Phát huy truyền thống cha ông một lòng yêu quý sử nước nhà

 

Phan Huy Thanh là một thành viên dòng họ Phan Huy trên đất Sài Sơn , Quốc Oai, mảnh đất có di tích Chùa Thầy huyền bí và vô cùng hấp dẫn du khách, bởi núi non cảnh quan hữu tình   và  chứa đựng nhiều huyền thoại lịch sử.

       Ông yêu thơ và làm thơ từ rất sớm cho tới nay đi cùng với phong trào thơ ca quần chúng  cả nước, ông đã cho ra mắt nhiều tập thơ ca đáng kinh nể .Đời Kiều  là tập thơ do Hội Nhà văn ấn hành, Diễn ngâm Tam Quốc  do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. Lịch sử Việt Nam diễn ngâm do Hội nhà văn ấn hành . Nhưng đặc biệt lần này ông cho ra mắt tập thơ Sử Việt Thơ Đường do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. Tập thơ dày gần 300 trang. In ấn đẹp . Ngay lời tâm sự đầu cuốn sách ông viết “

 

DÙNG THƠ KỂ SỬ

 

Trải mấy nghìn năm dựng nước nhà

Thấm đầy công sức của dân ta.

Khi ngăn giặc đến giành non nước

Lúc chặn thù sang chiếm hải hà.

Vua sáng – rất nhiều ngài dũng cảm

Tôi hiền – quá lắm vị tài ba.

Dùng thơ kể sử là tâm nguyện

Để mọi người hay chuyện nước nhà.

 

Tiếp sau đó là gần 500 bài thơ theo thể Đường luật (Thất ngôn bát cú) và được chia làm hai phần : Phần I Đất Nước ta , Phần  II Những vị Vua và các Danh Nhân. Mỗi bài lại có những chú thích cần thiết. Đây quả là một công trình thơ ca rất công phu. Không những người viết phải tìm tòi nghiên cứu lịch sử, gắn liền với các Danh nhân , mà còn phải bỏ công ra nghiên cứu về từng nhân vật, để có những vần thơ rung động người đọc và cảm hóa lòng người. Trong đầu thế kỷ XXI  này phong trào nghiên cứu và làm thơ theo thể luật Đường đang nở rộ , đòi hỏi con người phải có tâm hồn cao thượng có tầm vóc tư duy trong sáng mới có thể nói là góp phần đưa di sản cha ông, những tinh túy của thể thơ “ bác học”  thăng hoa lên tầm cao mới , trong thời đại mới . Cái đáng trân quý từ ngòi bút của ông là rất coi trọng nghệ thuật sáng tác thơ luật Đường , coi trọng về vần điệu , chú ý về niêm luật , và đặc biệt cô đọng những tính cách  đặc trưng của các danh nhân và những nhân vật   gắn với thời  kỳ lịch sử  đó , cho tới những năm thời cận đại . – Chiến thắng Điện Biên Phủ – thời đại Hồ Chí Minh.

 Tóm lại được đọc cuốn Sử Việt thơ Đường của Phan Huy Thanh như lời thơ ông đã viết  đôi lời bộc bạch “ Để mọi người hay chuyện nước nhà” Xin cảm ơn Nhà thơ  và  chúc mừng sự thành công của ông , mong muốn đón nhận những tập thơ tiếp theo sâu sắc hơn nữa . Sau đây xin trích một chùm thơ trong tập :

Phần / Đất Nước ta :

TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM

       (Tung hoành trục khoán)

 

       “Đất nước tiên rồng nhanh phát triển

       Quê hương gấm vóc chóng thăng hoa”.

 

       ĐẤT đai màu mỡ – lắm phù sa

       NƯỚC tưới muôn cây tốt mượt mà.

       TIÊN mẹ ngàn phương trừ quỷ quái

       RỒNG cha vạn hướng đuổi tà ma.

       NHANH vươn bởi trẻ già đoàn kết

       PHÁT mạnh do nam nữ hợp hòa.

       TRIỂN vọng ngày càng thêm tiến bộ

       QUÊ HƯƠNG GẮM VÓC CHÓNG THĂNG HOA

 

NAM QUỐC SƠN HÀ

“Nam quốc sơn hà, Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

 

NAM  nhi tỏ rõ mối tâm tư:

QUỐC  thổ thiêng liêng quyết chẳng từ.

SƠN  tặng rừng vàng hoa – trái đủ

HÀ  trao biển bạc cá – tôm dư.

NAM  tài đấu trí – bày mưu tốt

ĐẾ  giỏi dùng binh – đánh trận cừ.

 trú đất này là hợp lẽ

TIỆT NHIÊN ĐỊNH PHẬN TẠI THIÊN THƯ.

 

NHƯ  Nguyệt xưa kia thành tích lạ

 Giang mới đó lập công cừ.

NGHỊCH  thù chớ có khoe tài quá

LỖ  tặc đừng hòng cậy sức dư.

LAI  vãng vùng trời – phang chả nể

XÂM  lăng mặt biển – nện không từ.

PHẠM  vào lãnh hải – muôn người đuổi

NHỮ ĐẲNG HÀNH KHAN THỦ BẠI HƯ.

 

TỔ QUỐC TA

 

Âu Cơ đẻ bọc trứng trăm con

Sự tích rồng – tiên mãi mãi còn.

Cha dẫn phần hai khai phá biển

Mẹ đưa một nửa dựng xây non.

Văn Lang thuở trước tình chung thuỷ

Nước Việt thời nay nghĩa vẹn tròn.

Trải mấy ngàn năm đều góp sức

Ngày càng phát triển rực vàng son.

 

DÂN TỘC VIỆT NAM

 

Dân ta vạn thuở quyết tâm đồng

Chiến đấu ngoan cường khắp biển Đông.

Dũng cảm ngăn thù – con nối bố

Hiên ngang đánh cá – vợ theo chồng.

Tiền nhân hợp sức giành bờ cõi

Hậu thế chung lòng giữ núi sông.

Đức tính xưa nay đều vậy cả:

Trung quân – ái quốc – vẹn tình nồng.

 

 Phần / Những vị Vua và các Danh Nhân :

 

TRUYỀN THUYẾT KINH DƯƠNG VƯƠNG

         (2919 TCN – 2792 TCN)

 

Nhàn rỗi – Đế Minh1 thích xuất hành

Gặp người thiếu nữ đẹp hơn tranh.

Vụ Tiên xinh xắn – ông tơ nối

Lộc Tục thông minh – đức Thánh2 dành.

Cha bảo: Tài cao – cần lập đế

Con xin: Ngôi báu – hãy nhường anh3.

Vua phong vương vị4 – ân cần nhắc:

Hãy giúp phương Nam mãi tốt lành.

 

 P/s :Đế Minh1: Vua Đế Minh là cháu ba đời của  vua   Thần Nông ở Trung Quốc.

Đức Thánh2: Đế Minh thấy con có đức tính  của  bậc Thánh nhân, muốn truyền ngôi vua cho.

Nhường anh3: Lộc Tục nhường Đế Nghi là anh trưởng được làm vua ở phương Bắc.

Vương vị4: Vua Đế Minh phong Lộc Tục làm Kinh Dương vương, thống lĩnh toàn bộ các vùng đất Việt ở phương Nam.

 

SỰ TÍCH LANG LIÊU

 

Chọn những đồ ngon ở tại nhà

Đâu cần phải kiếm chốn – nơi xa.

Dong xanh – lợn béo – giang mềm mại

Nếp trắng – đậu thơm – muối đậm đà.

Gói khéo trông vuông – vừa ý mẹ

Đun vừa nếm dẻo – hợp lòng cha.

Vua khen tài đức – nhường ngôi báu

Người giỏi cầm quyền – vững quốc gia.

 

SỰ TÍCH THÁNH TẢN VIÊN

 

Nghe tin kén rể – chọn tài ba

Sính lễ dâng lên đủ lụa là.

Phấn khởi – nhà vua trao gái ngọc

Vui mừng – công chúa gửi thân hoa.

Đắp đê chống lũ – dân no ấm

Đuổi giặc trừ yêu – nước thái hòa.

Đóng góp trọn đời cho Tổ Quốc

Danh thơm “Bất tử” – vạn đời ca.

 

 

VUA LÝ THÁI TỔ

LÝ CÔNG UẨN (974 – 1028)

 

Tiền Lê1 triều chính nổi can qua

Nội loạn – ngoại xâm – khổ mọi nhà.

Thay kẻ bạo tàn2 – danh vọng mãi

Dùng người hiền đức – tiếng vang xa.

Văn theo đạo Phật – hưng non nước

Võ thắng Tống triều – vượng quốc gia.

Diệu kế dời đô3 – muôn thủa sáng

Rồng bay – thế đất vạn đời ca.

 

 P/s :Tiền Lê1: Triều đại của vua Lê Đại Hành được sử sách coi là Tiền Lê để phân biệt với triều đại của vua Lê Thái Tổ (Hậu Lê).

Kẻ bạo tàn2: Vua Lê Long Đĩnh là kẻ bạo ngược, giết anh, giết quan dân vô số. Khi Lê Long Đĩnh chết đi, con là Lê Sạ còn quá nhỏ, nhà Tiền Lê đã mất hết uy tín nên Đào Cam Mộc cùng các triều thần tôn Lý Công Uẩn lên làm vua.

Dời đô3: Vua thấy đất Hoa Lư hẹp bèn dời đô về thành Đại La. Vì thấy rồng bay lên ở đó nên vua đổi Đại La thành Thăng Long.

  1. H. T.

  Xin được giới thiệu tập thơ với bạn đọc .

                                                 BBT