Sự nghiệp thơ của Nguyễn Du- Bài viết của Huy Minh
Sự nghiệp thơ của Nguyễn Du
Nguyễn Du để lại “khoảng” 400 bài thơ chữ Hán. Nói “khoảng” là vì nhiều khi, với cùng một tên bài, ông viết nhiều kỳ (ví dụ bài “Điệu hát Trúc Chi viết ở Thương Ngô”, có những 15 kỳ). Đó thật là một di sản lớn. Qua thơ chữ Hán, nhân sinh quan, thời thế, gia cảnh, hành trạng, tình cảnh và tình cảm của ông hiện ra rõ mồn một. Có thể nói, đời Nguyễn Du dường như “chồng khít” lên thơ chữ Hán của ông vậy.
Ta biết, Nguyễn Du xuất thân danh gia vọng tộc. Viễn tổ (Tổ 3 đời) của Nguyễn Du là Nguyễn Thiến, đỗ Đình nguyên, làm Thượng thư Bộ Lại dưới triều Mạc. Nguyễn Thiến sinh ra Nguyễn Quyện. Nguyễn Quyện vào Thanh Hóa theo Lê Trung Hưng, sau bị nhà Mạc sai Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy tình thày trò dụ về (1557). Khi nhà Lê chiếm lại Thăng Long, Nguyễn Quyện chết trong ngục. Con cháu Nguyễn Quyện chạy vào lập nghiệp tại Tiên Điền – Nghi Xuân – Hà Tĩnh bây giờ. Đến Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775), thân phụ Nguyễn Du, thì lại “phát”. Nguyễn Nghiễm đỗ Hoàng giáp năm 1732, làm quan đến Tể tướng, Đại Tư không, Thái tử Thiếu bảo, tước Xuân Quận công. Nguyễn Nghiễm có 8 vợ, 21 con (12 con trai). Con cả là Nguyễn Khản, từng làm đến Tham tụng dưới trướng Chúa Trịnh. Kế đến là Nguyễn Điều, Đốc học Sơn Tây. Sau khi Nguyễn Nghiễm mất, các bà vợ, mẹ nào cưu mang con nấy! Dinh cơ ở Tiên Điền bị Tây Sơn phá sạch (Vũ Tuân Sán và Mai Quốc Liên cho rằng, “gió Tây” trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ngoài ý nghĩa là “gió Thu” như trong kinh điển, nhiều chỗ còn có thể hiểu là, “gió Tây Sơn”! Có vẻ không hoàn toàn vô lý?). Vào năm 1786, ở Tiên Điền chỉ còn người em cùng cha khác mẹ là Nguyễn Nhưng cùng các con, các cháu của Nguyễn Khản và Nguyễn Điều. Đại gia đình Nguyễn Nghiễm – Nguyễn Du tan tác! Nguyễn Quýnh chạy theo Lê Chiêu Thống và bị giết, Nguyễn Khản chống Tây Sơn bại, cũng ốm chết. Nguyễn Nễ về quê mẹ ở Bắc Ninh, Nguyễn Ức về quê vợ ở Gia Lâm… Nguyễn Du được Nguyễn Nễ gửi về Quỳnh Hải – Quỳnh Côi – Thái Bình ở với bạn mình là Đoàn Nguyễn Tuấn khoảng 10 năm. Đoàn Nguyễn Tuấn gả em gái cho Nguyễn Du. Sau, cả Nguyễn Nễ và Đoàn Nguyễn Tuấn đều làm quan nhà Tây Sơn. Nguyễn Nễ làm đến Hàn lâm Thị thư, Đông các Đại học sĩ, gia tặng Thái sử, tước Nghi Thành hầu, rồi ra Tham tán Quân vụ Quy Nhơn. Đoàn Nguyễn Tuấn làm Hàn lâm Trực học sĩ. Cả hai từng tham gia sứ bộ Quang Trung “giả” sang Thanh năm 1790.
Nguyễn Du lúc trẻ được tập ấm một chức quan võ nhỏ nhà Lê ở Thái Nguyên. Có lẽ vì thế mà trong thơ ông, ta thấy mấy lần xuất hiện các hình ảnh: “Tráng sĩ”, “đoản kiếm”, “trường kiếm” chăng? Ví dụ, Bạc đầu, tráng sĩ ngó trời than (Tạp ngâm – Ngâm vặt, kỳ 1; Kiếm dài, lại cậy trời xanh giúp – Mà lội trong bùn ba mươi năm (Khất thực – Đi ăn xin); Dở dang thư kiếm cơn cùng quẫn (Tự thán – Than thân, kỳ 2); Thời loạn trông gươm, lòng những thẹn (Lưu biệt Nguyễn Đại Lang – Lưu lại buổi chia tay bác cả Nguyễn); Tráng tâm cùn cả sang đoản kiếm (Tạp ngâm – Ngâm vặt)…
Sau 10 năm ở Thái Bình (“Mười năm gió bụi”: 1786 – 1795), Nguyễn Du về quê, sống ở vùng Hồng Lĩnh, viết “Nam trung tạp ngâm”. Đến khi Tây Sơn đổ, Nguyễn Ánh lên (1802) và triệu các quan lại cũ của nhà Lê ra làm việc, ông lần lượt nhận các chức: Tri huyện Phù Dung (Hưng Yên), Đông các Đại học sĩ (ở Huế), Cai bạ Quảng Bình. Sau khi làm Chánh sứ đi Trung Hoa về, ông được thăng Tham tri Bộ Lễ (nhưng ông, trong thơ, tỏ ra không mặn mà gì với việc làm quan, thậm chí còn thấy ông luôn “than thở” về nó nữa!).
Với dòng dõi công thần triều Lê như vậy, với gia cảnh bị “thiệt hại” dưới thời Tây Sơn như vậy, bản thân ông lại đỗ Tam trường thời Lê, việc ông coi Tây Sơn là thế lực trực tiếp lật đổ nhà Lê “của ông” (lại sẵn tinh thần Nho sĩ cựu triều – chính thống) và do đó, bất hợp tác với Tây Sơn, cũng là điều dễ hiểu.
20 tuổi, đang ở Thăng Long, ông phải về Quỳnh Côi – Thái Bình “chạy loạn”, ở đậu ăn nhờ! Sau, dù có làm rể nhà bạn của anh mình, thì Nguyễn Du vẫn chỉ coi nơi này là “đất khách” và mình là kẻ “tha hương”! Mặt khác, đời sống vật chất và tinh thần của ông trong những năm này, không thể so với thời ông ở Thăng Long với quan Tham tụng Nguyễn Khản được. Nguyễn Du viết: Hồng Lĩnh, anh em đều ly tán – Bạc đầu, năm tháng chất sầu thêm (Quỳnh Hải nguyên tiêu – Đêm rằm tháng Giêng ở Quỳnh Hải); Danh phận chưa thành, sức đã suy – Gió lùa tóc bạc, bóng chiều đi (Tự thán – Than thân, kỳ một); Ở mãi, quên mình là khách trọ – Đếm năm, ta đã thật già rồi – Đất khách, vụng vờ phòng kẻ tục – Giữ thân thời loạn, tránh mặt người (U cư – Ở nơi vắng vẻ, kỳ một); Xa quê, gió bụi mười năm trọn – Tóc bạc bơ phờ trong cửa người (U cư – Ở nơi vắng vẻ, kỳ hai); Một kiếp quăng thân vào gió bụi – Trọ cậy, ăn nhờ khắp bể, sông (Mạn hứng, kỳ một); Ta chân không rễ, tựa bồng trôi – Túi rỗng, Nam xô Bắc dạt rồi (Mạn hứng, kỳ hai); Sắc xuân nào đến giữa đêm đen – Song hẹp, âm u liễu trước thềm – Xa nhà, bệnh đến luôn kinh sợ – Gió mưa, xuân sắc lại tàn thêm – Đất khách, bên đèn thường rơi lệ – Trăng quê, ngàn dặm vẫn trong tim (Xuân dạ – Đêm xuân); Hồng Lĩnh anh về, giờ có chủ – Tôi già, vô dụng, thiếu quê hương – Phượng xác xơ lông trong lồng hẹp – Công danh trơn tuột như rắn luồn (Tống Nguyễn Sĩ hữu Nam quy – Tiễn bạn Nguyễn Sĩ về Nam); Ngàn dặm, thân cô nằm đất khách – Sân ngập lá vàng đưa Thu về (Thu chí – Thu đến); Biển Nam, đất khách, nằm bệ rạc – Đêm thanh thèm chuyện, lấy ai nghe?… Giữa đám phong trần, da bọc cốt – Tóc bạc bơ phờ phủ gối khuya (Trệ khách – Người khách bệ rạc)…
Thời gian ông sống ở Hồng Lĩnh, tuy vẫn nghèo nhưng tinh thần đã dần lạc quan hơn: Mắt thấy việc đời như mây nổi – Lưng đeo trường kiếm, gió Thu rơi – Chuyện thầm với trúc ngoài sân vắng – Sương tan, rồng sẽ hiện lên thôi (Ký hữu – Gửi bạn); Thời nhàn không xa đâu – Hẹn trung châu tái ngộ! (Biệt Nguyễn đại lang – Chia tay bác cả Nguyễn). Thậm chí có lúc, ông nghiêng một chút về Lý Bạch dù ông vẫn luôn nhận Đỗ Phủ là “thầy”: Đời mấy ai trăm tuổi – Hãy vui trong xuân thì – Đừng quanh năm bần tiện – Việc ngập mày ngập mi… Cứ dắt chó săn bắn – Cùng nghiêng bầu rượu ngon – Trước mắt còn khó biết – Chết, mặc danh mất còn! (Hành lạc từ, kỳ nhất – Bài ca rong chơi, kỳ một); Hoa chẳng đẹp trăm ngày – Không ai trăm tuổi cả – Giữa bao cuộc đổi dời – Phù sinh, chơi cho thỏa! – Trong tiệc, kỹ nữ xinh – Trong vò, sóng sánh rượu – Khoan nhặt theo nhịp tiêu – Cất tiếng lòng muôn điệu… Hiền hay ngu cũng thành nấm đất thôi – Ải sống chết, chưa ai người qua được – Xin nghe tôi, nâng chén mà vui chơi – Mặt trời lặn song Tây, ngày cạn cuộc! (Hành lạc từ, kỳ nhị – Bài ca rong chơi, kỳ hai); Trẻ gõ sừng trâu chiều nội cỏ – Thiếu nữ buông gầu, giếng ngọc reo – Ước nhảy khỏi vòng phù thế được – Dưới tùng, thỏa thích chí tiêu dao (Sơn thôn – Xóm núi); Hương xạ thơm trên vầng cỏ biếc – Chó lao vào núi, sủa phong thanh – Trần thế, mỗi người vui một vẻ – Mặc ai xe lọng chốn đô thành (Liệp – Đi săn)…
Tất nhiên, “nghiêng” một chút về Lý Bạch, về Lão – Trang, không có nghĩa là chọn hẳn. Thời thế, gia cảnh, tình cảnh, tình cảm và nhân sinh quan ông vốn đâu phải vậy. Cho nên bên cạnh mấy bài thơ tiêu dao kia, vẫn là một cái nhìn, một tấm tình, một nhân sinh quan buồn bã và ông đã định an phận: Hồng Lĩnh một màu in đáy nước – Đáng để hàn nho về an cư – Ngàn dặm quanh phòng là mây trắng – Tràn song, trăng đến rọi cầm thư – Thời loạn, nói cười theo thiên hạ – Ốm, già, giữ miệng, bớt dây dưa – Nhìn xem, lá rụng thì hoa nở – Giữ tấm lòng trong suốt bốn mùa (Tạp thi – Thơ vặt, kỳ 2).
Thời thế lúc ấy vào trong ông mà sinh tình: Thềm ngọc mười năm mờ cát bụi – Bắc thành, một nửa hóa gò hoang – Trùng nhát, chim hèn bay hết cả – Càn khôn nhơ nhớp máu nhân gian – Binh lửa, trông quê ngàn dặm khóc – Bạn bè, thân thích ít thư sang – Thu nhạt, cá rồng bơi lặng lẽ – U hoài trăm mối, đập không tan (Bát muộn – Đuổi sầu); Nhớ xưa, cha cáo lão về quê – Xe bồ, ngựa tứ đón cha về – Thuyền tiên xô nước như rồng đấu – Tàn lọng ngang trời tựa hạc phi – Từ thuở xiêm y người khuất bóng – Đôi bờ sương cỏ ngậm sầu bi – Đời có trăm năm, bao chuyện xót – Tràng An khác lắm với xưa kia! (Giang Đình cảm tác – Bến Giang Đình, cảm xúc mà viết ra).
Gia Long triệu, ông ra, nhưng kể cả khi làm quan triều Nguyễn, con người ông vẫn vậy và “quan cảnh” của ông ở tân triều cũng chẳng vui gì! Tiêu biểu cho thời làm quan này là bài “Thu chí – Thu đến”, viết ở Huế: Hương Giang, trăng một phiến – Cổ kim treo gọi sầu – Cỏ buồn trên mộ cũ – Thu mới, ta bạc đầu – Thân gầy như thân lính – Lưng khom không vì đau – Bến Lam Giang nhìn lại – Thấy mình thua bạch âu. Bài “Tặng nhân – Đề tặng một người”, có lẽ nói rõ nhất mong muốn của ông khi còn vướng quan trường: Xóm vắng ẩn sau dòng nước biếc – Cao nhân đóng cửa nằm an cư – Giấc mộng kinh bang giờ đã nguội – Tần Tùy thuộc hết, sẵn thi thư – Bạn với mây Xuân cùng nai hoẵng – Giục cháu con mau gặt lúa mùa – Những muốn từ quan về theo bác – Dưỡng già với rượu, với đàn xưa!
***
Nói đến nhân sinh quan, không ở đâu nhân sinh quan Nguyễn Du bộc lộ rõ như ở những bài thơ viết trên đất Trung Hoa trong “Bắc hành tạp lục”, trên đường ông đi sứ. Ở đó, mọi sở học của ông đều có thể tung hoành: Sự am tường lịch sử, văn hóa – thi ca Trung Hoa, nghệ thuật làm thơ Đường luật, những giá trị Nho gia chính thống, sự phong phú của chữ nghĩa, sự nhạy cảm – tinh tế của một nghệ sĩ lớn… giúp ngòi bút ông khoát hoạt hơn, gấm hoa hơn. Có lẽ cũng còn vì viết về Trung Hoa ở Trung Hoa, ông không phải e dè gì hết. Ông dùng tràn trề ba yếu tố quan trọng nhất của cổ thi (Tình – Cảnh – Sự) để viết.
Nguyễn Du “bênh” Hoàng Sào, cho rằng nhà Đường, chỉ vì một việc nhỏ (tướng mạo xấu xí – đánh trượt Hoàng Sào) mà đẩy một người tài thành kẻ làm đảo lộn cả quốc gia. Nguyễn Du thương người hát rong mù Trung Hoa, hát cả buổi, cho đến khi “Mép bọt, tay chùng” mà chỉ được 5 – 6 đồng bạc lẻ, trong khi khách thuyền thì cơm canh thừa thãi vứt đi. Qua Thương Ngô, nhìn núi Cửu Nghi, nơi an táng vua Ngu Thuấn, Nguyễn Du không thể không có cảm hứng với chuyện, khi Thuấn mất trong cuộc tuần du, hai bà vợ (Nga Hoàng và Nữ Anh – con gái vua Nghiêu) ra bờ sông Tương, vừa gảy đàn 25 dây (Nhị thập ngũ huyền cầm) vừa khóc, nước mắt hai nàng rơi xuống dây dàn, bắn lên rặng trúc bên bờ và từ đó, trúc sông Tương có hoa trắng lốm đốm rất đẹp, người ta chẻ trúc ấy làm mành, gọi là “Mành Tương”, và ông viết: Ngu Thuấn tuần Nam không trở lại – Trúc xanh đọng mãi lệ Anh Nga – Chuyện cũ ngàn năm còn để dấu – Sử ký hiện hình trước mắt ta (Thương Ngô tức sự – Gặp cảnh mà viết ở Thương Ngô). Cũng đề tài ấy, trong bài “Thương Ngô mộ vũ” (Mưa chiều Thương Ngô), ông viết: Ngày hết, Tương Đàm còn xa lắc – Đầu thuyền, nâng rượu viếng Tương Phi (Tương Phi cũng chính là hai người đàn bà chơi đàn đã nói ở trên vậy). Rồi đến bài “Thương Ngô Trúc Chi ca, kỳ tam” (Điệu hát Trúc Chi viết ở Thương Ngô, kỳ 3), ông lại viết: Mưa sầu tầm tã, mây thẫn thờ – Mịt mờ hình bóng núi Cửu Nghi – Vua Ngu nằm đó, không phần mộ – Mặt nước rung đàn hai quý phi! Một chuyện tình buồn – đẹp như thế, viết một lần sao được! Ông “bênh” Dương Quý Phi: Chỉ bởi trăm quan thành phỗng đá – Oan kẻ khuynh thành bấy đến nay – Nam Nội hắt hiu, bồng mọc khắp – Đồng không, mộ cũ chẳng ai hay – Đóa hồng tan nát, tìm đâu thấy – Mã Ngôi đầy gió, ngậm ngùi thay! (Dương Phi cố lý – Làng cũ của Dương Quý Phi).
***
Nguyễn Du “truy kích” Mã Viện từ Việt sang Trung: Được tiếng vua khen ngoài sân điện – Đâu biết em mình buồn thế kia – Đồng Trụ chỉ lừa nhi nữ Việt – Xe ngọc chỉ làm con cháu nguy – Họ tên hợp với Vân Đài các – Sao ngoảnh về Nam đòi lễ nghi? (Giáp Thành Mã Phục Ba miếu – Miếu thờ Mã Viện ở Giáp Thành, Kép, Bắc Giang); Bạt ghềnh Ngũ Lĩnh, định Nam biên – Công trùm thiên hạ, sử còn khen – Già cả vẫn khoe mình quắc thước – Không lo mồ mả, chẳng nghe em – Đại Than, bên sóng ghi công cũ – Xa nhà, lạnh lẽo giữa tùng sam – Chiều xuống, quanh mình toàn gai góc – Dâm Đàm, hận ấy, nhớ hay quên? (Đề Đại Than Mã Phục Ba miếu – Đề miếu Mã Viện bên ghềnh Đại Than). Dâm Đàm là Hồ Tây bên ta, nơi Mã Viện thua Hai Bà Trưng một trận.
Nguyễn Du vừa đề cao vừa “phê bình” Triệu Đà: Sở, Tần cường bạo theo nhau mất – Mình ông thong dong coi trời Nam – Vẫn rằng, thừa sức xưng Hoàng đế – Cầu an, chịu khuất một nho quan – Lĩnh Biểu, đài cao trăm thước đổ – Phiên Ngung, mộ cũ cũng đâu còn – Thương thay! Thời thế hằng thay đổi – Thời “Man Di lão” vẫn hay hơn! (Triệu Vũ Đế cố cảnh – Cảnh trên đất cũ của Triệu Đà). Đến đài Đồng Tước, xưa Tào Tháo cho xây và hẹn sau khi đánh Đông Ngô, sẽ bắt Nhị Kiều (vợ Tôn Sách và vợ Chu Du) về đó hầu hạ mình, Nguyễn Du mỉa mai: Đâu còn Ngụy Đế nơi này – Chỉ còn Đồng Tước ngày ngày bên sông – Nền cũ đã theo dòng nghiêng lở – Gió lạnh gào trên cỏ tàn Thu… Người ấy thịnh, nào ai dám chống – Xem thường vua, bất trọng vương hầu – Đài cao, hận lại càng sâu – Kiều nữ bạc đầu vẫn của Chu Lang! (Đồng Tước đài – Đài Đồng Tước). Đến Nghiệp Thành, nơi có 72 ngôi mộ giả của Tào Tháo, ông “mắng” thẳng: Nghiệp Thành, đồng bãi ngập hơi thu – Cây cỏ tiêu điều, ngẫm chuyện xưa – Trí lự một đời, sao uổng thế – Hay chi? Vạn cổ đổ nghi ngờ – Quách đầy tiếng xấu, còn chôn dấu – Đời chửi lên xương cũng lặng tờ – Cẩm Thành (Thành Đô – Kinh đô Thục Hán), quanh miếu thờ Tiên chủ (Lưu Bị) – Tùng xanh, bách sáng đến bây giờ (Thất thập nhị nghi trủng – Bảy mươi hai ngôi mộ giả). Nguyễn Du trọng Lưu – khinh Tào.
Đến mộ Lưu Linh, một trong “Thất hiền” thời Đông Hán, “bợm rượu” nổi tiếng nhất Trung Hoa, ông “trêu”: Say, muốn công bằng cho vạn vật – Sao lại lo thân lúc chẳng còn? Nhưng rồi nhìn lại mình, ông tự hỏi: Sao ta lấy tỉnh trông đời vậy? – Để như bèo dạt, thật thương tình! (Lưu Linh mộ – Mộ Lưu Linh). Có lẽ, ông đã “ngộ” lời Hứa Do, khi Hứa Do rửa tai, hai lần từ chối lời mời làm vua của Đế Nghiêu: “Danh chỉ là khách. Thực mới là chủ”. Thật vậy, say – tỉnh, thành – bại, sang – hèn…, suy cho cùng cũng chỉ là danh. Thực có nhàn không (nhất là vui nhàn), mới là trọng!
Rồi ông viết về Hạng Vũ, Liêm Pha, Lạn Tương Như, Chu Du, Lý Bạch, Nhạc Phi, Tần Cối… cũng với nhân sinh quan ấy.
Có thể nói, ở mảng đề tài viết về “Tình, Cảnh, Sự” Trung Hoa, nhiều bài thơ của Nguyễn Du có thể xếp lẫn vào thơ hay Đường – Tống!
(Những câu thơ Nguyễn Du được “trích dẫn” ở đây, đều do người viết bài này vừa dịch lại).
Kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du, NXB Hội Nhà văn đã gấp rút xuất bản cuốn “Tổng tập Thơ chữ Hán Nguyễn Du”, do nhà thơ Đỗ Trung Lai soạn. Sách dày hơn 500 trang, gồm các phần: THANH HIÊN THI TẬP (1786, 1804), NAM TRUNG TẠP NGÂM (1804, 1813) và BẮC HÀNH TẠP LỤC (1813, 1814), với tổng cộng hơn 250 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du được được nhà thơ Đỗ Trung Lai dich lại và chú giải.
Nhà thơ ĐỖ TRUNG LAI sinh năm 1950, Cử nhân Vật lý năm 1972, nhập ngũ năm 1972, đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, quê ở Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Đông cũ.
CÙNG MỘT TÁC GIẢ
Đêm sông Cầu (Thơ, NXB QĐND, Hà Nội, 1990); Anh, em và những người khác (Thơ, NXB Văn học, Hà Nội, 1990); Đỗ Trung Lai, Thơ và tranh (NXB QĐND, Hà Nội, 2000); Người chơi đàn nguyệt ở Hàng Châu (Truyện ngắn và ký, NXB QĐND, Hà Nội, 2000); Đỗ Trung Lai, Đêm sông Cầu & thơ mới (Thơ, Nhà sách Phương Nam và NXB QĐND phối hợp xuất bản, Hà Nội, 2002); Thơ Hà Nội ngàn năm tinh tuyển (Tuyển chọn, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007); Lý Bạch, Những bài Đường thi nổi tiếng (Soạn sách và dịch lại thơ, NXB Giáo dục, 2008); Đỗ Phủ, Những bài Đường thi nổi tiếng (Soạn sách và dịch lại thơ, NXB Giáo dục, 2008); Bạch Cư Dị, Những bài Đường thi nổi tiếng (Soạn sách và dịch lại thơ, NXB Giáo dục, 2008); Vi lô lang, Thời thơ ấu của chàng lau sậy (hay là Tha hương) (Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008); Phạm Tiến Duật toàn tập (Chủ biên, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009); 100 nhà thơ Đường (Soạn sách và dịch lại thơ, NXB Hội Nhà văn, 2013); Đỗ Trung Lai (Thơ chọn, NXB Hội Nhà văn, 2013); Ơ thờ ơ (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2014); Kể chuyện rong về những ngày có giặc (Trường ca, NXB Lao động và Bộ Quốc phòng, 2015); Trúc Lâm Tam Tổ thi, Thơ của ba vị Tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Soạn sách và dịch lại thơ, NXB Hội Nhà văn, 2016); Bảo dông dài, ừ dông dài… (Thơ và Trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2019); Tổng tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du (Soạn sách và dịch lại thơ, NXB Hội Nhà văn, 2020).
Huy Minh