PHÙNG KHẮC KHOAN BÀN VỀ THƠ VÀ CÁCH LÀM THƠ

 

PHÙNG KHẮC KHOAN BÀN VỀ THƠ VÀ CÁCH LÀM THƠ

PGS.TS. Nguyễn Công Lý

GVCC Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM

ĐT 0905156830

Tóm tắt

Phùng Khắc Khoan là một nhà thơ, một tác gia tiêu biểu của Văn học Việt Nam thế kỷ XVI, đầu thời Lê trung hưng. Ông còn là nhà lý luận văn học. Ông để lại 5 tập thơ chữ Hán và chữ Nôm. Thơ của ông chủ yếu là viết theo thể Đường luật. Trong các tập thơ của mình, ông đều viết lời Tựa. Qua những lời Tựa này, ông đã trình bày quan niệm, tư tưởng lý luận văn học của mình. Bài viết này sẽ tìm hiểu những quan niệm, tư tưởng lý luận văn học của ông, cụ thể là bàn về phép làm thơ và cách đặt câu, dùng từ khi làm thơ; về phong cách và giọng điệu thơ; với quan niệm văn chương phải có nhiệm vụ trao truyền tri thức văn hóa, tri thức cuộc sống cho người đọc; cùng quan niệm “thi ngôn chí”.  

  1. Giới thiệu chung

Phùng Khắc Khoan (1528-1613) tự Hoằng Phu, hiệu Nghị Trai và Mai Nham Tử, quê ở làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội. Ông sinh ra lúc nhà Mạc đã soán ngôi nhà Lê vừa mới một năm, trong một gia đình có truyền thống Nho học (trí thức tiểu phong kiến), từ nhỏ nổi tiếng thông minh, hiếu học, giỏi thơ. Thuở nhỏ được cha rèn cặp. Năm 1543, lúc 16 tuổi theo học Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi Trạng Trình cáo quan về nhà dạy học. Sau mười năm đèn sách tại trường Bạch Vân(1543-1552), nghe lời thầy, ông vào Thanh Hoá tham gia sự nghiệp trung hưng của nhà Lê, được Trịnh Kiểm tin dùng, cho tham dự bàn bạc những việc chính sự. Do bất đồng ý kiến, có lần ông bị chúa Trịnh biếm đày ở Thành Nam (huyện Con Cuông, phủ Tương Dương, trấn Nghệ An). Đến khi Trịnh Tùng lên nắm quyền chúa, ông được tin dùng trở lại. Năm 1580, vua Lê chúa Trịnh mở khoa thi Hội ở hành tại Vạn Lại, ông đi thi và đỗ Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), được thăng chức Đô cấp sự trung, rồi đàm nhận nhiều việc khác. Khi vua Lê chúa Trịnh đánh đuổi nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, triều đình Lê – Trịnh về lại Thăng Long vào năm 1592 thì mấy năm sau, năm 1597, ông phụng chỉ làm chánh sứ sang nhà Minh cầu phong. Về nước, ông được thăng chức Tả Thị lang bộ Lại, tước Mai Lĩnh hầu; rồi được thăng Thượng thư, tước Mai Quận công. Sau đó, ông xin về trí sĩ tại quê nhà ở Phùng Xá khoảng sau năm Đinh Mùi 1607, lúc đã 80 tuổi.

Về thơ, ông để lại mấy tập thơ chữ Hán:

Ngôn chí thi tập là tên tác phẩm thơ do chính tác giả đặt và ghi lại trong bài Tựa viết năm 1586. Theo như lời Tựa, tác giả cho biết Ngôn chí thi tập là một tập thơ gồm các bài viết theo từng năm, cứ 10 năm thì đóng thành một tập.

Tập thơ hiện còn 5 tập, gồm những bài thơ viết từ 16 tuổi đến 61 tuổi, tổng cộng khoảng 260 bài. Trong đó có mấy bài từ và vài chục bài của bạn bè ở quê hương và quan lại đồng triều xướng hoạ với nhà thơ hoặc tặng tiễn nhà thơ đi nhậm chức. Tập thơ vừa có tính chất kỷ sự, vừa có tính chất trữ tình. Có thể xem tập thơ là tiếng nói chân thành và trung hậu của một sĩ phu có hoài bão và tâm huyết cùng niềm ưu ái khôn nguôi với dân với nước.

Mai Lĩnh sứ hoa thi tập là tập thơ đi sứ của Phùng Khắc Khoan sang nhà Minh Trung Quốc vào năm 1597 lúc ông đã 70 tuổi, với hàng trăm bài, được phân chia theo chủ đề hay sự việc cụ thể như: thơ tự xướng họa; thơ đề vịnh danh lam thắng cảnh trên đường đi sứ; thơ thù tặng với các nhân vật ở các địa phương mà đoàn sứ bộ đã đi qua, mang tên Bắc sứ đăng trình tự thuật thi (Thơ tự thuật trên đường đi sứ sang phương Bắc); những bài thơ mừng thọ vua Vạn Lịch nhà Minh có tên là Vạn thọ thánh tiết khánh hạ thi tập (Tập thơ mừng tiết vạn thọ của vua nhà Minh); và cụm thơ thơ xướng họa với dật sĩ, đạo nhân, quan lại Triều Tiên, Lưu Cầu (Nhật Bản) khi ông gặp các vị này tại dịch quán ở Trung Quốc.

Huấn đồng thi tập, theo Lê Quý Đôn thông tin trong Kiến văn tiểu lục thì tập thơ được Phùng Khắc Khoan viết năm Quang Hưng thứ sáu (1583), gồm 172 bài vịnh về thời tiết, khí hậu, cây cỏ, cầm trùng, mục đích viết ra là “để dạy bọn hậu sinh”. Hiện tập thơ không còn đủ, chỉ còn bài Tựa viết năm 1583 và khoảng 30 bài được chép trong các tuyển thơ chữ Hán thời trước.

Đa thức tập, còn khoảng gần 100 bài, tác giả thường lấy tên loài cây cỏ, những giống chim muông có trong Kinh Thi rồi vịnh thành thơ, tức viết về những kiến thức nông nghiệp nhằm phổ cập trí thức cho người đời. Lê Quý Đôn trong Toàn Việt thi lục có viết: “Đọc Kinh Thi thấy có tên các loài cỏ cây, chim muông, trùng cá, nhân lấy đó vịnh thơ đề tên là tập Đa thức”. Chính ngày xưa ngài Khổng Tử có nhận xét rằng xem Kinh Thi có thể “biết nhiều tên chim muông, cây cỏ” (đa thức cầm thú, thảo mộc chi danh). Điều đó có nghĩa, chính Kinh Thi là cội nguồn cảm hứng để Phùng Khắc Khoan đề vịnh mà hoàn thành tập thơ này.

Thơ Nôm có Lâm tuyền vãn là một bài vãn ca dài gồm 185 câu thơ lục bát được lưu hành và cố định trong văn bản Nôm Phụ sao Đào nguyên hành; cũng có thể đây là toàn văn hoặc một phần của tác phẩm Đào nguyên hành hay Ngư phủ nhập đào nguyên như nhiều học giả thế kỷ XVIII, XIX đã nói tới.

Trong các tập thơ của mình, Phùng Khắc Khoan đều có viết lời Tựa, Qua các bài Tựa đó, người đọc sẽ nhận thấy tư tưởng lý luận và quan niệm văn học của Phùng tiên sinh. Sau đây, bài viết sẽ giới thiệu những tư tưởng lý luận và quan niệm văn học của ông.

  1. Nội dung chính

2.1. Phùng Khắc Khoan bàn về phép làm thơ và cách đặt câu, dùng từ khi làm thơ cách luật

Trong bài Tựa Huấn đồng thi tập, Phùng Khắc Khoan đã nêu lên hai vấn đề quan trọng khi sáng tác một bài thơ cách luật thể bát cú Đường luật: một là, chỉ cách thức làm thơ; hai là, chỉ cách thức dùng từ đặt câu trong bài. Tác giả viết:

“Tôi nghe Phu Tử nói: “các trò sao không học thi văn?”, song thi văn đâu dễ các trò học đã được, ắt phải có bậc đại nhân lưu tâm đến văn mặc dạy cho đại thể thì mới được. Nay ta hãy tìm trong lời dạy làm thơ văn của người xưa. Chu Văn Công khi bàn về thơ văn có nói: “Người học làm thơ, phải lập ý trước, ý đã đúng rồi sau mới theo thể mà dùng”. Sách Thuỷ thiên cấm ngữ của Phạm Đức Ky ở Thanh Giang có viết: “Làm thơ trước hết phải lập ý, tựa như người làm nhà, khuôn thước hình thể, ắt phải chứa trong bụng, sau mới dùng đến búa rìu. Cách thức làm thơ như sau: câu phá đề hoặc mở bằng đối cảnh, hoặc bằng tức sự, hoặc dùng theo ý đầu đề, hoặc dùng ý liên hợp với đầu đề để làm. Câu mở cần đột ngột cao xa như gió cuốn, sóng dâng, khí thế ngập trời. Câu thứ ba thứ tư (hạm liên) hoặc tả ý, hoặc tả cảnh, hoặc chép việc, hoặc mượn việc để dẫn cũng cần liên kết với câu phá như hạt ngọc ở hàm con rồng lúc nào cũng ôm khư khư không bỏ. Câu thứ năm thứ sáu (cảnh liên) hoặc tả ý, hoặc tả cảnh, hoặc chép việc, hoặc dùng việc để dẫn chứng nhưng ý hô ứng với câu trên, tránh trùng lặp mà cần biến hoá tựa như tiếng sét bất thình lình xé tan quả núi, khiến người xem phải thảng thốt giật mình. Câu kết hoặc kết thúc theo đầu đề, hoặc mở ra một đường, hoặc nối với ý câu trên, hoặc dùng sự việc làm câu buông thỏng để tán đàn, y như con thuyền Diễm Khê đi về bến một cách tự nhiên”. Phạm tiên sinh còn nói: “Thơ cần trình bày có đầu mối, dụng ý sâu xa, luyện câu trang nhã, dùng chữ cho đúng, âm vang hưởng ứng xa vời. Câu kết lại càng khó. Ai làm thơ mà không có câu kết đẹp thì có thể thấy người đó tương lai tương lai không thành đạt trên con đường thi nghiệp”. Bàn về thơ, Chu Hối Am còn nói: “Hai câu đối nhau cho đẹp đẽ có thể dễ làm nhưng khó làm được câu kết hay”. Bạch Cư Dị nói: “Luyện câu không bằng luyện chữ, luyện chữ không bằng luyện ý, luyện ý không bằng luyện cách”. Hơn nữa trong thơ có cách khen mà ngầm ý chê, có cách chê mà ngụ ý khen, có cách hỏi trước đáp sau, có cách cảm đời nay nhớ đến đời xưa, có cách tạo ý trong câu một, lập ý trong câu hai. Thật là nhiều phép, khó có thể nói ra hết được. Thơ Bạch Cư Dị có ý trong ý ngoài. Còn như cách đặt câu thì theo Phạm tiên sinh có câu dùng lối vấn đáp, có câu trên ba dưới ba, có câu trên bốn dưới bốn, trên thưa dưới gọi, có câu trên gọi dưới thưa, có câu như gió đi mây theo, có câu đảo điên rối loạn, có câu nói ngược mà lẽ xuôi.

Theo phép làm thơ phải dùng chữ điêu luyện, cân đối, nghĩ chữ đối nhau trước đã rồi sau mới sáng tác cả câu, không nên nghĩ từng câu một. Sách Sa trung kim tập nói: “Phàm làm thơ phải dùng được tự nhãn (chữ quan trọng) thì thơ cứng cáp”. Lại nói: “tự nhãn là chữ có âm vang”. Phan Phần Chi nói: “Dùng chữ phải chọn chữ có âm vang đấy mới là chỗ dụng công”. Phép tự nhãn là dùng chữ biến ảo, đó cũng là phép ảo tự, ảo cú của Lỗ Công (Hoàng Đình Kiên). Lại có người dùng chữ mẫu tử để đặt câu, lại có người dùng hư tự để đặt câu, lại có người dùng điển trong kinh, trong sử để đặt vào ba chữ cuối của câu. Lại có người đặt câu như nối đầu mối với nhau, lại có người đặt câu lối gãy lưng ong. Ngoài ra, thể cách của các nhà thật là đa dạng, khó có thể trình bày hết được. Đây chỉ thuật lại sơ lược cốt cách làm thơ văn để khuyên dạy những kẻ hậu sinh đương trên đường trổ tài bay nhảy mà thôi.” (theo Kiến văn tiểu lục, bản dịch, Nxb KHXH, HN, 1977)[1].

Trong bài Tựa vừa dẫn, khi bàn về phép làm thơ, cách đặt câu dùng chữ Phùng tiên sinh chủ yếu là dẫn lại ý kiến của người xưa, mà khi dẫn lại ý của người khác tức có nghĩa là mình đã đồng tình với ý đó. Ở đây, theo Phùng tiên sinh, khi làm thơ có bốn vấn đề cần quan tâm:

Một là, khi làm thơ, trước hết phải lập ý (tìm ý), mà khi đã có ý xuất hiện trong suy nghĩ rồi thì sau đó mới chọn thể cách thơ đề làm: “Người học làm thơ, phải lập ý trước, ý đã đúng rồi sau đó mới theo thể mà dùng”, việc này chẳng khác nào như người thợ khi làm nhà, trước khi làm, trong đầu người thợ phải có dự tính về khuôn thước hình thể của ngôi nhà, khi đã hình dung xong dự án thiết kế, sau đó người thợ mới dùng đến búa rìu, tức mới dùng phương tiện để xây dựng.

Hai là, phải nắm thể cách làm thơ. Trong bài Tựa, tác giả chỉ nêu thể cách làm thơ cách luật, tức thơ bát cú Đường luật mà không bàn các thể cách khác, có lẽ bởi thơ cách luật là lối thơ thông dụng nhất, nhiều người thường dùng để sáng tác. Bài thơ cách luật có kết cấu bốn phần Đề, Thực, Luận, Kết, dù trong bài Tựa, Phùng tiên sinh không dùng các thuật ngữ này.

Ba là, phải biết cách đặt câu. Trong thơ cách luật, mỗi cặp câu có nhiệm vụ riêng của nó, mà người làm thơ cần phải nắm chắc đặc trưng thi pháp để đặt câu cho đùng.

Ở hai câu đề, theo ông, câu phá đề có nhiều cách mở: đối cảnh; tức sự; dùng ý theo đầu đề; dùng ý liên hợp với đầu đề. Mở đề cần phải cho hay, tức “đột ngột cao xa như gió cuốn, song dâng, khí thế ngập trời”, có như thế mới mở ra các ý tưởng cho các câu tiếp theo, và mới tạo được sự chú ý và lôi cuốn người đọc thơ.

Ở hai câu thực, ông gọi là ‘hạm liên’, đây là hai câu miêu tả, trình bày thực trạng của đầu bài, nhưng phải biết gắn kết với câu phá sao cho liền mạch về ý, nó ‘chẳng khác nào như hạt ngọc trong hàm rồng, lúc nào cũng ôm khư khư không bỏ’.

Ở hai câu luận, ông gọi là ‘cảnh liên’, đây là hai câu bàn bạc mở rộng ý của đầu bài và ý của câu thực đã trình bày, tức ‘hô ứng với câu trên’, phải ‘tránh trùng lặp mà cần biến hoá’, cốt làm sao ‘tựa như tiếng sét bất thình lình xé tan quả núi khiến người xem phải thảng thốt giật mình’.

Thông thường, trong một bài thơ cách luật, chủ đề của toàn bài đều được thể hiện trong hai cặp thực và luận này. Có điều tôi có băn khoăn là trong bài Tựa, Phùng tiên sinh đã dẫn lại lời bàn về thể cách của Phạm Đức Ky, mà lời bàn này có sự giống nhau về cách triển khai ý trong hai cặp thực và luận. Câu luận (câu 5 và câu 6) thay vì phải bản bạc, nghị luận về đầu bài, mở rộng ý của hâu thực, thì ở đây, bài Tựa qua lời dẫn lại văn của Phạm Đức Ky lại cho rằng hai câu này “hoặc tả ý, hoặc tả cảnh, hoặc chép việc, hoặc dùng việc để dẫn chứng”, thì theo tôi, nếu viết như thế thì hai câu luận có cùng nhiệm vụ như hai câu thực (tức miêu tả, trình bày thực trạng của đề), nghĩa là nó không khác hai câu thực là mấy, dù tôi rất đồng tình với các ý đã dẫn tiếp theo sau đó là phải ‘hô ứng với câu trên’, ‘tránh trùng lặp mà cần biến hoá’, cốt làm sao ‘tựa như tiếng sét bất thình lình xé tan quả núi khiến người xem phải thảng thốt giật mình’.

Nhìn chung, các cặp câu trong toàn bài thơ cách luật phải liên kết chặt chẽ với nhau ‘cần trình bày có đầu mối, dụng ý sâu xa, luyện câu trang nhã, dùng chữ cho đúng, âm vang hưởng ứng xa vời. Câu kết lại càng khó. Ai làm thơ mà không có câu kết đẹp thì có thể thấy người đó tương lai tương lai không thành đạt trên con đường thi nghiệp’. Thật đúng là ‘hai câu đối nhau cho đẹp đẽ có thể dễ làm nhưng khó làm được câu kết hay’.

Bốn là, phải biết cách dùng từ. Trong thơ cách luật, dùng từ là quan trọng nhất, bở dùng những ‘tự nhãn’ thì mới thể hiện được ý trong câu và trong toàn bài, chủ đề của bài mới bộc lộ rõ mà ngay từ đầu, sự chuẩn bị về lập ý đã có trước khi làm. Người sáng tác phải biết chọn từ thần, từ đắc, những chữ quan trọng thì mới thể hiện được cái hồn cốt của toàn bài ‘phàm làm phải dùng được tự nhãn thì thơ mới cứng cáp, mới có sức âm vang, từ đó, mới tạo nên ý và tứ của bài thơ. Đây là ‘chỗ dụng công’ của người làm thơ. Phong cách, các tính sáng tạo và bản lĩnh của nhà thơ có được là nhờ chỗ dụng công này. Khi làm thơ cần ‘dùng chữ điêu luyện, cân đối, nghĩ chữ đối trước đã rồi sau mới sáng tác cả câu, không nên nghĩ từng câu một’.

Theo Phùng Khắc Khoan, khi làm thơ cách luật thì ‘luyện câu không bằng luyện chữ, luyện chữ không bằng luyện ý, luyện ý không bằng luyện cách’ như Bạch Cư Dị đã từng phát biểu.

2.2. Phùng Khắc Khoan bàn về phong cách và giọng điệu thơ

Trong bài Tựa tập Ngôn chí thi tập, Phùng Khắc Khoan đã viết:

“Cái gọi là thơ thì không phải là láu lưỡi trong tiếng sáo, chơi chữ dưới ngòi bút, mà là để ngâm vịnh tính tình, cảm động mà phát ra ý chí nữa. Thế cho nên nếu chí mà ở đạo đức thì tất phát ra lời lẽ hồn hậu; chí mà ở sự nghiệp thì tất nhả ra khí phách hào hùng; chí ở rừng suối gò hang thì thích giọng thơ liêu tịch; chí ở gió mây trăng tuyết thì thích vẻ thơ thanh cao; chí ở nỗi uất ức thì làm ra lời thơ ưu tư; chí ở niềm cảm thương thì làm ra điệu thơ ai oán. Cứ xem thơ người xưa thì có thể thấy ngay được chí người xưa vậy”[2].

Theo Phùng Khắc Khoan, thơ phải là một nghệ thuật cao quý, người làm thơ phải phải có Tâm, với tấm lòng thành thật, tức làm thơ là “để ngâm vịnh tính tình, cảm động mà phát ra ý chí”. Như vậy, ông đã cho rằng “văn tức là người” (Les styles c’est l’homme) như Buffon ở Pháp và “văn học là nhân học” như M. Gorki ở Nga đã từng quan niệm, có điều trước đó rất lâu so với lúc hai nhà văn nổi tiếng này phát biểu như vừa trích thì Phùng Khắc Khoan đã từng khẳng định “cứ xem thơ người xưa thì có thể thấy chí người xưa ngay vậy”. Ông còn phủ nhận quan niệm cho rằng làm thơ phải là “láu lưỡi trong tiếng sáo”, “chơi chữ dưới ngòi bút”, tức ông phê phán sự dụng công thôi xao, gò văn gọt chữ của nhà văn khi sáng tác.

Trên cơ sở quan niệm ‘Thi ngôn chí’, Phùng tiên sinh đã chia thành sáu phong cách và giọng điệu thơ rất rõ ràng, khúc chiết: hồn hậu, khí phách hào hùng, liêu tịch, thanh cao, ưu tư và ai oán, mà mỗi giọng điệu thơ tuỳ thuộc vào cái chí của người làm thơ.

Một là, đối với người để chí ở đạo đức thì giọng thơ hồn hậu;

Hai là, đối với người để chí ở sự nghiệp thì giọng thơ khí phách hào hùng;

Ba là, đối với người ưa thích ẩn dật, để chí nơi gò hang rừng suối thì giọng thơ liêu tịch;

Bốn là, đối với người để chí ở gió mây trăng tuyết thì giọng thơ thanh cao;

Năm là, dối với người để chí ở nỗi uất ức thì giọng thơ cùng lời thơ ưu tư;

Sáu là, đối với người để chí ở niềm cảm thương thì giọng điệu thơ ai oán.

2.3. Phùng Khắc Khoan quan niệm văn chương phải có nhiệm vụ trao truyền tri thức văn hoá, tri thức cuộc sống cho người đọc

Với hai tập thơ Đa thức tậpHuấn đồng thi tập, người đọc dễ nhận thấy mục đích sáng tác của Phùng Khắc Khoan. Theo ông, làm thơ là để giáo huấn, để trao truyền tri thức văn hoá, tri thức khoa học cho người đọc, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Đa thức tập, như trên có giới thiệu, tác giả đã lấy tên những loài cây cỏ, những giống chim muông, trùng cá mà Kinh Thi có đề cập rồi đề vịnh thành thơ. Chính vỉ thế mà, tập thơ này đã đem lại cho người đọc nhiều tri thức về thực vật, về động vật, nói chung là về nông nghiệp, một lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên. Chính Khổng Tử từng nói “xem Kinh Thi có thể biết nhiều tên chim muông, cây cỏ” là vậy. Chẳng hạn, mở đầu tập Kinh Thi, có bài Quan thư “Quan quan thư cưu, Tại hà chi châu…” để ngầm ý so sánh với tình cảm vợ chồng cao cả, nghiêm túc, trong sáng của người quân từ, thì ở trong tập thơ này, Phùng Khắc Khoan đã miêu tả cụ thể hơn. Sau đây là bốn câu đầu của bài Thư cưu:

Trạng mạo phù ê nhược thị ban,

Dã nghi ư thuỷ bất nghi sơn (san).

Quan quan thường tại hà châu thượng,

Lưỡng lưỡng tương tuỳ hà phố gian…

(Dáng con chim thư cưu giống như con giang con sếu,

Chúng ưa vùng sông nước, không ưa vùng núi non.

Chúng kêu ríu rít ở bên bãi sông,

Từng đôi từng đôi bên nhau nơi bến sông…)[3].

Về cây và hoa, trong Đa thức tập, Phùng tiên sinh viết nhiều về các loài như lúa mạch (Mạch), lúa nếp (Thử), lúa tắc (Tắc), rau hạnh (Hạnh thái), cây cát luỹ (Luỹ), rau tần (Tần), rau tảo (Tảo), hoa sen (Hà hoa), cây mai (Mai), cây mận (Lý), cây trúc (Trúc) v.v.. với những miêu tả và nhận xét cụ thể. Nhờ thế mà người đọc khi tiếp xúc các bài thơ, có thể nhận biết được đặc trưng của chúng. Chẳng hạn đây là bài thơ viết về hoa sen (Hà hoa) với vẻ đẹp kiều diễm não nùng của nó chẳng khác nào vẻ đẹp của hai tuyệt thế giai nhân Tây Thi và Dương Ngọc Hoàn (Dương Quý Phi) ở Trung Quốc ngày xưa:

Thời duy thủ hạ thượng thanh hoà,

Bỉ trạch chi bi hoa hữu hà.

Tây Tử hiểu trang hồng ánh thuỷ,

Thái Chân tân dục bạch trửng ba.

Phong sinh các thượng thanh hương viễn,

Nguyệt mãn hồ trung phú quý đa.

Quân tử phương tri quân tử tháo,

Thưởng tâm ứng xướng Thuỷ tiên ca.

(Lúc đầu mùa hạ khí trời còn trong trẻo hoà dịu,

Ở góc đầm kia có hoa gọi là sen.

Tây Thi trang điểm lúc sớm mai, sắc hồng ánh xuống nước,

Thái Chân mới tắm xong, sắc trắng lắng trong làn sóng.

Gió nổi trên gắc, mùi hương thoang thoảng bay xa,

Trăng đầy trong hồ, cảnh phú quý thịnh vượng.

Bậc quân tử mới biết được tiết tháo của người quân tử,

Lòng thưởng thức phải hát lên bài Thuỷ tiên ca.[4]

Hoa sen có biệt hiệu là ‘Thuỷ tiên’. Người đời tôn vinh nó là ‘vị tiên ở dưới nước’, và đã làm bài hát mang tên là Thuỷ tiên ca để ca ngợi loài hoa này.

Huấn đồng thi tập, như nhan đề tập thơ cho biết, tác giả viết ra hơn một trăm bảy mươi bài thơ vịnh về thời tiết, khí hậu, cây cỏ, cầm trùng, với mục đích là “để dạy bọn hậu sinh”, nghĩa là nhằm trao truyền và phổ biến tri thức về khoa học tự nhiên cho thế hệ trẻ. Chẳng hạn, đây là một bài viết về thời tiết, bài Tam nguyệt (tháng ba), trích bốn câu đầu:

Thiên thời hữu tứ điệt chu tuyền,

Tối hiếu (hảo) kỳ duy tam nguyệt thiên.

Đào vũ sái tàn, hồng hạnh hoả,

Huệ phong xuy khởi, lục dương yên…

(Thời tiết có bốn mùa đắp đổi qua lại,

Đẹp thích hơn cả là trời vào khoảng tháng ba.

Mưa rẩy đào tàn, hồng hạnh đỏ như lửa,

Gió thổi huệ lên, dương liễu xanh tựa khói…)[5].

Còn đây là bài thơ của Phùng tiên sinh viết về cây chuối (Ba tiêu) với vài liên tưởng đầy ngụ ý thật thú vị:

Tài bồi chiếm đắc địa phì nhiêu,

Khốc ái đình tiền sổ hữu tiêu.

Dạ vũ đả song châu trích lịch,

Xuân phong nhập hộ phiến phiêu diêu.

Dưỡng tân đức nghĩa tâm trung mật,

Thuyết cựu công danh phận ngoại siêu.

Huống hựu nhuận tư sinh ý hữu,

Tử tôn kế xuất đĩnh cao tiêu.

(Vun trồng chiếm được khoảnh đất màu mỡ,

Yêu biết bao khóm chuối trước sân.

Lộp độp như giọt châu rơi, trong đêm mưa đập bên cửa sổ,

Phe phẩy tựa quạt mát, lúc gió xuân thổi vào cổng nhà.

Nuôi dưỡng cái mới, niềm đức nghĩa giữ kín trong lòng,

Bàn luận điều xưa, chuyện công danh vượt ra ngoài phận.

Huống hồ lại thấm nhuần sinh ý trời đất,

Con cháu kế tiếp nhau vươn cao ngọn.[6]

2.4. Phùng Khắc Khoan với quan niệm “Thi ngôn chí”

Quan niệm “Thi dĩ ngôn chí”, “Văn dĩ tải đạo” là quan niệm Thi học của đời Tống, Trung Quốc mà cha ông ta đã tiếp thu. Quan niệm này thường gặp ở bất kỳ nhà thơ nào thời trung đại ở nước ta. Có điều, tuỳ theo người tiếp nhận và phát ngôn thông qua các bài thơ, các lời Tựa, lời Bạt mà nhận thức về ‘cái chí’ ấy trong chừng mực nào đó ý nghĩa của nội hàm và ngoại diên có biểu hiện khác nhau. Có điều, cái chí không chỉ là cái chí hướng đơn thuần mang hàm nghĩa lý trí, lý tưởng, mà cái chí ở đây còn được hiểu là tấm lòng, là tình cảm của tác giả đối với hiện thực và cuộc đời.

Với Phùng Khắc Khoan, trong lời Tựa Ngôn chí thi tập thì ông quan niệm “Thi ngôn chí” chính là cái chí trượng phu, chí bình sinh, chí hành động nhập thế giúp đời. Ông viết:

“Ta đối với thơ, vốn thường có chí, tự xét tài không cao bằng người xưa, lời không tinh bằng người xưa, ở cõi đời chưa đủ để bình luận nhân vật xưa nay, ở cõi âm chưa đủ để kinh động quỷ thần, chỉ đem cái học kém cỏi bo bo, lời nói vụng về xốc nổi thì sao đủ đi tới chỗ thơ hay mà dự vào hạng nguyên suý ở Tao Đàn kia chứ? Tuy cái học hàng ngày tất nhiên là chưa từng lập được chí lớn, nhưng cái điều mà chí phát ra cũng có khi hiện ra ở thơ. Hết thảy những điều có được trong ngâm vịnh, tuy chưa đủ theo đuổi các nhà thơ hay một phần trong muôn phần, nhưng cái chí bình sinh cũng thấy rõ ở đấy”[7].

Với quan niệm “Thi dĩ ngôn chí”, có thể thấy cái chí của Phùng Khắc Khoan thể hiện trong tập thơ là cái chí hành đạo của một nhân cách hồn hậu, cứng rắn, lão thực. Đó là cái chí phấn đấu không mệt mỏi cho lí tưởng vì dân vì nước, là một niềm tin vào tương lai với một quan niệm sống tích cực, lạc quan.

  1. Tóm lại, có thể xem những lời vừa dẫn lại từ các bài Tựa chính là lời mà Phùng Khắc Khoan đã bàn về thơ, một dạng lý luận văn chương cổ, cụ thể là bàn về phong cách và giọng điệu thơ, về phép làm thơ cách luật, về cách dùng chữ đặt câu khi làm thơ, cùng khẳng định thơ chính là chỗ để người làm thơ bày tỏ chí hướng của mình và thơ phải có nhiệm vụ giáo huấn, trao truyền tri thức khoa học cho hậu thế. Đây là một quan niệm đúng đắn và mới mẻ, rất gần gũi với quan niệm lý luận văn học hiện đại ngày nay, dù quan niệm này, Phùng tiên sinh đã phát biểu cách đây gần sáu trăm năm! Thế mới biết, những tư tưởng lớn luôn luôn và bao giờ đều là những chân lý đúng đắn.

NCL

 

[1] Phùng Khắc Khoan, Tựa Huấn Đồng thi tâp. In trong Bùi Duy Tân (chủ biên), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 6, Nxb KHXH, HN, 1997, tr. 887, 888.

[2] Phùng Khắc Khoan, Ngôn chí thi tập tự, Đinh Gia Khánh dịch, in trong: Bùi Duy Tân (chủ biên),  Tổng tập văn học Việt Nam, tập 6, Nxb KHXH, HN, 1997, tr.817, 818.

[3] Gia tộc họ Phùng Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam, Phùng Khắc Khoan hợp tuyển thơ văn, Nxb Hội Nhà văn, HN, 2012, tr.577-578.

[4] Gia tộc họ Phùng Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam, Phùng Khắc Khoan hợp tuyển thơ văn, Nxb Hội Nhà văn, HN, 2012, tr.631-632.

[5] Gia tộc họ Phùng Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam, Phùng Khắc Khoan hợp tuyển thơ văn, Nxb Hội Nhà văn, HN, 2012, tr.540-541.

[6] Gia tộc họ Phùng Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam, Phùng Khắc Khoan hợp tuyển thơ văn, Nxb Hội Nhà văn, HN, 2012, tr.560-561.

[7] Phùng Khắc Khoan, Ngôn chí thi tập tự, Đinh Gia Khánh dịch, in trong: Bùi Duy Tân (chủ biên),  Tổng tập văn học Việt Nam, tập 6, Nxb KHXH, HN, 1997, tr.817, 818.