QUANH VIỆC DỊCH BÀI THƠ ”THIÊN TRƯỜNG VÃN VỌNG” RA TIẾNG ANH.Giáo sư :Nguyễn Khắc Phi

QUANH VIỆC DỊCH BÀI THƠ ”THIÊN TRƯỜNG VÃN VỌNG” RA TIẾNG ANH 

Giáo sư :Nguyễn Khắc Phi

 Dịch một tác phẩm văn học, nhất là một tác phẩm thơ, từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác bao giờ cũng là việc khó khăn phức tạp và tế nhị. Ta vẫn nói: “Dịch tất phản”, Pháp cũng có câu mang ý nghĩa tương tự: “Traduire, c’est trahir”. Dịch một tác phẩm thơ chữ Hán sang một thứ tiếng châu Âu mà người dịch không thông thạo Hán văn  thì khó khăn lại càng tăng lên gấp bội vì buộc phải dựa vào một thứ tiếng trung gian mà mình nắm vững, tức ở đây phải trải qua hai lần chuyển ngữ. Nếu dựa vào một bản dịch nghĩa thật sát nguyên văn thì còn do khả, còn nếu dựa vào một bản dịch thơ nào đó thì chuyện đi xa tinh thần nguyên bản là điều khó tránh khỏi vì khi dịch ra thơ, do sức ép về luật của thể thơ lựa chọn, tức của các quy định chặt chẽ về số chữ, âm thanh, nhịp điệu, người dịch đầu tiên có lúc buộc phải phạm vào lỗi “dĩ từ hại ý” không đáng có. Đó là chưa kể, thơ chữ Hán thường hết sức súc tích, hay sử dụng bút pháp ước lệ, tượng trưng, điển cố, nên dẫu là người biết chữ Hán, khi dịch ra thơ, có khi cũng chưa hoặc không hiểu thật đúng hoặc không đầy đủ nội dung, ý nghĩa và cả đặc trưng nghệ thuật của nguyên bản.

    Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nêu trường hợp một bản dịch ra tiếng Anh bài thơ Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông để minh hoạ cho tình hình nói trên, từ đó đề xuất vài kiến nghị cần thiết.

   Với tuyêt tác này, đã từng có 3 ý kiến khác nhau:

  • Đây là một bài thơ tả cảnh đồng bằng Bắc Bộ vào buổi chiều tối
  • Đây là một bài thơ Thiền.
  • Đây là một bài thơ tả cảnh thấm đẫm phong vị Thiền.

Không ít người cho rằng ý kiến sau cùng là thoả đáng hơn cả. Thơ Thiền thường có sự xuất hiện nhiều cảnh vật, nhưng cảnh vật ở đây không phải là đối tượng miêu tả mà thường chỉ xuất hiện như những phương tiện để nhà thơ nói lên thiền ý, thiền lí. Thiên Trường vãn vọng là một bức tranh sinh động của làng quê Bắc Bộ vào buổi chiều tối, nhưng đồng thời phong vị Thiền cũng bàng bạc khắp bài thơ. Tuy nhiều người cho rằng ở bài thơ này có chất thiền, điều này chủ yếu toát lên qua sự thể hiện cái “hữu” và cái “vô”, cái “động” và cái “tĩnh”, nhưng khi đi vào phân tích cụ thể thì còn không ít ý kiến khác nhau. Bản dịch của Ngô Tất Tố khá hay, nhưng ngay mấy chữ đầu tiên đã có vấn đề. “Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên” đã được dịch thành: “Xóm trước thôn sau tựa khói lồng”. Nếu nhằm tả cụ thể cảnh “xóm trước thôn sau” thì tác giả đã viết
tiền thôn” và “hậu thôn”. Trong nguyên bản, tác giả không tả thôn xóm nào cả mà chỉ tả cái khoảng không gian “sau thôn” và “ trước thôn” mà thôi,và cái khoảng không gian ấy mù mờ như có khói bao phủ, cái không gian ấy là không có ranh giới, còn “xóm trước, thôn sau” là xác định, ranh giới. Xin được bàn nhiều hơn về một vài ý kiến của GS Nguyễn Huệ Chi về bài thơ. Theo GS Huệ Chi, ở hai câu đầu, “buổi chiều hiện ra trong trạng thái “tĩnh” và một trạng thái mờ mờ ảo ảo bởi một làn khói bao phủ khiến người ngắm cảnh giằng mắc rất lâu trong cái cảm giác lẫn lộn giữa “không” và “có”. Nhưng đến hai câu sau, “khi hình ảnh một chú bé chăn trâu đi gần lại với tiếng sáo véo von, đánh thức tri giác rõ rệt về cái “có”…thêm vào đấy lại là một đàn cò trắng lấp loáng bay xuống giữa cánh đồng” thì “cái “hữu” lần lượt đánh bại cái “vô”… cái “động” đang thay thế cho cái “tĩnh””. Ở chỗ khác, GS cũng nêu lên ý kiến tương tự: “Hai câu thơ vào đề là mặt tĩnh của cảnh vật. Hai câu thơ kết thúc lại là mặt “động” của cảnh vật. Khi cái “hữu” thắng cái “vô” thì cái “động” cũng thắng cái “tĩnh”. Mặc dầu GS Huệ Chi có nói tới “cảm giác lẫn lộn giữa cái ‘có’ và cái “không” ở người đọc, nhưng cảm nhận của riêng tôi về bài thơ thì có một số điểm khác biệt. Trong một bài viết giới thiệu một công trình nghiên cứu có giá trị của GS Huệ Chi, riêng về điểm này, tôi đã mạnh dạn nêu những ý kiến khác biệt đó như sau: “Ở hai câu đầu, đúng là cái “tĩnh”chiếm thế chủ đạo song cái “vô” thì không hẳn thế vì chỉ là “bán vô” và bên cạnh còn có “bán hữu”. Với hai câu sau, cần lí giaỉ tinh tế hơn, vì không phải chỉ có “hữu”, chỉ có “động”, lại càng không thể nói “hữu”thắng “vô”, “động” thắng “tĩnh”!…Theo tôi, nếu nói “xuy địch” (thổi sáo) thì đúng là “động”, còn ở đây “địch lí” (trong tiếng sáo, chỉ một không gian được bao phủ bằng một loại âm thanh đặc biệt) thì là vừa động vừa tĩnh; “quy ngưu” (trâu về hay cho trâu về) là “động”, là “hữu”, còn ở đây “quy ngưu tận” (trâu về hết) thì cũng là vừa động vừa tĩnh;, vừa hữu vừa vô, và có thể nói cơ bản là “tĩnh”, là “vô”, hay “động” chuyển về “tĩnh”, “hữu” chuyển thành “vô”. Câu cuối của bài thơ cũng có thể được lí giải như thế: “Những đôi cò ở đây dĩ nhiên khác “chiếc cò cô độc” của Vương Bột, song cũng khác với “một hàng cò trắng bay lên trời xanh” (nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên) của Đỗ Phủ. “Thượng” ở Đỗ Phủ là “động từ” do đó có thể và nên đọc là “thướng”, còn “hạ” trong Trần Nhân Tông chỉ là trạng ngữ, không thể đọc là “há”! Tôi tán thành cách nói của anh Nguyễn Kim Sơn cho rằng mọi thứ trong bài thơ đều nằm ở ranh giới giữa “hữu” và “vô”, giữa “động” và “tĩnh”, có như thế mới là cảnh giới thiền!” (Nguyễn Khắc Phi.Văn học trung đại Việt Nam.Nghiên cứu và bình luận. NXB Đại học Vinh, 2018, trang 458-459).                                                    *

   Với cách cảm nhận tổng thể bài Thiên Trường vãn vọng như trên, tôi thử đi vào nhận xét một bản dịch của bài thơ ra tiếng Anh.

Đây là bản dịch đề nghị khảo sát:

                                    Villages grown dim in the mist

                                    They now vanishnow reappear in the sunset,

                                    Buffalo -herds blowing their horns take their cattle home

                                    A flock of white egrets swoop down on the fields.

                                    (Vietnam- a long hístory. Thế giới Publishers, H, 2004, p.52)

Có thể chỉ ra những chỗ dịch chưa sát tinh thần của nguyên bản:

-Tác giả không tả bản thân xóm làng mà chỉ tả trạng thái lờ mờ ở trước và sau xóm làng

– Tác giả không nói rõ là sương mù (mist) mà chỉ tả trạng thái lờ mờ như sương mù (like mist) hay như khói (like smoke)

Bán vô bán hữu không nên dịch là now vanish, now reappear (khi thì biến mất, khi lại xuất hiện) vì bán vô bán hữutrong cùng một lúc, như nửa có nửa không. Trong Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài, bà Lady Borton, một nhà báo, nhà văn Mỹ rất am hiểu văn học cổ điển Việt Nam, nói với tôi là có thể dịch thành half there, half not there

Tác giả không tả cảnh lúc mặt trời lặn ( tịch dương -the sunset) mà tả cái bên mặt trời lặn (tịch dương biên)

blowing their horns (thổi còi hay tù và) là động, không đúng với không khí trong bài là địch lí (trong tiếng sáo); địch (sáo) nên dịch là flute sát nghĩa và nên thơ hơn, không nên dịch là horn.

A flock (một đàn, một bầy) không lột được vẻ nên thơ, trữ tình của hai chữ song song

swoop down on sb/sth là đột ngột lao xuống, nhào xuống, bổ xuống như con diều hâu lao xuống bắt gà con, hoàn toàn không thể hiện được động tác nhẹ nhàng,êm ái của những “anh chị” cò song song phi hạ điền!

   Nhìn tổng quát, bản dịch đã đánh rơi mất về cơ bản chất thiền bàng bạc trong cả bài thơ.

    Tuy chưa phải là một bản dịch toàn bích, nhưng bản dịch bài thơ Thiên Trường vãn vọng sau đây ra tiếng Anh của Phạm Văn Chương (tức Nguyễn Phan Oánh, thứ nam của danh hoạ Nguyễn Phan Chánh) là đạt hơn nhiều vì đã đảm bảo về cơ bản hai tiêu chuẩn tín nhã: 

                                                Thiên Trường at dusk

                                    Around the villages, mist rise like smoke

                                    Half existent, half non- existent, the setting sun is lingering

                                    Following the cowherds’ flute, all buffaloes have come home

                                    In the ricefields, in pairs white storks are landing.

                                                     Translate by Phạm Văn Chương

          (Far- sighted sovereigns in Vietnam. Những vị hoàng đế có tầm nhìn xa ở Việt Nam.  NXB Thế giới, H, 2004, tr.34)

Xin lướt qua vài ưu điểm của bản dịch này:

-Dịch giả đã dùng chữ “Around” để nói rõ Trần Nhân Tông không miêu tả cảnh xóm làng mà chỉ khắc hoạ cái thần ở xung quang xóm làng

– Dịch giả không dùng “smoke” (yên – “khói”) mà là “like smoke” (tự yên – “tựa khói” như nguyên bản)

– “Half existent, half nonexistent” rất sát với bán vô bán hữu, phù hợp với chất Thiền

the setting sun is lingering truyền đạt tương đối sát nghĩa của cụm từ rất khó dịch là tịch dương biên (linger: còn sót, rơi rớt lại)

– Dùng trạng ngữ chỉ phương thức Following the cowherds flutes’, không dùng động từ, là lột được cái thần của địch lí (trong tiếng sáo)

– Dùng have come home là dịch được nghĩa chữ tận,lại đảm bảo được cái thần vừa động vừa tĩnh

Dùng in pairs (từng đôi, cả hai cùng một lúc) rất sát nghĩa song song ở nguyên bản, lại đậm hương vị trữ tình

In the ricefields…are landing cũng sát tinh thần nguyên bản, vừa đầy sức sống, vưa thể hiện được cái thần vừa động, vừa tĩnh.                                                     *

Thơ đời Trần, cũng như thơ ca Lý Trần là một di sản triết học, văn hoá và văn học vô giá của dân tộc Việt Nam, cần được giới thiệu một cách tốt nhất ra thế giới, để chứng tỏ rằng dân tộc Việt Nam quả là một dân tộc “có nền văn hiến đã lâu”. Tuy nhiên, làm được việc đó quả không hề dễ. Ước sao có được một đội ngũ phiên dịch chuyên nghiệp đông đảo vừa giỏi ngoại ngữ, vừa am tường tinh hoa của các di sản văn hoá dân tộc; trong điều kiện chưa có được sự thống nhất nhuần nhuyễn “hai như một”, “hai trong một” của 2 tiêu chuẩn lí tưởng ấy, cần khuyến khích sự phối hợp, cần tạo nên những cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tác chiến trong mặt trận hết sức có ý nghĩa này.

                                                                                                                N.K.P