Nhân Ngày 20/10 xin giới thiệu bài Viết NHÂN VẬT NỮ TRONG CẢM HỨNG THƠ ĐỜI HỒNG ĐỨC – PGS.TS. Đoàn Thị Thu Vân
Triều đại Lê Thánh Tông (1460 – 1497), đặc biệt dưới niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497) là một thời đại cực thịnh của Nho học, nhưng không vì thế mà những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà tính nhân văn của dân tộc bị lấn át, phai mờ. Trong hoàn cảnh sinh trưởng và lên ngôi khá đặc biệt, để củng cố cho vương vị và tư cách “chân mệnh thiên tử” của mình, Lê Thánh Tông đã sáng tác nhiều thơ khẩu khí và tạo ra cả một trào lưu xướng họa thơ ca xiển dương giềng mối Nho gia, trong đó tâm điểm là mối quan hệ vua tôi với hình ảnh “minh lương” (minh quân lương thần). Để thu phục lòng dân và giúp vương triều bền vững, nhà vua cũng luôn tự nhắc nhở mình phải chuyên cần việc nước, không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện phẩm chất với mong ước đạt đến một triều đại lý tưởng có “quân minh thần trung”, đất nước thái bình, nhân dân no ấm. Bài thơ nôm Tự thuật của Lê Thánh Tông đã thể hiện chí nguyện đó:
“Lòng vì thiên hạ những sơ âu,
Thay mệnh trời, dám trễ đâu.
Trống dời canh, còn đọc sách,
Chiêng xế bóng, chửa thôi chầu.
Nhân khi cơ biến xem người biết,
Chứa thuở kinh quyền xét lẽ mầu.
Mựa biểu áo vàng chăng có việc,
Đã muôn sự nhiệm trước vào tâu.”[1]
Tuy nhiên, bên cạnh mảng thơ ca quan phương ca ngợi vương triều và cảnh thái bình no ấm, hội Tao Đàn của nguyên súy Lê Thánh Tông còn có bộ phận không nhỏ thơ ca cả Nôm lẫn Hán ca ngợi cảnh đẹp bình dị của làng quê hay cảnh đẹp hùng vĩ của non sông nước Việt (làng Chế, núi Thần Phù, kênh Trầm, vụng Bàn Than, sông Bạch Đằng, chùa Non Nước…). Đặc biệt, trong tác phẩm của vua Lê Thánh Tông và các văn thần thời ông còn có những bài thơ vịnh các nhân vật nữ, trong đó các nhà thơ bộc lộ quan niệm và tình cảm của mình dành cho nhân vật, cho cuộc đời và tình yêu của họ, đồng cảm, sẻ chia với những số phận bất hạnh và những bất công trong cuộc sống mà họ phải gánh chịu. Số nhân vật nữ trong tác phẩm của Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn bao gồm cả những nhân vật lịch sử và nhân vật truyền thuyết, anh vật anh thư và nhân vật đời thường, nhân vật nước ta và nước khác, có thể kể ra như sau:
- Bà Trưng
- Bà Triệu
- Chế Thắng phu nhân (Nguyễn Thị Bích Châu)
- Mỵ Ê
- Điêu Thuyền
- Chiêu Quân
- Lăng mẫu
- Vũ Thị Thiết
- Các cô gái ở Lý Nhân
- Cô gái bị chồng bỏ
- Chức Nữ
- Hằng Nga
- Tiên Nữ
- Nổi bật trong thơ ca đời Hồng Đức viết về các nhân vật nữ là cảm hứng ngợi ca. Với những nhân vật anh thư nữ kiệt như Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Thị Bích Châu, tác giả thể hiện tấm lòng vừa ngưỡng mộ, vừa tự hào về anh tài đất Việt:
“Tô Định bay hồn vang một trận,
Lĩnh Nam mở cõi vững trăm thành.
(…) Còn nước, còn non, còn miếu mạo,
Nữ trung đệ nhất đấng tài danh.”
(Trưng Vương)
“Họp chúng rừng xanh oai náo nức,
Cỡi đầu voi trắng tiếng vang lừng.”
(Triệu Ẩu)
đồng thời cảm phục, thương tiếc bậc nữ lưu dũng cảm quên thân vì nước:
“Bản thị Hy Lăng[2] cung lý nhân,
Lâm nguy vị quốc độc vong thân.
Yêu phong nhất trận đào hoa lãng,
Xuân mộng tam canh đỗ nhược tân.
Hàn thủy vô đoan mai Sở phụ,
Hương hồn hà xứ điếu Tương quân.
Cương thường vạn cổ ưng vô quý,
Từ hạ thư cưu hư thủy văn.”
(Vịnh Chế Thắng phu nhân[3])
(Tạm dịch thơ:
Hiền phi thuở trước của vua Trần,
Vì nước lâm nguy chẳng tiếc thân.
Sóng dập hoa đào cơn gió dữ,
Bến còn cỏ ngát mộng đêm xuân.
Hồn thơm đâu nẻo sầu Tương phụ,
Sông lạnh vô tình lấp Sở quân.
Vạn cổ cương thường không hổ thẹn,
Dưới đền chim nước tiếng nghe vang.)
Lòng cảm phục không chỉ dành cho những người phụ nữ lỗi lạc trong lịch sử nước nhà mà còn cho những tấm gương trung trinh tiết liệt của nước người. Tấm lòng khảng khái của bà mẹ Vương Lăng khi bị Hạng Vũ bắt để uy hiếp Vương Lăng phải bỏ Hán đầu Sở được Lê Thánh Tông hình dung trong bài thơ Lăng mẫu tiễn sứ giả với lời gửi gắm “Mệnh thiếp già này bao nỡ tiếc/ Về thì khuyên nó nghĩa quân thần”. Sự quyên sinh để giữ trọn lòng thủy chung son sắt của vương phi Mỵ Ê nước Chiêm Thành cũng được nhà vua dành cho những lời khen tặng chân thành, nồng nhiệt:
“Thờ chúa, thờ chồng hết tấc thương,
Một mình lọn đạo việc cương thường.
(…) Dòng bạc thề cùng thu có nguyệt,
Sử xanh chép để bút còn hương.”
(Vịnh Mỵ Ê)
Sự ngợi ca này cho thấy quan niệm đúng đắn và thái độ nhân văn của tác giả: những giá trị văn hóa cao đẹp không có sự phân biệt cương thổ hay chiến tuyến, nó đáng được tôn vinh và sẽ tồn tại vĩnh hằng.
- Bên cạnh cảm hứng ngợi ca về các anh thư, liệt phụ là cảm hứng thương cảm dành cho những nhân vật nữ có số phận bất hạnh. Cảm hứng này thường song hành với cảm hứng phê phán đối với tác nhân gây nên những cảnh đời bất hạnh ấy.
Điều đáng nói là trong không ít sự bạc phận của nhân vật nữ, nguyên nhân chủ yếu đến từ nam giới. Đó là những ông vua bất minh, những người chồng bất trí, hoặc quan niệm “tam tòng” cố hữu đã như cái vòng kim cô thít chặt lấy thân phận phụ nữ ngàn đời. Cảm thương cho tình cảnh bi kịch của những người phụ nữ ấy, các tác giả đã vừa sẻ chia, an ủi, vừa lên án những người đàn ông vô tình và bạc tình. Khi đi qua miếu Vũ Nương, Lê Thánh Tông đã có đến hai bài thơ thương cảm người thiếu phụ Nam Xương, đồng thời trách móc người chồng hồ đồ đến trở thành nhẫn tâm ấy:
“Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ,
Cung nước chi cho lụy đến nàng.
(…) Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.”
(Miếu vợ chàng Trương)
“Cách trở bấy lâu hằng giữ phận,
Hiềm nghi một phút bỗng vô tình.
(…) Dầu nhẫn ai ai qua đến đấy,
Thương nàng hòa lại trách Trương sinh.”
(Hoàng Giang điếu Vũ Nương)
Với người thiếu phụ bị chồng bỏ, nhà thơ đã nói hộ nàng lời tâm sự – nhắc lại lời thề, khẳng định lòng chung thủy:
“Chàng hỡi hai ta nghĩa đã cân,
Thốt thề chẳng hổ với linh thần.”
mặc cho ai kia “Mây nước, dạ chàng dầu bạc nghĩa”, nhưng riêng mình “Cỏ hoa, lòng thiếp hãy còn xuân”. Lời trách móc của nàng nhẹ nhàng nhưng thật sâu sắc, thấm thía:
“Biết đâu đã dễ hơn đâu nữa,
Mà trọng tân nhân phụ cựu nhân.”
(Đáp thơ “Chồng bỏ”)
Nàng Chiêu Quân nhà Hán bị đem cống cho vua Hồ vì vua tôi nhà Hán bất lực không đương cự nổi giặc dữ. Lời thơ phê phán các quan văn võ trong triều nhưng không thể không thấy thấp thoáng đàng sau đó là hình ảnh một ông vua bất tài chấp nhận đem người vợ yêu của mình dâng nạp cho kẻ khác và một triều đình nhu nhược, tất cả trượng phu đều co rút, run sợ, phải đẩy một liễu yếu đào tơ ra làm vật hy sinh:
“Mắt thấy thư Hồ, văn vỡ mật,
Tai nghe nhạc Bắc, võ run gan.
(…) Vực nước ví dầu tài Vệ, Hoắc,
Tanh hôi chi để lụy hồng nhan.”
(Vương Tường oán triều đình)
Còn với nhân vật Điêu Thuyền thời Tam quốc, mặc dù nàng đã hy sinh danh tiết chấp nhận gả cho hai người chồng để thực hiện mưu của Vương Tư đồ diệt trừ nghịch tặc cứu nguy nhà Hán, nhưng người đời vẫn phủ nhận công lớn ấy mà rẻ khinh phẩm giá của nàng, bởi quan niệm Nho gia “Liệt nữ bất giá nhị phu” đã ăn sâu vào tâm thức họ. Lê Thánh Tông đã dõng dạc chiêu tuyết cho Điêu Thuyền, tôn vinh công giúp nước của nàng không thua kém những đấng anh hùng vệ quốc:
“Gươm phấn quét không loài Đổng, Lữ,
Dao vàng đem lại Hán sơn xuyên.
Bới lông mựa nỡ tìm nơi vết,
Cũng có khi kinh, cũng có quyền”
(Vịnh Điêu Thuyền)
Đưa ra quan niệm “ngộ biến tùng quyền” linh hoạt và hợp lẽ, nhà thơ đã rửa sạch tiếng nhơ cho nhân vật, đồng thời phê phán những kẻ không làm được gì mà chỉ giỏi “bới lông tìm vết” người khác.
- Không chỉ có cảm hứng từ những nhân vật lịch sử có thật, các tác giả Hồng Đức quốc âm thi tập còn nghĩ về những nhân vật truyền thuyết, mường tượng họ cũng có trái tim yêu nồng nhiệt sâu sắc như con người trần gian, tình yêu của họ cũng có hạnh phúc, trắc trở, hợp rồi tan với đủ cung bậc mong đợi, nhớ nhung, sầu não… Cảm hứng tình yêu đôi lứa đã cất lên tiếng nói tha thiết trong không ít bài thơ về những nhân vật nữ với cuộc tình huyền thoại thấm đẫm chất thơ của họ.
Họ là ả Chức bên sông Ngân hà ngóng đợi chàng Ngưu:
“Một mình vò võ chốn Hà đông,
Nhớ khách đầy vơi luống những trông.”
(Chức Nữ nhớ Ngưu Lang)
Trong xa cách, nàng ngày ngày trải lòng lên gấm, dệt những đoạn sầu:
“Thơ bày chữ gấm ngàn hàng thảm,
Cửi mắc thoi vàng mấy đoạn sầu.”
(Lại bài Chức Nữ nhớ Ngưu Lang)
Và để an ủi những tháng ngày cô đơn đằng đẵng, nàng gượng vui nghĩ đến đêm thất tịch với thời khắc tương phùng ngắn ngủi:
“Gẫm thấy một thu là một họp
Còn hơn kẻ chực Quảng Hàn cung”
(Chức Nữ nhớ Ngưu Lang)
Đây quả là tâm trạng thường tình của bao người phụ nữ thế gian: được sum họp với người yêu thương là hạnh phúc tối thượng, hơn cả làm chủ ngôi cao hay được thuốc trường sinh bất tử.
Họ là những tiên nương có duyên hạnh ngộ cùng Lưu Thần, Nguyễn Triệu nhưng duyên tiên ngắn ngủi, nợ trần nặng mang khiến hai chàng nhớ nhà muốn về thăm và từ đó họ chia biệt mãi. Buổi tiễn đưa xiết bao bùi ngùi, lưu luyến:
“Ngập ngừng miệng thốt châu sa lệ,
Dìu dặt tay cầm nắng xế trưa…”
(Tiên nữ tiễn Lưu Nguyễn, bài 2)
Lời dặn dò bạn tình cho thấy niềm khao khát yêu đương, khao khát thủy chung trọn tình vẹn nghĩa của tiên nữ chốn Đào Nguyên cũng không khác gì người phụ nữ thế gian:
“Nước non thiếp chẳng quên niềm cũ,
Ân ái chàng tua nhớ nghĩa xưa.”
(Tiên nữ tiễn Lưu Nguyễn, bài 4)
Và mặt trăng vừa được hình dung là hiện thân, đồng thời là nơi trú ngụ của Hằng Nga, một tiên nương tuyệt sắc gieo bao cảm hứng cho thi nhân, cũng được các nhà thơ đời Hồng Đức hóm hỉnh trêu đùa:
“Cày cạy nàng nào khéo hữu tình,
Mặt làu làu, vóc thỏ thanh thanh.”
(Nguyệt, bài 10)
“Từ ngày gặp được thuốc đan sa,
Chiếm Quảng Hàn cung làm cửa nhà”
(Hằng Nga nguyệt)
Chủ nhân cung Quảng Hàn được tưởng tượng vừa xinh đẹp vừa hữu tình, đêm đêm bất chấp lệnh cấm đoán của Thượng Đế mà ghé đến thăm người tri kỷ:
“Thượng đế tuy hay nghiêm cấm đoán,
Có đêm lởm thởm đến phòng ta.”
(Hằng Nga nguyệt)
- Hình ảnh người phụ nữ xuất hiện trong thơ đời Hồng Đức khá đa dạng, từ cô Tuyết trong xóm tình cờ ghé qua cuộc nhàn đàm của bốn anh cày ruộng, đốn củi, đánh cá, chăn trâu:
“Cắp cầm con Tuyết tình cờ đến,
Bỏ nón, lùi chân, khặc khặc cười”
(Tứ thú tương thoại)
đến các cô gái xinh tươi, rộn rã nói cười bên suối ở Lý Nhân:
“Cao đường xuân cận vũ phong hàn,
Tần nữ Yên cơ tiếu ngữ hoan.
Khê thượng thiên hồng phương tứ noãn,
Du phong vô ý bất tương can.”
(Lỵ Nhân nữ sĩ)
(Tạm dịch thơ:
Xuân về đê lạnh gió mưa bay,
Cười nói, bao nàng xinh đẹp thay.
Bên suối ngàn hoa hơi ấm ngát,
Ong khéo vô tình chẳng ghé chơi.)
Bóng dáng người phụ nữ còn hiện lên qua hình thế núi non, như núi Quả Sơn gợi hình dung cô gái không chồng đứng cô đơn:
“Hòn đá ai đem đặt giữa đồng,
Mỹ miều thiếu nữ lựa người trông.
(…) Tới nay tuổi đã bao nhiêu tá?
Chành chạnh bền gan chửa lấy chồng.”
(Quả Sơn)
hay núi Ngọc Nữ gợi hình ảnh cô gái xinh đẹp với khí chất tinh anh khác thường:
“Trấn Nam minh, nẻo thuở xưa,
Xuân thu đã mấy, có chồng chưa?
Dồi thức bạc khi sương rụng,
Thoảng mùi hoa thuở gió đưa.
Gương mượn trăng soi mầu lại tỏ,
Tóc khoe mây vén, nhặt thì thưa. (…)”
(Ngọc Nữ sơn)
Tượng Bà Banh lại là hình ảnh người phụ nữ gọi cảm và tràn đầy sức sống:
“Miệng cười hơn hớn hoa in nhụy,
Má đỏ hồng hồng tóc vén mây.”
(Tượng Bà Banh)
Có thể bắt gặp ở đây cũng như ở bài Cây đánh đu, Kênh Trầm những hình ảnh, đường nét, động thái được phô bày dưới góc nhìn hóm hỉnh, bút pháp tạo hình, chơi chữ (từ láy, nói lái…) hao hao như ở thơ Nôm Hồ Xuân Hương sau này. Chữ nghĩa trong thơ Nôm đời Hồng Đức có sức biểu cảm cao, đặc biệt là với những từ láy tượng hình, tượng thanh xuất hiện với tần số khá dày đặc như hơn hớn, khặc khặc, khom khom, lún phún, lăm tăm, lồng lộng, chênh chênh, lườn lượn, hây hây, thắc thẻo, thung thăng, lởm thởm, chấp chới, lạt sạt, thánh thót… Số từ láy phong phú này một mặt cho thấy khả năng biểu đạt tinh tế của thơ Nôm mang hơi hướng dân gian tươi tắn, sống động ở thế kỷ XV. Mặt khác, yếu tố ngôn ngữ ấy cùng với lối thơ Đường luật biến thể thất ngôn xen lục ngôn linh hoạt, sáng tạo, đã khiến cảm hứng nghệ thuật nơi các nhà thơ đời Hồng Đức được bay bổng tự do, sảng khoái và mang nét cá tính riêng đậm đà bản sắc dân tộc. Điều này cũng góp phần không nhỏ trong việc tả, vịnh các nhân vật nữ và tâm tình của họ, cũng như biểu đạt cảm xúc của nhà thơ dành cho họ.
Việc dành một chỗ đứng không nhỏ cho người phụ nữ trong thơ ca với sự quan tâm sẻ chia, cảm thông, trân trọng cho thấy thế kỷ XV, thế kỷ của Nho học thịnh hành, không chỉ có kỷ cương, đạo lý thánh hiền trong văn chương các nhà Nho, mà bên cạnh đò, còn dào dạt một cảm hứng thấm đẫm tình người với sự bao dung, thấu hiểu. Cầm quân đi đánh giặc xa nhà, Lê Thánh Tông từng đồng cảm với tâm trạng sầu nhớ quê nhà, vợ con của tướng sĩ, bởi chiến chinh, chia lìa là điều không ai mong muốn:
“Mai lạc ngũ canh tăng viễn hận,
Sầu lai nhất nhật tự tam thu”
(Tư gia tướng sĩ)
(Tạm dịch thơ:
Mai rụng năm canh hờn cách biệt
Sầu giăng một buổi tựa ba năm)
Thái Thuận thì thương cảm cho người chinh phụ vò võ trông chồng với nét xuân thì ngày càng phai úa:
“Tái bắc vân trường cô nhạn ảnh
Giang nam xuân tận lão nga mi”
(Chinh phụ ngâm)
(Tạm dịch thơ:
Ải bắc mây giăng mờ bóng nhạn
Sông nam xuân cạn úa mày xanh)
Giá trị nhân văn sâu sắc của thơ Đường luật đời Lê Thánh Tông viết về người phụ nữ và tâm tư, cuộc đời của họ đã góp phần minh chứng không phải Nho học đã đưa triều Lê ở thế kỷ XV lên đỉnh cao của thời phong kiến tự chủ, mà chính là tinh thần dân tộc, văn hóa dân tộc đã uốn nắn, mài giũa những khắt khe của tư tưởng Nho gia với quan niệm “Trọng nam khinh nữ”, “Chồng chúa vợ tôi”…, khiến cho nó trở nên uyển chuyển, phù hợp nhân tình, hợp lẽ công bằng theo nguyện vọng của người dân, từ đó làm nên sự khởi sắc của thời đại. Thơ ca cung đình thời Lê Thánh Tông mang giá trị nhân văn thể hiện chính trị của triều đại là một nền chính trị lành mạnh, hợp lòng dân, trên cơ sở đó kiến tạo được một nội lực dân tộc vững mạnh, mang lại thái bình và thịnh vượng. Xem thơ văn có thể biết được một thời đại – Nho học thời Lê sơ (thế kỷ XV) chính là dạng Việt Nho đã được tiếp biến một cách chọn lọc và khéo léo vừa giúp ích cho chính sự của thời đại mới, phù hợp với xu thế lịch sử, vừa kết hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc để xây dựng một nền đạo đức xã hội giàu giá trị nhân văn. Những bài thơ về các nhân vật nữ cũng chính là những đóng góp đặc sắc, tô điểm thêm nét tươi tắn và cảm xúc trữ tình mềm mại, tinh tế cho thơ Đường luật của thế kỷ XV.
Đ. T. T. V.