Qua bài thơ : Nỗi nhớ dòng Hương

 

QUA  BÀI THƠ : Nỗi nhớ dòng Hương

                                             Bài viết của Khánh Nhạc

    “ Con sông dùng dằng con sông không chảy

     Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”

   Xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Thu Bồn để làm nền cho những điều cảm nhận một bài thơ. Bởi Huế là thơ là nhạc, là tất cả những gì mộng mơ tinh tuý mà nhiều tao nhân mặc khách từ xưa tới nay khai thác mãi không vơi. Huế như mạch nước ngầm tinh khiết trong lòng đất mẹ, ai “lỡ” bước vào không nỡ rời xa.

      Là một người con xứ Huế, tôi cũng đã được đọc khá nhiều những bài thơ viết về Huế . Thơ văn, nhạc hoạ với Huế thì nhiều lắm, mỗi đề tài mỗi vẻ , và đều rất hay, cũng mượt mà, thánh thiện như cảnh với người trên xứ thần kinh yêu kiều mơ mộng. Riêng với dòng thơ Đường luật mà viết về Huế chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay   trừ thời Thất thịnh Đường đời vua Minh Mạng). Nay trong tuyển tập 10 năm thơ Đường luật Việt Nam tôi bất ngờ đọc được bài thơ “ Nỗi nhớ dòng Hương” của tác giả Hương Quê

.“Thương lắm con đò đậu bến sông

Dòng Hương mờ ảo nước phiêu bồng

Cả thời chinh chiến nao lòng đợi

Một khắc êm đềm mỏi mắt trông

Lẻ mái chèo khua nghiêng bóng tháp

Đôi bờ gió thổi động ngàn thông

Kinh thành cố kính trời thơ mộng

Da diết nhớ em cứ chất chồng”.

  Với hai câu mở  đầu tác giả cho ta thấy một con đò tĩnh lặng không có người. có phải là con đò cụ thể hay chỉ là con đò trong lòng tác giả “Thương lắm con đò đậu bến sông” Cái thực thực, hư hư cho ta thấy ở câu thứ hai “ Dòng Hương mờ ảo nước phiêu bồng” . Với bốn từ “mờ ảo , phiêu bồng”  cho thấy một dòng Hương mơ mộng, một dòng sông thơm chảy vào lòng Huế được ví như bồng lai tiên cảnh. Đọc bài thơ tôi biết Tác giả trước đây là một người lính đã có năm tháng sống , chiến đấu trong lòng đất Huế. Trong cuộc chiến tranh giành thống nhất non sông ấy, những người lính đã mòn gót dày chinh chiến họ đều có một tấm lòng thương nhớ những người mẹ , người chị, người em gái và cả bóng dáng dấu yêu hẹn ước trông chờ. Trong hai câu thực “ Cả thời chinh chiến nao lòng đợi / Một khắc êm đềm mỏi mắt trông…”

Bằng  phép chỉnh đối tác giả đã khắc họa những người lính quên mình trong bom đạn. Biết bao người phụ nữ chờ đợi một đời không nao núng. Đành rằng nhớ nhung đến cháy ruột nao lòng, họ mỏi mòn trông theo bóng yêu thương từng giờ từng phút, chờ đợi một đời lạ thành quen, mong chỉ có ngày gặp mặt, chỉ một khắc thôi. Một khắc thôi ,mà sao mỏi mòn đến thế. Từ trong sâu thẳm tâm hồn tác giả liên tưởng tới ngày mai, ngày mà non sông vẹn liền một giải. Khoảnh khắc ấy cũng sống mãi không phai trong lòng người dân đất Việt. Đó cũng là khát vọng tự do của mỗi dân tộc trên trái đất này. Và chúng ta hãy lắng nghe trong hai câu luận  “Lẻ mái chèo khua nghiêng bóng tháp/ Đôi bờ gió thổi động ngàn thông”. Tác giả nói tới hình ảnh thân quen sông Hương, núi Ngự. Hình ảnh này đã nằm lòng với du khách gần xa. Là hình ảnh đẹp cặp đôi nào đến Huế cũng muốn đặt chân tới trước. Rừng thông trên núi Ngự Bình ngàn năm vẫn thế, vẫn vi vu mãi bản tình ca sâu nặng, vẫn soi bóng mình xuống dòng sông Hương, , thơm mát với bóng tháp Phước Duyên, Thiên Mụ, đã đi vào sử sách thi ca. Bằng hai từ  “lẻ mái” tác giả cũng còn nói tới sự mất mát hy sinh sau cuộc chiến. Không ít người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại lòng đất mẹ ,để những người mẹ , người vợ. người yêu lẻ loi một mình như những mái chèo khua trên dòng Hương Giang khắc khoải giữa đời

     Tác giả thật tinh tuý khi quan sát” mái chèo khua”. Ai đã từng đi đò trên dòng Hương khi ngang qua chùa Thiên Mụ, mỗi lần khoả nước ta thấy bóng tháp tan ra, nghiêng ngả muôn chiều. Phải chăng đó cũng là hình ảnh của những người phụ nữ lẻ loi, giữa dòng đời xuôi ngược khi không còn trọn vẹn .

   Thêm nữa cái bóng tháp làm ta liên tưởng đến những tượng đài, tri ân các anh hùng liệt sĩ , những người con bất tử mãi mãi đất nước phải nghiêng mình biết ơn.

      Những câu thơ cuối bài tác giả thả tâm hồn mình du ngoạn trên khắp mọi nơi của xứ Huế mộng mơ cổ kính mà không u tịch , phát triển mà không vội vã ồn ào, chỉ có đẹp tươi dịu dàng quyến rũ mà không nơi nào có được. Một lần nữa tác gỉa lại quay về phương ấy nơi mà có con đò bây giờ được gọi bằng  Em ! Em là con đò thực tại sống mãi trong lòng tác giả , không đếm được thời gian , không gian chỉ chất chồng theo năm tháng. Hai câu kết tác giả đã bao quát cả thành Huế , để rồi nhìn đâu cũng cảm thấy bóng dáng thân yêu , trong thành quách lâu đài, trên dòng  Hương mờ ảo, trong gió ngàn thông, cả trong nhành cây ngọn cỏ mà thốt lên “ Kinh thành cổ kính trời thơ mộng/ Da diết nhớ em cứ chất chồng”. “ Nỗi nhớ dòng Hương” là một bài thơ tâm  đắc viết theo thể luật Đường, ai bảo thể thơ ấy khô khan ? riêng tôi thấy như một bức tranh khái quát , man mác như một bản nhạc trữ tình mang đầy nỗi tâm sự. Tác gỉa yêu Huế biết ngần nào mới viết nổi một bài thơ  về cái riêng , cái chung  sâu sắc đến như thế. Tôi tin “ Nỗi nhớ dòng Hương”” sẽ sống mãi với Huế, trong tôi và cả trong các bạn thơ. Dù hữu hình hay vô hình thì tác giả  hãy tin “ Huế xưa vẫn đợi người mơ”.đó nghe !

 

                                                      Cuối thu 2017 –  CKN