trước bản chất xấu xa đê hèn của một kẻ đại diện cho “phương diện quốc gia”.
1. Dân chủ hóa đề tài cũng như nội dung của thơ là điều dễ thấy trong thơ Tú Xương. Hầu hết các nhà thơ đời Đường đều viết về những đề tài thanh cao nhằm ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên và phẩm cách của người quân tử. Còn Tú Xương lại làm thơ về những điều rất đỗi bình dị mắt thấy tai nghe trong cuộc sống thường nhật. Các bài thơ sau chỉ tên bài thôi đã thấy rõ điều ấy: “Phố Hàng Song” , “Cô hầu trách quan lớn”, “Cô Tây đi tu” “Gái góa nhà giàu”, “Ông Cử Nhu, “Giời nực mặc áo bông”, “Thi hỏng”, “Sư ở tù”…Rõ ràng thơ Tú Xương không phải là kiểu ngâm vịnh nhàn tản mà là thơ nhìn thẳng và nói thật. Tác giả hiếm khi viết về thiên nhiên, chủ yếu viết về hiện thực nhằm phơi bày thật cụ thể bản chất của xã hội ông đang sống.
2.Trong thơ Tú Xương, hình tượng nghệ thuật trong thơ hầu như không cần gọt giũa mà cứ sần sùi thô ráp thật hạt, có sức biểu đạt sâu sắc. Mỗi sáng của ông là một bức tranh sinh động và sâu sắc về xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX đang hỗn loạn, coi thường hết thảy, chỉ biết đề cao giá trị của đồng tiền. Khoa cử ngày xưa vốn tôn nghiêm, giờ lẫn lộn vàng thau cả. Không những thế, đến cả dòng chảy văn hóa hàng nghìn đời cũng bị suy thoái nghiêm trọng. Xu hướng sính Tây đang hình thành. Khắp nơi nhan nhản những kẻ hãnh tiến học Tây, làm việc cho Tây, lấy chồng Tây “bám gót giày Tây béo mượt đầu” (Thơ Tố Hữu”). Bài thơ Đất Vị hoàng là một minh chứng rõ nét: “Có đất nào như đất ấy không / Phố phường tiếp giáp với bờ sông / Nhà kia lỗi phép con khinh bố / Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng”. Ngay câu phá đề , tác giả đặt ra câu hỏi hàm chứa thái độ ngạc nhiên về một vùng đất. Hỏi mà lại mang ý nghĩa phủ định. Vùng đất ấy đâu còn nữa đạo nghĩa quân thần, phụ tử, phu phụ hằng tôn thờ? Đâu còn nữa cái gọi là mối quan hệ cương thường, rường cột để duy trì trật tự cho xã hội ? Điều ấy khiến tác giả không giấu nổi thái độ lo lắng và nỗi niềm xót đau khôn tả. 3.Đọc thơ Tú Xương, người ta được đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi ông đưa cả tiếng chửi, tiếng lóng, cả khẩu ngữ vào thơ. Ở ngoài đời, nghe thấy tiếng chửi, mọi người dễ có thái độ khó chịu, bực mình. Trái lại, Tú Xương lại có biệt tài đưa nhiều câu chửi, tiếng chửi thậm chí cả tiếng lóng, cả nói lái , cả tiếng Tây bồi vào thơ, mà lại là thơ hay độc đáo. Với vốn sống phong phú nhờ sống gần gũi với nhiều tầng lớp nhân dân, Tú Xương có nhiều loại tiếng chửi hướng tới mọi đối tượng mà ông cũng như những người dân lao động khinh ghét. Ông chửi những kẻ quan lại, mang trọng trách là chủ khảo trường thi, danh là đốc học nhưng y đã lợi dụng thi cử nhốn nháo để kiếm tiền. Chẳng hạn bài “Chế Ông Huyện Đ(1) Tú Xương viết: “Thánh cắt ông vào chủ việc thi (2) / Đêm ngày coi sóc chốn trường qui / Chẳng hay gian dối vì đâu vậy ? Bá ngọ thằng ông biết chữ gì !”(3){Chú thích: (1) Ông huyện Đ. được cử làm chủ một kì thi của hội thánh thành Nam. (2) Việc cử ông chủ thi thông qua cuộc lễ thánh (xin quẻ) (3) Bá Ngọ : tiếng chửi của nhà sư)}. |
|||||||||
Hay khi “Chế ông Đốc học (Nam Định) Tú Xương viết: “Ông về đốc học đã bao lâu,/ Cờ bạc rong chơi rặt một màu !/ Học trò chúng nó tội gì thế / Để đến cho ông vớ được đầu ?” Điều đáng nói ở đây: câu thơ thứ ba (câu chuyển) của bài tứ tuyệt này, Tú Xương đã phá luật về thanh điệu nhờ việc sử dụng 6 /7chữ là thanh Trắc. Nhờ đó, câu thơ gây sự chú ý đặc biệt cho người đọc. Hoặc đến với bài ngũ ngôn tứ tuyệt khác “Than sự thi”,Tú Xương phơi bày một sự thật: ấm Kỷ và con của đô lại Mỹ, đều là mấy kẻ dốt nát, chỉ vì bọn chúng đút lót tiền cho quan thầy mà đều được đỗ. Lời thơ ở đây đậm chất chế giễu, khinh ghét và đay nghiến: “Cử nhân: cậu ấm Kỷ / Tú tài: con đô Mỹ /Thi thế mà cũng thi! Ới khỉ ơi là khỉ!”. Là người có thực tài nhưng chỉ vì thi cử không nghiêm nên kẻ dốt đỗ đạt người tài hỏng thi. Bởi thế nên thơ Tú Xương có nhiều bài viết về thực trạng đáng buồn ấy với giọng điệu chua chát, thậm chí cay cú “Học đã sôi cơm nhưng chửa chín / Thi không ăn ớt thế mà cay ! (“Mai mà tớ hỏng”). Không chỉ chửi vỗ vào mặt (chữ dùng của Xuân Diệu) bọn tay sai dốt nát, Tú Xương còn mượn chính những lời chúc tụng của chúng, dùng chiêu gậy ông để đập lưng ông, hẳn phải là người cao tay lắm mới làm được. Ở bài “Năm mới chúc nhau”, nhà thơ mượn phong tục tốt đẹp chúc Tết vốn có từ lâu đời của dân tộc ta để châm biếm bọn quan lại phong kiến. Qua đó, thể hiện thái độ khinh bỉ căm ghét thậm tệ của ông. Bài thơ là những lời hết sức độc đáo dưới một hình thức cũng hết sức sáng tạo: chúc mà thực ra là chửi, là châm biếm. Tuy là tiếng chửi mà vẫn thành thơ, mà lại là thơ hay mang lại cho bạn đọc chuỗi cười hả hê, sung sướng. | |||||||||
4.Bên cạnh nguồn mạch thơ trào phúng dồi dào, Tú Xương có những bài thơ Đường luật rất trữ tình. Bài Thương vợ rất tiêu biểu cho nhánh thơ này: “Quanh năm buôn bán ở mom sông / Nuôi đủ năm con với một chồng…”. Nhan đề, thi liệu, nội dung và nghệ thuật của bài là một bằng chứng sinh động về tài Việt hóa thơ Đường rất sáng tạo của ông. Thi phẩm đã làm sống dậy hình ảnh bà Tú – một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu: vất vả, đảm đang, giàu lòng hy sinh vì chồng vì con, qua đó thể hiện tình thương yêu, quý trọng và biết ơn vợ của Tú Xương. Với ngôn từ bình dị mà chắt lọc, nhiều hình ảnh của ca dao, thành ngữ, từ láy được vận dụng đắt giá trong bài, Tú Xương đã giúp người đọc hình dung ra cảnh bà Tú một mình mang trên vai gánh nặng gia đình, lặn lội nơi đầu sông, bến chợ. Ông Tú cảm thông và hiểu thấu công việc làm ăn buôn bán khó nhọc cũng như gánh nặng cơm áo của gia đình dồn cả trên vai của bà Tú. Kết bài ông viết : “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc / Có chồng hờ hững cũng như không”. Phần thơ kết này ông đã không ngần ngại chửi đời và cả tự trách mình đã “hờ hững” trong trách nhiệm của một người chồng nhưng thực ra toàn bài thơ là niềm thương vợ rất chân tình, thấm thía và tri ân sâu sắc. Sự hấp dẫn của bài thơ này là viết theo thơ luật Đường chuẩn mực nhưng ngôn từ, vần điệu, hình ảnh và sự đăng đối rất tự nhiên, nhuần nhị, gần gũi với lối cảm, lối nghĩ của người Việt. Có thể nói Thương vợ là một trong những bài thơ Luật Đường đã được Việt hóa hay nhất, tài tình nhất về chủ đề gia đình, cũng là một bông hoa thắm sắc ngát hương trong vườn hoa thi ca dân tộc. Thơ là tiếng nói của cảm xúc, của tâm trạng. Một bài thơ hay là không chỉ nói lên nỗi niềm của người làm thơ mà còn nói hộ những tâm tư mà người đọc cùng ấp ủ, chất chứa trong lòng. Thơ hay không nhất thiết phải dùng câu từ hoa mỹ, cầu kỳ. Với tài năng Việt hóa thơ Đường đầy sáng tạo, thơ của bậc thần thơ thánh chữ Tú Xương có rất nhiều người ngưỡng mộ và không ít thi sĩ hậu sinh suy tôn làm sư phụ (các tác giả lấy bút danh Tú Mỡ, Tú Sụn, Tú Sót…đã chứng tỏ điều ấy). Thơ ông quả là món ăn tinh thần vô cùng hấp dẫn và giá trị không chỉ đối với đương thời, hiện nay và mãi mãi mai sau./.
Nguyễn Thị Thiện
ĐC: số 2 ngõ 19/20 Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa Đống Đa, Hà Nội