MỘT SỐ CÁCH CHƠI CHỮ TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA VIỆT NAM

 

 MỘT SỐ CÁCH CHƠI CHỮ  
TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA VIỆT NAM                   

 
                                                              Nhật Hồng, Nguyễn Thanh Vân

         Theo Giáo Sư Trần Trọng San trong cuốn Đường Thi, thì đời nhà Đường bên Tàu (618-907), có thể nói là thời đại hoàng kim về thi ca của họ, vì người ta tìm thấy có gần 50 ngàn bài thơ nổi tiếng của hơn 2 ngàn thi nhân còn truyền tụng đến bây giờ. Chẳng những về lượng đã hơn gấp mấy lần so với bảy, tám trăm năm về trước, mà giá trị nghệ thuật cùng những tuyệt tác phẩm bất hủ cũng vượt trội hơn, kể cả các đời sau. Do vậy mà từ trước đến giờ, hễ nói đến thơ Tàu, là hầu như người ta chỉ nói đến thơ Đường mà thôi.
          

 

          Lịch sử thi ca từ phú của Trung Quốc cho đến thơ Đường được hình thành như thế nào, ắt phải cần sự nghiên cứu sâu rộng của những nhà văn học sử. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn đề cập sơ lược đến thơ Đường luật, đã được du nhập vào nước ta như thế nào, và một số cách chơi chữ, chơi thơ của các nhà thơ Việt Nam, mà trong phạm vi hạn hẹp, chúng tôi tìm hiểu được, để cống hiến quý vị thưởng thức trong lúc nhàn như. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng có xen vào một số bài thơ của mình, với mục đích làm phong phú thêm cho bài viết, chứ không dám sánh ngang hàng với những bậc tiền bối thi gia.

          Theo Văn Học Sử Yếu của Giáo Sư Dương Quảng Hàm, thì nền quốc văn của nước ta trước đây chỉ có Tục Ngữ, Ca Dao, nghĩa là loại văn chương bình dân và truyền khẩu. Đến đời Hàn Thuyên, là người đầu tiên biết làm thơ phú bằng quốc âm, nên có thể coi ông là “Ông tổ văn nôm”, loại văn bác học có theo quy tắc nhất định.

          Ông vốn họ Nguyễn, người huyện Thanh Lâm (nay là phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương), đậu Thái Học Sinh về đời vua Trần Thái Tôn (1225-1257). Theo sử chép, mùa Thu tháng Tám năm 1282 đời vua Trần Nhân Tôn, ông đang làm Hình Bộ Thượng Thư, có con ngạc ngư (cá sấu) đến sông Phú Lương (tức sông Nhị Hà). Vua sai ông làm bài văn vất xuống sông. Cá sấu bỏ đi. Vua cho việc ấy giống việc Hàn Dũ bên Tàu cũng làm bài văn đuổi cá sấu (khoảng năm 819), nên cho ông đổi họ Hàn.

          Bài thơ đuổi cá sấu đó, ông làm bằng Hán văn hay Việt văn thì sử không chép rõ. Nhưng sau đó, ông có làm nhiều bài thơ phú bằng quốc ngữ có nhiều người đương thời bắt chước. Vì thế mà đời sau làm thơ quốc âm thường gọi là thơ Hàn luật.

          Thế nhưng, Hàn luật không phải do ông sáng tác ra, đó chỉ là Đường luật (luật thơ phú của nhà Đường bên Tàu) mà ông biết ứng dụng vào làm thơ phú quốc âm thôi. Tuy vậy, công của ông không phải là nhỏ, vì ông biết theo Đường luật làm thơ phú nôm, thì về sau mới có người bắt chước, mà nền văn nôm của nước ta mới bắt đầu thành lập. Cũng từ đó, các văn sĩ không những làm thơ phú, mà còn làm các thể văn khác nữa. Có thể chia các thể văn của ta làm hai loại như sau :

          – Những thể mượn của Tàu như thơ cổ phong, thơ Đường, phú, văn tế, câu đối tứ lục, kinh nghĩa (lối bát cổ)…

          – Những thể thơ của ta là thơ lục bát, song thất lục bát, và các biến thể của hai lối ấy như hát nói, sẩm, lý, hề, điên, các câu nói lối trong tuồng tích… đều thuộc về loại văn vần cả. Còn các lối văn xuôi của Tàu (như tự, bạt, truyện, ký, luận…) thì các cụ ngày xưa ít viết bằng quốc âm. Mãi đến thời Pháp thuộc về sau, ta mới biết dùng đến tiểu thuyết, ký sự, kịch, diễn thuyết… là lối văn xuôi theo Tây học.

          Trong các thể văn thơ mượn của Tàu, thì thơ Đường luật hầu như được ta dùng nhiều hơn hết. Thơ Tàu từ trước đời Đường gọi là thơ Cổ phong hay Cổ thể, không đồng nhất số chữ trong mỗi câu và không có niêm luật bắt buộc. Đến đời Đường mới đặt ra thơ Đường luật, hay còn gọi là thơ Cận thể, có vần, niêm, luật, đối, nhất định. Rồi theo số câu, thơ Đường luật chia làm hai lối :

          1.- Tứ Tuyệt gồm mỗi bài 4 câu.          2.- Bát Cú gồm mỗi bài 8 câu.

          Trong Tứ tuyệt còn chia ra là Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt (mỗi câu 5 chữ), hoặc Thất Ngôn Tứ Tuyệt (mỗi câu 7 chữ). Nhưng Thất Ngôn Bát Cú (7 chữ, 8 câu) rất được ưa chuộng ở nước ta. Bởi vì từ năm 1304, vua Trần Anh Tôn định lại chương trình thi Hội (Tiến sĩ), ngoài những đề thi như kinh nghĩa, chiến, chế, biểu, văn sách… ra, còn bắt buộc mỗi thí sinh phải làm một bài thơ về Đường luật Thất Ngôn Bát Cú trình lên. Thí sinh nào làm dở thì coi như bị đánh hỏng. Các vua sau này còn áp dụng cho cả thi Hương (Cử nhân) nữa. Do đó mà tất cả các nho sinh sĩ tử đều phải am tường về loại thơ này. Phép thi đó lưu truyền qua nhiều thời đại, mãi đến khi chánh quyền Bảo Hộ (thời Pháp thuộc) ra lệnh bỏ lối thi khoa cử cũ, thì thơ Thất Ngôn Bát Cú mới mất dần địa vị độc tôn của nó.

          Như đã nói ở trên, thơ Đường luật phải làm đúng theo vần, niêm, đối, luật, nhưng thơ Tàu không gò ép các câu 3-4 và 5-6 bắt phải đi vào một khuôn khổ nhất định như của nước ta. Có nghĩa là các câu 3-4 và 5-6 của Tàu tuy là phải đối từng cặp, nhưng muốn diễn đạt thế nào cũng được. Còn đối với cách làm thơ Đường luật của ta, thì câu 3-4 vừa phải đối nhau, mà còn đặt là “cặp Thực” hay “cặp Trạng”, bắt buộc hai câu này phải giải thích đầu đề cho rõ ràng. Hai câu 5-6 cũng đối nhau, nhưng đặt là “cặp Luận” bắt buộc phải đem ý của đầu bài mà bàn rộng ra.

          Thơ Đường luật của ta đã khó đến như vậy, nếu không dùng trong khoa cử, thì ít ai học đến. Cũng vì thế mà người làm thơ về thể loại này ngày một ít đi, nhất là giới trẻ hiện nay thường chuộng về thơ mới, thơ tự do, mà ít sở trường về thơ Đường luật nữa. Có thể một vài thập niên tới, loại thơ này phải đành cáo chung, chỉ còn có trong kho tàng văn học cổ mà thôi ! ( Những dự đoán trên có thể là chưa hoàn chỉnh ,bởi lẽ đội ngũ những người yêu thích, sáng tác thơ thể Đường càng đông đảo, trong đó có nhiều thành viên giới trẻ..- Người BT)

          Trong thơ Đường luật của Tàu còn có các lối chơi thơ như Thủ Vĩ Ngâm, Liên Hoàn, Yết Hậu, Lục Ngôn Thể, Liên Ngâm hoặc Liên Cú, Thuận Nghịch Độc, và Họa Vận mà ta cũng có làm theo. Nhưng các cụ nhà ta còn thêm nhiều lối chơi thơ, chơi chữ nữa như thể : Tiệt Hạ, Vĩ Tam Thanh, Song Điệp, vv… để trong lúc trà dư tửu hậu xướng họa làm vui, kể cũng phong lưu tao nhã biết dường bao, âu đó cũng là cái thú thanh cao của thi nhân vậy !  Xin trích dẫn các lối Tiệt Hạ, Vĩ Tam Thanh, Song Điệp theo Việt Nam Văn Học Sử Yếu như sau : 
        
          – Tiệt Hạ : (Tiệt : ngắt; Hạ : dưới) là lối thơ câu nào cũng bỏ lửng như bị ngắt ở cuối, nhưng ý nghĩa rõ rệt, người đọc đoán mà hiểu được. Thí dụ :

Thác bức rèm châu chợt thấy mà…
Chẳng hay người ngọc có hay là…
Nét thu dợn sóng hình như thể…
Cung nguyệt quang mây nhác ngỡ là…
Khuôn khổ ra chiều người ở chốn…
Nết na xem phải thói con nhà…
Dở dang nhắn gởi xin thời hãy…
Tình ngắn tình dài chút nữa là…
                                        Vô Danh

                                                         N.H – N.T V