NGỌT LỊM…ĐƯỜNG . Bài viết của Ngọc Thanh – Hà Nội

 

NGỌT LỊM…ĐƯỜNG

                                                Ngọc Thanh                          

                                                          (THPH Nguyễn Du – Thanh Oai – Hà Nội)

 

Với gần 300 năm tồn tại và phát triển, triều đại nhà Đường (năm 618 – 907) là một trong những triều đại thịnh trị lâu dài bậc nhất trong lịch sử của đất nước Trung Quốc rộng lớn. Nhưng điều đặc biệt để lại danh tiếng của triều đại này, chính là nền văn học vĩ đại, một thời kì hoàng kim trong lịch sử văn học Trung Hoa, mà thơ Đường là một thành tựu hết sức to lớn, rực rỡ, đã sản sinh rất nhiều cây đại thụ như Đỗ Phủ, Lí Bạch, Bạch Cư Dị, Mạnh Hạo Nhiên, Trương Kế, Vương Xương Linh, Đỗ Mục, Thôi Hiệu, Vương Duy… với những “siêu phẩm” bất hủ.  Ngay từ khi còn nhỏ, mới học lớp vỡ lòng, tôi đã thấy cha tôi chép, dịch và đọc thơ Đường. Những là “nguyệt lạc, ô đề,…”, “khuê trung thiếu phụ…”, rồi “triều hồi nhật nhật điển xuân y…” và “yên lung hàn thủy nguyệt lung sa”…Chỉ nghe, thấy hay hay, thinh thích, rồi thuộc, thế thôi. Có khi tên tác giả, tác phẩm cũng không nhớ nữa. Sau này lớn lên, theo nghề dạy Văn, đi sâu tìm hiểu, mới thấy giá trị của nó. Xin giới thiệu mấy bài thơ “chính hiệu” đời Đường hay và bản dịch cũng hay để ta cùng nhấm nháp, thụ hưởng vị “ngọt lừ, ngọt lịm” của loại “ Đường xịn”, “mác” Trung Hoa :                                    

  1. PHONG KIỀU DẠ BẠC

 

Phiên âm:                     

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,

Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.

Cô Tô thành ngoại, Hàn San tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

                                           Trương Kế

 

Dịch thơ:              ĐÊM ĐỖ THUYỀN Ở PHONG KIỀU

 

Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,

Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

                                                          K.D dịch

 

  1. THU PHỐ CA

 

Phiên âm:                     

Lô hỏa chiếu thiên địa,

Hồng tinh loạn tử yên.

Xá lang minh nguyệt dạ,

Ca khúc động hàn xuyên.

                                           Lí Bạch

 

Dịch thơ:    BÀI CA THU PHỐ

Lửa lò rực trời đất,

Khói tía nhảy tia hồng.

Má đỏ bừng trăng sáng,

Tiếng hát động dòng sông.

                                     N.K.P dịch

 

 

  1. TẶNG UÔNG LUÂN

Phiên âm:

Lí Bạch thừa chu tương dục hành,

Hốt văn ngạn thượng đạp ca thanh.

Đào Hoa đàm thủy thâm thiên xích,

Bất cập Uông Luân tống ngã tình.

                                            Lí Bạch

Dịch thơ:

Lí Bạch cưỡi thuyền toan xuất phát,

Trên bờ bỗng rộn tiếng đàn ca.

Đào Hoa đầm nước sâu ngàn thước,

Khôn sánh tình Uông Luân tiễn ta!

                                             N.K.P dịch

  1. VÔ ĐỀ(1)

Phiên âm:

Triều hồi nhật nhật điển xuân y,

Mỗi tựu giang đầu tận túy qui.

Tửu trái tầm thường hành xứ hữu ,

Nhân sinh thất thập cổ lai hi.

Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện,

Điểm thủy thanh đình khoản khoản phi.

Thế thượng tự do chân lạc thú,

Thời nhân thùy thức ngã hà vi?

                                              Đỗ Phủ

Dịch thơ:

Bản1 (2)                       

Khỏi bệ vua ra cố áo hoài,

Bến sông say khướt tối lần mai.

Nợ tiền mua rượu đâu không thế,

Sống bảy mươi năm dễ mấy người.

Bươm bướm luồn hoa phơ phất lượn,

Chuồn chuồn giỡn nước lửng lơ chơi.

Ngẫm cho quang cảnh thường thay đổi,

Tạm chút chơi xuân kẻo nữa hoài.

                                        Tản Đà dịch

Bản 2:

Tan chầu: áo đẹp tựa mùa xuân,

Mỗi bữa say về, tự bến sông.

Nợ rượu tầm thường mà vẫn đến,

Tuổi đời hiếm thấy bảy mươi đông.

Bươm bướm vờn hoa, bay thấp thoáng,

Chuồn chuồn chấm nước, lượn chao vòng.

Tự do là thú vui chân chính,

Ta đã làm chi – ai biết không?

                                    Việt Thanh PHẠM VŨ LỘC (Đôn Thư) dịch

 

TUYỆT CÚ

 

Phiên âm:                     

Lưỡng cá hoàng li minh thúy liễu,

Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên.

Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết,

Môn bạc Đông Ngô vạn lí thuyền.

Đỗ Phủ

 

Dịch thơ:                                 TUYỆT CÚ

 

Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc,

Một hàng cò trắng vút trời xanh.

Nghìn năm tuyết núi song in sắc,

Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình.

Tản Đà dịch

TRÌ THƯỢNG

 

Phiên âm:                     

Tiểu oa sanh tiểu đĩnh

Thâu thái bạch liên hồi

Bất giải tàng tung tích

Phù bình nhất đạo khai.

Bạch Cư Dị

Dịch thơ:                                 TRÊN AO

 

Cô em bơi chiếc thuyền con,

Bẻ hoa sen trắng, lon xon trốn về.

Ngây thơ, chẳng biết giấu che,

Mặt bèo còn rẽ lối đi rành rành.

Trần Trọng Kim dịch

Có thể nói, thơ Đường có ảnh hưởng hết sức to lớn và sâu rộng đến văn học thế giới. Mà Việt Nam là một trong những nước láng giềng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Trong đó, ảnh hưởng mạnh nhất phải kể đến là về thể loại. Làm nảy sinh thể loại thơ Đường luật, tồn tại đến ngày nay và có lẽ còn mãi mãi về sau. Vì thể loại này mô phỏng thi luật thơ đời Đường, áp dụng cho thơ ngũ ngôn (câu thơ 5 âm tiết) và thơ thất ngôn (câu thơ 7 âm tiết). Có 4 dạng cơ bản là: ngũ ngôn (tứ tuyệt, bát cú), thất ngôn (tứ tuyệt, bát cú). Thể chính qui là thể bát cú. Thể tứ tuyệt (4 câu), về lí thuyết, được xem như ngắt ra từ bài bát cú. Có 4 cách ngắt:

  1. Ngắt lấy 4 câu trên, thành bài thơ 3 vần (ở cuối các câu 1, 2, 4), hai câu trên không đối nhau, hai câu dưới đối nhau.
  2. Ngắt lấy 4 câu giữa, thành bài thơ 2 vần (ở cuối các câu 2, 4), cả 4 câu đối nhau từng đôi một.
  3. Ngắt lấy 4 câu dưới, thành bài thơ 2 vần (ở cuối các câu 2, 4), hai câu trên đối nhau, hai câu dưới không đối nhau.
  4. Ngắt lấy hai câu đầu và hai câu cuối, thành bài thơ 3 vần (ở cuối các câu 1, 2, 4), cả 4 câu không có đối.

 Ở Trung Quốc, người ta gọi thể thơ này là thơ “cận thể” để phân biệt với thơ cổ thể, gọi là “cổ phong” có từ trước đời Đường.

Cách luật của thể thơ này rất chặt chẽ, gồm các yêu cầu về vần, đối, luật, niêm, cách bố cục:

– Về vần (chữ Hán “vận”), chỉ những âm tiết có chung phần vần hoặc phần vần tương đối gần nhau: Thơ Đường luật thường dùng vần bằng, ít dùng vần trắc. Mỗi bài thơ chỉ dùng một vần (độc vận). Một bài thơ thất ngôn bát cú có cả thảy 5 chỗ gieo vần, gieo ở cuối câu đầu và cuối các câu chẵn tức là chỉ dùng vần chân (cước vận). Trường hợp dùng vần sai lạc (lạc vận) hoặc gượng ép (cưỡng áp) đều là sai luật.

– Về đối (đặt sóng đôi sao cho chữ và ý đối xứng nhau) gồm: đối ý – hai ý tưởng cân xứng nhau, đối chữ – đối về thanh điệu giữa các chữ (bằng đối trắc và ngược lại) và tương xứng về từ loại (cùng danh từ hoặc cùng động từ…). Một bài thơ Đường luật bát cú phải có đối ở 4 câu giữa bài (câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6).

– Về luật (chủ yếu nói về luật bằng trắc) là sự qui định về cách phân bố các âm tiết mang thanh bằng hoặc thanh trắc. Nếu âm tiết thứ hai của câu thứ nhất là thanh bằng thì bài thơ thuộc luật bằng, nếu là thanh trắc thì bài thơ thuộc luật trắc.(Như vậy sẽ có 4 dạng: luật bằng vần bằng, luật trắc vần bằng, luật bằng vần trắc và luật trắc vần trắc; hai dạng sau hầu như không có). Sự sắp xếp theo luật này tạo cho ở mỗi câu, các cặp bằng trắc lần lượt thay nhau. Ở mỗi cặp câu (còn gọi là  “liên”, các âm tiết tương ứng ở các câu số lẻ và số chẵn phải mang thanh điệu ngược nhau (trừ âm tiết thứ 5 và thứ 7 ở liên đầu). Có thể nêu thành sơ đồ về luật bằng trắc cho thể ngũ ngôn bát cú và thể thất ngôn bát cú.

Ví dụ thể thất ngôn bát cú luật bằng (viết tắt: b (bằng), t (trắc), v (vần); những chữ in đậm là bắt buộc theo luật, những chữ khác là “bất luận” sẽ nói sau):

 

THU ĐIẾU (Nguyễn Khuyến)

 

Câu 1 Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
b b t t t b b (v)
Câu 2 Một chiêc thuyền câu tẻo teo
t t b b t t b (v)
Câu 3 Sóng biếc theo làn hơi gợn
t t b b b t t
Câu 4 vàng trước gió sẽ đưa vèo
t b t t t b b (v)
Câu 5 Tầng mây lửng trời xanh ngắt
b b b t b b t
Câu 6 Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
t t b b t t b (v)
Câu 7 Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
t t b b b t t
Câu 8 đâu đớp động dưới chân bèo
t b t t t b b (v)

 

Việc theo đúng qui định về bằng trắc như trên là rất khó, nên cũng có lệ “bất luận” (có một số vị trí không cần đúng luật). Lệ này là: “Nhất tam bất luận, nhị tứ phân minh”(âm tiết thứ nhất và thứ 3 không cần đúng luật) cho thể ngũ ngôn; tương tự: “nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh” cho thể thất ngôn. Nhưng, như vậy có thể khiến cho câu thơ thành ra khó đọc (khổ độc). Các trường hợp “khổ độc” đều là sai phạm, gọi là “thất luật” (sai luật).

– Về niêm (nghĩa đen “dính”) là sự gắn bó về âm luật giữa hai câu thơ: chúng niêm với nhau khi âm tiết thứ hai của chúng theo cùng một luật (cùng bằng hoặc cùng trắc). Ở một bài Đường luật bát cú, những câu phải niêm với nhau là: 1 với 8, 2 với 3, 4 với 5, 6 với 7, 8 với 1. Khi các câu thơ không niêm với nhau thì gọi là “thất niêm”, một sai phạm không được mắc.

– Về bố cục, một bài bát cú gồm có 4 phần (mỗi phần 2 câu):

 + Đề gồm phá đề (câu 1) là mở bài, và thừa đề (câu 2) là nối vào câu phá mà vào bài.

+ Thực hoặc trạng là giải thích rõ ý của đầu bài.

+ Luận là bàn rộng về nghĩa của đầu bài.

+ Kết là tóm tắt ý nghĩa của toàn bài mà thắt lại.

– Về nhịp, câu thơ Đường luật ngắt theo nhịp 4/3 (thất ngôn) hoặc 2/3 (ngũ ngôn).

Đường luật là thể thơ chặt chẽ nên dễ thành gò bó. Vì vậy, ngoài biệt lệ về “bất luận” còn có thêm biệt lệ về “chiết vận” (bớt vần). Theo đó, bài 8 câu còn 4 vần, bài bốn câu còn 2 vần; nhưng 2 câu trốn vần phải đối nhau, gọi là “song phong”. Người ta cũng đặt tên cho các “bệnh” thường hay mắc trong thể này như “khổ độc”, “phong yêu” (chữ thứ tư hiệp vần với chữ thứ 7), “hạc tất” (một câu thơ bị cắt làm 3 nhịp). Ngược lại, các nhà thơ thành thạo lại có lối chơi cố ý đặt sai một số vần tạo ra các dạng như “cô nhạn xuất quần’ (nhạn lẻ ra bầy), “cô nhạn nhập quần” (nhạn lẻ vào bầy)…

Thơ Đường luật vào Việt Nam từ khá sớm. Thời kì văn học trung đại, đã có những tác giả lớn với nhiều sáng tạo độc đáo đạt tới mẫu mực đỉnh cao bằng cả chữ Hán và chữ Nôm như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Vũ Phạm Hàm, Tản Đà… Thơ Đường luật cũng được đưa vào thi cử theo Nho học nên nó cũng trở thành lối văn cử nghiệp, rất phổ biến trong giới nho sĩ. Ngoài những thể tài theo văn học Trung Hoa, các nhà thơ Việt Nam còn sáng tạo nhiều lối thơ có cách chơi chữ thú vị…

Xin mời quí vị thưởng thức hai bài thơ độc đáo sau, để thấy tài năng và thú chơi của người làm thơ Đường luật giỏi, giúp ta thư giãn một chút:

VÔ ĐỀ(1)

(theo lối “vĩ tam thanh”: 3 tiếng cuối câu thơ gần âm với nhau)

Tai nghe gà gáy tẻ tè te

Bóng ác vừa lên hé hẻ hè

Non một chồng cao von vót vót

Hoa năm sắc nở lóe lòe loe

Chim tình bầu bạn kia kìa kỉa

Ong nghĩa vua tôi nhé nhẻ nhè

Danh lợi mặc người ti tí tị

Ngủ trưa chửa dậy khỏe khòe khoe.

Khuyết danh

KHÔN DẠI (2)

(độc vận: từ đầu đến cuối bài chỉ có một vần)

Ở đời có dại mới nên khôn

Chớ dại ngây si, chớ quá khôn

Khôn được ích mình đừng để dại

Dại thường giữ phận chớ tranh khôn

Khôn mà hiểm độc là khôn dại

Dại vốn hiền lành ấy dại khôn

Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại

Được thời dại cũng hóa nên khôn.

Nguyễn Bỉnh Khiêm

Có thể thấy, thơ Đường luật có những nguyên tắc, qui định cực kì khắt khe, chặt chẽ, gò bó. Nhưng chính điều đó lại làm nên cái hay và sự lí thú cho thể loại này. Vì số lượng câu chữ ít nên đòi hỏi người làm thơ phải chọn lọc, tinh tuyển ngôn ngữ, sao cho thể hiện được một cách tinh tế nhất ý tưởng của mình. Do đó, bài thơ Đường luật thường cực kì hàm súc, cô đúc, “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời), lời ít ý nhiều, thâm thúy, sâu sắc. Tìm hiểu mãi cũng chưa chắc đã thấy hết ý nghĩa của nó, nhất là thơ chữ Hán. Một bài Đường luật nhiều nhất chỉ có tổng cộng 56 chữ (thất ngôn bát cú), bài ngũ ngôn tứ tuyệt lại chỉ vẻn vẹn có 20 chữ. Vậy mà, nó đề cập từ những vấn đề lớn của nhân sinh, thời đại, nhân loại, thế sự, thiên nhiên, chuyện “quốc gia đại sự”… đến cả những chuyện đời thường hay những khoảnh khắc tâm trạng vui, buồn, sướng, khổ, “hỉ, nộ, ái, ố”, đủ các cung bậc, sắc thái tình cảm, cảm xúc … của mỗi người, nhiều khi khó có thể có lần thứ hai. Người làm thơ lại còn phải cẩn thận kẻo mắc phải sai phạm về luật. Bởi, nếu không để ý một chút là phạm luật ngay. Mà khi đã phạm luật thì bài thơ có thể không còn là thơ Đường luật nữa hoặc giá trị của nó giảm sút đi, tùy theo việc phạm luật nhiều hay ít. Điều này cũng là những thử thách thú vị cho người làm thơ, những người thích vui chơi cùng nghệ thuật chữ nghĩa, văn chương. Cho nên, thà làm được ít bài thơ “kết tinh chất Đường” còn hơn làm  nhiều thơ gọi là “Đường” mà không “ngọt” (“quí hồ tinh bất quí hồ đa”).

Thực ra, dù niêm luật chặt chẽ như vậy nhưng “sân chơi” Đường luật vẫn có “đất” cho sự sáng tạo của người yêu thích thể thơ này. Đó là, người làm thơ chỉ cần không phạm 3 điều cấm kị như với luật pháp nhà nước (ai vi phạm thì phải chịu hình phạt tùy theo tội nặng hay nhẹ): Luật bằng trắc và vần; luật về niêm; luật về đối (trong thơ bát cú). Những trường hợp “phá cách” chỉ là cá biệt và hợp lệ. Còn thì tha hồ mà “nhảy múa” về đề tài, chủ đề, cảm hứng, giọng điệu, nhịp điệu, âm điệu (ở những chỗ “bất luận”), bố cục, sử dụng câu chữ , hình ảnh… “Cái khó” sẽ “ló cái khôn”. Chính vì vậy, mà từ xưa trong văn học Trung Quốc và Việt Nam đã có biết bao kiệt tác, in đậm dấu ấn cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ, đạt đến đỉnh cao của tư tưởng, tình cảm, trí tuệ, tâm hồn và nghệ thuật ngôn từ, còn lại mãi với thời gian vô tận, vô cùng (như trên đã nói).

Ở đời, mỗi người có quan điểm, suy nghĩ, lối sống, sở thích, thú vui riêng, không ai giống ai. Làm văn chương và thưởng thức văn chương, làm thơ và thưởng thức thơ nói chung, làm thơ Đường luật, thưởng thức thơ Đường luật và xướng họa thơ Đường luật nói riêng là thú vui của con người, một trong 4 thú chơi đã có từ xưa (cầm, kì, thi, tửu). Ai chọn “thi” sẽ thấy có cái “khoái” riêng. Có người còn quan niệm, thơ Đường luật là loại thơ cao sang, quí phái, quí tộc… Thú lắm!

Trong các thể thơ Đường luật thì thể thất ngôn bát cú là phổ biến và hay hơn cả. Thích nhất là trong bài thơ có hai cặp câu đối. Vì càng thấy được câu chữ, hình ảnh đối chỉnh bao nhiêu càng “sướng” bấy nhiêu. Nhưng câu chữ, hình ảnh phải thật sự tinh tế, sâu sắc, chứ không phải chỉ đối ở cái vỏ âm thanh, từ ngữ, kiểu như nhà văn Nguyễn Công Hoan đã từng chế giễu:

Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc

Thánh sâu gươm quan gừng tam cò.

Đúng là đối chan chát từng chữ một nhưng (câu 2) vô nghĩa, ngớ ngẩn quá!…

Sau đây, xin lấy ví dụ các thể Đường luật cơ bản với những tác phẩm thực sự “lịm ngọt”chất “Đường”:

 

Ngũ ngôn tứ tuyệt:       TỤNG GIÁ HOÀN KINH SƯ

 

Phiên âm:                     

Đoạt sóc Chương Dương độ

Cầm Hồ Hàm Tử Quan

Thái bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san.

Trần Quang Khải

 

Dịch thơ:                       PHÒ GIÁ VỀ KINH

 

Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân Hồ

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu.

Trần Trọng Kim dịch

 

Ngũ ngôn bát cú:                   MẶT TRĂNG

 

Vằng vặc bóng thuyền quyên

 Mây quang gió bốn bên

Nề cho trời đất trắng

Quét sạch núi sông đen

Có khuyết nhưng tròn mãi

Tuy già vẫn trẻ lên

Mảnh gương chung thế giới

Soi rõ: mặt hay, hèn.

Khuyết danh

 

DỤC THÚY SƠN

 

Phiên âm:                     

Hải khẩu hữu tiên san,

Tiền niên lũ vãng hoàn.

Liên hoa phù thủy thượng,

Tiên cảnh trụy trần gian.

Tháp ảnh trâm thanh ngọc,

Ba quang kính thúy hoàn.

Hữu hoài Trương Thiếu bảo,

Bi khắc tiển hoa ban.

Nguyễn Trãi

 

Dịch thơ:                         NÚI DỤC THÚY

 

Cửa biển có non tiên,

Từng qua lại mấy phen.

Cảnh tiên rơi cõi tục,

Mặt nước nổi hoa sen.

Bóng tháp hình trâm ngọc,

Gương sông ánh tóc huyền.

Nhớ xưa Trương Thiếu bảo,

Bia khắc dấu rêu hoen.

Khương Hữu Dụng dịch.      

 

Thất ngôn tứ tuyệt:                NGÔN HOÀI

Phiên âm:                     

Trạch đắc long xà địa khả cư,

Dã tình chung nhật lạc vô dư.

Hữu thì trực thượng cô phong đính,

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Không Lộ Thiền sư

Dịch thơ:                            TỎ LÒNG

 

Kiểu đất long xà chọn được nơi,

Thú quê nào chán suốt ngày vui.

Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng,

Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.

Phan Võ dịch

PHỐ HÀNG SONG

 

Ở phố Hàng Song thật lắm quan

Thành thì đen kịt, Đốc thì lang

Chồng chung, vợ chạ, kìa cô Bố

Đậu lạy, quan xin, nọ chú Hàn.

Trần Tế Xương

ĐỐI CÚC

 

Phiên âm:           

Ức nhân như cúc, cúc như nhân

Liêm quyển tây phong tửu bán huân

Nguyệt đạm sương thanh thu kính tiểu

Phân minh sắc tướng nhận tiền thân

Vũ Phạm Hàm

Dịch thơ:                       TRƯỚC HOA CÚC

Nghĩ ta là cúc, cúc là ta?

Gió tây rèm cuốn, rượu la đà.

Trăng nhạt, sương trong, lối thu nhỏ

Phân minh cúc ấy, tiền thân a?

Nguyễn Minh Tường dịch

Thất ngôn bát cú:         ĐỘC TIỂU THANH KÍ

Phiên âm:           

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh lụy phần dư,

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kì oan ngã tự cư.

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Nguyễn Du

Dịch thơ:                       ĐỌC TẬP “TIỂU THANH KÍ”

Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.

Son phấn có thần chôn vẫn hận,

Văn chương không mệnh đốt còn vương.

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Vũ Tam Tập dịch

HỒ TÂY TỨC CẢNH

 

Bên quán Hồ Tây, một buổi chiều

Giữa mùa lá rụng, gió hiu hiu.

Dăm con buồm trắng trôi lờ lững,

Đôi cánh chim xanh lượn dập dìu.

Men rượu Lưu Linh, chừng thấm thía…

Hồn thơ Lí Bạch, ý phiêu diêu…

Người đây, cảnh đấy, ai tri kỉ?

Văng vẳng xa đưa tiếng nhạc thiều…

Việt Thanh PHẠM VŨ LỘC (Đôn Thư-Kim Thư-Thanh Oai-Hà Nội)

Xin nói thêm, chúng ta cần phân biệt giữa thơ Đường luật với thơ “cổ phong” và thơ 5 tiếng, 7 tiếng hiện đại. Trong các loại thơ này, người làm thơ có thể kết cấu câu thơ 5 tiếng, 7 tiếng, nhưng không theo luật thơ Đường với những nguyên tắc, qui định khắt khe của nó. Nhưng, có thể thấy, thơ hiện đại chịu ảnh hưởng, tiếp thu  nhiều từ thơ Đường luật, nên có rất nhiều bài thơ mang âm hưởng, hơi hướng của thơ Đường luật về cả nội dung và hình thức. Vì vậy, có thể nói, ở chừng mực nào đó, thơ Đường luật là nền tảng của thơ hiện đại. Xin lấy một ví dụ:

TRÀNG GIANG

Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài

H.C

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

 

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

 

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;

Bâng khuâng không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

 

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa,

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Huy Cận  

Một điều phải lấy làm hạnh phúc, là thơ Đường luật ngày nay vẫn được một bộ phận người viết và người đọc quan tâm, yêu thích. Tôi nhớ đến hai câu thơ của Tế Hanh khi ông than thở về thực trạng đáng buồn ở nước ta trong một thời gian trước đây:

“…Thơ Đường đem gói đường

Thơ Pháp làm giấy nháp…”

 Xót xa thay! Đã có lúc, cùng với số phận của những “ông đồ vẫn ngồi đó – qua đường không ai hay – lá vàng rơi trên giấy – ngoài trời mưa bụi bay” (Ông đồ – Vũ Đình Liên) là “thơ Đường đem gói đường – thơ Pháp làm giấy nháp” như thế đó. May thay, bây giờ thì, “mỗi năm hoa đào nở”, ta lại thấy những “ông đồ “trẻ” –  bày mực tàu giấy đỏ” để lại “hoa tay thảo những nét – như phượng múa rồng bay” và thơ Đường luật vẫn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn học đương đại. “Đường” ấy vẫn “ngọt lịm” thấm thía, dịu mát cả tâm hồn người yêu thơ. Chỉ có thơ “Đường không ngọt” mới đem gói đường mà thôi…

 Vì những lẽ trên, tôi viết bài này, lạm bàn một chút về thơ Đường luật, để chúng ta cùng tham khảo, có thể giúp cho những ai thích tìm hiểu về thơ Đường và thơ Đường luật chút ít khoái cảm thẩm mĩ. Có gì khiếm khuyết, xin được thông cảm!

P.N.T

                                                               Đôn Thư, tháng 7 – 2011.

                                                                      

P/s:

(1) Không nhớ tên, tạm đặt.

(2) Chép theo trí nhớ.

– Bài viết có sử dụng tài liệu về thơ Đường luật trong sách “Từ điển văn học” – NXB Giáo dục – 1997.

– Dẫn chứng trong bài viết có thể có dị bản. Các bản dịch thơ chỉ để hiểu về ý nghĩa, không dùng để xem xét về thể loại, dù đã là hay nhưng vẫn chưa chuyển tải được hết cái hay tiềm tàng của nguyên bản cả về  nội dung và nghệ thuật.