NHỚ NGÀY BÁC ĐI XA(2/9/1969) XIN GIỚI THIỆU BÀI VIẾT ” TIẾNG THƠ NỨC NỞ KHI BÁC ĐI XA”

TIẾNG THƠ NỨC NỞ KHI BÁC ĐI XA !

                      

  Tố Hữu, người Chiến sĩ, Nhà thơ cách mạng tiêu biểu. Bốn mươi năm trên chặng đường thơ của thi sĩ, từ tập” Từ ấy” đến ” Một tiếng đàn”, thơ Tố Hữu là một nguồn mạch lớn và quan trọng, tạo nên khuôn mặt rạng rỡ trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Trong nguồn mạch ấy, Tố Hữu có thơ sớm nhất, đẹp nhất, thu hút người đọc nhất, nhất là những bài thơ về vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới- Chủ tịch Hồ Chí Minh- Bác Hồ kính mến, thân yêu của nhân dân Việt Nam và thế giới, trong đó có bài ” Bác ơi”.

    ” Bác ơi”, là tiếng gọi, tiếng than khóc nén lòng, đầy xúc động, chan chứa tình thương mến và tiếc thương Bác Hồ vô hạn khi Người đi xa.” Bác ơi”, là tiếng thơ đậm phong vị thơ ca truyền thống hòa chất thơ hiện đại. ” Bác ơi”, là một giọng thơ nồng nhiệt, thống thiết, thiết tha, mặn mà, bao la hiếu nghĩa, sâu nặng ân tình người và ấm áp, lẫn với buốt lạnh tâm can, dào dạt tình mến thương. Nhà thơ  viết bài thơ này trong ngày Bác, người thân như máu mủ, ruột già đi xa. Với lời thơ ào ạt, dạt dào, xót xa, đau dớn, thắt lòng, trong mang nặng công ơn trời biển của Người. Toàn bài, đều là những dòng thơ 7 từ đầy dư ba, từ ngữ giản dị, trong trẻo, đầy nhạc điệu, thanh âm, hình ảnh, với những ngôn từ thân thuộc, và cách nhân hóa hiệu quả. Tất cả, có giá trị biểu đạt cao tình cảm nồng hậu, cao dày, tạo thành khúc bi ca đẫm lệ, thể hiện nỗi lòng, trong đau xé ruột gan, nhất là lúc

“đau tiễn đưa”,  nước mắt như ” trời tuôn mưa” của Nhà thơ và của mọi người, khi Bác đi xa.

     ” Bác ơi”, có sự biểu hiện rõ ràng đặc điểm nổi bật ở thơ Tố Hữu là, con người, sự việc, thời gian, địa điểm, cảnh vật đã diễn ra, đang diễn ra và tất cả cảnh vật thật ấy luôn hiện ra, được tác giả diễn tả bằng lời thơ chân chất, giản dị,  giàu âm điệu, tạo sự gần gũi cảnh và người, mà có ý nghĩa sâu xa và triết lý.

Ở” Bác ơi”, có nghệ thuật miêu tả tài hoa đó, nên có sức gợi, sức cảm, sức  nghĩ, có sự biểu đạt, biểu thị sự bi lụy cao độ, đến cao trào, và tuôn trào, trước sự kiện đầy cảm xúc, đầy tình cảm diễn ra, là Bác đi xa và với việc Bác đi xa. Tất cả hòa nhau, tạo sức lay động lòng người ở cấp độ mạnh, qua lời thơ ở dạng kể, từ lòng đau đớn, khi Nhà thơ coi mình như người học trò tìm về với người cha thân yêu, mà không còn, Người đã đi xa rồi:

   Chiều nay, con lại về thăm Bác                             

    Đó là, khi tác giả đang nằm viện, nghe tin Bác mất, đã tất tả vội về nơi Bác ở; vừa đi vừa nức nở, rã rời, buồn bã. Hôm ấy, Nhà thơ về và đi trong mưa rơi dầm dề cùng nước mắt đẫm lệ. Thật là, cảnh cũng như tình, như lòng người mà câu thơ tả thực đã họa đúng:

      Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa!

     Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!

                         …………..

  Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

  Người con về với người cha, mà người cha không còn. Cảnh cũng đã khác. Tất cả nơi ở của Bác giờ đều đã khác, rất vắng vẻ, im lặng, vắng lặng. 

Những câu thơ trên, là những câu tả thực, mô tả rõ, nói được, thể hiện được sự buồn bã, đau xót, tiếc thương không cùng, không nguôi trước Bác Hồ- Người đi tìm đường cứu nước, một “Người đi tìm hình của nước”, Người có và đã quyết tâm bằng được giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã đi xa. Tình cảnh này làm cho Nhà thơ thẩn thờ, ngẩn ngơ, bơ vơ, thấy mình côi cút khi không còn Bác, nhất là trong giờ phút bàng hoàng, tiếc thương, đau xé ruột khi Bác mất:

    Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa!

  Tiễn đưa Hồ Chủ tịch, một vĩ nhân, một ân nhân giàu nhân ái, một đồng chí chí tình, chí nghĩa, một con người huyền thoại vĩ đại, một tượng đài của tư tưởng vì dân, giải phóng dân tộc, là vẻ đẹp kỳ vĩ, là vàng son của 4000 năm lịch sử Việt

Nam hun đúc lại. Và là cả “một niềm thơ” của dân tộc, của nhân loại, của Tố Hữu, người học trò, người đồng chí gần gũi, thân thương với Bác lúc sinh thời. Do vậy, nhà thơ nhớ tất cả những đức tính quí giá, cuộc đời cao đẹp, tấm lòng tất cả vì dân, vì nước của Bác, và Nhà thơ rất suy tư, nuối tiếc, trở trăn…Bởi, tư tưởng, tình cảm, tác phong, cách ăn, ở, cho đến cái ăn, cái mặc giản dị, mộc mạc, đều là tấm gương, tấm lòng vì dân, vì nước của Bác, bây giờ cứ hiện lên, hiện lên và còn bên người đồng chí gắn bó, thân gần của Bác, nhất là:”vườn rau, gốc dừa, lối sỏi, thang gác, chuông nhỏ…Tất cả cảnh, vật…còn đó, mà Người đã đi xa rồi, xa mãi! Cảnh còn, vật còn, tình còn…mà Bác không còn ở đây, Bác đã đi xa mãi mãi mất rồi! Tất cả, đã làm Tố Hữu cất lên tiềng gọi trong nỗi đau vô hạn, tột cùng, khi Nhà thơ, cũng như mọi người, không thể ngờ đã mất Bác thật, khiến mọi người bật lên tiếng khóc than :

     Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!

Đây là tiếng kêu than vô vàn tiếc thương, tiếng gọi thảng thốt, xót xa, khi Bác đi xa, khi hàng ngày không còn”bóng Bác đi hôm sớm” “quanh mặt hồ in mây trắng bay”. Điều này, làm Tố Hữu quặn thắt lòng, đầy tâm trạng và đau xé ruột, gan, vì mất bác, mất người Chiến sĩ cộng sản kiên cường, ý chí sắt đá, tận tụy, tận tâm, tận lòng, làm quyết liệt trong mọi việc. Bác còn là người có cuộc đời thanh cao, vững chãi, phong độ, thư thái, mãi mãi đi vào tâm khảm mọi người, kể cả khi Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng. Tiếc thương người có tầm cao tư tưởng, trí tuệ, tình cảm như vậy, mà còn, khi đất nước đang cần, đang mong có Người ở với dân, với nước, tiếp tục phất ngọn cờ Cách mạng, tiếp tục chỉ đường hướng, dẫn bước toàn dân giành được những thắng lợi mới, trong niềm mong đợi, và phấn khởi trước tương lai rực rỡ của đất nước, của dân tộc:

  Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời

  Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội!

       Đó là tấm lòng nhân dân với Bác, là hy vọng hiện thực. Thế mà Bác đi xa, nên sự tiếc nuối là vô cùng, vô tận, bởi, nhờ công lao Bác,  nhân dân ta sắp toàn thắng,  miền Nam trong trái tim Người hoàn toàn giải phóng đã đến gần, mà toàn dân không được” rước Bác vào thăm”, để quân, dân miền Nam và cả nước được đón Bác, được” thấy Bác cười” với toàn dân, nhất là với dồng bào miền Nam anh dũng, đi trước, về sau, phải chịu nhiều nỗi thương đau.

   Vì thế, nhà thơ Tố Hữu, cũng như nhân dân cả nước rất buồn, trước mất mát to lớn này. Càng buồn, khi trong những năm gian khó tiếp, không còn Người đồng cam cộng khổ, mà khi thắng lợi, ngày thống nhất, lúc vinh quang, không phải chờ đợi lâu nữa, thì lại không có Người cùng vui mừng, cùng hưởng hòa bình, hạnh phúc với nhân dân. Điều này, làm người chiến sĩ cách mạng Tố Hữu nghĩ ngợi, suy tư rất nhiều, với chiều sâu xa hơn về cuộc đời Bác, tấm lòng Bác,

về hình ảnh Bác. Càng nghĩ  đến “tim Bác mênh mông thế “, và Người không giây phút “được thảnh thơi”, bởi ” năm canh, Bác không bớt nặng nỗi thương đời”, Bác luôn” ôm cả non sông, mọi kiếp người”, nhất là những thân phận khổ đau, những kiếp người nghèo khổ, lầm than, gian nan, hoạn nạn, bị chiến tranh…ở trong nước, ngoài nước. Bác thương nhất, lo nhất, và rất cụ thể, tỉ mỉ tới cả nhân loại, trong đó có đồng bào miền Nam, đang còn trong nanh vuốt giặc thù. Nỗi lo và thương của Bác mênh mông và đầy đủ, chu đáo với mọi tầng lớp, với mọi lứa tuổi, với mọi người, mọi quyền lợi, từ” tự do cho mỗi đời nô lệ”, đến” sữa để em thơ, lụa tặng già”. Tấm lòng cao cả, đôn hậu của Bác sâu xa, đằm thắm như thế, càng làm Tố Hữu và mọi người kính yêu, tiếc thương Bác vô hạn.

        Lòng yêu thương con người, thiên nhiên, đất trời, cảnh vật, hoa trái, cây cỏ và “từng ngọn lúa, mỗi cành hoa” của Bác rất sâu nặng,

bao la, cả không gian, thời gian, cả hôm qua, hôm nay, mai sau, với

” muôn mối như lòng mẹ”. Ai cũng thấy, cũng thấu hiểu thập ân công

 đức của Bác như tấm lòng người mẹ hiền từ, phúc hậu, luôn lo toan, nuôi dưỡng, chở che cho con cháu có cuộc đời vui, sống hạnh phúc.

   Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là người cha của mọi người, là Cha già của dân tộc, mà còn là  người cứu nhân độ thế cho bất kể ai, và cả cuộc đời này. Người  luôn suy nghĩ, làm việc vì con người;  đồng

thời làm việc miệt mài, cả những đêm sâu,trong những năm đầu khó khăn, gian khổ, kháng chiến đánh đuổi giặc Pháp, đến những năm dài gian khó chống Mỹ xâm lược, để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cho nhân dân thoát vòng nô lệ, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sung sướng

 Người không bao giờ nghĩ, làm lợi và hưởng quyền lợi riêng cho bản thân mình. Bình sinh, Người thường đi đôi dép cao su, vận bộ quần áo kaki cũ. Nơi ăn, chốn ở, cái ăn, cái mặc, đồ dùng, làm việc của Bác, đều đơn sơ, đạm bạc như người nông dân, công nhân. Công lao của Bác, không chỉ cao hơn núi, rộng lớn hơn biển, mà còn không gì có thể so sánh được bằng, mà một tấm Huân chương, Bác cũng không nhận. Đúng là:

                  Một đời thanh bạch, chẳng vàng son.

    Cuộc đời Bác đẹp, thơm như hoa giữa đời, cả loài người thán phục, khâm phục, cả thế giới ca ngợi, làm Nhà thơ và mọi người càng da diết nghĩ về Bác, càng cảm cảm động trước cuộc sống, tấm gương của Bác, làm con tim, cõi lòng mọi người cứ cất lên , rung lên bao lời về Bác quí yêu, kính mến:

  Bác để tình thương cho chúng con  

     Đó là tiếng lòng của mọi người với Bác, và mọi người đã khắc ghi một con người” mong manh áo vải hồn muôn trượng” mà “hơn tượng đồng phơi những lối mòn” trong tim, trong hồn mãi mãi.

    Bác đã dẫn đường, phất ngọn cờ để đất nước Việt Nam có tên, sáng tên trên bản đồ thế giới, và con người Việt Nam đứng lên thành những anh hùng. Trong dân tộc anh hùng, Bác là người anh hùng sáng ngời nhân phẩm, nhân cách, và vĩ      đại ở tư tưởng, ở tư duy, ở tinh thần và tài tình lãnh đạo cách mạng…Tất cả, không thuộc về quá khứ, mà dưỡng đời thời hiện đại, định hướng cho tương lai, qua cuộc đời, tình cảm, tấm lòng của một con người vĩ đại, đẹp đẽ từ lúc sinh thời, và cả khi đã chết, vẫn còn đời đời sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân loại toàn cầu.

    Như thế, bài thơ “Bác ơi”, đúng là tiếng lòng của Nhà thơ Tỗ Hữu, là tiếng nói của người chiến sĩ cách mạng, cũng như của nhân dân Việt Nam, khẳng định vĩnh hằng con người, cuộc đời vĩ đại của Hồ Chủ tịch sáng mãi, còn mãi với dân tộc Việt Nam, với nhân loại trên bốn biển-năm châu.

   ” Bác ơi”, là bài thơ không chỉ toát lên nỗi đau đớn, tiếc thương người cha già kình yêu, mà tự nhiên công đức người hiền cứ hiện lên, được kể ra một cách chân thành, trân trọng, diết da qua từng câu thơ, khổ thơ…từ lòng, của lòng người con hiếu nghĩa với người cha đáng kính, rất trọng, đã mang lại đời sống đáng sống cho mọi người Việt Nam, cho đấu tranh của nhân loại và hòa bình thế giới.

    Bài thơ ” Bác ơi”, là tiếng thơ đằm

 thắm, thiết tha, xót xa, trong tang

thương, tang gia mà tỉnh táo, toát lên lời nói, việc làm theo đạo vì nước, vì dân, vì những người cần lao của Người, như trong Di chúc của Người. Nên, từ nhớ, tiếc thương Bác, mà lòng Nhà thơ và mọi người luôn nghĩ là phải” trong sáng hơn” và phải” cùng nhau tiến lên”,”vươn tới mãi”, để tất cả ” vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của Bác và của toàn dân tộc.

   Bài thơ” Bác ơi”, là tiếng khóc than thảm thiết, tiếc nuối, nhớ thương Bác, người đã” theo tổ tiên”, theo” Mác- Lê Nin, thế giới người hiền”. ‘Bác ơi” cũng là niềm tự hào về Bác, về công lao của Bác, và những hứa hẹn, và tự nhắc nhở quyết tâm của mọi người trước vong linh Người. ” Bác ơi”, còn là lời biết ơn, là bó hoa thơm của người con cách mạng trung nghĩa, thảo hiền, cũng là của nhân dân mọi miền dâng viếng Bác Hồ, vị lãnh tụ huyền thoại, vĩ đại, sống mãi, đẹp mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới../.

                                                         Nguyễn Tiến Bình 

                                                      Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội-

                                                         Hội viên CLB Hội Nhà báo Việt Nam